T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Hành phương nam

clip_image002

Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự

Giầy cỏ, gươm cùn ta đi đây

(Nguyễn Bính)

Câu thơ trên tôi bắt gặp ở nhà anh bạn không thân quen cho mấy trước 75.

Ừ thì hãy đảo qua anh bạn quen nhưng không thân này một chút, số là gặp anh ở quán xá và chỉ biết anh học Sư phạm ban Sử địa. Anh người Nam giuộc, tôi Bắc kỳ đặc, gần nhau qua nhang đèn khói thuốc vậy thôi. Vậy mà gặp buổi mây chiều gió sớm, một ngày cận Tết, ghé nhà anh cuối con ngõ cụt để nói chuyện gì đó, Vừa ngồi xuống, từ bàn học nhìn ra sân có mấy chậu mai vàng đang nở rộ, vướng víu vào mắt là một xấp giấy và hai câu thơ ngay trang đầu. Chưa kịp vén miệng búi bấn, anh giấu biến xấp bản thảo vào ngăn kéo rồi giục giặc là đang xuôi dòng sử Việt với những cuộc di dân vào miền Nam. Sau đấy không biết nói chuyện gì ngoài chuyện giầy cỏ, gươm cùn ta đi đây là rủ anh ra quán.

***

Một chút ngày cũ, một thoáng cảnh xưa, ấy vậy mà đã 30 năm có hơn. Một chiều cuối năm, nghe người bạn sử qua đây làm một chuyến dối già. Tôi đến đón anh. Cớ sự gì đến đón anh ư? Ừ thì hãy lực đực qua…”cái tôi” một tí. Chuyện là những năm tháng ở bậc trung học, tôi lậm với hai bộ môn sử ký, địa dư. Nay đất khách quê người cùng bóng ngả đường chiều, thiên cổ chi mê tôi lại ngụp lặn trong một cõi u u minh minh của nghìn năm mây bay với Lý, Trần, Lê, Nguyễn, cùng những nơi chốn khuất nẻo…

Nhớ lại câu thơ ngày nào năm ấy mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự với mắc chứng gì “ông” ở lại? Tôi lái xe và hỏi. Vừa rồi tôi đổi danh xưng, vì anh có mái tóc đã hoa râm hay hơn tôi ba, bốn tuổi chả biết nữa nên tôi buộc chỉ chân voi gọi là…ông chăng. Mái tóc thưa dài của ông quay sang tôi và lặng lờ:

– Tôi ở lại để làm nhân chứng cho một khúc quanh lịch sử.

Mệt ông này quá, tôi nhủ thầm vậy. Qua khuôn mặt phẳng lặng, hẻo mọn và ông lọ mọ tiếp…Ông lại có lối nói chuyện có hơi rối, hơi ngúc ngắc:

– Sông có bến đục bến trong, bên bồi bên lở. Dòng sông cứ miệt mài lở bên này bồi bên kia. Muốn đổi dòng phải đợi ba trăm năm. Dòng sông Gianh vơi chiều dài của lịch sử cũng bằng những năm tháng ấy. Sông miệt mài chẩy từ thuở khai thiên lập địa, đã chứng kiến, đã chuyên chở bao số phận của con người, của đất trời.

Yên ba giang thượng sử nhân sầu xong, ông châm thuốc lá. Khi rày người tôi cứ thủng ra về chuyện một dòng sông. Chuyện khỉ ho cò gáy gì đâu chả biết nữa, khi không tôi lưỡi đá miệng một đoạn văn sử mà tôi hong hanh nhớ được với nhà Nguyễn qua một địa danh khuất nẻo. Chả là theo ai đấy nơi chốn phân chia đất của Trịnh-Nguyễn là thung lũng sông Gianh (1) chứ không phải sông Gianh. Vì ranh giới từ sông Gianh trở ra đèo Ngang thuộc Đàng Ngoài. Khi Nguyễn Hoàng gần đất xa trời đã dặn dò con: “Phía bắc có sông Linh Giang (sông Gianh) nhỏ hẹp, nếu thế lực không địch được thì cố thủ để giữ đất đai”. Nên sau các nhà chúa đã cố giữ vùng đất từ sông Gianh trở vào tới sông Nhật Lệ thuộc Đàng Trong. Đào Duy Từ xin chúa Tiên đánh Đồng Hới để lấy Đèo Ngang làm ranh giới mới. Vì thế mới có Lũy Đồng Hới, dân tình gọi là “Lũy Thầy” vì xem ông như bậc thầy.

Chuyện đâu vẫn còn đó vì có “ông thầy” đang ngồi cạnh ngay đây, lát nữa tính sau. Bỗng ông hỏi tôi hút thuốc không, tôi trả lời tôi mua chiếc xe thổ tả này để…hun khói. Ông cười dín. Sợi râu miệng ông rung rinh, tan loãng theo khói thuốc nổi trôi với chiều thứ sáu vừa tan sở làm về, cái đầu chầy giành tôi bơ bả đến một cái quán nào đó.

Trở lại chuyện ông chọn ở lại để làm nhân chứng cho một khúc quanh lịch sử mà bây giờ có mặt ở nơi chốn này, và đang đứng bên lề lịch sử. Mà cứ theo sử gia Fustel de Coulanges với “Lịch sử là gì?”. Câu trả lời ngắn gọn: “Lịch sử là chuyện kể của kẻ chiến thắng!”. Lại nữa, nghe hơi nồi chõ ông ra Hà Nội “làm việc” một thời gian với sử gia, nhà khảo cổ Trần Quốc Vượng nên tôi mượn dịp hỏi ông chuyện khảo sử này kia kia nọ…

Khói…Khuôn mặt ông hững hờ xa xôi hẳn. Qua khuôn mặt ngập khói của môi trường điền dã, bia đá, gạch ngói, một thế giới ngựa xe, lời thơ, giá sách. Tôi quay cửa kính xuống một khe nhỏ. Ánh mắt ông cắt ngang vùng đất “Hòa Bình, Đông Sơn”. Ông chép miệng tách một cái thật nhỏ: “Khó nói lắm, thưa anh”. Đang nhìn đường lái xe, nhưng mắt tôi vẫn bạ vào ông. Khóe mắt ấy cho tôi biết môi ông còn lay động sau câu nói. Tôi nói với ông đi tìm một quán rượu hay một tiệm ăn cho dễ nói chuyện. “Tiệm ăn đi”. Ông cười, mắt cười theo. Cung cách ấy như thân quen từ lâu, mà thật ra chỉ mới gần nửa giờ. Tôi chọn bàn hai người gần lò sưởi để đốt lò hương cũ những chuyện vừa rồi. Nhìn cái lò sưởi, ông bậm bạm ắt hẳn là “cái bếp tủ” để nướng…”bò lụi”, Hiểu ý ông nhưng tôi cũng lậu bậu: “Lửa và củi đều giả cả đấy, thưa ông”. Dường như ông tảng lờ, người bạn sử miền Nam thân già vác dùi nặng với…khúc củi giả tới…bốn ngàn năm có hơn:

– Với sử gia ta thi Tàu là gương mẫu, vì họ cố công đào bới đẩy lùi lịch sử từ nhà Thương, nhà Ân ngược lên vài thế kỷ nữa. Sau Genève, các sử gia và nhà khảo cổ miền Bắc được đào tạo từ Liên Xô, và Tàu, với các chuyên viên đàn anh viện trợ, họ lục lọi trong các tầng đất để lập ra một chuỗi tiền sử có tên là Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun cho phù hợp với 4000 năm văn hiến. Và nhiều khi còn hơn nữa…tới 5000 năm, thưa anh.

Vừa lúc người nữ tiếp viên mắt xanh tóc vàng mang ra chai Beaujolais và nghiêng chai rượu để ông thẩm định, ông nói câu gì đó rồi gật đầu, rượu mở, nâng ly. Người bạn sử miền Nam, mắt ông vẫn cắt ngang ở lằn ngang không gian “Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun” nhưng vẫn gật gù: “Hết ý” rồi dàng dênh:

– Khoa khảo cổ học và sử học đã biến thành công cụ tuyên truyền để gây lòng tự tín dân tộc. Họ chỉ làm theo định hướng, nghĩa là thời Hùng vương phải rực rỡ, trong chuỗi tiến trình tiến hóa lịch sử qua những khám phá đào sới.

Cầm ly vang lắc lắc cho nó…thở, ông thở ra, và nhấp một ngụm. Đụn lại trong tôi những địa danh hoang sơ, hoang địa mãi tận miền Bắc xa xôi…Nhìn bình hoa giữa bàn mầu vàng như muốn giãy nảy lên vì hơi rượu, khói thuốc. Tôi trang trải với ông bôn ba sang đây nhiều năm, mỗi lần thấy hoa đào nở trên báo Tết, tôi lại nhớ cánh mai vàng của miền Nam hai mùa nắng mưa rộ cả một góc sân nhà ông năm nào. Người bạn sử miền Nam hết nhìn tôi, nhìn hoa và ông cười, mắt cũng cười theo.

Như miền Nam mưa đấy cũng nắng ngay đấy, ông nắng với mưa:

– Vâng. Nhưng không phải tôi hay ai. Chuyện là chuyện của lịch sử và đất nước. Về sử học, mình phải nghiêm chỉnh hơn. Trước sau gì cũng phải có một “dự kiến lịch sử”.

Tôi chưa kịp hiểu ông định nói gì. Nhấp thêm ngụm vang, ông…dự kiến thế này đây:

– Để tồn tại, người Việt phải mở đường Nam tiến xuống phía nam theo bờ biển qua dãy Hoành Sơn. Đó là điều kiện sống còn của dân tộc, và đó cũng là vận mệnh lịch sử từ thế kỷ thứ X cho đến nay trải qua triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Ở miền Trung nước ta ngày nay, Chiêm tộc xây dựng đất nước, khởi thủy quốc hiệu là Lâm Ấp. Vì đất nước một bên núi, một bên biển, thiếu đất cày cấy, cho nên họ ngó lên các châu phương Bắc như Giao Châu, Nhật Nam, không ngớt đem quân lên xâm lấn và họ đã chiếm huyện Thọ Linh nay là Thừa Thiên. Sau bị nhà Đường đem quân xuống tấn công, người Chiêm lui vào Quảng Nam bây giờ, đổi quốc hiệu là Chiêm Thành từ đấy.

Người bạn sử miền Nam lụi đụi ngược dòng lịch sử…

Nhà Tiền Lê với Lê Đại Hành lên ngôi sai sứ sang giao hảo bị vua Chiêm bắt giam sứ nên manh quân đánh báo thù. Dọc theo dẫy Hoành Sơn, Lê Đại Hành chiếm được Quảng Bình đến Đèo Ngang, rồi rút quân về. Nhà Lý, Chiêm Thành sang quấy rối ven bể, Lý Thường Kiệt mang quân vào sâu đất Chiêm Thành, tới tận Quảng Trị và ngừng chân ở đây. Và cũng như nhà Tiền Lê, nhà Lý cũng không nghĩ đến việc mở mang bờ cõi.

Nhà Trần, Chiêm Thành đem chiến thuyền xâm nhập vào vùng biển. Trần Thái Tông thân chinh đi đánh, chiếm đất Thừa Thiên đến đèo Hải Vân. Sau vua Trần gã công chúa Huyền Trân cho Chế Mân để kết thân, Chế Mân dâng sính lễ là hai châu Ô, châu Rí (3).

Người bạn sử miền Nam đào xới đất đai để vật lên phong thổ chí…

Nhà Hồ đem quân đánh Chiêm Thành, vua Chiêm phải dâng đất Quảng Nam (4) để bãi binh. Như vậy theo dãy Hoành Sơn (Đèo Ngang) vào đến Quảng Nam, người Việt đã mở rộng lãnh thổ của mình xuống 3/5 lãnh thổ Chiêm Thành. Chính sách di dân của người Việt ta chỉ thật sự bắt đầu với họ Hồ. Hồ Hán Thương cho làm con đường thiên lý từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa, như thế đủ thấy về sự khai khẩn quốc thổ của nhà Hồ.

Nhà Hậu Lê, Chiêm Thành lợi dụng nước ta trải qua chiến trận với nhà Minh nên đem quân đánh phá. Lê Thánh Tông sắp đặt một trận đại quy mô để Chiêm Thành kiệt quệ. Thắng trận Đồ Bàn (Bình Định) (5) kinh đô của Chiêm Thành, và chiếm Quy Nhơn.

clip_image004

Quảng Bình

Hoành Sơn

Phan Rang

Công cuộc Nam tiến được tiếp nối với nhà Nguyễn, từ nhà Lê, người Việt đã chiếm được 4/5 đất đai. Nhà Nguyễn chỉ dành chiếm phần còn lại của họ từ Tuy Hòa đến Phan Rang, mảnh đất cuối cùng của Chiêm Thành thuộc Bình Thuận ngày nay, thưa anh.

***

Đợi tôi rót thêm ly vang. Mặt ông đỏ cay đỏ cợt. Mắt vắt qua khung cửa sổ ngoài kia, bóng tối và trời đất đang lùng nhùng. Ông cười hậc một cái và ngầy ngà:

– Gần đây trong sách vở họ hay dùng thuật ngữ ‘’sử gia duy vật biện chứng tiến bộ Mác Lê’’ và ‘’sử gia phong kiến’’ (Việt Nam). Họ dùng duy vật biện chứng để dựng sử Việt, nhưng họ không biết Phong kiến gồm hai chữ “phong tước” tức ban quan tước và “kiến địa” tức ban đất đai. Phong kiến chỉ chế độ vua phong tước cho người có công và cấp cho một vùng đất để lập lãnh địa, với quân lính, luật lệ và thuế má riêng. Thể chế này có thời nhà Chu bên Tàu, ở Việt ta không có chế độ phong kiến mà chỉ có chế độ quân chủ.

Địa là đất, tôi đang to hó với lãnh địa, kiến địa thì đổng đểnh thế nào chả biết nữa mắt ông vắt qua…hòn giả sơn mãi tận ở Hải Dương, đất khởi nghiệp của nhà Mạc:

– Như anh biết đấy, bằng vào giai thoại cụ “An Nam lý học hữu Trình truyền” giữa họ Mạc đối đầu với họ Trịnh. Mạc Mậu đến hỏi cụ ở khoảnh sân có hòn non bộ, cụ nói “Cao Bằng tuy thiểu, khả năng sổ thế”, ý là Cao Bằng tuy nhỏ nhưng dung thân được mấy đờị.

Cóc lại đòi đi guốc, tôi nhai văn nhá chữ với ông ít lâu sau, cụ Trạng cũng chống gậy ra khoảnh sân ấy, cũng ngắm hòn giả sơn đó, nhìn đàn kiến đang “leo núi” có cây tùng, cây bách bé con con và bầy kế cho Nguyễn Hoàng: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân (2). Nhà chúa hiểu ý bèn xin Trịnh Kiểm vào trấn thủ Thuận Hóa bắt đầu cuộc hành trình về phương Nam xa vạn thẳm. Trong cơn đồng thiếp với chữ nghĩa, tôi vấy vá với ông là thay vì Mạc Mậu, cụ Trạng…lỡ dại xúi Nguyễn Hoàng ngược lên Cao Bằng thì lịch sử đã rẽ qua một khúc quanh khác, thì ông và tôi đã không lêu bêu ở miền Nam sáng nắng chiều mưa…

Làm như không nghe tôi đang theo bước chân phù lãng nhân trong cõi ngu lạc trường, ngón tay khẽ gõ lên mặt bàn, đầu ông gật gù…

– Vâng, theo tôi Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nghi vấn của lịch sử. Vì sau khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung tiếm ngôi, Nguyễn Kim đi tìm con út vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh, tức chúa Chổm, tôn làm vua. Để mưu đồ đại sự, Nguyễn Kim thu nạp Trịnh Kiểm. Khi ấy nước nhà chia làm hai: từ Nam Định trở ra của nhà Mạc, tức Bắc triều. Từ Thanh Hóa trở vào thuộc nhà Lê, tức Nam triều. Theo sử cũ sau khi Nguyễn Kim mất, để lại hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Trịnh Kiểm sợ cả hai sau này có thể tranh dành địa vị với mình, vì thế Nguyễn Uông chỉ mắc một lỗi nhỏ bị Trịnh Kiểm giết. Nguyễn Hoàng sợ đến lượt mình, nhờ người tới hỏi trạng Trình như các sử gia vừa…“diễn sử” ở trên.

Vẫn chưa hết chuyện trạng Trình, trạng Bùng Phùng Khắc Khoan không biết nên theo Nam triều, hay ở lại với Bắc triều. Họ Phùng tìm Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi han sự thể thế sự thăng trầm quân mạc vấn này nọ, Nguyễn Bỉnh Khiêm dậy: “Lê tồn, Trịnh tại; Lê bại, Trịnh vong”. Trạng Bùng ngầm hiểu ý tôn sư đã đến lúc phải vào xứ Thanh với nhà Lê. Người sau chê trách trạng Trình bấm độn biết nhà Mạc soán ngôi nhà Lê, lại không tồn tại mà vẫn làm quan với nhà Mạc. Sau đấy lại đẩy đưa học trò thay mình phò Lê.

Nghe thủng xong, tôi ngẫm ngợi há lại có cái lý ấy sao? Mà hỏi làm gì cho rách cuyện! Vì từ Thăng Long mò xuống Hải Duơng đi bộ, cáng võng cũng nhiêu khê lắm chứ bộ. Lại nữa, chắc gì thơi cụ Trạng đã có…hòn non bộ với ngư tiều canh độc. Bèn nói dám với ông:

– Vậy thì những giai thoại của cụ Trạng…

Ông lại gục gặc đầu, mắt ngầy ngật như mắt thầy bói, ngón tay lại gõ lên bàn…

– Thì anh cứ cho là như…“Sấm Trạng Trình” vậy, thưa anh.

Đang rối loạn tiền đình với giai thoại Nợ như chúa Chổm để Thăng Long có ngõ Cấm Chỉ gần sịt ngõ Trạng Trình, làm như ăn mày cầm tinh bị gậy ông dẫn dắt tôi…lạc đường vào lịch sử. Người bạn sử miền Nam rẽ ràng…

Sử kiện Trịnh Kiểm ám hại Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa theo tôi cũng là nghi án của lịch sử. Bởi lẽ không như các sử gia viết sử…”liệt truyện”.

Sử nhà Nguyễn không nói chi tiết việc tranh chấp quyền hành và cho là: Trịnh Kiểm tranh đoạt quyền hành nên ám hại ông. Viết như thế chẳng hợp lý chút nào! Vì khi ấy, Nguyễn Uông mới chỉ hai mươi, nào có quyền hành gì để Trịnh Kiểm tranh chấp? Tại sao Nguyễn Uông bị giết quan trọng như thế lại được chính sử nhà Nguyễn ghi là “khuyết sử”? Vì vậy, ta chỉ có thể kết luận cái chết của Nguyễn Uông không rõ ràng, thiếu chứng cớ mà nhẽ ra phải có. Vì vậy ta nên xem sự kiện ấy là một nghi án lịch sử mà thôi.

Người bạn sử miền Nam chung chiêng chống chếnh…

Còn tại sao Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa? Câu hỏi này không khó trả lời: Vì sau cái chết của Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng cầm quân chống nhà Mạc, lập được chiến công, được thăng Đoan Quận công. Sau khi Nguyễn Uông chết, ta không có chứng từ gì việc Nguyễn Hoàng ở vào tình thế khó khăn để phải “tìm chỗ dung thân”. Chuyến đi của Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa không phải là chuyến đi lánh nạn của một người cùng đường. Vì Trịnh Kiểm tỏ ra không phải là người nhỏ nhen, nên đã cho phép thân bằng quyến thuộc theo vị tân trấn thủ vào Nam. Ấy là chưa kể đồng tình cho hai quan trấn thủ hai trấn Thanh Hóa và Nghệ An mang quân lính theo vào Thuận Hóa tới hơn một ngàn người. Việc sau này Nguyễn Hoàng trở ra Đông Đô gả con gái út Ngọc Tú cho Trịnh Tráng, cháu nội của Trịnh Kiểm. Tiếp đến việc con thứ Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên được vào trấn thủ Quảng Nam thì mới có…miền Nam như anh vừa…“dự kiến lịch sử”, thưa anh.

Rút điếu Craven “A” mang từ bên nhà qua để đó, mắt ông vắt ngang cái đàn dương cầm, một nhạc công ngồi đấy đang chơi nhạc. Ông nói nhạc Jazz của người da đen nghe ai oán Nam Ai, Nam Bình như dân Chàm mất nước, theo Vương Hồng Sển nào khác gì vọng cổ với Dạ cổ hoài lang. Ấy vậy mà phán quan Tố Hữu đã xuống câu sề “tắt đèn” cải lương, hát bội của những người miền Nam. Thế là tỏi rồi! Tôi thầm nghĩ vậy và bẻm mép hỏi khi ra Hà Nội…“hành sử” ông có dậy cóc đi guốc, dậy khỉ leo cây chăng. Người bạn sử miền Nam lừ đừ như ông từ vào đền, với năm tàn tháng lụn, ông dắt trâu chui qua hàng rào:

– Họ đặt cái cầy trước mũi con trâu, các nhà khảo cổ đã lập ra chuỗi tiền sử Phùng Nguyên, Đồng Đậu phù hợp với một thời Hùng Vương rực rỡ rồi. Nay đến phiên sử gia dựa vào “trường phái Marxist”, sử gia miền Bắc theo trường phái này chủ đích là: Biện chứng sự hình thành xã hội, phân tích vai trò của giai cấp để tạo nên lịch sử.

Tôi im thin thít như thịt nấu đông bởi những nhà biên khảo, sử học trong nước hiện nay đang vặc nhau như mổ bỏ vì văn hóa Phùng Nguyên chưa được giải quyết thoả đáng, vì họ chỉ nhắc đến nó như một giả thuyết đã từng có và của ai đó. Họ dựa vào học giả Nhật Nitta Ejji, nhà khảo cổ học Ý Rispoli dẫn chứng: Những di chỉ ở Vân Nam cùng có hoa văn “chấm-vạch dài” và gợi ý văn hóa Phùng Nguyên có thể có nguồn gốc từ bên…Tàu.

Như không hay biết những gì tôi đang bối rối như sư đẻ, lấy hộp quẹt diêm cầm tay…

– Với giai cấp để tạo nên lịch sử như Lê Lợi với giai cấp nông dân, họ đề cao Nguyễn Huệ gốc anh hùng áo vải nên được coi như là quốc sách. Bởi thế có đến 1620 công trình viết về nhà Tây Sơn. Vì họ đánh lận con đen ông Hồ cùng gốc gác với Hồ Quý Ly. Với họ thì: ”Việc Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần, Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê, việc giành lấy ngôi vua một triều đại phong kiến đã suy tàn là hợp quy luật”.

Làm một hơi xong, ông hững hờ nhìn ra ngoài cửa sổ và thở ra khói…

– Không những thế, những nhà dựng sử miền Bắc không tiếc lời chê trách nhà Nguyễn là tay sai cho thực dân Pháp nên họ cấm viết về sử nhà Nguyễn từ năm 1956 đến 1958. Đến Phan Thanh Giản và sử gia miền Nam còn bị vạ lây, Viện trưởng Viện Sử học là Trần Huy Liệu đã bôi nhọ trí thức nói chung và sử gia miền Nam nói riêng: Tất nhiên khi chép về sử kiện Phan Thanh Giản cắt đất dâng cho xâm lược Pháp thì trí thức và sử gia miền Nam đã vô liêm sỉ coi đó không phải là chuyện phản quốc.

Học thói sử gia Fustel de Coulanges: “Sự thật của lịch sử là gì? Sự thật của lịch sử là quả cầu tròn, mỗi người chỉ nhìn được một phía”. Nói dại chứ! Chứ thiên cổ chi mê tôi chả dại đứng về một phía sử gia Mác-Lê hợm chữ chửi người vắng mặt như mắng người chết như vậy. Thảng như lời lẽ nặng nề, mạt sát, thiếu hẳn phong cách của người viết sử, thảng như: “Tối tăm, cực kỳ phản động, hủ lậu, mục nát, mù quáng, cực kỳ ngu xuẩn, v…v…”.

Tôi đang động tình đến đây, ông động não tiếp…

Người muốn tìm hiểu sử học nghiêm túc, khi viết một điều gì không phải chỉ cho người cầm bút mà còn phải viết cho người đọc. Viết sử không chỉ là việc sắp xếp các sự kiện lịch sử suốt cả ngàn năm như sử biên niên mà phải đưa ra những sai trái của tiền nhân, ngay cả với các sử quan. Nếu không, người đọc sử riết rồi bị uốn nắn, thuần hóa vào quan điểm của sử quan. Vì sử quan, sử gia trở thành người viết sử cung đình bóp méo lịch sử tạo nên chính sử, hay viết sử để xây dựng thể chế, chế độ. Nay cũng thế, như trong lần phát biểu tại Paris năm 1988, Nguyễn Văn Tạo, Viện trưởng Viện Sử học tuyên bố: Chúng tôi không viết sử để làm công trình sử học mà là để góp phần xây dựng chế độ mới. Vì vậy, sử trở thành sử phong thần, vì với nhà Nguyễn với chính sử, hay miền Bắc với sử phong thần chỉ có hai loại người là minh quân, ’’bác Hồ vĩ đại’’ và đối nghịc là ngụy quân, ngụy quyên.

Người bạn sử miền Nam cười. Ông cười bằng mắt…

Ấy vậy mà để xây dựng chế độ họ ’’bài bản’’ theo triều đại phong kiến nhà Nguyễn cũng đốt sách tàn dư của ngụy quyền. Theo một nhà biên khảo nào đó thì: ’’Nào có khác gì nguyên mẫu của bản sao Gia Long vì nhà Nguyễn có tha gì mà không đốt sạch dấu vết nhà Tây Sơn còn sót lại được gọi là Nguỵ tây”. Ngoài ra theo Đại Nam chính biên liệt truyện, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát dành vùng Thủy Xá và Hỏa Xá để ‘’cải cách’’ và ‘’tạo dựng’’ nơi ăn chố cho người Chiêm Thành mất đất. Vì vậy ngay cả hai chữ…cải tạo họ cũng vay mựợn từ thời…’’phong kiến’’. Nhưng lịch sử là một chuỗi móc xích tiếp nối, để không khỏi không nhắc đến sử kiện Minh Mạng sai Trương Minh Giảng đánh Cao Miên. Nhà Nguyễn bắt nữ vương Ang Mey đưa về Gia Định quản thúc, sau đó bầu đoàn thê tử cận thần quan lại của Cao Miên bị đưa ra Bắc tập trung cho tuyệt hậu hoạn, thưa anh.

Lúc này tôi cứ u mê ám chướng những gì vừa rồi ông sắm nắm: ’’người viết sử không phải chỉ cho người cầm bút mà còn cho người đọc’’. Chả là chăn trâu nhân thể dắt nghé, tôi lây lất qua một nhà sử học miền Nam nặng lòng với sử Việt có câu Cô vọng ngôn chi mà tác giả diễn giải là: Hình như lời người viết sử nói chuyện với…ma. Tác giả tiếp: Hóa ra khi đọc sách, người ta chỉ đọc những gì muốn thấy. Khoan nói tới nhưng gì phía sau các dòng chữ ấy. Vừa lúc nghe câu ’’Nhà Nguyễn bắt nữ vương Ang Mey quản thúc’’. Là người đọc, thiên cổ chi mê tôi cũng muốn đẽo chữ chặt câu…nhưng gì muốn thấy phía sau các dòng chữ ấy. Vì vậy kịp khi ông thông sử như thông khói xong, tôi cô vọng ngôn chi với ông…

Ừ thì với lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng với 140 năm sau, đoàn người thất trận từ phương Nam ngược về phương Bắc, nơi sơn lam chướng khí bên dẫy núi Hoàng Liên Sơn để bị quản thúc. Nơi mà thân bằng quyến thuộc của Nặc Ông anh, Nặc Ông em đã bị tập trung ở đấy từ bao thế kỷ trước. Để rồi lịch sử sang trang với cuộc chiến Nam Bắc, cũng ở nơi đây với tù binh là ngụy quân, ngụy quyền bỏ xác bên sườn núi đìu hiu hoang vắng. Được thể tôi lùi nhùi qua cuộc nội chiến Nam Bắc của người Hoa Kỳ, tại làng Appomattox, tướng Robert E, Lee tới để bàn thảo việc đầu hàng, tướng Ulysses S, Grant đưa ra bản thảo ngắn gọn như hàng binh không bị bắt làm tù binh. Sau đó điền trang của tướng Lee trở thành nghĩa trang Arlington, nơi chôn cất chung của tử sĩ hai miền Bắc Nam.

Mưa không ướt đất nắng không ấm đầu, khi không tôi chầu văn hầu bóng với người thơ Lá hoa cồn hay “Trung niên thi sĩ” họ Bùi:

Sử lịch sai trang

Chạy quàng

Là lịch sử…

Đợi tôi ngập ngụa trong cõi mụ mị đâu vào đấy rồi, ông…như thị ngã văn:

– Vâng, lịch sử đã sai trang, với những gì vừa rồi mà tôi vừa bương bả được phần nào hay phần ấy, chỉ là tương đối thôi, thưa anh.

Lại vẫn khuôn mặt phẳng lặng, hẻo mọn, ngập khói môi trường điền dã, bia đá, gạch ngói, dường như ông đang quay quả trở về một thế giới ngựa xe, lời thơ, giá sách. Chợt ánh mắt ông cắt ngang không gian “dẫy núi Hoàng Liên Sơn tới Thuận Hóa”…

Nguyễn Hoàng đặt chân tới vùng đất Thuận Hóa có thế đất “Nhất hổ trục quần dương – Tiên vi tướng, hậu vi vương” hy vọng mạng đế vương muốn được truyền tử lưu tôn đời đời kế thế. Vì thế nhà chúa lấy một phần đất Chiêm Thành lập ra tỉnh Tuy Hòa (phủ Phú Yên). Chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát chiếm thêm đất Phan Rang (phủ Bình Thuận). Từ đấy nước Chiêm Thành mất hẳn. Nhưng công việc Nam tiến của nhà Nguyễn vẫn chưa xong, vì thế chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã kết thân với vua Chân Lạp bằng cách gả công chúa Ngọc Vạn (6) cho Chey Chetta II. Chúa Nguyễn xin cho dân Việt được làm ruộng và buôn bán trên vùng đất mà ngày nay là Sài Gòn.

Và ông cổ lỗ rị mọ:

– Bây giờ tên Sài Gòn đã đi vào …cổ sử rồi, cũng…lịch sử lắm chứ nhỉ, thưa anh.

Người bạn sử miền Nam vừa nói, ánh mắt vừa như cắt ngang những đường phố Sài Gòn của một thời một thưở, ở một nơi chốn nào đó có con đường Nguyễn Hoàng khuất vắng, hẻo lánh và dường như ông đang hòa nhập về một vùng hoang vu thái cổ…

***

Dụi điếu thuốc, người bạn sử miền Nam thấm giọng chút rượu, ông ve vé mắt quanh chỗ ngồi. Lúc này tôi mới buông tuồng ngoài cái công khai phá, khẩn hoang ra tiệm ăn được…“hút thuốc lá” này. Ông gà gưỡng: “Hết ý” và cười cười.

Nhưng sau cặp kính, mắt ông không cười. Sợi râu bạc rung rung…

– Nghĩ đến hành trạng dựng nghiệp và dấu tích của Nguyễn Hoàng (7) đến cửa Việt, Quảng Trị, Ái Tử đúng năm 34 tuổi. Chúa Tiên ở đất này 59 năm, dân cảm ân mến đức vì chợ không hai giá, không có ăn trộm, cửa không phải đóng. Thuyền buôn ngoại quốc đều đến buông bán, quân lệnh nghiêm túc, vì vậy dân trong xứ đều được an cư lạc nghiệp.

Trong khi tôi đang ngồi hổng người ra vì bây giờ tên Sài Gòn đã đi vào quá vãng, từ nghĩa trang Arlington tôi định vất vưởng qua nghĩa trang Biên Hoà đang hoang phế với cỏ cây. Làm như có đồng cảm, nhìn cái lò sưởi đốt củi “gas” đang chập chờn những tia lửa xanh, vàng như nhìn miếu đền xưa cũ. Trong một thoáng giây, ông dáng người thiên cổ thế đấy, nhưng lúc này thần thái gồ ghề như biến đi đầu mất cả, ông tha ma mộ địa…

Với dấu tích trên đất Quảng Trị không thể không nhắc đến ngôi miếu do cư dân ghi ơn lập nên ở xã Gio An, huyện Gio Linh (7), sau khi nhà chúa qua đời. Thành thử, khi đi điền dã, cụ Trần Quốc Vượng quàng vai cái máy xén cỏ để chuẩn bị phát cây, dọn dẹp lối vào. Đi tìm dấu tích xưa với tâm thức của những người về nguồn, như vào đất Thục.

Đường vào đất thờ chúa Tiên chạy xuyên qua vỉa tầng văn hóa trầm tích. Tôi liên tưởng đến những công quả của chúa Tiên dành cho Gio Linh. Trước khi đi vào Thục địa ở đây, tôi có linh cảm mách bảo rằng nơi này dù hoang phế nhưng vẫn còn những di tích hiếm hoi còn lưu lại, chẳng hạn như những gạch cũ. Quả vậy, với cầi máy xén cỏ của cụ Vượng rà rà hiện ra một trụ đá ăn sâu vào nền đất, mặt trụ hình tròn.

clip_image006

Một trụ tròn ở

miếu Nguyễn Hoàng

Theo cụ Vượng ngôi miếu hướng về phương Bắc, hẳn là khi chọn hướng miếu, người dựng miếu đã hiểu được nỗi lòng đau đáu hướng về quê cha đất tổ Tây Đô Thanh Hóa (8) và Đông Đô Thăng Long của chúa Tiên. Và khi chọn đất dựng miếu, ắt hẳn phải chọn theo phong thủy. Cụ Vượng cho thế đất ở đây là thế “hoàng xà thính cáp” tức rắn vàng rình con cóc. Tôi nhìn xung quanh có mấy chỗ đất nhô lên hình con cóc như cụ Vượng nói thật.

Bỗng không người bạn sử miền Nam âm ử trong một cõi đi về…

Nơi đây, cầu gãy, sông bồi lấp
Ngày xưa nghe nói chốn kinh thành.
Biết bao triều đại từng oanh liệt

Mãi mãi vùi chôn dưới cỏ xanh.

Thấy tôi ớ ra, ông cười hụt một cái và tóe loe chuyện là bài thơ có tựa đềChiếc cầu gãy của Đoan Công. Ông văn chương thiên cổ sự rằng “Thi nhân bất đắc kiến – Kiến thi như kiến nhân” (Nguyễn Du), hiểu là với khách thơ nào thấy được, đọc thơ như thấy người. Vì bài thơ đây là của người thơ Mẫn Hiên Cao Bá Quát khi ghé Quảng Trị cảm tác Đoan quận công Nguyễn Hoàng. Với liệu cơm gắp mắm, ông rầm rì thêm phải chăng chiếc cầu gãy của Đoan Công chính là cái cầu bắc qua Bến Hói mà Tây gọi trại đi là Bến Hải chăng?

Qua những tháng ngày đắp đổi, tôi xằn xò rằng đoàn tuỳ tùng hơn 1000 người cùng chúa Tiên khai sơn phá thạch cả chục ngàn dặm đường với bao chông gai lội sông vượt suối qua mấy chục cái cầu, con đò. Thêm 5 đèo là đèo Tam Điệp (Ninh Bình, Thanh Hóa), nơi đây sau này vua Quang Trung đã ngừng chân trước khi tiến quân ra Thăng Long. Qua đèo Ngang (Hà Tĩnh, Quảng Bình) tới Quảng Trị, trên con lộ sinh tử từ chặng đường đầu tiên cả mấy trăm năm trước còn âm vọng đâu đây những ám ảnh trông gai, ngại ngùng ở Hồ Xá “Nhớ em anh cũng muốn vô – Sợ Truông Nhà Hồ, ngại phá Tam Giang”.

Từ dẫy Trường Sơn tới biển Đông chỉ đo được 40 cây số, nhìn lên bản đồ như cái cổ họng thắt lại đến nghẹt thở giữa hai miền Nam Bắc. Ở đây có cổ thành Quảng Trị, hơn một lần là nơi tranh hùng Trịnh Nguyễn cùng một thời chinh chiến với bóng xế trăng lu “Mẹ bồng con ngồi cầu Ái Tử – Thiếp trông chồng đứng núi Vọng Phu”. Nghẹt thở hơn nữa là Mùa hè đỏ lửa 72, cũng chính nơi này là chiến địa giữa hai miền Bắc Nam với cổ lai chinh chiến khứ nhân hồi và cổ thành Quảng Trị nay trở thành phế tích.

clip_image008

Cổ thành Quảng Trị

Qua đèo Hải Vân đến Quảng Nam, đất khởi nghiệp của chúa Sãi với lớp di dân tiên khởi từ Huế, có 4 hạng khác nhau, đầu tiên là những lính thú đi mở nước về phương nam. Hạng di dân thứ hai đến Quảng Nam là những người tù tội từ thời Lê Thái Tổ. Nhà Lê chia tội phạm thành năm loại: xuy, trượng, đồ, lưu, tửXuy là đánh roi. Trượng là đánh bằng gậy. Đồ là làm dịch đinh. Lưu là lưu đày. Tử là tử hình. Tội lưu có 3 hạng: Lưu cận châu (châu gần). Lưu viễn châu (châu xa). Lưu ngoại châu (biên giới). Quảng Nam thuộc loại viễn châu xa xôi giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Hạng di dân thứ ba là những người đào tẩu vì trốn chạy trả thù của các triều đại. Như nhà Trần xuống, nhà Lê lên, một số con cháu nhà Trần và nhà Mạc phải trốn chạy. Nhiều nhánh họ Mạc và họ Trần phải đổi họ và chạy vào tận Quảng Nam. Và hạng thư tư là di dân vì nghèo khổ, vì sinh tồn phải đối phó nghịch cảnh trở thành thói quen của người Quảng Nam hay cãi để thắng chứ không chịu thua. Vì không ít thì nhiều gốc gác họ là lính thú, tội đồ mang cái tâm trạng của kẻ bị đi đày.

Các chúa Nguyễn kế tiếp vượt đèo Cù Mông (Bình Định, Tuy Hòa) và đèo Cả (Tuy Hòa, Nha Trang) vào miền Nam. Con đường mòn không thênh thang rộng mở vì sau ba bốn mùa mưa, con đường mòn ấy đã bị mất dâu, đoàn người vai gồng vai gánh, tay bồng tay bế, họ phạt cỏ chặt cây khai quang lối đi. Họ leo núi băng rừng ngập những chông gai, họ trèo đèo lội suối đầy gian nan với suơng lam chướng khí cuối cùng bị bệnh tật, kiệt sức. Những người di dân đi tìm vùng đất mới đã bỏ xác lại bên ven đường không phải là ít.

clip_image010

Tây Đô Thanh Hoá

Đời Lý cư dân Kẻ Chợ lên tới 40.000 người, qua đời Trần, một phần đê Nhĩ Hà vỡ, cả kinh thành ngập dưới nước. Sau bị Chế Bồng Nga kéo quân ra Bắc ba lần đốt phá, khói lửa ngập trời cả tháng, khi ấy Thăng Long chỉ còn 20.000 người. Có thể vì chiến tranh, hỏa tai, lụt lội nên Hồ Hán Thương lập kinh đô mới Tây Đô và lập con đường thiên lý di dân vào Thanh Hoá. Tiếp đến chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên di dân vào Quảng Nam, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đưa dân vào Bình Thuận, đất này được gọi là “Ngũ Quảng lưu dân”. Họ mở đất lập làng cả mấy đời, ngỡ đã an cư lạc nghiệp lại khăn gói gió đưa theo các chúa vào Nam. Vì vậy có thể nói con đường cái quan đã hình thành từ chúa Nguyễn, từ Quảng Trị tới Cà Mâu. Càng xuống phía Nam, đất đai rộng, thời tiết dễ chịu, con người càng thoải mái hơn. Theo cuộc di dân với ngôn ngữ, trong văn học có câu: giọng Thanh Hoá là giọng miền Bắc…phải đi. Giọng Bình Thuận là giọng miền Nam…sắp sửa. (*)

Vào đến miền Nam, chúa Hiền Nguyễn Phước Tần cho quan tổng binh Trấn thủ Phú Yên ngừng chân trên đất của người Miên, ngay tại doanh trại, dinh cơ của phó vương Nặc Ông Nộn ở vùng đất từ chùa Cây Mai tới trường đua Phú Thọ, Chính mảnh đất nhỏ bé này đây đã khởi đầu hình thành một Sài Gòn cho mai hậu. Từ Quảng Nam, theo thời gian từng đợt di dân trải rộng tới tận Cà Mâu, trong đó có tù binh chúa Trịnh, đào binh chúa Nguyễn. Thêm tội đồ thích dấu ở tay bị phát vãng tới Mỏ Xòai, mảnh đất địa đầu của Gia Định Sài Gòn, tội đồ thích dấu ở trán bị đày xuống vùng châu thổ Đồng Nai Cửu Long trải rộng đến biên giới Miên. Nếu so với cuộc di dân của Lý Long Tường qua Cao Ly, và lấy mỗi 25 năm là một thế hệ thì con cháu nhà Lý đã lập cư ở đấy được 27 đời. Nếu lấy mốc thời gian từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, sau hơn 200 năm, trải qua 9 đời chúa, 12 đời người của lớp lưu dân từ miền Bắc, miền Trung và sau này là người Hoa lánh nạn nhà Minh đến lập nghiệp. Họ đã thay thế dần nét văn hóa và đời sống của người Chàm bản địa ở Tây Ninh, Châu Đốc, người Miên, người Minh Hương để có giọng nói người Lục tỉnh. Thêm dân tộc bản xứ là người Mạ, người Stiêng, theo người Pháp, vào cuối thế kỷ 19, người Mạ, người Stiêng sống ở thung lũng vùng Donai gần Biên Hoà để có giọng nói đặc thù người Sài Gòn. Với phong thổ chí, phong tục đã tạo nên phong thái, phong cách một lớp người trung dũng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài của người miền Nam…

Đến tao đoạn này, ông chèn ngang một câu chả đâu vào đâu như vày:

– Qua phong thổ chí mập mờ nhân ảnh mịt mùng gió mây, một ngự sử văn đàn nào đó đã rầy rà là người Bắc ưa viết văn, người Trung làm thơ, người Nam viết báo.

Hơ! Tôi đang tối như hũ nút, người bạn sử miền Nam ăn xổi ở thì qua ông phán quan nào đấy đã tung tẩy chuyện nào có ra chuyện như luộc con trâu cả con trong nồi…

Người Bắc viết văn mang cái bệnh đểu, nói cay, nói đắng, lấy cái gia vị của gừng, của ớt làm cái ngon miệng. Vì thức ăn chẳng có gì, như chén cơm sống trộn tỏi với nghệ. Vậy mà người đọc cứ khen hay. Nhưng hay ở chỗ gặp thời thế thế thời phải thế, với thế sự thăng trầm quân mạc vấn, với cái miệng họ nấp sau hập trường làm…thầy dùi.

Mặc thiên cổ chi mê tôi mặt nhăn quéo lại, người bạn sử miền Nam đủng đỉnh với đời là thế, con dế nó bế con giun, con giun nó đùn con dế như thể như thế này đây…

Như anh dự kiến, trên con lộ sinh tử qua chặng đường lịch sử mà Quảng Trị như cái cổ họng thắt lại đến nghẹt thở. Người Trung từ mảnh đất này mang thi ca biến thành cuộc đời với ý chí làm chính trị, làm thơ hay đi…tu. Xứ càng khổ càng nhiều nhà tu, họ tu vì thất chí với cuộc đời nên làm…thơ nhưng tu thì cứ tu, họ cũng không quên làm…chính trị.

Vào đến miền Nam, đất rộng người thưa bên hè phố, người Nam làm báo ở quán nhậu. Qua 108 anh hùng Lương Sơn Bạc ở xe hủ tiếu của Tàu, họ mang cái hào khí của thủ lãnh Tống Giang nên thích làm…tướng với túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Làm báo ở quán cóc hay quán nhậu, họ không quên mang cái tâm thái bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi với một…Lỗ Trí Thâm, hay cái trung dũng khí tiết của một….Võ Tòng đả hổ.

Ngỡ ông chỉ dắt trâu chui ống vậy thôi, ông chép miệng “tách” một cái như con thạch sùng chọn nghiệp trong Phi Lạc sang Tàu mà rằng: “Mất nước là đúng quá rồi, cái nghiệp nước nó thế. Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế, thưa anh”.

Châm lửa đốt trời xong, vừa lúc làm hết ly vang, người bạn sử miền Nam đội mũ lên đầu. Thêm một lần biệt hữu thiên địa phi nhân gian (Lý Bạch) tạm hiểu là ta có một cõi riêng không người vì ông như đang sửa soạn cho một chuyến đi xa. Như quay về Hoành Sơn, Quảng Trị của một thời xa xưa. Sau cặp kính dâm, ánh mắt ông “vắt ngang dòng sông Bến Hải, sông Gianh” đang lặng lờ với nước chẩy đôi dòng: Dòng sông sau 300 năm, nước vẫn tiếp tục trôi đi ở giữa dòng có một giải phân cách tự nghìn năm. Cùng một cảm hoài với ông, tôi cảm thấy thanh thản ở cái tuổi hiểu được cuộc đời là dòng sông đã gần đến cửa biển. Mà biển là tàng thức chứa chấp mọi nhân sinh. Thời gian trên những dòng sông chính là những mảnh đời. Mấy chục năm sau gặp lại người bạn sử miền Nam đây. Mắt ông đã mệt mỏi. Tôi không nhìn thấy ánh mắt ấy vắt qua một khỏang không gian, thời gian nào đó mà ông đã từng hoài bão. Kể cả những hoài vọng thầm kín như một giấc mơ, giấc mơ một đời người với mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự, giầy cỏ, gươm cùn ta đi đây.

Tôi chưa có dịp để nói tôi thích cái cười…”hụt” hồi nãy thì ông cười như không cười, cái cười còm nòm của nhất hữu ly biệt thiên lý tống tiễn với đã đến lúc phải chia tay.

***

Thời gian vỗ cánh như quạ bay, một ngày tôi đặt bút xuống với những dòng chữ này, người bạn sử của miền Nam không nắng thì mưa không còn nữa! Đôi mắt ông vĩnh viễn khép lại. Nhưng sợi râu trên nốt ruồi bên cằm vẫn còn ẩn hiện trong một cõi đi về.

Năm cùng tháng tận, rũ bỏ mọi quá khứ dù có mặt hay không có mặt. Đất khách quê người với bóng ngả đường chiều, thiên cổ chi mê tôi ngụp lặn cùng những nơi chốn khuất nẻo từ độ mang gươm đi mở cõi, trời nam thương nhớ đất Thăng Long. Với cuộc Nam tiến mấy trăm năm trước, thêm mấy chục năm sau nữa, trong đó có hai lần di cư. Tôi đang bước theo những vết chim di của người bạn sử miền Nam qua bài văn sử Hành phương nam này đây. Sau 75, trong cái tâm thái mỗi năm hoa đào nở lại nhớ cánh mai vàng của mảnh đất không mưa thì nắng. Người viết bài văn sử này được thể ngược về năm 54, gia dĩ là Bắc kỳ đặc, trộm nghĩ nếu không có chúa Tiên Nguyễn Hoàng xuôi nam, thì chẳng có thẻo đất nào để người viết có chỗ làm nơi chốn dung thân với những năm tháng xưa cũ u ẩn chiều lưu lạc, buồn viễn xứ khôn khuây, thưa bạn đọc…

Thạch trúc gia trang

Tiết xuân, Giáp Ngọ 2014

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn: Cảm tác qua Trần Quốc Vượng, tính trời nết đất của Viên Linh, Mưa giăng vườn vải của Tường Vũ Anh Thy. Và Phan Khoang, Nguyễn Thị Hậu, Phạm Trung Tùng, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Nhuận Minh, Thái Văn Kiểm, Trần Viết Ngạc, Hồng Trung, Nguyễn Đức Hiệp, Phan Chính, Tạ Chí Đại Trường, Trần Gia Phụng, Tạ Đức, Toan Ánh, William Zinsser.

Chú thích:

(1) Tên địa phương gọi là sông Ranh (chia…“ranh” giới).

(2) Nguyên văn câu được chép lại trong bài Phả ký của Vũ Khâm Lân là “Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân” (Một dải Hoành Sơn có thể dung thân được) chứ không phải là “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời). Sự sai khác được lý giải là do các sử gia nhà Nguyễn sau này đã sửa đổi hai chữ “khả dĩ” thành “vạn đại”, với hy vọng sẽ giữ được cơ nghiệp của triều đại nhà Nguyễn tới muôn đời.

(3) Châu Ri goi là Châu Lý vì chữ Hán không có vân “R” nên đổi ra “L”. Đời Trần đổi hai Châu Ô (Quảng Trị), Châu Rí (Thừa Thiên) là Thuận Châu, Hóa Châu. Sau ghép hai chữ ThuậnHóa thành một là Thuận Hóa. Vì vậy Thuận Hóa gồm Quảng Trị và Huế.

(4) Hồ Hán Thương đánh chiếm phủ Thăng Bình. Gia Long đổi tên Thăng Bình là Quảng Nam với “Quảng” là rộng rãi, “Nam” là nhà Nguyễn đã phát triển về phía nam.

(5) Nhà Lê chiếm Đồ Bàn thuộc Bình Định. Gia Long đổi Đồ Bàn thành Bình Định với nghĩa “bình định” được đất đai của hai miền Nam Bắc từ năm 1802.

(6) Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên ghi: Nguyễn Phúc Nguyên có 4 người con gái là: 1/ Ngọc Liên, lấy Nguyễn Phúc Vĩnh. con Mạc Cảnh Huống. 2/ Ngọc Vạn, khuyết truyện. 3/ Ngọc Khoa, khuyết truyện. 4/ Ngọc Đĩnh lấy Phó vương Nguyễu Cửu Kiều. Sau này theo Nguyễn Phúc tộc thế phả: Nguyễn Phúc Nguyên gả Nguyễn Phúc Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II. Và gả Nguyễn Phúc Ngọc Khoa cho vua Chiêm Thành là Pôrômê.

Theo Li Tana sử gia Nhật thì Araki Sotaro, thương gia Nhật Bản con rể Nguyễn Phúc Nguyên. Nhưng có lẽ nhà chúa đã gả con nuôi thì đúng hơn, vì theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, trong số tất cả 4 người con gái, không có ai được gả cho Araki Sotaro.

(7) Gio Linh và Quảng Bình hợp lại từ ba châu Ma Linh, Bố Chính, Địa Lý. Ma Linh là Gio Linh phía bắc Quảng Trị. Bố Chính phía bắc Quảng Bình, Địa Lý là Quảng Bình.

(8) Dòng tộc Nguyễn Hoàng xuất thân từ một gia đình danh giá ở Thanh Hóa. Ông tổ của Nguyễn Hoàng là Định quốc công Nguyễn Bặc, vị khai quốc công thần của nhà Đinh, từng giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang, tiên tổ của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Công Duẩn, người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa.

clip_image012

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

&&&

 

Phụ đính: (*)

Thổ âm và tiếng nói từng vùng đất theo những cuộc di dân

Thanh Hoá:

Thời Lê quân Minh tàn phá Thăng Long. Sau Lê Chiêu Thống đốt phủ chúa Trịnh cháy ba ngày ba đêm mới tắt. Vì chiến tranh, hoả hoạn thêm lụt lội, từ nhà Hồ đến nhà Nguyễn có những cuộc di dân lớn vào Thanh Hoá làm nhiều đợt. Vì vậy hiếm có vùng đất nào như Thanh Hoá sau đó phát lên được tới ba dòng vua, hai dòng chúa. Đó là vùng đất phát tích của nhà tiền Lê, hậu Lê, nhà Hồ và là đất tổ của hai họ Trịnh Nguyễn. Nếu Hà Nội là Đông Đô thì Thanh Hoá được gọi là Tây Đô. Thanh Hoá còn được gọi là Hạc Thành vì phải chăng hình thể tỉnh Thanh giống hình con chim hạc? Cũng vì vậy có thể nói Thanh Hoá là miền đất cực nam của miền Bắc hay là miền đất cực bắc của miền Trung để có gịong nói rất đặc thù Thanh Hoá như…hạc kêu.

Huế:

Hồ Hán Thuơng lập con đường thiên lý từ Thanh Hoá vào đến Thuận Hóa. Tiếp đến chúa Nguyễn Hoàng vào đây để có giọng Huế pha lẫn với tiếng Chàm với nhiều dấu nặng.

Quảng Nam:

Một phần chúa Nguyễn Phúc Chu di dân từ Huế mà đa số người Kẻ Chợ (Đông Đô) và đất Thanh (Tây Đô) vào Quảng Nam (Hội An có những ngôi nhà cổ kính hao hao giống phố Chả Cá, Hàng Vải Thâm, Hàng Bạc ở Hà Nội). Một phần vì ảnh hưởng của sông núi, Quảng Nam xưa vốn là linh địa của người Chàm (Amavati – Trà Kiệu là kinh đô của họ trước thế kỷ VIII). Thế nên đất này là đất địa linh nhân kiệt có nhiều nhân tài, khoa bảng, văn nhân thi sĩ để có giọng nói Quảng Nam với “Quảng Nam hay cãi”. Không biểu vì lý do gì, trong Đại Nam nhất thống chí, mục tỉnh Quảng Nam, tiểu mục “Phong thổ”, các chúa Nguyễn cho rằng giọng Quảng Nam là giọng chuẩn trong nước. Trong khi đó, giọng Quảng Nam lớn, mạnh, sắc, có khi chói tai, có nhiều thổ âm, nói hơi khó nghe. Đã nói giọng khó nghe, người Quảng Nam hay nói thẳng đến độ cục mịch, mà người Quảng Nam gọi là “ăn cục nói hòn”.  Còn về Quảng Nam hay cãi, cãi không dứt, cãi chi cãi mãi, cãi mãi cãi hoài. Có điều cãi với giọng cãi chói tai, nghe nhức đầu. Thế nhưng người Quảng Nam lâu ngày không nghe giọng Quảng Nam thì cũng nhớ, như lâu ngày không được ăn một tô mì Quảng đạm bạc theo lối nấu đơn sơ của quê mình với muôn vàn nỗi nhớ.

(Quảng Nam hay cãi – Trần Gia Phụng)

Quảng Ngải, Bình Định:

Năm 1470, vua Lê Thánh Tôn đánh chiếm Ðồ Bàn. Sau thời kỳ Nam tiến này, cứ mỗi lần chinh phục được đất mới, triều đình đưa người từ ngoài Bắc vào mở mang. Vì vậy dân Quảng Ngãi, Bình Định, trong buổi đầu phần đông có nguồn gốc ở Bắc, hay ở bắc Trung phần. Nhiều nhân vật đã lập nên nghiệp lớn ở Bình Định vốn là gốc người đàng ngoài: Ðào Duy Từ (gốc Thanh Hóa), Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ (gốc Nghệ An) v…v… Thời trước, từ Bắc vào đất mới quá xa. Dân Thanh Nghệ vào Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Hoài Nhơn (Bình Định) hoặc tuân theo chiếu vua kêu gọi, hoặc vì mang án lưu hình v.v… đã đi là đi luôn, đi để lập nghiệp ở các miền đất mới. Thậm chí đời nhà Hồ, di dân phải thích hai chữ tên đất mình sắp đến (Quảng Ngãi, Bình Định) lên cánh tay.

Nha Trang, Đà Lạt:

Chúng ta đoán phỏng rằng có thể từ những cuộc di dân từ thời xa xưa. Hoặc từ khi Gia Long lên ngôi năm 1802 đến Bảo Đạo thoái vị năm 1945, trải 13 đời vua kéo dài 143 năm. Không ai hay biết khoảng thời gian nào, nhưng cũng có thể gần đây thôi.

1 – Người Việt di dân từng vùng đất như dân Cầu Vồng Yên thế vào Quảng Ngãi. Người Hà Đông vào Bình Định. Người Thanh Hoá vào Phan Thiết. Người Hải Dương vào Nha Trang.

(Người Việt Đất Việt – Toan Ánh)

2 – Tiếp đến là những di dân sau này từ Quảng Nam, Quảng Ngãi tới Trại Mát. Dân Nghệ An, Hà Tĩnh vào thung lũng ấp Ða Thiện. Vì thế có thể nói Đà Lạt là vùng đất cực nam của miền trung hoặc cực bắc của miên nam để có tiếng Đà Lạt pha trộn giữa nhừng giọng nói của người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hà Tĩnh.

(Đà Lạt xưa và nay – Trần Ngọc Toàn)

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search