T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: CHA VÀ CON GÁI

( Truyện ngắn )

Người đàn bà ấy, người mà nhan sắc chỉ thua có mỗi một hoàng hậu Nam Phương. Thua ở ngôi vị tót vời, thua ở cân quắc rất đường bệ của một bậc mẫu nghi. Thua như thế chẳng khiến ai buồn.

Nhưng bà hoàng hậu còn có lúc mất ngôi, chứ với bà, cho dù đã xấp xỉ năm mươi vẫn không bị vết hằn của thời gian và giông bão của cuộc đời làm cho vơi bớt nét đẹp cao sang. Lúc nào cũng còn đó một vầng trán thanh thanh, một chiếc mũi xinh xinh và đôi môi thì đầy như hai ly rượu ngọt vừa mới rót.

Bà là vợ một quan chức đã từng là bí thư của hoàng đế Bảo Đại, nên một đôi lần bà cũng được bệ kiến đức Bà. Với bản chất của một người Nam kỳ mà cõi lòng bát ngát như ruộng đồng phương nam cộng với phong thái rất lịch thiệp hòa nhã của một nữ sinh trường đầm, đức Bà đã không tiếc lời ngợi khen bà.

Tiếc là lúc ấy nàng chưa được sinh ra.

Nàng là một tiểu thư, đã đành, ngày hai buổi đi học bằng ô tô, vào ra một ngôi biệt thự đương nhiên là kín cổng cao tường.

Con như thế, mẹ như thế, đài các và phong lưu, nào ai dám nghĩ hai người ấy không phải là mẹ với con. Từ chị vú nuôi đến bác tài, từ thầy bạn đến các chủ cửa hàng sang trọng. Một điều nữa không thể không tin: giấy khai sinh ghi rõ tên họ mẹ là bà Trần…và là vợ chánh.

Vậy mà nàng tin mình không phải là con do bà dứt ruột đẻ ra. Cái niềm tin mà người khác không thể ngờ được ấy như một hạt mầm rất âm thầm nhưng mạnh mẽ, mọc lên từ tâm hồn mỏng manh yếu đuối của nàng. Từ đó, nó tham lam hút lấy những gì là ngon ngọt nhất của tuổi thơ, biến thành một cây xương rồng bất hạnh ngã bóng xuống đời nàng.

Đó là một buổi trưa miền trung với những cơn gió Lào gầm thét, nóng đến nỗi cho dù không còn là một thiếu nữ, bà cũng hớ hênh phơi cả một phần ngực hãy còn tràn đầy ra mà ngủ ngày. Bà ngủ, phải nói là thiếp đi trong mê mệt. Đứa con gái sau khi chơi chán với những con búp bê tóc vàng tóc đen, nhắm mắt mở mắt, liền bỏ mặc bọn chúng nằm lăn lóc trên sàn, đi tìm mẹ để vòi vĩnh một trò chơi khác.

Mọi lần, chỉ nghe cái màn cửa bằng sáo trúc lay động là đã có tiếng của bà: con đấy à, lại đây với mạ nào! Và bé liền sà vào lòng bà như một chú mèo con nũng nịu. Nhưng lần ấy, bé ngẩn ngơ nhìn mạ, bầu ngực kia gợi nhớ đến cái miền tốt tươi ngọt ngào của chị vú, một miền dịu êm đã rót vào miệng bé từng giọt sữa và nâng niu bé từng giấc ngủ.

A, mạ cũng có cái miền êm ái đó, vậy mà bấy lâu mạ nịt chặt, dấu kín như sợ đánh rơi. Bé bỗng tủi thân và tự hỏi sao mạ không cho mình bú để được mân mê ve vuốt như với chị ấy.

Bé ngồi xuống bên cạnh, ngắm khuôn ngực lấm tấm mồ hôi, rồi cúi xuống hé đôi môi xinh của mình ra ngậm lấy. Đúng là mềm hơn, thơm hơn của chị vú. Bé xúc động đến nỗi nước mắt chảy ướt ngực mạ.

Không rõ vì đôi môi run rẩy của bé hay vì những giọt nước mắt nóng hổi đã làm bà giật mình choàng dậy. Một cái hất mạnh khiến bé ngã vật ra trên giường.

“Ai cho phép mi làm thế, hả?”, bà quát lên.

Bà cài lại cúc áo, ngồi dậy.

“Cút ngay!” bà bảo.

Bé kinh hãi khóc thành tiếng.

“Còn khóc nữa à?” Vừa nói bà vừa nắm tóc lôi bé dậy.

“Ra ngay!”, bà lại vừa quát vừa đẩy bé ra khỏi cửa. Cánh cửa bị bà khép mạnh cũng phụ họa theo, quát thêm một tiếng “rầm” nữa khiến bé sợ chết khiếp.

Bé nằm úp mặt trên sàn, hai vai bé nhỏ rung lên tội nghiệp. Bé kinh hoàng như vừa gặp phải một bà phù thủy từ trong những câu chuyện bằng tranh bước ra. Đôi mắt đẹp ấy, một đôi mắt mà màu đen xui khiến người ta tin rằng trên đời này không còn có màu nào khác đẹp hơn, khi bà quắc mắt lên bỗng đỏ như lửa, tưởng chừng có thể đốt cháy bé.

Ngay buổi chiều hôm đó, dù bà ngọt ngào dịu dàng hơn gấp mười lần thường ngày, bé vẫn tin một cách không gì lay chuyển được: đây không phải là mẹ của mình!

Càng lớn bé càng thấy điều đó là hiển nhiên và mọi sự ân cần âu yếm chỉ làm bé ngại ngùng. Rồi từ ngại ngùng, bé đâm ra sợ.

Nhưng nàng không biết nói cái điều bí mật hết sức bất ngờ đó với ai.

Với chị vú giờ là chị bếp ư?

Với bác tài ư?

Với bạn bè ư?

Không thể được.

Với cha?

Lại càng không thể.

Cha lúc nào cũng có vẻ sợ “mạ”. Chỉ nghe tiếng guốc gõ trên thềm nhà, hay mùi nước hoa theo gió đưa tới, là cha ngưng nhỉn vào sách nếu đang đọc sách, ngưng nói nếu đang nói, ngưng ăn nếu đang ăn. Như con chuột nghe tiếng ngao ngao hay đánh hơi thấy cái mùi đặc biệt của con mèo.

Và với nàng, ngay từ lúc còn bé, cũng chưa bao giờ ông bế bồng chứ nói gì làm ngựa cho bé nhong nhong cỡi. Khi ông đang ngồi một mình, bé muốn chen vào giữa hai chân để được ông kéo sát vào lòng, ông chỉ nhẹ nhàng vuốt tóc, khen bé ngoan rồi bảo đi chỗ khác chơi. Có vẻ như ông không dám để lộ quá rõ tình cha con. Nhất là những khi có “mạ”, ông trở nên lạnh lùng như đang ở công sở.

Một người cha như thế thì biết tỏ bày làm sao để cho ông hiểu được, người mà nàng phải luôn miệng gọi là “mạ” không phải là mẹ của nàng. Làm sao để ông thấy được tất cả những gì người đàn bà ấy làm cho nàng đều là giả dối?!

Lúc này, nàng đang ở tuổi mười lăm, nhưng không như cô gái ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp: me kìa, thày nó trông/con tôi xinh xinh quá/bao giờ cô lấy chồng? Cũng không giống các cô gái ngày nay. Như các cô bạn của nàng, đã biết thế nào là mùi vị của những chiếc hôn gây gây mùi thuốc lá. Có đứa còn táo tợn hơn, biết bên trong bọn con trai có những gì.

Nàng mỏng dính từ đầu đến chân, mỏng như một con mực khô bị cán mỏng. Nhưng nàng vẫn đẹp. Hơn một lần, một nhạc sĩ đã gọi mắt nàng là dáng thuyền và không cần giải mã, ta cũng hiểu được đó là con thuyền sẽ chở trăng về kịp tối nay. Và cũng hơn một lần, một nhà thơ đã bảo: tóc em anh sẽ gọi là mây.

Bao nhiêu năm sống với một bà dì ghẻ quá khôn ngoan và với một người cha ngờ nghệch lúc nào cũng tưởng con gái của mình được chăm chút yêu thương, nàng trở nên khô cứng như một cái cây trụi lá.

Không bao giờ cha hỏi nàng con chơi với những ai, có một chàng trai nào để mắt đến con chưa, hay trêu một chút con đã yêu ai rồi? Cứ coi như rằng, con một ông công chức ngang tầm thứ trưởng, có một bà mẹ được khen đẹp nhất trong số các bà, là đã đủ để xây nên một lâu đài hạnh phúc. Chỉ thiếu một tấm chồng là bác sĩ hay kỷ sư, chứ thiếu thứ gì nữa đâu. Tướng tá hay bộ trưởng thì còn phải xem lại, chứ cỡ ấy cứ sắp hàng ra mà chọn.

Cha đâu biết nàng thiếu một bà thực sự là mẹ, một người có thể không đẹp, không sang, một người mẹ quê như một số bà mẹ của các bạn, một người mà bàn chân dù kỳ cọ bao nhiêu cũng không hết mùi bùn đất, bàn tay không có những ngón sơn xanh sơn đỏ, đầy vết xước xấu xí, nhưng khi đặt lên đầu con, tưởng chừng mỗi sợi tóc cũng tỏa hương thơm ngát, đặt lên mình chỗ nào cũng thấy ấm áp dù tay đang lạnh, một người mà lời nói có thể quê một cục, có thể xẳng xóm khó nghe, nhưng chân thật yêu thương chứ không phải bóng bẩy ngọt ngào một cách giả tạo.

Cha cũng đâu biết nàng thèm được đi chân đất, được lội xuống ruộng dù rất sợ đỉa, được đuổi bắt nhau trên những bãi cỏ, rồi khi bụng đói được ăn những bữa cơm với canh tập tàng, với dưa môn, với cá đồng kho ớt bột…

Cha lại càng không biết những lúc tâm hồn nàng trống vắng như cánh đồng bị bỏ hoang, những buổi sáng ngồi nhìn mây bay qua cửa sổ, những buổi chiều bỗng dưng muốn khóc, những đêm mưa thèm được một ai đó ôm vào lòng…

Những điều ấy chỉ có thể là mẹ. Nhưng mẹ tôi là ai, mà một đôi lần tôi nghe “mạ” rít lên ông còn tơ tưởng đến cái đồ rác rưởi đó à?

Một người phu quét đường hay một bà đồng nát, một người cơ cực phải sống chung với những lon bia méo mó, với giấy vụn, bịch nilon?

Và cũng hơn một lần “mạ” muốn nôn mửa, muốn đi súc miệng khi nói tới hai tiếng “con đĩ”.

Con đĩ nào? Đĩ đứng bên gốc cây như những con ma đói hay đĩ chân dài trên những chiếc xe bóng lộn? Đĩ trên những con đò hay trên những cao ốc?

Một lần thầy giáo kể về nạn đói năm 45. Có một bà mẹ suốt một ngày dài không tìm được một hạt lúa hay con ốc nào, tối về đành lấy sạn bỏ vào nồi giả như rang bắp, để đánh lừa các con ngủ rồi nhảy xuống giếng tự tử. Có một đứa bé ngậm chặt vú mẹ trong khi xác của bà bị quẳng lên xe. May mà được cứu sống khi người phu chôn xác thấy một bàn tay của nó hãy còn ngo ngoe.

Người đàn bà ấy, dù chết dưới giếng kia hay bên hè phố nọ, dù là đồ rác rưởi, dù là đĩ, vẫn cứ là mẹ tôi, chứ không phải người đàn bà mà cha tôi tự hào là sắc đẹp chỉ thua có mỗi Nam Phương hoàng hậu.

Cha nàng đã đến tuổi sắp về hưu nhưng xem ra ông ngây thơ còn hơn một cậu bé mới lớn. Dường như trong ý nghĩ của ông, người đàn bà nào cũng có thể là vợ, miễn là đẹp. Và người nào cũng có thể là mẹ của con ông miễn là giàu sang. Có thể ông cho ai đó một món tiền lớn để trả công làm vợ một ngày hay một đêm, rồi tăng thêm gấp năm gấp mười cho chín tháng mang nặng đẻ đau. Và rồi lại thuê một người khác nuôi cho đến lớn, bắt phải gọi bằng “mạ”

Sáng nay, “mạ” đi chơi xa. Còn lại trong ngôi nhà rộng mênh mông chỉ có hai cha con. Trong bữa ăn, ông có thể ngồi lâu hơn với nàng và nàng cũng lắng nghe ông đôi chút. Hai người nói về những cuộc xuống đường ồn ào ngoài đường phố.

Ông nói, “con đừng dại dột nghe theo bạn bè, rất nguy hiểm”.

Nàng nói, “ba đừng lo, con có biết gì về chính trị đâu”.

“Như thế là tốt, ông nói, nhưng con cũng không nên quá vùi đầu vào sách vở. Con không hợp với tennis, nhưng với âm nhạc, con có vẻ rất hợp. Một đôi lần, ba nghe con hát một mình. Rất hay”.

Nàng cười. Lần đầu tiên nàng xúc động khi biết cha đã từng nghe mình hát.

“Cho vui thôi mà, nàng nói, nhưng nếu ba muốn, con sẽ hát cho ba nghe”.

“Muốn chứ, ba rất muốn nghe con hát, nhất là lúc này”.

“Ba muốn con hát bài nào?”.

“Bài nào cũng được, nhưng có lẽ ba thích nhất bài Lòng mẹ”.

Đột nhiên nàng sững người lại như nghe thấy bước chân của “mạ”. Sau một lúc trâm ngâm, nàng nói:

“Con thì lại không thích bài ấy. Theo con, lòng mẹ không bao la như biển Thái Bình. Mà nếu có to đến như thế, con cũng không ham. Con chỉ muốn như một cái ao nhỏ thôi, hay nhỏ như một cái giếng cũng được. Ba biết sao không? Vì ở đó con sẽ thấy được bóng mình”.

“Con nói gì ba không hiểu”, ông nhìn nàng, bối rối.

“Ba không hiểu thực sao?”

“Thực!”

“Như “mạ” đấy!”

“Mạ làm sao?”

“Mạ đâu phải là mẹ của con!”.

Ông hốt hoảng đứng lên.

“Chị Hai đâu, ông nói lớn, dọn giúp tôi bàn ăn”. “Thôi, cha con mình vào đây”.

Khi hai người đã ngồi yên trong những chiếc ghế rộng và êm ở phòng khách, ông nói như thì thầm:

“Con nói sao?”

“Thì con nói rồi: “mạ” không phải là mẹ của con”

“Thế thì còn ai vào đây?”

“Ba đừng giả vờ nữa. Hãy nói thực cho con biết, mẹ con là ai?”

“Là mạ chứ còn ai nữa”

“Nếu ba còn nói thế, thì xin phép ba con đi vào phòng đây!”

“Đừng!” ông nói như đang có một sợi dây thít vào cổ.

“Thì ba nói thiệt với con đi! Mẹ của con là ai?”

“Chuyện này dài lắm. Nhưng trước hết ba muốn biết ai đã nói cho con biết điều ấy?”

“Là mạ!”

“Sao lại là mạ?”

“Mạ không nói thẳng vào mặt con: mi không phải là con tao. Mạ cũng không nói bằng cách ghét bỏ, khinh miệt. Nhưng mạ nói bằng sự giả tạo. Mạ nói như một con búp bê biết nói. Nghĩa là mạ không nói như chó mẹ nói với chó con, như gà mái tục tục bên đàn con chiu chít. Mạ nói trước chị bếp, trước bác tài, trước mọi người và nhất là trước mặt ba và con. Y như đóng kịch trên sân khấu.”

“Con có vẻ hơi bất công rồi đấy. Ba nghĩ mạ đã làm hết bổn phận của một người mẹ, làm rất tốt”

“Thì đúng là làm rất tốt. Mạ là một kịch sĩ đại tài mà. Cái mặt nạ mạ mang rất khéo, rất sinh động như đã truyền được từ máu thịt của mạ. Nào có ai dám nghi ngờ mạ không phải là mẹ của con. Con cũng vậy. Bấy lâu con cũng tưởng mình có một người mẹ vừa xinh đẹp vừa tinh tế. Con cũng không chối cãi mạ đã cư xử rất tốt đối với con. Nhưng ba à, một người đeo mặt nạ dù khéo đến đâu cũng có lúc rơi xuống!”

“Lúc nào?”

“Lúc con lên 5 tuổi. Trong một buổi trưa con đã dại dột sờ vú mạ”

“Ba không hiểu!”

“Thì ba làm sao hiểu được. Cái trò dại dột ấy nếu là một người mẹ thực, thì cùng lắm chỉ mắng yêu, chứ không thể giận dữ quát đuổi như đuổi một con ăn cắp”

“Có chuyện ấy sao?”

“Chẳng lẽ con phịa”

“Ba thực không ngờ!”

“Làm sao ba ngờ được. Phải như ba gần gũi con hơn, thường dẫn con đi chơi thì ngay buổi chiều ba ở sở về, con đã sà vào lòng ba mà nũng nịu hỏi: mẹ con là ai? Đằng này, ba sống mà như đang sợ sệt che giấu một điều gì, sợ mạ đương nhiên rồi, mà cũng sợ luôn cả con. Chính ba thu mình lại trong ngôi nhà này, nên con cũng vậy, con như một con cuốn chiếu, như một con rùa, có cạy răng cũng không nói một lời. Hôm nay con mới nói nhiều đây, vì con đã lớn, con có quyền và có bổn phận phải biết mẹ mình là ai”.

“Ba có thể nói với con, đó là một người còn đẹp hơn “mạ” của con”

“Con không cần đẹp. Chỉ cần người ấy thực sự là người đã sinh ra con là đủ. Đẹp như “mạ” để mà chi khi cõi lòng của “mạ” lạnh lẽo còn hơn giá băng. Liệu ba có thể cho con biết thêm, bà ấy còn sống hay đã chết?”

“Còn sống”

“Ở đâu?”

“Trước ở Huế, giờ ở đâu ba không rõ”

“Nghĩa là không muốn gặp lại ba?”

“Đúng thế”

“Và cũng không muốn gặp lại con?”

“Ba nghĩ là vậy.”

“Ba có thể cho con biết hai người gặp nhau như thế nào không?”

“Đã nói rồi, đây là một câu chuyện dài. Chỉ biết rằng ba rất yêu mẹ con. Thú thực với con ba chưa hề yêu mạ. Hay nói đúng hơn, trước khi gặp mẹ con, ba chưa biết tình yêu là gì!”

“Thế sao ba cưới “mạ”?”

“Vì mạ đẹp. Và vì hồi ấy, những người như ba, là người thân cận với đức vua. Cái khó đạt, cái mộng ước là danh phận, chứ không phải tình yêu. Khi người ta quá đầy đủ, ý ba muốn nói là quanh ba rất nhiều người đẹp, thì chỉ cần chọn người nào đẹp nhất, cao sang nhất cho xứng với cái danh vị của mình mà thôi”.

‘Vậy ba có nghĩ rằng chính mình đã từng làm hại nhiều người, trong đó có mẹ con?”

“Con có kết án thì sự cũng đã rồi. Nhưng thực tình là ba rất yêu mẹ con”

“Yêu không có nghĩa được quyền làm những gì mình muốn mà người khác không muốn. Như những gì ba nói, yêu tức là “lấy” chứ không phải “cho”.

“Ba cũng không rõ nữa. Nhưng ba nói chắc với con là ba không hề lợi dụng sự nhẹ dạ. Ba cũng không hề dụ dỗ, phỉnh gạt mẹ con”

“Thế thì làm sao một người con gái lại có thể yêu một người đàn ông lớn tuổi mà lại đang có vợ?”

“Có lẽ đó là định mệnh”.

“Sao định mệnh lại tốt với người này mà lại xấu với người kia?”

“Ba cũng không biết nữa. Đôi khi có những sự việc quá tầm hiểu biết của một con người. Như tình yêu chẳng hạn”

“Vậy ba có yêu con không?”

“Yêu chớ, yêu nhất trên đời. Con rất đẹp, rất thông minh. Con là kết quả của mối tình đẹp nhất mà cũng lạ lùng nhất giữa ba và mẹ”

“Nếu con không đẹp không thông minh, nếu mối tình của hai người không đẹp nhất, thì con có còn được ba yêu không?”

“Vẫn yêu chứ. Vì con là giọt máu của ba. Vì mạ không đã không thể sinh cho ba một đứa con nào trong suốt bao nhiêu năm.”

“Thật buồn cho con mà cũng tội nghiệp cho ba. Yêu con mà cứ phải quanh co vì này, vì nọ. Một người đàn ông dường như không thể yêu ai một cách tự nhiên được.”

“Cũng có thể là vậy, một khi người đàn ông cảm thấy có lỗi với người đàn bà. Dù mạ đã tỏ ra rất cao thượng, nhưng con cũng phải hiểu cho nỗi khổ tâm của mạ, khi phải nuôi con của một người gọi là tình địch.”

“Phải chi mẹ đem con cho các bà soeur. Thế mà lại hay hơn. Thà con chịu nỗi buồn của một đứa trẻ mồ côi, còn hơn là sống trong vòng tay của một người căm ghét khinh bỉ mẹ mình. Bây giờ con mới hiểu thế nào là giao trứng cho ác”

“Nói thế, tội nghiệp cho mạ. Có một việc khó nhất trên đời mà ba làm được, đó là thuyết phục để mạ làm mẹ của con. Còn việc của mạ thì lại càng khó hơn ba gấp bội phần. Dù sao ba cũng biết ơn mạ.”

“Được sống với lòng biết ơn có lẽ là hạnh phúc. Với con thì…

“Thì sao?”

“Con không biết. Nhưng khi một người cứ sống mãi với những cơn ác mộng, thì nếu muốn không bị điên, có lẽ phải đi thôi!”

“Đi đâu?”

“Đi tìm người đã sinh ra con”

“Khi mọi dấu vết đã không còn, thì con biết tìm đâu?”

‘Tìm trong đất trời cao rộng. Tìm trong con sông, con suối. Tìm trong đồng lúa trỗ. Tìm trong tiếng đạn bay…Một người mẹ không thể xóa hết hình bóng của mình trong đó.”

“Con nói cứ như một nhà thơ.”

“Con thích nhất câu thơ của Hồ Dzếnh: Tiếng buồn vang trong mây. Đó là tiếng buồn của đứa con tìm mẹ”

“Con thấy rồi đấy, khó lắm!”

“Khó cũng phải tìm. Để làm sáng tỏ những câu hỏi bấy lâu làm con đau khổ.”

“Câu hỏi gì?”

“Tại sao sinh tôi ra? Và sinh tôi ra, sao lại bỏ tôi?”

“Như thế khác nào hỏi tội?”

“Con không hỏi tội. Con chỉ muốn biết cái cội nguồn khổ đau mà một đứa bé phải chịu. Một đứa bé có quyền được biết tại sao nó lại sinh ra.”

“Hỏi như thế thì chỉ có Thượng đế mới trả lời được thôi.”

“Thượng đế không can dự vào chuyện hai người yêu nhau, hay giả bộ yêu nhau. Chính trách nhiệm buộc hai người phải tìm ra câu trả lời.”

Nắng bên ngoài đã tắt, sắp đến bữa cơm chiều. Ông không ngờ cô con gái bé nhỏ có thể làm ông quay quắt đến như thế. Ông nén tiếng thở dài, nói trong nỗi buồn khôn nguôi:

“Thành thực mà nói, sinh con ra là để mong thấy con hạnh phúc. Con không hạnh phúc là do lỗi của ba mẹ. Ba xin lỗi con.”

“Con không đòi hỏi ba mẹ xin lỗi, nhất là ba. Dù sao thì ba và mẹ cũng đã làm xong một phần bổn phận của mình”.

Đèn đã được bật lên. Cha và con ngồi đối mặt nhau. Phải chi lúc đầu hai người cùng ngồi trên một ghế dài. Có thể họ đã xích lại gần hơn. Có thể cha đặt bàn tay lên mái tóc con. Và có thể con nghiêng đầu tựa vào vai cha. Giờ thì đã muộn.

Nàng đứng lên:

“Giờ con có thể hát bài lòng mẹ cho ba nghe.”

“Thôi, ba đã nghe con hát suốt buổi chiều nay rồi. Đó là một bài lòng mẹ buồn muốn khóc”.

“Con không ngờ là câu chuyện đã đi xa đến như thế. Ba có thể mắng con bướng bỉnh, nhưng ít ra con cũng hiểu được ba và chắc ba cũng hiểu được con. Con xin cảm ơn ba”.

“Con nhớ cho, ba rất thương con, con gái ạ”

“Con biết. Con cũng rất thương ba”.

Cả hai đi về phòng riêng. Bữa tối được chị bếp dọn ra, nhưng chẳng ai động đến.

Bên ngoài, có tiếng giày cao gót gõ trên thềm.

Khuất Đẩu

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search