T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 14)

Tam tự kinh

Nhân chi sơ: Sờ vú mẹ

Tính bản thiện: Miệng muốn ăn

Tam tự kinh: Rình cơm nguội

Đó là những câu trong sách Tam tự kinh (Kinh ba chữ) trong quyển sách Vỡ lòng của những học trò “Cầm miếng bánh đúc chạy quanh nhà thầy” để học chữ Hán ngày xưa,,,

(Hoàng Hải Thủy – báo Sài Gòn Nhỏ)

 

Thành ngữ trong Tự điển thành ngữ tiếng Việt

Từ điển phải là khuôn vàng thước ngọc cho người tra cứu nó, vì vậy người làm từ điển phải sàng lọc mà loại bỏ những hình thức “ăn theo” của người làm từ điển trước những hình thức dị dạng đã thấy (và chưa thấy hết) như Từ điển thành ngữ Việt Nam do Nguyễn Như Ý. Những thành ngữ sai này đã cho thấy thái độ thiếu trách nhiệm của các nhà biên soạn Từ điển thành ngữ Việt Nam đối với ngôn ngữ.

Một câu như “gót chân ô-sin” cũng bị họ xem là thành ngữ tiếng Việt.

Quái đản hơn nữa là câu “giơ nanh dấu mỏ” đã bị họ ghi nhận là của V. Huy Gô (Victor Hugo) trong “Những người khốn khổ”. Thật là khôi hài khi mà Victor Hugo lại dùng tiếng Việt để đóng góp cho nhân dân Việt Nam một câu chẳng giống ai.

Mỗi thành ngữ là một đơn vị từ vựng thống nhất và duy nhất nên không thể tuỳ tiện thêm, bớt hoặc thay thế các thành tố của nó được. “Gạo châu củi quế” mà đổi thành «ngô (hoặc bắp) châu củi quế» thì nghe khó lọt lỗ tai. Nếu có ai đó hài hước mà nói «bột mì châu hơi đốt quế» thì có nên ghi nhận vào từ điển thành ngữ hay không?

Nhà làm từ điển thành ngữ mà lại “ăn theo” một câu nói như thế thì tội nghiệp cho tiếng Việt biết chừng nào !

(Phan Trọng Hoa – Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu)

Chữ nghĩa làng văn

Nào ai biết được bông hay cúi

Nọ kẻ phân vân ra cuối với đầu

Cứ ngỡ chữ “cúi” của cụ Nguyễn Khuyến trong bài Chỗ lội làng Ngang với “Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười – Cái gì trăng trắng như con cúi…”.

Hóa ra bé cái nhầm, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã “biết” chữ này từ mấy trăm năm trước…

(Mới nghe cũng nghĩ rằng là thực – Sau ngẫm mà xem một tiếng…bòm

Hồ Xuân Hương)

Hát cô đầu

Mỗi lần đi từ ga Hàng Cỏ về nhà, tôi phải đi qua phố Khâm Thiên. Một dẫy phố toàn là nhà hát cô đầu. Gọi là “Cô đầu” hay “Ả đào” cũng vậy. Nhưng gọi là cô đầu nghe nhẹ nhàng, thanh lịch hơn. Cô đầu có hai loại “Cô đầu hát”,“cô đầu rượu”.

” Cô đầu hát” chỉ có ca hát thôi. Đã có những bài ca trù, mà các quan viên soạn riêng cho các cô. Nhưng họ cũng phải có những giọng ca thiên phú, tiếng hát trong trẻo, mạch lạc rõ ràng. Mỗi cô ít nhất cũng phải học thuộc nằm lòng mươi bài ca gọi là “tủ”, của các cụ Tam Nguyên Yên Đổ, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát …

Cứ vào quãng 8, 9 giờ tối là tiếng đàn, tiếng phách lại nổi lên vang vang ầm ĩ, vọng ra mãi ngoài đường. Những khách bộ hành dù không có sính với tiếng ca, nhịp phách, cũng văng vẳng bên tai: “Hồng, Hồng! Tuyết, Tuyết! Mới ngày nào chưa biết cái chi chi!… Mười lăm năm thấm thoát có ra gì…”

Người ta kể rằng cụ Nguyễn Công Trứ, lúc còn niên thiếu cũng mê cô đầu lắm. Đến nỗi phải theo cô đầu đi làm công, gánh hòm đồ nghề cho các cô, để có dịp được nghe tiếng hát của các nàng. Một hôm chàng quảy đồ nghề cho nàng đi hát, khi ngang qua khu miếu ở giữa cánh đồng làng Tường Yên thuộc huyện Thư Trì. Ở đây có một tòa miếu cổ chung quanh có nhiều cổ thụ um tùm rậm rạp. Đoàn lữ hành vào nghỉ mệt, cho bớt quãng đường xa. Chàng họ Nguyễn định giở trò “nài hoa ép liễu”. Nhưng cô nàng không chịu “đèn” nên vùng vằng “ứ hự”.
Một thời gian sau, chàng thư sinh họ Nguyễn đỗ đạt, được bổ làm quan. Khi về trọng nhậm tại một huyện gần quê cũ. Tổng lý đem cô đầu đến hát mừng quan mới. Khi nghe cô đầu ngâm câu: “Giang sơn một gánh giữa đồng… Thuyền quyên ứ hự… Anh hùng nhớ chăng?…” Quan lớn sực tỉnh và nhìn kỹ lại thì đúng là nàng rồi. Lần này có quyền, có thế, chắc cô nàng không còn ứ hự nữa, mà có lẽ là ừ hự. Người ta bảo cô này sau được làm quan tắt. Nghĩa là một bước nhẩy lên làm Nguyễn phu nhân ngay thôi.

Cụ Nguyễn Công Trứ sau này được làm “doanh điền sứ”, mở mang hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải. Vì vậy nên đất Thái Bình, đã nẩy sinh ra phố cô đầu huyện Vũ Tiên, chắc cũng là do thừa hưởng cái di sản vui thú ca trù của cụ. Vì vậy nên vào đầu thế kỷ 20, hay nói cho đúng hơn là vào thời gian trước năm 1945, thì miền bắc chỉ có hai xóm Bình Khang nổi tiếng nhất là Khâm Thiên, (Hà Nội) và Vũ Tiên (Thái Bình). Hai nơi này tập trung toàn là cô đầu gạo cội cả.

“Cô đầu rượu” không cần phải biết ca hát, hay đánh phách, gõ nhịp gì cả. Chỉ cần có một tí nhan sắc. Mấy cô này được chủ Nhà hát cho ăn diện rất là mỹ miều, để chiều chiều ra phất phơ ngoài cửa chào đón quan viên. Khi có khách thì các cô phải lo phục vụ chuốc rượu, và quạt mùng, trải chiếu…

(Thúy Sơn – Phố cô đầu Khâm Thiên)

Tiếng Việt không…dễ thương

Hỏi : Cho xin hỏi cụm từ “oằn tà roằn” có nghĩa gì? Thấy trên mạng người ta xử dụng mà chẳng biết cái “mô tê” gì hết.

Đáp : “oằn tà roằn”, Phan tui hoàn toàn không biết.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Nụ cười chữ nghĩa

Đề thi: Trong những tác phẩm em đã học và đã đọc thêm, em thích tác phẩm nào nhất?

Vì sao? Hãy chứng minh?

Bài làm lớp 10B:

“Trong kho tàng văn học Việt Nam, ca dao dân ca rất giầu tình nghĩa…

Trong các tác phẩm đó, em thích nhất là tác phẩm “Tắt đèn” của Chị Dậu. Vì nó thể hiện tinh thần chống lại sự bóc lột của phụ nữ của chế độ phong kiến. Chứng tỏ chị đã bán con và chó để thể hiện tinh thần kiên quyết đó”.

(Văn trẻ Việt ngày nay – Sài Gòn Nhỏ)

Có khả năng…

Chuyện kể có một tai nạn giao thông, công an được gọi đến…

Sau khi khám qua loa, nhìn nạn nhân thoi thóp, công an gật gù:

– Thằng này…có khả năng chết

(nguồn Bùi Ngọc Tô)

Giai phẩm mùa xuân

Trần Dần tham gia phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Tháng 4, Trần Dần, Đỗ Nhuận, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Tử Phác… viết “Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hoá”, yêu cầu trả quyền lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ, và thủ tiêu hệ chính uỷ trong các đoàn văn công. Đây là phản ứng công khai đầu tiên trong đòi hỏi tự do sáng tác. Trần Dần bị giam 3 tháng theo quân kỷ vì xin giải ngũ, trả thẻ Đảng để kết hôn với một thiếu nữ Công giáo có gia đình di cư vào Nam.

Tháng 1 1956, Giai phẩm mùa Xuân ra đời do Hoàng Cầm, Văn Cao, Lê Đạt, Trần Dần, Sĩ Ngọc, Tử Phác, Phùng Quán, Nguyễn Sáng, Tô Vũ chủ biên. Ngoài những bài đả kích lãnh đạo văn nghệ cuả đảng còn có bài “Nhất định thắng” của Trần Dần. Giai phẩm muà Xuân bị tịch thu ngay tức khắc. Trần Dần bị bắt.

Chúng ta mất hết cả rồi sao?

Một trong 12 bài di cảo của Vũ Hoàng Chương đã được bà Đinh Thị Thục Oanh (vợ VHC) đính chính vào ngày 17 tháng 7 năm 1999. Chữ in nghiêng là đúng nguyên tác của tác giả.

Sáng chưa sáng hẳn tối chưa đành

Gà lợn om sòm cả bức tranh

Rằng vách có tai thơ có họa

Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh

Dấu hỏi xoay quanh trọn kiếp người

Sên bò nát óc máu thắm rơi

Chiều nay một dấu than buông dứt

Đanh đóng vào xăng tiếng trả lời

Chúng ta mất hết cả rồi sao ?

Cả đến âm thanh một thuở nào !

Da trống tơ đàn ôi trúc phách

Đều khổ như khúc hát gầy hao

Đàn mang tiếng đáy mà không đáy

Mất hết rồi sao sợi nhớ thương

Tay phách từ lâu nay lạc phách

Không còn đựng mãi bến Tầm Dương.

(Thế Phong – Chiêu niệm bốn nhà văn Sài Gòn)

Giai thoại làng văn

Thập niên 50, số là thời đó ghét Tây, các quan chức văn nghệ kháng chiến ra lệnh tất cả thứ gì dính dáng đên “chữ Tây” thì phải đổi đi. Lần đó các quan chức nhờ cụ Phan Khôi dịch một tài liệu Pháp văn về dược liệu có tên là “pomme de terre”.

Cụ dịch là “khoai nhạc ngựa”.

Các quan chê cụ là lẩm cẩm, sao không dịch là “khoai tây”.

Cụ Phan Khôi cười mà rằng: “Lâu nay thứ gì động đến chữ Tây thì cấp trên bắt phải đổi đi hết. Do đó tôi không dám dịch “pomme de terre” là khoai Tây là thế. Bây giờ ta coi Trung Quốc như hải đăng, vì họ gọi khoai Tây là “mà linh thư

Mà mã linh thư là…cái nhạc đeo cổ ngựa.

(Trà Lũ – báo Văn Nghệ Tiền Phong)

87

Chữ nghĩa làng văn

Sau khi xuất hiện ở cuối hai câu thơ của bà chúa thơ Nôm, nó biệt tích luôn như một tử ngữ. Đến thế kỷ 21, dường như không còn ai thấy nó ở bất cứ một bài thơ nào khác.

Nó là chữ “lắc cắc”“tông tông” trong :

“Gió thổi cành rung kêu lắc cắc

Sóng dồn mặt nước vỗ tông tông

Hồ Xuân Hương đã thêm vào những cái khó của những chữ oái oăm, của những chữ vặn méo. Nhờ chữ “lắc cắc”“tông tông” mà bài thơ tượng thanh, tượng hình và hay hơn rất nhiều.

Chữ “đắt” như vậy, không ai dám dùng lại nó nữa! Nếu không thể dùng hay hơn bà chúa thơ Nôm từ mấy trăm năm trước…

(Mới nghe cũng nghĩ rằng là thực – Sau ngẫm mà xem một tiếng…bòm

Hồ Xuân Hương)

(Đỗ Long Vân – Giòng nước ẩn…)

Trích…“Tập làm văn”

Đề: Tả con gà

Nhà em có 1 con gà. Nó là giống gà Đông Cảo. Nó to bằng con gà gi. Nó nặng từ 8-10 kg… nên chả hiểu nó là giống gà gì. Cứ sáng sớm thức dậy, con gà trống nhà em nó đều nhảy phốc lên cây rơm, gáy ò ó o.

Gáy xong hồi dài nó lấy hai cánh vỗ phành phạch vào mông đít.

Ngộ Không (sưu tầm)

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search