T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 11)

Chữ nghĩa trong thơ

Còn nhớ, mùa hè năm 1988, Dư Thị Hoàn đã làm cho cả giới văn học Việt Nam thẹn thùng sững sờ vì những vần thơ táo bạo của mình:

“…Sau phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em…”
(Tan vỡ – Lối nhỏ)
Bài thơ ấy đã dấy lên một cơn bão những lời xỉ vả của những nhà phê bình và những nhà thơ tên tuổi, những người vốn quen với hình ảnh các cô thiếu nữ Việt Nam e lệ, kín đáo, khép nép. Không thể có một hình ảnh khác! Họ la lối như bị lấy mất đi một cái gì quý báu lắm. Người phương Đông vốn quen che đậy những ý nghĩ của mình về “chuyện ấy”, thà cứ lấp lửng như nữ sĩ họ Hồ, đằng này… Những khao khát thầm kín ấy, khi được người phụ nữ thốt ra, hay làm chạm nọc các vị tu mi nam tử, cứ như là họ có lỗi trong chuyện để cho phụ nữ có những ý nghĩ vơ vẩn như vậy trong đầu.

 

Từ điển văn học bộ mới

Vừa được phát hành đầu năm 2005. Nói là tái bản của Từ Điển cùng tên, ra đời trước đây hai mươi năm và có nhiều thay đổi cái nhìn mới, tư duy mới, và cái mới nghiêm túc. Một ví dụ đánh dấu cởi mở, là nhiều tác giả miền Bắc và miền Nam và nhiều tiết mục đã được thay thế hoàn toàn…Tuy nhiên một số chi tiết cần được bổ khuyết hay điều chỉnh:

Soạn giả đề mục này có vẻ là chuyên gia của Thơ Mới và văn chương tiền chiến ; viết về Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh, từ 1984, ông ghi là xuất bản tại Hà Nội, khi mọi người đều biết là tại Huế. Sai nhỏ thôi, nhưng nhỏ lớn gì, sai vẫn là sai. Cái điều lạ lùng là từ hai mươi năm nay độc giả hay các chuyên gia văn học không ai mách để ông sửa một lỗi sơ đẳng như vậy. Ngoài ra còn một số khiếm khuyết khác như:

– Chèo, ký hoạ của Bùi Xuân Phái.

– Huy Cận sinh năm 1919 nhưng không phải ngày 31-5 ; ngày này là do ông cậu bịa đặt khi làm giấy khai sinh lúc Huy Cận vào trường huyện, đã lên 8 tuổi. Chính Huy Cận đã nhiều lần công bố điều này.

– Tô Hoài không sinh ngày 7 tháng 9. Ông ấy không biết ngày sinh, được bà cụ kể là sinh đêm Trung Thu 16 tháng 8, suy ra dương lịch là ngày 27-9-1920, các thư tịch Hội Nhà Văn đều ghi đúng.

– Nhà văn Tam Lang mất tại TPHCM ngày 7-1-1986 chứ không phải 1983.

– Kịch tác gia Vi Huyền Đắc, sinh ngày 19 tháng 1 năm 1899, chứ không phải 18-12, tại Hải Phòng chứ không phải Trà Cổ, Quảng Ninh là chính quán, theo báo Văn, Sài Gòn, số 136, ngày 1-10-1969.

– Thế Lữ tên là Nguyễn Đình Lễ ; Khái Hưng tên là Trần Khánh Giư, vân vân…

(Đặng Tiến – Chimviet.free.fr)

 

Nguồn gốc tiếng Việt

Ông Bình Nguyên Lộc đã chứng minh khi đối chiếu các danh từ Việt với các dân tộc chủng Cổ Mã Lai, nếu ta không giống Chàm thì cũng giống Khơ Me, không giống Khờ Me thì cũng Thái, không giống Thái thì cũng giống người Thượng. Tóm lại danh từ Việt thế nào cũng giống danh từ của nhóm dân cùng chủng Cổ Mã Lai nào đó.
Sau đây là một số bản đối chiếu ngôn ngữ của ông:
Việt Nam : Cá (Mã Lai : Ká). Việt Nam : Cột (Sơ Ðăng : Kơt). Việt Nam : Mắt (Sơ Ðăng : Mat). Việt Nam : Mặt trăng (Bà Na : Mạt tlăng). Việt Nam : Sông (Mã Lai : Sôngai). Việt Nam : Chim (Mường : Chim). Việt Nam : Con “cái” (Mường : Kon”. Việt Nam : Ngày (Mường : Ngai). Việt Nam : Con ruồi (Bà Na : Ko Rooi).

(Tĩnh Túc – thanh.nguyen@student.uni-ulm.de)

 

Người Việt sửa thơ Tầu

Chuyện là con của Cao Tông đời sơ Đường, được cha phong là Đằng Vương, nên xây một cái gác bên bến Tầm Dương để bằng hữu thi thơ tác phú. Vương Bột lúc ấy mới 15 hay 16 tuổi đến thả thơ để lưu danh thiên cổ với hai câu trong bài Đằng Vương Các Tự:

Lạc hà dữ cô lộ tề phi

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc

Vậy mà có người cho là Vương Bột còn dốt nhưng không chỉ dốt chỗ nào, vì thế năm 29 tuổi, họ Vương đi thăm cha là Thái Sử ở Giao Chỉ và bị đắm thuyền chết ở gần xã Thổ Thành, Nghệ An. Hồn vất vưởng không siêu thóat nên mỗi lần mưa gió lại hiện lên, níu áo văn nhân sĩ tử qua đường, ai óan ngâm thơ của mình và hỏi dốt ở chỗ nào, xin chỉ giáo, dân làng lập đàn cúng tế cũng không xong. May có trạng nguyên Hồ Tông Thốc đời Trần dưới đời vua Trần Nghệ Tông.

Nhân lễ Nguyên Tiêu, ông ghé Nghệ An, đạo nhân Lê Pháp Quan nghe được kỳ thọai miếu thần, nên mời vào miếu thờ Vương Bột để cầu an cho trăm họ. Hồ Tông Thốc thắp hương lâm râm khấn với Vương Bột tự Tử An, cái tên như vận vào người nên chết vẫn không yên thân rằng: “Hai câu ấy không phải là sai, nhưng nhà ngươi còn dốt thật, đã bao năm có tiếng là Tứ Kiệt của sơ Đường mà chẳng nhận ra điều ấy ư. Vậy thì mỗi câu bỏ một chữ, như “tề phi” là cùng bay thì không cần chữ “dữ” nghĩa là…“với” nữa. Câu thứ nhì vì rằng “nhất sắc” tức một màu thì không cần chữ “cộng” là…“cùng” nữa.

Từ đấy hồn ma Vương Bột biến mất, dân không phải đốt vàng mã cúng tế nữa.

(Trương Quang – báo Ngày Nay)

 

Thành ngữ trong Tự điển thành ngữ tiếng Việt

Từ điển phải là khuôn vàng thước ngọc cho người tra cứu nó, vì vậy người làm từ điển phải sàng lọc mà loại bỏ những hình thức ‘’ăn theo’’ của người làm từ điển trước những hình thức dị dạng đã thấy (và chưa thấy hết) như Từ điển thành ngữ Việt Nam do Nguyễn Như Ý. Những thành ngữ sai này đã cho thấy thái độ thiếu trách nhiệm của các nhà biên soạn Từ điển thành ngữ Việt Nam đối với ngôn ngữ.

–  “Bạt ngàn man dã”. Đây là đặc sản của các nhà biên soạn, còn câu thành ngữ chánh gốc là “bạt ngàn sơn (san) dã”. Vậy nói “bạt ngàn man dã” thì có sợ là … man dã hay không?

“Cà cuống chết đến ức còn cay” Hình thức gốc là “cà cuống chết đến đít còn cay”. Đâu có thể cho rằng vì côn trùng nhỏ bé cho nên nhích từ đít lên ức thì chẳng có bao nhiêu milimét ! Vả lại, “chết đến đít” có nghĩa là chết đến nơi rồi. Chứ “đít” ở đây đâu có phải là bộ phận thân thể mà thay bằng “ức”!

Nếu biện bạch rằng đó là bộ phận thân thể, thì đối với côn trùng như con cà cuống, đít đã là chỗ cuối cùng. Vậy “chết đến đít” là chết đến chỗ chót, còn ức thì mới ở…lưng chừng mà thôi: cái chết đâu phải đã triệt để !

(Phan Trọng Hoa – Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu)

 

Nói lái

Thời kháng chiến ở miền Bắc, vùng tề có câu:

Chú phỉnh tôi rồi, chính phủ ơi

Chiến khu tiền bạc, chú khiên rồi

Thi đua vượt chỉ, thua đi đấy

Kháng chiến lâu ngày, khiến chán thôi

(Nguyễn Hữu Phước – Nói lái)

 

Tiếng Việt vừa dễ vừa không dễ

Nhân tiện đây xin kể một câu chuyện có liên quan đến con gà đực (hùng). Người bắc gọi con gà đực là gà sống (trống). Những năm đầu thế kỷ 20 văn học dân gian Việt Nam có giai thoại về một câu đối như sau:

Vào ngày giáp tết, một tên Tây đoan (thuế vụ) dẫn lính về làng lùng bắt rượu lậu. Thấy trong đình làng tụ tập đông người, hắn liền chỉ gậy ba-toong hách dịch hỏi, dân tụ tập làm gì. Một cụ già trả lời rằng đang họp nhau làm câu đối. Mắt tên Tây sáng lên như…đèn pha. Nhìn thấy giữa sân có một cây mít, hắn liền đọc to :

– Đình tiền định lập vô tri thụ

Các cụ không ngờ thằng Tây thạo cả chữ Hán. Thằng Tây cười đắc chí bỏ đi, hẹn một canh giờ sau trở lại nghe vế đối. Các cụ cũng nhức óc, bí tịt, không biết đối ra sao.
Câu đối của thằng Tây nghĩa là :
– Trước sân sừng sững một cây không biết

Oái ăm thay hắn lại chơi chữ “cây mít” nó gọi là “cây không biết”, có ý khinh dân ta dốt.
Một lúc sau thằng Tây quay trở lại, bỗng ở phía sau sân đình một con gà sống (trống) cất tiếng gáy lảnh lót. Một cụ già sáng trí, đứng lên dõng dạc đọc vế đối :
Bích hậu tường minh bất tử kê

Nghĩa là sau tường rõ ràng nghe tiếng gáy của con gà bất tử. Cụ chơi chữ thật cừ. “Bất tử kê” là con gà sống (không chết), đối lại với “vô tri thụ” (cây không biết). Thật chỉnh cả ý lẫn lời.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 

Ca dao và lịch sử

Trong xã hội Việt Nam ngày trước, có hạng sĩ phu, ở lẫn trong dân chúng, thường nhận định về các hoạt động của giới cầm quyền đương thời và đề xuất những câu sấm để tuyên truyền cho một phe phái nào đó. Câu sấm được truyền trong dân gian bằng cách dạy cho trẻ con hát khi nô đùa ở các nơi công cộng.

Chẳng hạn câu sấm sau đây, dưới hình thức ca dao, tương truyền là của cựu thần nhà Mạc tổ chức chống Trịnh làm ra để liên lạc với các đồng sự tìm đến cơ sở ở mạn Bắc:

Ai lên Phố Cát Ðại Ðồng
Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa?
Có chồng năm ngoái năm xưa
Năm nay chồng bỏ như chưa có chồng

(Phương Nghi – Tạp chí Tài hoa trẻ)

 

Tiếng Việt khó… thương

Hỏi : Thằng cu, con gái uống nhiều coke trong người nóng “đổ máu cam”. Có lẽ đa số người Bắc đều dùng từ này? Vậy chữ “cam” là màu sắc (vàng cam) hay có nghĩa gì khác? Tại sao không nói “đổ máu đỏ?”. Có ai biết xin cho ý kiến dùm nha.

Đáp : Đổ máu xuống càm gọi là đổ máu cam.

Như thế “cam” gốc chữ Hán. “máu” là gốc chữ Nôm/Việt ngữ.
”Đổ máu cam” có nghĩa là “Máu chảy xuống cằm” được ghép hợp bởi chữ Nôm & Hán

Theo tự điển Thiều Chửu :

Cam – hàm, cằm.
Tị, tỵ – mũi, lỗ mũi.
Huyết – máu.
Tị huyết – máu chảy từ mũi ra.
Máu cam – máu chảy xuống cằm.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search