T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả và Tác Phẩm – Hoàng Dung (I)

clip_image001Tiểu sử

Tên thât: Hoàng Xuân Trường, sinh ngày 5.6.1945, Hà Nội. Hiện ngụ cư tại Virginia

Tác phẩm

Đi Vào Cõi Vô Cùng – Chiến Tranh Đông Dương 3 – Sau Bức Màn Đỏ

 

Vài hàng về tác giả

Hoàng Khởi Phong

Tôi không biết phải gọi Hoàng Dung, tác giả cuốn sách này bằng danh hiệu gì. Về nghề nghiệp ông là bác sĩ, nhưng chức vị bác sĩ sẽ không làm cho giá trị cuốn sách này tăng lên một chút nào. Ông không phải là nhà văn, mặc dù thỉnh thoảng có viết đôi bài đăng báo. Ngay cả ông là tác giả thiên khảo cứu này, ông cũng không nhận là nhà biên khảo Có một điều chắc chắn: ông là một người ưa đọc sách, có thói quen ghi lại những gì ông rút tỉa được nơi những trang sách ông đã đọc.
Tôi biết Hoàng Dung từ khi chúng tôi còn thơ ấu. Trong sân trường trung học Nguyễn Trãi, lúc trường này chưa có trụ sở riêng, còn học nhờ tại trường Tiểu học Lê Văn Duyệt. Năm đó là năm 1957, tôi học Đệ Ngũ, Hoàng Dung dưới tôi một lớp. Chúng tôi là bạn chơi banh trong trường. Hai năm sau tôi rời Nguyễn Trãi lên Chu Văn An, một năm sau chúng tôi gặp lại nơi trường Chu Văn An cũ, sau lưng trường Petrus Ký.
Khi lên Chu Văn An, là học sinh Trung học đệ nhị cấp, chúng tôi ít giao thiệp vì không còn đá banh, đá cầu trong sân trường nữa.
Hơn mười năm sau gặp lại Hoàng Dung tại Pleiku. Ông đã là một bác sĩ quân y. Tuy là bạn thiếu thời, nhưng không phải đồng nghiệp nên thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp nhau trong Câu lạc bộ sĩ quan quân đoàn, và đôi khi tệ hơn nữa là gặp nhau nơi bàn mạt chược. Dù gặp nhau ở nơi nào, ông cũng cho người khác thấy ông là người ít nói, lặng lẽ. Nhưng không một ai chối cãi được ông là một người tử tế. Ông tử tế với bạn là chuyện đương nhiên, ông tử tế với binh sĩ dưới quyền. Ông là một y sĩ tận tình săn sóc thương binh của ta và của dịch.
Thế rồi chúng tôi tan tác trong cuối mùa trận chiến. Đầu thập niên 80, gặp lại nhau trên xứ người. Hoàng Dung đang đi học lại. Ông mới tới Mỹ một thời gian ngắn, lại lao vào việc sách đèn để có thể đì hết con đường ông đã chọn, để tiếp tục tuân thủ lời thề Hyppocrate. Nơi xứ người thỉnh thoảng chúng tôi mới có cơ hội gặp nhau, khi thì tôi sang miền Đông, khi thì Hoàng Dung sang Cai cho đỡ nhớ không khí nước Việt.
Cách đây gần một năm, Hoàng Dung gọi điện thoại đến tôi, ông muốn tôi đọc hộ một tập bản thảo. Ông dứt khoát không hé lộ một chút gì về nội dung cuốn sách, chỉ vắn tắt một câu: “ông đọc hộ tôi coi nó có ra cái giống gì không” Buông điện thoại xuống tôi nghĩ tới Hoàng Dung, những đồng nghiệp của ông, và thế hệ di dân đầu tiên, mà trong đó có Hoàng Dung và cả tôi.
Rất nhiều người trong cộng đồng chúng ta, sau khi đã an tâm về vật chất, con người ta cần một món ăn tinh thần. Mỗi người đến với món ăn tinh thần này một kiểu. Có người thành nhà văn, nhà thơ. Có người thành nhạc sĩ, hoạ sĩ. Cũng không thiếu gì người trở thành ca sĩ trình diễn trong vòng thân hữu, trong những party mừng sinh nhật, kỷ niệm thành hôn hay trong các tiệc cưới. Có người trở thành những chuyên viên tranh đấu, có mặt trong năm bẩy đoàn thể, tổ chức. Có người không làm gì cả, chỉ ngơ ngơ ngác ngác nơi xứ người. Hoàng Dung không rơi vào những thông lệ trên. Dù nghĩ gì thì nghĩ tôi không bao giờ tưởng tượng được Hoàng Dung, người bạn thiếu thời, một quân y sĩ nhiều lương tâm, sống giản dị cho tới năm ngoài 40 mới lập gia đình, lại có thể rơi vào cái vòng lợi, danh luẩn quẩn. Suốt mấy ngày liền, tôi bị cuốn sách của Hoàng Dung ám ảnh. Đã có lúc tôi nghĩ là bạn tôi chắc là đang cơn quẫn trí, một mình lủi thủi một xó, thành ra viết văn làm thơ cho nó bớt buồn. Dù sao chăng nữa ở nhà viết bất cứ cái gì, cũng còn hơn mải mê trong những canh mạt chược, đắm đuối trong chỗ ánh sáng mờ ảo của vũ trường.
Cầm cuốn bản thảo trong tay, một lần nữa những suy nghĩ về bạn cũ lộn tùng phèo. Đó không phải là một tập truyện ngắn, không phải một tập thơ, tập nhạc. Đó là tất cả những gì Hoàng Dung đọc trong những khi nhàn rỗi, bởi vì ông làm việc cho một bệnh viện của một tỉnh nhỏ, thưa người. Tập bản thảo là kết quả của một thời gian dài cặm cụi, nghiền ngẫm, ghi chép. Hoàng Dung đặt tên cho cuốn sách của ông là: Trận chiến Đông dương hồi III. Bên dưới tên của cuốn sách có chua một hàng chữ: Chiến tranh biên giới Hoa Việt, Miên Việt 1979.
Ông đã từng là một nạn nhân của cộng sản, đã từng ở tù vài năm. Vừa mới thoát khỏi hàng rào trại tù, là ông nhắm hướng biển Đông xông tới. May thì đến được một bến bờ, không may thì thêm một mạng người chui vào bụng cá. Nào có xá kể gì, vì sinh mạng con người trong thời khoảng vừa tàn cuộc chiến, thật không khác gì sinh mạng một con kiến. Vài năm đầu tại Mỹ Hoàng Dung chúi đầu vào việc học. Ông chỉ thật sự đọc sách sau khi đã tốt nghiệp, đã thực tập và đã trở thành một y sĩ góp mặt với đời.
Sau giờ làm việc tại bệnh viện ông rảnh rỗi, mượn sách thư viện về nhà, xúc tìm nơi những trang sách, về một đề tài ông rất quan tâm: Đó là những trận đánh trong chiến tranh Đông dương hồi III. Hồi I là chiến tranh Việt Pháp cho tới 1954, hồi II là chiến tranh Nam Bắc Việt nam cho tới 1975, và hồi III là chiến tranh tại vùng biên giới, giữa các nước đã từng có thời là đồng minh trong những trận chiến Đông dương cũ.
Để có thể liên kết nhiều tài liệu, nhiều tác giả với nhau, ông nẩy ra ý định ghi chép lại. Ông ghi chú tất cả những điều gì cần ghi chú, sắp xếp cho thành từng chương sách, liên hệ cách nhìn của các tác giả, và rút ra cách nhìn của riêng ông. Nội dung tập bản thảo dầy hơn 200 trang, viết về các trận đánh biên giới xẩy ra năm 1979, giữa ba quốc gia đã từng có một thời là anh em, môi hở răng lạnh, đã từng là hậu phương lớn với tiền tuyến lớn: Campuchia-Việt nam-Trung hoa.
Chỉ mới ngốn được hai trang đầu, tôi biết là tôi đã bất gặp một cuốn sách đặt đúng vấn đề.
Tôi nhớ lại, trong khi trận chiến giữa Việt nam và Trung hoa đang xẩy ra khốc liệt, cũng như chiến tranh Việt nam và Campuchia tới giai đoạn một mất một còn. Không biết người Việt trong nước nghĩ gì, nhưng tại hải ngoại trong lòng người Việt ly hương là một mớ suy nghĩ hỗn độn. Chẳng lẽ lại ca tụng Trung quốc, kẻ thù truyền kiếp của dân Việt từ phương Bắc. Lại càng không thể cổ võ bạo quyền cộng sản trong nước, khi mà hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức của miền Nam còn đang lê những tấm thân tàn trong các xó núi, góc rừng.
Thành thử trong khi cả nước từ Bắc chí Nam, bất kể đảng viên cộng sản hay là dân chúng, đang oằn người chịu đựng một cuộc chiến tranh khác, thì ngoài nước không một cá nhân nào, một tổ chức nào có một cái nhìn tương đối dứt khoát, đối với một tai hoạ mới đang diễn ra với anh em, ruột thịt đồng bào.
Hoàng Dung có mặt trong nước khi chiến tranh biên giới xẩy ra, nhưng người cộng sản có bao giờ thông tin cho dân chúng một cách trung thực. Cái mà ông đọc ở báo chí trong nước, chỉ là những mớ bùi nhùi chữ nghĩa, chỉ là những khẩu hiệu ca tụng chiến thắng rất kêu, hệt như những tiếng phèng la của những tay Sơn Đông mãi võ.
Ông muốn tìm hiểu việc gì đã đích thực xẩy ra. Do đó ngay khi điều kiện sinh sống cho phép, ông vùi đầu vào những cuốn sách của các nhà sử học, của các ký giả ngoại quốc đã viết về trận chiến tranh này. Nhân tiện ông ghi lại cho những bạn đồng tù của ông, hay bất cứ ai muốn tìm hiểu trận chiến này. Ông vẽ tại các cuộc chuyển quân của cả ba nước cộng sản tham chiến: Hoa, Việt, Miên. Ông cũng ghi lại những biến chuyển nhân sự, những con người trồi lên tụt xuống trong Chính trị Bộ Bắc Việt, hay trong Trung Nam Hải Bắc kinh, cũng như trong rừng già nhiệt đới Campuchia, để những người đọc ông, có thể hên kết những biến chuyển chính trị, xạ chiếu trên mặt trận quân sự như thế nào.
Cách ông viết giống như ông đã trình bầy luận án, do đó cuốn sách có một cái nhìn nhất quán, trình bầy sáng sủa mạch lạc, tài liệu tra cứu dồi dào, với những phụ bản cần thiết. Chỉ cần đọc chương chót cuốn sách, chương ghi chú sơ lược về các nhân vật cuốn sách nói tới, người đọc sẽ thấy cái cần cù của tác giả. Mỗi một nhân vật đều có một vài dòng tiểu sừ, ghi năm sinh, năm chết, giữ chức vụ gì, tại sao bị thanh trừng… Bảng danh sách này gồm có 166 nhân vật Việt, Hoa, Miên, Lào, Nga, Mỹ, Pháp. Tôi chọn thử một nhân vật:
Đinh Bá Thi: Tên thật là Ung Văn Chương, được Lê Duẩn nâng đỡ, nhờ bầy kế để Duẩn lấy người vợ thứ ba. Đại diện Việt nam tại Liên hiệp quốc sau 1975, bị triệu hồi năm 1978 sau một vụ án gián điệp. Có tin bị công an đặc biệt của Việt nam giết vì đã móc nối với Trung hoa”.
Một thí dụ khác: “Kayxon Phomvihan (AL): Tổng bí thư Đảng cộng sản Lào, sau 1975 làm Thủ tướng Lào. Tên thật không rõ, con của Nguyễn Trí Loan, một công chức người Việt tại Lào”.
Ông cũng thiết lập một danh sách 37 đại đơn vị của Việt nam, từ cấp Sư Đoàn trở lên, được thành lập trong thời điểm nào, và vùng hoạt động trong các trận đánh cùng với Trung quốc và Miên Cộng.
Đánh giá lại trận chiến này là một việc làm cần thiết cho người Việt lưu vong, bởi vì khi khối cộng sản tan thành mảnh nhỏ tại Đông Âu, và cả nước Nga, đã khai sinh lại nhiều quốc gia trên bản đồ thế giới. Trong việc khai sinh những quốc gia này, máu đã đổ không ít giữa những người có thời là đồng chủng, tại Nam Tư, cũng như tại Liên xô, huống hồ giữa hai sắc dân hoàn toàn khác biệt về ngôn ngữ cũng như chủng tộc giữa nòi Việt và nòi Hán, hay những oán thù chủng tộc giữa người Việt và người Khmer. Những tranh chấp lãnh hải trong vùng biển Đông, nơi lưu trữ một nguồn hơi đốt và dầu hoả, có thể không thua lượng dầu thô dự trữ tại bán đảo ả Rập. Số lượng tài nguyên này chưa biết có đủ tốt để khai thác kỹ nghệ không. Nhưng có thể nó sẽ là một liều thuốc nổ, khơi ngòi chiến tranh trong một vài năm tới.
Một cuộc chiến nữa có thể xẩy ra giữa các nước trong vùng Đông Nam Á là một điều khả tín.
Vì thế ước vọng khiêm nhường của Hoàng Dung, tác giả của cuốn sách này chỉ mong mỏi: Cuốn sách sẽ là bước đầu tìm hiểu các cỗi rễ, những căn nguyên, cũng như những yếu tố đã đưa tới chiến tranh giữa Việt nam và hai nước lân bang. Để nếu không giải quyết được thì cũng làm giảm đi sự nghi kỵ và lòng thù hận, hoặc tăng thêm sự cảnh giác về mối đe doạ thường trực của đất nước.
Hoàng Dung là một ngạc nhiên trong đời sống tôi. Biết nhau suốt 40 năm tôi chưa bao giờ có dịp nhìn ông thật kỹ. Cuốn sách cho tôi biết một điều: Có những con người bình thường mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày, tưởng như đã hiểu, đã biết rõ về họ. Kịp cho tới khi có một việc không bình thường xẩy ra, mới là dịp để chúng ta biết con người đó đích thật nghĩ gì, làm gì?
Nếu như ông gửi tới tôi bản thảo một tập truyện ngắn, một tập thơ thì có thể ông sẽ là một “nhà văn y sĩ”, như một số cây bút, hay chua thêm chữ MD dưới tên tác giả mỗi khi viết bài. Nếu ông viết một tài liệu y khoa tôi đã không ngạc nhiên, mà tài liệu y khoa thì chắc chắn người nhận là các đồng nghiệp của ông. Tôi biết gì về thuốc men, về bệnh trạng, về cơ thể con người?
Đọc xong tập bản thảo, tôi biết ông là người như thế nào ông là một người học thức khoa bảng với cấp bằng ông hiện có, với nghề nghiệp ông đang làm, nhưng đồng thời ông cũng là trí thức. Chữ trí thức với nghĩa giản dị, khiêm tốn và đúng nghĩa nhất của danh từ này.
Xin thành thật cám ơn người bạn thuở thiếu thời, mà mãi tới 40 năm sau tôi mới có dịp nhận biết con người thực sự, ẩn sâu trong những công việc ông đã làm cho chính ông, cho bằng hữu, cho bệnh nhân. Bất kể bệnh nhân ấy là ai, làm gì, từ đâu tới Xin cám ơn cuốn sách Chiến Tranh Đông dương III, tác phẩm đã soi tỏ cho tôi những điều tù mù tăm tối của hơn mười lăm năm trước.

Trích đọan tác phẩm của Hòang Dung

Chiến Tranh Đông Dương 3

(…trích đoạn chương đầu)

Sơ lược lịch sứ Cam pu chia từ lập quốc đến thời cận đại

Lịch sử Việt nam từ khi lập quốc đã luôn luôn có những quan hệ thăng trầm với Trung hoa. Văn minh Trung hoa đã ảnh hường nhiều đến dân tộc Việt nam trong cả thời kỳ bị đô hộ hay thời kỳ độc lập. Do đó, người Việt nam đã biết nhiều về văn hoá cũng như lịch sử của Trung hoa, nhưng đã rất mù mờ về hai quốc gia lân bang khác ở phía tây là Lào và Campuchia, chỉ vì hai quốc gia này đã không gây nhiều ảnh hưởng đến an ninh lãnh thổ cũng như nếp sống văn hoá xã hội của Việt nam.

Một trong những nguyên nhân sâu xa đưa đến cuộc chiến tranh Đông dương thứ ba hay cuộc chiến tranh hậu chiến là mối thù hận lâu đời của người Campuchia đối với người Việt Mối thù hận này, ít có người Việt nào để ý đến nhiều, mặc dù đã kéo dài suất trong lịch sử mấy trăm năm nay, kể từ khi Việt nam đã thôn tính xong nước Chiêm Thành, và trở nên một lân quốc của Campuchia.
Cũng như lịch sử Việt nam, nguồn gốc lập quốc của Campuchia rất mơ hồ. Người ta chỉ biết tại vùng đất trước kia từng thuộc Campuchia đã có người sinh sống từ hai ngàn năm trước Tây lịch. Quốc gia đầu tiên được biết đến ở phần đất này là Phù Nam, khi thứ sử Giao Châu là Sĩ Nhiếp năm 220 báo cáo về triều đình Đông Hán là đất Giao Châu (Việt nam hồi đó) bị quân Lâm ấp (sau là Chiêm Thành) và Phù Nam quấy nhiễu. Năm 245, vua Tàu nhà Hán có gửi một sứ bộ đến Phù Nam. Một trong những sứ giả là Khang Thái, khi về nước đã viết về quốc gia này. Theo ông, người sáng lập ra vương quốc là vua Kaundinya. Ông đến từ Ấn độ, đánh bại nữ hoàng Liệu Yeh rồi kết hôn với bà này. Tuy nhiên, cũng như người Việt từng tự hào là con rồng cháu tiên, người Khmer cũng huyền thoại hoá lịch sử của họ. Trên một bia dá tìm thấy ở Phú Yên, có khắc một chuyện thần tiên, trong đó kể lại vua Kaundinya có một cây thương thần và đã kết hôn với con gái của thần rắn Nga. Do đó mà về sau, thần rắn trở nên một biểu tượng cho nguồn gốc thần thánh của dân tộc Campuchia.
Đế quốc Phù Nam, cũng như tất cả những đế quốc khác, sau một thời gian hưng thịnh, rồi cũng bị sụp đổ vào thế kỷ thứ sáu do cuộc nổi loạn của một quốc gia chư hầu là Chân Lạp. Theo sử nhà Tuỳ, Chân Lạp là một nước nhỏ ở phía tây nam Lâm ấp (vùng rừng núi Ratakini ở phía tây của Kontum và Pleiku) và dân tộc Chân Lạp cũng thuộc giống dân Khmer. Sau khi tiêu diệt triều đình Phù Nam, vương quốc Chân Lạp luôn luôn có nội chiến, và đến năm 706 thì lãnh thổ bị chia làm hai nước: Thượng hay Thổ Chân Lạp, và Hạ hay Thuỷ Chân Lạp.
Năm 802, vua Jayavarman II, một vị vua sáng suốt của Thổ Chân Lạp lên ngôi. Ông thống nhất hai nước, củng cố hành chánh, đổi tên nước là Kambuja, tên nguyên thuỷ của Campuchia, dời đô về Angkor, mở đầu một kỷ nguyên vàng son. Những vị vua kế nghiệp ông đã xây thêm nhiều đền đài lăng tẩm, nhất là cha con vua Indravarman (877- 900) đã phát triển hệ thống dẫn thuỷ nhập điền, đào những con kinh rộng hơn cây số, những hồ chứa nước, mở ra một cuộc “cách mạng xanh” khiến cho đất đai Campuchia có thể sản xuất lương thực dồi dào cho suốt mấy trăm năm. Một vị vua nổi tiếng khác, vua Suryavarman II (1113- 1150) đã bành trướng đất đai đến bán đảo Malaysia, đánh phá Chiêm Thành, và xây dựng ngôi đền Đế thích Angkor Wat, một công trình kiến trúc nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Sau khi vua Suryavarman II băng hà, thành Angkor bị người Chiêm Thành tấn công, và vua Jayavarman VII sau đó lên ngôi. Ông có lẽ là vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử Campuchia. Ông hưng binh phục hận và chinh phục Chiêm Thành, biến nước này thành chư hầu, mở rộng lãnh thổ. Đồng thời ông đào thêm kinh rạch, xây dựng Đế Thiên Angkor Thom và đền Bayon, cùng hơn một trăm ngôi nhà nghỉ mát. Nhưng những chiến công của ông và những công trình vĩ đại đó đã phải trả một giá rất đắt. Dân chúng phải làm việc như nô lệ để xây dựng và trùng tu cung điện, đền đài. Trai tráng bị cưỡng bách tòng quân chinh chiến liên miên. Tài nguyên quốc gia bị kiệt quệ, và ngay sau khi vua Jayavarman VII qua đời, những gì ông thực hiện được hoàn toàn tan rã. Tuy nhiên, những công trình xây dựng và những chiến công hiển hách của ông đã trở nên niềm hứng khởi cũng như mối ám ảnh cho đường lối cai trị cuồng điên của những lãnh tụ Khmer Đỏ sau này.
Sau khi vua Jayavarman VII qua đời (năm 1228), triều đại Angkor bắt đầu suy tàn, khởi đầu là nước Chiêm Thành thâu hồi độc lập. Từ đó, người Chiêm Thành và người Thái liên tiếp tấn công thủ đô, triều đình phải di chuyển về Phnom Penh (1434), rồi Lovek (15161. Đế Thiên Đế Thích bị bỏ hoang. Năm 1594, quân đội Thái tấn công chiếm được kinh thành Lovek. Họ đô hộ cả quốc gia, tịch thu và cướp bóc của cải, bắt đem về Thái lan hàng chục ngàn thợ giỏi, trí thức, nghệ sĩ, tăng sĩ. Dù cho về sau, dân Campuchia đã nổi dậy đánh đuổi được quân Thái lan, nhưng cũng kể từ lúc đó, người Campuchia không còn năng lực sản xuất được những công trình mỹ thuật và kiến trúc vĩ đại như xưa, Quốc gia Campuchia không bao giờ hồi phục lại phong độ cũ
Cũng trong giai đoạn suy tàn đó, vào thế kỷ thứ mười bảy, Việt nam đã thôn tính xong quốc gia Chiêm Thành và trở nên một lân quốc trực tiếp của Campuchia. Bị nằm kẹt giữa hai quốc gia hùng mạnh đang phát triển, Campuchia chỉ có một cách duy nhất để sống còn là hoặc thần phục Thái lan, hoặc thần phục Việt nam, có khi đồng thời thần phục cả hai nước. Nhưng vì nhu cầu bành trướng lãnh thổ của Việt nam, và vì nội bộ triều đình Campuchia luôn luôn lủng củng, lãnh thổ quốc gia Campuchia dần dần bị thu hẹp. Tới thế kỷ thứ mười chín thì Việt nam đã chiếm hết lãnh thổ Thuỷ Chân Lạp cũ, và nếu người Pháp không can thiệp vào Đông dương, có lẽ quốc gia Campuchia đã biến mất.
Người Pháp bắt đầu can thiệp vào nội tình Đông dương vào thế kỷ thứ mười chín. Lúc đó người Anh đã chiếm được Ấn độ, Malaysia và người Pháp đang cần một đầu cầu để đi vào thị trường rộng lớn Nam Trung hoa. Trong thời gian đó, Nhật bản có Minh Trị Thiên Hoàng, Thái lan có vua Mongkut có đầu óc canh tân, thì những vị vua triều Nguyễn đã vụng về thi hành chính sách bế quan toả cảng và đàn áp đạo Thiên Chúa, khiến cho người Pháp có cớ để tấn công Việt nam. Từ năm 1851, sau khi vua Tự Đức ký dụ cấm đạo, các tướng Pháp Grenouilly, Charner liên tiếp bắn phá Đà Nẵng và rồi Bonard, De Lagrandière lần lượt chiếm hết sáu tỉnh Nam Kỳ làm thuộc địa. Tiếp theo, người Pháp bắt đầu dòm ngó Campuchia. Tháng 9.1862, Bonard đích thân sang thăm vua Norodom (Nặc Ông Chân), yêu cầu nhà vua nhận cho Pháp bảo hộ. Nhà vua còn trù trừ thì năm sau, Lagrandière sợ nếu để trì hoãn lâu thì Thái lan sẽ nhảy vào tranh giành ảnh hưởng nên đã đích thân lên Phnom Penh gặp Norodom, ép nhà vua ký hiệp ước bảo hộ vào tháng 7-1863.
Mới đầu, người Pháp chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ và Campuchia với mục đích tìm đường đi đến Nam Trung hoa. Một phái đoàn thám hiểm ngược dòng sông Cửu Long được thành lập, do De Lagrée làm trưởng phái đoàn, Francis Garnier phụ tá. De Lagrée bị chết trong chuyến thám hiểm, còn Garnier đến được Vân Nam. Phái đoàn nhận thấy không thể dùng tàu bè ngược sông Cửu Long để lên Vân Nam, nhưng tại Vân Nam, Garnier gặp Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa), một thương gia, Jean Dupuis xúi Garnier yêu cầu Thống Đốc Nam Kỳ Duprée can thiệp để Dupuis có thể dùng sông Hồng Hà để sang Vân Nam buôn bán. Garnier được cử đem quân ra Hà nội dàn xếp, và sau mấy ngày thương thuyết không xong, Garnier tấn công và lấy được thành Hà nội. Tổng đốc Hoàng Diệu tự tử, Garnier sau đó cũng bị quân Cờ Đen phục kích giết chết.
Thấy không sử dụng được sông Cửu Long, người Pháp tìm cách khai thác những mối lợi khác. Năm 1884, họ đòi vua Norodom phải ký thoả ước để người Pháp được nắm toàn quyền về hành chánh, tư pháp, tài chánh, thương mại và thu tất cả mọi thứ thuế. Vua Norodom từ chối, Lagrandière tự đem tàu chiến lên Phnom Penh, vào tận hoàng cung, ép vua Norodom phải ký.
Tự ái dân tộc bị tổn thương, nhân dân Campuchia nổi loạn dưới sự lãnh đạo của hoàng thân Si Vatha. Người Pháp phải đánh dẹp hai năm mới yên. Vua Norodom chết năm 1904, em của ông là Sisowath nối ngôi, trị vì đến năm 1927 thì con là Monivong nối nghiệp. Nhưng khi Monivong mất năm 1941 thì toàn quyền Decoux lại chọn Sihanouk là chắt của vua Norodom lên ngôi vua, chỉ vì lúc đó ông ta còn trẻ và người Pháp nghĩ là ham chơi, thiếu kinh nghiệm.
Nước Campuchia, dưới sự bảo hộ của Pháp, có được một thời kỳ tương đối yên tĩnh, và họ cũng may mắn không bị liên quan nhiều đến thế chiến thứ hai. Tuy rằng mối quan tâm chính của người Pháp là bóc lột tài nguyên và nhân lực của dân bản xứ, nhưng họ đã bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia và đã làm được vài công trình có lợi ích. Trước hết là sự phát hiện và trùng tu những lăng tẩm Đế Thiên Đế Thích, làm sống lại một thời đại vàng son rực rỡ của quốc gia Campuchia khơi dậy niềm tự hào dân tộc. thứ hai là họ đã canh tân hệ thống giáo dục, mở mang dân trí, trong đó có sự thành lập hai cơ sở chính là Viện nghiên cứu Phật học và trường trung học Sisowath. Hai cơ sở này đã là nơi đào tạo ra những lãnh tụ tương lai của Campuchia.
Viện nghiên cứu Phật học Phnom Penh được thành lập năm 1930, với sư giúp đỡ của một học giả người Tháp bà Suzanne Karpelès, một nhân viên thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà nội. Viện chủ trương phát huy những tinh tuý của Phật Giáo tiểu thừa gạt bỏ những lễ nghi mê tín, đồng thời làm sống lại niềm kiêu hãnh và khát vọng của nhân dân Campuchia. Trong một xứ không có giai cấp sĩ phu hay quan lại và Phật Giáo được coi gần như là quốc giáo, tầng lớp sư sãi đã có một uy tín và ảnh hưởng rất lớn. Họ sống khổ hạnh, đạo đức. Họ nuôi cô nhi, làm việc thiện, dạy dỗ trẻ con. Người Campuchia khắp nơi đổ về học, nhất là những người Khmer Hạ từ vùng đồng bằng Cửu long trước kia là Thuỷ Chân Lạp nay đã thuộc Việt nam. Trong công cuộc phục hưng văn hoá cổ truyền, Viện Phật học đã gián tiếp phát huy tinh thần quốc gia chóng thực dân và bài Việt nam.
Một cơ sở giáo dục khác, trường trung học Sisowath, được coi như nơi tập trung những tinh hoa của giới học sinh. Qua hội ái hữu cựu học sinh, họ đã qui tụ được một nhóm trí thức sau này trở nên những lãnh tụ chính trị, mà tư tưởng cũng như khuynh hướng chính trị dù rất khác nhau của họ đã có ảnh hưởng quan trọng đến vận mạng của dân tộc Campuchia suốt mấy chục năm qua.
Người lãnh tụ quốc gia đầu tiên của Campuchia trong giai đoạn này là ông Sơn Ngọc Thành. Theo ông hoàng Sihanouk, ông Sơn Ngọc Thành là anh em của Sơn Ngọc Minh, lãnh tụ đầu tiên của phong trào cộng sản Campuchia, và Sơn Thái Nguyên, cựu nghị sĩ Quốc hội Việt nam cộng hoà – nhưng chi tiết này có lẽ không xác thực, vì ông hoàng Sihanouk đã rất ganh ghét Sơn Ngọc Thành – Sơn Ngọc Thành là một người Khmer Hạ, sinh trưởng ở vùng đồng bằng Cửu Long, học hết trung học ở Việt nam, sau đó sang Pháp học Luật, và mấy năm sau, dù chưa tốt nghiệp, ông trở về Phnom Penh. Với trình độ học vấn của ông lúc đó, ông trở nên một nhân vật quan trọng trong Viện Phật Học và là một gạch nối quan trọng giữa tầng lớp sư sãi và nhóm tri thức cựu học sinh Sisowath. Nhóm trí thức này phần lớn có địa vị, có khả năng tài chánh, có kiến thức chính trị, trong khi tầng lớp sư sãi lại có uy tín và tổ chức sâu rộng trong quần chúng. Năm 1936, Sơn Ngọc Thành xuất bản tờ báo Nagaravatta. Dưới danh nghĩa truyền bá Phật Giáo và bảo tồn văn hoá, tờ báo kêu gọi đấu tranh giành độc lập. Tờ báo cũng cực lực công kích sự ưu đãi của người Pháp dành cho người Việt khi họ dùng người Việt trong những chức vụ hành chánh ở Campuchia.
Mấy năm sau, thế chiến thứ hai bùng nổ, quân Nhật tiến vào Campuchia, nhưng vẫn để người Pháp duy trì bộ máy hành chánh. Lo sợ trước cao trào đấu tranh của dân bản xứ, năm 1942, người Pháp đóng cửa tờ báo Nagaravatta, bắt giữ lãnh tụ Phật Giáo Hem Cheav. Nhà sư này sau đó chết trong tù tại Côn Đảo.
Việc bắt giữ cao tăng Hem Cheav đã gây phẫn nộ trong dân chúng Campuchia. Ngày 20-7-1942, Sơn Ngọc Thành tổ chức một cuộc biểu tình lớn đòi Pháp phải thả hết tù chính trị và trao trả quyền tự quyết cho dân tộc Campuchia. Cuộc biểu tình bị người Pháp dẹp tan và người Nhật không can thiệp. Sơn Ngọc Thành phải trốn sang Nhật. Mấy năm sau, quân Nhật đảo chánh quân Pháp, ép ông hoàng Sihanouk thành lập một chính phủ thân Nhật, ra tuyên ngôn độc lập trong khối Thịnh vượng Đại Đông Á. Sơn Ngọc Thành về nước làm Bộ trưởng ngoại giao. Mấy tháng sau, Nhật đầu hàng Đồng Minh, và ngày 9-8-1945, Sơn Ngọc Thành đảo chánh tự đứng lên làm Thủ tướng.
Lúc đó, tại châu Âu, Đức Quốc Xã đã đầu hàng chính phủ De Gaulle không che giấu ý định trở lại Đông dương. Để cứu vãn tình thế, Sơn Ngọc Thành mới thoả hiệp với Việt Minh để thành lập một mặt trận chung chống Pháp, nhưng viên Bộ trưởng quốc phòng của ông đã phản bội, trốn xuống Sài gòn, báo cho Pháp biết kế hoạch. Ngày 10-10-1945, liên quân Anh Pháp Ấn tiến vào Phnom Penh bắt giam Sơn Ngọc Thành, tái lập chế độ thuộc địa và cho Sihanouk trở lại làm vua. Sơn Ngọc Thành bị kết án hai mươi năm khổ sai, đầy sang Vence rồi Poitiers. Ông được thả năm 1950, nhưng uy tín ông cũng lu mờ dần. Sau giai đoạn hỗn loạn đó, hai phong trào giải phóng quốc gia được thành lập. Ở phía tây, là phong trào Khmer Issarak, được chính quyền Thái lan dung túng và giúp đỡ. Đây là phong trào gồm nhiều thành phần, bảo hoàng có, phe Sơn Ngọc Thành có, tả phái có, kết hợp lại cùng chung mục đích là đánh đuổi thực dân Pháp. Ở phía đông, một lãnh tụ Phật Giáo, nhà sư Achar Man, đã gia nhập đảng cộng sản Đông dương khi bị tù ở Côn Đảo cùng với các tù nhân cộng sản Việt nam, trở nên lãnh tụ đầu tiên của phong trào cộng sản Campuchia với bí danh Sơn Ngọc Minh (kết hợp hai tên Hồ Chí Minh và Sơn Ngọc Thành). Tuy thế, hai phong trào này vẫn còn yếu ớt, cho nên trong chiến tranh Đông dương thứ nhất, tình hình chiến sự Campuchia tương đối yên tĩnh. Khi chiến tranh chấm dứt, hai phong trào này gần như tan rã.
Tại hội nghị Genève năm 1954, các lãnh tụ cộng sản Việt nam, Trung hoa, Liên xô đã không đếm xỉa gì tới cộng sản Campuchia. Việt nam được nửa quốc gia phía bắc, cộng sản Lào được hai tỉnh Sầm Nứa và Phong Saly. Riêng cộng sản Campuchia một số phải lui vào bóng tối, một số khác giả làm bộ đội Việt nam theo tàu Ba lan đi Hà nội. Một mình ông hoàng Sihanouk là có quyền tuyên bố đã giành được độc lập và toàn vẹn lãnh thổ một cách hoà bình. Đối với đa số dân Campuchia, ông trở nên một anh hùng giải phóng dân tộc. Nhưng dù khôn khéo đến đâu, ông cũng không thể giữ cho quốc gia Campuchia đứng ngoài vòng tranh chấp của cuộc chiến tranh Đông dương thứ hai và vận mạng không may của dân tộc Campuchia đã phải trải qua từ thảm trạng này sang đến thảm trạng khác, đúng như lời tiên đoán của ông nội ông: Sẽ có ngày dân Campuchia sẽ phải chọn lựa, hoặc bị tiêu diệt bởi con cọp, hay bị nuốt bởi con cá sấu. Xét bề ngoài, Campuchia có một thời gian hoà bình từ 1954 đến 1970. Trong khi trận chiến Đông dương thứ hai diễn ra ở Việt nam kéo dài gần hai mươi năm, thì nội chiến Campuchia chỉ thực sự bùng nổ dữ dội từ 1970 đến 1975. Nhưng trong khoảng thời gian này, những diễn biến chính trị nội bộ cùng nhưng biến chuyển ở Việt nam đã đưa đến sự phát triển của phong trào cộng sản Campuchia, lần này được lãnh đạo bởi những tay lãnh đạo mới, có khả năng hơn (tương đối có học nhất trong những lãnh tụ cộng sản châu Á), và cuồng tín hơn. Vì thế, dù cuộc nội chiến chỉ xảy ra trong năm năm nó đã gây ra những tổn hại nhân mạng, kinh tế và xã hội nghiêm trọng.
Nhân vật chính trị nổi bật nhất trong giai đoạn này vẫn là ông hoàng Sihanouk. Ông là một người đa dạng. Tuỳ theo cách nhìn của mỗi người ông ta có thể là một ông vua bình dân, một nhà độc tài, một chính trị gia khôn khéo, một kẻ cơ hội, một nhà soạn nhạc dở hay một diễn viên điện ảnh tồi, ông đã từng cộng tác với Pháp, với Nhật nhưng vẫn tự nhận là anh hùng dân tộc. Khi thấy cộng sản mạnh, ông đi đôi với Trung quốc rồi Việt cộng. Sau 1968, Việt cộng bị yếu đi, ông tìm cách trở lại kết thân với Mỹ. Sau khi bị đảo chánh, ông theo Khmer Đỏ. Thoát được ra ngoài, ông đả kích họ kịch liệt. Tuy ông không phải là một nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng, nhưng trong cái hoàn cảnh chênh vênh của nước ông ở bên cạnh một quốc gia mà tình hình luôn luôn sôi động như Việt nam, sự khôn khéo và đường lối chính trị đu dây của ông đã giúp ông lúc nào cũng là một trong những nhân vật chính trong mọi hoàn cảnh.
Sau năm 1954, theo hiến pháp, Campuchia phải bầu cử quốc hội. Sợ rằng các đảng đối lập có thể thắng cử và lập chính phủ, Sihanouk đang làm vua tự ý thoái vị, nhường ngôi cho cha, rồi dùng uy tín cá nhân của mình kết hợp những đảng phái ôn hoà và hữu phái lại thành một đảng, lấy tên là Cộng đồng nhân dân xã hội (Sangkum Reasts Niyum). Cùng ra tranh cử trong thời gian đó là những đảng viên của đảng Độc lập (phe Sơn Ngọc Thành), đảng Nhân dân (của Keo Meas, cộng sản trá hình), đảng Dân chủ (Thioun Mumm, cũng cộng sản). Nhờ uy tín cá nhân của Sihanouk, cũng như nhờ gian lận và đàn áp, đảng Sangkum của Sihanouk chiếm được tất cả các ghế trong quốc hội, nhưng ông ta vẫn không nương tay với các chính khách đối lập, nhất là các cán bộ cộng sản. Chủ bút tờ báo cộng sản Cờ Giải Phóng Pracheachon bị đánh đập, hành hung rồi chết vì vết thương hai ngày sau đó. Thioun Mumm phải trốn về Pháp, Keo Meas trốn sang Bắc Việt. Phong trào cộng sản Campuchia càng suy đồi hơn vào năm 1959, khi lãnh tụ cộng sản số hai phụ trách nông thôn là Siêu Hung về hồi chánh, chỉ điểm cho mật vụ của Sihanouk bắt bớ, phá hoại hết những cơ sở cộng sản ở nông thôn.
Thời gian đó, các trí thức tả phái Khieu Samphan, Hou Youn đã tốt nghiệp bên Pháp trở về dạy đại học và hoạt động cộng sản nằm vùng. Trong khi đàn áp và tiêu diệt những tên cộng sản “xấu” ở trong nước, thì Sihanouk lại kết thân với những chính quyền cộng sản “tốt” ở ngoài. Ông tuyên bố theo đường lối trung lập không liên kết và gia nhập khối Á Phi. Đường lối này rất phù hợp với Trung hoa, không muốn thấy Hoa kỳ có căn cứ hay ảnh hưởng ở biên giới phía nam, và với Bắc Việt, vì Sihanouk đã làm ngơ để cho Việt nam dùng đất Campuchia làm đường mòn tiếp vận và mật khu an toàn. Khôn ngoan hơn nữa, năm 1962, ông mời những trí thức tả phái tham gia chính phủ. Hu Nim được cử làm phụ tá chủ bút báo đảng Sangkum, Samphan làm Bộ trưởng Thương mại và Hou Youn Bộ trưởng Kế hoạch. Mấy người này mới làm được một vài cải cách nhỏ thì năm sau, 1963, song song với những cuộc biểu tình của sinh viên và Phật tử ở Việt nam, sinh viên học sinh ở tỉnh Siem Reap cũng biểu tình phản đối cảnh sát Campuchia tham nhũng và có những hành vi đàn áp hung bạo. Họ cũng phản đối luôn cả Sihanouk. Đây là một biến cố tự phát, nhưng là lần đầu tiên ở Campuchia có biểu tình phản đối chính phủ. Sihanouk nghi ngờ phe tả xúi dục, buộc Khieu Samphan, Hou Youn, Hu Nim phải từ chức. Còn Saloth Sar bị săn đuổi phải trốn vào rừng.
Tuy đàn áp tả phái trong nước, Sihanouk vẫn tiếp tục chính sách đối nội và đối ngoại lưng chừng. Để Trung hoa và cộng sản Bắc Việt không viện trợ cho cộng sản Campuchia, ông quốc hữu hoá nhũng ngành sản xuất, ngưng nhận viện trợ Mỹ, và làm ngơ cho những hoạt động của Việt cộng ở vùng biên giới. Mất viện trợ Mỹ, ngân sách bị thiếu hụt, Sihanouk ra lệnh thu mua lúa gạo với giá rẻ hơn. Điều này khiến nông dân bất mãn và họ không chịu tăng gia sản xuất. Ngay cả phe hữu cũng bất bình vì thái độ đối ngoại thân Cộng và vì ngân sách quốc phòng bị giảm. Họ càng bất mãn hơn khi Sihanouk đứng ra triệu tập Hội nghị nhân dân Đông dương ở Phnom Penh năm 1966, và chỉ mời Bắc Việt, Mặt trận giải phóng, và Pathet Lào tham dự. Vào cuối năm đó, Quốc hội Campuchia được bầu lại. Chỉ trừ Khieu Samphan, Hou Youn và Hu Nim đắc cử, còn lại toàn là dân biểu phe hữu. Lon Nol được bầu làm Thủ tướng, và chính phủ bắt đầu chính sách thu mua lúa gạo một cách cứng rắn hơn.
Mầm mống bất mãn nổi lên. Sáng ngày 2-4-1967, nông dân làng Samlaut tỉnh Battambang nổi loạn, giết chết hai binh sĩ, cướp súng ống rồi tấn công đồn bót tỉnh ly. Cuộc nổi loạn bị dẹp tan, nhưng ở biên giới phía đông gần vùng tam biên, Saloth Sar và Trung ương Đảng cộng sản Campuchia nghĩ rằng thời gian đã chín mùi để có thể phát động đấu tranh vũ trang chiếm chính quyền, bắt đầu nổi lên gây rối. Sihanouk tố cáo phe tả đứng đằng sau cuộc nổi loạn ở Samlaut nên cho mật vụ bắt bớ đàn áp. Khiêu Sam phan, Hou Youn, Hu Năm phải trốn vào bưng. Kể từ lúc đó, Sihanouk mất dần sự ủng hộ của cả phe tả lẫn phe hữu. Ngày 18-3-1970, khi Sihanouk đang nghỉ hè ở Pháp, Quốc hội Campuchia được triệu tập, ra tuyên cáo truất phế Sihanouk khỏi chức Quốc trưởng, tố cáo ông ta đã để bộ đội Việt nam chiếm đóng đất đai Campuchia một cách bất hợp pháp, vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và nền trung lập của quốc gia Campuchia.
Cuộc đảo chánh kể trên đã chấm dứt đường lối chính trị đu dây của Sihanouk. Nhân vật chính trong cuộc đảo chính là hoàng thân Sirik Matak và tướng Lon Nol. Lon Nol xuất thân nông dân. Năm 1946, ông lập đảng Canh Tân Campuchia. Tới năm 1955, đảng này nhập vào đảng Sangkum của Sihanouk và Lon Nol được Sihanouk cho làm Tham mưu trưởng quân đội. Ông ta giấu kín tham vọng, được Sihanouk tin cẩn và trở nên cánh tay mặt của Sihanouk. Sau khi đảo chánh, Lon Nol gom tất cả Việt kiều vào những trại tập trung, và rồi hàng ngàn người Việt bị thảm sát thả trôi trên dòng Cửu Long. Chính phủ ngầm xúi dục dân chúng Phnom Penh biểu tình đập phá toà đại sứ Bắc Việt và toà đại diện Việt cộng, đồng thời chính thức yêu cầu quân lính Việt cộng rút ra khỏi những mật khu biên giới.
Ngày 30-4-1970, quân đội Sài gòn và Hoa kỳ tràn qua biên giới tấn công các mật khu của Việt cộng ở khu Lưỡi Câu và Mỏ Vẹt, tịch thu nhiều vũ khí, lương thực, nhưng Bộ chỉ huy Cục R chạy thoát. Mất căn cứ ở biên giới, quân Việt cộng lùi sâu vào lãnh thổ Campuchia, đánh chiếm hầu hết lãnh thổ vùng Đông Bắc, rồi giao lại cho quân Khmer Đỏ cai trị. Lon Nol phản ứng lại bằng cách tăng cường quân đội, từ ba mươi lăm ngàn quân lên một trăm ngàn trong vòng hai tháng. Dù thiếu trang bị và huấn luyện, nhưng Lon Nol tin rằng ông ta sẽ chiến thắng. Trước hết, ông ta tin vào lòng thù ghét Việt nam của dân chúng Campuchia, thứ hai là vì những lý do rất mê tín. Lon Nol tin rằng Phật sẽ giúp quân lính ông chống lại ma vương cộng sản, do đó quân sĩ được khuyến khích đeo bùa, hay xâm lên người những dấu hiệu thiêng liêng. Dù binh sĩ Cộng hoà Khmer đã chiến đấu dũng cảm, nhưng vì thiếu trang bị, thiếu huấn luyện, vì tệ nạn tham nhũng và nhất là vì Lon Nol cứ liên tiếp xen vào hệ thống chỉ huy nên hai cuộc hành quân Chân Lạp I và Chân Lạp II trong hai năm 1970 và 1971 đã đưa đến thảm bại, gây tổn thất trầm trọng cho quân đội. Trong khi đó, quân Khmer Đỏ lớn mạnh dần, và sau khi hiệp định Paris về Việt nam được ký kết (ngày 27-1-1973), quân Khmer Đỏ bắt đầu đảm nhiệm cuộc chiến một cách tích cực hơn. Với lối đánh liều mạng bất kể tổn thất, Khmer Đỏ dần dần mở rộng vùng kiểm soát và tới cuối năm 1974, họ bắt đầu tấn công Phnom Penh. Tuy hai lần Khmer Đỏ bị đẩy lui với những tổn thất nhân mạng rất lớn, nhưng rồi vòng đai phòng thủ Phnom Penh cũng bị vỡ. Ngày 1-4-1975, Neak Song thất thủ, ngày 12-4-1975, cứ điểm phòng thủ cuối cùng Takhman ở phía tây bị tràn ngập. Phnom Penh trở nên một thành phố bỏ ngỏ. Ngày 17-4-1975, quân Khmer đỏ tiến vào thành phố. Cuộc nội chiến trong giai đoạn chiến tranh Đông dương thứ hai chấm dứt, nhưng người dân Campuchia không biết rằng họ đang bước sang một giai đoạn lịch sử đen tối khác, bi thảm hơn tất cả mọi thảm hoạ mà họ hay toàn thể nhân loại đã trải qua.

Tài liệu tham khảo:

– Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim.
– History of Southeast Asia, Hatl
– When The War Was Over, Elizabeth Becker
– Brother Enemy, Nayan Chanda
– War & Hoe, Norodom Sihanouk
– Campuchia, Year Zero, Francois Ponchaud.

 

clip_image002

 

Chiến Tranh Đông Dương 3

(…trích đoạn chương cuối)

Trận chiến biên giới Việt Hoa 1979
Ngày thứ bảy 17-2-1979, lúc 3 giờ 30 sáng, pháo binh quân đội Trung hoa bắt đầu pháo kích ào ạt vào các vị trí quân sự các quận Tiên Lĩnh, Hà Quảng thuộc tỉnh Cao Bằng, mở đầu cho một cuộc tấn công quy mô trên một chiến tuyến dài hơn một ngàn cây số dọc theo biên giới Việt Hoa từ Lai Châu đến Móng Cái.
Xét về địa thế, lãnh thổ hai nước dọc theo biên giới có thể chia làm hai vùng. Vùng lãnh thổ tây bắc gồm những tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang tới Cao Bằng giáp giới với Vân Nam và Quảng Tây của Trung hoa là một vùng đất hiểm trở, núi non trùng điệp, với rặng Phansipăng trải dài từ Tây Tạng, qua Vân Nam, chiếm ba phần tư lãnh thổ phía tây của Bắc Việt, kéo dài đến dãy Trường Sơn. Trục lộ giao thông chính của vùng này là con đường nối Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam, qua Mông Tự, vượt biên giới Việt Hoa ở Lào Cai, xuôi quốc lộ 2 dọc theo thung lũng sông Hồng về Hà nội. Vùng lãnh thổ đông bắc chạy từ Cao Bằng xuống Lạng Sơn, Móng Cái giáp giới Quảng Đông tương đối bằng phẳng, ít núi non, đường xá thuận tiện, dân cư đông đảo phồn thịnh. Trục lộ giao thông chính là con đường từ Nam Ninh chạy qua ải Nam Quan thuộc Lạng Sơn, theo quốc lộ 1 chạy qua châu thổ sông Hồng về Hà nội.
Sinh sống dọc theo biên giới hai nước Việt Hoa là những sắc dân thiểu số. Ở Sơn La có sắc dân Thái đen, ở Lai Châu có sắc dân Thái trắng. Vùng Lào Cai là người Mèo, người Mán, vùng Thái Nguyên, Cao Bằng là người Tày, Thổ, vùng Móng Cái là người Nùng. Những sắc dân thiểu số này không bao giờ có được sự tin cậy của chính quyền cả hai nước. Trong lịch sử, mỗi khi có dịp là họ lại nổi lên chống lại sự cai trị của cả Trung hoa lẫn Việt nam, chẳng hạn như Nùng Trí Cao năm 1041 đã nổi lên chống lại nhà Lý rồi sau đó chạy sang Trung hoa chống lại nhà Tống. Trong chiến tranh Đông dương thứ nhất, người Pháp đã lôi kéo được những sắc dân này chống lại Việt Minh, trong đó có những tù trưởng Đèo Văn An, Đèo Văn Long (người Thái), Châu Quản Lộ (người Mán), Voòng A Sáng (người Nùng). Chỉ có người Tày và Thổ là hợp tác nhiều với Việt Minh, có lẽ vì ở ngay tại căn cứ địa của cộng sản. Nổi bật trong những lãnh tụ người Tày, ngoài Hoàng Văn Thụ đã chết, là Chu Văn Tấn, trước là châu đoàn coi lính dõng cho Pháp, sau theo Việt Minh. Để lấy lòng các sắc dân thiểu số, Chu Văn Tấn được Hồ Chí Minh đề cử làm Bộ trưởng quốc phòng trong chính phủ đầu tiên của Việt Minh năm 1945. Nhưng chỉ mấy tháng sau, ông ta bị Võ Nguyên Giáp thay thế. Sau 1954, Chu Văn Tấn được thăng quân hàm thượng tướng, giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội, rồi Tư lệnh kiêm chính uỷ quân khu I. Tuy nhiên đến năm 1977, khi bang giao Việt Hoa bắt đầu căng thẳng, thì cùng với Lê Quảng Ba, Lý Ban, Chu Văn Tấn bị mất chức, sau có tin là bị bắt giam. Chu Văn Tấn bị mất chức không phải vì ông ta có những hành động phản nghịch mà vì uy tín của ông ở vùng biên giới quá lớn, và ông đã có những liên hệ họ hàng chằng chịt với những người Tày ở bên kia biên giới, chính quyền Việt nam sợ rằng Chu Văn Tấn có thể bị Trung hoa khuyến dụ để nổi lên đòi tự trị.
Trong lịch sử chiến tranh Việt Hoa, Lạng Sơn luôn luôn được coi là một vị trí chiến lược chủ yếu và là hướng tấn công chính của quân Trung hoa. Lý do là vì địa thế ở đó là vùng đồng bằng. Chiếm được Lạng Sơn là chiếm được cửa ngõ châu thổ sông Hồng, và chỉ còn một trăm năm mươi cây số dọc quốc lộ 1 là tới Hà nội. Từ quân nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, đến nhà Thanh mỗi khi xâm lăng đều kéo quân qua ngả Lạng Sơn. Ngay cả khi Lý Thường Kiệt đem quân đánh Tống năm 1075, ông cũng kéo quân qua ngả Lạng Sơn, và từ đó, cùng với phó tướng Tôn Đản đã đánh phá châu Khâm, châu Liêm và chiếm được châu Ung (Nam Ninh hiện nay).
Sau Lạng Sơn, Lào Cai là một cửa ngõ quan trọng thứ hai thông thương giữa hai nước. Giữa vùng rừng núi bao la hiểm trở dọc biên giới tây bắc, chỉ có một trục lộ thuận tiện từ côn Minh qua Lào Cai theo thung lũng sông Hồng về Hà nội. Nhưng đó là một con đường độc đạo chập chùng qua rặng Hoàng Liên Sơn, rất dễ bị phục kích, vì thế nên trong lịch sử, khi quân Minh và quân Thanh tiến đánh Việt nam theo hai hướng, Lào Cai chỉ là hướng tấn công phụ. Riêng quân Nguyên không dùng Lào Cai, mà dùng thuỷ quân từ Nghệ An đánh lên.
Kể từ khi Pháp đặt chân đến Việt nam, nhờ đường xá phát triển, Cao Bằng ngày càng trở nên một bàn đạp quan trọng tiến về trung châu. Từ Cao Bằng, có quốc lộ 3 qua Thái Nguyên về Hà nội. Vì thế, về phương diện quân sự, quốc lộ 4, từ Cao Bằng chạy song song với biên giới Việt Hoa qua Lạng Sơn tới Móng Cái đặc biệt quan trọng. Chính tại quốc lộ số 4 này, trong chiến dịch biên giới năm 1950 đã đánh dấu một sự hợp tác thân thiết nhất giữa hai phong trào Việt nam và Trung hoa.
Hai mươi chín năm sau, “tình nghĩa vô sản quốc tế trong sáng” giữa hai nước đã trở nên thù nghịch. Những địa danh Cao Bằng, Lạng Sơn, Đông Khê, Thất Khê nay trở nên bãi chiến trường chính của hai nước. Những đơn vị chính quy, trước kia được Trung hoa giúp trang bị và thành lập, nay trở nên mục tiêu chính mà Trung hoa mong muốn tiêu diệt, và tướng Vi Quốc Thanh, ân nhân của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp năm 1950, năm 1979 đã 72 tuổi, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Hồng quân, lại là người quyết tâm nhất muốn dạy cho Việt nam một bài học về sự trở mặt và vô ơn.
Ngoài những vị trí Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai, từ biên giới Hoa Việt ở Lai Châu có quốc lộ 6 đi về Hà nội, nhưng đó cũng là một con đường độc đạo chạy trên những vùng núi non hiểm trở cao hơn hai ngàn thước, không tiện cho việc di chuyển võ khí nặng cũng như tiếp liệu, nên hướng tấn công của Trung hoa tại Lai Châu không đáng kể. Nhưng sườn phía tây của Bắc Việt có một cửa ngõ quan trọng. Đó là con đường từ tỉnh Phong Saly của Lào theo sông Nậm Na qua thung lũng nổi danh Điện Biên Phủ, tiến về Hoà Bình mà không phải qua những dãy núi gập ghềnh của tỉnh Lai Châu. Sau năm 1975, Trung hoa đã giúp Lào xây dựng một con đường từ Vân Nam xuống Phong Saly. Năm 1979, Bộ trưởng Thông tin Sisana Sisane của Lào đã tố cáo Trung hoa cố tình làm con đường lệch sang biên giới Việt nam, và khi chiến cuộc Việt Hoa bùng nổ, các sư đoàn 306, 968… của Việt nam đang trú đóng bên Lào đã phải dồn lên phòng thủ biên giới phía bắc nước Lào.
Ngay buổi sáng ngày 17-2-1979, quân đội Trung hoa đã tấn công tổng cộng 39 mục tiêu dọc theo biên giới hai nước, trong đó có 26 mục tiêu bị tấn công từ cấp tiểu đoàn trở lên. Riêng Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai bị tấn công bằng cấp sư đoàn. Tổng cộng quân số Trung hoa vượt biên giới trong ngày đầu chiến dịch khoảng tám chục ngàn. Con số này tăng dần cho tới ngày cuối của chiến dịch lên tới trên một trăm năm chục ngàn. Đó là không kể hàng mấy trăm ngàn binh sĩ khác giữ nhiệm vụ yểm trợ hay trù bị phía sau. Chỉ huy tổng quát mặt trận là Hứa Thế Hữu, Uỷ viên Trung ương đảng, kiêm tư lệnh quân khu Quảng Châu (gồm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây). Hứa Thế Hữu đặt Bộ tư lệnh mặt trận ở Nam Ninh. Phụ tá cho Hứa Thế Hữu là Dương Đắc Chí, từng nổi danh khi phụ tá cho Bành Đức Hoài trong chiến tranh Triều tiên. Để sửa soạn tham gia trận tấn công Việt nam, Dương Đắc Chí đang là tư lệnh quân khu Vũ Hán được cử xuống làm tư lệnh quân khu Tây Nam gồm Vân Nam và Quý Châu. Trong những ngày đầu, Hứa Thế Hữu trực tiếp chỉ huy tấn công mặt trận Cao Bằng, Lạng Sơn, còn Dương Đắc Chí phụ trách tấn công Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang. Để tấn công Việt nam, Trung hoa đã huy động nhiều quân đoàn từ nhiều quân khu khác nhau. Hai quân đoàn 13, 14 được giao trách nhiệm tấn công Lai Châu, Lào Cai. Hai quân đoàn 41, 42 tấn công Cao Bằng, còn những quân đoàn 43, 54, 55 tấn công mạn Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Bên phía Việt nam, phòng thủ biên giới Việt Hoa là trách nhiệm của những quân khu I, II, III. Tư lệnh quân khu I là Đàm Quang Trung, một người Tày, cận vệ cũ của Hồ Chí Minh được cử thay Chu Văn Tấn. Đàm Quang Trung không phải là một tướng có khả năng, nhưng được cất nhắc nhờ là gốc người Thổ như Chu Văn Tấn, nhưng lại không có uy tín chính trị như Chu Văn Tấn. Quân khu này gồm cả Cao Bằng lẫn Lạng Sơn nên chịu áp lực nặng nhất của quân Trung hoa. Trong những ngày đầu, trách nhiệm phòng vệ Lạng Sơn được giao cho Nguyễn Văn Thương, tư lệnh sư đoàn 3, Tư lệnh quân khu II là Vũ Lập, phụ trách phòng thủ Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang. Tư lệnh quân khu III là Nguyễn Quyết, trách nhiệm vùng châu thổ sông Hồng và có lẽ cả đặc khu Quảng Ninh, do Sùng Lãm chỉ huy. Bộ tổng tham mưu ở Hà nội trực tiếp theo dõi, giám sát và điều hợp mặt trận. Ngoài những trợ giúp về võ khí và tiếp liệu, trong trận chiến Việt Hoa, Việt nam đã được Liên xô giúp đỡ về tình báo, nhờ không ảnh vệ tinh và một số tàu lấy tin điện tử của Liên xô chạy ngoài khơi vịnh Bắc Việt. Để thi hành hiệp ước hữu nghị, sau khi quân Trung hoa tấn công Việt nam một ngày, Liên xô gửi sang Hà nội một phải đoàn “tham khảo” cùng với thiết giáp hạm Senyavin đến túc trực ngoài khơi vịnh Bắc Việt.
Có lẽ vì chủ quan tin vào hậu thuẫn Liên xô, tính toán sai quyết tâm và quy mô tấn công của quân đội Trung hoa nên Việt nam đã sử dụng hết ba trong bốn quân đoàn chính quy trong cuộc hành quân xâm lăng Campuchia. Do đó, khi quân Trung hoa tấn công, Việt nam chỉ còn những sư đoàn 308, 312, 390… của quân đoàn 1 đóng quanh Hà nội. Việt nam đã cố gắng không dùng tới những sư đoàn này, thứ nhất để dùng làm lợi khí tuyên truyền là đã không cần phải dùng tới quân chính quy, thứ hai là Việt nam sợ quân Trung hoa sẽ dùng toàn lực tiêu diệt những đơn vị này, nhằm phá tan “huyền thoại vô địch” của quân Việt nam. Trách nhiệm phòng thủ biên giới do đó được giao cho những sư đoàn chủ lực quân khu, như các sư đoàn 3, 327, 337, sư đoàn Tây Sơn…
Ỏ Lạng sơn, sư đoàn 567, B46, sư đoàn pháo binh M66 ở Cao Bằng, các sư đoàn 316, 345, đoàn B 68, M63… Ở quân khu II, cùng các trung đoàn chủ lực lỉnh, các huyện đội, và lực lượng công an biên phòng. Hơn một tuần sau, vì tình hình chiến sự nguy kịch, bộ tổng tham mưu quân Việt nam phải gấp rút điều động dân quân từ vùng trung châu, các sư đoàn chủ lực của quân khu IV, cùng quân đoàn 2 từ Campuchia về để tăng cường phòng thủ. Thật ra sự phân biệt giữa những sư đoàn chính quy hay chủ lực của quân Việt nam rất mù mờ, vì một sư đoàn có thể đổi từ chính quy sang chủ lực hay ngược lại bất cứ lúc nào. Chẳng hạn sư đoàn 303, sau 1975, đổi thành đoàn xây dựng kinh tế Phước Long, năm 1978 trở về làm chủ lực cho quân khu VII tấn công Campuchia. Năm sau, 1979, được thuyên chuyển ra Bắc Việt đổi thành chính quy, nằm trong đội hình quân đoàn 68 mới thành lập để bảo vệ biên giới Việt Hoa. Hai năm sau, đang là chính quy, lại đổi thành chủ lực cho quân khu III, và tới 1987, lại trở về là một sư đoàn chính quy của quân đoàn 1 Quyết Thắng.
Trong khi những binh sĩ chính quy trên nguyên tắc trẻ hơn, cơ động hơn, dồi dào phương tiện hơn, được huấn luyện và trang bị chiến đấu hợp đồng với không quân, pháo binh, thiết giáp thuần thuộc hơn, thì những sư đoàn chủ lực các quân khu biên giới phía bắc đa số là những đơn vị từng chiến đấu lâu năm tại miền Nam trong chiến tranh Đông dương II, cho nên bộ đội thiện chiến hơn, có nhiều kinh nghiệm phòng thủ, đào công sự và chiến đấu độc lập dưới hoả lực. Vì thế, họ đã may mắn thích hợp với điều kiện chiến trường. Nhiều tháng trước khi Trung hoa tấn công, sĩ quan, cán bộ của những sư đoàn chủ lực này được phân tán xuống huấn luyện cho những lực lượng địa phương, hướng dẫn cách đào công sự, giao thông hào, lập bãi mìn, bãi chông. Họ cũng nghiên cứu sẵn những vị trí hiểm yếu, những địa điểm có thể bị tấn công, những đường chuyển quân để bố trí sẵn toạ độ pháo binh. Để thống nhất chỉ huy và tăng cường nhân lực các huyện đội, xã đội dân quân được bố trí vào những trung đoàn hay sư đoàn chủ lực. Các phái đoàn Trung ương của Chu Huy Mân, Tổng cục Trưởng Tổng Cục Chính trị, của Hoàng Minh Thảo, Giám đốc Học viện quân sự cấp cao, liên liếp tới kiểm tra, đôn đốc. Vì thế, khi quân Trung hoa bắt đầu tấn công, quân Việt nam đã sẵn sàng.
Trong những ngày đầu của trận chiến, dựa vào quân số đông đảo, Hứa Thế Hữu cho áp dụng chiến thuật biển người để tấn công. Quân Trung hoa được những người Hoa trước kia đã từng sống ở biên giới dẫn đường. Ở nhiều nơi, quân Trung hoa đã nguỵ trang thành bộ đội Việt nam để xâm nhập. Tại Lai Châu, phía cực tây biên giới, quân Trung hoa đánh Gò Tô, Phong Thổ lên đường tiến về lỉnh lỵ. Tại hướng quan trọng Lào Cai, hai sư đoàn thuộc hai quân đoàn 13 và 14 tấn công ngay vào thị xã và các xã lân cận như Thanh Bình, Bản Cầu. Tại Hà Giang, họ tấn công Bản Kiệt, La Quỳnh. Hướng quan trọng thứ hai Cao Bằng cũng bị hai sư đoàn của các quân đoàn 41, 42 tấn công. Tại Quảng Ninh hai trung đoàn quân Trung hoa tấn công Than Thum, Cao Bá Lãnh. Riêng tại mục tiêu chủ yếu Lạng Sơn, quân Trung hoa tấn công theo thế gọng kìm bằng hai hướng. Hướng thứ nhất là hai sư đoàn 163, 164 thuộc quân đoàn 55 vượt Hữu Nghị Quan tấn công Đồng Đăng, cửa ngõ phía bắc Lạng Sơn. Hướng thứ hai là hai sư đoàn 127, 128 quân đoàn 43 tiến đánh từ phía đông vào các tiền đồn ở Bản Xâm, Đồng Nội, Hải Yến.
Tại khắp nơi, quân Trung hoa gặp phải sức kháng cự mãnh liệt. Quân Việt nam, nhờ vào vị trí cố thủ hiểm trở, công sự kiên cố, binh sĩ thiện chiến nhiều kinh nghiệm nên trong đợt tấn công đầu, vẫn giữ vững được các vị trí. Với sự yểm trợ hùng hậu và hữu hiệu của đủ loại pháo binh, từ những đại bác 72, 85, 105, 155, 130 ly đến tên lửa 122 ly, họ đã gây cho quân Trung hoa tổn thất nặng nề về nhân mạng, nhất là ở các mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng. Chiến thuật biển người mà Hứa Thế Hữu áp dụng hiển nhiên đã trở nên lỗi thời trước tác dụng của những võ khí hiện đại. Phía Lai Châu, Lào Cai, quân Trung hoa bị tổn thất ít hơn vì Dương Đắc Chí đã không tấn công chính diện, mà dựa vào địa thế rừng núi hiểm trở để chuyển quân, và khi tấn công, bộ binh được pháo binh và thiết giáp yểm trợ hữu hiệu hơn. Vì số tổn thất quá cao, mấy ngày sau, tuy Hứa Thế Hữu còn giữ chức Tư lệnh mặt trận, nhưng quyền chỉ huy các cuộc hành quân được giao cho Dương Đắc Chí. Quân Việt nam cũng cho vài đơn vị cấp tiểu đoàn vượt biên giới sang tấn công các vị trí tiếp liệu của Trung hoa ở Mã Lý Phố (Vân Nam) và Ninh Minh (Quảng Tây) nhưng các cuộc tấn công này chỉ có tác dụng gây rối.
Sau khi Dương Đắc Chí nắm quyền, tuy chiến thuật biển người bị bãi bỏ, hoả lực pháo binh và thiết giáp được sử dụng nhiều hơn, nhưng quân Trung hoa vẫn dựa vào ưu thế quân số đông đảo để tấn công bất kể tổn thất. Sau mấy ngày bị pháo kích ngày đêm, các công sự phòng thủ của Việt nam dù kiên cố đến đâu cũng dần dần bị phá sập, và quân Trung hoa cuối cùng cũng chiếm được một số mục tiêu. Riêng tại Lạng Sơn, sư đoàn 163 của Trung hoa chiếm được Đồng Đăng vào ngày 22-2-1979.
Trong những ngày 24, 25, 26-2-1979, trận chiến tương đối lắng dịu. Quân Trung hoa sau khi chiếm được một số vị trí đã bị tổn thất nặng và thiếu tiếp liệu nên không thể tiếp tục tấn công. Họ đã chủ quan cho rằng có thể chiến thắng chớp nhoáng nên đã không dự trữ đủ đạn dược pháo binh. Tuy nhiên, quân Việt nam cũng không thể phản công tái chiếm những vị trí đã mất vì không đủ nhân lực. Mặt trận bị trải quá rộng, lực lượng bị phân tán mỏng. Các sư đoàn chính quy của quân đoàn 1 vẫn đóng quanh Hà nội, đề phòng trường hợp Trung hoa đổi ý, tiến sâu vào lãnh thổ Việt nam. Trong khi chờ đợi sự tăng viện của những sư đoàn chủ lực từ các quân khu miền Trung và miền Nam ra tiếp viện Hà nội đã phải điều động những tiểu đoàn dân quân từ các quận huyện ngoại thành Hà nội như Gia Lâm, Đông anh, Thanh Trì, Từ Liêm lên bổ xung quân số. Đồng thời, sau bốn năm hoà bình, dân chúng Hà nội lại được thông báo chuẩn bị sơ tán và đào những hầm hố chống phi cơ oanh tạc.
Mờ sáng ngày 27-2-1979, sau khi đã được bổ xung và tiếp liệu đầy đủ, quân Trung hoa mở một đợt tấn công mới. Dưới sự đốc thúc của Dương Đắc Chí, tận dụng tối đa nhân lực và hoả lực của pháo binh, thiết giáp nên trong vòng một ngày, các thị xã ven biên Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang lần lượt bị thất thủ. Để duy trì áp lực, không cho quân Việt nam dốc toàn lực tiếp viện Lạng Sơn, quân Trung hoa sau khi chiếm được Lào Cai, tiếp tục chuyển quân về phía nam dọc theo quốc lộ số 2 tiến đánh Cam Đường Tại hướng tấn công chính Lạng Sơn, Trung hoa tung vào trận đánh sáu sư đoàn gồm các sư đoàn 127, 129 của quân đoàn 43, sư đoàn 160, 161 của quân đoàn 54, sư đoàn 163, 164 của quân đoàn 55, với hàng trăm xe thiết giáp và đại bác yếm trợ. Phía Việt nam, các đơn vị phòng thủ chính gồm các sư đoàn 3, 327, 338, 347 và sư đoàn 337 mới từ quân khu IV ra tăng cường, kết hợp lại thành quân đoàn 14 để thống nhất chỉ huy. Sư đoàn 308 của quân đoàn 1 cũng có thể đã được gửi lên tiếp ứng.
Kể từ ngày 27-2-1979, quân Trung hoa liên tục hai mặt tấn công, và dù quân Việt nam đã chống trả mãnh liệt, tuyến phòng thủ quanh Lạng Sơn thu hẹp dần. Các công sự phòng thủ bị phá sập, quân số bị hao hụt nhanh chóng không kịp bổ xung. Trước nguy cơ thất thủ Lạng Sơn, Bộ tổng tham mưu quân Việt nam vội vã điều động quân đoàn 2 chính quy gồm hai sư đoàn 325 và 304 đang hành quân tại phía nam Campuchia di chuyển bằng xe lửa và máy bay vận tải Antonov của Nga khẩn cấp về lập tuyến phòng thủ sau quân đoàn 14 để bảo vệ châu thổ sông Hồng. Nhưng việc tiếp ứng Lạng Sơn không còn kịp nữa. Thị xã bị pháo kích suốt mấy ngày đêm, cuối cùng quân Trung hoa xâm nhập được thị xã, và quân đội hai nước cộng sản đã phải chiến đấu ác liệt trên đường phố. Tới khuya đêm 4-3-1979, quân Trung hoa hoàn toàn làm chủ thị xã Lạng Sơn. Ngày hôm sau, Trung hoa tuyên bố đã đạt được mục đích dạy cho các lãnh tụ Việt nam một bài học, đơn phương ngưng bắn và hứa sẽ rút quân.
Tuy nhiên, vì còn bận dùng công binh phá sập hết những công sự, đồn bót, cầu đường, nhà cửa, trường học, chợ búa, nhà máy, bệnh viện… Ở những thị xã bị chiếm đóng, kể cả hang Pắc Bó, “suối Lênin”, “núi Các Mác”, nên cuộc lui quân của Trung hoa kéo dài đến ngày 16-3-1979 mới hoàn tất. Với biết bao đau thương đổ nát, với hàng mấy chục ngàn binh sĩ thương vong, cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng.

Tài liệu tham khảo:

– Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim.
– Sự giúp đỡ của Trung hoa cho Việt nam trong chiên dịch biên giới:
– Việt nam Máu Lửa của Nghiêm Kế Tổ – Giọt Nước Trong Biển Cả của Hoàng Văn Hoan – The Quycksand War của Lucien Bodard – Sự hiện diện và hoạt động của các sư đoàn 306, 968 tại Lào:
– Binh Đoàn Hương Giang của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân – Death in the Rice Field của Peter Scholl Latour.
– Tài liệu về Vi Quốc Thanh: Giọt Nước Trong Biển Cả của Hoàng Văn Hoan – Brother Enemy của Nayan Chanda – Sự điều động của các đơn vị dân quân quanh Hà nội lên biên giới:
– Chinese Aggression do Vietnam Courier xuất bản 1979 – Tài liệu về quân đội hai nước: Vietnam, a country history và China, a country history, Library of Congress, Washington D. C. 1989. Đoàn Phước Long, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
– Mặt trận Cao Bằng, Lạng Sơn: Sư đoàn Sao Vàng, Binh đoàn Hương Giang, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
– Các nhật báo Nhân dân và Quân đội nhân dân trong thời gian từ 17-2-1979 đến 6-3-1979.

 

clip_image004

Việt Nam thời tối cổ

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ

Tôi không biết làm thơ, chỉ thích đọc thơ, nhưng tôi nghĩ khi Vũ Đình Liên làm hai câu thơ trên, ông chỉ muốn diễn tả cái cảm khái ngậm ngùi của một giai đoạn văn hóa đã đến lúc suy tàn. Giai đoạn văn hóa để có những người biết thưởng thức “Hoa tay thảo những nét. Như phượng múa rồng bay” này thật ra chỉ kéo dài có khoảng hơn một ngàn năm. Nhưng khi Vũ Đình Liên nói tới muôn năm, không biết thật sự ông có muốn bao gồm luôn cả những người đã sống trên đất nước Việt Nam hơn mười ngàn năm trước không hay chỉ là một cách diễn tả những hư ảo phù du của mọi sự trên đời cũng như của kiếp người. Bài viết này hy vọng tóm tắt được những khám phá mới nhất về cái quá khứ xa xăm muôn ngàn năm cũ đó trên đất nước chúng ta.

Đất Việt – Hàng triệu năm trước:

Theo các nhà khoa học, trái đất được thành lập từ gần 5 tỷ năm trước, sau mặt trời vài trăm triệu năm, mới đầu như một trái cầu lửa gồm tòan nham thạch nóng đỏ. Khỏang vài trăm triệu năm sau, vỏ ngòai trái cầu lửa đó nguội đi, tạo nên một lớp vỏ mỏng che kín xung quanh. Nhưng lớp vỏ mỏng này đã không liền lạc như vỏ chanh, vỏ cam mà lại gồm nhiều mảng đất đá do nham thạch nguội đi vá víu lại với nhau che kín mặt địa cầu. Những mảng vá này được gọi là những địa mảng hay mảng kiến tạo (plate tectonics), có diện tích hàng triệu cây số vuông và hiện nay, dày khỏang trên dưới 100 cây số, trên đó có núi non, lục địa hay đại dương. Vì bên dưới những địa mảng là một lớp nham thạch nóng chảy sôi sục dày hàng ngàn cây số, những địa mảng luôn luôn trơn trượt và di chuyển liên tục trên lớp nham thạch. Vì thế, từ khi được thành lập, bề mặt địa cầu luôn luôn thay đổi, có những lục địa đã bị chìm sâu, có những đại dương nổi lên thành cao nguyên, đồi núi.

Cũng như những đất đá của tất cả những lục địa, đất đá của non sông, của thềm lục địa Việt Nam phần lớn đã được tạo thành từ mấy tỷ năm nay và có thể nói, đã từng theo những lục địa khác nhau lênh đênh trên lớp nham thạch và phiêu du đi khắp thế giới. Khỏang hơn 1 tỷ năm trước, có những lớp đất đá của một số địa mảng chạm nhau, nhô cao lên, tạo nên một siêu lục địa đầu tiên trên trái đất, được gọi là siêu lục địa Đại Gia (Rodina). Siêu lục địa này tồn tại được vài trăm triệu năm, sau đó bị tách ra và sau khi trải qua nhiều tan hợp, cách nay khỏang hơn 500 triệu năm, lại quần tụ lại thành một siêu lục địa khàc, siêu lục địa Tòan Cầu (Pangea).

Vì cũng là kết hợp của nhiều mảng thạch quyển vá víu, 200 triệu năm sau, siêu lục địa Tòan Cầu lại tự phân ly thành nhiều mảng nhỏ, phân tán ra khắp mọi hướng trên mặt địa cầu. Có những mảng lớn đi lên hướng Bắc như Laurasia để trở nên Bắc Mỹ, mảng Eurasia tạo nên lục địa Âu Á. Hai mảng Phi Châu và Nam Mỹ từ từ cách xa nhau để tạo thành Đại Tây Dương. Một thời gian sau, hai địa mảng ở phía đông nam Eurasia là mảng Bắc và mảng Nam Trung Hoa di chuyển lên phía bắc và lần lượt ráp vào mảng lớn Âu Á (chính tại đường tiếp giáp của mảng Bắc Trung Hoa với Eurasia có thị xã Đường Sơn, năm 1976 đã xảy ra động đất, giết hại hơn 300 ngàn dân). Mảng đại lục Nam Trung Hoa ngòai những tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, còn bao gồm cả vùng đất hiện nay là Bắc Việt.

Tuy tất cả những lục địa đó luôn luôn di chuyển, nhưng do một cơ duyên nào đó, khỏang hơn 100 triệu năm trước, một địa mảng nhỏ khác là mảng Indochina, cũng lang thang khắp nơi kể từ khi siêu lục địa Pangea bị tan nát, vô tình va chạm và dính vào bờ phía nam của mảng Nam Trung Hoa. Đường tiếp giáp của hai mảng thạch quyển này là sông Mã, giòng sông hùng tráng trong thơ Quang Dũng:

“Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Nhưng hơn một trăm triệu năm trước, sự tiếp giáp giữa hai mảng thạch quyển đã mãnh liệt hơn tiếng gầm của giòng sông Mã hàng muôn triệu lần. Đất trời rung chuyển, bờ đất đá của mảng Indochina do va chạm bị chúi xuống nằm dưới mảng Nam Trung Hoa, nhưng bên trên, mặt đất cũng nhăn nhúm lại tạo nên dãy Trường Sơn. Dọc theo đường tiếp giáp, thỉnh thỏang nham thạch từ lòng đất bị sức ép phun ra ngòai, và tỉnh Sơn La, nằm trên đường tiếp giáp đó, cho tới khỏang hơn 50 triệu năm về trước đã là nơi núi lửa phun nhiều nhất, và hiện nay, thỉnh thỏang vẫn còn có động đất.

clip_image006

Những mảng đại lục ở Á Châu: Việt Nam được tạo thành do đất đai của hai mảng lục địa nhỏ Nam Trung Hoa và Indochina, ráp lại nhau gần 200 triệu năm trước.. Đường tiếp giáp của 2 địa mảng (Ma River Suture)là lằn số 2, dọc theo sông Mã (bên dưới), lằn số 1 bên trên là đường nứt sông Hồng (Red River fault), do chấn động của đại lục Ấn Độ gây ra. (Hình trích từ bài Paleogeographic Maps Of Southeast Asia của Jan Golonka, Micha Krobicki and Nguyen Van Giang)

Sau khi nền móng địa chất của nước Việt thành hình, 50 triệu năm trước đây, lục địa Ấn Độ cũng từ siêu lục địa Pangea sau khi bị tan rã và lạc bầy lại bị va chạm và dính vào lục địa Á Châu. Vì lục địa Ấn Độ quá lớn, sự va chạm đã tạo nên dãy Hy Mã Lạp Sơn, nâng cao cao nguyên Tây Tạng, và gây ra một đường nứt sau này là sông Hồng. Theo các nhà khoa học, khi mảng Ấn Độ ủi vào hai mảng Eurasia và Nam Trung Hoa, nó đã đẩy mảng Indochina trượt xuống phía đông nam dọc theo sông Hồng và phần đất Trung và Nam Việt hiện tại bị đẩy xoay xuống hướng Bắc Nam như hiện nay. Sau hàng chục triệu năm, trừ vài cơn động đất nhỏ ở Lai Châu, đường nứt sông Hồng cũng như đường tiếp giáp sông Mã hiện nay đã tương đối ổn định.

Sơ lược về nguồn gốc sinh vật trên trái đất:

Theo thuyết Tiến Hóa, tất cả những sinh vật đã bị tuyệt tích hay hiện đang tồn tại trên trái đất này, kể từ con siêu vi nhỏ bé đến những khủng long khổng lồ, tất cả đều có một tổ tiên chung là một vi sinh vật sơ khai, xuất hiện cách nay khỏang 4 tỷ năm, tiến hóa mà thành muôn lòai, trong đó có lòai người. Sự tiến hóa để sản sinh ra một lòai sinh vật mới, hoặc thấp kém, hoặc tiến bộ hơn là do những tiến trình sai sót khi sao chép của DNA và sự lựa chọn của thiên nhiên. Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi không trình bày chi tiết về thuyết tiến hóa của sinh vật trong suốt 4 tỷ năm mà chỉ sơ lược về lịch sử hình thành lòai người (kéo dài khỏang 5 triệu năm nay).

Theo các nhà khoa học, từ chủng giống hầu (ape – nảy sinh từ hơn 3 chục triệu năm trước), 5 triệu năm trước đây, do những sai sót sao chép của DNA, nảy ra một giòng giống hầu mới đi trên hai chân, được gọi là hầu nhân (australopithecus). Những hầu nhân này, trải hàng triệu năm, do tiến hóa, phát sinh ra những giống người (homo, đi trên hai chân, biết làm ra dụng cụ dù thô sơ bằng đá hay cành cây, bắt đầu sử dụng tiếng nói). Do bộ óc ngày càng phát triển, khả năng ngôn ngữ một cải thiện …, nhiều đợt “người” đã lần lượt xuất hiện và rồi biến mất, trong đó có những đợt “người” chính là xảo nhân (khéo tay homo habilis, óc nặng 600 grams, hơn 2 triệu năm trước đã tuyệt tích), trực nhân (đứng thẳng homo erectus, bộ óc nặng 900 grams, từ hơn 1 triệu năm, tuyệt tích gần 100 ngàn năm trước) và hiện tại là trí nhân (khôn ngoan, homo sapiens, óc nặng 1500 grams, xuất hiện từ gần 200 ngàn năm trước cho đến nay) .

Việt Nam – Trên 1000.000 năm trước:

Cư dân đứng thẳng đầu tiên là những người đứng thẳng Homo Erectus:

Chúng ta đã nói về sự thay đổi địa chất và địa lý nước Việt trong khỏang trên 100 triệu năm về trước. Cùng với sự thay đổi do sự di chuyển của những địa mảng, những thay đổi khí hậu của địa cầu khiến mực nước biển luôn lên xuống cùng với sự tạo lập thêm đất mới của phù sa đã khiến cho hình thể của nước ta đã luôn thay đổi.

Trong giai đọan băng giá, khỏang từ hơn 15 ngàn đến 50 ngàn năm trước đây, nước biển đã xuống thấp hơn hiện nay 130 thước, bờ biển của Việt Nam có thể đã bao gồm cả đảo Hải Nam và lan sang tới Phi Luật Tân. Ở phía nam, vịnh Thái Lan, trên 10 ngàn năm trước: Biển kia giờ đã nên đồng, được gọi là vùng đất Sundaland. Tới khi giai đọan băng giá chấm dứt hơn 10 ngàn năm trước thì nhiệt độ địa cầu nóng dần, băng đá trên những địa cực tan bớt đi, nước biển lại dâng cao, Sự thay đổi hình thể của Sundaland đã giống như câu văn óng chuốt của Mai Thảo trong một truyện ngắn “buổi đi bãi ấy còn xanh ngắt nương dâu, buổi về đã phù sa kín nhòa bãi cũ

Dấu vết của những “người” đầu tiên sinh sống trên mảnh đất thân yêu chúng ta là dấu vết của những người “đứng thẳng” (homo erectus), một giống người sơ khai, chỉ mới xuất hiện ở Phi Châu khỏang hai triệu năm trước rồi lưu lạc tới phương đông 700 ngàn năm trước. Di tích những người đứng thẳng này mới đầu được tìm thấy ở Bắc Kinh và Java, Nam Dương, nhưng mới đây đã thấy được ở Thẩm Khuyến và Lục Yên, gần Ninh Bình (theo bài thuyết trình “First remarks on the Quaternary fossil fauna of northern Viet Nam“ năm 1978, của tác giả Lê Trung Hà và cuốn Ape Man của Rod Caird). Tuy nhiên, những di tích về người đứng thẳng ở Thẩm Khuyến có lẽ qúa ít nên đã không thể xác định họ đã ở vùng Ninh Bình hiện nay bao nhiêu trăm ngàn năm trước.

Những người đứng thẳng ở trên đất Việt, cũng như tòan giống người đứng thẳng trên thế giới, không biết vì lý do gì, đã bị tuyệt tích khỏang một trăm ngàn năm trước, đồng thời với cuộc thiên di từ Phi Châu đi khắp thế giới của một lòai người mới, lòai người khôn ngoan (trí nhân -homo sapiens), mới được nảy sinh từ một giòng hầu nhân nào đó và đã phát triển ở Phi Châu khỏang trên 100 ngàn năm trước. Do tình trạng kiếm ăn khó khăn, gần 50 ngàn năm trước đây, những bậc trí nhân sơ khai này đã đến Việt Nam.

Việt Nam: 5000 đến 20000 năm trước: Những người Melanesian

tạo nên văn hóa Hòa Bình (Đá đẽo hay trung thạch Mesolithic)

Tuy đã có hai lý thuyết về nguồn gốc của những người trí nhân. Lý thuyết thứ nhất, cho là ở đâu có lớp người tiền bối trực nhân thì những người này sẽ dần phát triển thành trí nhân, nhưng đại đa số những nhà khoa học hiện nay đều công nhận lý thuyết thứ hai, theo đó, tổ tiên của người trí nhân do những sai sót sao chép DNA đã nảy sinh từ một tổ tiên nào đó ở Phi Châu gần 200 ngàn năm trước. Sau khi định cư ở Phi Châu khỏang 100 ngàn năm, một số những tổ tiên trí nhân này đã bỏ xứ và đi tha phương cầu thực tràn lan khắp thế giới. Đó là lý thuyết Ngòai Cõi Phi Châu (Out Of Africa). Trên con đường tìm quê hương mới, những người từ Phi Châu này đã phải trải qua những biến cải địa phương, trở thành da trắng, da vàng, da đỏ, mũi cao, mũi xẹp… Đồng thời, tùy theo mỗi nhóm, có một số tổ tiên khi sinh sản đã di truyền những dấu tích sai sót trên chuỗi DNA cho con cháu về sau (chuỗi DNA giống như một thang dây cuốn lại, ở con người có 3.1 tỷ bậc thang, chứa hơn 50 ngàn genes di truyền đặc tính của mỗi người, nhưng đọan DNA có genes chỉ chiếm 2% chuỗi DNA). Bản đồ dưới đây cho thấy những dấu tích sai sót của những di dân trên đường ly hương hàng mấy chục ngàn năm trước, và vì những vết tích này di truyền cho con cháu, mỗi giống dân hiện nay có những vết tích sai sót riêng, chẳng hạn, trừ 1 số ít dân Phi Châu, tất cả giống da trắng, da vàng, da đỏ đều có sai sót M168, chứng tích rời Phi Châu 50 ngàn năm trước, sai sót M89, M9 là vết tích tổ tiên đã đi sang phía đông, M123, của tổ tiên người Caucasian, đi vòng sang Âu Châu….

clip_image008

Riêng đối với người Việt Nam, trong tài liệu My Genetic Journey, The Nguyen Clan From The Villge of Xuan Duong, Quang Tri Province, Vietnam -Genographic Project cua National Geography và IBM, đa số DNA của chúng ta mang những dấu tích:

– sai sót M168 (chứng tỏ tổ tiên ta gốc gác ở Phi Châu và đã rời Phi Châu để di dân hơn 50 ngàn năm trước)

– sai sót M89 (sau khi rời Phi Châu đã đi lên hướng bắc, đến Trung Đông)

– sai sót M9: của những người rẽ sang phía đông.

– sai sót M175: xảy ra khi những người rẽ sang phía đông tiếp tục hành trình về hướng đông nam, vòng qua Bắc Việt và đi ngược lên nam Trung Hoa.

– sai sót M95, M88 của đa số người Nam Mongolian (Mongolian chỉ là tên gọi của một chủng giống nhân chủng, giống như đa số dân Trung Hoa hiện nay là thuộc chủng giống Bắc Mongolian)

Tuy tổ tiên của đa số người Kinh chúng ta thuộc chủng giống Nam Mongolian nhưng những cư dân đầu tiên sinh sống ở vùng đất dọc theo duyên hải Việt Nam lại là những người mang sai sót M130, thuộc giòng nhân chủng Negrito và Melanesian. Những người này, mang sai sót M130 đã từ Trung Đông qua Ấn Độ và nhờ khí hậu cực lạnh trong Thời Đại Băng Giá (Ice Age) hai chục ngàn năm trước khiến vùng biển Vịnh Thái Lan bị khô cạn nên họ được Nam Dương, Phi Luật Tân, Úc Châu.., trở nên giống Melanesian và Negrito. Từ Nam Dương, một số dân Melanesian này đi ngược lên Đài Loan (tổng thống Trần Thủy Biển của Đài Loan có thể là người Melanesian như Chế Bồng Nga hay… Chế Linh chứ không thuộc giống Mongoloid của lục địa). Trên đường đi, một số Melanesian đã ghé lại và ở lại Việt Nam cho đến khi họ dần dần bị những người Lạc Việt và Âu Việt thuộc giòng Nam Mongolian đẩy xuống phía Nam.

Như thế, suốt trong khỏang thời gian từ 5000 đến 20.000 năm trước, những người trí nhân, sapiens, đầu tiên tới sinh sống ở Việt Nam là những người Austro Melanesian. Họ ở trong những hang động, săn thú, bắt cá, kiếm cây trái trong rừng, đẽo đá thành những dụng cụ sắc nhọn và sau đó biết làm đồ gốm. Thời gian đó cũng đồng thời với giai đọan chót của khí hậu băng giá trên trái đất (Pleistocene), cho nên người Melanesian đã sống thành những bộ lạc rải rác khắp vùng Đông Nam Á, kể cả trên vùng đất nay là đáy biển vịnh Thái Lan. Những dụng cụ đá đẽo của họ (những mảnh đá dẹp, hình trái soan, đẽo nhọn xung quanh) được tìm thấy ở rải rác khắp vùng Đông Nam Á đã được coi như những đặc điểm của văn hóa Hòa Bình, nơi mà những nhà khảo cổ tìm thấy những di vật đầu tiên. Bằng chứng nguồn gốc từ phương nam Austro Melanesia của những cư dân Việt đầu tiên ngòai những di chỉ mang sắc thái đặc thù kể trên, còn có những dấu vết đặc biệt của sắc dân Melanesia trên những bộ xương đào được ở Hòa Bình và một bằng chứng khác là ngôn ngữ tiếng Việt .

clip_image010

Dụng cụ đá đẽo của văn hóa Hòa Bình

Vết tích ngôn ngữ học của tiền nhân:

Một chứng cớ về nguồn gốc phương Nam của những cư dân đầu tiên sống trên đất Việt, kể cả châu thổ sông Hồng là ngôn ngữ học. Tuy tiếng Việt chúng ta (Vietic) cũng phát âm độc âm và sử dụng nhiều từ ngữ Hán Việt, nhưng về phương diện ngôn ngữ học, lại thuộc về giòng Nam Á (Austro Asiatic), phân chi Khmer Mon, cùng một căn bản với một số ngôn ngữ Mã Lai, Khmer, Ai Lao, Bangladesh.

 

 

clip_image012

Bản đồ phân phối những ngôn ngữ thuộc giòng Austro Asiatic gồm tiếng Việt, Ba na, Khmer, một số tiếng Lào, Mã Lai và Bangladesh

Việt Nam thời tiền sử: Sự lấn chiếm của gióng nam Mongoloid

nước Văn Lang và triều đại Hồng Bàng:

Trong thời gian từ khỏang năm 4000 trước Tây lịch, khi miền châu thổ sông Hồng do những người Melanesian định cư thì nước Trung Hoa, lúc đó đa số thuộc chủng giống Bắc Mongoloid, cũng chỉ đang dần thành hình ở châu thổ Hòang Hà và Dương Tử. Họ gọi những bộ lạc phương Nam là Bách Việt (Việt có nghĩa là vượt qua, beyond), trong đó có những giòng giống chính là Lạc Việt ở phương nam, Đông Việt, Âu Việt trong tỉnh Quảng Tây và Mân Việt sống dọc theo sông Mân tỉnh Phúc Kiến…

Tuy trong thời Chiến Quốc, cũng có nước Việt ở phía nam nước Sở và nước Ngô, nổi danh với chuyện Việt Vương Câu Tiễn với Tây Thi Phạm Lãi, từng đánh tan nước Ngô năm 470 trước Tây Lịch, nhưng nước Việt này, thuộc giòng Mân Việt, khác với tiền thân của nước Việt hiện đại, lúc đó là nước Văn Lang do tổ tiên của chúng ta thuộc giòng Lạc Việt khai lập ở vùng châu thổ sông Hồng.

Theo truyền thuyết (trong Việt Điểu U Linh Tập, Lĩnh Nam Chích Quái…) , người đầu tiên khai sáng ra nước Việt chúng ta là Lạc Long Quân. Truyền thuyết cũng nói là Lạc Long Quân kết hôn với bà Âu Cơ, đẻ ra một trăm trứng, nở ra một trăm người con. Vì một người giòng giống của Rồng, một người nòi giống của Tiên nên cuộc tình của hai người phải phân cách. Năm mươi người con theo cha lên núi, năm mươi người theo mẹ xuống biển và người con trưởng của Lạc Long Quân lập ra nước Văn Lang ở một thời điểm không chắc chắn lắm là năm 2897, mở đầu cho thời đại Hồng Bàng. Đất đai gồm có vùng châu thổ Bắc Việt, kinh đô là Phong Châu (Phú Thọ hiện nay).

Họ Hồng Bàng cai trị nước Văn Lang suốt hơn 2000 năm. Tuy nhiên, chính sử gia Ngô Sĩ Liên, tác giả Đại Việt Sử Ký Tòan Thư năm 1479, khi trích dẫn những huyền thọai trên, cũng không tin về sự chính xác về triều đại Hồng Bàng. Theo một số tác giả, có lẽ để biện minh cho sự vô lý của 18 đời vua Hùng trong suốt hơn 2000 năm, đã cho là có 18 vương hiệu Hùng Vương, nhưng lại có gần 100 đời vua Hùng, (chẳng hạn có đến 6 vua Hùng mang vương hiệu Hùng Việt Vương). Theo sử liệu, triều đại Hồng Bàng chấm dứt năm 258 trước Tây Lịch, khi vua Hùng Vương thứ 18 bị An Dương Vương Thục Phán đánh bại.

clip_image014

Văn Lang của giòng Lạc Việt chỉ gồm châu thổ sông Hồng.

Sau đó, Thục Phán của giòng Âu Việt ở tỉnh Quảng Tây

tràn xuống chiếm đóng kết hợp thành nước Âu Lạc rộng gấp 2.

clip_image016

Tới khi Triệu Đà đánh bại Thục Phán, sát nhập thêm quận Nam Hải của nhà Hán lập nên nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Tây), đất nước ta được to rộng hơn, (bản đồ của Trần Việt Bắc, trong bài viết Nhà Triệu Và Nước Nam Việt. của Song Thuận trong www.anvietuk.org)

Nếp sống người Việt trong thời Hồng Bàng:

1- Văn hóa Phùng Nguyên:

Với sự chấm dứt của thời đại băng giá trong khí hậu địa cầu, không gian ấm dần, nước đá trên địa cực tan đi, nước biển dâng cao, đất đai trên mặt địa cầu bị thu nhỏ khiến cho địa bàn săn bắn, kiếm cây trái lương thực trong rừng ngày một khó khăn. Từ đó con người đã phải thích ứng để kiếm lương thực bằng cách chuyển dần từ săn bắn, bắt cá, hái cây trái .. sang nông nghiệp.

Không ai biết rõ nguồn gốc nông nghiệp (trồng trọt, cày cấy) bắt nguồn từ đâu. Nhiều nhà khảo cổ nói bắt nguồn từ Trung Đông, người Trung Hoa dĩ nhiên nói là từ Trung Hoa, nhưng cũng có những tác giả nói là từ Việt Nam vào những năm cuối của văn minh Hòa Bình. Những người dân ở châu thổ Hồng Hà, ở Mã Lai, Sumatra đã bắt đầu trồng lúa gạo, kê, nuôi súc vật, chó, mèo, gà, lợn… Dần dần, tổ tiên của chúng ta ở vùng châu thổ sông Hồng đã bắt đầu sống có tổ chức. Dụng cụ chế tạo của họ cũng tinh xảo hơn. Di tích những xương gà lợn, hươu nai, những đồ gốm đất nung chạm trổ thô sơ, những dụng cụ, những chiếc rìu, những đầu mũi tên bằng đá, móc câu bằng xương, … được đào thấy tại Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ, ở phía tây bắc Hà Nội. Các cụ bà của chúng ta cũng đã bắt đầu biết trang sức vì có di tích những vòng đeo tay bằng đá mài. Tất cả những di tích này khi định tuổi bằng carbon 14, cho thấy được làm từ năm 1679 đến 1514 trước Tây Lịch. Đó là giai đọan lịch sử của chúng ta được gọi là giai đọan văn hóa Phùng Nguyên.

Khởi đi từ văn hóa Phùng Nguyên dưới triều Hùng Vương), dân tộc ta đã bắt đầu sống có nền nếp. Họ bắt đầu sống trong nhà hay chòi, trồng lúa gạo hay cây ăn trái, nuôi gia súc, săn bắn và đánh cá. Theo Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên, tổ tiên chúng ta khi lặn xuống biển đánh cá đã có tục lệ xâm mình để tránh thuồng luồng. Một cuốn sách khác, cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, ghi lại rằng những vua Hùng Vương gọi quan văn là Lạc Hầu, quan võ là Lạc Tướng, con trai vua là Quan Lang, con gái là Mỵ Nương . Nhà vua đã chia lãnh thổ ra làm 15 quận ( Việt thường, Giao chỉ, Chu Diên, Cửu chân, Nhật Nam, Tượng quận…) cho các em cai trị. Nhưng những điều này cũng chỉ được coi là truyền thuyết.

2- Văn hóa Đông Sơn (Thời đại đồ sắt):

Những người dân nước Văn Lang lúc đó, sau một khoảng thời gian dài dùng những khí cụ bằng đá, bắt đầu từ năm 1500 trước Tây Lịch (cùng thời với nhà Thương ở Trung Hoa) đã bước qua thời đại đồ đồng. Những đồ đồng đầu tiên (gồm rìu, đục, đầu mũi tên, mũi giáo, lưỡi câu ..) được phát giác tại Đồng Dầu và Thanh Đèn, vài chục cây số tây bắc Hà Nội. Định tuồi bằng đồng vị carbon cho thấy chúng được sản xuất trước năm 1000 trước TL. Những nơi đó cũng còn di tích những khuôn và lò đúc.. Gần đó, tại Gò Mun, cũng tìm thấy cả dao, búa, lưỡi hái bằng đồng. Những di vật ở Gò Mun được làm ra trễ hơn (sau năm 1000 trước TL). Cùng với sự phát triển của khí cụ bằng đồng, nông nghiệp, chăn nuôi đã giúp xã hội Việt Nam phát triển nhanh chóng. Sự sinh sống không còn phải dựa nhiều vào săn bắn. Dân số tăng gia, tổ chức xă hội kiện toàn hơn. Tới khoảng năm 500 trước Tây Lịch, nhân dân Văn Lang bước sang thời đại đồ sắt. Có thể do giai đọan chuyển tiếp từ đồng sang sắt này mà chúng ta có chuyện cổ tích Phù Đổng Thiên Vương, vào đời Hùng Vương thứ sáu, đã đúc ngựa và roi sắt để phá giặc Ân (nhà Thương ). Sau đó cho tới năm 258 trước Tây Lịch thì triều đại Hồng Bàng cũng suy tàn và sau đó, bị Thục Phán đánh bại.

Thục Phán, theo sử sách là vua nước Thục, một nước nhỏ nằm phía đông bắc Văn Lang, gồm những bộ lạc thuộc giòng giống Âu Việt (hay Đông Việt). Sau khi chiếm được Văn Lang, ông sát nhập hai nước lại và ghép tên nước là Âu Lạc.

Triều đại ngắn ngủi của Thục An Dương Vương đã song song với sự phát triển của thời đại đồ sắt của tổ tiên ta. Những di vật đồ sắt ở nước ta được Viện Viễn Đông Bác Cổ khai quật lần đầu tiên ở Đông Sơn (Thanh Hóa) năm 1929. Những xét nghiệm cho thấy những di vật này được làm ra vào khoảng vài trăm năm trước và sau Tây Lịch, phần lớn là làm bằng đồng nhưng cũng có ít khí cụ bằng sắt. Sau đó, nhiều di vật bằng đồng và sắt khác cũng được khai quật ở Việt Khê (Hải Phòng), Cổ Loa (Vĩnh Yên), Làng Cả (Việt Trì), Châu Cầu ( Hà Sơn Bình) .. .. gồm có dao găm, kiếm, vòng đeo tay, búa, lưỡi cày, trống, tháp nhỏ.., đôi khi lưỡi dao bằng sắt bọc ngoài là vỏ bằng đồng, rìu sắt. Nổi bật hơn cả là những trống bằng đồng. Những trống này có hình dạng đặc biệt, có chân, được dùng sáp mà đúc thành như một khối, mặt trống trạm trổ mỹ thuật theo những vòng tròn đồng tâm. Trống đồng nổi tiếng là trống đồng Ngọc Lũ ***, được tình cờ đào thấy năm 1893 ở tỉnh Hà Nam. Những di tích về cách đúc đồng đặc biệt và những hình chạm trổ đặc biệt này được đào thấy đầu tiên ở Đông Sơn nên được gọi là văn hóa Đông Sơn (người Trung Hoa đã tự cho rằng họ nghĩ cách đúc ra trống đồng, nhưng hầu hết những nhà khảo cổ khác trên thế giới đều công nhận là phát xuất từ phía nam, sau đó, người Trung Hoa đã học theo).

Ngòai sự phát triển của văn hóa Đông Sơn, vua An Dương Vương đã cho xây thành Cổ Loa hình trôn ốc để phòng thủ. Nhưng thành này cũng không thể ngăn chận được sự tấn công của Triệu Đà khỏang 50 năm sau. Tuy triều đại của Thục An Dương Vương tương đối ngắn ngủi, nhưng cũng kể từ đó, lịch sử của dân tộc chúng ta bắt đầu tương đối minh bạch hơn.

Song song với văn hóa Đông Sơn, ỏ phía nam, tại một địa phương còn được định cư bởi những người dân thuộc giòng giống Melanesian, vào khoảng năm 300 trước TL, một nền thủ công về đồ gốm và luyện kim cũng phát triển, được gọi là văn hóa Sa Huỳnh. Những gì đào được tại đây gồm những chum đất, xương người, vòng đeo tai bằng đá, chuỗi hạt, vòng đeo tay và chuông đồng. Hiện nay, văn hóa Sa Huỳnh chỉ còn lưu lại chút ít trong những đồng bào Chàm thiểu số đang sống ở miền Trung. Vì sự bành trướng của dòng giống người Mongoloid, văn hóa Sa Huỳnh cũng như văn hóa Óc Eo trong Nam đã không được chú ý lắm.

Trên đây là sơ lược những phát kiến khoa học và khảo cổ liên quan đến cổ sử trên hai ngàn năm trước của chúng ta. Dù cho thật sự lịch sử lập quốc của chúng ta bắt đầu từ khi Hùng Vương thứ nhất dựng nước năm 2879, hơn bốn ngàn năm văn hiến cũng là một thời gian ngắn ngủi. Đất nước chúng ta, cũng như đất nước tất cả các quốc gia khác trên mặt địa cầu, đã sống lâu hàng tỷ năm, đã trải qua nhiều thay đổi, đã chịu nhiều thiên tai tàn khốc, đã chứng kiến những cảnh hưng suy. Trên đất nước đó, có lúc đã có những loài khủng long qua lại. Trên đất nước đó, có thể đã có những người erectus đã sống hang mấy trăm ngàn năm. Trên đất nước đó, tổ tiên chúng ta đã bắt đầu lập quốc từ khi lấy đá làm dao, từ khi mò mẫm ra cách trồng khoai, nuôi thú. Trên đất nước đó, dù cho cuộc sống còn bán khai, tổ tiên chúng ta đã hợp quần lại thành nước Văn Lang. Những người muôn năm cũ đó. Hồn ở đâu bây giờ ?

 

Phố núi cao phố núi đầy sương

Pleiku 1970 – 1972

Tôi ra trường vào khỏang cuối năm 1970, trước lệ thường vài tháng vì vào lúc đó, quân đội Việt Nam đang ở trong giai đọan bành trướng, thay thế cho quân đội Mỹ sửa sọan rút lui. Ở các đơn vị khác tôi không biết nhưng ở ngành quân y, tôi thấy sự sắp xếp chọn đơn vị tương đối công bình. Khóa chúng tôi có hơn 40 người thì có hơn 40 chỗ. Anh nào đậu cao chọn trước, đậu thấp chọn sau. Quân y chúng tôi lại có 2 con đường để chọn: tĩnh tại tức là làm ở nhà thương, tác chiến là đi tiểu đòan (dù hay TQLC), hay trung đòan ( bộ binh ), thiết đòan (thiết giáp) . Tĩnh tại tuy nhàm chán như công chức nhưng được mặc áo chữ Thọ và có cơ hội mở phòng mạch kiếm tiền. Đi tác chiến tuy nguy hiểm nhưng tương đối tự do và thỏai mái. Ngòai ra lại có xe jeep chạy, có lính để chỉ huy. Năm đầu làm đại đội phó, năm sau lên đại đội trưởng. Xếp trực tiếp là các Trung đòan trưởng cũng coi trọng. Sau 2 năm tác chiến muốn ở lại thì ở, nếu không có thể xin thuyên chuyển về tĩnh tại. Ngòai ra, đi Dù hay TQLC theo tiểu đòan hành quân liên miên nguy hiểm hơn nhưng hết hành quân lại được về Sài Gòn, lên lon rất nhanh và sau này dễ dàng trở nên những đơn vị trưởng. Còn đi thiết đòan thì …tiện nghi, không cần cong lưng ba lô súng ống ngủ bờ ngủ bụi. Ngòai xe jeep chạy khi về hậu cứ, khi hành quân thì cũng có riêng một xe M113 ( xe thiết đòan trưởng có 6 râu (ăng ten), cố vấn 4 râu, y sĩ có 2 râu, các xe khác chỉ có 1 râu.), tha hồ để đồ nghề, đồ ăn, sách vở, quần áo, mùng mền…nhưng dễ bị ăn B40 thành “cua rang muối” hay rủi ro gặp lúc “ông địa cười” (mìn nổ) thì không khá.

Lớp của chúng tôi, lớn lên theo sự phát triển của cuộc chiến nên sự chọn lựa rất nhiệt tình. Bảy anh đi Dù đều là những anh đậu hạng cao ( để các bạn không quen thuộc với những đùa giỡn của lính, mấy anh Dù tự gọi binh chủng của mình là “ đi mây về gió, đi có về…không, đi đông về …ít”). Tôi, thuộc lọai lúc nào cũng chìm trong đám đông nên thứ hạng cũng lèm bèm, đến khi chọn chỗ loay hoay lại chọn một đơn vị tác chiến không ra tác chiến, tĩnh tại không ra tĩnh tại là Liên Đòan 72 Quân Y, đóng ở Pleiku. Một lý do để chọn là ông bạn thân Hà Chu Hằng đã chọn Quân Y Viện Pleiku. Ngòai ra, lại có 1 ông ntcva 5562 hơn tôi một khóa là Hòang đình Mùi đang làm bác sĩ cho Biệt Động Quân vùng II ở Pleiku. Hôm chúng tôi đi chọn chỗ vô tình ông Mùi về phép cũng đến xem và ông dụ tôi: “Lên trên đó đi, Liên đòan vui lắm”. Thế là tôi chọn lên Pleiku, cho vui.

Tôi lên Pleiku vào những ngày cuối năm âm lịch. Thị trấn biên ải này tuy nhiều lính tráng và bụi bậm nhưng đẹp và dễ thương hơn tôi tưởng tượng. Sau thủ tục trình diện, tôi được đưa qua đại đội 722 của Liên đòan và ngồi chờ. Đại đội gồm 1 Đại đội trưởng và 3 bác sĩ dưới quyền, thay phiên nhau khám bệnh xá Quân Đòan, hành quân và…về phép. Trong khỏang hai tuần lễ đầu, trong khi các anh bạn cùng khóa đi sư đòan Dù và sư đòan 1 rầm rộ qua Lào thì tôi đi loanh quanh trong doanh trại, hỏi kinh nghiệm về công tác của đơn vị với các binh sĩ và hạ sĩ quan, sau đó là lòng vòng đi thăm Pleiku. Tuy nhiên, hai tuần lễ sau, khi tôi được giao cho chuyến công tác đầu tiên, thì chẳng có ai trong liên đòan có kinh nghiệm để truyền cho tôi, vì công tác đó là tạm thời biệt phái thay thế cho anh y sĩ trung đòan 42/ Sư đòan 22 Bộ Binh.

Lãnh thổ Nam Việt Nam hồi đó được chia làm 4 vùng chiến thuật, mỗi vùng có 1 liên đòan Quân Y (71, 72, 73 và 74). Liên Đòan 72 Quân Y của tôi phụ trách yểm trợ và giám sát những đơn vị quân y vùng II Chiến Thuật. gồm 2 tiểu đòan Quân Y 22 (ở Qui Nhơn) và 23 (Ban Mê Thuột) cùng Bệnh Viện 2 Dã Chiến ( Kontum). Quân Khu II gồm những tỉnh Kontum, Pleiku, Qui Nhơn, Phú Yên, Phú Bổn, Darlac (Ban Mê Thuột), Quảng Đức, Nha Trang, Lâm Đồng, Đà Lạt, Bình Thuận. Vì địa thế của quân khu tương đối hẹp và đa số đất đai là rừng núi giáp giới với núi rừng của Miên Lào nên việc phòng thủ rất khó khăn. Năm nào Việt cộng núp bên kia biên giới cũng tràn qua mở chiến dịch mùa khô mưu tiến chiếm 1 tỉnh rồi từ đó nhằm cắt miền Nam Việt Nam. làm hai.(sở dĩ gọi là mùa khô vì khỏang từ tháng 3 trở đi rất ít mưa, tiện cho Việt cộng chuyển quân và tiếp tế). Do đó, ngòai những đơn vị Địa phương quân, Nghĩa quân phòng thủ những tỉnh ly, xã ấp, quân khu II còn có những căn cứ đóng dọc theo biên giới ( được gọi là những trại Biệt Động Quân biên phòng, mỗi trại có khỏang 1 tiểu đòan BĐQ phụ trách – đa số lính là người Thượng, trước kia do Mỹ trả lương ). Hành quân trong vùng trách nhiệm của Quân khu II có 2 sư đòan 22 và 23 . Sư đòan 22 vào năm 1970 phụ trách hành quân ở những tỉnh phía bắc (trung đòan 47 ở Pleiku, 42 ở Kontum, còn 2 trung đòan 40 và 41 đóng ở Bình Định để đối phó với sư đòan 3 Việt cộng trốn bên Lào và trong mật khu An Lão). Phù hiệu sư đòan có vẽ 3 trái núi màu đen và số 22 trắng ngoằn ngòeo nên đã được một anh giàu mơ mộng nào đó gọi là sư đòan Hắc tam sơn, Bạch nhị hà. Trong khi đó, sư đòan 23 (có ông Chu Cừ Hải làm ban 2), gồm 4 trung đòan 44,45,46 và 53, phụ trách những tỉnh phía nam, cũng có ông giỏi nho không kém, moi đâu ra được một danh hiệu hùng dũng hơn: Bình Nam dẹp Bắc Cao nguyên trấn.

Trung đòan 42 mà tôi lên tạm thời thay thế làm đại đội trưởng quân y đóng bản doanh tại quận Dakto,( Kontum) một quận được coi là địa đầu của cả vùng chiến thuật. Từ những năm 1968 đến 1974, mỗi khi mùa khô đến, quận Dakto lại được nhắc đến, vì đó là cửa ngõ chính của vùng Tây Nguyên, là ngã ba của vùng 3 biên giới, là nút chặn quan trọng trước khi con đường mòn Hồ chí Minh từ Lào và Căm Pu Chia tỏa ra trên khắp lãnh thổ vùng II. Chiếm được Dakto , địch sẽ uy hiếp Kontum, sau đó dễ dàng tiến về duyên hải để cắt đôi miền Nam. Vì thế, Việt cộng gọi khu chiến này là mặt trận B3 và để cho một viên tướng kỳ cựu là Hòang minh Thảo chỉ huy ( Hòang minh Thảo đã mang quân hàm đại tá từ 1945). Vì ở địa đầu, khuất trong những rừng núi trùng điệp của vùng tam biên, Dakto được coi như một vùng đất lưu đày, và trung đòan 42, đồn trú tại đây, có lẽ có tỷ lệ những binh sĩ ba gai, bất trị hay những sĩ quan không được lòng thượng cấp nhiều nhất quân đội. Nhưng không phải là họ đã không chiến đấu. Trong chiến dịch mùa khô 1971, khi một tiểu đòan của trung đòan bị bao vây tại căn cứ hỏa lực số 6, họ đã đánh phản công và thắng lớn. Trong trận này, một anh y sĩ khóa tôi là Trần thế Bảo được đặc cách thăng chức.

Như trên đã nói, một trung đòan bộ binh đúng ra có 2 bác sĩ, nhưng anh bác sĩ khóa trên tôi làm đại đội trưởng quân y của trung đòan ở Dakto buồn qúa, “ kẻ ở miền xa…thiếu bóng đàn bà” tán ai không tán, lại lon ton đi tán vợ bé của ông trung đòan trưởng 42 nên bị đổi đi, anh bác sĩ đại đội phó về Huế trình luận án, Cục Quân Y chưa bổ xung anh Bảo nên khi trung đòan 42 mở cuộc hành quân càn quét chuẩn bị ứng chiến với quân địch trong chiến dịch mùa khô 1971, phòng 4 Quân đòan chỉ thị liên đòan quân y cử người lên thay.

Ba lô súng ống sẵn sàng, sáng hôm đó tài xế đưa tôi lên Kontum. Con đường từ Pleiku lên Kontum dài khỏang trên dưới 80 km thuộc quốc lộ 14 vào năm 1971 tương đối an ninh, nhưng anh tài xế lái như bay. ( quốc lộ 14 là con đường chạy theo hướng Bắc Nam song song với biên giới Việt Miên, ở vùng 2, nó dài khỏang hơn 300km chạy tử thị xã Ban mê Thuột tới thị xã Pleiku rồi Kontum, cuối cùng là Dakto. ) Anh tài xế lý luận :” Em lái vậy, nếu mìn nổ mình cũng không sao, với lại tụi nó không kịp nhắm mình mà bắn xẻ”. Tôi không tin và cũng teo, nhưng cũng để cho anh ta lái nhanh vì sợ anh ta nghĩ là mình “gà chết”. Xe qua khỏi vùng đất đỏ Pleiku, chúng tôi đi qua núi Chu Pao và sau một dẫy rừng núi trùng điệp là trại lực lượng đặc biệt B2, sau đó là thị xã Kontum sáng bừng trong nắng buổi trưa.

Thầy trò chúng tôi ngừng xe ngồi ăn trưa trong một quán ăn bên cầu Dakla ở ngọai ô Kontum. Dakla là một con sông nhỏ, giòng nước chảy lặng lờ. Con sông đã được nhắc tên trong hai câu thơ “Dakla nước chảy ngược giòng. Lòng em mấy ngả mà hòng theo anh” . Tác giả bài thơ nói là theo địa lý, vì sông Dakla chảy ngược giòng nên đàn bà Kontum đa tình. Tôi không nhớ giòng sông Dakla chảy ra sao mà nói là ngược giòng và cũng không quen được cô nào ở Kontum để kiểm chứng xem những lời của ông thi sĩ có đúng không

Tới Kontum, không kịp thăm thành phố, tôi vào bệnh viện 2 dã chiến và sau đó, lên Bộ chỉ huy tiếp vận sư đòan để theo đòan xe tiếp tế lên trại biên phòng Lệ Khánh ( tên Thượng là PoleiKleng), nơi Bộ chỉ huy tiền phương sư đòan 22 đang đóng ở đó. Bộ Tư Lệnh chính của sư đòan 22 đóng ở Qui Nhơn. Tuy nhiên, vì vị trí chiến lược của Kontum là địa đầu chiến tuyến nên Sư đòan 22 đặt thêm một Bộ chỉ huy tiền phương sẵn sàng ở Kontum. Trách nhiệm hành quân chính trong tỉnh Kontum là của trung đòan 42, mà bản doanh chính của họ ở Dakto, nhưng không hiểu sao, tôi lại được đưa tới Lệ Khánh.

Sau khỏang thời gian 1 giờ di chuyển theo một con đường đất nhỏ, đòan xe đến trại Lệ Khánh và tôi trình diện đại tá Vi văn Định, tư lệnh phó sư đòan 22 (tư lệnh sư đòan 22 năm đó là chuẩn tướng Lê ngọc Triển). Đại tá Định cho tôi biết vì trung đòan 42 đã phân tán thành những tiểu đòan đang hành quân rải rác trong rừng nên ông giữ tôi lại ở Bộ chỉ huy tiền phương ở Lệ Khánh. Do đó mà tôi may mắn không phải gặp ông trung đòan trưởng, người mà tôi nghĩ sau vụ lộn xộn vừa rồi, tôi gặp cũng ngại ngùng. Bộ chỉ huy tiền phương ở nhờ trại biên phòng Lệ Khánh do một tiểu đòan Biệt Động Quân biên phòng phụ trách. Tiểu đòan trưởng kiêm trưởng trại là đại úy Phương, khóa 19 Đà Lạt. Tiểu đòan phó là đại úy Lân. Trại đóng trên một ngọn đồi, bên cạnh một buôn Thượng, xung quanh là hàng rào giây thép gai và giao thông hào, trong trại là những dẫy nhà tôn và hầm hố. Sát hàng rào phòng thủ là một sân bay ngắn, đi thêm một chút là một suối nước trong vắt. Xung quanh đều là những đồi núi chập chùng của dẫy Trường Sơn. Tuy trời nắng chang chang nhưng nước suối lạnh ngắt. Cùng với bộ chỉ huy tiền phương, trại cũng chứa một đơn vị pháo binh đến ở nhờ. Nhiều đêm đang ngủ, mấy cây đại bác đặt dọc theo phi đạo không biết được lệnh của ai thỉnh thỏang lại bắn rầm rầm một lúc rồi im. Trại đóng gần biên giới, Việt cộng ẩn náu ở rừng núi bên đất Căm Pu Chia và Lào cho nên quân ta không thể công khai qua bên đó lục sóat.

Ngày đầu tiên chân ướt chân ráo tới một vùng đất lạ, chẳng quen biết một ai, tôi ngơ ngơ ngáo ngáo, lại thêm chẳng có việc gì làm lại càng chán hơn, cả ngày cứ “mắt trừng gửi mộng qua biên giới”, thỉnh thỏang qua buôn Thượng bên cạnh coi họ ăn ở ra sao. Chỉ có buổi chiều thì có đại tá Định cũng ra ngòai nhìn đồi núi hắt hiu, đất trời hiu qụanh nói chuyện xã giao vài câu. Cũng may tôi có vài anh lính quân y của trung đòan 42 được giữ lại ở đó nên có người nói chuyện đỡ buồn. Ngòai ra, sinh họat hàng ngày kể cả những chuyện ăn uống, kê giường, giăng mùng…đều đã được các anh lo lắng tận tình nên cũng qua được mấy ngày.

Tuy chúng tôi được phát khẩu phần lương khô gồm gạo xấy và thịt băm hộp dưới hình thức thịt ba lát và hot dog, nhưng mấy thứ này chỉ ăn vài ngày là chán, tôi phải chi tiền cho lính mua thêm rau và cá của mấy người Thượng gần đó. Có điều mấy anh lính của tôi nấu ăn theo kiểu Bình Định, món nào món ấy cay xè, ngay cả canh cũng bỏ ớt. Có lần tôi được ăn được một món lạ miệng và hỏi là món gì, anh lính trả lời mắm cà, tôi trót dại khen ngon nên từ đó, ngày nào tôi cũng được cho ăn mắm cà, ngán qúa mà không dám nói. Khi chưa ra trường, cứ tưởng hành quân là ồn ào rầm rộ, nhưng thực tế khác hẳn. Khi tôi đến, trung đòan có một tiểu đòan đang ngồi chờ đi hành quân. Họ xếp theo đơn vị trung đội ngồi chờ hàng mấy tiếng đồng hồ dọc theo phi đạo dưới trời nắng chang chang để chờ trực thăng lần lượt bốc đi. Nhìn họ mà mủi lòng. Tôi hồi đó đã gầy, khỏang 100 pounds hay 45 kí. Nhiều người còn gầy hơn. Nét mặt người nào người nấy xanh xao vì sốt rét. Ba lô, súng ống đè nặng trên người. Đến bữa ăn, tôi thấy mấy người lính chẳng nấu nướng gì, họ lấy nước suối đổ vào bịch gạo sấy và sau đó nhai trệu trạo với mấy lát thịt ba lat.

Tôi chỉ lơ ngơ được có vài ngày thì cuộc sống bắt đầu thay đổi. Một buổi tối, trưởng trại Biệt Động Quân mở tiệc thết đãi Bộ Tư Lệnh tiền phương sư đòan 22 và tôi cũng được đi ké. Không hiểu vì tình cờ hay được thông báo, chiều hôm đó ông bạn Hòang đình Mùi ở đâu theo trực thăng xuống. Mùi mới ở 1 năm với Biệt Động Quân vùng II nhưng anh đã quen thuộc với tất cả những doanh trại BĐQ dọc theo biên giới. Đám sĩ quan của tiểu đòan đón tiếp anh rất thân mật và hào hứng. Tôi ké né ngồi cạnh anh. Ăn uống no nê, đại tá Định và đòan sĩ quan của Bộ chỉ huy tiền phương ra về thì riêng tôi được giữ lại và trở nên nhân vật chính trong tiết mục kế tiếp. Mặt mũi non chọet, nét lính mới tò te còn hiển hiện nên tôi đã là mục tiêu ngon lành cho dàn sĩ quan của tiểu đòan BĐQ. Những câu mời mọc và khích bác như “ Bác sĩ không uống hết lon này thì ngày mai tiểu đòan (hay đại đội ) tôi đi hành quân bị VC phục kích chết hết.”.. hay “..vợ tôi ở nhà đi lấy Mỹ….” làm sao tôi có thể từ chối. Hồi đó còn trẻ nên rượu thì tôi còn sợ chứ bia thì tôi chấp Vì thế tôi cầm cự cũng khá, đến khuya mới phải nằm gục xuống bàn. Sau đó, Mùi cõng tôi về. Nhưng cũng nhờ trận say khướt đó mà tôi bắt đầu thấy thỏai mái hơn trong sinh họat mới. Tôi bắt đầu quen biết với dàn sĩ quan đại đội trưởng BĐQ đa số là khóa 21 Đà Lạt, một khóa mà tôi quen biết nhiều khi lên Đà Lạt học quân sự nên chúng tôi có nhiều chuyện nói. Đại tá Định cũng nghe chuyện tôi say goắc cần câu tối hôm trước nên hôm sau gập lại ông cũng đùa giỡn hỏi thăm tôi đã tỉnh chưa. Đám lính quân y dưới quyền cũng thân mật hơn. Hôm trước tôi ngồi buồn viết lên chiếc nón sắt “PoleiKleng …2/71” để kỷ niệm thì hôm sau đã có anh lính nào lén viết thêm vào những câu cải lương “ Vì hiếu phụ tình”, “ thù cha quyết trả”, “xa quê hương nhớ mẹ hiền”., “hận đời đen bạc” … Tôi thấy trên mũ sắt của một anh sĩ quan BĐQ có ghi hai câu thơ ; Những người chinh chiến bấy lâu. Nhẹ xem tính mệnh như mầu cỏ cây, tôi thích qúa muốn viết vào nhưng thấy mình đi lính chữ thọ mà viết hai câu đó thì qủa là hơi chướng.

Tuy nhiên, cuộc hành quân càn quét không có đụng độ lớn, Việt cộng đã né đi để chờ mùa khô đến và năm đó bọn chúng cũng suy yếu sau trận Hạ Lào. Hơn nữa, chúng còn vừa bị tướng Trí đánh qua đất Căm Pu Chia. Sau đó chẳng may tướng Trí tử nạn nên cuộc hành quân bị dang dở. Dù mang tiếng tham nhũng, tướng Trí có lẽ là một trong vài vị tướng ở miền Nam có khả năng cầm quân cấp Quân Đòan. Vì không có đụng độ, tôi chỉ có vài anh lính bị thương nhẹ vì mìn. Dù bản tính lười, nhưng ế khách mãi mới có việc, cho nên tôi giành luôn những việc rửa vết thương, băng bó, chích thuốc của lính để cho qua thì giờ và cho quen việc. Có cái cassette cũ nghe đi nghe lai bài hát “Trời lập đông chưa em….” càng ngày càng thấm thía.

Cuối cùng thì cũng hết hạn một tháng công tác và tôi được trở về Pleiku coi bệnh xá, để một bác sĩ khác lên thay. Liên đòan quân y ngòai việc giám sát và yểm trợ các đơn vị quân y tác chiến trong vùng còn có 1 đại đội quân y. Đây là cách tổ chức theo lối Mỹ. Tôi không biết Liên đòan 71, 73. 74 ở các vùng chiến thuật khác làm việc ra sao chứ ở Liên Đòan 72, cách tổ chức này thật qúa dư thừa. Liên đòan trưởng, liên đòan phó và ngay cả đại đội trưởng của tôi chưa bao giờ đi theo hành quân. Mỗi ngày các ông vào đơn vị làm việc khỏang 5 tiếng đồng hồ sau đó lặn về phòng mạch. Đại đội của tôi ngòai đại đội trưởng còn có 3 bác sĩ ( tôi và 2 anh Chí, Hiệp) thay phiên nhau làm bệnh xá, về phép và trực hành quân. Đúng ra, trên danh nghĩa, đại đội này có một tóan mổ dã chiến. Nhưng thật ra bác sĩ như chúng tôi, sau khi ra trường, chưa được huấn luyện nhiều về giải phẫu, lại không có được những dụng cụ cần thiết và những chuyên viên gây mê, săn sóc hậu giải phẫu, làm sao mà làm được công việc mổ xẻ sát bên chiến trường. Tại Vùng I, trong cuộc hành quân Hạ Lào, những tóan giải phẫu sát bên chiến trường là do những toán quân y biệt phái từ Bệnh Viện Dù Đỗ Vinh hay Bệnh Viện I Dã Chiến, chắc chắn đại đội QY 711 của Liên Đòan 71 không làm được, họ cũng lờ quờ về giải phẫu như tụi tôi. Các đại đội 733 hay 744 ở vùng III và vùng IV chắc cũng không hơn gì. Ngòai Đại đội Quân Y của chúng tôi, Liên đòan còn có 1 đại đội xe cứu thương. Nhưng 2 năm ở Liên đòan, tôi không biết mấy xe Dodge cứu thương làm việc ra sao chứ còn mấy xe jeep cứu thương, hầu hết là để cho những sĩ quan của đại đội và liên đòan dùng việc công cũng có mà tư cũng có. Lâu lâu quân cảnh có vồ anh tài xế nào xách xe đi chợ hay đi chuyện riêng cho xếp thì lại réo tôi, vì họ thấy tôi thỉnh thỏang có đi ăn sáng với ông bạn niên trưởng ntcva 5562 Nguyễn vinh Hiển, tự Hòang khởi Gió, đang làm đồn trưởng quân cảnh Pleiku.. Đến năm 1972, mỗi Liên đòan Quân Y lại phải nhận thêm 10 dược sĩ ngòai cấp số. Lý do là dù Cục Quân Y đã có đủ Dược sĩ nhưng những dược sĩ ra trường năm 1972 bị trưng tập, đúng ra phải đổi đi những đơn vị khác, nhưng nhờ dược sĩ Ngô Khắc Tỉnh, Bộ trưởng Bộ Giáo Dục can thiệp nên được dồn vào cục Quân Y ép phải nhận. (Bộ trưởng Tỉnh được điểm với ông Thiệu nhờ dẫn mối cho ông Thiệu gặp nữ ca sĩ Kim Loan). Liên đòan Quân Y vốn đã không có việc lại nhận thêm 10 ông trung úy không có nhiệm sở, không bàn giấy đi long nhong trong doanh trại.

Vì những đơn vị hành quân nào cũng có quân y riêng của họ cho nên tôi một mình ở trại Lệ Khánh gần như không có việc làm, Bộ Chỉ Huy tiền phương tất cả đều khỏe mạnh cho nên tôi ngạc nhiên thấy người thay tôi, anh Lâm Kỳ Hiệp, lại kéo theo một tóan lính y tá mười mấy người đến thay mang theo 2 xe Hồng Thập Tự, dù lúc đó anh bác sĩ cơ hữu của trung đòan 42 đã trở về Dakto. Tuy nhiên, thóat được Lệ Khánh, tôi chẳng cần thắc mắc gì chuyện đó, giới thiệu anh Hiệp với đại tá Định xong, nhân có trực thăng của đại tá Lê Khắc Lý, tham mưu trưởng quân đòan đến, tôi theo ông về lại Pleiku. Tuy nhiên, trong bụng tôi không khỏi tội nghiệp anh Hiệp, vì anh đã lớn tuổi, ít hay la cà nói dóc với những sĩ quan khác như tôi, nên chắc là chán lắm. Quả nhiên, khỏang một tuần sau, tôi đã thấy anh Hiệp dẫn đám lính về. Anh nói nhỏ với tôi, là anh thấy Bộ Tư Lệnh tiền phương và đơn vị pháo binh sửa sọan dời về Dakto, anh cũng cho lính lên 2 xe Hồng Thập Tự theo đòan xe, nhưng tới quốc lộ 14, trong khi mọi người rẽ hướng Bắc đi Dakto thì anh Hiệp sai tài xế rẽ sang hướng nam về lại Pleiku, nhưng sau đó cũng không ai thắc mắc. Từ đó, chúng tôi biết là Liên đòan khi sai chúng tôi đi đâu, là đem con bỏ chợ mặc cho tụi tôi xoay sở. Nhờ có anh Hiệp về làm bệnh xá thay tôi, tôi được về phép Sài gòn.

Tôi trở lên lại đúng tháng trực hành quân. Lần này tôi được đi theo Bộ tư lệnh tiền phương quân đòan để săn sóc sức khỏe cho họ. Chuyến đi này thật thỏai mái vì sau một tháng làm bệnh xá, tôi đã quen biết khá nhiều sĩ quan trong Bộ Tư Lệnh. Lần này, Bộ tư lệnh đóng tại căn cứ Hàm Rồng của Trung đòan 47/ Sư đòan 22, cách Pleiku chưa đầy 30 km. Ông bạn cùng khóa của tôi tên Lương tấn Lộc tự Lộc ống cống đang làm đại đội phó quân y ở đây. Tư lệnh quân đòan II lúc đó là tướng Ngô Du, nhưng thường xuyên ở Bộ Tư Lệnh tiền phương do đại tá Lê trung Tường, trưởng khối hành quân chỉ huy. Đại tá Tường năm 1975 lên chuẩn tướng, làm tư lệnh sư đòan 23, bị tai tiếng vì sau khi Ban Mê Thuột mất, có 1 tiểu đòan BĐQ được trực thăng chở đi cứu bồ thì ông lại bắt đổ quân qua chỗ khác để cứu gia đình của ông. Trước khi tôi gặp ông, tôi nghe nói ông rất giàu vì đã 2 lần làm tỉnh trưởng Qui Nhơn. Hơn 20 năm đi lính, dù không tài ba lắm, ông luôn luôn làm lớn, 2 lần tỉnh trưởng, hai lần tham mưu trưởng quân đòan, tư lệnh phó hành quân và rồi lên tướng tư lệnh sư đòan. Ông nói với tôi là ông vô tình quen 1 tên Mỹ bán cho 1 va li đá lửa. Ông bán dùm hắn và nhờ đó ông phất. Ông nói vậy thì tôi nghe vậy. Vì thế tôi cũng chẳng vinh hạnh gì mà kể lại rằng kể từ ngày tôi công tác ở Hàm Rồng, đại tá Tường rất thích tôi. Chỉ vì tính tôi ham vui, ở Hàm Rồng ngồi ngáp ruồi mãi cũng buồn thúi ruột cho nên thấy ông bay trực thăng đi đâu tôi cũng leo lên xin đi theo. Lúc đó, chiến dịch mùa khô của địch sắp bắt đầu, đại tá Tường phải đi thị sát từng tiền đồn biên giới. Vì thế, tôi đã được theo ông đi đến những trại biên phòng mà trước đây tôi chỉ được nghe tên như Dak Sut, Đức Cơ, Lê Minh ( Pleijereng). .. Trưởng trại Lê Minh là đại úy Khánh. nói chuyện rất vui tươi hòa nhã. Tôi nhớ rõ ông hơn những trưởng trại khác là vì vài tháng sau, trại này bị đánh, đại úy Khánh tử trận khi ông đích thân leo lên đài quan sát để xử dụng đại liên. Mỗi lần bay trực thăng đến các đồn biên giới, từ trên cao nhìn xuống khắp vùng Tây Nguyên chỉ thấy tòan một màu xanh rừng núi. Vì thế, tôi không ngạc nhiên khi vào mùa khô năm 1975, 2 sư đòan 10 và 316 của Việt cộng đã có thể lén lút vượt biên giới, luồn qua khỏi Pleiku, Kontum mà ta không biết để đánh chiếm Ban Mê Thuột, một vị trí chiến lược quan trọng nằm giữa vùng cao nguyên. Một phần tại tình báo của chúng ta dở, phần khác, tướng Phú chủ quan, nghĩ rằng cũng như mọi năm, Việt cộng sẽ đánh Pleiku hay Kontum nên ông đem gần hết sư đòan 23 lên tăng cường Pleiku, Kontum mà bỏ trống Ban Mê Thuột, tạo cho Văn Tiến Dũng cơ hội để gáy rằng hắn đã đánh được một đòn “điểm huyệt”.

Khỏang hơn một tháng sau, chiến dịch mùa khô của địch bắt đầu, và quân ta đã chuẩn bị. Bộ chỉ huy chính thức của sư đòan 22 đã từ Qui Nhơn di chuyển lên Dakto. Lực lượng chính phòng thủ căn cứ biên ải này là trung đòan 42 với sự trợ giúp của lữ đòan 2 Dù ( gồm 3 tiểu đòan, do trung tá Trần quốc Lịch chỉ huy). Tất cả đặt dưới quyền chỉ huy của chuẩn tướng Lê ngọc Triển, tư lệnh sư đòan 22. Tại Kontum, lực lượng chính của Hòang minh Thảo lần lượt là các sư đòan 10, sư đòan 2 rồi thêm sư đòan 320, năm 1975, thêm sư đòan 316 – trước kia là sư đòan Thổ- từ vùng Lào Kay vào tăng cường cùng những đơn vị địa phương và đặc công. Họ đặt căn cứ bên kia biên giới và chờ đến mùa khô, khỏang tháng ba mỗi năm là lại tràn qua.

Khi chiến dịch bắt đầu, tôi được lệnh dẫn nguyên trung đội quân y khỏang 20 người của tôi lên đóng tại Tân Cảnh, Dakto, yểm trợ cho các đơn vị quân y khác. Căn cứ Tân Cảnh là bản doanh của trung đòan 42 nằm ở phía bắc Kontum, sát với quận lỵ Dakto, nối với Kontum bằng quốc lộ 14, quốc lộ này nằm song song với biên giới Cao Miên. Ở giữa biên giới với quốc lộ 14, trung đòan 42 đặt những căn cứ hỏa lực 5, 6, Charlie, Delta, Hotel để bảo vệ quốc lộ 14 và làm vòng đai phòng thủ phía ngòai cho căn cứ Tân Cảnh. Nếu chiếm được Tân Cảnh, họ có thể tràn về uy hiếp tỉnh lỵ Kontum. Nhưng muốn chiếm Tân Cảnh, Việt cộng phải vượt qua một hay hai căn cứ này. Năm 1971, họ đánh 2 căn cứ 5 và 6, năm sau, 1972, họ đánh Charlie và Delta.

Trung đội quân y của tôi lên căn cứ Tân Cảnh khỏang tháng 3 năm 1971. Một lần nữa, lại thấy một tổ chức dư thừa. Ở đây, tôi gặp mấy anh quân y, cùng khóa hay lớp trên, của đủ mọi binh chủng Dù, Thiết giáp, Biệt Động Quân, Bộ Binh ở đây. Thỉnh thỏang thương binh được đưa về, các anh tự động lo hết. Người lính quân y duy nhất mà tôi đem theo có làm việc là anh hạ sĩ quan tản thương để gọi trực thăng dùm cho họ, còn ngòai ra tụi tôi không có việc gì làm cứ đi cà nhỏng trong doanh trại. Tôi còn có thể tạt chỗ này chỗ kia tán dóc vài câu, nhưng đám lính của tôi đâu có quen ai. Không lẽ bắt họ ngồi xếp hàng trong hầm suốt ngày. Căn cứ Tân Cảnh của trung đòan 42 sát bên quận Dakto là một căn cứ lớn, có một sân bay nhỏ gọi là sân bay Phượng Hòang. Hầm chỉ huy, nơi Bộ Tư Lệnh tiền phương đóng rất kiên cố, có 2 tầng bao cát. Qua khỏi sân bay giống như ở Lệ Khánh cũng có 1 con suối và cũng được gọi là suối Phương Hòang. Tuy nhiên, trong mùa chiến dịch, căn cứ có nhiều đơn vị khác nhau đến ở nhờ nên tụi tôi chỉ được phân phối 1 cái hầm nhỏ mà lúc thường, có lẽ chỉ 8 hay 10 người ở, trong khi chúng tôi cả 20 người với đầy đủ súng ống, thuốc men, đồ nghề.

Một hôm, tại doanh trại Dakto, giữa ban ngày ban mặt, trong khi lính tráng mọi binh chủng đang tất tả lo chuyện hành quân thì tôi thấy có một anh mặc bộ pyjama nhàn tản đi qua đi lại, nhìn kỹ thì ra đó là một ông lính y tá của tôi. Tôi chịu hết nổi không biết làm sao. Tôi biết có xin với Liên Đòan để rút bớt lính về cũng vô dụng. Các xếp tôi chưa bao giờ đi đâu thăm đơn vị chứ đừng nói đi theo hành quân. Họ đâu có biết hòan cảnh ban đêm ngủ chen chúc trong hầm, ban ngày cả đám không có việc gì làm của tụi tôi. Tôi không thể giữ riệt tụi lính suốt ngày dưới hầm nên mấy ngày sau, mấy tên lính của tôi bắt đầu nhàn cư vi bất thiện. Một tên lính ra phố quận về thấy sưng tím mày mặt vì say rượu và đánh lộn (có lẽ là bị đánh) với lính mấy đơn vị khác. Hết chịu nổi, tôi nói chuyện với ông già Tám, trung sĩ trung đội phó, hỏi về tình trạng lính tráng. Ông ở Liên đòan và Pleiku lâu năm nên biết hết tình trạng đám lính và gia đình của họ. Ông nói với tôi “ Mấy thằng này ngoan lắm, ông thầy yên trí, chúng nó không đào ngũ đâu. Đi lính quân y Liên đòan thì….việc gì chúng nó phải đào ngũ.” .Nghe được câu này như thấy được chân lý, tôi tỉnh người nên buổi tối, trong căn hầm tối om, tôi hỏi ý đám lính của tôi về chuyện này. Tôi nói là tôi sẽ cho các anh em sống ở thị xã Pleiku được về phép “không giấy phép”, tôi sẽ không báo cáo. Còn các anh ở Qui Nhơn, Tuy Hòa hay Kontum thì không được. Đang phải nằm chật như nêm trong cái hầm đầy mùi mồ hôi, đi vệ sinh phải xếp hàng chờ nên cái đám lính Pleiku khóai chí khỏi nói. Còn đám quê ở Qui Nhơn hay Tuy Hòa cũng hoan hỉ chấp nhận ngay. Tôi còn hứa lèo là mai mốt có đi hành quân ở Tuy Hòa hay Qui Nhơn thì tôi sẽ làm ngược lại. Phương tiện để cho chúng về Pleiku, dễ qúa. Có phi đòan “Voi làm xiếc”.

Phi đòan Voi làm xiếc là một phi đòan trực thăng nghe nói từ Nha Trang biệt phái lên đóng ở Pleiku trong mùa chiến dịch. Không hiểu sao một phi đòan bay trên mây mà lại lấy tên Bạch Tượng và phù hiệu của phi đòan là con voi. Thường thì buổi sáng có 2 hay 3 trực thăng từ Pleiku bay lên nằm túc trực ở Tân Cảnh, chiều bay về lại. Phi công đều là những thiếu úy hay trung úy còn trẻ. Dù vóc dáng của họ cũng kiêu hùng như Hàn Phú, Óanh cò bay hay Hạnh mít nhưng thật ra lúc bình thường họ cũng là người trần mắt thịt như tụi tôi. Lúc không bay thì họ cũng ngồi ngáp lên ngáp xuống đi qua đi lại. Vì thế dần dần tôi quen. Buổi ăn trưa của những con người hào hoa đó thường chỉ là gói xôi hay khúc bánh mì. Họ nói chuyện cũng thật thà. Ông đàn anh bảo ông đàn em : Hôm trước đụng Việt cộng tao thấy mày bắn đại liên liền. Lần sau bắn mấy trái rocketts trước cho nhẹ tàu rồi hãy bắn đại liên. Có hôm lính tôi mua được con gà tôi mời họ vào ăn nên đám phi công càng quen thân với đám quân y chúng tôi.

Ngòai những phi công phi đòan Voi làm xiếc, ở Tân cảnh, tôi còn gặp thiếu tá Lê bá Định. Ông là một nhân vật nổi tiếng ở Pleiku. Ngòai nghiệp võ, ông cũng là người văn nghệ. Khi tướng Tòan mới lên làm tư lệnh vùng ra một lệnh nào đó không hợp lý, ông và đại tá Bá không đòan trưởng đã dám cãi lệnh tướng Tòan. Có lần, không có phương tiện về phép và chưa được biết cụ Hàn Phú ở đó, tôi vào nhờ ông Định và ông đã cho tôi ngồi trong hầm bom của một phi cơ khu trục về Sài gòn. Bà vợ ông có lần lên cơn ghen, cạo đầu trọc lóc. Đi tù về, ông không sang Mỹ mà ở lại Sài gòn dạy Anh văn. Thiếu tá Định lên Tân cảnh để điều hành sự phối hợp của Không quân với bộ binh

Quen được mấy ông trực thăng, việc đầu tiên của tôi là tống một nửa số lính ở không của tôi về Pleiku cho khuất mắt. Tôi dọa là tên nào về Pleiku lộn xộn là đương sự sẽ bị đề nghị ra bộ binh và thuyên chuyển về trung đòan 42 đóng ở…. Dakto. Thật ra tôi có quyền hành quái gì mà thuyên chuyển ai. Tụi nó về không giấy phép có chuyện gì xảy ra người lãnh thẹo là tôi. Tôi để chúng về vì tôi tin chúng không đào ngũ và nếu chẳng may chúng đi lêu bêu có bị quân cảnh vồ thì tôi đã có ông bạn Hòang khởi Gió. Tôi cũng chẳng sợ liên đòan biết chuyện vì cùng lắm có bị đì thì …tôi vẫn chỉ là tên bác sĩ duy nhất trong liên đòan được cử đi lung tung làm mấy việc ruồi bu để cho các xếp tôi yên tâm làm phòng mạch. Bị đem con bỏ chợ rồi không được ai ngó ngàng tới cũng có cái lợi là chúng tôi được tùy nghi ứng biến, muốn làm sao thì làm, miễn sao để các đơn vị khác không than phiền là được.

Một nửa số lính đi rồi, căn hầm ở cũng rộng ra, mấy tên lính còn lại cũng ít ra ngòai, ngồi hút thuốc lá vặt hay cãi nhau bên bàn cờ tướng, nhưng đến lượt tôi cuồng cẳng vì cứ đi qua đi lại không có việc làm. Tuy đây là hành quân cấp quân đòan có đủ mọi binh chủng, nhưng chỉ huy tổng quát ở Kontum lại là Bộ Chỉ Huy của sư đòan 22. Tuy tướng Triển lúc đó là Tư Lệnh Sư đòan nhưng tôi không có dịp thấy mặt ông. Có lẽ vì ông phải lo mặt trận Qui Nhơn nên ở Tân Cảnh, tôi hay gặp một vị Tư Lệnh phó khác là đại tá Lê Đức Đạt. Đại tá Định đã trở về Qui Nhơn. Sư đòan 22 có riêng 1 tiểu đòan quân y, tôi thuộc về quân đòan nên không có bệnh nhân hàng ngày. Ông trung sĩ trung đội phó hoặc là tội nghiệp tôi, hay cũng muốn tôi đi cho khuất mắt nên bảo tôi Bác sĩ cứ về, để em coi lính cho, có gì em gọi về bệnh xá Quân đòan nhắn với Bác sĩ. Tôi bùi tai, từ hôm đó tôi tiếng là đi hành quân mà cứ như là công chức, chiều leo máy bay về Pleiku, sáng hôm sau lại vào phi đòan voi làm xiếc trở lên Tân Cảnh. Đám phi công thấy tôi vào là chỉ ngay cho biết trực thăng nào sẽ đi lên Dakto để tôi đứng ở đó chờ. Có những ngày trời mưa, trần mây thấp, máy bay sợ lạc phải bay dọc theo đường 14 lên hướng Bắc và bay thật thấp sát ngọn cây. Tôi nhớ tới lời khuyên của những tiền bối giàu kinh nghiệm nên lấy ba lô, áo giáp và nón sắt để phía dưới ghế máy bay để đề phòng khỏi bị bắn “thủng đít”. Sau đó mấy hôm, thấy không có động tịnh gì, thỉnh thỏang tôi còn ở lại Pleiku chơi 1, 2 ngày. Một hai tuần sau, tuy mặt trận nổ lớn, nhưng tôi ở Tân Cảnh vẫn…không việc làm. Địch vây kín 2 căn cứ hỏa lực 5 và 6. Anh Trần thế Bảo, y sĩ trung đòan 42 được thả vào khi căn cứ 6 bị vây. Tại Tân Cảnh có những ngày súng nổ rầm rầm ngày đêm nhưng riêng tôi vẫn sống những ngày buồn nản. Ông già đại tá bác sĩ người Mỹ, cố vấn liên đòan, có bay lên Tân Cảnh một lần và ghé tụi tôi hỏi thăm.. Ông ta đến bất chợt bắt gặp tôi đang ngồi đánh cờ tướng với lính chắc cũng chán lắm, nhưng vẫn vui vẻ hỏi thăm và hỏi tôi có gì cần giúp đỡ không. Riêng mấy xếp của tôi, chẳng bao giờ thấy gọi lên hỏi thăm hay khích lệ. Vài tuần sau, Việt cộng bị đẩy lui, 2 căn cứ hỏa lực được giải tỏa, chiến dịch mùa khô 1971 của Việt cộng coi như thất bại, thì tôi tự thấy tôi không có lý do gì mà ở lại Tân Cảnh nữa, và tôi cũng chẳng buồn hỏi lệnh của liên đòan, tự động kéo gánh hát của tôi về. Tôi chỉ hơi áy náy là lúc đó, tôi tà tà kiếm trực thăng về trước trong khi để cho lính của tôi ngồi xe Hồng Thập Tự về sau. Cũng may không có chuyện gì xảy ra.

Đó là đóng góp của tôi trong chiến dịch mùa khô năm 1971. Riêng về đại đội quân y 722 của liên đòan 72, trên lý thuyết, đây là cuộc một công tác hành quân đúng nhiệm vụ nhất khi được thành lập, nhưng thực tế rõ ràng là không làm được việc gì, nếu không nói là ăn hại đái nát. Cũng may, quân đòan II cũng thấy điểm đó nên trong chiến dịch mùa khô năm 72, năm của mùa hè đỏ lửa, họ đã không kéo cái đám quân y liên đòan lên Tân Cảnh để làm ngứa mắt họ nữa. Nhờ đó mà khi căn cứ bị tràn ngập, trung đòan 42 bị tan hàng thì không có lính Liên đòan chúng tôi ở đó.

Chiến dịch mùa khô đã qua, chúng tôi được rảnh rỗi, nhưng thỉnh thỏang tôi vẫn phải làm những công việc khác như dạy khóa sinh y tá, khám bệnh bệnh xá, và còn phải đi công tác Y Khoa phòng ngừa. Khi ngồi bệnh xá, mỗi tháng tôi phải ký riêng ra một số thuốc cho anh sĩ quan Tài chánh. Hỏi tại sao, té ra mỗi tháng anh phải ra Qui Nhơn lãnh lương và mỗi lần như thế, anh phải đút lót cho phòng Tài chánh trên đó thì giấy tờ sẽ xong ngay, nếu không, anh sẽ phải thuê khách sạn ở Qui Nhơn mấy ngày để chờ. Có lần tôi đi theo anh ra Qui Nhơn, qủa nhiên đến Phòng Tài chánh, thấy anh Quân Y mang 1 thùng (thuốc ), anh Quân Nhu mang 1 thùng bự hơn ( quần áo mùng mền giày vớ), anh Truyền Tin 1 thùng ( chắc là pin…)…

Đúng ra anh Đại đội trưởng của tôi kiêm luôn Sĩ quan Y Khoa phòng ngừa phải đi nhưng anh còn bận phòng mạch ( anh kiêm chức này vì chức này cấp số thiếu tá ). Tôi phải đi nhưng đã không nề hà mà còn thấy thích thú. Vì thế tôi được đi khắp nơi. Tôi phải làm những công việc lặt vặt đến nỗi bây giờ tôi nhớ là tôi đã đến quận Thanh An, Pleiku, nơi có nhiều giáo dân và khi Kontum bị vây, có bay lên và vào Đại chủng viện gặp mấy ông cha, nhưng không còn nhớ mình đến những nơi đó để làm việc gì. Có lần tôi đi cùng với hai bác sĩ Biệt Động Quân Mỹ lên Bệnh Viện Phú Bổn để lấy báo cáo về tình hình bệnh sốt rét. Tôi nghĩ họ lấy tài liệu để viết báo Y Khoa nhưng tôi không hiểu tôi được cử đi theo để làm gì. Công việc chỉ có nửa giờ nhưng đến chiều trực thăng mới đón. Bệnh Viện cho mượn một xe Jeep để tụi tôi xử dụng. Tôi đưa 2 người Mỹ lại chỗ quen của họ xong đi lòng vòng thăm thị xã. Tỉnh lỵ nhỏ như quận Thủ Đức. Cuối con phố chính là giòng sông Ba. Con sông rộng khỏang 2, 3 chục thước chảy lặng lờ làm tôi trạnh nhớ đến giòng sông Tô Lịch làng tôi. Hai bên sông là những tàng cây rậm. Bến sông vắng, có một cây lớn, chắc là cổ thụ. Tôi đứng dưới gốc cây nhìn giòng nước êm ả lững lờ, nhớ tới câu thơ Hòai Khanh “ Nghe mùa đổ vỡ dưới nhiều bến sông“. Tôi thuộc câu thơ đó vì cho tới nay vẫn không hiểu tại sao mùa lại đổ vỡ.

Một lần khác tôi được cử lên Dục Mỹ khi trong trại huấn luyện Biệt Đông Quân có dịch đau màng óc. Tôi đi máy bay tới Nha Trang, trình diện Chỉ Huy Trưởng QYV. Ông này đã nhận được chỉ thị để cấp xe và tài xế cho tôi lên Dục Mỹ. Xe qua bờ biển Đại Lãnh, qua đèo Rù Rì, qua quận Ninh Hòa với món chim mía nổi tiếng rồi tới Dục Mỹ. Tôi đến gặp anh Y sĩ trưởng Bệnh xá, một ông đàn anh, và Đại tá Chỉ huy trưởng. Tại đây, tôi nhân danh một “chuyên viên y khoa phòng ngừa“ từ “liên đòan” đã vượt cả mấy trăm cây số đến để nhắc lại mấy giòng chữ tôi mới đọc trong cuốn sách Y khoa phòng ngừa là cho lính uống ngừa trụ sinh 1 tuần và ăn ở khỏang khóat hơn ( mỗi người khỏang 3,4 thước khối không gian gì đó ). Tôi nghĩ anh Y sĩ trưởng trại huấn luyện BDQ Dục Mỹ còn giỏi hơn tôi về việc này và anh đã thi hành điều này trước khi tôi đến. Còn Đại tá trưởng trại thì nói cái khỏan không khí thì ông sẽ cung cấp, tối nay ông sẽ cho tất cả khóa sinh ra …ngủ trong rừng, mỗi người thở cả chục thước khối không khí cũng được. Nhưng ông cũng cẩn thận trấn an tôi là chỉ ngủ rừng khi nào tối không mưa. Tôi vượt ngàn dặm đến nơi chỉ để nói chuyện trong vòng mười phút. Công việc đó chỉ cần một cú điện thọai là được hay cùng lắm cử một bác sĩ từ Quân Y Viện Nha Trang lên cho đỡ phiền phức. Nhưng có lẽ sai tôi đi lêu bêu giang hồ như thế thì Liên đòan mới có việc để báo cáo là…có làm việc. Tôi hòan tất công tác trong vòng có 1 ngày, nhưng anh bạn Nguyễn Khiêm, thủ khoa lớp tôi, chuyên môn về mắt ở QYV giữ lại ở chơi thêm 1 tuần nữa.

Tuy nhiên, sau thất bại của chiến dịch mùa khô, Việt Cộng vây hãm quận lỵ Phú Nhơn, Pleiku để gỡ gạc. Vì đường bộ bị cắt đứt, anh cán sự y tế trưởng bệnh xá chi khu đi phép không về được nên tôi bị thảy vào tiếp ứng bằng trực thăng. Năm sáu thày trò tôi được Thiếu Tá quận trưởng giao cho một căn hầm nhỏ sát bên quận lỵ vừa ăn ở vừa hành nghề. Cũng may, trực thăng đưa tôi xuống cũng đồng thời tản thương hết những thương binh nặng. Tối hôm sau, Việt công tiền pháo hậu xung tấn công quận. Nằm trong hầm nghe súng đạn nổ rầm rầm nhưng có lẽ vì cái màn pháo kích thì tôi đã quen vì hồi Mậu Thân nhà trong căn cứ Tân sơn Nhất đã bị pháo kích sập nhà phải đến tá túc nhà của Nguyễn bá Lưu, cho nên tôi vẫn bình tĩnh dặn dò anh em phân chia công việc. Sau trận pháo kích, Việt cộng tấn công, nhưng nơi địch tấn công ở khá xa hầm của chúng tôi nên nằm trong hầm, chỉ nghe tiếng súng hai bên. Cũng may, mấy tiếng đồng hô sau, quân địch bị đẩy lui. Chúng tôi nghe những tiếng lao xao gọi nhau rồi thương binh được đưa tới. Có mấy binh sĩ bị chết nhưng cũng chỉ có năm sáu binh sĩ bị thương nặng cần tản thương. Được cái ông trung sĩ già và đám lính y tá đã được lựa chọn là những người giàu kinh nghiệm. Họ thạo việc băng bó, truyền nước biển, còn hơn tôi nữa nên tôi cũng khỏe. Chúng tôi làm việc đến gần sáng và khi trời vừa ló sáng thì tôi chịu không nổi, leo ra khỏi hầm nhìn dáo dác cảnh trơ trụi xung quanh. Một anh lính y tá đưa cho tôi ly cà phê. Lát sau, thiếu tá Thiện, quận trưởng đến hỏi thăm về những thương binh. Ông nói sẽ có trực thăng tản thương. Quả nhiên, chừng hai tiếng đồng hồ sau, hai chiếc trực thăng lạch xạch tới. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi bán cái được những thương binh nặng về Quân Y Viện và tôi lại thong dong. Mấy anh bị miểng đạn hay sây sát sơ sơ anh y tá trưởng của tôi đủ sức săn sóc.

Chuyến trực thăng thứ ba đến Phú Nhơn chở theo đại tá tỉnh trưởng Y Bram. Ông cao lớn, da ngăm đen, ít nói. Biết tôi từ quân đòan đến tăng phái ông bắt tay cám ơn rồi trầm ngâm, không nói gì nữa. Sau khi ông đi, tôi ở lại, tiếp tục đi loanh quanh trong phạm vi chi khu. Chi khu này doanh trại nhỏ. Thiếu tá quận trưởng đã cùng đám sĩ quan chỉ huy vắng bóng, có lẽ đi chỉ huy hành quân khai thông quốc lộ. Ngòai hàng rào chi khu là phố xá và ngôi chợ nhưng vắng tanh. Tôi ghé lại bệnh xá chi khu ( nơi săn sóc cả binh lính lẫn thường dân ) xem có việc gì không rồi trở về đi ra đi vào. Đã quen với thói quen đem con bỏ chợ của liên đòan, tôi biết liên đòan chẳng ai buồn để ý đến đám tụi tôi, nên tôi quyết định là khi nào có anh trợ y trưởng bệnh xá chi khu về thay thì tôi sẽ tự động về. May qúa, hai hôm sau, quốc lộ khai thông, đòan xe từ Pleiku đến được Phú Nhơn. Trong đòan xe, ngòai anh phó tỉnh trưởng tốt nghiệp quốc gia hành chánh tên Thạnh lên thăm quận, còn có anh cán sự y tế trưởng bệnh xá chi khu. Anh Thạnh chắc chỉ hơn tôi vài tuổi, nhưng ở Pleiku, khi ngồi đánh mạt chược với mấy ông trưởng ty, anh lại được mấy ông trưởng ty gọi là “cụ Phó” một cách kính cẩn và bơm bài tối đa. Tuy nhiên, anh là người họat động, vui vẻ, nói chuyện và đùa giỡn với các viên chức và dân cư trong quận rất thân mật. Tôi nói chuyện với anh trợ y, tặng anh ta một mớ thuốc men rồi lên gặp thiếu tá Thiện xin về. Ông cám ơn và chấp thuận. Ra tới cửa, thấy đống vũ khí tịch thu được chất ngổn ngang ngòai sân, tôi xin ông một cây AK báng xếp đem về làm kỷ niệm. Ông còn cho tôi thêm 1 cây B40 (không có đạn) về treo trên tường lấy le. Tụi tôi theo phái đòan anh phó tỉnh trở về Pleiku bằng xe đò. Đường tốt, dưới nắng chiều, xe chạy bon bon qua nhiều dãy đồi cỏ xanh. Đối với tôi, Pleiku là một tỉnh rất đẹp, ngòai phố núi cao, phố núi đầy sương, còn có Biển Hồ, có đồn điền trà, có con đường lên Hàm Rồng vào mùa xuân rực rỡ hoa vàng và có rất nhiều đồi cỏ xanh.

Những “người về từ cõi chết” như thế khi ra về, liên đòan cũng chẳng hỏi han là chúng tôi làm việc ra sao, có sứt mẻ gì không. Nhân tuần lễ sau đó đang ngồi khám bệnh ở bệnh xá Quân Đòan thì gặp 1 sĩ quan phòng 1, trong câu chuyện, tôi nói là tôi mới ở Phú Nhơn về, anh ta nói anh đang làm danh sách thưởng huy chương và anh nói tôi đưa danh sách đám lính của tôi. Mấy tuần sau, tôi ăn có được 1 cái huy chương đồng (do tôi xin lấy) và mấy anh y tá của tôi được bằng tưởng lục. Được huy chương thì khóai nhưng lòng cũng cảm thấy ngượng

Hai năm trời ở liên đòan, đó có lẽ là chuyến công tác đáng đồng tiền bát gạo nhất của tôi. Đến chiến dịch mùa khô năm sau, năm của mùa hè đỏ lửa, lực lượng tấn công của Việt cộng mạnh hơn. Nhưng Quân đòan kỳ này có kinh nghiệm, khi thảo kế họach hành quân, đã thấy không cần tới quân y liên đòan nên tôi may mắn được ở lại Pleiku. Năm đó, quân đội Mỹ đã rút bớt nhiều, con đường mòn HCM cũng ít bị oanh tạc, nhờ thế, Việt cộng đã chuyển một quân số tăng viện lớn lao vào miền Nam, mở ra một mùa hè đỏ lửa. Riêng tại Kontum, lần này chúng có tới 2 sư đòan (2 và 320) cùng với đại bác 130 ly ( tôi còn nhớ rõ tầm bắn 26 cây số, xa hơn 155 ly của ta) xe tăng, hỏa tiễn Sagger điều khiển bằng giây, đạn đại bác delay chui xuống đất mới nổ…. Hoặc là tình báo của Mỹ dở, hay là cố vấn Vann muốn làm mất mặt đại tá Đạt, tư lệnh sư đòan 22, nên khi những đơn vị Dù ở 2 căn cứ tiền đồn Delta và Charlie báo cáo là có sự hiện diện của sư đòan 320, và họ đang bị pháo bằng đại bác 130 ly với đạn delay phá nát hết những hầm hố, công sự, Vann nói với tướng Dzu là không có chuyện đó và tướng Dzu đã bắt bắt các đơn vị Dù phải “tử thủ”.

Cuộc tấn công mùa khô của Mùa hè đỏ lửa ở vùng II của Việt cộng được khởi đầu bằng trận tấn công căn cứ Delta và Charlie do những tiểu đòan Dù 7 và 11 chống giữ. Trung tá Lịch, lữ đòan trưởng Dù lúc đó đang bịnh ở Sài gòn, đã cố gắng lên Tân Cảnh họp để xin cho tiểu đòan 11 được linh động hơn, phân tán ra đóng quanh căn cứ, nhưng tướng Ngô Du không chịu. ( Tiểu đòan 2 TQLC của trung tá Phúc, anh Nguyễn xuân Qúi thì khác. Ông được tùy nghi hành đông khi giữ căn cứ Barbara ngòai Trung. Cũng bị pháo, cũng bị 1 trung đòan của sư đòan 304 từ Lào tràn qua tấn công, nhưng ông đã nhiều lần chia tiểu đòan của ông thành những đơn vị nhỏ, phân tán ra ngòai căn cứ khi bị pháo và bị tấn công, nhưng lại hẹn nhau tập trung tại một nơi đã định để phản công tái chiếm vào những lúc địch bất ngờ nhất. Nhờ vậy, ông như ẩn như hiện trong thế thủ vẫn có thế công và sau đó, trong suốt 12 giờ quần thảo, dù một chọi bốn và căn cứ bị đổi chủ nhiều lần, trung đòan địch vẫn bị đánh tan và ông vẫn giữ được vị trí ).

Vì cứ phải nằm co chịu pháo, sau khi đại bác 130 ly của Cộng quân đặt trong núi bắn đã mấy ngày đêm pháo nát căn cứ, một trung đòan của sư đòan 320 tấn công và tràn ngập căn cứ Charlie của đại tá Bảo mà anh bạn cùng lớp Liệu của tôi làm y sĩ. Anh Liệu cùng với tiểu đòan phó chạy thóat. Sau đó, khi các tiểu đòan Dù về tiếp ứng trận An Lộc thì Việt cộng tiến đánh Dakto. Căn hầm kiên cố của Bộ chỉ huy tiền phương sư đòan bị Sagger bắn sập, những chiến xa của ta cũng bị Sagger lần lượt bắn cháy. Tư lệnh sư đòan đại tá Đạt mất tích, trung đòan trưởng thiết giáp cũng tử trận. Lấy được Dakto, Việt cộng tràn về uy hiếp Kontum. Trong trận này, anh bạn cùng khóa bác sĩ Bảo, trung đòan 42 cũng như đại úy Phương tiểu đòan trưởng BĐQ bị vồ đem ra Bắc, nhưng họ may mắn được trao trả về năm 1973 sau Hiệp định Paris. Anh Minh, đại đội phó của Bảo, mặc xà lỏn giả làm người Thượng trốn thóat về Kontum. Đại diện Quân Đòan ở Tân Cảnh, đại tá Tôn Thất Hùng, cũng được một gia đình người Thượng giúp đỡ trốn thóat. Mấy tháng sau ông trở lại Kontum và đã cố gắng tìm được gia đình người Thượng đó để trả ơn.

Sau khi mất Tân Cảnh, tướng Ngô Dzu mất chức tư lệnh quân đòan II. Khi làm Tư Lệnh, ông đã không phải là tướng giỏi, và ông cứ luôn luôn bị người tiền nhiệm của ông, tướng Lữ Lan, tố cáo là ông buôn bạch phiến. Người giúp ông thanh minh thanh nga cho cái vụ bạch phiến là Vann. Do đó, khi ông được cử làm Tư lệnh quân đòan II, ông xin cho Vann được làm cố vấn cho ông. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người cũng không được hòa thuận lắm. Là một người kiêu căng, phách lối, Vann đã muốn xen vào nội bộ quân lực ta cho nên ông ta đã ép tướng Dzu phải thay 2 tướng tư lệnh sư đòan là tướng Triển và tướng Cảnh bằng đại tá Bá và đại tá Đảo. Nhưng tướng Dzu chỉ thỏa mãn Vann 50% bằng cách thay tướng Cảnh bằng đại tá Bá, nhưng lại thay tướng Triển bằng đại tá Đạt. Vì thế Vann đã không ưa đại tá Đạt. Theo trung tá Tiếu, khi Charlie và Tân Cảnh bị vây, Vann đã từ chối không xin B52 để diệt những ổ pháo 130 ly và những địa điểm tập trung quân của Việt cộng trong núi. Tướng Dzu, một người hiền lành, đã phải nổi giận đập bàn hỏi : Anh là bạn hay kẻ thù của chúng tôi ? Quan hệ Việt Mỹ ở sư đòan 22 cũng không khá hơn. Khi Việt cộng phá sập hầm chỉ huy và sắp tràn vào Tân Cảnh, viên cố vấn sư đòan đổ hết trách nhiệm cho đại tá Đạt. Hắn ta kể lại đại tá Đạt vì “sợ qúa mà bị tê liệt”, không chạy qua hầm của cố vấn Mỹ khi hầm chỉ huy của ông bị bắn sập, nhưng viên cố vấn lại kể thêm là người sợ qúa mà bị tê liệt đó đã từ chối không theo viên cố vấn lên trực thăng chạy trốn khi Việt cộng sắp tràn vào căn cứ và ông đã mất tích khi cùng vài sĩ quan tùy viên tháo chạy bằng đường bộ. Điều này cho thấy quan hệ Việt Mỹ trong thời chiến.

Tân Tư lệnh quân đòan II là tướng Nguyễn văn Tòan tư lệnh sư đòan 2 ở ngòai Trung được cử lên thay. Tướng Tòan trước đó đã được nổi tiếng với danh hiệu Quế tướng công vì ông đã giao dịch với gian thương để khai thác quế trong vùng trách nhiệm của ông. Ông cũng từng bị kiện về tội cưỡng dâm một thôn nữ. Ông được thăng làm tư lệnh quân đòan vì sau khi tướng Lãm, tư lệnh quân đòan I mất chức vì thiếu khả năng, tạo tổn thất nặng cho quân đội trong chiến dịch Hạ Lào năm 1971 và mùa hè đỏ lửa năm 1972, thì ông Thiệu cần một tướng tư lệnh vùng tin cậy, cho nên đã bao che và bỏ lơ hết những tội của tướng Tòan. Ông hy vọng tướng Tòan mang ơn ông và không làm phản. Quả nhiên, tới 1974, ông Thiệu cho tướng Tòan về làm tư lệnh quân đòan III, quân đòan quan trọng bao quanh Sài gòn..

Trước nguy cơ Việt cộng tràn tới Kontum, trong khi trung đòan 42/ SĐ 22 hầu như tan rã ( trung đòan này sau khi được chỉnh đốn lại và một năm sau, lại đánh đấm ngon lành hơn trước, tân trung đòan trưởng là trung tá Thông. Năm 1973, đã đánh tan một trung đòan địch ở đèo An Khê, nhưng đến năm 1975, khi trung đòan phải di tản khỏi Qui Nhơn, trung tá Thông ra bến tàu đứng tiễn trung đòan lên tàu rồi một mình ở lại, tự sát)., trung đòan 47 khi tiếp tay trung đòan 42 ở Dakto cũng bị tổn thất nặng, hai trung đòan còn lại của SĐ 22 (40 và 41) bị kẹt tại mặt trận Qui Nhơn cho nên Sư đòan 23 từ Ban Mê Thuột được kéo lên phòng thủ thị xã Kontum. Trên đường di chuyển từ Pleiku tới Kontum, Việt cộng bố trí pháo binh và phục kích ngay tại núi Chu Pao, nằm ngay giữa Kontum và Pleiku. Đòan xe của sư đòan 23 bị cắt làm hai, một nửa đi thẳng tới Kontum, nửa kia có ông bạn Chu Cừ Hải lọt lại về Pleiku, sau đó ít ngày mới lên được Kontum. Nhờ sự chỉ huy của tướng Lý Tòng Bá, tư lệnh sư đòan 23 và sự yểm trợ hữu hiệu của B52. Kontum được giữ vững. Nhưng con đường huyết mạch tiếp tế duy nhất là quốc lộ 14 vẫn còn bị cắt đứt, khó nhất là đỉnh Chu Pao. Công cuộc giải tỏa khó khăn đến nỗi Chu Pao đã trở nên một địa danh nổi tiếng trong 2 câu thơ “ Chu Pao rét mướt hờn trong gió. Mỗi thước đường đi một xác người “. Lần này, trách nhiệm hành quân giải tỏa được giao cho BĐQ và Thiết giáp, dưới sự chỉ huy của tướng Trần Văn Hai, tư lệnh phó hành quân Quân Đòan và tôi, như thường lệ, cùng với vài y tá được cử đi theo Bộ Tư Lệnh tiền phương, bản doanh đóng ở trại Lý Thái Lợi (Pleimerong).

Lần này chiến trận đã quen, các sĩ quan của Bộ Tư Lệnh Quân Đòan tôi cũng quen gần hết, tôi chẳng có gì phiền hà ngòai việc phải ở trong hầm, và hầm lúc đó bắt đầu mùa mưa, trước kia lính Thượng ở nên luôn có một mùi ngai ngái rất đặc biệt. Tướng Hai là người nghiêm nghị, ít nói, ăn uống đơn giản, kham khổ. Mỗi buổi chiều ông đứng một mình trên một mô đất hút pipe nhìn lên đỉnh Chu Pao mây mù che phủ. Trước kia ông xuất thân Biệt động quân rồi làm Tư Lệnh Cảnh sát. Một người trong sạch và đàng hòang như vậy dĩ nhiên không thể làm dưới quyền một ông tướng nổi tiếng tham nhũng và ăn nói lỗ mãng nên ít ngày sau, tướng Hai xin thuyên chuyển về Sài gòn, sau đó về làm Tư Lệnh SĐ 7. Ông tự sát trong ngày 30/4/75. Người thay tướng Hai lại là đại tá Lê Trung Tường, tôi lại càng thỏai mái hơn. Tuy Việt Cộng cũng biết Bộ Tư Lệnh tiền phương đóng ở Pleimerong nhưng có lẽ lực lượng của họ đã suy yếu nên chỉ thỉnh thỏang pháo kích trại bằng hỏa tiễn 122 ly. Lọai hỏa tiễn này không chính xác bằng đại bác 130 ly nên tôi vẫn nhàn nhã, thỉnh thỏang buồn qúa bày ra trò khám bệnh dân sự vụ cho buôn Thượng bên cạnh. Anh đại úy Động của quân đòan rảnh rỗi cũng nằng nặc xin đi theo để được …nhìn ngực mấy nàng sơn nữ. Sau khi Chu Pao được tái chiếm, cuộc đánh chiếm Kontum bị thất bại và mùa mưa tới gây trở ngại cho việc tiếp liệu, Việt cộng rút đi, con đường 14 được khai thông.

Tuy nhiên, sau chuyến công tác đó, tôi chỉ được nghỉ có mấy ngày. Ông bạn Nam Kỳ thẳng tính Lâm Kỳ Hiệp không chịu nổi cách làm việc của đơn vị cứ hay cãi cọ gây gổ nên bị Liên đòan tống đi một trại huấn luyện lính Thượng nên tôi lại …đi. Sau khi giữ vững được Pleiku, quân đòan quay sang tái chiếm 3 quận phía bắc Qui Nhơn là Tam Quan, Hòai Nhơn và Hòai An.

Tỉnh Qui Nhơn là căn cứ địa cũ của liên khu 5 Việt cộng. Trước khi tập kết năm 1954, nghe theo lời bác dậy: “Vì lợi ích trăm năm trồng người “, Việt cộng đã cho bộ đội kết hôn hoặc làm ăn bừa bãi với tất cả các thôn nữ độc thân. Họ hy vọng hơn 10 năm sau, họ đã có sẵn một số “Việt cộng con”. Có thể vì thế mà dân theo Việt cộng ở đây rất nhiều, ngang ngửa với Bến Tre. Tướng địch chỉ huy vùng này là Chu Huy Mân. Lực lượng chính của họ ở đây là sư đòan 3 còn gọi là sư đòan Sao Vàng. Tôi theo Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đòan ra Phù Cát, Nói là giám sát, thực ra quân đòan muốn trực tiếp hối thúc sư đòan 22 và Liên đòan 2 Biệt Động Quân tiến quân cho lẹ. Chỉ huy Bộ Tư Lệnh tiền phương thường xuyên vẫn là đại tá Lê trung Tường. Nhưng có lẽ do doanh trại đầy đủ tiện nghi, tướng tư lệnh vùng Nguyễn Văn Tòan cũng hay bay tới, thỉnh thỏang ở vài ngày. Bộ Tư Lệnh đóng ở phi trường Phù Cát mới được Mỹ bàn giao. Phi trường này rộng rãi, sạch sẽ, phòng ốc nào cũng có máy lạnh chạy ồn ào, đi đâu cũng có điện thọai, Không quân ở không hết. Chỉ huy trưởng căn cứ là đại tá Nguyễn hồng Tuyền. Tôi được anh y sĩ Không Quân giao cho nguyên một dãy nhà trong bệnh xá để ở. Công việc ăn uống có đại đội Tổng hành dinh Quân đòan lo. Sáng dậy họp hành quân tôi cấp bậc nhỏ nhất ngồi dưới hàng ghế chót. Tướng Tòan ăn nói lỗ mãng, thỉnh thỏang chửi thề. Các đại tá trung tá già có khi bị ông mắng như tát nước. Có lần, có đơn vị hành quân than phiền về quân y, ông quát hỏi “ Quân Y đâu”. Tôi từ hàng chót đứng lên, ông liếc một cái, có lẽ thấy cấp bậc tôi nhỏ quá nên không thèm mắng, hầm hừ quay mặt đi. Đúng ra đi theo hành quân có các trưởng phòng đi như thế này chức vụ hèn lắm cũng phải là Liên đòan trưởng hay liên đòan phó đi họp. Nhưng liên đòan trưởng của tôi thuộc lọai đặc biệt. Ông may mắn thóat khỏi giông bão vì tướng Tòan khi từ Tư Lệnh Sư Đòan lên Tư Lệnh Quân Đòan, ông có đem theo hai người thân tín. Một là đại tá Trần Văn Cẩm lên làm Tham Mưu Trưởng, sau này sang làm Tư Lệnh sư đòan 23 để lên tướng, Lên tướng rồi, ông nhường chức này cho đại tá Lê trung Tường để ông này được lên theo. Chuyện đại tá Tường làm tư lệnh sư đòan và lên tướng như vậy tương đối trễ, vì ông nổi tiếng là …giàu. Người thứ hai tướng Tòan mang theo là y sĩ thiếu tá Lý Ngọc Dưỡng trước là tiểu đòan trưởng quân y của sư đòan của ông. Nhưng vừa tới Pleiku, bác sĩ Dưỡng đã tới gặp ngay liên đòan trưởng của tôi và trấn an ông này, là ông không có ý muốn làm liên đòan trưởng. Qủa nhiên, sau đó, bác sĩ Dưỡng rời Quân Y và làm Chánh Văn Phòng Tư Lệnh cho tướng Tòan. Nhờ bác sĩ Dưỡng, quân y chúng tôi không bị tai vạ với cách cư xử lỗ mãng đôi khi vô học của tướng Tòan. Tuy nhiên, bộ chỉ huy tiền phương này chỉ để theo dõi, yểm trợ và đốc thúc. Trách nhiệm hành quân là của 2 trung đòan 40, 41/Sư đòan 22 (tân tư lệnh là đại tá Phan đình Niệm) và liên đòan 2 Biệt động quân.

Tôi sống an lành ở Phù Cát được 1 tháng, trong tháng đó, mỗi sáng họp hành quân xong thì tôi khám bệnh một hai giờ. Cũng chỉ những thứ bệnh vớ vẩn, nhưng có 1 thiếu tá, tôi không hiểu nhờ đâu và khả năng nào mà làm ở phòng Tâm lý Chiến Quân Đòan, suốt ngày không có việc làm chỉ thấy anh ta cùng mấy tên lính ra nằm võng với đám chị em ta ngòai cổng phi trường. Vì thế, ông ngày nào cũng tới tìm tôi để xin chích “Bi”: Sáng dậy ra làm việc ngày nào cũng thấy mặt ông cho nên tôi bực mình, lên nói với đại tá Tường về tình trạng bệnh hoa liễu. Tuy tôi không nói rõ những người nào nhưng đại tá Tường cũng biết là ai nên sau đó, không thấy ông thiếu tá đến khám bệnh và không còn ra thăm chị em ta nữa. Sau khi khám bệnh, suốt buổi trưa và chiều tôi lại la cà tới các phòng, ban xem họ làm việc. Có lần, nghe nói đại tá Tường bay trực thăng đi quan sát vùng Bồng sơn, Tam quan, một xứ dừa nghe nói rất đẹp, tôi xin đi theo. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể ngắm xứ dừa có vài phút từ trực thăng. Sau đó trực thăng đáp xuống nơi Bộ chỉ huy liên đòan BĐQ đang đóng. Tôi nhờ máy truyền tin nội bộ Biệt Động Quân gọi nói chuyện với anh bạn quân y Thại cùng lớp đang lội theo một tiểu đòan nào đó, anh chửi tôi vài câu rồi nói tôi gửi anh 1 thùng bia. Tôi gửi ngay cho anh mấy hôm sau. Mới đây gặp lại anh anh vẫn nhắc lại chuyện đó. Cũng tại Bồng sơn, có một anh bạn khác học cùng thời với tôi (Nguyễn Đệ), làm trưởng chi Y Tế. Anh bị vồ đem lên núi khi VC chiếm quận. Mấy tháng sau, mùa mưa đến, nước sông chảy siết, anh kiếm đâu được một cái phao, đêm đến nằm thả trôi sông trốn về được. Ở Phù Cát được 2 tuần, tôi lấy lý do đi lãnh thuốc cuối tuần về Qui Nhơn chơi. Dọc theo con đường dài là những cây thùy dương. Tôi đến thăm bãi biển và thăm ông bạn Tùng xê rip. Lúc trở về, đi ngang một trạm kiểm sóat, thấy anh trung sĩ quân cảnh có nét mặt quen quen. Nhìn kỹ, té ra là ông bạn Phùng văn Đặng, cùng học nt/cva hồi đệ tam đệ nhị. Lại có dịp vào quán làm chai bia và nói chuyện “ngày xưa”.

Người mà tôi hay nói chuyện ở Phù Cát là trung tá Trịnh Tiếu, trưởng phòng 2 Quân Đòan. Ông là một sĩ quan tình báo giỏi và hết lòng. Năm 1968 chính ông đã bắt được một huyện ủy Việt cộng ở Qui Nhơn và khai thác được tin tức về việc Việt cộng sắp tấn công Tết Mậu Thân và gửi về Bộ Tổng Tham Mưu nhưng tin tình báo đó đã không được phổ biến kịp thời. Sau 1975, đại tá Tiếu bị đưa lên trại Cổng Trời hơn 10 năm và sau khi sang Mỹ vài tháng thì ông mất. Ngòai đại tá Tiếu, tại Phù Cát, tôi được biết thiếu tá Nguyễn mạnh Tường.

Lúc tôi gặp Thiếu tá Tường ở Phù Cát, ông được các sĩ quan quân đòan gọi là Tường nhỏ để phân biệt với xếp của ông, đại tá Lê Trung Tường, Tường lớn. Tôi cũng không biết nhiều về tài năng ông, nhưng tôi thấy anh bạn tôi, Lã văn Qúi, ở phòng hành quân rất kính phục ông. Thiếu tá Tường người Bắc kỳ, hơi thấp nhưng to ngang, quần áo luôn tề chỉnh, ăn nói nhỏ nhẹ, đeo bằng Dù (có người nói với tôi là trước ông ở binh chủng Dù , sau đó bị họan nạn trong chính biến 11/11/63). Tuy nhiên, sau này, sau khi đã tái chiếm được 3 quận ở Qui Nhơn, ông thăng Trung tá và được cử làm Tham mưu trưởng Tiểu khu Bình Định, tài năng của ông mới hiển lộ.

Vì làm Tham Mưu Trưởng Tiểu khu, ông chỉ được chỉ huy Nghĩa quân và Địa phương quân. Trong giai đọan khó khăn sau 1972,, ông đã tổ chức và uốn nắn Địa phương quân của ông thành một lực lượng lưu động và thiện chiến. Với tiểu đòan Địa phương quân lưu động đó, ông đã tái chiếm cửa khẩu Đề ghi, và một lần khác, đánh tan trung đòan 2, trung đòan cứng nhất của sư đòan Sao Vàng ( trung đòan này năm 1980 đã la` lực lượng chính chiến đấu ở mặt trận Lạng sơn với quân Trung Hoa ), khi trung đòan này định đánh chiếm phi trường Phù Cát. Trận đánh này, biết trước được có 12 giờ là trung đòan 2 đang tập trung quân, trong khi ông chỉ có 1 tiểu đòan, ông phải mượn thêm 1 tiểu đòan Biệt động quân vừa đi ngang tỉnh trên đường đi đến trại huấn luyện. Ngòai ra vì cần thêm thiết giáp, lực lượng mà ông không có, ông gọi xin quân đòan, nhưng tướng Cẩm, trực quân đòan trong ngày chủ nhật bỏ trực đi vắng, ông phải giả lệnh quân đòan mượn 1 chi đội thiết giáp đang trú đóng tại Qui Nhơn. Chiến thắng của ông làm cho quân đòan không vui. Nó làm lòi ra cái tắc trách của nhân vật số 2 của Quân đòan nên trung tá Tường bị phạt vì dám giả lệnh Quân đòan để xử dụng Thiết giáp.

Vì là chiến thắng lớn, tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân (tự Minh Đù, vì ông này hay chửi thề) đìch thân ra Phù Cát tham dự lễ ăn mừng chiến thắng. Ngòai Không Quân, những đơn vị như Biệt động quân, Thiết giáp tham gia trận đánh đều được mời. Mọi người đều có lon mới hay huy chương, Nhưng tướng Minh ngạc nhiên thấy người có công lớn nhất là trung tá Tường đã chẳng lên lon, không có huy chương mà còn chờ bị phạt. Tướng Minh biết vậy tức quá, ra lệnh cho Không quân từ lúc đó luôn luôn ưu tiên yểm trợ không quân cho Địa phương quân hơn là sư đòan 22. Mấy tháng sau, trong buổi họp các tướng lãnh, tướng Minh nêu lên thắc mắc tại sao sau chiến thắng, một trung tá Không Quân được lên đại tá mà người chỉ huy và có công lớn nhất không được lên. Đại tướng Viên nói lý do là vì Lục quân đã hết cấp khỏan Đại tá ( một số trong đó chắc đã được chị Tư bán). Tướng Minh nghe vậy, xin đem cấp khỏan đại tá của Không quân sang cho trung tá Tường và nếu Lục quân không dùng ông, xin đổi ông qua Không quân. Thủ tướng Khiêm thấy vậy can thiệp và nhờ đó trung tá Tường mới được lên lon. Lên lon, nhưng bị sự ganh ghét nên ông đã thuyên chuyển về sư đòan 5, phụ tá cho đại tá Lê Nguyên Vỹ, người cũng tự sát năm 1975.

Ngòai thiếu tá Tường, ở Phù Cát, tôi còn được gặp đại tá Trần khắc Kính, anh cả của Trần quang Khải (tự là Phạm sư Ôn), bạn cùng nhóm của tôi và Tùng, Khánh, Hằng, Viễn, Huệ. Đại tá Kính, khóa 1 Nam Định, năm 1963 là thiếu tá Chỉ huy phó Lực lượng đặc biệt cho đại tá Lê quang Tung. Ông mới là linh hồn của binh chủng lực lượng đặc biệt, chuyên huấn luyện biệt kích và gửi người ra Bắc. Nhưng lúc tôi gặp ông năm 1972, đại tá Kính chỉ là một đại tá ngồi chơi sơi nước. Sau đảo chánh ông Diệm, ông bị ở tù về tội Cần Lao. Sau đó ông được thả, nhờ thâm niên mà cũng lên đại tá, một đại tá lêu bêu ở nhiều đơn vị mà chẳng được giao cho một nhiệm vụ gì. Năm 1972 là lúc ông lêu bêu ở Khối Hành quân Quân Đòan II, đi ra đi vào, đi qua đi lại, chẳng làm phiền ai và cũng chẳng ai làm phiền ông, kể cả tướng Tòan. Ông không có việc, ra Phù Cát mấy hôm cho đỡ buồn rồi chắc ở Phù Cát cũng buồn, sau mấy hôm, ông lại trở lại Pleiku.

Nhân nhắc lại những sĩ quan ở Pleiku, mới đây, tôi đọc cuốn Goodnight Saigon, tác giả Charles Henderson khi viết về sự kiên nhẫn và sức chịu đựng bền bỉ của người Việt, đã nhắc đến trung tá Nguyễn mạnh Tuấn. Tôi nghĩ ông là tiểu đòan trưởng tiểu đòan Pháo Binh mà doanh trại đóng ngay bìa chu vi phía tây của thị xã Pleiku, nơi có sân tennis để thỉnh thỏang chiều chiều tôi bon chen ra tập đánh. Cũng có lúc không đánh tennis, những buổi chiều tôi lái xe đi qua doanh trại và ngừng xe để ngắm những ngọn đồi cỏ xanh chập chùng về hướng biên giới. Về buổi chiều, những ngọn đồi xanh và ngay cả con đường nhấp nhô theo những ngọc đồi không bao giờ có bóng người hay bóng xe chạy. Sau 1975, thiếu tá Tuấn bị giam 8 năm. Khi ra về, vợ ông đã bỏ ông. Ông đứng vá xe đạp góc đường nuôi thân. Dần dần, ông tự học và làm, cho đến nay, ông là chủ nhân của một hãng làm kéo gồm 350 nhân viên, xuất cảng kéo sang Âu Châu và các nước Đông Nam Á. Ngòai tiểu đòan của thiếu tá Tuấn, ở hướng Bắc Pleiku, gần Biển Hồ có 1 tiểu đòan Pháo Binh khác, tiểu đòan trưởng là một trung tá mà tôi quên tên. Ông rất chăm lo cho binh sĩ dưới quyền. Vì tiểu đòan chỉ có sĩ quan trợ y với những thuốc men thông thường, ông nhờ tôi và anh Hiệp thay phiên nhau mỗi tuần qua khám bệnh cho lính của ông và gia đình họ dùm một lần, và để có những thuốc tốt, ông áp phe với anh H., dược sĩ, trưởng kho thuốc bằng cách cho kho thuốc mượn 1 xe jeep. Mấy tuần sau, ông buồn buồn nói với tôi là lính ông sang lãnh thuốc lại bị kho thuốc giới hạn trở lại. Lý do là khi ông cần đem xe jeep về một tuần để phái đòan thanh tra tới kiểm sóat thì anh H. hiểu lầm, tưởng ông đòi lại, và chấm dứt “do favor.”.

Hai năm trời sau khi ra trường, mang tiếng ở một đơn vị bán tác chiến, trong một giai đọan mà quân đội cần phải nỗ lực, tôi thấy tôi chỉ là một kẻ lang thang may mắn, được đi đến nhiều vùng đất nước, được quen biết nhiều người, nhưng nếu kể về đóng góp, thật không đáng nói đến. Đúng như lời nói của người bạn đã quá cố Hòang đình Mùi, xúi tôi lên Pleiku vì ở Liên đòan “vui lắm”. Tôi đã vui trong áy náy, suốt ngày cứ long nhong trong khi các bạn đồng khóa lao đao lận đận, mấy anh Dù lăn lộn từ Nam ra Bắc, anh Thại Biệt động quân hết lội rừng ở Pleiku lại lội ruộng ở Qui Nhơn, rồi anh Ngãi tử nạn ở Ban Mê Thuột, anh Bé chết ở Bình Dương, anh Quốc chết ở An Lộc, anh Bảo bị vồ, anh Anh đeo càng trực thăng ở Tchepone về.. Tôi chán ngấy liên đòan cho nên sau chuyến công tác Phù Cát, tôi trở về Pleiku và nộp đơn theo học khóa tu nghiệp Thần Kinh Tâm Lý và rồi đổi xuống Cần Thơ làm việc. Cũng may là tại Cần Thơ, tôi cũng vẫn chơi nhiều, nhưng cũng làm việc nhiều hơn, và ông đơn vị trưởng của tôi lần này, trung tá Tùng, là một người hiền lành, tư cách, nhiệt thành. Ông đã nhiệt thành và tư cách như vị tư lệnh quân đòan, thiếu tướng Nam, người mà tôi chỉ được chào và gặp mặt vào buổi chiều ngày 30/4/75, khi ông vào quân y viện từ biệt anh em thương bệnh binh và một lần nữa, sáng hôm sau, khi tôi lên chào kính thi hài ông sau khi ông tự sát. Xếp tôi, trung tá Tùng, bỏ tiền ra lo việc chôn cất và khi Việt cộng vào tiếp thu bệnh viện, ông tập họp quân nhân làm lễ hạ kỳ và mặc niệm tướng Nam.

Trung tá Tùng đã gặp nhiều họan nạn trong tù về chuyện này. Khi tôi gặp lại ông gần 30 năm sau, ông vẫn còn phong thái vô tư cũ, nhưng ông hơi buồn vì vị Liên đòan trưởng 74 Quân Y, khi viết bài kể lại chuyến rời đơn vị bỏ đi trước 30 tháng tư như một thành tích, đã ám chỉ ông như là một ăng ten của Cục Quân Y để báo cáo về Cục những anh nào di tản.

Nhiểu người đã suy ngẫm ra rất nhiều lý do tại sao chúng ta thua trận (nào cấp lãnh đạo cà chớn, nào đồng minh của chúng ta cà chớn,… ). Trong cái phạm vi nhỏ bé của tôi, tôi chỉ thấy một sự phí phạm nhân lực của quân đội, điển hình là tổ chức ra những liên đòan quân y. Tôi suy ra một cách chủ quan là các liên đòan quân y khác và những liên đòan truyền tin, quân nhu, quân cụ, vận tải …chắc cũng không khá hơn, thế nào cũng có những khe hở lớn để cho một số không ít những người như tôi rong chơi, hay tệ hơn nữa, làm giàu bên lề chiến trận.

Tôi cũng chủ quan mà nghĩ rộng thêm ra rằng cách tổ chức liên đòan như thế là ở trong 1 hệ thống tổ chức rập khuôn theo lề lối của anh nhà giàu Mỹ, để đánh giặc theo lối Mỹ. Một lối đánh giặc thiếu mềm dẻo, linh động. Chẳng hạn, Việt cộng có thể dùng Sagger để phá công sự và bắn xe tăng, trong khi tại Kontum, khi tướng Bá muốn dùng hỏa tiễn Tow phá một công sự kiên cố, ông đã gặp nhiều khó khăn. Lý do vì… trong cuốn manuel của Tow, nói là chỉ để bắn xe tăng. Ngòai ra, chẳng phải là một nhà quân sự, tôi không hiểu tại sao mỗi năm cứ sau tháng ba là quân ta lại bị động ngồi chờ địch từ biên giới ào qua tấn công mà chẳng có sáng kiến nào khác hơn là đóng quân tại một căn cứ cố định để nằm chịu pháo.

Nếu xét trên một địa bàn rộng lớn hơn, trong suốt cuộc chiến, chúng ta đã để cho địch luôn luôn có được thế công, và chúng ta cứ phải trải quân rộng ra để phòng thủ, để cho mỗi năm quân địch dồn lực lượng tấn công 1 nơi, mỗi năm 1 kiểu, năm sau lại mạnh hơn năm trước. Trăm bó đuốc thế nào cũng bắt được con ếch. Và rồi sau hơn 10 chiến dịch mùa khô thất bại, năm 1975, khi chúng ta vẫn tổ chức theo lối nhà giàu và phải đánh trận theo kiểu nhà nghèo, Việt cộng đã thành công. Dĩ nhiên, còn có nhiều lý do khác, nhưng những lý do này ngòai sự hiểu biết của tôi.

 

Ngộ Không

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search