T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Những chiếc nón cối

clip_image002

 

“ . . . Cũng thực lòng mình, mình tức là cái thằng tôi đây, trong trận chiến giữa “ta” và “địch” vừa rồi, tôi vẫn còn “thua” gã ở cái “tình người”. Tất cả đã đẩy đưa tôi có những suy nghĩ vụn vặt, chẳng thể chối bỏ, về những người kẹt lại năm 54, làm thế nào được khi mà ý thức hệ, thể chế và 20 năm chiến tranh đã để lại cho tôi những cái nhìn phiến diện và lệch lạc giữa kẻ đi, người ở. Tôi và họ, trong cuộc chiến chẳng có gì để mà chọn lựa, không đứng bên này thì cũng ở bên kia, và vô hình chung đành chịu trận giữa hai lằn đạn . . . “

Trên đây là một đoạn trích trong “ Những chiếc nón cối “ của Ngộ Không . Nhân vật “ gã “ ông nhắc đến để thú nhận rằng ông thua “ gã” ở cái tình người là nhân vật xuất hiện ở nửa đầu câu chuyện , có cái tên ông đặt cho là “ thằng nón cối “.

Thằng Nón Cối , tự cái tên gọi đã khiến người đọc hình dung ra được gã là ai, sinh sống ở đâu. Nhưng gã đã làm gì để ông Ngộ, một người “ di tản buồn “ của miền Nam bại trận, thú nhận ông “lại thua một phen nữa “ ? Qua từng trang chuyện, tôi đã chưng hửng với mỗi tình tiết được khai mở.

Nhưng cũng vẫn chưa “ gay cấn “ bằng nửa sau của câu chuyện “ Những chiếc nón cối “. Câu chuyện vẫn là về những “thằng đội nón cối “ nhưng không còn đội cái nón cối quê mùa trên đầu nữa. Nhưng gốc nón cối thì vẫn cứ là nón cối. Và trên bàn rượu của Sài Gòn thế kỷ 21, trận chiến cũ của 36 năm trước được ông Ngộ nhắc lại. Đúng hơn, trận chiến ấy lại xẩy ra lần nữa. Tất cả vẫn cứ như cũ thôi. Những kẻ thắng vẫn cứ hả hê trong cuộc chiến tưởng mình thắng. Những kẻ bại – mà tiêu biểu là ông Ngộ của tôi – cũng hả hê với ngón nghề bậc thầy “ di tản chiến thuật “.Quả là tuyệt chiêu của chữ nghĩa ông Ngộ trong thủ thuật “ tái hiện 55 ngày đêm của cuộc đại thắng mùa Xuân “ năm nào.

Thế rồi, trong lúc vẫn còn tối tăm mặt mũi vì những chiếc nón cối đang hả hê “ bòn rút những khúc ruột ngàn dặm “ thì bỗng dưng ông Ngộ chuyển “ tông “ thật đột ngột và cũng thật đắt.

“ . . . Đứng trước hiên nhà, mùa xuân đã trở lại, dàn hoa vàng của những chùm hoa vông vang ẩn mình trong nắng hanh. Một hình bóng ẩn khuất bấy lâu, đâu đó đang mời gọi… “Mận hỏi thì đào xin thưa – Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”. Và tôi gõ cửa thật nhẹ…Cửa mở thật êm và như đêm giữa ban ngày . . . “

Lại thêm một lần ông làm tôi chưng hửng !

T.Vấn

28 tháng 6 năm 2011

__________________________________________________

Những chiếc nón cối

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Tôi, thằng Bắc Kỳ, người di tản buồn, bấy lâu nay ôm nỗi buồn không tên qua bóng ngả đường chiều. Cứ năm hết Tết đến thêm nỗi sầu nhân thế “Mỗi năm hoa đào nở – Lại nhớ cánh mai vàng “, và hụt hẫng nhớ đến miền Nam mưa nắng hai mùa, quên tiệt đất Bắc mưa phùn gió bấc mãi tận đâu đâu. Buồn với nhớ đất lề quê thói còn đấy, tự nhủ chắc phải về thăm nhà một chuyến, một công đôi chuyện sắm ít đồ cổ dối già…

Vậy mà khất lần đến nửa năm, Sài Gòn cát bụi, tôi chán ngấy, Hà Nội xô bồ, tôi đã nhẵn thín qua mặt báo nên đâm ra chần chừ. Rồi vất vưởng trong đầu hay là về Bắc thăm bà chị cùng cha khác mẹ, hơn năm mươi năm có lẻ, hai chị em chưa bao giờ gặp nhau. Số là ngày chị từ quê ra Hà Nội, tôi đeo theo tầu há mồm vào Nam. Ngày chị vào Sài Gòn tìm tôi, tôi lại đu theo tầu hải quân qua cái xứ chết bầm chết dí này.

Từ cái dạo đứt phim ấy, hai chị em chỉ liên lạc với nhau qua thư từ, thương chị, năm cùng tháng tận, dấm dúi chị ít tiền lì xì, vậy thôi. Mượn dịp bà chị tống cho cái thư chữ nghĩa như gà bới: “Cậu cố gắng thu xếp về thăm mồ mả gia tiên, nhà từ đường…”. Mà quái lạ, mấy thứ này với tôi hình như xa vời vợi, đến quê cha đất tổ còn chưa một lần giáp mặt. Lâu lâu nếu có, không ngoài nhấm nhẳng với câu thơ nẫu người “Ai ra bến nước trông về Bắc – Chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng”. Nghĩ tới nghĩ lui, chạy trời không khỏi nắng là chắc phải…về quê rồi, nhưng vẫn còn ngại ngùng “Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà – Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ”. Thế nên bèn ngẫu hứng qua cầu, chu miệng thổi sáo một khúc nhạc họ Trịnh để có hào khí với một mai: “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng, Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam, tôi đi chung cuộc mừng và mong sẽ quên…chuyện non nước mình…”.

***

Và chuyện non nước mình là như thế này đây: Chả là đáp xuống phi trường Nội Bài, từ cái quầy thủ tục quan thuế, va vào mắt tôi là mấy cái nón “cát-két” viền băng đỏ, họ lật từng trang sổ thông hành như bới bèo tìm bọ. Ngứa miệng tôi quay qua người bên cạnh nhỏ to: “Năm hay mười đây ông?” Khỉ gió gì đâu, vừa lúc có cái nón “cát-két” khác đi tới. Tôi sợ vãi đái ra quần vì hắn dương mắt cú vọ nhìn khúc ruột ngàn dặm nối dài là tôi đây như cú nhìn nhà bệnh. Hắn ghé vào tai tôi: “Năm hay mười cũng…thỏai mái thôi“. Chữ nghĩa nghe mất vui chẳng thỏa thuê tí nào. Để rồi nước non ngàn dậm ra đi, tôi quên béng mất cái cảm giác giao động của những giây phút ban đầu. Ấy là khi trở về quê mẹ, đặt chân xuống mảnh đất quê hương mà có ai đó bày tỏ nỗi niềm là quỳ gối xuống sàn xi-măng phi trường hôn rõ đến chụt một cái.

Nói cho ngay, tôi bị ám ảnh vi những cái nón, nhưng ấy là chuyện sau.

Trong hàng người lố nhố, tôi thấy cánh tay vẫy vẫy của bà chị tôi, chân chị nhẩy cẫng lên như sáo sậu. Hai chị em ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi, mắt tôi cay cay đọng nước. Trong tôi dâng tràn những cảm giác lạ lẫm như đứa con hoang trở về, sau bao nhiêu năm dài bỏ làng, bỏ nước mà đi. Trên xe, bà chị tôi huyên thuyên chuyện đầu cua tai nheo, chuyện họ hàng xa gần từ Bắc vào Nam. Tới khách sạn, chưa ngồi yên chỗ, bà chị tôi đã mau mắn với miếng trầu là đầu câu chuyện:

– Cậu nghĩ thế nào về chuyện ấy để chị tính?

– Chị để thư thả, em đang…suy nghĩ!

Tôi thầm hiểu chị tôi muốn nói gì nhưng cứ ậm ừ tránh né, vả lại tôi cũng chưa mặn mà cho lắm về “một hình bóng” nào đó. Đêm đến, tôi cứ trằn trọc với câu dọ dẫm của bà chị, chẳng qua không ngòai chuyện chị có lòng muốn mai mối cho cậu em đang cha già con cọc. Tôi thì dị ứng với những chuyện ép dầu ai nỡ ép duyên này, niết bàn, địa ngục tôi còn lạng quạng tin được. Chứ một tháng trời…tìm hiểu thì khỉ ạ, không có tôi, cứ như chuyện thầy bói mù sờ voi không bằng. Nằm bâng khuâng nghĩ chuyện xa gần, chuyện về Việt Nam lấy vợ đông như tổ đỉa… Mà chẳng đâu xa, một khứa cùng trường với tôi, ở miền bắc lạnh giá, già lại thích chơi trống bỏi “Thứ nhất thịt bò tái, thứ nhì gái đương tơ”, mò mẫm về Bắc khuân được một em @ còng thuộc diện 19x, 20x qua đây. Một lũ tụi tôi mời vợ chồng khứa xuống để…xem mắt người “Hà Nội trong mắt tôi”. Hẹn năm giờ ngòai quán, sáu giờ chưa thấy tăm hơi, bẩy giờ mình khứa tiu nghỉu dẫn xác tới. Hỏi ra thì tại một trạm xe buýt nào đó giữa đàng, vợ khứa đánh nước bài chuồn êm như mơ. It lâu sau, ngựa quen đường cũ “Gà tơ xào với mướp già – Vợ hai mươi mốt, chồng đà sáu mươi”, khứa mang qua một em khác thật mướt. Bạn bè hỏi chưa thấm đòn hả? Khứa tỉnh như ruồi: “Nhưng vẫn còn cái thú đau thương”.

Và chuyện của tôi thì cũng dễ hiểu thôi, nhà tôi mất cách đây không lâu, bà chị săm soi chấm được một hình bóng nào đấy cho cậu em yên bề gia thất. Sau đó, cứ mè nheo tôi mãi, thôi cũng đành chiều bà chị một lần cho biết…cái thú đau thương. Trằn trọc không ngủ được, vì ai chẳng có lúc bị đẩy đưa cùng nước chẩy bèo trôi. Rồi lẩn thẩn về chuyện của hai chị em nói hồi nẫy và hoang tưởng đến cô em gái kết nghĩa của bà chị “Mận hỏi thì đào xin thưa – Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”. Tôi thiếp vào giấc hoàng lương qua một chuyến đò nên duyên và bắt gặp cô Bắc Kỳ nho nhỏ: mắt như trời bao dung…trước khi nhìn đám đông, hãy nhìn sâu chút nữa, trước khi vào đám đông! em có biết anh không… giữa Sài Gòn cát bụi với áo lụa Hà Đông.

Ấy đấy, vào cái tuổi nhạt nắng tôi vẫn có lúc thả hồn đi hoang như thế đó…

***

Sáng hôm sau đang ngon giấc, tôi bật dậy vì có tiếng gà gáy te te và ngơ ngác chẳng biết mình đang ở đâu. Giống sau năm 75, nửa đêm chòang tỉnh dậy, tóat mồ hôi hột vì vừa nằm mơ thấy bị mấy ông dép râu đuổi chạy vắt gìo lên cổ, tiện chân bèn chạy tuốt luốt qua đây, nên chưa thóat nạn của cái bệnh…u mặc. Châm điếu thuốc lá, ra cửa trầm ngâm nhìn xuống phố phường, trên lề người người đi lại tấp nập, tiếng rao hàng lanh lảnh. Và đập chát vào mắt tôi trong ngày đầu tiên là bức tranh vân cẩu với cuộc đổi đời, rằng giữa lòng Hà Nội 36 phố phường của một sáng tinh mơ là một trang hảo hán đang còng lưng đạp xích lô, đầu đội…chiếc nón cối.

Mẹ ơi, từ tấm bé đến lớn, bây giờ tôi mới nhìn thấy chiếc nón cối từ thời Tây đánh thành Hà Nội, chỉ khác là nó mầu xanh bộ đội bệnh họan. Tôi khựng lại. Tôi có khựng lại thật, nhưng vẫn nheo mắt ngắm cho kỹ…Y trang hồi nào ở xạ trường Thủ Đức, giữa gió lộng bao la của đất trời, tôi cũng đã một lần nheo mắt qua đầu ruồi khẩu M16, ngắm thẳng băng ngay chóc…cái nón cối. Và bấm cò…một cái tách!

Đến trưa, bà chị xách tôi tới thăm vợ chồng gã em họ bên ngoại của chị. Trên đường đi tôi cứ lơ mơ với cái bia tập bắn ở quân trường vẽ khuôn mặt mồm vêu, răng vẩu, chấn thêm cặp môi đỉa trâu thâm sì. Nhưng cũng may, gặp gã, tôi có cảm tình ngay vì gã trẻ trung, bề ngoài sạch nước cản và khuôn mặt có những góc cạnh mang dáng dấp của người Hà thành năm xưa. Thế nhưng gã có giọng nói nhà quê đặc, chém chết cũng là dân đất đồng chua nước mặn với “con tâu tắng buộc bờ te tụi” đâu đó. Vừa nói chuyện gẫu, tôi vừa đảo mắt nhìn quanh nhà, bất chợt tôi nhìn thấy ngay trên tường có treo chình ình một…cái nón cối. Thêm một lần tôi ngây người ra nhìn…

Từ đấy tôi gọi gã là thằng nón cối.

Thằng nón cối lấy xe đưa chị em tôi đi khắp hang cùng ngõ hẻm, từ Hồ Hoàn Kiếm bắt qua chợ Đồng Xuân, miếng ngon Hà Nội thì từ bún chả Cầu Gỗ đến bún ốc ngõ Tạm Thương. Nhưng xe là của cơ quan, có cả bác tài nữa, tôi nói với chị tôi gửi tiền gã cho phải phép, nhưng thằng nón cối lắc đầu nguây nguẩy, tôi nghĩ cái thằng lạ, chỉ sĩ diện hão, nhưng chẳng sao, trước sau tôi cũng phải tính với gã cho ra nhẽ. Tiếp đến, chỉ khổ một nỗi trên xe, gã cứ chan chát như chầy giã gạo với một mảng ngôn từ lạ hoắc với “tham gia lưu thông”, “xa tốc” kia, “cầu cạn” nọ, xe này “cực độc”, xe đó chạy “láng lụa”, hết “kinh qua” đến “ùn tắc”, “quá tải” thế này thì thế nào cũng có ngày “tai tệ nạn”, tôi nghe bồm bộp nên tức như bò đá.

Qua một ngày đi với nhau, tôi thấy cái thằng ba đời bần cố nông này cũng không đến nỗi nào, lằng nhằng vậy thôi, nhưng cũng dễ để…nối vòng tay lớn. Vì vậy, trong chuyến đi, tôi và gã chuyện trò không hục hặc như chó hóc xương giống buổi đầu nữa. Đến bến phà Tân Đệ, thằng nón cối cho xe tạt vào một cái quán nghỉ chân ăn trưa. Ngồi ở trong quán, nhìn qua bên đường tôi thấy cái đài tử sĩ có ngôi sao đỏ to chành bành chọc vào mắt chẳng mãn nhãn chút nào. Trong khi chờ đợi nhà hàng bắt gà đuổi vịt, tôi hỏi để…giao lưu văn hóa cho có chuyện:

– Ông thấy đẹp không?

Thằng nón cối quại ngay một câu:

– Hơi bị đẹp.

Tôi ngọng trông thấy, ấy là năm 2000, chữ nghĩa tiếng Việt trong sáng với tôi còn lớ quớ. Mà giao lưu văn hóa kiểu này nhức nhối thật, thà vén quần nói chuyện với đầu gối sướng hơn. Như đi guốc trong bụng tôi, gã “thuyết minh” thêm: “Chữ nghĩa bây giờ bồ bã lắm bác ạ, để em kể chuyện này cho bác nghe nhá. Một lần em đi…điền dã”. Tôi định hỏi gã điền dã là chạy bộ hả thì gã đã tiếp: “Em đọc thấy cái báo cáo tường cụ tỉ và cô súc như thế này đây: Báo cáo các anh, các chị buổi nay cơ quan không có gì để báo cáo. Nếu mai không có gì để báo cáo các anh, các chị. Cơ quan sẽ báo cáo các anh, các chị là không có gì để báo cáo. Báo cáo các anh, các chị là báo cáo buổi nay thay cho báo cáo hôm qua vì không có gì để báo cáo. Nay báo cáo.

Tôi chẳng biết làm gì hơn là…làm thinh. Hơn nữa, cái thằng không có tướng lại có tính này khôn như rận nên tôi chả dại. Lớn tuổi rồi đi xa hay mắc tè, muốn đi thăm bác Hồ nhưng không có cái mả đá nào chỗ để xả. Thả bộ cả chục thước, ngó quanh ngó quẩn vén quần làm một bãi, về chỗ đã thấy thằng nón cối đã chi chầu ăn rồi. Tôi vốn Bắc Kỳ kỹ nên hay lo xa là sao lại tử tế với nhau thế này nhỉ? Chắc mẩm gã chơi cái trò bỏ con săn sắt, bắt con cá rô gì đây! Với gã thì phải đề cao cảnh giác, bác và đảng của gã đã dậy như vậy rồi mà. Nhìn cái mặt xanh như đít nhái của gã, tôi không tin tưởng chút nào, từ đấy: Tôi với thằng nón cối như…mèo rình chuột.

Con đường sống trâu về quê tôi bụi mịt mù, tịnh không một bóng người. Nghĩa địa của làng tôi kia, ngay giữa cánh đồng chơ vơ, mồ mả tổ tiên tôi đã bao năm cô quạnh nằm ở đấy. Xuống xe, bước vào thửa ruộng, đạp lên những gốc rạ khô để gặp lại các cụ, qua những mộ bia nghiêng ngả, buồn đến nẫu ruột. Và miên man, người nằm xuống, người đi và người ở lại…Như chị tôi đang đứng đằng kia, thẫn thờ như con gà rù giữa buổi đồng vắng, gió thổi lay lắt những bụi cỏ gà…Tôi miên man đến một hình bóng khác, không biết bây giờ đang ở nơi nao, hay như bụi cỏ gà đang nhao nhác lăn theo cơn gió thỏang. Trong tôi đang dấy lên một chút bâng khuâng và chẳng hiểu tại sao, trong lúc này lại cảm hoài mang mang về cô ấy…Người mà tôi chưa một lần gặp mặt, giữa nghĩa địa hoang vắng trong cánh đồng chiều.

Qua cái ao nuôi cá mè là bước vào căn nhà khi xưa của ông cụ tôi, nay ông cậu của chị tôi tức bố của thằng nón cối thay mặt trông nom nhang đèn hương khói. Bước ra sân sau, qua đống rơm rạ là vườn cây cây ăn trái và tôi bắt gặp chị tôi đang nấp bóng dưới cây xoan hoa tím. Tôi bồi hồi nhìn chị, chị tôi vẫn giữ dáng dấp chân quê mộc mạc, tôi bùi ngùi ngắm chị đang thơ thẩn một mình. Qua bóng dáng của chị tôi, tôi hình dung ra người trong mộng của riêng tôi, hiền lành và bình dị như đất quê đang mỏi mòn đợi mong tôi. Cô thua chị tôi một giáp, chị tôi an phận ở lại, cô rời lũy tre xanh, bờ đê, mảnh vườn để tìm một nơi chốn đất lành chim đậu ở một nơi chốn có hai mùa mưa nắng.

Chỉ dăm hôm nữa thôi, tôi sẽ suôi Nam gặp cô em gái Bắc Kỳ nho nhỏ…Tôi sẽ an phận với đất quê, đất quê lành lắm, cam chịu và nhẫn nại, quẳng xuống cây gì cũng sinh hoa sinh trái, xòai cũng như cam, ngọt nhờ đắng chịu…

***

Từ quê về sửa sọan hành lý bay vào Sài Gòn. Vợ chồng thằng nón cối điện thọai mời đi ăn cơm niêu ngòai cửa Nam. Tôi nhận lời ngay. Vì cũng mượn dịp này để trả món nợ đời với vợ chồng gã, cho nhẹ mình nhẹ mẩy cùng một thoáng mây bay.

Quán trên gác, nhỏ và ấm cúng, bữa ăn đầy không khí gia đình, vui chuyện vui trò, tôi kể cho mọi người về cái thú chơi đồ cổ của tôi. Cầm cái niêu của tiệm, tôi giảng giải cho gã về những sắc thái đầy tình tự dân tộc của nghề gốm làng Chu Đậu. Và cũng nói với gã, chỗ tôi ở, được cái niêu tân tạo này, chôn xuống đất dăm năm hóa thành đồ cổ ngay với qúy hồ tinh bất qúy hồ đa. Gã chăm chú nghe và hình như có gì đang suy nghĩ lung lắm. Đến lúc tôi ra trả tiền thì mới vỡ nhẽ…vợ nó đã thanh tóan rồi. Thế mới đau!

Trưa hôm sau, đang lúc leo lên xe ra sân bay vợ chồng gã hộc tốc tới ôm món quà để tặng tôi. Không phải một mà là hai. Tôi ngỡ ngàng vì bất ngờ, từ chối cũng không xong vì vợ nó cứ cò cưa…của ít lòng nhiều để lấy thảo với “anh giai”. Cho đến khi xe chạy, tôi ngóai cổ lại nhìn, hai vợ chồng nó vẫn lặng lẽ ngóng theo. Hai món quà gói vội bằng giấy báo, vừa ngồi xuống ghế là tôi bóc một mảng ra xem, gói thứ nhất là bộ ấm trà Bát Tràng. Gói thứ hai, vừa hé nhìn thấy tôi tê người và buột miệng chửi thề:

– Sư mày…Thằng nón cối.

Và đó là cái niêu đất làng Chu Đậu còn dính mấy…hạt cơm nguội.

Suốt chuyến bay từ Bắc vào Nam, tôi cứ ân hận qua những ân tình của gã. Cũng thực lòng mình, mình tức là cái thằng tôi đây, trong trận chiến giữa “ta” và “địch” vừa rồi, tôi vẫn còn “thua” gã ở cái “tình người”. Tất cả đã đẩy đưa tôi có những suy nghĩ vụn vặt, chẳng thể chối bỏ, về những người kẹt lại năm 54, làm thế nào được khi mà ý thức hệ, thể chế và 20 năm chiến tranh đã để lại cho tôi những cái nhìn phiến diện và lệch lạc giữa kẻ đi, người ở. Tôi và họ, trong cuộc chiến chẳng có gì để mà chọn lựa, không đứng bên này thì cũng ở bên kia, và vô hình chung đành chịu trận giữa hai lằn đạn.

Vậy mà mới hôm nào đây, tôi gặp họ ở bến phà Tân Đệ, bên dòng sông Hồng, trong một ngày không nắng cũng chẳng mưa, con sông mát rượi, mặt nước dập dờn như gợn sóng, qua kè đá phủ rêu xanh trơn trợt, ở đấy, tôi bắt gặp những dấu chân rất người.

***

Về đến Sài Gòn, với người kẹt lại năm 54, tôi tòan gặp những chuyện thổ tả…

Nhẩm tính sổ nợ đời thì còn rơi rớt lại thằng anh họ. Tôi gọi nó bằng thằng vì trước cũng một thời ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu, học cùng trường, nên mày tao chi tớ là vậy. Họ nhà tôi đâu phải họ nhà tôm, cứt lộn lên đầu! Ấy vậy mà nó học giỏi thần sầu, riêng khỏan láu tôm láu cá nhất Bắc Kỳ nhì Đông Dương không ai ngoài nó. Nay vật đổi sao rời, quỷ tha ma bắt, tôi chịu chẳng hiểu nổi mồ mả của dòng họ tôi táng ở huyệt hàm rồng nào mà nó leo núi vượt đèo, đào khoai móc sắn quơ quào được cái quân hàm thượng tá của quân đội nhân dân. Chưa hết, nó lại có tên trong quân sử qua trận đánh Ban Mê Thuột mù trời dậy đất năm 75, trong khi cái thằng tôi vắt vai chỉ lẻ bóng có cái hoa mai vàng, không bị tống vào trại cải tạo nhờ phúc đức ông bà để lại…

Qua chuyện họ hàng hang hốc kể lại, muốn gặp mấy bố cách mạng quan to súng ngắn này thì còn khó hơn gặp người cõi trên. Lại nữa, năm 75, tôi bỏ của chạy lấy người, mới lóp ngóp về đây, láo ngáo như người khách lạ trên chính quê hương mình. Không lẽ gõ cửa cháo ám nhà nó để quấy quả, để nghe nó hát đồng dao, nói chuyện…lịch sử, mà trong sách vở đã rạch ròi: “Lịch sử là gì?”, và câu trả lời ngắn ngọn rạch ròi là: “Lịch sử là chuyện kể của kẻ chiến thắng!”. Trang sử cuộc nội chiến Nam Bắc đã lật qua, dù sao nó cũng là thằng anh con ông bác ruột, không gặp không xong. Lại nữa, tôi vừa mới đi thăm mồ mả tổ tiên về, hương đèn còn đấy, khói nhang còn mờ mịt gió mây. Và tôi gọi điện thọai mời nó đi ăn, nếu sau đó có đấm mõm nó thêm tí ti hủ hóa…bia ôm, thì cũng chẳng chết thằng răng đen mã tấu nào. Tôi nghĩ vậy!

Đến đón tôi bằng xe Honda, người to hơn xe, con nhà võ có khác, dáng đi gù gù như gấu, khuôn mặt đôn hậu, nụ cười hiền hòa. Riêng cái bắt tay làm ấm lòng người khiến tôi như trút được một gánh nặng, vì đã nghĩ quẩn về nó như đã nháo nhào ở trên. Mà cha mẹ ơi, thằng này lè phè thấy rõ, quần jean, áo bỏ ngoài quần, vậy mà đầu chơi nguyên con…cái nón cối có gắn ngôi sao đỏ màu nước vỏ lựu máu mào gà. Tôi đùa dai: “Thủ trưởng làm gì mà “sịn” quá thể vậy”. Nó cười tươi cho biết hôm nay kỷ niệm ngày “Tây Nguyên Ta Giải Phóng”. Tôi nhủ thầm, chết mẹ, tự nhiên rủ nó đi “liên hoan” đúng vào cái “ngày treo cờ đỏ”. Đúng là cầm cu cho chó đái, may mà chỉ có riêng tôi với nó.

Nhưng chẳng may gì, vừa bước vào quán, tôi thấy hai thằng bạn của nó đã ngồi phục kích ở đấy tự bao giờ. Tôi chột dạ, thôi rồi, mình bị gài độ, bị bề hội đồng là cái cẳng. Cái trò con tiều này thì xưa như trái đất, nhưng cứ để xem lũ chuột đồng này nó quậy ra sao đã. Nên tôi giả ngu giả điếc, bình thản bước tới và sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi. Dẫu gì tôi cũng là thiếu úy quân nhân biệt phái, chưa bắn một phát súng, nhưng nhập trận là phải…chơi đẹp.

Thằng anh họ tung tẩy giới thiệu với tôi đó là hai sĩ phu Bắc Hà của đất nghìn năm văn vật. Một tên trong hội nhà văn, tham quan đế quốc Mỹ năm rồi, tên họ nghe như chum kêu chậu vỡ. Mà thằng này cũng ma bùn, chẳng “liên hệ” gì, gặp lần đầu, cứ như quen nhau tự kiếp trước, ồn ào, đốp chát ngay để người nghe có lúc sượng mặt, khô người. Còn tên kia là Bắc Kỳ 2 nút. Vô duyên đối diện bất tương phùng, trước là giáo sư phó tiến sĩ ngồi ở viện cóc nhái gì gì đó, cũng mới ra biên chế, nên đang là “ẩn sĩ”. Chắc là dân “nòng nợn nuộc” làng Cổ Nhuế hay Kẻ Noi vì đầu môi chót lưỡi với câu “Óc thằng này nà óc chó”. Nên tôi né, tránh “viện sĩ” chẳng xấu mặt nào. Chung sự tòan là quan chức, cây đa cây đề chốn cung đình, tôi nghĩ chuyến đi này về, tha hồ mà nở mày nở mặt với bằng hữu. Ai nói đi xa về nhà nói khóac đến thầy chạy thì tôi cũng…thua.

Hai anh em tôi ngồi hai đầu bàn, hai cây đa cây đề ngồi bên trái. Bỏ mẹ, còn hai cái ghế bên phải còn trống hóac đợi thằng cốt đột nào nữa đây. Mẹ, của khôn người khó, bị bắt địa thấy rõ, quá cha ăn cướp rồi còn gì.

Mặt trận Ban Mê Thuột…giờ H-1:

Tự nhiên như người Hà Nội, thằng nhà văn búng tay kêu một thùng Tiger, mỗi thằng một cái đùi trừu ướp rượu vang nướng chanh, cứ như dân Gaulois không bằng. Bia mang ra, nó rót tồ tồ vào ly cối rồi đưa lên hướng về phía tôi, giọng Bắc kỳ đểu: “Mừng quan bác…Khúc ruột ngàn dặm nối dài”. Rồi đưa về phía thằng “anh hùng quân đội nhân dân” kiêm anh họ tôi: “Mừng quan anh…Chiến thắng Buôn Mê Thuột”.

Trong khi thằng anh tôi mặt mày cứ phưỡn ra, tôi thầm nhủ: Rồi chiến trường đã được tụi Bắc quân điều nghiên, trận địa đã được tụi nó chọn sẵn là Ban Mê Thuột. Còn Nam quân là cái thằng tôi thì như cá nằm trong rọ, nằm đợi tụi nó khai hỏa, tụi đặc công vẫn chưa thấy ló mặt, mới chỉ thấy pháo Tiger bắn dọ dẫm. Tôi lắc đầu nhủ thầm, chuyện nhỏ, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ này, như muỗi đốt gỗ và tôi cầm chai bia dốc ngược tu cái một, thằng nhà văn củ cải chộp liền, vác sơn pháo 82 ly ra nã tức thì:

– Bác đừng nốc bia như ở bên ấy, ở đây nó chửi đấy. Bác phải ề à nâng lên hạ xuống, nhấp nháp rồi lau mép, xúc miệng vài câu chửi thề rồi mới khà một tiếng…

Tôi đang bí lù, nó trấn áp và giáo điều thêm:

– Bố phải trở về nguồn, phải nói năng đéo lắt, bụi bụi một chút. Phải trở về với dân tộc tính, bố ăn uống phải đầu gối quá mang tai, phải xụp xọap như heo xục cám, nhai xương phải nhai rau ráu như chó gặm…

Tôi bị pháo kích phủ đầu đến chóng mặt, đinh tai nhức óc. Ắt hẳn thằng nhà văn cũng cảm thông như vậy, nên tạm thời ngưng chiến da beo, gắp cho tôi một lát rau Đà Lạt tươi mát, lát cà chua đỏ tươi. Tôi dại dột buông một câu “cảm ơn”.

Thế là nó vác B-40 nã ầm ầm:

– Thượng đế ơi, Ngài chỉ được cái lịch sự nhảm, nghe chán bỏ mẹ. Thượng đế “chiêu đãi” tụi này thì cảm với cúm gì nữa hở!

Bá ngọ cái thằng bán cái này, nó lọan ngôn loạn chữ, tôi có “chiêu đãi” tụi nó hồi nào đâu? Nó rải đạn như sương sa hạt lựu để tôi là thằng chi tiền. Mà cái thằng dân Hà Nội vỉa hè, miệng lưỡi như vẹm, thằng nào thằng nấy nói năng cùng một sách vở như con vẹt: Nó réo tôi từ “bác” qua “bố”, bây giờ khơi khơi phong vương tôi là “Thượng đế”.

Nhưng phải công nhận, chữ nghĩa tụi nó gọi “Buôn Mê Thuột” chuẩn xác hơn…ta.

Mặt trận Ban Mê Thuột…giờ H-2:

Cũng vừa lúc có hai con nhạn là đà tới, mặc quần áo dân sự, nhưng khi được giới thiệu thì hóa ra cá mè một lứa. Cũng anh hùng Tây Nguyên khỉ gió nào đó, chẳng cần biết lon lá, tôi cứ gọi hai thằng là “thủ trưởng” cho êm. Mặt trận cánh tôi có hơi lắng dịu một chút, nhờ có mặt của hai tên thủ trưởng này, nhưng tôi vẫn phập phồng lo ngại…

Vì rằng tụi Bắc quân vẫn chưa lộ diện, sư đòan 310 còn đang ở phía bắc, bên kia biên giới, sư đòan 968 và 320A đang lẩn quất đâu đây ở phía đông, nhưng không khí chết chóc bao trùm thị trấn nặng nề, ngộp thở đến đáng ngại. Chờ đợi và lo lắng…

Vì tụi nó đang họp kiểm thảo chính trị nội bộ, triển khai rút ưu khuyết điểm. Chưa uống hết ly bia, hai tên thủ trưởng khai pháo trước. Tụi nó nghiêng về phía tướng Trần Độ, và dè bĩu ông cai đồn điền cao su Lê Đức Anh. Trận Căm Bu Chia, ông này mới chỉ là đại tá, không đáng xách dép cho ông tướng về hưu, một mình một ngựa đang múa thương như Triệu Tử Long trong trận Đương Dương Trường Bản. Còn hai nhân sĩ Bắc Kỳ thì ôm khư khư lấy Bùi Tín, một Tô Tần tân thời, đang uốn ba tấc lưỡi ở bên trời Âu để đi tìm một hậu thuẫn chính trị quốc tế nào đấy. Bức tường Bá Linh đã đổ, bất chiến tự nhiên thành, tất cả đang rục rịch sắp sếp cho một cuộc đổi thay êm thắm nay mai.

Nhưng tôi biết tỏng tụi nó đang bất mãn kinh niên. Vì thời buổi “nhất phe nhì cánh” để ăn trên ngồi chốc, mấy bố lại bị treo niêu về hưu non ngồi chơi sơi nước, nên hóa rồ nói chuyện “phản kháng” cho sướng miệng đấy thôi. Thế nhưng cũng phải thầm công nhận để ngậm tăm, chẳng dám nói hở với ai vì sợ bị chụp cái nón cối thì vỡ mặt. Là tụi nó tư duy logic, lập luận gẫy gọn hay ra phết. Tụi nó ăn nói bài bản đâu ra đấy, chữ nghĩa bề bề, ngẫu hứng qua cầu, chấm phá bằng thơ phú, điểm thêm một, hai câu ca dao đầy tình tự dân tộc…Như viện sĩ phó tiến sĩ có châm chọc “Thằng này thiếu văn hóa, ngu như nợn” thì quan võ cũng chỉ nhẹ nhàng “Từ ngày cách mạng mùa thu – Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy”. Đến cớ sự này thì thằng anh họ tôi phải hòa đồng hòa giải dân tộc, không nên dân chủ đa…mang quá, chỉ làm lợi cho…địch.

Không biết nó có chơi chữ với tôi không vì nó đâu biết rằng, thằng Ngụy tôi đang ngồi chồm hổm trên đống lửa và cũng đang sợ thọt dái lên đến tận cổ. Tụi nó rượu vào lời ra, đổ nợ không biết chừng: Vì tụi “bò vàng” ngồi lảng vảng đâu đây, chúng nó mà nhúm thì thằng “Việt kiều yêu nước” như tôi, lạng quạng dính trấu là cái chắc. Nên tôi rét thật tình, tai bay vạ gió, một cổ đôi tròng, hú họa dám thành là người của mặt trận này, mặt trận kia…Nay mai chường mặt lên báo, rồi vang danh bốn bể chứ đâu có đùa.

Cũng may vừa lúc hai thằng thủ trưởng gọi thêm đồ ăn thức uống. Lại nữa, cũng chẳng may gì! Vì chúng nó kêu…”đại” cho mỗi thằng một con cua bể Hải Phòng, con nào con nấy to bằng cái đĩa Tây và một thùng Heineken ướp lạnh…

Thế là từ phía đông thị xã, tiền pháo hậu sung, sư đòan 968 thọc ngang hông, cắt đôi lực lượng Nam quân làm hai, hỏa tiễn Heineken 122 ly tụi nó quất ngập đường ngập phố dọn đường cho tank cua bể T-54. Sư đòan 320A tập hậu, bọc vòng ngòai vừa để công đồn đả viện, vừa làm nút chặn với dàn 12 ly 8 và 14 ly 5, chúng bắn như đĩ, đạn phòng không đan như lưới. Mẹ, con ruồi cũng chui không lọt huống chi cái thằng tôi…

Tôi, tứ bề thọ địch, vừa lo tránh pháo vừa lẩm nhẩm ước tính thiệt hại quân số:

Hỏa tiễn và phòng không tôi coi như pha, ê càng nhất là cua bể T-54: Trong túi sẵn có mấy trăm ngàn, sáng nay mới đổi 100 đô, vị chi có hơn hai triệu, một trăm ngàn một con cua bể, sáu con là quá lóng chóng số tiền dằn túi chứ còn mẹ gì nữa. Nhưng sau hai giờ đụng trận vẫn còn…tử thủ được, đạn được súng ống dư xăng. Mặc dù vố này tụi nó chơi tôi hơi nặng, tôi vẫn cầm chai bia cụng với hai thằng thủ trưởng cái cốp. Nhưng trong bụng lẩm bẩm chửi đổng hai thằng sư trưởng của sư đòan 968 và 320A: “Sư hai anh nón cối. Hai anh chơi thế này thì chơi với ai”.

Mặt trận Ban Mê Thuột…giờ H-3:

Nhưng tôi vẫn hồi hộp vì chưa thấy tăm hơi sư đòan 310 đâu sất cả?

Bỗng tôi thấy thằng anh họ thượng tá thì thầm gì với “người” phục vụ viên. Thầm thì quái gì mà lâu quá thể vậy hả giời, tôi nín thở qua sông và nghĩ: Mẹ! Điệu này tụi nó chơi trò xa luân chiến thì bỏ mạng sa truờng, không có đất mà chôn. Y trang, “người” phục vụ biến mất, một lúc lâu sau, lâu lắm, tôi muốn bá thở và lặng người đi, khi thấy “người” mang ra một chai Cordon Bleu cỡ một lít, to đùng, và một cái lẫu ba ba bự sự.

Rồi, vậy là sư đòan 310 tân lập hay F10 đã lộ diện qua chai Cordon Bleu AT3, lọai hỏa tiễn hiện đại nhất, nằm chềnh ềnh trên Molotova mười bánh. Riêng hỏa tiễn 122, Sam7 lẫu ba ba thì không kể. Chúng vừa vượt qua biên giới, từ phía bắc kéo xuống. Ba mũi giáp công cùng hai sư đòan 968, 320A với biển người trong tiếng hò hét vang dội, lẫn tiếng xích sắt ken két ầm ầm của tùng thiếc, cùng tiếng sơn pháo ì ầm từ hướng phi trường. Quận Phụng Dực bị tràn ngập, con đường huyết mạch dẫn vào thành phố bị bỏ ngỏ…Ban Mê Thuột như sợi chỉ treo chuông, không phải hằng ngày, hằng đêm mà từng giờ mà từng phút, với sức ép của ba sư đòan Bắc quân vào một buôn Thượng nhỏ bé làm đầu cầu. Đó là chưa kể sư đòan 316 đang tiến vào để tăng viện từ Nghệ An.

Thằng sư trưởng sư đòan 310, chính là thằng anh họ khốn khiếp của tôi dứt điểm không thương tiếc bằng chục trái B40 vào thị xã, tiếng nổ long trời lở đất, ù tai mờ mắt. Ngay lúc ấy, tôi thầm nghĩ: Tiêu rồi! Coi như xong, tôi đã đi hết láng vào canh bạc chót này… Đúng là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, vì tôi tự biết rằng, mình vừa mất béng một trăm đô la tiền tươi cho chai rượu ngoại…vô duyên kia.

Mặt trận Ban Mê Thuột…giờ H-4:

Bắc quân hòan tòan làm chủ tình hình thị xã Ban Mê Thuột…

Trong khi chúng đang say men chiến thắng, cười nó hô hố, ăn uống ồn ào, tôi lẳng lặng chui vào…cầu tiêu. Mặt mày táo bón, bụng dạ cực kỳ xốn xang để không hiểu nổi: Gặp người dưng nước lã thời đi nhẹ về nặng. Gặp người trong họ thì không chết cũng bị thương. Mà tụi này cũng chơi ép quá, lấy thịt đè người, sức người có hạn và tụi nó cũng đã đi quá đà. Mẹ! Chắc phải…nói chuyện phải quấy với tụi nó quá, nếu cần răng đổi răng, mắt đổi mắt. Và tôi nghĩ vậy. Nghĩ vậy nhưng củ cải cái đầu đất ùn tắc của tôi, cứ chậm tiêu nên bí đặc, không động não động tình tí nào. Bèn tự than thầm, từ Bắc vào Nam, không lẽ chết dí ở cái lỗ chân trâu này sao hở giời. Cuối cùng thì các cụ ta xưa dậy cấm sai bao giờ, ấy là cùng tắc biến, biến tắc thông và khi không tôi nhẩy nhổm lên quên cả…kéo quần.

Ấy là trong một giây phút yên sĩ phi lý thuần, đang mặt mày bí rị tôi bật ra cái ý tưởng: Tụi Bắc quân vừa phạm phải một sai lầm chiến thuật chết người của Nã Phá Luân và Hít Le, là mang quân quá sâu vào đất địch, để sa lầy vì không có…”tiếp liệu”.

Đến như Hàn Tín luồn trôn cũng phải lắc đầu chào thua, đã đến lúc phải phản công. Tôi kéo quần lên và đi ra, tôi diễn xuất màn khổ nhục kế của Hàn Tín, xoa tóc vuốt mặt cho đầu bù tóc rối, vò áo xốc quần cho xốc sếch, đúng như một…”tù binh” có thật. Tôi bước thất thểu, chân cao chân thấp, mặt mày thảm não, như chưa bao giờ sầu thảm đến như thế. Tôi đi về phía tụi nó thật chậm, đọan đường chiến binh thật dài. Qua chỗ ngồi, không ngừng lại…Tụi nó nhìn tôi ngạc nhiên, tưởng tôi say sỉn, thằng này ngó thằng kia…Ghé sát tai thằng anh họ, tôi học thói thằng nón cối em họ chị tôi:

– Báo cáo anh! Đau bụng quá! Phải chém vè thôi…

Qua thằng anh họ…Điều tôi muốn nhắn nhủ với tụi Bắc quân là: “Chúng tôi là kẻ bại trận, nên không thể như Đặng Tiểu Bình để dậy các anh một Bài học lịch sử. Các anh đánh đâu thắng đó, từ Điện Biên Phủ đến Ban Mê Thuột. Nhưng rất tiếc, di tản chiến thuật là nghề của chúng tôi, chúng tôi là:…bậc thầy”.

Và tôi ngạo nghễ đi ra cửa. Như tráng sĩ sang Tần, một đi không trở lại:

Kinh Kha quán lạnh, sầu nghiêng chén

Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay

Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự

Giày cỏ gươm cùn Ta đi đây

***

Giầy cỏ gươm cùn Ta đi đây…Đi đâu chưa biết, nhưng muốn ghé Lái Thiêu thăm cô em gái kết nghĩa của bà chị tôi thì phải đợi đến cuối tuần. Cuối cùng thì ngày ấy cũng tới, trời xanh, mây trắng, nắng vàng, tôi rong ruổi đi về một nơi chốn đầy tình người.

Qua Thủ Đức…Tôi bồi hồi lắng đọng về một nơi chốn xưa cũ, con đường tình ta đi như suối Lồ Ồ ngày nào. Ngày nào…Tôi có một mối tình học trò với một cô bé Trưng Vương, có đôi mắt buồn muôn thuở, để rồi…em tan trường về đường mưa nho nhỏ. Từ đấy…Tôi gắn bó với những âm hưởng của Phạm Thiên Thư với…lên non tìm động hoa vàng. Và bây giờ…Tôi đang não tình với cô Bắc Kỳ nho nhỏ, đang nặng nợ với một Nguyễn Tất Nhiên để vấn vương, vương vấn…em buồn như ma-sơ…

Đứng trước hiên nhà, mùa xuân đã trở lại, dàn hoa vàng của những chùm hoa vông vang ẩn mình trong nắng hanh. Một hình bóng ẩn khuất bấy lâu, đâu đó đang mời gọi… “Mận hỏi thì đào xin thưa – Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”. Và tôi gõ cửa thật nhẹ…Cửa mở thật êm và như đêm giữa ban ngày. Giời ạ, ông giời có mắt xuống đây mà xem, mộng dưới hoa của tôi lừng lững xuất hiện và tôi lặng ngắm từ dưới lên trên:

Chân mang dép Bình Trị Thiên. Tay cầm cái cuốc. Đầu đội…chiếc nón cối.

Thạch trúc gia trang

Phi Ngọc Hùng

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search