T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 57)

clip_image001

Hạc nội mây ngàn

Kiều có câu: “Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu”.

Hạc ở ngoài đồng – Mây ở trên núi.

Hạc nội mây ngàn chỉ những người không có trú quán nhất định. Chứ không phải theo nghĩa “cưỡi hạc về trời” như hay thường dùng qua văn truyện.

Hò, hát

Hò là hô lên, như: Hò nước có hò kéo lưới, hò mái nhì, hò mái đẩy…Hò cạn có hò kéo gỗ, hò xay lúa, hò giã gạo, hò cấy..v..v..

Hát lúc nhàn rỗi. Miền Bắc có hát quan họ (Bắc Ninh), hát xoan (Phú Thọ), hát đúm (Hưng Yên). Miền Trung có hát ví, hát giặm (Nghệ Tĩnh), hát bài chòi, ca Huế. Miền Nam có điệu lý như “Lý ngựa ô”, “Lý qua cầu”.

Từ quê lên thành phố có hát xẩm, hát chầu văn, hát ca trù (còn gọi là hát nhà tơ, hát nhà trò, hát ả đào, hát cô đầu).

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Tình nghèo

Khi nghe ca khúc:

Nhớ thuở nào

Anh cày thuê

Em chăn trâu

Bóng mát dưới cầu

Quen nhau

Một cỗ trầu cau

Nên đôi chồng vợ

Người nghe nhạc chỉ biết đến Phạm Duy, ít ai biết đến Trần Hồng Nam, bút danh khác Hồ Hán Sơn là tác giả bài thơ “Tình nghèo”.

(Thế Phong – Tôi & Sài Gòn & Năm thứ 56…)

Truyện cực ngắn – Thời trân

Mỗi lần gần gũi, tôi thường vuốt ve bàn chân ngà ngọc của nàng, rồi cắn nhẹ vào gót sen đó. Nhưng sao hôm nay gót chân nàng lại dịu mềm và mát rượi thế nhỉ. Khi tôi đưa miệng cắn nhẹ vào chân nàng, miếng thịt ấy chợt mềm mại như đông sương, ngọt thanh như một miếng thạch dừa, ngon không thể tả. Tôi phải ăn hết hai bàn chân nàng mới đủ no. Nhưng liệu vì tôi mà nàng có thể trở thành tàn phế không? Dù sao, nàng cũng không cảm thấy đau đớn gì và tôi cũng không thấy máu chảy ra, da thịt nàng mau chóng lên da non và liền lại. Từ chỗ đó, một bàn chân nhỏ xíu như của em bé nhú dần và nở ra. Đúng ba tháng sau thì bàn chân nàng phục hồi như cũ. Từ đó, tôi mới biết thêm một món thời trân.

Nhưng mỗi năm tôi chỉ dùng có hai lần thôi để nàng chỉ phải nằm nhà nuôi chân sáu tháng. Còn lại sáu tháng kia nàng phải đi làm. Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, tôi ngồi viết sách về những món thời trân.

Văn hóa ẩm thực

Mắm tôm chua độc đáo của xứ Huế?.

Thực ra mắm này không phải của người Huế mà là của người Gò Công đất Cửu Long. “Ăn mắm ngắm về sau” là bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) ra Huế làm hoàng hậu, nhớ quê, bà sai chở thuyền mang “mắm tôm Gò Công” ra thưởng thức món ăn quê hương.

Vì đi đường xa, lâu ngày nên ra tới Huế thì mắm bị chua, từ “mắm tôm Gò Công” thành “Mắm tôm chua Huế” là vậy.

(Vậy sao! Coi chừng… sai)

(Trần Quốc Vượng – Văn hóa Việt Nam)

Tiếng Tàu tiếng Việt

“Lạc địa khai hoa, phú quý vinh hoa” nghĩa “xuống đất nở hoa..” mang ý tốt nên họ thích mua quít trong ngày Tết. Vì “quít” tiếng Tầu là “cách” nghĩa là “kiết” (không phải “kiết” là nghèo theo tiếng Bắc) ý nói mang sự “kiết tường” vào nhà trong năm mới.

Trong khi người Việt thích sắm “cam, quít” vì cam, quít tượng trưng cho nô bộc. Nên người Bắc xưa gọi kẻ hầu người hạ với tên: thằng Cam, thằng Quít.

(Quách Xuân Sơn – Người Hoa, đồng âm và đầu óc dị đoan)

Giai thoại làng văn 54-75

Trong 20 năm sinh hoạt văn học miền Nam Việt Nam, không có những đụng độ, va chạm giữa nhà văn này với nhà văn khác. Nhưng tất cả mọi “va chạm” nếu có, đều giới hạn trong lãnh vực văn chương, học thuật, với tinh thần tự chế, đầy tương kính.

Như giữa nhà văn Trần Phong Giao và nhà báo Lê Phương Chi, từng có một thời gian lời qua tiếng lại trên tờ Tin Sách. Sau này, hai ông trở thành bạn tâm giao của nhau, tính tới ngày họ Trần qua đời. Cũng thế, giữa thi sĩ Nguyên Sa và Phạm Công Thiện, từng có lúc bất đồng về một quan điểm triết học. Hai ông đã viết bài nêu rõ quan điểm của mình; với lý luận, lời lẽ rất trí thức.

Ra đường, nếu gặp ai ở các khuynh hướng đối nghịch thì, vẫn là anh em. Không vì thế mà có sự mặt nặng mày nhẹ. Nếu kỹ tính thì, bạn tránh đến những chỗ được coi là nơi thường xuyên lui tới của các nhà văn không “hợp khẩu vị”. Thí dụ :

– Nhóm Sáng Tạo chọn “Ðêm Mầu Hồng” ở đường Tự Do (của cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương) làm nơi họp mặt thường xuyên.

– Nhóm tạp chí Văn thường gặp nhau ở quán Cái Chùa.

– Nhóm Bách Khoa (gồm các nhà văn công chức, tả/hữu đề huề) ít khi “xuống đường,” họ chọn tòa soạn Bách Khoa ở đường Phan Ðình Phùng làm nơi “tọa đàm.”

– Nhóm Trình Bày, tòa soạn ở đường Lý Thái Tổ, chọn phở Tầu Bay (cũng nằm trên đường Lý Thái Tổ) làm “tiền trạm,”..v..v…

Mỗi khu, mỗi vùng, mặc nhiên thuộc về một nhóm, hay một khuynh hướng. Do đó, hiếm khi có vụ “lạc đạn” vì đi lộn chỗ.

(Thế Nguyên- Văn chương dấn thân)

Hát ả đào

Nghệ thuật múa hát đã được các cụ ta xưa chia làm hai ngành riêng biệt:

– Hát ở đình, miếu là chèo, tuồng.

– Hát ở trong nhà là hát ả đào hay hát cô đầu.

Hát cô đầu có nhiều thể, điệu như hát nói, bồng mạc, sa mạc và thường là thơ lục bát. Hát nói phổ biến nhất trong hát ả đào.

Tản Đà, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát (trừ Nguyễn Du) đều sáng tác hát nói cho con đào hát. Những bài hát nói tiêu biểu nhất là Hát cô đầu của Tú Xương và Hồng, Hồng, Tuyết, Tuyết của Dương Khuê.

(Hoàng Hải Thủy – Đàn bà thời xưa…)

Hội nhà văn IV

Lúc mới thành lập, năm 1957, Hội Nhà văn có một cơ quan ngôn luận riêng: báo Văn; một nhà xuất bản riêng: nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Báo Văn do Nguyễn Công Hoan làm chủ bút, Nguyễn Tuân làm phó chủ bút, Nguyên Hồng làm tổng thư ký. Ra được mấy số, báo Văn bắt tay ngay với nhóm Nhân văn – Giai phẩm, đăng thơ của Trần Dần, Phùng Quán, truyện của Phan Khôi, kịch thơ của Hoàng Cầm. Báo Học Tập, cơ quan ngôn luận của đảng phê bình, Ban biên tập của báo Văn đả kích lại. Hậu quả: Nguyễn Công Hoan mất chức chủ tịch Hội Nhà văn, báo Văn và nhà xuất bản Hội Nhà văn bị đóng cửa. Hội Nhà văn mất cơ quan ngôn luận.

(Nguyễn Hưng Quốc – Hội nhà văn Việt Nam)

Ông phỗng

Nguyễn Khuyến là người để ý đến nhân vật phỗng nhiều nhất:

Ông đứng làm chi đấy hỡi ông
Trơ trơ như đá vững như đồng
Đêm ngày coi sóc cho ai đó
Non nước vơi đầy có biết không?
(Ông phỗng đá)

Người đâu tên họ là gì
Khéo thay trích trích tri tri nực cười
Dang tay ngửa mặt lên trời
Hay còn lo tính sự đời chi đây
Thấy phỗng đá lạ lùng muốn hỏi
Cớ làm sao len lỏi đến chi đây

Nên chăng đá cũng gật đầu.
(Hỏi ông phỗng đá)

Phỗng là tượng người bằng đất, đá, đặt ở đền chùa, miếu mạo, được coi là người đứng hầu nơi thờ tự. Tên phỗng từ đâu ra?

Chữ phỗng được viết bằng chữ bổng và dấu nháy, một kí hiệu để chỉ rằng đây là chữ nôm. Và được viết bằng bộ nhân và chữ phụng (nhân+phụng=bổng). Bộ nhân chỉ người. Phụng nghĩa là hầu hạ nên thích hợp với nhân vật phỗng, một kẻ đứng hầu nơi thờ tự, giữ việc đội hoặc bưng nến.

Ngôn ngữ Việt Nam còn có thêm hai chữ phỗng khác:

– Phỗng tay trên : lấy hớt của người khác.
– Phỗng : gọi ăn trong một ván bài tổ tôm, tài bàn, một con bài thứ ba của bất cứ người nào khi trong tay mình có hai con như thế.

Thành ngữ “ngồi như phỗng” và “đứng như phỗng đực”, có nghĩa là ngồi và đứng không động đậy, giống pho tượng, hoặc giống ông phỗng nơi thờ tự.

(Nguyễn Dư – Chim viêt.free.fr)

Chữ nghĩa Nam, Bắc

Nam nói thấy ghê, Bắc ta bảo gớm

Nam nổ bắp rang, Bắc kêu nói phét

Dủ học dủ ngu I

Nghe cái câu dủ học dủ ngu, nghĩa là càng học càng thấy ngu dễ mấy ai tin được. Càng học thì phải càng khôn ra, cũng như gừng, quế, “dũ lão dũ tân”, càng già càng cay, mới phải cho chớ. Cho đến khi lăn lộn ngoài đời, tôi mới biết rằng có rất nhiều điều mà sách vở và học đường không hề dạỵ Học đường học chợ, nghe lóm những bậc trưởng thượng, thấy rằng kiến thức mình “thiên bất đáo, địa bất chí”, càng học càng thấy ngu.

Chưa cần nói tới những chuyện trời cao, đất rộng, biển thẳm, núi cao, sông dài chi cho xa, chỉ những câu ca dao, những câu hát ru em huê tình, tai vẫn nghe hoài, miệng cũng có khi hát, tưởng rằng đã hiểu cháo chan, ai dè biết ra, không hiểu 1 cái gì hết.

Hồi nhỏ, chị tôi ru em, vẫn thường hát câu :
Chim quyên ăn trái ổi tàu
Xứng đôi mẹ gả, ham giầu mà chi
Tôi nghe câu này tới thuộc lòng mà không hề thắc mắc. Dễ quá mà, “ổi tàu” là giống ổi ở bên Tàu chứ còn cái gì nữa. Giống ổi ở bên Tầu, dĩ nhiên, phải lớn hơn, phải ngon hơn ổi bên mình, cũng như con ngựa to lớn thì gọi là ngựa Bắc Thảo, con gà, con vịt to con, được gọi là gà Tàu, vịt Tàu …
Không hề thắc mắc như vậy, cho mãi tới hơn nửa đời người, đọc 1 bài của ông Võ Phiến, mới biết rằng “ổi tàu” ở trong câu hát không phải là giống ổi bên Tàu, mà là 1 loại cây hoang, mọc thành từng lùm từng bụi ở mấy vùng đất gò miền Trung, cây này ở miền Bắc gọi là “hoa cứt lợn” còn ở cái xứ “chó ăn đá, gà ăn muối” của tôi thì gọi là “bông ngũ sắc”. Tôi đã từng hái trái của nó, lớn chỉ bằng hột tiêu, để ăn, hái những cái bông của nó để hút chất mật ngọt ở cuống bông, mà đâu biết tên của nó là…ổi Tàu.

(Nguyễn Ðức Lập – Góp nhặt trong điện thư)

Thành ngữ hôm nay

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại lại thấy…thừa hai cây

Ngộ Không

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search