T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nỗi đau trong mùa bão

1.clip_image002

Trong suốt những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa, bão Ketsana (Việt Nam đặt tên là bão số 9) đã hòanh hành hầu hết các tỉnh miền Trung Việt Nam. Khi cơn bão đi qua, con số người chết được ghi nhận là 163, số mất tích 17 người và 616 người bị thương. Con số người chết vẫn tiếp tục tăng lên vì những tai nạn xẩy ra trong lúc mọi người lo dọn dẹp nhà cửa, đường phố. Chết vì cây đè, vì ngã từ trên mái nhà xuống dưới đất. Chết vì bị nước lũ cuốn đi trong lúc cố gắng thu gom lại mớ tài sản ít ỏi may mắn chưa bị bão thổi đi mất.

Sự thiệt hại về người do bão Ketsana gây ra được coi là nặng nhất kể từ trận bão Xangsane tháng 9 năm 2006 với 69 người chết, trận bão Durian tháng 12 năm 2006, gây số người chết là 73 người (nhưng cũng trận bão này đã khiến hàng ngàn người Phi luật Tân thiệt mạng). Trước đó, tháng 5 năm 2006, bão Chanchu đã khiến 273 người chết và mất tích.

Người dân đang chạy bão

Sự thiệt hại về của cũng rất lớn, ước tính thiệt hại lên đến 587 triệu đô la Mỹ. Một người dân ở Quảng Ngãi, vốn đã sống sót qua nhiều cơn thịnh nộ của trời đất, phải thốt lên: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự tàn phá nào kinh hoàng đến như vậy. Chỉ trong phút chốc, nhà cửa, cây cối ngã đổ tứ tung, súc vật và nhiều người bị cuốn trôi theo dòng nước lũ đỏ ngầu, hung tợn”.

Hội Hồng Thập Tự quốc tế cho biết họ cần cấp tốc khỏang 5 triệu để trợ giúp cho 210 ngàn người cần được giúp đỡ nhất trong số khỏang 3 triệu người dân miền Trung bị ảnh hưởng bởi trận bão vừa qua.

Bão Ketsana vừa qua đi, mọi người chưa kịp hòan hồn thì trận bão Parma (Việt nam gọi là bão số 10), sau khi làm hàng chục người chết, gây ngập lụt, sụt lở ở Phi Luật tân đang trên đường tiến vào bờ biển Việt Nam với sức gió không thua gì trận bão Ketsana trước đó.

Theo dự đóan, từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ còn phải đối phó với 2 trận lụt và 2 trận bão nhiệt đới nữa.

2.

Miền Trung chìm trong biển nước. Hình ảnh đó chẳng có gì là lạ với tất cả mọi người, chứ không riêng gì với những cư dân của vùng đất khắc nghiệt ấy. Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm. Lụt dâng rồi lụt rút. Bão thổi rồi bão ngưng. Cây trốc gốc thì được dọn dẹp. Nhà mất mái thì lại được lợp mái lại. Những hình ảnh và cảnh tượng rất quen thuộc.

clip_image004

Một đường phố của thị xã Quảng Ngãi sau khi bão đi qua

Nhưng còn ngừơi chết và những nỗi đau? Cứ mỗi mùa bão lại có những con số người chết và nỗi đau đớn mất cha mất chồng mất con trong những căn nhà lạnh. Những con số người chết và những nỗi đau chồng lên nhau, đè nặng trĩu trái tim người sống. Nỗi đau cũ chưa kịp nguôi ngoai, nỗi đau mới đã đổ ụp xuống, thản nhiên như những cơn bão cứ hàng năm trở về.

Người chết không sống lại, và không thể chỉ cần dọn dẹp như những cái cây trốc gốc. Và những nỗi đau không thể khâu vá dễ dàng như lợp lại cái mái nhà tróc nóc. Vì thế, bất kể đã bao nhiêu cái chết trong bao mùa mưa bão, người sống vẫn không thể làm quen được với sự vắng mặt của những sự ra đi oan uổng ấy. Và lại càng không thể làm quen được với những nỗi đau.

clip_image006

Căn nhà đổ nát và sự ra đi vĩnh viễn của người vợ người mẹ. Nỗi đau lớn như thế làm sao có thể quen với nó được?

Tôi, một người sống thật bình yên cách xa vùng quê hương nghèo khó ấy một nửa vòng quay quả địa cầu, cũng không thể làm quen được với những nỗi đau, dù đó là nỗi đau của người khác.

Tháng 5 năm 2006, khi cơn bão Chanchu tiến vào bờ biển Việt Nam bỏ lại sau lưng nó nhà tan, cửa nát, người chết, kẻ mồ côi, tôi đã nghe kể câu chuyện 20 năm trước, một người mẹ đã trở thành góa bụa vì một cơn bão cuốn đi mất người chồng, người cha trong gia đình. Bà ở vậy nuôi 2 đứa con gái, lo cho chúng có được tấm chồng chăm chỉ làm ăn. Nay, cùng với hai con gái phút chốc trở thành góa bụa như bà, đau lại nỗi đau từ 20 năm trước, bà kinh nghiệm rằng, nỗi đau 20 năm trước và nỗi đau 20 năm sau đều quá mức chịu đựng như nhau.” (Cơn bão đầu mùa và một miền quê hương nghèo khó – Ca Dao – Tháng 6 năm 2006).

Tháng 10 năm 2009, có bao nhiêu người sống sót từ Chan Chu, Durian, Xangsane của năm 2006, nay lại cùng đứng trước những tan hoang đổ nát ấy, để chiêm nghiệm nỗi đau mất người thân, mất của cải bao năm dành dụm tom góp? Và bà mẹ gìa cùng 2 người con góa bụa của năm 2006 nay ra sao? Họ có thêm một lần may mắn (hay chẳng may?) sống sót không?

Tuổi ấu thơ của tôi đã hơn một lần “được” ngồi trên mái nhà chờ cho nước rút đi với cái bụng đói meo và nỗi cô đơn cùng cực khi nhìn chung quanh chỉ thấy một màn nước trắng xóa, cách ngăn tôi với dòng sống bên ngòai. Tôi cũng đã từng ôm vào lòng xác đứa em gái lạnh ngắt vì bị chìm dưới nước đủ lâu để mang theo xuống mồ ước mơ được sống ở nơi thành thị, nơi không có những con đê con rạch và những cơn bão lụt đáng sợ hơn những con ma trốn dưới gầm giường mẹ tôi đem ra dọa mỗi khi nó thức giấc khóc nhè nửa đêm. Chôn em gái tôi xong là cha mẹ tôi quyết định lìa bỏ vùng đất nhà quê khốn khó để bắt đầu một cuộc sống khác ở nơi mà thiên nhiên nhường sự độc ác cho con người.

Nhưng, ít nhất, sự độc ác của con người có thể tiên đóan đuợc, có thể né tránh được (dù không phải luôn luôn), có thể “nguyền rủa” được (*). Còn, sự độc ác của thiên nhiên thì luôn bất ngờ, sự tiên liệu nếu có cũng chỉ giúp bảo tồn sinh mạng chứ không giữ đuợc của cải khỏi sự tàn phá. Mà, với người nghèo khó, mớ của cải ít ỏi cũng có gía trị ngang ngửa với mạng sống của chính mình.

3.

Sài Gòn lúc nào cũng mưa thuận gió hòa. Thỉnh thỏang trời trở lạnh vì những cơn bão rớt ảnh hưởng bởi những trận bão lụt của miền Trung. Đó cũng là dịp cho những chiếc áo lạnh đủ màu được đem ra khoe sắc và là cái cớ để cho những cuộc hẹn hò trai gái được kéo dài hơn bình thường. Đó cũng là dịp tuổi trẻ Sài Gòn mấy chục năm trước ào ạt xuống đường, mỗi người xông xáo ôm những thùng đựng tiền to tướng đi khắp hang cùng ngõ hẻm quyên góp chút tấm lòng chia sẻ của người Sài Gòn với đồng bào ruột thịt miền Trung đang lâm họan nạn. Đó là những hình ảnh đẹp nhất của tuổi học trò mà tôi còn nhớ được .

Bão lụt miền Trung thì năm nào cũng có, không lớn thì nhỏ. Trời Sài Gòn tuy càng ngày càng nóng bức vì người càng ngày càng đông, vì môi trường bị ô nhiễm, nhưng năm nào mà chẳng có những ngày trời trở lạnh vì bão rớt từ ngòai ấy đổ về. Nhưng những hình ảnh nam nữ học sinh Sài Gòn tràn ngập đường phố những ngày chủ nhật nắng nhẹ đi quyên góp “cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung” thì đã biến mất mấy chục năm trời, để chỉ mới xuất hiện lại những năm gần đây (?).(**)

clip_image007

Học sinh trường Lê Quý Đôn, Sài Gòn đi quyên góp cứu trợ nạn nhân bão lụt

Sài Gòn lúc nào cũng là Sài Gòn. Ở cái nghĩa là trái tim của đất nước, dù sau khi chiến tranh chấm dứt tháng 4 năm 1975, thủ đô là thành phố Hà Nội. Những ngày đầu tháng 10 , Sài Gòn chộn rộn trong những họat động cứu trợ đồng bào miền Trung bất hạnh, mà nổi bật là bóng dáng những cô cậu học trò mắt sáng môi tươi ôm thùng tiền quyên góp trên những nẻo đường Sài Gòn. Qua những người bạn học năm xưa vẫn bám lấy Sài Gòn bất kể bao ngày khốn khó trong quá khứ chưa xa, tôi được sống lại một khỏang đời thật đẹp. Ở khỏang đời đó, hạnh phúc được định nghĩa rất đơn giản: chia sẻ sự gian nan và nỗi thống khổ.

Ở tuổi 60 , tôi còn nghiệm được rằng, biết đau nỗi đau của đồng lọai, cũng là một sự chia sẻ.

T.Vấn

(Mùa bão 2009)

*Khi cơn bão Chanchu và Xangsane (2006) vừa qua đi, giữa ngổn ngang đổ nát của làng xóm và lòng người, người ta lại biết đến những vụ nhẫn tâm ăn chận tiền cứu trợ của cán bộ chính quyền ấp, xã, huyện ở những tỉnh có mức độ thiệt hại nặng nhất, được quan tâm đến nhiều nhất: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam. Cái độc ác của những sự việc ăn chận không chỉ dừng lại ở sự thiệt hại cho các nạn nhân bão lụt, mà còn làm xói mòn tinh thần hy sinh nhường cơm xẻ áo của người hảo tâm khắp nơi, nhất là người Việt Nam sống ở hải ngọai. Họ còn biết tin ai để gởi gắm đồng tiền cứu trợ, và trong một số trường hợp, họ nghĩ rằng tốt nhất là không gởi nữa để khỏi lọt vào tay cán bộ chính quyền tham nhũng. Và bây giờ, đối diện với những thiệt hại khủng khiếp của cơn bão Ketsana, liệu người ta có sẵn lòng quên đi những sự việc ăn chận ăn bớt ấy để lại mở vòng tay chìa ra với 210 ngàn nạn nhân đang khẩn thiết cần sự giúp đỡ?

**Trước năm 1975, phần lớn những cuộc cứu trợ của học sinh thường được phát động và chỉ huy bởi hội Hồng Thập Tự Việt Nam, có trụ sở khá bề thế nằm trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn thị Minh Khai), chỗ gần bệnh viện Từ Dũ. Dịp về thăm nhà năm 2005, tôi không thấy cái trụ sở quen thuộc ấy nữa, thay vào đó là một tòa nhà cao ngất được dùng làm cơ sở kinh doanh (của một ai đó). Được biết, hội Hồng thập Tự Việt Nam (của miền Nam trước 1975) đã được sát nhập vào hội trung ương có trụ sở ở Hà Nội dưới cái tên hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam. Chi nhánh phía Nam của hội này có địa chỉ là 201 Nguyễn thị Minh Khai. Tôi không nhớ đó có phải là địa chỉ trụ sở cũ trước 1975 hay không, nhưng chắc chắn một điều, nó phải rất nhỏ và khiêm tốn, nên con mắt “hòai cổ” của tôi dù rất “soi mói” vẫn không thấy lại nơi mình được học để trở nên người hơn bằng cách biết đau nỗi đau của người khác .

©T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search