T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Phí gia trang

Bóng ngả chiều xưa – Tranh: Thanh Châu

 

Năm 54 vào Nam, trong “thế vì khai sinh” ghi tôi sinh ở Thượng Tầm, Thái Bình. Vậy thôi, chấm hết. Phải đợi 60 năm sau, nhận được cái thư rách giời rơi xuống…

Kính gửi anh Hùng:

Đây là ảnh em chụp với cụ Rung (tên ông cụ tôi) năm 1992 ở Laocai (Lào Cai). Bạn em từ chỗ anh ở về chơi nên em gửi thư thăm hỏi anh. Bạn em cho hay cụ Rung đã mất năm 2010, em xin chia sẻ tin buồn với anh. Nếu có điều kiện gia đình em mời gia đình anh về thăm lại Việt Nam một chuyến và em sẽ dẫn anh chị lên thăm Sapa (Sa Pa) nơi ngày trước cụ Rung đã công tác tại đó. Địa chỉ…và điện thọai…của em.

Trân trọng

Phi Thu Hòa

Câu “công tác tại đó…”, bèn nhớ lại ông cụ tôi kể trong lúc vui chuyện vui trò: Cả họ chỉ mình tôi uống rượu, vì có cái môi mấp máy như ông nội nên ba tháng tôi đã biết…nhậu. Số là một tối, bị đờm rãi thở khò khè, bà vú lấy nước cho uống ở trong trạn nhưng lại lấy nhầm cút rượu trắng. Rồi tôi rơi xuống đất, không thấy đâu, ngỡ bị…chó sói tha vào rừng. Hóa ra khi dậy đi tiểu, trở lại cụ…đá tôi vào gầm giường. Lôi ra, người ngợm đỏ như con tôm luộc nên phải đưa tôi vào nhà thương Sa Pa.

Ngẫm nguội chuyện tôi sinh ở đất đồng chua nước mặn…ba tháng đã bò lên núi rừng. Bèn điện thọai hỏi cô họ Phí. Cô nói đợi “điện” về Hải Dương hỏi thầy cô là cụ Phí Văn Đông. Sau đấy cô cho hay ngày ấy thầy cô làm thông ngôn cho Tây cùng với ông cụ tôi tại Sa Pa, nên thầy cô biết tôi sinh ở Sa Pa chứ không phải Thượng Tầm.

Ông cụ tôi tiếp nhà nghèo, vậy mà có bạn làng khác tới chơi, ông nội tôi…“sai” bà nội tôi ra vườn túm tó con gà để tửu lạc vong bần với bạn, ngất ngư rồi, ông nội tôi ngồi khật khừ bình văn luận phú với bạn cả buổi. Ngẫu sự này đây theo “Máy thời gian” (Time Machine) với hai cái đĩa răng cưa quay theo chiều kim đồng hồ ăn khớp với nhau…ăn sổi ở thì…Thì tôi nhập hồn nhập vía vào ông nội tôi, sáng trưa chiều tối tôi cũng vật lộn với chữ nghĩa, tôi cũng sáng say chiều xỉn với cái tên…Ngộ Không.

Qua những dịp giỗ tết, ông cụ tôi thường nhắc đến cụ cố Tư dòng họ tôi không biết từ đâu lưu lạc về làng Thượng Tầm. Một tối làng bị cướp, cụ cố tôi bèn từ trên nóc nhà …phi thân xuống múa võ Tàu đánh tan bọn cướp. Vì vậy cụ cố tôi thửa được cô thôn nữ trong làng. Để sau này cụ có thằng chắt, chút, chít…oe oe chào đời ở Sa Pa.

Lây dây với ..con nhà võ, qua thằng bạn Lưu Trọng Đạt, là bạn cà phê cà pháo biết tên nhưng không biết họ nhau. Một ngày ngồi ở quán cô Hồng, nó hỏi tôi họ gì. Bởi chưng họ tôi là cái họ tàu tàu, Lưu Bị không ra Lưu Bị, Tào Tháo không ra Tào Tháo, tào lao thì có nên tôi nói nhịn: Họ Phí. Nó nói về nhà lục gia phả tìm…. gốc tích dòng dõi tôi. Nó ầm ào nó là con cháu…Lưu Vĩnh Phúc (1), giặc Cờ Đen (thời Tự Đức). Hôm sau nó mọc ra chuyện chả vui mấy: Tôi là hậu duệ của…giặc Cờ Vàng.

Hai cái răng cưa ăn khớp với nhau: tướng giặc Cờ Vàng (Hòang Sùng Anh) (2) bị giết. Nhúm tàn quân còn lại cướp cạn ở vùng thượng du một thời gian rồi kéo nhau về vùng đồng bằng, mỗi kẻ một nơi, mỗi người một chốn tản mát ở Đông Triều, hay Hải Dương. Riêng cụ cố Tư tôi lưu lạc về Thái Bình, tôi…cám cảnh đồ chừng là vậy.

Trước khi về thăm quê nhà, tôi đọc được bài viết về làng họ Phí của ông Tăng Bá Hoành ở Hải Dương. Vồ được chữ “Phí”, tôi chắc như đinh đóng cột có ông họ Phí nào đó lạc về đây dựng miếu mạo, lập làng xã. Vì vậy tôi nhờ cô họ Phí “điện” giới thiệu và xin địa chỉ…vì cô quê ở Hải Dương. Nhiễu sự tiếp nối với Máy thời gian có hai cái đĩa răng cưa quay ngược chiều kim đồng…“ngược” về 2000 năm trước vào thời Bắc Tống cổ lỗ ở bên Tàu. Vì vậy kỳ cổ mới có bài văn khảo…Phí gia trang.

Gặp ông khảo cổ họ Tăng, thấy chả có tạng…khảo cổ gì sất, nên tôi mặc sức khoe mẽ học kiến trúc nên cũng võ vẽ theo cụ Tả Ao…đào mồ mả táng ở Hàm Rồng nhưng chỉ “khảo chơi” thôi. Tôi dựa hơi ông Võ Phiến: “…Nhưng ai bảo cái khảo chơi không bằng cái khảo thiệt? Những nhà khảo cổ cặm cụi đo từng cái xương sọ của người ta, hì hục khai quật di chỉ xưa, mằn mò nhặt nhạnh từng lưỡi búa mũi tên. v…v… Đi khảo thiệt với cái búa khảo cổ lăm lăm trong tay thì trông khả kính lắm đấy; nhưng kẻ đi khảo chơi, chỉ mang theo chiếc lưỡi giấu trong mồm, trông khả ái biết bao…”

Nghe thủng rồi, ông gục gặc đầu đại ý: “…Vài chục năm trước, trên khắp các cánh đồng ở Hải Dương, đặc biệt là vùng Nam Sách, Chí Linh, Đông Triều, Kinh Môn, Gia Lộc, Tứ Kỳ… có thể gặp hàng ngàn (sic) gò đống lớn nhỏ. Dưới những gò đống ấy, phần lớn là những ngôi mộ xây theo kiểu Hán, có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ IX. Những ngôi mộ có hàng tấn cổ vật. Bản thân ông đã từng khai quật được hàng chục kg tiền đồng, nhất là tiền Ngũ thù thời Đông Hán. Hải Dương (sic) từng là trung tâm của quận Giao Chỉ, những ngôi mộ cổ, lưu giữ toàn bộ giá trị lịch sử, khảo cổ, văn hóa, nhân chủng học. Đó là kho sử liệu quý giá, nhưng chúng ta đã bỏ quên hoàn toàn. Từ những ngôi mộ cổ dưới lòng đất, các nhà khảo cổ có thể dựng lại khung cảnh xã hội, con người, tập quán của một thời xa xưa”.

Sau khi tha ma mộ địa về mồ mả rồi, ông lấy từ kệ sách một sấp ảnh màu và mót chuyện mãi ở đâu đâu. Như: “Ngọn núi” gì ấy giữa cánh đồng nằm sau những rặng tre, dưới gốc những cây bạch đàn, dường như lâu lắm không có dấu chân người, là một “tòa lâu đài” xếp bằng gạch (xem tr 3). Ngoài giới khảo cổ học, có lẽ, ít người biết đó là gì. Nó không giống nhà, cũng chẳng ra hình thù ngôi mộ.

Qua chuyện ông đào sâu chôn chặt thì…

Thì ông tìm về thôn Vũ Xá, huyện Nam Sách, hỏi một cụ già, cụ bảo: “Có cái mộ Tàu to lắm, nó ở khu vực Đống Dom ấy. Từ xa xưa, giữa cánh đồng nổi lên một gò đất, lớn như quả đồi. Gò đất này rộng chừng một ha, cao tới chục mét. Cũng không hiểu vì sao người dân nơi đây gọi nó là Đống Dom. Từ xa xưa, các cụ già trong làng đã nghe truyền miệng: Đống Dom là mộ của người Tàu. Tuy nhiên, ngôi mộ này thế nào, hình dáng ra sao, có từ bao giờ không ai biết. Dân quanh xóm nghĩ rằng, người Tàu sang đây lập mồ mả để… yểm bùa, nên họ không dám đào phá, xâm phạm.

clip_image002

Ngoài ngôi “mộ Tàu” như một quả đồi, còn có 2 ngôi mộ đặc biệt nữa, chứa xác ướp. Năm 1959, dưới chân Đống Dom, dân làng đã đào trúng một ngôi mộ trong quan ngoài quách. Phá mộ, thấy trong quan tài còn nguyên xác người, tóc phủ chấm vai, râu dài đến ngực. Bộ quần áo, mũ mão của một vị quan nào đấy còn nguyên vẹn.

clip_image004

Giữa cái nóng mùa hạ như nung của những ngày tháng 7, ông cùng các nhà khảo cổ và mấy chục dân công trần lưng đào bới. Từng ấy người, phải đào phá, vác đất suốt một tháng trời ròng rã, ngôi mộ Hán ở huyện Nam Sách mới lộ thiên. Chính mắt ông chứng kiến một tòa lâu đài nguyên vẹn từ trong lòng đất hiện ra.

Người ta thi nhau tranh cãi, đoán già đoán non. Người bảo, đó là một ngôi đền trong lòng đất, người khẳng định đó là cung điện bị lấp đi. Thời kỳ đó, người dân còn ở nhà gianh, vách đất, chứ làm gì đã có nhà xây bằng gạch rộng rãi như thế. Tuy nhiên, ông biết rõ nó là ngôi mộ Hán, xuất hiện vào thời kỳ Bắc thuộc.

clip_image006

Ông đào xới chữ nghĩa về ngôi cổ mộ Hạ Hoàn…

Ngôi mộ được xây bằng gạch cổ, nên được gọi là mộ gạch, hay mộ vòm với 3 vòm cuốn, mỗi vòm cao gần 3m, tức gần bằng trần nhà, người ngựa có thể đi lại thoải mái bên trong. Họ lắp ghép những viên gạch hình múi bưởi, được phết chất kết dính đặc biệt, thành những vòm cong như kiến trúc cổ Hy-La dài dằng dặc, sâu hun hút như những đường hầm. Một con đường như hành lang nối các đường hầm để đi sang các gian phòng trong hầm mộ.

clip_image007

Trong mộ có nhiều…rất nhiều phòng, phòng lớn nhất của “địa cung” này là nơi đặt xác người chết.

Phòng để áo quan như lăng mộ

Phòng chứa thức ăn, phòng chứa vật dụng, có nguyên một phòng chứa đồ vật chia cho người chết. Tiếp đến là phòng chứa rất nhiều cổ vật, báu vật. Hầu như những kho báu trong những mộ đã bị trộm đào bới, ăn cắp từ cả ngàn năm trước. Những ngôi mộ trải mười mấy thế kỷ, qua nhiều thời kỳ loạn lạc, nên không thể tránh khỏi sự dòm ngó của “mộ tặc”.

Ông nói với tôi hãy tưởng tượng chỉ cuốc, xẻng không thôi, để đắp ngôi mộ cao cả chục thước, rộng hàng ngàn mét vuông, với hàng vạn khối đất, đủ biết tốn kém và khổ công thế nào. Cả ngàn người được huy động để “dời non lấp bể”. Quân lính, dân chúng phải đào không biết bao nhiêu mét khối đất mới lấp kín được ngôi mộ nằm lạc lõng, chơ vơ giữa cánh đồng. Trải 2.000 năm mưa nắng, đến đá cũng mòn, vậy mà, ngôi mộ vẫn còn sừng sững như một quả đồi.

Ông lỳ lịt những chữ là chữ tới tao đọan này, bụng tôi lâm râm ngôi mộ Hán như “lăng tẩm” đây nào khác gì lăng mộ Triệu Văn Đế (Triiệu Muội cháu Triệu Đà, con trai Trọng Thủy) ở Quảng Châu tìm thấy năm 1980 trong một ngọn núi nhỏ cao 49.71m. Ngôi mộ bao gồm 7 phòng, trần cao 2 mét 8. Những phòng là nơi tàng trữ các loại khí dụng và châu báu, rất nhiều đồ tuỳ táng đâu khác ngôi mộ ở HảI Dương.

Chính tay ông Hoành nhặt được viên gạch cuối cùng, có một số chữ Hán cổ. Ông dịch được mấy chữ: “Vĩnh Kiến tứ niên thất nguyệt”. Điều này có nghĩa, ngôi mộ được dựng vào năm 129 sau Công nguyên, tức là cách nay gần 1.900 năm. Riêng 3 chữ còn lại, là loại chữ rất cổ, đã thất truyền, không đọc được. Ông đã nhờ các giáo sư về chữ Hán cổ ở Hà Nội, song đều chịu thua. Sau ông gửi sang Bắc Kinh, và nhận được câu trả lời. 3 chữ cổ là: “Hạ Hoàn”, tên của một người. Nhưng ông Hạ Hoàn là ai, vẫn là bí ẩn chờ khám phá. Theo ông, hiện tại, ở Hải Dương, dưới lòng đất vẫn còn hàng chục ngôi mộ Hán kiểu mộ của ông Hạ Hoàn.

Đến tao đọan này đây, tôi trộm thấy có gì không ổn với chuyện chữ nghĩa…Vì gửi đi 3 chữ, gửi về chỉ còn 2 chữ…Hạ Hòan. Tôi nghĩ vội dám còn thiếu chữ Phí của ông quan họ Phí nào đấy thời Lục triều, đời Tống (xem tr 7). Các quan họ Phí qua An Nam có quan nhỏ, quan to vì vậy có mộ nhỏ, mộ to. Với chữ “Phí”…cổ, chiết tự theo cổ tự như Giáp Cốt văn (mai rùa) cũng nhiêu khê lắm với bộ “phất” và bộ “bối” (xem tr 6).

“Mộ Hạ Hòang” hàng xóm láng tỏi với mộ họ Phí tôi ở Hải Dương ngay dưới đây…

Bỗng dưng không đâu ông hỏi tôi thích nhất gì ở đây. Tôi lụi đụi hồi năm, sáu tuổi theo bà dì nuôi tôi từ Đông Triều ra Hải Dương buôn hàng xén. Ngày ấy tôi chỉ thích bánh đậu xanh, bánh khảo. Lớn lên nghe nói ở Đông Triều, Hải Dương có món chả rươi với thì là, vỏ quýt sắt nhỏ. Thế là ông thân mật vỗ vai tôi nói trưa rồi, đi ăn cái gì chăng? Leo lên xe, tôi ngớ ra xe ông là Toyta Camry đời mới, bèn trộm nghĩ đào…mồ, đào mả như ông khẩm địa gớm. Ông lái xe tới Tứ Kỳ là tỉnh địa đầu của Hải Dương.

Vừa ăn ông vừa khẽ khọt về ngôi mộ Hán ở huyện Kim Thành

Ông đắng đãi ngôi mộ ở đây lớn hơn những ngôi mộ đã khai quật ở nơi khác. Nhưng ông không tiết lộ, vì nếu bọn “mộ tặc” biết, chúng sẽ đào bới tan tành kiếm cổ vật. Tuy nhiên, tôi nhiều lần gặng hỏi ngôi mộ đó ở đâu? Lạ một nhẽ ông cứ lấp la lấp lửng. Ông bảo: “Với trình độ kỹ thuật nước ta hiện chưa đủ sức, nên cứ để lăng mộ nằm yên dưới lòng đất, sau này con cháu chúng ta, với phương tiện tối tân mới, nguồn lực tài chính dồi dào sẽ khai quật nghiên cứu”.

Tôi nghe chối tai sao ấy. Vì ông nói vài lần, ông tìm về Kim Thành, đến từng xã để dò hỏi, xem xã nào có gò đất cao không? Song chỉ nhận được những cái lắc đầu. Nhưng sau nhiều năm tháng “đào mồ cuốc mả”, ông tin rằng, vùng đất Hải Dương đúng là một “nghĩa địa mổ cổ” còn ẩn chứa những ngôi mộ niên đại vô cùng sớm. Trong một tài liệu công bố về ngành khảo cổ học, sau khi “kể công” hàng loạt cuộc khai quật quan trọng, đặc biệt là cuộc khai quật ngôi mộ Hán rộng cả ngàn mét vuông ở thôn Vũ Xá, huyện Nam Sách, ông viết: “Đây không phải là ngôi mộ lớn nhất thời Bắc thuộc, tại Kim Thành còn có những ngôi mộ lớn hơn ở Nam Sách”.

Đến trần ai khoai củ này tôi nghĩ giữa cánh đồng có gò đất to đùng thì ông phải trông thấy chứ!? Vừa lúc ông góp nhóp cách đây hơn chục năm, trong một lần đi thực tế về một ngôi chùa để đọc bia đá chữ Hán thời Trần, ông thấy có một gò đất cao, vượt lên khỏi ngọn tre. Nhìn gò đất, ông đã nghĩ ngay đến ở dưới có ngôi mộ Hán. Ông đã vạch cỏ trèo lên “ngọn núi” này.

clip_image009

Ông lẳng lặng thuê thanh niên trong làng đào thám sát thừ xem từ phía đỉnh gò xuống, ông phát hiện dưới gò đất có một ngôi mộ Hán rất lớn, có tới 4 vòm cuốn.

Ông đưa tôi xem tấm ảnh chụp mang theo.

Ngôi mộ 4 vòng cuốn

Như vậy, theo kinh nghiệm của ông, nó sẽ lớn gấp rưỡi ngôi cổ mộ Hạ Hoàn. Đang đào nửa chừng theo đường đi 4 vòng cuốn dẫn tới đâu thì có lệnh cấp trên từ Hà Nội bắt ngừng lại, không một lời giải thích. Rồi cấp trên cho người lấp lại ngay tức khắc.

Mãi sau này khi ông về hưu, ông cắp nắp đúng ra ông bị…cách chức. Vì không còn nghiên cứu đào bới mồ mả nữa, ông quên chuyện này luôn. Nghe vậy tôi sốt ruột, muốn biết ngôi mộ cổ lớn nhất hiện đang ở huyện Kim Thành. Vì vậy tôi cáo lỗi, lấy cớ phải về sớm đi thăm bà dì ở Đông Triều.

***

Ông vừa đi khuất, tôi móc cái cùi bắp kêu xe ôm. Đồng thời tôi gọi cụ Phí Văn Đông là “thầy” của cô họ Phí ở Lào Cai. Cụ chỉ cho “lái xe” lái về xã Liên Hòa là xã xa nhất của huyện Kim Thành, giáp với…Hải Phòng. Tôi nghĩ gì mà xa quá mạng. Nhưng theo chỉ dẫn của cụ, đến xã Liên Hòa, dòm thấy cái gò đất cao nằm giữa cánh đồng nên cũng chắc dạ. Vừa lúc bụng dạ lủng củng, lại thèm thuốc lá, mò vào bụi rậm. Đang loay hoay vừa tháo nước, nhả khói vừa suy nghĩ gặp “thầy” cô họ Phí xưng hô sao cho phải phép vì cụ hơn tôi gần 20 tuổi. Thì cụ Phí Văn Đông lụm cụm đi tới.

Gặp tôi, cụ cười cười hỏi ngay sao…biết nhiều vậy? Tôi ngay tình ông họ Tăng vừa đãi tôi chầu chả rươi ở Tứ Kỳ. Ông còn vẽ chuyện cái gò đất có ngôi mộ cổ quanh đây. Cụ cười hóm bảo chắc ông họ Tăng trông tướng tôi có tạng…khảo cổ như mấy ông ngồi ở Viện khảo cổ Hà Nội nên ông ấy…”kết” tôi đấy thôi.

Tôi hỏi cụ gò đất như…ngọn núi mà ông họ Tăng huếch với tôi. Cụ bảo: “Từ hồi bé nghe các cụ gọi là Đống Cao. Hồi đánh Pháp, mấy cụ trong làng đào hầm trên Đống Cao để trú ẩn, thấy nhiều gạch lắm, xếp vòm như cái hang, giống cái cống bắc qua mương nước”. Cụ rị mọ thêm: “Năm 2004, tôi thấy rất nhiều người kéo đến đào Đống Cao. Họ không cho ai vào xem. Chúng tôi không hiểu họ đào bới cái đống này làm gì. Khi họ kéo đi, chúng tôi tìm vào thấy lộ rõ cái đường hầm lộ ra ngoài”.

Tôi giục giặc nếu đây là “cung điện dưới lòng đất”, là lăng mộ cổ, ắt có gạch thời ấy, bèn bới đất nhặt được mẩu gạch…có hoa văn?! Như cụ Đông dậy, tôi có tạng khảo cổ vậy đó, nhưng như ông Võ Phiến, tôi chỉ là kẻ đi khảo chơi, chỉ mang theo chiếc lưỡi giấu trong mồm, nhưng…ngọng.

Nhòm tôi mặt đực ra như như ngỗng đực, cụ nói nếu tôi muốn hỏi về mồ mả. Thì cứ hỏi cụ Phí Quang Đoán ở làng Phí Xá gần đây, cụ ta có nguyên một nghĩa địa cổ lão và cũng là tộc trưởng của họ Phí tại làng ấy.

***

Phí gia trang

Ngôi nhà cụ Phí Quang Đoán nằm chìm nghỉm giữa rặng cây cối rậm rạp, nhưng thanh tịnh. Cụ Đoán làm nghề thầy lang, thầy địa lý, nghề nhà do tổ tiên họ Phí truyền lại từ bên Tàu, thời Bắc Tống (xem tr 6). Như trên tôi hòm hõm, vì theo ngành kiến trúc, nên tôi cũng chắt bóp chút ít về cụ Tả Ao. Nhờ đang xây nhà cho bố mẹ vợ, có ông Tàu bán thịt bò khô cầm kéo khua lách cách đi ngang qua truyền lại cho.

Vì là thầy địa lý chân truyền nên cụ Đoán dàng dênh đâu ra đó hơn Tả Ao tôi…

Mặc dù trải hơn chục ngàn năm, con cháu cụ Phí Yêm vẫn bám đất này hương khói cho tổ tiên. Theo già làng, khi sang đây làm quan lớn, cụ chọn mảnh đất cách biển không xa, cụ cho dựng làng Phí Xá và nghĩa địa cho dòng họ. Cụ lấy mảnh đất bao bọc sông Cầu Vàng và sông Cầu Đồng rộng hàng chục ngàn mẫu để canh tác, lập trang trại gần ngàn người đều mang họ Phí, nên cụ đổi tên thành Phí gia trang.

Cụ mất vào cuối thế kỷ thứ 5 ở Phí gia trang. Dân trong vùng nhớ ơn cụ là người khai hoang vùng đất này, nên lập miếu thờ cụ là phúc thần, thần hoàng làng. Năm 1946, bom đạn phá hủy sạch đình miếu thờ cụ. Tương truyền, ở khỏang đất tách biệt với Phí gia trang, con cái cụ đã xây dựng cho cụ một ngôi mộ lớn, ngôi mộ là gò đất được đắp to như ngọn đồi nhỏ, đứng xa vài trăm thước thấy rõ mồn một.

Từ cụ vừa mới cho hay “con cái cụ dựng cho cụ một ngôi mộ lớn, đắp to như ngọn đồi nhỏ”…Chợt nhớ cụ Đông nói nếu muốn hỏi về mồ mả cứ hỏi cụ Đoán. Chả cần hỏi, tôi một tấc tận giời với cụ, tôi như…Christopher Columbus tìm ra quần đảo Bahamas ở Mỹ châu. Tôi có linh tính…tìm ra mộ cụ Phí Yêm không phải mộ 3, 4 vòm quèn như ông họ Tăng đào xới. Vì cụ Phí Yêm làm quan to với chức thứ sử thời Lục Triều, là người đứng đầu Giao Châu đô họ phủ, nào khác gì Thái thú Tích Quang, Nhâm Diên. Thế nên mộ cụ Phí Yêm có thể là ngôi mộ 5, 6 vòm như kim cổ kỳ quan với đường ngang, ngõ dọc như lăng mộ Triệu Văn Đế ở Quảng Châu.

Cụ lắc lắc cái đầu, rồi…gật đầu tắp lự về nghĩa địa ở Phí gia trang…

Cách đây một, hai thế kỷ, vì vật đổi sao rời, cả khu nghĩa địa bị đào bới, đất đai bị thu hẹp lại. Nhìn theo hướng chỉ tay của cụ, cách dăm thửa ruộng, tôi dòm dỏ nghĩa địa mồ mả đỏ choe choét. Mặc dù chỉ dăm thửa ruộng, song tôi và cụ Đoán phải đi lòng vòng cả cây số men theo bờ ruộng mới tới nghĩa địa của tổ tiên họ Phí. Nhìn những ngôi mộ mới, cụ khẽ khàng: “Nhiều đời sau, họ Phí ở Phí gia trang đều sinh ra, rồi chết cũng được chôn tại đây. Thế nhưng, bởi nhiễu nhương nào đó, khu mộ tổ tiên gần như không còn nữa, vì người dân quanh vùng chôn người chết, cải táng người thân của họ trên nóc mộ tổ tiên nhà mình, mà không làm gì được”.

Trên đường trở lại chỗ bác xe ôm đợi. Đứng nhìn mông lung, cụ bảo Phí gia trang rộng cả ngàn mẫu, gồm 3 huyện, giờ chỉ còn lại ngôi làng mang tên Phí Xá. Tôi không biết từ đây tới đó bao xa, chỉ lay lắt thấy làng nhỏ bé như hồ cá Koi bé con con của tôi ở Thạch trúc gia trang. Bên cạnh làng Phí Xá, u lên một ụ đất như hòn non bộ. Thò tay vào túi tính móc cái cùi bắp, cụ Đòan giữ tay tôi lại. Cụ nhìn tôi vắng xa, xa vắng

Trời đất mang mang, tôi xuôi dòng lịch sử với dòng họ sóng lớp phế hưng coi đã rộn, chuông hồi kim cổ lắng càng mau. Như họ Trần ở Đông Triều, Hải Dương, ông tổ Trần Lý di về đất Tức Mặc (Nam Định) sau lập nên cơ ngơi họ Trần ở đây. Ngược lại, họ Mạc vì sa cơ lỡ vận ngược lên Cao Bằng, phải đổi họ, phân tán tới tận Quảng Nam. Cái tật đánh chết cũng không chừa của tôi là khoe chữ, tôi khoe với cụ: họ Lý cũng vậy, khi nhà Trần lên ngôi, người họ Lý phiêu bạt khắp nơi, thay tên đổi họ để tránh bị diệt vong (Trần Thủ Độ đã đào hâm đánh lừa giết cả ngàn người họ Lý ở thôn Thái Đường, Bắc Ninh. Vì vậy Lý Long Tường phải phiêu dạt qua Cao Ly). Họ Lý đổi họ trong đó có một số đổi qua họ Phí, vì họ Phí hiếm và ít ai biết. Với chữ nghĩa, lý giải việc đổi sang họ Phí, các cụ họ Lý chiết tự: Chữ “Phí” có bộ “phất” và bộ “bối”. Bộ “phất” còn là một bộ trong chữ “Phật”, ý nói triều Lý lấy Phật giáo làm quốc giáo. Âm “i” trong chữ Phí ngầm hiểu cùng vần với âm “y” trong chữ Lý để nhắc con cháu nhớ đến họ của mình.

Ngòai họ Lý còn có họ Bùi đổ ra họ Phí, theo Đại Việt sử ký toàn thư: Bùi Mộc Đạc là danh thần đời nhà Trần, vốn tên thật Phí Mộc Lạc, nhưng vì vua Trần Nhân Tông cho là Mộc Lạc là tên xấu, mang điềm chẳng lành (“mộc lạc” tiếng Hán là cây đổ, cây rụng) nên vua đổi tên thành Bùi Mộc Đạc nghĩa “mộc đạc” là…cái mõ đánh vang.

Tôi dẫu chuyện với cụ, ngược lại họ Phi cũng đổi họ vì…lý do không đâu với một mảnh tình riêng ta với ta, vì ngươi ta cứ nghĩ ta là…Tàu. Theo Lược sử gia phả họ Phí, trang 4: Nửa thế kỷ qua có người đổi họ Phí ra Phi. Bởi thế năm thỉnh mười thỏang có người vạy vọ tôi họ Phí (có dấu sắc) hay Phi. Tôi dều người ra với họ vì “phí” theo âm phổ thông Quan Thọai là “fèi”, phí là…chi tiêu quá đáng (vì…bia bọt như tôi). Tu chùa chẳng bằng tu nhà, ăn ở thật thà mới là…tu bia, tôi tu hú với cụ: Họ tôi có ông bác khó tính nhất họ. Một ngày ông con thưa với bố muốn lấy vợ. Ông bác tôi rấm rẳn hỏi họ gì? Ông con thật thà như đếm thưa họ…Phạm. Thế là ông bác tôi quay ngoắt đi.

Trở lại họ hàng hang hốc nay đây mai đó, tôi ngược dòng sử Việt: năm 948, người họ Phí vì sinh kế về làng Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Các nhà khảo cổ tìm được 21 bản bia đá, trong đó có nhiều văn bia do người họ Phí viết, bản dịch được đóng dấu của viện Hán Nôm. Đây là chi họ đầu tiên, duy nhất trong 94 chi họ Phí đã có mặt tại đây trước thời nhà Lý. Nghe rồi, làm như gần mực thì đen, gần đèn thi…lu như tôi, cụ lu bu: “Chả biết có ai gánh phân không? Bác gì ấy nhể”.

Với họ Phí, tôi đau chân há miệng…

Dựa vào Lược sử gia phả họ Phí thì họ Phí xuất phát từ thời cổ đại bên Tàu (theo Hoa Hạ bách gia tính thám nguyên họ Phí lạ và hiếm) rồi du nhập vào Giao Chỉ qua các tầng quan lại, đạo sĩ Lão giáo, thầy lang, thầy địa lý từ phương Bắc xuống.

Họ Phí là họ đứng hàng thứ 65 trong Bách tính gia ở Tàu. Theo niên kỷ ghi tron sử sách: Thời nhà Tống năm 994, Đai Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên trong phần Bản Kỷ chép: “Vua Lê Đại Hành sai nha hiệu là Phí Sùng Đức sang nhà Tống đáp lễ”. Cũng theo Đai Việt sử ký toàn thư chép: “Năm 1009, Phí Xa Lỗi phụ chính Lý Công Uẩn, thế rồi cùng nhau dìu Lý Công Uẩn lên chính điện, lập làm thiên tử, lên ngôi hoàng đế. Một ngày sau, vua phong Phí Xa Lỗi làm Tả kim ngô (quan võ).

Được thể tôi lấy ngắn nuôi dài: Thàng em tôi đi lính, mãn khóa quân trường trình diện ông đơn vị trưởng. Ông hỏi thằng em có…“quen biết” với ông Phí Vỹ không? Thằng em tôi ớ ra và ngay tình (như tôi vậy) trả lời không. Ông đơn vị trưởng cười cười và nói thằng em thật thà: Vì Phí Vỹ là thừa tướng nước Thục thời Tam Quốc. Sau này mụ chữ tôi rị mọ thêm: Theo sách Thái Bình vũ ký:: Người nước Thục Phí Vỹ tu thành tiên, thường cưỡi hạc và nghỉ ngơi ở căn lầu trên ngọn đồi nhỏ ở Vũ Xương, cạnh sông Trường Giang nên đặt tên là Hòang Hạc Lâu nên mới có Thôi Hiệu, cụ núi Tản sông Đà mới có câu thơ Cái hạc bay lên vút tận trời – Trời đất từ nay xa cách mãi. (Tống biệt)

Quay quả với Dư địa chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí chép năm 456, vua Bắc Tống cử ông Phí Yêm sang Giao Châu làm thứ sử, vào đời Lục triều, giữa thế kỷ thứ V, khỏang thời Tống Hiếu Vũ Đế (456-465). Ông Phí Yêm cai quản vùng đất này đến năm 465, vừa lúc nhà Bắc Tống mất, ông lui về ở ẩn. Trong vòng 9 năm làm quan, ông chiêu mộ họ hàng họ Phí từ bên Tàu qua khai hoang lập ấp. Khi về hưu sớm, ông gây dựng huyện Phí Gia (đời Hồng Đức 1470) bao gồm huyện Kim Thành và một phần huyện Kiến Thụy, huyện An Lão và một phần thành phố Hải Phòng. Ông lập ra Phí gia trang để an dưỡng tuổi già rộng lớn ở cửa sông Kim Môn.

Huyện Phí Gia có tên từ năm 939-1009, đến đời Trần, Hồ 1009-1441 vẫn gọi như thế. Qua đời Minh 1441-1428 họ đổi tên là huyện Cổ Phí, để ghi dấu vùng đất do người họ Phí lập ra. Đến đời Lê trung hưng mới gọi là huyện Kim Thành cho đến ngày nay. Dòng họ Phí phát tích từ đây, đa số người họ Phí sinh sống ở Đông Quan, Thái Bình và Đan Phượng, Hà Đông (Phí Ích Ngiễm, tức Dương Ngiễm Mậu).

Gia dĩ năm 2014, tôi vần câu như vần cơm, lùi chữ như lùi khoai sách “Họ Phí xưa và nay”. Ngày ấy, tôi không kịp ghi chuyện con gái họ Phi làm dâu người ta khắp nơi Sơn Tây, Phú Thọ, v…v…tới tận cưc bắc, Bắc Việt là Lào Cai, là cô con gái cụ Đông. Nhưng trong sách Họ Phí xưa và nay dầy khỏang 200 trang, tôi đong chữ như đong thóc một dâu họ Phi nữa từ thời khai quốc. Sử chép Lý Bí (3) (503-548) đánh đuổi quan quân nhà Lương, năm 544 xưng đế lấy hiệu là Lý Nam Ðế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lập kinh đô ở Long Biên. Vua cho xây chùa Khai Quốc tại đây, sau vì lụt lội, dời về Tây Hồ và đổi tên là Trấn Quốc. Mẹ của Lý Bí được lập miếu thờ ở xã Tử Đường, huyện Thụy Anh. Người dân Thái Bình thờ bà không phải cứ mẹ vua là được thờ phụng. Cũng không phải bà là dâu họ Lý. Mà vì bà…họ Phí.

Nghe vào tai chui ra miệng, cụ lụng bụng:

– Nghe cụ Đông nói bác cũng họ Phí hử?

Rồi thở ra:

– Bác lại làm khảo văn, khảo sử nữa!

Và thở ra như tiếng thở dài:

– Dào! Giời ạ, bác làm gì mà rồ thế!

 

Thạch trúc gia trang

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Chú Thích:

(1) Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích người Kiến Xương, Thái Bình, khi làm án sát Sơn Tây đã hợp tác với tướng giặc cờ đen Lưu Vĩnh Phúc đưa quân về Cầu Giấy phục kích giết chết Thiếu tá Hải quân Francis Garnier ngày 21-2-1883.

(2) Nguyễn Mộng Kiến cũng người Kiến Xương, Thái Bình. Ông đỗ giám sinh, tiếp đỗ khoa Hoàng Tử (tức ân khoa). Năm 1870, khi làm án sát Sơn Tây, ông hợp tác với giặc cờ đen đánh tan giặc cờ vàng của Hoàng Sùng Anh ở thành Sơn Tây.

(3) Thời Bắc thuộc, Lý Bí, Trần Lãm người Thái Bình, hay Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh đều là con cháu của quan lại người phương Bắc, vì hòan cảnh lịch sử và địa chí chống lại thiên triều để tách ra lập quốc…

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search