T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Cô Người Mẫu *

Nus Masculins – Pablo Picasso (1942)

(Nguồn ảnh: Mutualart.com)

 Sáng sớm ngày nọ, một ngày đầu năm lão đi ra đi vào trong nhà như con chó đói, buồn tình lão mở máy vi tính và  đập chát vào mắt lão bài viết ngăn ngắn có cái tựa đề:

Chuyện của người mẫu nude

Mai là một trong những người kiếm sống bằng nghề làm mẫu nude cho sinh viên mỹ thuật – một nghề mà theo lời chị là  thử thách lớn nhất của Mai là dám cởi quần áo trước hàng chục cặp mắt và vượt qua được những dị nghị của người đời. Chị Mai giải thích: “Mẫu chúng tôi hầu hết đều đã có gia đình, nhưng thường phải giấu chồng. Chẳng có ông chồng nào chịu để vợ khoe thân trước mặt người khác, dù biết mười mươi là chúng tôi không làm gì bậy bạ. Nếu ai đó có chồng biết được, chắc cũng vì bất đắc dĩ mà ‘bị lộ’ thôi”.

Quế là một trong những mẫu nude rơi vào cảnh “giấu chồng không nổi”…. Chị người Hải Dương, vốn làm nghề thu mua đồng nát. Ra Hà Nội, chị thuê phòng ở chung với một người bạn, cũng là dân lao động. Quế rất ngạc nhiên khi thấy chị bạn quanh năm đi làm chỉ tay không ra khỏi nhà. Một thời gian, hai người thân thiết hơn, người bạn cùng phòng mới rủ Quế cùng làm mẫu nude như mình. Mới được ba tháng, Quế bị chồng phát hiện sau khi một sinh viên cùng làng, học trường mỹ thuật vô tình nhìn thấy chị đứng làm mẫu. Khi được hỏi: “Chồng chị phản ứng thế nào khi biết chuyện?”, Quế gay gắt, bằng chất giọng đặc trưng của quê mình: “Phản ứng cái gì? ‘Nàm’ mẫu ‘luy’ thì có gì là xấu?”. Nhưng rồi chị hạ giọng: “Mỗi lần nhớ lại ngày đầu, khi đã ‘cởi tất’… là em lại nổi hết da gà…”

Chị tiếp: “Nói đi cũng phải nói lại. Người ta giàu, nói có gang có thép, nhà em nghèo, cũng có cái khó. Ông ấy lên tận đây, đến xem em làm việc hai hôm liền, hai bữa đó em không phải ‘cởi toàn bộ’, nên ông ấy bớt giận đi một chút. Đợt này hè, sinh viên nghỉ học, em về quê nhưng chắc không được lên làm nữa đâu”.

Mạnh Cường, sinh viên lớp Cao đẳng Mỹ thuật Công Nghiệp, kể:“Mẫu không cần hình thể quá chuẩn, nhưng có người béo quá, chân tay tròn lẳn, rất khó lên bóng trong khi vẽ; hoặc có người gầy quá, không có khối đẹp nên sinh viên rất khó thể hiện”.

       Tắt cái máy lão ngẩn ngẩn ngơ ngơ như có gì suy nghĩ lung lắm, rồi bốc cái điện thoại gọi vào trường Mỹ Thuật Gia Định cũ mà nay gọi là trường gì gì ấy lão cũng quên tuốt. Gặp bà thư ký phòng nhân viên, lão ngập ngừng nói lão muốn tìm một người mẫu để vẽ tranh khỏa thân. Vì không có xưởng vẽ riêng như nhà trường đòi hỏi, lão nói chậm rãi và từ tốn phân bua:

–  Chẳng dấu gì bà bây giờ tôi mới về hưu non nên mới trở lại với hội họa. Tôi không phải là một họa sĩ chuyên nghiệp nhưng tôi đến với hội họa vì đam mê. Bà trong trường dậy vẽ chắc bà hiểu và  tôi muốn vẽ lại bức tranh “Khỏa Thân Ngồi” nguyên tác là Nu Assis của danh họa Picasso vẽ vào năm 1907. Vậy mà bạn họa sĩ tức nhà thơ Max Jacob trông thấy bức tranh đầy mầu sắc và hỏi : “Anh vẽ cái của nợ gì thế? “. Picasso trả lời ngắn gọn : “Nếu yêu thì anh sẽ hiểu”.

 Không đợi bà kịp hiểu chuyện…đầu cua tai nheo của lão. Lão bắt qua chuyện giá cả và cũng không quên dài dòng với bà là vì thời kỳ này, Picasso còn đang chịu ảnh hưởng hội họa thời kỳ Phục Hưng của Ý, thế nên lão cần một người mẫu ngực to, mông lớn, tuổi tác khoảng ba mươi. Bà ngờ ngợ vì hình như bà đã nhìn thấy bức tranh này ở đâu đây, nhưng bà nghĩ ít nhất lão cũng rành về hội họa hơn bà và chuyện tìm một người mẫu vú to, mông cũng to không khó khăn lắm cho ông họa sĩ khó tính mới về hưu non này để vẽ vời. Bà cho giá cả như các xưởng vẽ vẫn thuê, ghi tên và địa chỉ lão, trường có thể gửi một người mẫu đúng tiêu chuẩn đặt hàng đến nhà vào cuối tuần.

Mọi sự đã xong, lão ngồi lẩn mẩn về bức tranh “Khỏa Thân Ngồi”:

       “…Picasso sống vất vưởng tại xóm Montmartre ở Paris, với đói và rét. Vào năm 1907, một sự kiện đột biến đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống nội tâm của ông. Trong khi ông lom khom đưa bình hứng nước, nước bắn tung toé xuống đường, dội ngược lên, làm ướt gấu váy và đôi chân Fernande vừa đi qua. Nàng nhìn ông và mỉm cười. Ông bắt găp một khuôn mặt có đôi môi dầy mọng đỏ. Ấp a ấp úng mãi ông mới cất tiếng được :

      –  Thưa cô. .. tôi. .. tôi muốn tặng cô một món quà.

      –  Ông cứ tặng. 

      –  Cô đến thăm xưởng vẽ của tôi được chứ ?

      –  Vâng, tôi sẽ đến.

      Ông vẽ nàng, ông lim dim đôi mắt, nghiêng đầu sang trái rồi qua phải, lùi lại ngắm thật kỹ dáng người thiếu nữ ngực trần đang ngồi xuôi tay, trông thảng thốt, bàng hoàng, đôi mắt nâu mở to sợ hãi…như bất ngờ bị một gã đàn ông xa lạ xô cửa, xông vào lúc mình không còn mảnh vải che thân. Thân hình cô gái đầy đặn với làn da trắng nhễ nhại toát ra vẻ mơ hồ, kỳ lạ. Gò ngực độn cao đang phập phồng qua làn khói thuốc mờ mờ trước mặt ông. Ông nhìn chăm chú vào vùng ngực cô gái ra chiều khích động. Picasso nhích từng bước chậm chạp, người ngả về phía trước như ôm cô gái, cánh tay phải run run đưa lên trong trạng thái vô thức của kẻ lên đồng, ngập ngừng rồi bỏ xuống. Picasso lùi trở lại. Ánh mắt cô gái trở nên kinh hoàng tột độ. Picasso giơ tay trái bấu vào mặt, đầu gục xuống. Giây lát sau, ông ngửa mặt lên trời buông tiếng thở dài, lắc đầu rồi quyết định bước tới.

      Picasso không nhìn đôi mắt mở to hoảng sợ. Gò ngực mới nhú quyến rũ lạ thường. Từng bước, từng bức, Picasso đưa tay phải lên, qua bức tranh ông chấm vào bộ ngực non tơ màu hồng nhạt. Và cứ thế, cho đến chiều tối mịt, hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác đỏ rực. Picasso tiến tới, trở lui, đi qua, đi lại, ngắm nghía trước giá vẽ như không bao giờ chán. Đồng hồ điểm một giờ sáng. Picasso ngã vật người ra chiếc ghế bố, thở hổn hển. Bức tranh đã hoàn tất, trác tuyệt trong không gian màu sác. Ánh đèn chiếu vào bốn góc của khung vải. Nơi đó, màu đỏ gạch âm ỉ sức nóng, lan nhẹ vào thân thể màu xanh lạnh lẽo. Picasso đã hoàn thành động tác cuối cùng.

     Tám giờ trôi qua, nhà danh họa đánh một giấc ngon lành. Đối với Picasso, những từ ngữ khoái lạc hoàn toàn vô nghĩa. Vì ông đã sống trọn vẹn, trung thực với tình yêu. Những người đàn bà đi qua đời ông, như Fernande, tên tuổi họ gắn liền với Picasso mãi mãi. Các tác phẩm bất hủ của ông đã đống góp những giá trị to lớn cho nền nghệ thuật của nhân loại…”.

      Thoáng trong lão cũng đang hình thành một bức tranh cho riêng lão.

      Sáng thứ bẩy, người mẫu đến như đã hẹn. Cô người mẫu bấm chuông và lão ra mở cửa ngay vì lão cảm thấy hứng khởi sắp được trở về với cọ, mầu qua một cô gái đang đứng trước mặt lão. Cô người mẫu là một thiếu phụ ắt hẳn đã có chồng nhưng vẫn còn trẻ trung, khoảng hăm sáu, hăm bẩy, trông vầy vậy, không đẹp, không xấu. Nhìn cô, người họa sĩ già thấy ngay rằng cái nét hay nhất của cô là ở bờ ngực lồ lộ, lão chắc mẩm là cô đã có một, hai con. Riêng bộ mông thì hơi thái quá, trông chành bành như cái lồng bàn ấy, lão đoán thầm là cô ngồi làm mẫu khí hơi nhiều thì phải. Cô mặc quần đen, cái áo cánh mỏng tang, mặc dù hôm ấy là một ngày lập đông. Lão thấy có cảm tình với cô gái nhưng ông không nói ra. Còn cô người mẫu thì sau một cái liếc nhanh qua ông, bước vào nhà với những bước rất nghề nghiệp, rất lõi đời. Và lão nghĩ lẩn thẩn thêm, rõ ra cô chẳng phải là sinh viên của trường cuối tuần làm mẫu kiếm tiền thêm hay cô Quế bán đồ đồng, đồ nát trong báo mà lão vừa đọc trong tuần. Lão vẩn vơ  tiếp dẫu gì cũng chẳng phải là chuyện của lão, vì lúc này lão đang ngứa tay ngứa chân và thèm vẽ, đang muốn hoa tay múa bút vậy thôi. Lão nói: “Chào cô” , và cô trả lời: ” Chào ông”. Lão đưa đẩy: “Có vẻ như hôm nay trời lạnh. Mà lạnh thật đấy…” .

           Cô ngắt lời lão:

     –  Ông muốn tôi thay đồ ở đâu?.

     Người hoạ sỹ già đáp:

     – Tùy cô.

     Cô người mẫu nói đâu cũng được, chẳng quan trọng, nhưng cô nghĩ thay đồ trong phòng tắm thì hơn. Cô người mẫu liếc vào phòng trong, rồi hỏi:

     –  Bà nhà đâu rồi ông, tôi không thấy?

     Lão trả lời không đắn đo:

     –  Nhà tôi đi chùa.

     Cô bước vào phòng tắm, cởi bỏ áo quần trong đó rồi bước ra. Lão không nhìn ngay cô người mẫu lõa thể, thế nhưng qua cái liếc sơ thì dưới mắt lão, đầu, cổ và vai cô cân đối, da thịt có hơi phì nhiêu một chút. Cô hỏi lão muốn cô đứng ngồi ra sao. Lão nói muốn cô ngồi ở cái ghế cạnh cửa sổ. Ngoài kia là sân sau, có cây mộc lan đang sưởi nắng đông.

    Cô thắc mắc:

    –  Ông muốn tôi ngồi chân khoanh lại hay duỗi?

    Lão thản nhiên trả lời, có vẻ dễ dãi:

    –  Cô cứ ngồi sao cho thoải mái là được..

Lão đứng cạnh cái bàn mặt tráng men, thứ bàn thường thấy trong bếp, cạnh cửa sổ lớn. Trên mặt bàn, lão đã bóp ra hai ống sơn nhỏ và đang trộn chúng với nhau. Có ba ống sơn nữa còn mới nên nhưng lão không mó đến. Cô người mẫu lặng lẽ quan sát ông già pha màu. Trong một thoáng, cô người mẫu có vẻ ngạc nhiên. Vì với bột mầu đúng ra thì phải vẽ trên vải bố căng với khung vẽ. Nhất là lại vẽ khỏa thân…như cô. Lạ một cái là lão này đây lại dùng sấp giấy canson đóng thành tập, loại giấy để vẽ crosqui. Tập giấy này được ông treo lên giá vẽ bằng cái kẹp, vẽ xong tờ nào là lật qua qua vẽ tờ khác. Cô nhủ thầm thế thì ông này sẽ vẽ cô nhiều tấm cho đến chiều, cô chắc mẩm phải ngồi đồng ở đây khí hơi lâu.

      Nhưng rồi cô cũng ngồi xuống cái ghế vàng cạnh cửa sổ, và vắt một đùi lên này qua đùi kia. Lão nhúng đầu cọ vào đĩa mầu, nhìn qua thân thể trần truồng của cô người mẫu một cái, rồi bắt đầu vẽ. Lão lim dim đôi mắt, nghiêng đầu sang trái rồi qua phải, lùi lại ngắm thật lâu. Thỉnh thoảng, lão nhìn cô, nhưng cái nhìn của lão không đọng lại lâu, lão nhìn qua nơi khác ngay, như thể lão ngại thất thố. Vả lại với cô, trông không có gì thảng thốt, bàng hoàng, đôi mắt nâu mở to sợ hãi như cô người mẫu của Picasso. Nét mặt lão có cái vẻ bình thản của người đang chú tâm vào đối tượng một cách khách quan. Có lúc lão nhìn chăm chú vào vùng ngực ngồn ngộn của cô. Lão nhích từng bước chậm chạp, giống với Picasso, lão người ngả về phía trước như ôm cô, nhưng rồi ngập ngừng bỏ xuống. Lão lùi trở lại. Ánh mắt cô có hơi chút ngạc nhiên. Giây lát sau, lão ngửa mặt lên trời buông tiếng thở dài.

Điệu bộ lão đứng vẽ trông thành thạo, quen thuộc. Lâu lâu, lão đưa mắt nhìn cô người mẫu. Lâu lâu thôi, không nhìn cô nhiều. Còn cô gái thì có vẻ như không còn biết đến sự có mặt của lão nữa. Một lần, cô gái ngoái đầu ngắm cây mộc lan trơ trụi sau vườn, và lão nhìn cô một lúc lâu xem thử cô thấy được gì ở cái cây ấy. Lão nói bâng quơ với cô là giống mộc lan này là hoa xuân. Cả bốn, năm chục năm mới ra hoa. Nó là một loại cây khó trồng, đã sống thì bền bỉ chứ không như người.  Và lão cười duyên. Nhưng cô gái không cười…Nhưng vẫn có duyên.

Nhưng rồi cô người mẫu xoay qua quan sát người vẽ kỹ lưỡng hơn. Cô chăm chú nhìn mắt lão, tay lão. Lão tự nhủ không biết mình có đang làm cái gì sai trái không. Sự thực thì lúc ấy lão đang phác phần thân thể cô và ngược đời một nỗi là lão lại vẽ từ dưới lên trên, lão loay hoay với cơ thể quyến rũ của giống cái, sự mềm mại và cái thơm tho cùng những ước muốn đỏ rực. Lão quẹt một mầu xanh như Picasso lên chỗ ấy. Thân hình cô vốn dĩ cứ lồ lộ ra, lão cứ đánh vật với hai cái vế nần nẫn. Hai vú thây lẩy. Giời ạ, khó thật, cái nhà cậu học vẽ Mạnh Cường, sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp dậy chẳng sai: “Mẫu không cần hình thể quá chuẩn, nhưng cũng có những người béo quá, chân tay tròn lẳn, rất khó lên bóng trong khi vẽ”. Lão chả cần đánh bóng vì lão đang chối bỏ, chạy trốn trường phái cổ điển là vẽ theo kinh điển, theo khuôn mẫu, vẽ như thật với cái mông bóng nhẫy, cái vú trắng hếu, trắng như ếch lột. Hay nói chữ thì tuổi già sầm sập đuổi sau lưng.

       Và lão muốn cút khỏi cái tuổi già hiu hắt…

       Tuổi già cút khỏi cái thân lão. Lão sợ già!

 Lão lại muốn vẽ như Gauguin, Van Gosh qua trường phái siêu ấn tượng, chẳng phải cứ ấn…cái tượng vào tranh là thành hình. Với lão, phải là làm mới, phải nhiều ánh sáng, nhiều mầu sắc. Không hẳn như trường phái cổ điển, đất mầu nâu, lá mầu xanh. Lão vẽ hai đầu ngực của cô người mẫu ngóc lên, vươn ra như sừng trâu đực miền ngược, như muốn xuyên thủng giấy vẽ, như muốn đâm lủng mắt người thưởng ngoạn…nên tốn mầu và thời giờ hơi nhiều là vậy. Cùng trường phái ấn tượng, lão thấy bộ ngực cô như một tĩnh vật, lão cảm nhận cô như một thực thể tính dục và lão cố gắng thao thác cô hay diễn đạt cô trong tư thế gợi dục nhất để biểu thị một cái nhìn đầy nghệ thuật của giới tính…qua bộ ngực.

 Một giờ đồng hồ trôi qua. Bỗng nhiên, cô người mẫu hấp tấp đứng dậy như thể không thể nào chịu đựng được lâu hơn nữa. Nhìn sơ qua tấm tranh, cô la lối:

       – Tôi muốn biết ông đang làm cái trò khỉ gì đó. Nói thật với ông, tôi thấy ông chẳng biết cái quái gì về hội họa cả!

 Lão hoảng hốt tóm vội một cái khăn lau bếp lớn quá khổ, vội vàng trùm kín lấy tấm tranh mà lão đang hình thành tác phẩm của lão. Sau một lúc lão mới lên tiếng. Hơi thở lão ngắn, vội. Thè lưỡi liếm đôi môi khô, lão nói rằng lão có nhân danh là một họa sĩ hay họa sư gì đâu. Lão bảo khi điện thoại đến trường mỹ thuật và nói chuyện với bà nào đó ở văn phòng nhân viên phụ trách tìm người mẫu rằng lão đã nói rõ như vậy. Rồi lão lí nhí bào chữa:

–  Có lẽ tôi chưa chuẩn bị những gì tôi muốn làm.

Cô bĩu môi:

– Tôi không sá gì chuyện ông chuẩn bị hay không chuẩn bị, tôi thấy ông đâu có vẽ gì tôi. Nói trắng ra, ông đâu thật tâm có ý vẽ tôi. Tôi nghĩ rằng ông chỉ muốn để cho đôi mắt ông chạy lướt trên thân thể tôi vì những lý do riêng của ông. Tôi không biết ông muốn cái gì, ông cần cái gì, nhưng tôi chắc chắn rằng phần nhiều những cái ấy chẳng ăn nhằm gì với hội họa cả. Nói thẳng ra thì ông đang hiếp dâm bằng mắt trên thân thể tôi thì đúng hơn, thưa ông.

       Thoáng nhìn thấy một vết chấm ẩm ướt loang dần từ hạt ngô bằng hạt nhãn qua quần dưới phần hạ bộ của ông. Cô đỏng đảnh gào lên:

 –  Ông đúng là hoang tưởng dục tình hay giải phẫu thân xác hơn là vẽ khỏa thân. Mà nào ông có vẽ gì tôi. Cách vẽ của ông như cầm một thân người quẳng vào mặt giấy và ghim lên đó từng bộ phận của đàn bà …

      Lão líu lưỡi:

      –  Tôi cho rằng mình đã sai lầm.

      –  Tôi cũng thấy như thế.

      Cô qươ bộ quần áo gần đấy và tiếp:

      – Ông lầm to.Tôi là một họa sĩ.

      Cô nhìn lão chằm chằm rồi tiếp tục

– Tôi đi làm mẫu bởi túng bấn. Nhưng giả mạo thì nhìn một cái là tôi biết ngay.

     Rồi cô mặc quần áo, trong khi mặt lão đực ra như ngỗng đực.

    Lão lúng túng chẳng biết thế nào giải bầy với cô thế nào đây…

      Cùng dễ hiểu thôi: Rõ ra một hai năm gần đây lão có hơi hục hặc chuyện gối chăn với vợ nhà, tuổi tác lão mới đâu đó…chòm chèm trên sáu mươi, chỉ mới…chớm già thôi, nhưng ngẫm chuyện nhân sinh thì lão vẫn còn sung sức chán. Nhưng trái nắng trở trời gì đâu chẳng biết nữa vì tình trạng lão “còn”, bà “hết” trở thành rách chuyện. Ấy là là từ khi lên chức bà ngoại, bà ngủ riêng để “có kiêng có lành”, lão mon men sang với lão bà để tòm tem thì bị mắng vố là “Già rồi, con cháu nó biết thì…”. Thì lão lặng lẽ bỏ về giường mình, cả tháng tâm hồn không động đậy, cái củ lẳng buồn thiu, mỗi ngày teo đi một ít giới tính, theo năm tháng lão lặng lẽ bị…tàn phế dục tình với khúc thịt thừa co rút lại, sạm đi, quắt queo và trở thành…phế phẩm. Xuân thu nhị kỳ gặp được hôm hưởng cơm thừa canh cặn của vợ nhà, khổ một nỗi là trên bảo dưới không nghe, như con giun đất, nó cứ chun choe nhét chẳng vào. Nói cho ngay ngẫm cho cùng, từ đấy lão chòm chõm một mình, như cá lòng tong mùa hè say nắng trong ao tù, cõi đời bèo nhèo như thịt trâu về chiều. Lão cám cảnh tuổi già đang đè nặng lên người và biết rằng chạy trời không khỏi nắng thì lão đang tiến gần đến cái ảm đạm chiều tàn bóng xế.

       Thế nên lão ngồi không tắm khô búng ghét, ông để cái đầu buông trôi về một khỏanh quá khứ cùng những dịu ngọt đi qua đời với những tiếc nuối. Lão đắm chìm trong suy nhược, rồi….lão hóa lúc nào chẳng hay. Mà cũng chẳng mấy ai hay lão đây rơi rớt lại từ thời Tây thuộc địa, lão cám khái nỗi mất mát to lớn trong đời ấy nên lão thầm nhệu nhạo ba chữ tiếng Tây với hoài niệm quá vãng: “Moi, je n’ai rien entre mes deux cuisses”, hiểu theo nghĩa là…”Tôi chẳng còn gì nữa…giữa hai bắp đùi”. Và lão đốc chứng buồn đời … Buồn đến sưng cả đít. Chán ngăn ngắt nhưng vẫn phải…buồn.

       Thế rồi như hôm nay đây, một anh già như lão gặp ngày vợ dại đi hành hương cầu Phật độ trì mấy ngày, hay nói chữ thì dại nắng dại mưa chỉ là để che đậy nỗi buồn phiền nhạt nhòa trong buổi trời đất âm u ảm đạm, ít nắng nhiều mây. Nay được gặp cô người mẫu như Giáng Kiều từ trong tranh bước ra gặp Tú Duyên là lão đây, khi không lão chắc mẩm để cho mảnh đời lay lắt còn lại còn ý nghĩa, hay giản dị là để biết được những khoảnh mang mang một chút hoa tình vướng víu trong những ngày nắng quái chiều hôm, chẳng hẳn là cuộc tìm kiếm của anh già như lão đang thiếu thốn những niềm vui thân xác. Có thể anh già như lão đây đang muốn tìm lại những ảo ảnh của thời còn son trẻ hay hoa niên nằm tít mù cả chục năm về trước, của sinh lực bắt đầu lụi tàn, của cuộc phiêu lưu chẳng ai muốn nhắc đến, nhưng không ngòai ắt hẳn là cuối cùng bằng vào một chuyến viễn du không hẹn mà đến và lão nghĩ vậy và cho rằng như thế.

Từ Giáng Kiều trong tranh, lão lây lất qua Francois Sagan hiện thực, nhà văn nữ này viết truyện Buồn Ơi Chào Mi (Bonjour Tristesse) lấy cảm hứng từ Marcel Proust trong A` la recherché du temps perdu”. Proust và Francoise Sagan đều đi tìm thời gian đã mất  qua tâm trạng “Thứ tình cảm xa lạ này mà sự phiền muộn không ngừng ám ảnh là….buồn . Tôi chưa biết buồn mà chỉ thấy mất mát và hối tiếc. Hôm nay có gì lắng xuống trong tôi như lụa, bải hoải dịu dàng, chia cách tôi với người khác”.

      Như hôm nay lão đang đi tìm một khoảng thời gian không còn nữa với một người khác, không ai ngoài cô người mẫu.

     Nói cho ngay tuổi lão chưa hẳn…vào thu nhìn lá vàng rơi, lá bay tường bắc lá bay sang vì đời sống lão còn dài. Nhưng tuổi già sầm sập đuổi sau lưng. Đầu óc rối tinh, lão quyết giở trò ú tim với nó bằng cách làm sao chạy trốn nó càng lâu càng tốt, thoắt trẻ đấy, thoắt già đấy, rằng mình sẽ già như vậy sao? Lâu lâu ghé tiệm sách thấy trên kệ có quyển “Tuổi vàng làm gì? Nghĩ gì?”. Nên lão có mua và đọc. Lão cứ lạc quan tếu là đọc chuyện của người già…khác chứ không phải là của mình!

       Và lão muốn cút khỏi cái tuổi già hiu hắt…

       Tuổi già cút khỏi cái thân lão. Lão sợ già!

      Đang đeo đuổi cùng những quá vãng, lại đẩy đưa với tuổi hạc, tuổi vàng, vừa lúc cô người mẫu kéo cái quần lên ngang rốn,  lão lên tiếng khào khào chống chế:

–  Đúng ra, tôi phải suy tính thấu đáo hơn, cả đời, tôi yêu mến cái đẹp của phái nữ. Đó cũng là một trong những lý do tôi cầm cọ vẽ lại, mặc dù biết rằng mình chẳng có tài cán gì đáng kể, chẳng có tham vọng gì về một tài năng lớn ở bản thân. Chẳng những thế, tôi cũng đâu có ngờ rằng tôi đã quên đi biết bao nhiêu về cái nhìn của hội họa và thân thể người đàn bà. Tôi không ngờ rằng nhìn cô, tôi đã xúc động như vậy. Nghĩ lại, tôi cũng bàng hoàng là cả một cuộc đời trôi qua cái vèo. Tôi đã mong rằng cầm cọ vẽ sẽ đem lại cho tôi một sức sống mới, một cái nhìn tươi mát hơn về cuộc đời. Thật đáng tiếc tôi đã làm phiền cô.

      Như vẫn chưa hết nguôi ngoai, cô đáp:

      –  Phiền, cái đó khỏi lo. Tôi sẽ được trả tiền cho sự phiền hà ấy. Nhưng cái mà ông không đem tiền đền bù được là nỗi xúc phạm tôi phải chịu đựng ở đây, để cho mắt ông, cái nhìn của ông rờ rẫm bò khắp thân thể tôi.

      Lão mềm môi năn nỉ:

      –  Tôi xin cô.

      Cô trừng mắt nhìn lão, há họng:

      –  Tôi cũng xin ông cởi quần áo ra, ông già ơi!

      Cổ họng lão như tắc nghẹn, lắp ba lắp bắp:

       –  Tôi? Cởi…cởi…quần áo?.

      Trong lão có một nhen nhúm, nhưng lão vẫn ngọng:

      –  Cởi quần áo để…làm…làm gì?

      Cô người mẫu chề môi chu mỏ:

      –  Đừng tưởng bở, ông già!

      Xong nói như quát

      –  Tôi muốn vẽ ông. Cởi quần, cởi áo ra mau.

Thôi rồi không xong, lão vớt vát nói rằng hôm nay trời đất có hơi ấm áp hơn…Nên lão không mặc…quần lót. Nhưng cô gái không nhếch được môi để cười một cái. Lão đành phải cởi quần áo. Bên trong trống trơn không có gì. Trong lòng hổ thẹn vì phải phơi bày thân thể trần trụi trước mặt một người nữ trẻ măng, tuổi tác chưa bằng phân nửa đời ông.

       Cô lật bức tranh của lão qua thành khung ngang, với giấy mới, với bút mầu cô vung tay những nét nhanh và gọn. Cô đang vẽ ông già chủ nhà mà bây giờ nghiễm nhiên là…người mẫu. Chỉ một lát sau bức họa được hoàn tất, cô vất cây cọ vào sọt rác không xót thương. Lão co ro đứng dậy, lão vừa lấy hai tay che hạ bộ vừa lõ mắt ngắm bức tranh khỏa thân là chính lão. Da thịt lão bợt bạt, có những vết nhăn của thời gian chồng lớp này lên lớp kia. Dính chặt vào mắt lão là cái dáng ngồi khổ đau, nào khác gì bức tượng “Suy Tư” của Rodin đầy sống động mặc dù trong tranh lão ngồi thu lu như thằng chết rồi.

       Nói chung thì qua con mắt hội họa của riêng lão thì bức tranh có đường nét rất nghệ thuật của một nữ họa sĩ có tài nên nét vẽ diễn tả rất có hồn… Với bức tranh “Khỏa Thân Ngồi” vẽ lão như một tuyệt phẩm. Một tác phẩm bất hủ của cô sẽ đóng góp giá trị to lớn cho nền nghệ thuật của loài người.

         Bỗng cô đóng cửa cái rầm, rồi xớn xác đi về. Lão nhìn theo tiếc nuối và tự hỏi: ” Cuộc đời mình đến đây rồi không còn gì nữa à? Thế là hết đấy ư?”. 

         Câu trả lời tự lão có vẻ như là: ” Đúng thế”.

                                                                                                                            Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn: Bài viết được phóng tác từ một tác phẩm ngoại quốc nhưng người viết lại quên tên tác phẩm và tác giả.

*Truyện CÔ NGƯỜI MẪU là một cách kể câu chuyện theo lối khác của tác giả. Trước đây, tác giả đã kể câu chuyện theo cách suy tưởng của “trước đây”, lúc tác giả chưa già lắm. Theo ngày tháng, tác giả đã già thêm nhiều, cả ở số tuổi lẫn thân xác. Độc giả có thể đọc lại cách kể truyện cũ của tác giả ở đây:

Khỏa Thân Ngồi

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search