T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 236)

Chữ nghĩa làng văn

Ở trong nước, trong nhà, sau 1975 không có thứ tự do viết. Cho nên, hình như tác phẩm nào “phạm húy” đều được chú ý, tò mò, để trở thành bán chạy, và nổi tiếng.

Người viết, và cả người đọc bị sống trong không khí thúc bách khác thường. Tưởng như giá trị văn chương là… phản kháng. Đây cũng là điểm hào hứng khiến kẻ viết, người đọc sôi nổi nhất thời.

Tôi cho đó là nền văn chương… ăn vụng.

Hình như người Việt có nhiều khả năng ăn vụng. Đến khi được ăn thật thì… không ăn được nữa. Viết cũng thế!

(Sống để viết – Tường Vũ Anh Thi)

Đi đó hay sờ, đi lờ hay mó

“Đi đó hay sờ, đi lờ hay mó” câu tục ngữ này nói về nghề bắt cá ban đêm đặt đó, đặt lờ thường làm trong đêm tối và phải dùng tay để sờ soạng.

Nghĩa bóng là lâu ngày thành tật, hay sờ mó lăng nhăng.

(Bút Chì – Hiểu đúng thành ngữ, tục ngữ, điển tích)

 Chợ Bến Thành

Chợ được xây năm 1859 mặt tiền hướng về sông Bến Nghé (nay là sông Sài Gòn), và mặt sau hướng về thành Phiên An, còn được gọi là Quy Thành. Nơi có kho bạc, thành lũy, dinh thự của Tổng Trấn Gia Định

Vì vậy dân gian gọi là chợ Bến Thành.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thì tên chợ được ghép bởi hai chữ đầu của hai từ “Bến tầu” và “Thành lũy”.

(Phụng Nghi – Những địa danh của Sài Gòn xưa)

Giai thoại làng văn

Bữa rượu tam đỉnh

Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu rót rượu mời chúng tôi:
“Thứ rượu này có ngâm đan sâm và đương quy, uống đậm giọng mà lại không hại sức khoẻ. Hai ông cứ uống thật say, không rức đầu chóng mặt gì đâu mà ngại.”
Chúng tôi chưa kịp đáp lời, cụ đã lại nói tiếp:
“Để hôm nay, tôi sào nấu lấy các thức ăn, hai ông xem. Tôi làm bếp có phần lại giỏi hơn làm văn… (cười và quay lại gọi gia nhân) Này, anh nhỏ! Anh đặt cái hoả lò nhỏ lên bàn này tôi… Được rồi! Anh đặt luôn cái soong chả dê này lên trên cái hoả lò nhỡ kia, cho thêm tí mỡ vào… Được rồi! Bây giờ anh nhóm lửa cái hoả lò to kia lên để nấu canh, húp cho rã rượu… (cười và quay về chúng tôi ) Kìa! Hai ông sơi rượu tự nhiên đi… Đấy, ăn trên lửa có phải ngon không? (cười to) Một bữa rượu, ba cái hoả lò! Sang thật! Ngày xưa vua chúa dùng ngũ đỉnh, hôm nay ta dùng tam đỉnh, chứ thua gì!

Câu chuyện tâm tình, dần dần chuyển sang địa hạt triết lý. Sau khi thuật lại một vài mẩu đời luân lạc, thi sĩ nói như để kết luận:
“Ở đời, tôi tưởng nên biết thưởng thức mỗi thứ một chút và cốt nhất là phải thưởng thức cho sành, nhất là cái ăn cái uống. Hai ông tính, người ta sống được bao năm? Chẳng tiêu pha cuộc đời cho mãn ý, lúc chết hai tay buông xuôi, hối tiếc cũng bằng thừa. Tuổi xuân của con người mấy lúc mà tàn? Tôi cứ xem như tôi đây vừa dạo nào còn là một thư sinh mà bây giờ đầu đã bạc cả rồi!”

Lời nói chứa đầy một tiếc nhớ mênh mang. Trong cặp mắt mơ mộng của thi sĩ lởn vởn hình bóng xa mù của những năm tháng không bao giờ trở lại nữa… Tự nhiên, tôi thấy bị xâm chiếm bởi những viễn ảnh buồn tênh của tiêu vong. Tiệc rượu lạnh hẳn đi!


***
Bỗng từ dưới đường cái vẳng lên một âm nhạc vô cùng ai oán. Chúng tôi giật mình, mở cửa kính, nghé mình nom xuống.
Một đám ma!

Tiếng kèn trống, tiếng hồ, nhị, tiếng khóc than làm náo động cả hai bên phố xá. Tiết trời cuối đông cũng hình như ngậm một sầu hoài tang tóc… Đám ma đi khỏi, ba chúng tôi lại quay vào bàn rượu, mỗi người băn khoăn theo một xúc cảm riêng. Thi sĩ thở dài nhẹ nhàng:
“Chết thế là hết! Chúng mình rồi cũng chỉ đến thế thôi!”

Rồi cụ vội hâm nóng gian phòng bằng tiếng cười thân thiết:
”Sống ngày nào, ta hẵng nếm hương vị của đời ngày ấy đã. Chăng ăn chẳng uống, lúc chết như người xấu số kia có đem theo được gì đâu? Kìa, mời hai ông sơi rượu đi! Giá ta được một tảng thịt lợn quay vừa mới khiêng qua mà đánh chén thì thú nhỉ! Hai ông! Ta cạn chén!”

(Nguồn: Trương Tửu)

Chữ nghĩa làng văn

Sống và viết ở ngoài nước có khi thiếu cả tiếng cười thầm.

Tuy nhiên, điều cuối cùng vẫn là ý hướng muốn sống và muốn viết. Dù ở hoàn cảnh nào. Đôi khi ở ngoài nước, tôi tự hỏi “Sống để làm gì?” Câu hỏi ấy bám lấy tôi cho đến một hôm bật ra tiếng trả lời: “Sống để viết.” Có lẽ, với tôi, bây giờ là câu tôi vừa ý nhất.

(Sống để viết – Tường Vũ Anh Thi)

Đủng đỉnh như chĩnh trôi sông

Đĩnh: Lọ lớn đựng nước hay rượu.

Nghĩa bóng chỉ những người chậm chạp.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Rượu cần

Miền Bắc

Ở miền Bắc, người miền núi tại Lào Cai nấu rượu với côn trùng như sâu, nhộng, chít. Chít là một loại sâu non sống trên ngọn cây chít như lau, sậy miền Nam. Họ bắt chít về ngâm với rượu.

Tại Bãi Cháy, Quảng Yên vịnh Hạ Long có một loại rượu đặc biệt gọi là rượu ngán. Đây là một loài cùng họ hàng với nghê, sò, ốc, hến nhưng chỉ có ở Quảng Yên mà thôi.

Cũng như rượu chít, hay rượu rắn, họ ngâm với rượu uống để bổ dương.

(Nguồn: Mường Giang)

Chữ nghĩa làng văn

Viết cũng là sống! Sống không xong thì viết cái gì? Ở ngoài nước, bỗng trở thành hoang mang với nỗi buồn bã cô độc của mình. Buông xuôi đời mình, không sống và không viết.

Mặt khác, ở ngoài nước khó viết vì thiếu độc giả. Viết một mình tựa như diễn kịch một mình. Không, hoặc rất ít người xem. Không thể có không khí ấm cúng, sôi nổi trong thế giới văn chương giữa tác giả và độc giả. Mặc nhiên, văn chương dần dần bị xuống cấp, và… thừa thãi vô duyên

(Sống để viết – Tường Vũ Anh Thi)

 Cách tiêu tiền lạ đời

Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã từng nhiều lần làm thơ bộc bạch nỗi gian truân, túng bấn của mình. Trong một bài thơ, ông đã nói về việc khất nợ tiền nhà như sau:
Hôm qua chưa có tiền nhà
Suốt đêm thơ nghĩ chẳng ra câu nào
Đi ra rồi lại đi vào
Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ
Truyện chớp: Mù & điếc

Vừa qua trên đườg phố Hà Nội xảy ra một vụ án nghiêm trọng. Nạn nhân là một người ăn mày bị giật chiếc dây chuyền vàng…bởi một người cụt tay ngồi trên chiếc Honda @ do một người cụt chân đèo.

Bên đường có một người mù…nhìn thấy kể cho một người điếc nghe. Người điếc bảo người câm gọi điện thoại di động cho công an. Đến giờ vẫn chưa bắt được thủ phạm…

Nguyễn Du – Đỗ Phủ

Nguyễn Du cao ngất đại thụ giữa rừng thi ca bạt ngàn của dân tộc, Nguyễn Du kết tinh muối mặn cả đại dương mênh mông đau khổ của nhân loại, Nguyễn Du kẻ sáng thế Truyện Kiều, cái ông Nguyễn Du ấy có lúc đã từng cay đắng nghĩ:

Nhất sinh từ phú tri vô ích

Mãn giá cầm thi đồ tự ngu

(Một đời chuyên về từ phú biết là vô ích,

Sách, đàn đầy giá chỉ tự mình làm ngu mình)

***

Đó là mối “tương liên” giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa thế kỷ này với thế kỷ khác. Đó là những giọt nước mắt con người ứa ra qua những “tam bách dư niên hậu”.

Lại nhớ đến Nguyễn Du. Nguyễn Du viết về Đỗ Phủ:

Dị đại tương liên không sái lệ

(Khác thời đại thương nhau ứa nước mắt)

Đỗ Phủ sinh năm 712 và mất năm 770 ở Trung Hoa. Nguyễn Du sinh năm 1766 và mất năm 1820 ở Việt Nam. Tính theo năm sinh, Nguyễn Du ra đời muộn hơn Đỗ Phủ 1.054 năm. Thế nhưng hai người gần nhau biết mấy. Đêm đêm hồn Nguyễn Du vẫn nằm mộng trong những vần thơ Đỗ Phủ (Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi). Bao nhiêu khoảng cách bỗng bị xoá nhoà.

Cách hàng ngàn năm gặp gỡ, tâm sự vẫn giống nhau

(Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi).

(Nguồn: Thu Tứ)

Lường

Lường: lừa gạt

(Vị xuyên có bác Tú Xương

Quanh năm ăn quỵt chơi lường mà thôi)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Đại công:

Để tang 9 tháng.

Anh chị em con chú con bác ruột để tang cho nhau.

Cha mẹ để tang con dâu thứ hoặc con gái đã lấy chồng.

Chú, bác thím ruột để tang cháu (con gái đã xuất giá, con dâu của anh em ruột).

Cháu dâu để tang ông bà của chồng, chú, bác, thím ruột, hoặc cô ruột của chồng.

Mẹ để tang con dâu thứ và con gái riêng của chồng.

Con gái đã xuất giá để tang bác trai, bác gái, chú thím, cô ruột.

Giai thoại làng văn xóm chữ

Trong dịp đi dạo phố ở kinh đô Thăng Long với bạn, nhân gặp một đám ma đi ngang, người bạn đố Lê Qúy Đôn làm câu đối khóc người không quen.  Lê Qúy Đôn ứng khẩu đọc ngay…
Thấy xe thiên cổ xịch đưa ra, không thân thích lẽ đâu mà khóc mướn ?
Tưởng sự bách niên dừng nghĩ lại, não can tràng cho nên phải thương vay !

Chữ nghĩa làng văn

Thanh minh trong tiết tháng ba, 
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Mấy câu lục bát vừa dẫn được xem là một trong những sáng tạo của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều. Bởi thiên tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Nhân chấp bút bằng văn xuôi chữ Hán trước Nguyễn Du hơn trăm năm chẳng có đoạn trên. Thanh Tâm chỉ phác gọn lỏn: “May sao một ngày trong tiết Thanh minh, con cái họ Vương cùng đi tảo mộ, nhân tiện xem hội đạp thanh.”. Vậy mà Tố Như ngẫu hứng triển khai thành trường đoạn tả cảnh với bao chi tiết sinh động, nên được đông đảo người Việt yêu văn chương lấy làm thích thú và thuộc nằm lòng. Và bấy lâu nay hầu hết mọi người, kể cả các nhà nghiên cứu của nhiều thế hệ – cứ đinh ninh tiết Thanh minh luôn rơi vào tháng ba âm lịch? Thực tế đúng thế chăng?

Phan Kế Bính biên soạn Việt Nam phong tục  đã ghi nhận: “Trong khoảng tháng ba có một tiết hậu gọi là tiết Thanh minh. Thanh minh nghĩa là trời độ ấy mát mẻ quang đãng”.

Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua lễ – Tết – hội hè của Toan Ánh  còn cho biết: “Tiết này thườngbắt đầu trong tháng ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tuỳ từng năm”.

Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh cắt nghĩa từ Thanh minh: “Một tiết ở trong nhị thập tứ khí, tức mùng 5 mùng 6 tháng ba âm lịch”.

Nếu tra cứu và đối chiếu âm lịch với dương lịch, chẳng hạn Lịch vạn niên vẫn được phổ biến rộng rãi ở Trung Hoa lẫn Việt Nam, tất cả thư tịch nêu trên đều thiếu chính xác!

Thanh minh trong tiết tháng ba 
Hoá ra, câu thơ Tố Như không tổng kết một quy luật tự nhiên phổ quát nào như nhiều người vô tình ngộ nhận. Nội dung câu thơ kia chỉ đúng trong bối cảnh nhất định của mạch thơ, mạch truyện.

(Phanxipăng – Thanh minh trong tiết tháng… nào?)

Đơm đó ngọn tre

Đó: Còn gọi là cái đụt, miệng có hom lớn, đặt ở mương nước cho cá chui tọt vào.

Nghĩa bóng chỉ những người không thực tế, làm việc ngược đời.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Văn hoá chửi!

Hôm nay bàn đến văn hoá chửi theo kiểu toán học:
“Tiên sư đứa nào bắt mất con gà nhà bà, gà ở nhà bà con công con phượng, gà về nhà mày thành con cáo con diều hâu.

Bà … bà…bà… U cho con xin chén trà để con chửi tiếp….. bà chửi theo kiểu toán học cho mà nghe nhá…bố mày là A, mẹ mày là B, bà cho vào ngoặc bà khai căn cả họ nhà mày… Bà rủa mày ăn miếng rau mày ói ra miếng thịt, mày tắm trong ao mày chết chìm trong chậu…Bà khai căn cả họ nhà mày, xong rồi bà tích phân n bậc, bà bắt cả hang, cả hốc, ông cụ ông nội, cả tổ tiên nhà mày ra mà đạo hàm n lần.

Ái chà chà…. Mày tưởng nuốt được con gà nhà bà là mày có thể yên ổn mà chơi trò “cộng trừ âm dương” trên giường với nhau à…..Bà là trị cho tuyệt đôi hết cả họ 9 đời nhà mày, cho chúng mày biết thế nào là vô nghiệm, cho chúng mày không sinh, không đẻ, không duy trì được nòi giống nữa thì thôi…Bà sẽ nguyền rủa cho chúng mày đời đời chìm đắm trong âm vô cùng, sẽ gặp tai ương đến dương vô cùng, cho chúng mày chết rục trong địa ngục, cho chúng mày trượt đến maximum của sự vô hạn tối tăm… ờ nhỉ, thôi, hôm nay thứ 7, bà nghỉ, ngày mai bà chửi tiếp.

À, mày chơi toán học với bà à…U cho con xin thêm chén nước ạ ..Thằng khốn ấy nó là tiến sĩ toán lý, không chửi bằng toán học thì không xong với nó u a…….Vâng vâng, u rót cho con đầy đầy vào, nữa đi…để con lấy hơi chửi tiếp, con sẽ chửi từ số học lên tích phân, xuống đại số rồi sang hình học cho u xem…

Tiên sư nhà mày, mày tưởng ngày nào mày cũng rình mò tiệm cận hàng rào nhà bà là bà không biết đấy phỏng ? Bà là bà giả thiết mày ăn cắp hơn hai chục con gà nhà bà,…mày về mày vỗ béo để nhồi đường cong cho con vợ mày, à à, mày vẽ nữa đi, mày tô nữa đị. Mày tô, mày vẽ, mày nhồi cho đến khi đường cong con vợ mày nó nứt toát, nó gẫy khúc ra, chọc xiên chọc xẹo đi, rồi đi lên đi xuống nữa vào, rồi có ngày con vợ mày sẽ hạ vuông góc một mạch thẳng xuống nóc tủ….thôi con ạ ……..ái chà chà…mày tưởng mày dùng cả Topo học mày vẽ thòng lọng mày bắt gà nhà bà mà được à ?

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search