T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: SÁM HỐI

clip_image002

Ảnh : Lưu Na

Hai mươi năm trước, khi từ giã gia đình để lên đường vượt biên theo sự sắp xếp của bố mẹ, tôi chỉ là một cô bé dại khờ với số tuổi mười tám. Bơ vơ trên trại tỵ nạn giữa hàng ngàn người, đủ mọi thành phần, tôi không có ai là người thân thuộc. Niềm an ủi duy nhất của tôi là những lá thư thương nhớ với lời dạy dỗ cặn kẽ của bố mẹ từ Việt Nam gửi cho tôi hàng tháng. Hay những dòng chữ dặn dò ngắn ngủi, kèm theo tấm “money order” của người anh Cả từ Mỹ gửi sang đều đặn.

Với tâm trạng cô đơn và yếu đuối của một người con gái bé bỏng sớm bước vào đời, tôi đã dễ dàng thân thiết với Mạnh, người thanh niên ở cùng “barrack”. Cô Cúc ở cạnh giường tôi, thường nhắc nhở tôi phải cẩn thận đừng quá tin người. Theo cô Cúc, Mạnh lân la giúp đỡ chỉ vì thấy tôi được thân nhân ở Mỹ thường xuyên tiếp tế.

-Con gái phải giữ mình, đừng để người ta lợi dụng mà thiệt thân.

Tôi cười, dạ dạ, vâng vâng, nhưng trong suy nghĩ vẫn cho mình khôn ngoan, đâu ai có thể lợi dụng được. Chẳng qua, vì tôi có cảm tình với Mạnh, do anh đối xử với tôi rất tốt, nên mỗi khi có dịp, tôi lại đền ơn cho anh vài bao thuốc lá, vài chầu cà phê hay những ngày thứ bảy hẹn hò nhau ra biển vui đùa.

Ngày qua ngày, Mạnh lo lắng, chăm sóc cho tôi đủ mọi thứ trong đời sống thường nhật, từ miếng ăn, thức uống cho đến việc giặt giũ vệ sinh. Tôi chỉ có một việc duy nhất phải làm là đi học Anh văn. Sáng sáng, khi từ lớp học trở về, tôi thường ghé chợ mua thêm thức ăn tươi, trái cây cũng như thuốc lá, đôi khi là vài lon bia cho Mạnh.

-Ở trại tỵ nạn mà tụi bây sang quá!

Cô Cúc thường nói tôi như vậy. Tôi cũng chỉ cười và tránh cô ngay. Biết cô quan tâm đến tôi, nhưng thật sự tôi không muốn nghe lời khuyên nhủ của cô, nhất là những lời phê phán Mạnh. Không cần suy nghĩ để đoán hồi kết cuộc, vì ai cũng biết tôi và Mạnh sẽ yêu nhau. Thật vậy, tôi yêu Mạnh say đắm trong tình yêu mới lớn và đã đánh mất đời con gái không chút đắn đo, hối tiếc. Làm sao có thể hối tiếc khi Mạnh tỏ ra yêu thương, chìu chuộng tôi hết lòng. Anh thường vẽ ra cho tôi một tương lai sáng ngời hạnh phúc

-Khi sang Mỹ, anh sẽ cố gắng đi làm. Nếu cần, anh sẽ cày hai “job” để mau chóng có tiền cưới em. Anh không thể sống một ngày vui vẻ, nếu không có em bên cạnh.

Tôi lặn ngụp trong nỗi đam mê, sung sướng, quanh bức tranh tình yêu do Mạnh vẽ vời. Bất chấp lời dị nghị của những người chung quanh, tôi sống với Mạnh như một đôi vợ chồng. Cô Cúc nhìn tôi lắc đầu thương hại. Tôi cười thầm với niềm hãnh diện trong lòng “chắc cô chưa biết yêu là gì?”. Đúng vậy, phải biết yêu mới biết hy sinh, biết bất chấp trở ngại, biết vượt qua khó khăn như tôi. Nhưng niềm hãnh diện đó không ở lại với tôi bao lâu cho đến ngày tôi mang thai. Tôi nhớ khuôn mặt xanh mướt của Mạnh khi nghe tôi báo tin. Buổi tối đó, Mạnh dắt tôi ra quán cà phê, anh phân tích cho tôi nghe những khó khăn, nếu tôi có con. Làm sao ăn nói với anh Cả, thêm vào đó là những rắc rối về giấy tờ, hồ sơ định cư. Cuối cùng anh kết luận, không nên giữ cái thai này. Tôi lo lắng hỏi anh, làm sao bỏ nó đi. Mạnh nói chỉ cần tôi đồng ý anh sẽ lo. Lúc đó tôi không hề thắc mắc, tại sao là đàn ông mà Mạnh lại rành rẽ chuyện này. Anh mua rau răm và đu đủ xanh, lấy hột đâm, vắt nước cho tôi uống. Nhưng tất cả đều không có kết quả.

Khi Mạnh có tên trong danh sách những người được đi định cư thì bụng tôi đã no tròn.Tôi khóc hết nước mắt trong nỗi buồn và nỗi lo cho những tháng ngày sắp tới. Mười chín tuổi đầu, một mình bơ vơ với đứa con trong bụng, tôi phải làm sao? Mạnh an ủi và hứa, khi tới Mỹ anh sẽ tìm việc làm để có tiền gửi cho tôi, anh sẽ liên lạc với anh Cả của tôi, kể rõ sự tình để xin cưới tôi. Những lời nói của Mạnh giúp tôi tạm yên tâm. Nhưng tôi vẫn lo lắng, dặn dò Mạnh phải cẩn thận khi tiếp xúc với anh Cả, vì anh rất khó khăn và nghiêm khắc. Tôi hỏi địa chỉ của người bảo trợ, nơi Mạnh sẽ đến, Mạnh nói, anh quên mất và hứa sẽ đưa khi tôi ra cầu tàu để tiễn anh vào sáng hôm sau.

Buổi sáng, khi tôi mở bừng mắt dậy thì Mạnh đã đi mất. Không địa chỉ, không một dòng chữ để lại, tôi ngã quỵ xuống đất trong nỗi uất nghẹn, bàng hoàng. Bấy giờ, tôi mới biết mình dại, mới hiểu được trọn vẹn câu nhắc nhở của cô Cúc “con gái phải giữ mình, đừng để người ta lợi dụng mà thiệt thân”.

Không hiểu vì lý do gì mà hồ sơ của tôi cứ trục trặc, nên ngày đi định cư bị đình trệ. Những người thân quen cũ đã ra đi gần hết. Tôi ở lại với cái thai ngày một lớn và ngày sinh con gần kề. Trời cũng thương, nên tôi sinh con thật dễ dàng. Tôi nhìn con – đứa bé gái xinh xắn- trong nước mắt, giữa nỗi lo âu tràn ngập. Tôi phải nói thế nào với anh Cả của tôi, người anh mà tôi sợ nhiều hơn thương. Tôi nhớ những trận đòn dữ dội mà hồi bé tôi thường nhận lãnh mỗi khi lầm lỗi, nhớ giọng nói lạnh lùng của anh phát ra giữa hai hàm răng khít rịt. Tôi bỗng run bần bật khi hình dung đôi mắt anh Cả nhìn tôi với đứa con vô thừa nhận trên tay. Suốt đêm đó tôi trằn trọc, suy nghĩ và rồi … một quyết định táo bạo đã đến với tôi.

Ngày hôm sau, ngay vào đêm Giáng sinh, lợi dụng lúc y tá và nhân viên của bệnh viện kéo nhau lên phòng hội dự tiệc, nhìn những chiếc giường chung quanh trống không, tôi run run đặt chiếc gối to và nặng chịch lên mặt con tôi. Nước mắt tôi trào ra, không biết vì thương con hay vì sợ hãi. Nhưng tôi biết, từ sau giây phút này tôi sẽ trút được một gánh nặng…

***

Bây giờ, tôi đã có chồng và hai con trai. Tôi có cơ sở làm ăn phát đạt, tiền bạc dư thừa, nhưng không một phút nào tâm hồn tôi được yên ổn. Nhiều lần trong giấc mơ, tôi thấy một bàn tay nhỏ xíu đưa về phía tôi như van xin và hai bàn chân bé bỏng chòi đạp hụt hẫng với tiếng gọi mẹ như gào thét, than trách. Tôi cố nhìn mặt nó, nhưng khuôn mặt luôn bị một vật gì che khuất. Gần đây, giấc mơ ấy đến với tôi hầu như mỗi tuần. Tôi quá sợ hãi, nhưng không dám nói với ai điều bí mật này -một bí mật mà chỉ riêng mình tôi biết.

Có lần đi chùa dự lễ cầu siêu, tôi có bỗng có ý định mời Thày về nhà tụng kinh cho tâm hồn bớt nặng nề. Thày nhận lời. Và nhân ngày lễ ThanksGiving, chồng con tôi đi Houston để thăm gia đình chồng, tôi đến đón Thày đưa về nhà. Khi bước chân vào nhà, Thày nhìn quanh rồi hỏi tôi:

-Chị có bỏ đứa con nào không?

Hai bàn tay lạnh ngắt, tôi run giọng, ngập ngừng đáp:

-Dạ… không.

Thày ôn tồn nói:

-Nhớ kỹ đi, vì Thày thấy bên cạnh chị lúc nào cũng có một đứa bé.

Tôi bật khóc và quỳ xuống kể rõ sự tình. Thầy ra hiệu cho tôi ngồi lên ghế rồi từ tốn khuyên giải. Lời nói dịu dàng với ánh mắt hiền từ của Thày làm tôi cảm thấy lòng mình như nhẹ nhàng hơn. Trước khi từ giã, Thày nói sẽ mang đứa bé về Chùa cho nó tu hành và khuyên tôi nên làm việc phúc đức để chuộc bớt lỗi lầm.

Đêm đó, tôi lại nằm mơ. Trong giấc mơ tôi thấy bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy và giọng nói trẻ thơ, trong trẻo vang lên “Bye bye mẹ”. Tôi chồm tới, nắm lấy cánh tay, kéo nó lại để nhìn, nhưng vẫn là khuôn mặt bị che khuất. Tôi tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm áo, nước mắt ràn rụa. Tôi gọi thầm “Con ơi!”. Tôi muốn nói “Xin con hãy tha thứ cho mẹ”, nhưng lòng tôi chợt thấy hỗ thẹn. Một người mẹ nhẫn tâm như tôi có xứng đáng để nói lời xin lỗi không, khi mà chính tôi, trong suốt cuộc đời này có lẽ cũng không thể tha thứ cho tôi []

Ngân Bình

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search