T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: BỖNG DƯNG NHẢY XUỐNG SÔNG!

clip_image001

Tranh – Trần Thanh Châu

Cây cầu sắt ấy già cỗi và buồn rầu giống như bao cây cầu khác trên đường xe lửa Bắc Nam. Nó chỉ có hai nhịp bắc qua một con sông cũng nhỏ và buồn như nó. Con sông chìm khuất giữa hai hàng cây, ngoài mùa nước lũ, gần như không đủ sức để chảy. Sông và cầu giống như một cặp vợ chồng già không con cháu. Ngày nào cũng ngó thấy nhau mà chẳng có gì vui.

Phía dưới cây cầu, chừng một cây số, có một con đập đắp bằng lá. Con đập dĩ nhiên cũng xấu và buồn. Chỉ có những đứa trẻ tắm truồng và những người đàn bà nghèo giặt giũ là ưa thích.

Thôi thì cứ gọi chỗ cây cầu ấy là đầu sông, cho nó tình một chút. Tình bởi vì có một gã cứ ra đứng bên thành cầu đón những con tàu ngược xuôi. Mỗi khi đoàn tàu qua cầu, gã đưa tay ra hiệu bắt phải dừng lại. Nhưng con tàu vẫn cứ lầm lũi lao đi mang theo người tình trong mộng. Gã gào thét đuổi theo một chặp rồi trở lại cây cầu. Gã ngồi thõng chân nhìn xuống. Gã thấy môt cái bóng với đầu tóc bờm xờm, hai hàm răng cái ngửa cái nghiêng. Gã lắc đầu buồn bã. Thế rồi bỗng dưng gã xỏ hai chiếc dép vào tay, nhảy tòm xuống sông.

Và chỗ con đập cũng gọi là cuối sông cho nó tình thêm chút nữa. Ở đó có một ả đương nhiên là đẹp hơn thị Nở vì mái tóc có gắn hoa, cứ ngồi suốt ngày thõng chân xuông nước. Hỏi:” làm gì kỳ vậy?” Đáp: “tàu đang thả neo!”

Vậy thì, kẻ đầu sông, kẻ cuối sông, tuy không nhớ nhau nhưng vẫn gặp được nhau là nhờ có con đập.

Khi gã lừ lừ trôi tới gần, ả la lên:”chết trôi hả?”.

“Là thuyền, sao chết!”, gã nói tỉnh bơ.

”Thế thì cập bến đi”, ả nói.

Gã nắm lấy chân ả, leo lên đập.

“Thả neo đi”, ả giục.

“Ừ, thì thả neo”, gã nói và thòng hai chân xuống nước.

Bọn họ ngồi cạnh nhau nghe nước chảy rù rì và ngắm những con cá nhỏ len lỏi qua các kẽ lá. Trời trong, nước mát, gió thổi hiu hiu, tưởng trên đời này không còn gì thơ mộng hơn.

Những ngày sau và nhiều ngày sau nữa, sau khi đón con tàu qua cầu, gã lại nhảy xuông sông. Ngoài đôi dép là hai mái chèo, gã còn mang theo hai cây sào để chống, tức là hai cây mía. Khi cả hai cùng thõng chân xuống nước, gã chia cho ả một cây, rồi cùng xiếc mía nhai nhóc nhách. “Sào ngọt quá” ả nói. Gã không đáp, chỉ nhìn vào bộ đồ ả đang mặc. Một bộ đồ trắng ướt sũng nước, lồ lộ những thứ lẽ ra cần phải che dấu. “Sao thế, gả hỏi, tàu chìm à?”. “Đâu có chìm, ả nói, mới sơn chưa khô!”.

Ngôn ngữ của bọn họ lạ lùng và khó hiểu như vậy đó. Nhưng lạ lùng và khó hiểu đối với những ai chưa biết thế nào là tình yêu. Chứ với họ nhiều khi không cần nói, cũng hiểu. Rồi khi củ khoai, khi trái bắp, tuy cùng ăn với nhau nhưng họ cũng hơn thua, dành giựt nhau như hai đứa nhỏ.

Tôi thì không ưa những truyện có hậu. Ngay như cụ Nguyễn Du mà để Kim Kiều tái hợp nó sượng sượng làm sao. Rồi chữ trinh còn một chút này, xin cầm cho vững đừng giày cho tan. Một chút là bao nhiêu, đã cầm trên tay thì dễ gì cầm sắt đổi ra cầm kỳ! Phải chi để nàng chìm luôn dưới sông Tiền Đường lại hay hơn. Nhưng câu chuyện này tôi không viết ra mà Trời viết, nên có cái hậu là tự Trời chứ không phải tôi.

Vậy nên, một buổi sáng mùa thu (lại mùa thu, một mùa lắm chuyện), trên đoạn sông buồn và xấu như con kênh Nhiêu Lộc khi chưa chỉnh trang, có một chiếc thuyền kết đầy hoa, cứ chèo tới chèo lui cho cả rừng người đứng hai bên bờ nhìn ngắm và hò reo còn hơn cả xem đua ghe ngo.

Ngồi trên thuyền, một người được gọi là chú rể, một người là cô dâu. Nói theo cách của họ là cả hai đều được sơn phết cực kỳ đẹp đẽ. Chàng áo veste bảnh bao, nàng khăn vành, áo lụa. Đương nhiên một ngày trọng đại như thế này thì nước sơn đã khô từ lâu rồi.

Một cái kết rất có hậu phải không nào, mặc dù lũ trẻ con gào to hơn cả pháo nổ: ông khùng lấy bà điên!

Khuất Đẩu

4/2014

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search