T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nghĩ về những “cử chỉ đẹp” của nhà nước

clip_image001

(Nhân sự kiện bốn tác giả trong nhóm Nhân văn–Giai phẩm được tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007)

Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời
Trần Dần

1.

Nhà nước Việt Nam vừa công bố Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2007. Trong số những người được giải có tên bốn nhà thơ: Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán và Trần Dần. Riêng nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ “Màu tím hoa sim” nổi tiếng hơn nửa thế kỷ nay (bài thơ này cũng có trị giá tác quyền cao nhất trong lịch sử văn học Việt Nam: 100 triệu đồng Việt Nam hiện hành), tuy cũng có tên trong danh sách đề cử nhận giải nhưng đã không nằm trong danh sách những người trúng giải. Tên tuổi những nhà thơ nói trên không xa lạ gì với người đọc miền Nam Việt Nam từ những năm trước 1975. Họ là những nhà văn thuộc nhóm Nhân văn-Giai phẩm (NVGP) được hình thành vào năm 1956 ở miền Bắc. Chủ trương của nhóm là đòi hỏi quyền tự do sáng tác cho người nghệ sĩ, không chịu lệ thuộc vào sự chỉ đạo của Đảng và nhà nước cộng sản. Vì thế, họ bị trù dập, bị buộc tội là kẻ thù của nhân dân, có người còn bị gán cho tội danh “gián điệp của Mỹ Diệm” như nữ sĩ Thụy An và bị đày vào những trại cải tạo. (Năm 1978, khi ở trại tù Phong Quang, tỉnh Hoàng Liên Sơn, tôi đã được nghe những tù nhân miền Bắc kể về những cơ cực mà bà Thụy An phải chịu đựng khi ở trại tù này và cả câu chuyện bà đã dùng cây nhọn (?) tự đâm mù mắt mình để phản đối sự đàn áp văn nghệ sĩ của giới cầm quyền).
Trong số bốn người được trao giải thưởng văn học nói trên, chỉ có hai người còn sống: Hoàng Cầm – năm nay đã trên 86 tuổi, và Lê Đạt – cũng đã trên 80 tuổi. Hai người khác, nhà văn Phùng Quán đã qua đời năm 1995 và Trần Dần, mất năm 1997. Dư luận trong nước cho rằng hành động nói trên của nhà cầm quyền cộng sản đối với những cây bút chủ chốt của phong trào NVGP 50 năm về trước là “một thái độ ứng xử, một cách nhìn mới, một tư duy mới, một lời xin lỗi cùng các tác giả…” (Báo An ninh thủ đô, số ra ngày 28 tháng 2 năm 2007). Trả lời phỏng vấn của báo chí, nhà thơ Hoàng Cầm nghĩ rằng thái độ đó của nhà nước với nhóm NVGP là “hơi chậm”, nhưng “chậm còn hơn không”. Còn nhà thơ Lê Đạt thì cho rằng đây là “một cử chỉ đẹp” của nhà cầm quyền.
Đáng tiếc hai nhà văn quá cố Trần Dần và Phùng Quán đã không còn cơ hội để bày tỏ thái độ của mình trước hành động được xem là “thiện chí” trên của cái chính thể đã từng vùi dập cuộc đời của hai ông.
Trả lời câu hỏi: “Thời gian đã qua lâu rồi, mọi chuyện cũng đã qua đi, có điều gì làm nhà thơ oán trách mỗi khi ngoái nhìn lại quá khứ?“, nhà thơ Hoàng Cầm đã rất “khéo léo” khi phát biểu:
“Nếu có oán trách thì phải oán trách từ lâu rồi, khi mình đã biết mình, biết người, tôi không hề oán trách ai cả. Mỗi khi cầm bút viết văn, tôi luôn thầm nghĩ rằng con người ta phải biết yêu thương. Thù hận và ghét bỏ thì phải tránh cho xa. Một người nghệ sĩ có cái tâm biết yêu thương thì sáng tác mới hy vọng hay được. Còn nếu trong tâm anh còn thù hận, cái tâm không sáng thì văn chương cũng vứt đi. Một nhà thơ có thể mắc tội ăn cắp bị đưa ra toà, nhưng đó chỉ là sự nhất thời, cái căn bản là phải tìm xem cái tâm anh ta như thế nào, có trong sáng không. Một tác phẩm hay bao giờ cũng chảy ra từ cái tâm trong sáng, còn cái tâm u tối không bao giờ có tác phẩm tử tế được. Trên thế giới cũng vậy, những nhà văn lớn đều có cái tâm lớn. Hơn nữa đây là lỗi do sự ấu trĩ của một số cá nhân của một thời, chứ không phải đường lối của Đảng, Nhà nước là như thế. Bệnh ấu trĩ là bệnh khó tránh khỏi ở một Đảng mới cầm quyền. Trên thế giới ở một số nước cũng vậy, làm sao mà tránh được. Không phải lỗi của Đảng mà cũng không phải là lỗi của Nhân văn. Bây giờ nền kinh tế của ta đã trưởng thành, vững mạnh, người ta mới đủ bình thản để nhìn lại chuyện này. Đó là điều đáng mừng.” (Báo An ninh thủ đô, số ra ngày 28 tháng 2 năm 2007)
Riêng nhà thơ Hữu Loan, có lẽ ông chẳng bận tâm lắm đến cái gọi là “cử chỉ đẹp, tuy hơi chậm” này. Cả đời ông, mãi cho đến ngày hôm nay, vẫn là một thái độ bất khuất. “Cái hồi ấy, ai cũng tôn vinh ông Hồ nhưng mà riêng tôi, tôi bới, chửi luôn ngay trước Đại hội. Cái bữa tôi bới như thế, giới phụ nữ hoan nghênh lắm. Họ mang bao nhiêu là hoa đến tặng, để đầy cái bàn của tôi, và nói rằng “Cái người nói thẳng, nói thật như ông là nên sống để cho dân nhờ, còn cái loại ăn điêu nói hớt thì nên chết lãng bay đi”. (Nhà thơ Hữu Loan – Trả lời phỏng vấn Đài RFA 20 tháng 8 năm 2006). Trong suốt thời gian bị giới lãnh đạo văn nghệ Đảng trù dập, ông là người duy nhất không chịu tham gia học tập, kiểm điểm, mà tự bỏ tất cả, về quê thồ đá, làm ruộng kiếm sống. Đến nay, nhà thơ Hữu Loan vẫn không chịu làm đơn xin khôi phục lại đảng tịch.
Vì thế, theo lời ông Thanh Thảo, một thành viên của hội đồng chấm giải văn học, người đã tận mắt nhìn thấy tên của năm người thuộc nhóm NVGP (Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt) có tên trong danh sách được sự đồng thuận tuyệt đối của hội đồng, đề nghị cho nhận giải. Nhưng sau đó thì “Người thứ 5 – Hữu Loan – đã bị gạt tên bởi Hội đồng quốc gia. Lý do không được công bố, và người ta chỉ có thể đoán vì thế này vì thế kia…” (Thanh Thảo, Diễn đàn, 25 tháng 2 năm 2007).
2.
Trước đó, hôm 8 tháng 2 năm 2007, ông Nguyễn Hữu Đang, vị thủ lĩnh thực sự của nhóm NVGP, qua đời. Tang lễ, ngoài sự tham dự của những người ngưỡng mộ sự đảm lược của ông với tư cách thủ lĩnh NVGP, còn có vị đại diện của cấp lãnh đạo trung ương (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Trong bài điếu văn đọc trước linh cữu người quá cố của vị đại diện này, có đoạn như sau: “Từ tháng 11 năm 1954 đến tháng 4 năm 1958 làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam. Trong thời gian này cụ mắc sai lầm tham gia nhóm Nhân văn-Giai phẩm. Sau khi được trở lại quyền công dân, cụ được Đảng, Nhà nước có chính sách đãi ngộ và chăm sóc chu đáo. (Điếu văn cụ Nguyễn Hữu Đang, ông Quang Quý, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đọc lúc 11 giờ 30 ngày 10/2/2007 tại tang lễ ông Nguyễn Hữu Đang – Trích lại từ diễn đàn talawas ngày 12 tháng 2 năm 2007).
Ông Nguyễn Hữu Đang qua đời năm ông 94 tuổi. Vì vụ NVGP, ông bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xử án 15 năm tù giam (cùng với nhà văn Thụy An), nhưng thực ra, phải sau 18 năm lăn lóc hết nhà tù này đến nhà tù nọ, ông mới được thả. Ra tù, ông vẫn kiên quyết theo đuổi con đường đã chọn của mình. Cả thời tuổi trẻ bị đày ải chốn lao tù, đến khi được tự do thì tuổi đã già, ông không có cơ hội để lập một mái gia đình riêng. Một số nhà văn sinh sau đẻ muộn cảm phục tư cách ông, đã gọi ông là một bậc hào kiệt. Trong suy nghĩ của họ, ông chính là biểu trưng sống cho sĩ khí của sĩ phu Bắc Hà. Ông đã sống và chết như một nhân sĩ luôn trung thực và can đảm. Chung quanh quan tài ông là những vòng hoa chân thành nhất của những người ngưỡng mộ nhân cách ông. Mặc dù ông không có vợ con nhưng đứng bên quan tài ông để nhận lời chia buồn của thân hữu bạn bè, có hai người phụ nữ chít khăn tang thay chồng. Đó là vợ của hai nhà văn thuộc nhóm NVGP đã quá cố: Phùng Quán và Phùng Cung.
Hà Nội sắp bước vào kỷ niệm một nghìn năm. Mảnh đất văn vật còn lại quá ít những người còn xứng đáng với danh hiệu sĩ phu Bắc Hà. Một trong những người hiếm hoi ấy vừa nằm xuống. Đau đớn thay, lời ai điếu đọc trước vong linh của người quá cố vẫn cứ lải nhải mấy lời đạo đức giả với một giọng điệu cạn tình cạn nghĩa: “Trong thời gian này cụ mắc sai lầm tham gia nhóm Nhân văn-Giai phẩm”.
Và chỉ hơn hai tuần lễ sau những lời ai điếu đạo đức giả ấy, nhà nước chính thức trao giải thưởng văn học nghệ thuật cho những người đã từng một thời sát cánh cùng ông Nguyễn Hữu Đang trong vụ NVGP.
3.
Cũng những ngày cuối tháng hai vừa qua, cựu linh mục, nhà trí thức thiên tả nổi tiếng của Sài Gòn trước 75, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan qua đời. Ông cũng thọ hơn 70 tuổi. Dù dưới thời Việt Nam Cộng hòa hay dưới thời cộng sản cai trị, ông cũng đều là cái gai trong mắt chính quyền. Chỉ khác một điều, dưới chế độ cộng sản, cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan không được tự do muốn làm gì thì làm như trước nữa. Dầu vậy, bằng mọi hình thức kháng cự mà ông có thể tận dụng để bảo vệ chính kiến của mình, ông đã chứng tỏ mình không giống như những nhà trí thức thiên tả khác như Lý Chánh Trung, Lý Quý Chung, v.v…
Tin cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan từ trần, ở trong nước, không được biết đến nhiều. Trên phương tiện truyền thông chính thống, chỉ có bài viết của Trần Bạch Đằng, vốn là một chính ủy văn hóa mẫu mực, nhắc đến sự kiện này. Cần phải nghĩ như thế nào về thái độ này. Tôi xin dẫn ra đây ý kiến của một người đang sống trong nước:
Tôi đang đi xa nhà, được tin anh Nguyễn Ngọc Lan vừa qua đời. Không quen biết anh nhiều … song tôi thấy xúc động, tôi hỏi: tin từ đâu?… Tin từ báo Thanh niên… Có lẽ là báo duy nhất hiện nay đưa tin này ở SG.
Vào web Thanh niên, tìm thấy bài của ông Trần Bạch Đằng. Đọc nhanh, tôi thấy phân vân, không tránh khỏi ý nghĩ: ‘nếu không phải ông này viết thì chắc báo này chẳng dám đưa tin’. Và tự hỏi:… nước mắt ấy là nước mắt nào đây?… Chắc người ta lại sắp ‘vinh danh’ Nguyễn Ngọc Lan, cũng như vừa trao giải thưởng lớn cho Trần Dần, Phùng Quán… Ông Trần Bạch Đằng hứa hẹn sẽ in lại tuyển tập Nguyễn Ngọc Lan…., dĩ nhiên những bài viết ca ngợi chế độ ta.
Con người khi sống nhân cách bị/được nhân đôi, cuộc sống thì được chia vùng… Khi sống thì bị đày đọa vùi dập, đến khi chết thì được vinh danh… Chắc khi đọc điếu văn, ông đại diện Hội Kính Chúa Yêu nước sẽ nói: ‘ông đã đóng góp tốt cho cách mạng, song có thời kỳ bị sai lầm!...’
Cái nước ta nó thế!” (Nguyễn Minh Thọ Diễn đàn Forum 2 tháng 3 năm 2007)
Dư luận ngoài nước, tất nhiên, cũng không hẳn đều đồng tình về trường hợp cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan và những hoạt động có lợi cho cộng sản của ông thời gian trước 1975. Nhưng ít nhất, có một sự tôn trọng người vừa nhắm mắt qua đời. Cái đúng – sai ở một con người nhiều khi rất khó để buông một phán xét dứt khoát như việc cầm cái búa lên mà đóng một lần cuối cùng chiếc đinh trên nắp quan tài. Đối với người sống thì may ra còn có dịp sửa chữa, xin lỗi, bù đắp. Người chết thì đã xong, có xin lỗi thì oan khuất cũng đã tạo, nghiệp chướng cũng đã xây. Vì thế, người Việt Nam có câu “Nghĩa tử nghĩa tận”. Chẳng ai đến trước linh cữu một người rồi mở miệng nói như một cái máy phát băng đã nhão: “Có một thời ông/bà đã mắc sai lầm”.
Vậy mà điều ấy đã xảy ra, từ cửa miệng người đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – cái bộ vốn lãnh trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ nhân cách, tri thức.
4.
Cải cách ruộng đất. Nhân văn-Giai phẩm. Cải tạo công thương nghiệp. Những nhà tù khổng lồ mọc lên trên thân thể đất nước sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cuộc chiến tranh 30 năm khốc liệt. Những thảm họa lẽ ra có thể tránh được. Những vết thương cứa vào lòng người, để lại những cơn đau âm ỉ. Mỗi khi trái gió trở trời, cái nhức buốt của vết thương cũ lại tấy lên như thể vẫn còn mưng mủ.
Lần giở những trang sách cũ, nhìn nhận những sai lầm, theo cách nói của người trong nước hiện nay, là một thái độ sòng phẳng với quá khứ, để xây dựng niềm tin cho hiện tại và tạo sức mạnh hướng tới tương lai. Vấn đề đặt ra là: Liệu những con người đã từng vượt Trường Sơn vào Nam mang theo trong lòng ảo tưởng giải phóng một nửa đất nước “nghèo khó, bị kìm kẹp bởi Mỹ Ngụy”, lần này có dám vượt “Trường Sơn” một lần nữa, cái rặng Trường Sơn cao ngất được dựng nên từ những vị kỷ cá nhân, từ lòng kiêu hãnh giả tạo và từ những đồng đô-la Mỹ béo bở để mở mắt ra nhìn nhận những sai lầm chết (bao nhiêu con) người của mình mà đấm ngực thống hối?
Đã chắc gì việc trao giải thưởng văn học nghệ thuật quốc gia cho các nhà văn trong nhóm NVGP là “sự ghi nhận một thái độ trở về lại với sự thật, tôn trọng và nhìn thẳng vào sự thật, một ứng xử chính trị nhằm khẳng định một cách nhìn mới, một tư duy mới mở đường cho phát triển trong thời đoạn lịch sử mới? ” như hiện nay dư luận trong nước đang cố nuôi hy vọng? Nếu quả thật như thế, sao mới trước đó hai tuần lễ, họ lại nỡ đứng trước quan tài ông Nguyễn Hữu Đang, thủ lãnh của nhóm NVGP, nói ra một lời tận tuyệt: cụ mắc sai lầm tham gia nhóm Nhân văn-Giai phẩm? Nếu quả thật như thế, sao họ lại gạt tên nhà thơ Hữu Loan ra khỏi danh sách nhận giải? Vì tác giả “Màu tím hoa sim” đã không “biết điều” như tác giả Về Kinh Bắc – nhà thơ Hoàng Cầm?
Hay lại đành nói theo kiểu một nhà văn trong nước: Cái nước mình nó thế.
_______________________________________________________________________________

© T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search