T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 203)

clip_image002

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

(…của hai ông bà già)

Tôi kể bà nghe…
Ngày xưa chúng mình tìm hiểu nhau đứng đắn, đàng hoàng,
Bây giờ nứt mắt ra, học cấp ba đã học đòi yêu đương dấm dúi,
Điện thoại tân thời, áo quần cũn cỡn, xe số xe ga…chúng nó đưa nhau vào bờ, vào bụi…
Chẳng ra cái thể thống gì!

Khôn văn tế, dại văn bia

Văn tế là văn đọc cúng tế người chết, hay hoặc dở sau khi đọc xong thì đốt bỏ đi ngay. Còn văn bia là bản văn ngắn gọn, ít lời nhiều ý, để khắc vào bia đá. Bản văn bia nếu không hay sẽ còn lưu truyền mãi mãi.

Vì vậy người ta chỉ nhận viết văn tế chứ không viết văn bia.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

 

Văn hóa cà phê (2)

Givral

 Chúng tôi bước vào nhà hàng với một vẻ lạ lẫm. Những chiếc bàn ghế mới toanh, những bộ salon kê hai bên góc khá đẹp. Tất cả đều mang dáng vẻ sang trọng như bất cứ một nhà hàng cà phê, điểm tâm “có hạng” nào ở những thành phố lớn. Khoảng 9g sáng, khách đã chiếm hết số bàn trong tiệm. Số còn lại ngồi rải rác quanh chiếc comptoir hình móng ngựa. Những người hoàn toàn xa lạ ngồi riêng biệt, chẳng ai nhìn ai. Cái không khí ấy khiến tôi không thể quên những ngày xưa. Tuy ngồi khác bàn nhưng vẫn có thể biết xung quanh mình có những ai.

Bàn bên kia là bốn năm anh ký giả chuyên làm tin hành lang Quốc Hội, bàn góc trái là mấy ông dân biểu Hạ Nghị Viện thời Đệ Nhị Cộng Hòa đang say sưa bàn về  những “ý kiến” đã và đang chuẩn bị lên diễn đàn. Bàn giữa nhà là mấy “dân chơi” quen mặt, có lẽ ngồi đợi người đẹp… Thỉnh thoảng một cái gật đầu, một cái vẫy tay, một ánh mắt thân thiện. Sự gần gụi, ấy chính là cái linh hồn của Gival trước 1975. Bây giờ không tìm lại được nữa.

 (Văn Quang – “Văn hóa không tên” của Sài Gòn xưa)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

Khoa cử ngày xưa

– Lệ khoa cử ngày xưa:

– Thi Hương, đậu thứ là Tú tài, đậu về bình, ưu và là Cử nhân.

– Đậu cử nhân mới được thi Hội.

– Thi Hội đậu trúng cách mới vào thi Đình,.

Thi Đình cấp bậc trúng cử chia ra như sau:

– Đệ nhất giáp tiến sĩ: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.

– Đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ: Hoàng giáp.

– Đệ tam giáp đồng tiến sĩ: Tiến sĩ.

– Phó bảng, gọi tắt là ông Bảng.

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Giai thoại làng nho 1963)

 

Câu đối Tết

Tiệc là vui, ăn là vui, vui trước vui sau, vui láo nháo

Trên cũng chó, dưới cũng chó, chó to chó nhỏ, chó lông loàn

 

Nhận xét tản mạn về Tchekov

Nghệ thuật viết, nói cho đúng ra, không phải ở chỗ viết như thế nào, mà là nghệ thuật vứt bớt đi những gì dở, kém như thế nào. Theo tôi (Tchekov), viết truyện ngắn, cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và kết luận. Với cách viết văn xuôi chúng ta, lôi thôi nhất là vấn đề thời gian.

(Sổ tay truyện ngắn – Vương Trí Nhàn)

 

Chữ nghĩa làng…nhậu: Rượu Tây

Cognac

Người Pháp gọi là Cognac, người Mỹ kêu là Brandy chỉ là một loại rượu mạnh, giống như Whisky, Vodka, Tequilla.

Whisky, Vodka làm bằng ngũ cốc, còn Cognac tức Brandy làm bằng nho. Nho làm thành vang trắng trước, rồi cất lần nữa thành rượu mạnh.

Rượu mạnh ở vùng Cognac được gọi là Cognac. (nho ở Cognac hầu hết là nho trắng)

(Nguồn: Lê Văn – Nhật Vy)

 

Khôn sống mống chết

Mống: dại đột, ngu si (từ Việt cổ)

Ở đời có người khôn kẻ dại và sống đây có nghĩa là sống

sung sướng. Chết ở đây hiểu là sống khổ cực, nhục nhã.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

 

Ca dao (3)

Đề cập đến văn chương, chúng ta không thể nào bỏ qua nền thi ca bình dân mà ca dao là một trong những thể loại quen thuộc nầy. Từ lâu, ca dao đã đi vào lòng dân tộc về những nét bông đùa, hóm hinh, dí dỏm trong kho tàng văn chương bình dân tiếng Việt.  Như trong tình trường, có người tán gái hơi ngộ nghĩnh:

Ngó lên mây trắng trời xanh,

Thương ai cũng vậy, thương anh cho rồi.

Đối với những anh chàng dại gái, ca dao trào phúng châm biếm:

Tiếc công khổ cực nuôi cu,

Cu ăn, cu lớn, cu gù, cu đi,

(Lê Thương – Ca dao trào phúng)

 

Trướng liễn

Khi Khải Định băng hà (1925), có trướng liễn phúng điếu của Duy Tân (lúc đó đang bị đi đày ở đảo Réunion):

Ông vội bỏ đi đâu, bỏ bạc, bỏ tiền, bỏ con, bỏ hát bội, bỏ hết trần duyên trong một lúc

Tôi nay còn lại đó, còn trời, còn đất, còn non, còn anh hùng, còn nhiều vận hội giữa năm châu.

 

Ngựa đá qua sông

Vĩnh Lại quê hương cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một vùng trọng khoa cử. Nhưng học thì nhiều mà đỗ đạt chẳng mấy ai làm nên những sự nghiệp lớn lao. Có thể xem vùng đất này:
Tuấn kiệt như sao buổi sớm
Nhân tài như lá mùa thu
(Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi)

Dân miền Vĩnh Lại ấm ức vô cùng, họ tìm đến hỏi trạng cho ra nhẽ, song trạng không trả lời gì khác hơn ngoài câu: Thiên cơ bất khả lậu! Dân chúng thầm bất mãn, cho rằng trạng thâm hiểm, nhỏ mọn, biết mà không nói để bản thân riêng hưởng. Nghe chuyện ấy, trạng rất phiền lòng và bỏ qua. Sau đó, trạng bèn làm một con ngựa, trạng còn cho thợ khắc hai câu thơ bằng chữ nho:
Hà thời thạch mã độ giang
Thử thời Vĩnh Lại nghinh ngang công hầu.
(Bao giờ ngựa đá sang sông, thì dân Vĩnh Lại quận công cả làng).

Kể từ đó, họ cứ mong ngóng, nhưng có người lại cho rằng trạng nói thế chỉ để trấn an dân làng, chứ làm gì có chuyện ngựa đá biết đi, nói chi đến việc lội sang sông được mà hòng những chức như quận công, đô đốc. Giữa lúc ấy, cuộc chiến giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn. Tây Sơn thắng trận, rồi thừa thắng đem binh ra diệt chúa Trịnh, trả quyền cho nhà Lê. Nhưng sau khi Hiển Tông mất, Chiêu Thống lên ngôi, họ Trịnh lại trở về. Vua Lê phải triệu Hữu Chỉnh ở Nghệ An ra giúp. Chỉnh đem binh ra đánh đuổi và dẹp chúa Trịnh. Nhưng sau đó ra mặt chống với Tây Sơn, Nguyễn Huệ thấy vậy, sai Nhậm đánh Chỉnh. Chỉnh đem vua Lê chạy trốn. Nửa đường Chỉnh bị Nhậm bắt, vua thì thoát nhưng phải giả dạng thường dân qua sông Vĩnh Lại và ở lại làng này.

Việc vua đến ngụ cư, lại thêm chuyện “ngựa đá qua sông” dân làng cho rằng đây là ý trời để làng Vĩnh Lại được oai danh hiển hách, mới chiêu mộ quân sĩ để chống Tây Sơn. Sẵn có ấn tín của vua, hết người này đến người khác bức vua phong tước. Vua Lê Chiêu Thống đành nghe theo, vậy là chỉ trong mấy ngày dân Vĩnh Lại đều thành quan này, quan nọ cả.
***

Cảm hứng từ truyện trên, lấy bối cảnh là Bình Định với sông Trà Khúc, nhà văn Nguyễn Mộng Giác quê Bình Định với Nguyễn Huệ viết truyện: Ngựa đá sang sông.

 

Mè: vừng

(mặt rỗ hoa mẹ kẹo mè)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Anh em cột chèo (cọc chèo)

Ở trên đời này, các mối dây cột buộc là phải buộc cho chắc thì mới có tác dụng. Duy chỉ có dây buộc nơi cái cọc chèo thì phải buộc lỏng lẻo thì mới có tác dụng. Mái chèo buộc lắc qua lắc lại, ngoáy chèo, khua chèo quậy nước và muốn lấy ra hay lắp vào cũng rất dễ dàng.
Ý chỉ: Anh em rể, là anh em, nhưng ràng buộc ấy lỏng lẻo.

 

Truyện chớp: Thổi sáo

Từ đó về sau, mỗi lần làm tình với chồng, Mỵ Nương lại nhớ tiếng sáo của Trương Chi.

 

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Để tang con

Tang phục là thể hiện tình nghĩa, có phân biệt thân sơ “Họ đương 3 tháng, láng giềng 3 ngày”, thể hiện lòng thương xót giữa kẻ mất người còn. Vì thế, chẳng những thân thích mà người ngoài đến phúng viếng cũng nên đeo băng tang.

Theo “Thọ mai gia lễ” thì chẳng những cha mẹ để tang con mà ông bà và cụ kỵ cũng để tang hàng cháu, hàng chắt.

“Thọ mai gia lễ” quy định như vậy nhưng một số địa phương quan niệm “Phụ bất bái tử” (cha không lạy con), Con chết trước cha mẹ là nghịch cảnh, là bất hiếu, con chưa kịp báo hiếu cha mẹ đã chốn nợ đời, chẳng những cha mẹ không để tang con mà khi khâm liệm con còn phải quấn trên đầu tử thi một vòng khăn trắng. Nếu là đàn bà mà tứ thân phụ mẫu còn cả thì phải quấn đến hai vòng, có nghĩa là ở dưới cõi âm cũng để tang báo hiếu sẵn cho cha mẹ đang ở trên dương trần.

 

Nhận xét tản mạn về Tchekov

Truyện của anh quá nhiều chi tiết, tới mức cái nọ chồng chất lên cái kia. Truyện ngắn của anh hay, chỉ hiềm nó dài quá, trong đó có quá nhiều chi tiết vô bổ. Truyện bị phá vỡ bởi đoạn nhân vật chính cãi nhau với vợ, một cuộc cãi nhau không cần thiết. Tôi (Tchekov) hình dung giống như bức tranh vẽ cảnh biển cả êm đềm bỗng có ngọn sóng  quá cao, nó làm cho kích thước bị xô đẩy, ấn tượng bị vụn ra, mất đi sự nhất quán đáng lẽ phải có.

(Sổ tay truyện ngắn – Vương Trí Nhàn)

 

Tín ngưỡng phồn thực (1)

Múa Mo

Múa Mo còn gọi là tiệc múa Mo, cướp bông, cướp gươm và múa bông, múa gươm.

Đây là một loại lễ tục biến thể của tục “cướp Nõn Nường” hay tục “cầu đinh”. Mục đích chính là cầu mong cho làm ăn phát đạt, sinh sôi nẩy nở, một hình thức của tín ngưỡng phồn thực. Người dân làng lấy tre vót thành 4 lớp, nhuộm 4 màu xanh, đỏ, tím, vàng, gọi là “bông”. Gươm cũng được làm bằng tre sơn son. Sau khi tế lễ Thành hoàng xong, bông và gượm được tung ra trước công chúng dự hội, để mọi người trang cướp. Ai cướp được nhiều bông và kiếm, hy vọng năm đó làm ăn tốt và sinh sôi nẩy nở.

Múa mo diễn sau đó, nam và nữ múa chung: nam thì cầm gươm kiếm, nữ thì cầm bông, vừa múa vừa hát theo điệu chầu văn. Những làng thường tổ chức múa mo ở Vĩnh Phú là: làng Bồ Sao, Lý Nhân, Trung Hoà, Chu Hoá, Hà Thạch, Đào Xá, La Phù, Viên Lãm, BảoYên, Đông Viên, Thượng Yên.

 (Hội tết làng xưa – Kiêm Thêm)

Chữ nghĩa với ca dao

 Mù u ba lá mù u

Vợ chồng cãi lộn, con cu giảng hòa

 

Lịch sử giống như sợi dây xích sắt

 Những cuộc khai quật cổ vật ở Đông Sơn trước chiến tranh, quả có rọi ánh sáng vào buổi bình minh của lịch sử dân tộc ta thật đó. Nhưng đó là một thứ ánh sáng mờ ảo, không cho ta thấy rõ cái gì cho lắm, lại còn làm ta bối rối thêm. Ta cần phải nỗ lực nhiều năm nữa, chớ không nên vội vàng nhận người Đông Sơn là tổ tiên của ta, hoặc chối phăng họ là tổ tiên của ta.

Phủ nhận hay nhìn nhận gì cũng phản khoa học cả, nếu ta chỉ bằng lòng với những công trình nghiên cứu của những ông V. Gouloubew, O. Jansé v.v…, họ chỉ mới làm việc có một giai đoạn thôi, chưa xong gì cả.

Theo khoa học lịch sử giống như sợi dây xích sắt, có cái khoen đầu, những khoen giữa và cái khoen chót. Khoen đầu là người Đông Sơn, khoen chót là người Việt Nam ngày nay, vậy cần tìm cho ra những khoen trung gian mới kết luận rằng Lạc Việt = Việt Nam, bởi hai thứ dân đó khác nhau quá xa. Nhưng phủ nhận cũng sai khoa học, vì những khoen trung gian ấy chưa tìm thấy, chứ không phải là chắc chắn không có.

(Bình Nguyên Lộc Lịch sử của dân Lạc Việt)

 

Bỡn nhân tình

Tao ở nhà tao, tao nhớ my,
Nhớ my nên phải bước chân đi.
Không đi my nói rằng không đến,
Đến thì my nói đến làm chi.
Làm chi tao đã làm chi được,
Làm được chớ tao đã làm chi.
(Bỡn tình nhân – Nguyễn công Trứ)

 

Chữ nghĩa làng văn

 Trừ Bùi Giáng, khi nói về Tuệ Sỹ thì có lẽ không ai đủ tư cách, bằng Phạm Công Thiện: “Có sống bên cạnh Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát từ ngày này qua ngày khác, trong những hoàn cảnh khác nhau thì mới may ra cảm nhận đôi chút tác phong thiền sư kín đáo toát ra một cách tự nhiên, một cách vô công dụng hạnh từ đời sống thường nhật và tinh thần diệu nhập của hai vị. Tôi xin gọi hai vị này là thiền sư với tất cả đắn đo thận trọng, với tất cả ý nghĩa cao đẹp và như thực của một danh xưng xung thiên chí.”

 (Tuệ sĩ trên ngõ về im lặng – Tâm Nhiên)

 

Chữ nghĩa làng văn

Thế nào là nhà văn?

Nhà văn là là người cho nhân vật của mình sống là sống ở chương đầu, và chết ở chương cuối.

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search