T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Con chồn và vườn nho…

clip_image002

Trên Đỉnh – Tranh : Mai Tâm

Ngày đầu năm trở lại làm việc, đồng nghiệp gặp lại nhau rất vui và thân tình. Cô bạn người Mễ trẻ hơn tôi đến hai mươi tuổi, không chừng còn trẻ hơn nữa. Nhưng lại là người đang training cho tôi vì tôi mới làm ở đây được có hai tháng. Cô ấy cũng chào hỏi mọi người trong tình thân đồng nghiệp; chỉ riêng tôi có món quà nho nhỏ đầu năm. Thật là ngại cho tôi là người đang thọ giáo mà lễ tết chẳng có quà cáp gì cho sư phụ ngoài những lời chúc an lành gởi đến cô và gia đình trong mùa lễ. Nhưng không nhận lại khó hơn khi người tặng tỏ ý không muốn ai biết!

Tôi miễn cưỡng nhận, cất biến vào ký ức cho đừng ai biết về món quà phi vật chất nhưng nhiều ý nghĩa này. Tôi chỉ nói với cô ta, “hình như bạn gầy hơn trước hôm nghỉ lễ!” Cô ấy nói, “Tôi rất sợ nghỉ lễ dài ngày vào dịp cuối năm vì cứ ở nhà ăn với ngủ thì thể nào cũng lên cân. Nhưng năm nay, vợ chồng tôi phải thay phiên nhau ở trong bệnh viện với đứa con bị sưng phổi. Thật may mắn là cháu đã khoẻ lại, được về nhà chiều hôm qua. Vợ chồng tôi ngủ như chết tới sáng hôm nay để đi làm. Phải nhờ mẹ tôi đến để trông chừng cháu bé.”

Nghe cô ấy nói, tôi cứ nhớ lại lúc vợ chồng tôi còn trẻ, cũng cực ơi là cực với con nhỏ. Nhưng khi thấy thảnh thơi được chút đỉnh nhờ con đã lớn thì những dự định sẽ làm khi con đã lớn cũng phai nhạt dần. Có lẽ, không ở đâu trên thế giới làm cho người ta thấy cuộc sống, cuộc đời ngắn ngủi bằng ở Mỹ vì nhịp sống quá nhanh, tất bật… nhìn lại những ham muốn như còn mới nguyên, nhưng đã hết hứng thú vì tuổi tác.

Tới giờ làm, tôi nói với cô ta, “bạn lo giấy tờ đi. Việc này tôi đã làm qua và còn nhớ nên không cần bạn hướng dẫn.” Tôi mở máy, bắt đầu làm việc. Tôi biết cô ta cũng điên đầu với giấy tờ chi mà nhiều thế, nhất là ngày đầu năm mới. Còn tôi, rất vui trong bụng vì việc làm mới này khá thích hợp với mình, nhẹ nhàng hơn việc cũ, lương khá hơn, lại may mắn được làm chung với những người Mỹ đen nhưng không lười, và rất có tình đồng nghiệp là họ không những luôn sẵn sàng giúp người mới lại còn che giấu cho tôi những sai trật của người mới để ông sếp già đừng biết tôi đã làm sai nên bị hư đồ part nhiều tới mức nào!

Mấy anh bạn Mễ cũng đều hiền lành, ở đây ai cũng làm lâu năm nên mạnh ai nấy làm. Nhưng khi tôi có khó khăn gì, máy tôi đang chạy có trục trặc gì, thì gọi bất cứ ai họ cũng đến giúp tôi, nhiệt tình, thân mật. Nếu (ai cũng vậy), khi họ thấy máy tôi đang chạy có vấn đề thì họ dẫn tôi lại máy mà họ đang chạy, chỉ cho tôi chạy. Còn họ sẽ làm việc với cái của tôi để đối phó với vấn đề mà cái máy đang mắc phải vì họ có kinh nghiệm hơn tôi. Thật là những đồng nghiệp đáng nhớ trong đời bấm thẻ ở Mỹ. Riêng cô bạn Mễ – là sư phụ tôi. Cô ấy ít nói nhưng để ý đến tôi từng chút vì cô ấy sợ nguy hiểm cho tôi. Lúc nào làm đồ mới, cô ấy chỉ tôi qua loa vì tôi cũng sáng với máy móc lắm, nhưng cô ấy căn dặn tôi rất kỹ về những tai nạn có thể xảy ra khi tôi chạy món đồ part mới này! Cô ấy cũng phải làm việc với máy của cô ấy, không ăn thêm lương training cho tôi; thậm chí việc chỉ dạy cả nghề nghiệp, kinh nghiệm, và an toàn lao động cho tôi chỉ làm cô ta mất thời giờ, dẫn đến thiệt hại cuối ngày là sản phẩm do cô ta làm được trong ngày sẽ bị ít đi; ảnh hưởng tới việc lên lương theo năm của cô ta, và mất việc làm khi hãng xuống…

Từ một người bạn trẻ, khác màu da, tiếng nói. Nhưng tôi học được từ cô ấy nhiều hơn những kinh nghiệm nghề nghiệp là thái độ sống, cách đối xử trong xã hội Hợp chủng quốc này. Không phải tôi được đối xử tốt thì nghĩ tốt về riêng cô ấy mà tôi nghĩ lại về những suy nghĩ không tốt của mình trước đây với người Mễ… Tôi nghĩ nhiều đến việc ngoài khả năng mỗi người có thể chứng minh được về mình trong mắt người khác là một người tốt; người sống ở nước Mỹ – Hợp chủng cũng cần để ý đến cá nhân mỗi người đều là đại diện về cộng đồng, dân tộc họ trong mắt nhiều dân tộc khác cùng sống trên đất Hợp chủng này.

Còn hai người Việt nam làm chung thì khỏi nói, đồng hương với nhau nên họ chỉ tôi nhiều chiêu độc để làm sao cho nhanh, chính xác, nhưg không nguy hiểm cho mình. Tôi biết ơn hai đồng hương, đồng nghiệp này lắm! Chỉ mỗi một câu mà cả hai người cùng thường nói với tôi, nhưng tôi không thích là khi tôi hỏi hai người anh em Việt nam một điều gì, rồi họ cũng chỉ, hướng dẫn tận tình… nhưng thường mở lời với câu, “Tại anh là người Việt nam nên tôi mới nói cho anh biết, chứ Mỹ đen hay Mễ hỏi tôi. Tôi không nói đâu!” Dường như tôi thấm thía hơn về dân tộc tính của mình so với những gì học hỏi được từ hai đồng nghiệp Việt nam.

Nhưng dù sao tôi cũng đã may mắn có được một chỗ làm khó kiếm cho người không có bằng cấp chuyên môn như tôi. Tôi rất hài lòng với việc làm. Những ngày cuối năm rảnh rỗi, tôi search trên mạng để mua thêm mớ đồ nghề chứ toàn xài đồ mượn của đồng nghiệp, tôi ngại lắm vì tôi cũng từng làm thợ nhiều nghề. Tôi rất hiểu việc người thợ có thể cho bạn làm chung cái búa mà mình có dư, nhưng cái búa đang xài thì thậm chí không thích cho mượn… chỉ vì nó quen tay.

Nhưng ở đây, không khí làm việc và đồng nghiệp quá dễ thương. Những lời thăm hỏi tôi của ông già Mễ sáng nay sẽ còn mãi trong tôi cái tình người dạt trôi mà tôi cũng như ông. Sau khi chào hỏi nhau vào một sáng đầu năm trở lại làm việc, ông ấy hỏi tôi, “đã bao lâu bạn không về thăm nhà bên Việt nam? Chắc bạn nhớ nhà lắm, và người thân cũng nhớ bạn lắm…!” Một câu hỏi chân tình của người bạn Mễ đã già, nhưng tôi ưa hiểu ngôn ngữ không chữ viết hơn nên thành ra đó là tự sự của ông đã nhiều năm không có cơ hội về Mễ để thăm gia đình…

Rồi chợt nhớ tới anh bạn Mỹ trắng, vô làm sau tôi chừng một tháng. Rõ ràng là sáng sớm tôi có thấy anh ta, đi trước tôi mươi bước trên hallway và quẹo vô phòng ăn để cất giỏ lunch. Tôi đi luôn vô xưởng vì không có giỏ lunch, và định bụng chào hỏi anh ta sau. Sao giờ đây không thấy! Linh cảm tôi rất nhạy với những biến chuyển khác thường nơi làm việc! Tôi gọi cho John – tên anh ta. “Hey, John. Hồi sáng, tao thấy mày vô… chưa kịp hỏi thăm mày. Bây giờ mày đang làm ở đâu?”

“Bà Sue gặp tao trong phòng ăn. Bà ấy nói tao khỏi bấm thẻ vô mà về luôn đi! Production down. Khi nào có việc thì bà ấy sẽ gọi tao trở lại làm…”

Tôi biết cả rồi! Cả phân xưởng mà tôi đang làm việc, toàn bộ đều là công nhân chính thức với ai nấy đều từ năm năm trở lên đến ba mươi lăm năm đã làm ở đây! Chỉ tôi là công nhân tạm thời được hai tháng, John một tháng. Hai thằng tôi đi là cái chắc!”

Nên khi tôi thấy ông sếp đến chỗ máy tôi đang chạy là tôi biết xong game ở đây! Ông ra dấu cho tôi lên văn phòng gặp ông. Tôi liền ngưng việc, đi thu gom mấy món đồ nghề mà tôi có – và gởi lung tung trong những tủ đồ nghề của những người đã làm lâu; cũng là bắt tay cảm ơn mọi người đã giúp tôi trong thời gian qua. Mong có dịp gặp lại!

Tôi bước vô văn phòng. Ông sếp nhìn tôi đã cầm sẵn trên tay túi đồ nghề tập sự, hộp thước đo của thợ tiện… Ông sượng. Nên tôi vui vẻ lắm, “Chỉ vài tháng đầu năm thôi. Rồi tôi sẽ trở lại làm việc với ông. Thế là những lời tốt đẹp của ông được dịp tuôn ra dễ dàng…, “Tôi thừa lệnh cấp trên, giảm 20% nhân viên trong phân xưởng do tôi chịu trách nhiệm. Rất tiếc tôi không có cách khác. Bà Sue có nhờ tôi xin với cấp trên để giữ ông lại, vì ông là bạn của bạn bà ta gởi tới. Nhưng tôi thành thật xin lỗi là không giúp gì được cho ông…”

Tôi cảm ơn, chào từ giã sếp. Lên phòng bà Sue trả thẻ để về nhà ăn tiền thất nghiệp. Thật tội nghiệp cho những người tốt bụng. Bà ấy cứ xin lỗi mãi – làm tôi đau lòng hơn cả việc tôi bị mất việc làm. Những người tốt bụng trong trời đất còn nhiều hơn tôi nghĩ, hay chỉ là tôi may mắn! Bà ấy cứ lập lại, “Tôi xin lỗi đã nhận ông từ bạn tôi là bà Macy. Nhưng chỉ giữ ông được ở đây hai tháng. Lý do…”

Điều quan trọng nhất mà tôi lắng nghe bà Sue, “Tôi đã gọi bà Macy. Nhờ thu xếp cho ông việc làm. Tôi hy vọng đã được vì bà ấy vừa gởi email cho tôi, bảo chuyển hết hồ sơ của ông về cho bà ấy! Bà ấy dặn tôi nói với ông: Gọi cho bà ấy sau muời giờ hôm nay…”

Chào tạm biệt, cảm ơn bà Sue. Tôi lái xe về nhà. Lòng không buồn tí nào mà lại rất vui với hai lẽ. Lẽ thứ nhất là lần đầu tiên bị lay-off ở Mỹ, dù đã hơn hai mươi năm nhưng như mới hôm qua! Tôi lo sợ thật! Trời ơi, tiền đâu trả tiền nhà, tiền xe, tiền gởi con ở Daycare… Nhưng nhớ nhất về người đàn bà bị dị tật bẩm sinh, (xin lỗi là tôi đã quên tên bà vì đã mấy chục năm). Bà lo về kế toán và cả nhân sự của hãng tôi đang làm lúc ấy. Bà gọi tôi lên văn phòng vào sáng một thứ năm, tháng mười… “Tôi xin lỗi phải báo cho anh biết một tin buồn. Hãng chúng ta đang trên nguy cơ phải đóng cửa, nên ông chủ quyết định giảm người, và trong danh sách giảm người đó có tên anh.”

“Tôi chấp nhận.” – Tôi nói.

“Cảm ơn anh đã thông cảm cho hãng và cả tôi. Những điều tôi có thể làm được cho anh, xin anh lắng nghe… Đây là check tiền lương của anh tuần trước và tuần này. Dù hôm nay mới sáng thứ năm, nhưng tôi tính lương cho anh tới chiều mai là thứ sáu – cho trọn hai tuần lương; Đây là check hai tuần Vacation của anh trong năm nay, dù bây giờ mới tháng Mười; Còn đây, là check hai tuần lương – dù không làm nhưng ông chủ gởi tặng anh để đổ xăng đi kiếm việc làm khác…; Còn đây, là tất cả những gì riêng tôi có thể làm cho anh. Chúc anh may mắn!”

Tôi cảm ơn, chào từ giã người đàn bà tật nguyền nhưng tốt bụng tới cảm động… rồi lái thẳng ra quán cà phê. Lòng tôi lo âu về cuộc sống gia đình rất nhiều. Nhưng chính người đàn bà tật nguyền bẩm sinh đó đã cho tôi niềm tin vào nước Mỹ mà tôi mới đến định cư được vài năm. Món quà riêng bà tặng cho tôi là lá thơ bà viết rất ngắn gọn, và copy ra cho tôi tới chục bản – với lời dặn dò, “Anh đi xin việc ở bất cứ đâu, cứ điền đơn xin việc nhưng nộp kèm theo thơ tay của tôi.” Nội dung thơ đơn giản như lòng tốt của người Mỹ, “Kính gởi những hãng xưởng ở Dallas. Vì lý do hãng chúng tôi đang khó khăn nên tạm thời cho công nhân nghỉ bớt. Xin giới thiệu đến qúy hãng: Đây là người công nhân mà chúng tôi sẽ gọi trở lại làm việc đầu tiên khi chúng tôi có lại việc làm. Nhưng trong lúc khó khăn của chúng tôi và người công nhân này, kính mong qúy hãng giúp đỡ. Chân thành cảm ơn.” Bà ghi rõ tên họ của bà, chức vụ trong hãng, số điện thoại để ai đó nhận tôi có thể liên lạc với bà để biết rõ hơn về tôi.

Tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê thất nghiệp đầu tiên ở Mỹ, lòng rối bời với tương lai cuộc sống, nhưng niềm vui về nhân bản của xứ sở này đã vực tôi dậy. Đứng lên chứ sợ gì! Trong tay có check sáu tuần lương – không phải đi làm; lại kèm theo cái thơ tay mang lời giới thiệu quá thuận lợi cho mình, chẳng lẽ sáu tuần không kiếm được việc làm khác trong xã hội toàn người tốt bụng này sao!

Nhưng theo thời gian sống ở đây, việc bị lay-off diễn ra thường xuyên đã làm lu mờ cái lẽ thứ nhất là nỗi lo âu của người mất việc được mọi thành viên trong nhà động viên, chia sẻ; được người bản xứ đối xử đến cảm động… Những điều tốt đẹp trong đời sống dần mất đi, để thay thế bằng cái lẽ thứ hai rất… đáng buồn, là hay tin mình bị lay-off , lòng riêng mừng như mở hội, không còn những lo âu xưa cũ cũng chẳng khác nào tự thân đã đánh mất lòng đam mê cuộc sống. Đầu óc liền vẽ ra những ngày tháng huy hoàng trước mặt như, tha hồ ăn chơi, thức khuya, coi phim, đọc sách, đi chơi xa, nhậu thả cửa… thậm chí về Việt nam chơi đã đời rồi mới trở lại Mỹ để xin tiền thất nghiệp (vì tiền thất nghiệp không cho người đi du lịch) – là kinh nghiệm tôi rút tỉa được từ bạn bè bên Mỹ.

Nhưng chính những suy nghĩ, thái độ đó đã làm cho vợ nhà hay tin chồng bị lay-off mà chẳng có lời động viên, chia sẻ nào nữa, vì biết chắc là ông ấy sa đoạ thả cửa tới hết tiền mới chịu đi làm lại, làm cho tình nghĩa nhạt phai theo năm tháng ở Mỹ, và lay-off ở Mỹ là một yếu tố phải trả ra tiền thất nghiệp rất nhiều.Cũng chính vì lẽ đó mà tiền thất nghiệp bây giờ “chua” hơn xưa nhiều lắm! Tiền thì được ít hơn, thời gian cho tiền thất nghiệp ít hơn; nhưng lại phải chứng minh được cụ thể bằng giấy trắng mực đen về việc tôi đã tích cực đi xin việc ít nhất là hai nơi trong một tuần, nhưng chưa có chỗ nhận thì mới được tiền thất nghiệp cho tuần tới. Bằng không là bị cúp tiền thất nghiệp cái cụp.

Tôi về nhà, ngồi luôn nơi ghế cởi giày trong garage mà suy nghĩ về tội lỗi của mình hơn là lo âu mất việc. Ở Mỹ mấy chục năm, người ta văn hoá ra, văn minh lên, còn mình chỉ chai sạn đi. Suy nghĩ tới quên luôn đã qua mười giờ mà chưa gọi cho bà Macy; để bà ấy phải gọi, “Ông tới gặp tôi ngay. Tôi đã xin được việc cho ông. Thậm chí là vô làm luôn trong hôm nay…”

Thế là tôi trở lại hãng cũ, nhớ hai tháng trước. Tôi nghỉ ngày thứ Sáu để đi chơi xa ba ngày. Thứ Hai trở lại- ngỡ ngàng! Cả cái phân xưởng mình đang làm việc ồn ào, náo nhiệt người đông… sao vắng tanh vầy trời! Tôi chạy lên văn phòng để hỏi bà Macy, mới biết ra, phân xưởng tôi làm bị đóng cửa vĩnh viễn rồi! Mấy chục kiếm khách đã trả thẻ giang hồ để về nhà… ăn tiền thất nghiệp. Nhớ bà Macy… cứ nhìn tôi cười cười! Tôi còn nghĩ bà ấy hù doạ tôi. Nhưng khi bà ấy nói, “Bây giờ ông về gọi cho bạn tôi là bà Sue, số điện thoại này. Tôi đã gởi hết information về ông cho bà Sue. Bà ấy hứa sẽ nhận ông theo lời giới thiệu của tôi.”

Rồi tôi cũng chẳng gọi, tranh thủ nghỉ ngơi… tới vợ chỉ mặt thì mình cũng đã được vài tuần, vài tháng thì không dám mơ, nhưng đi chơi, đi nhậu, thăm bạn bè cho thoả lòng nhớ nhau trong đời sống không thấy mặt trời nơi này cái đã… Sáng đi làm cũng phải mở đèn xe, tối về cũng phải mở đèn xe, cả ngày trong hãng chỉ thấy bóng đèn điện. Nhưng mới về nghỉ dưỡng sức được một tuần thì bà Sue đã gọi hăm he, “Bà Macy gởi ông cho tôi. Nhưng không thấy ông gọi, không thấy ông đến gặp tôi. Nếu trong hôm nay ông không đến văn phòng tôi thì tôi dành việc để dành cho ông cho người khác!”

Tưởng sao hôm nay, mới hai tháng sau thôi! Người đàn bà thích cứng giọng nhưng trời lại cho giọng nói quá phụ nữ làm người nghe cười thầm! Hôm nay, lại chính bà ta chuyển tôi về cho bà Macy. Bà Macy tốt bụng nhưng khó tính, giỡn mặt với bà ấy chỉ thiệt thân. Tôi đến gặp bà trên con đường trở về hãng cũ. Lòng biết là sẽ phải làm việc mới chứ phân xưởng của mình đã đóng cửa vĩnh viễn, nhưng lòng lại chẳng lo toan về việc làm mà chỉ nghĩ tới hứng thú gặp lại bạn bè sau hai tháng chỉ gọi điện thoại, vài người ghé nhà tôi chơi, thăm hỏi. Riêng ông bạn Thomas Võ bị té trên nóc nhà mà không rớt xuống đất nên chưa chết, chỉ mặt mày như ả bị đánh ghen… Tôi chọc quê ông ấy chưa đã thì bị lay-off. Nên ông bị té lần thứ hai, chỉ sau khi xa nhau một tháng, cũng từ nóc nhà do già còn xí xọn, leo thang giăng đèn Giáng sinh. Ông nằm thẳng cẳng trên bãi cỏ trước nhà – tới người qua đường thấy được thì vô bấm chuông nhà ông để người nhà của ông trong nhà biết được! Già Thomas đi bệnh viện thăm xương coi cái nào còn, cái nào gãy, may là toàn bộ bộ xương già đã rệu rã nên không gãy. Già về nằm thẳng cẳng trên giường để đì lại bà vợ ưa sai vặt già đã mấy chục năm tình lận đận. Nhưng chỉ được vài hôm, nữ hộ lý già phục vụ dở ẹt, già gọi tôi ra tiệm phở để kể lể về việc té lần hai. Tôi được tô phở với ly cà phê không tốn tiền còn được cười tha hồ… nên cũng không tiếc lời khuyên bạn là ông chỉ còn một lần té nữa thôi vì nhất quá tam! Để thủng thẳng rồi hãy té cho tôi có thời giờ kiếm tiền mà hùn tiền mua hoa với anh em…

Lại từ hãng cũ đi ra nhưng không đi luôn như lần trước đây hai tháng mà từ ngày mai lại phải vô làm, không dám deal với bà Macy cho tôi tới tuần sau đi làm lại. Bởi bà ấy khó tính như tôi nói, “Ông đã nghỉ từ Giáng Sinh qua Năm mới. Hôm nay mới đi làm lại đã gặp rắc rối. Ông không biết là tôi cố gắng lắm mới xin được cho ông vô làm lại hay sao. Ông còn muốn về nghỉ thêm một tuần…”

Âu cũng là số mạng, “bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao” là trả lời tin nhắn tôi vừa gởi cho người bạn khác là, “tôi lại bị lay-off nữa rồi!”

Về nhà ngồi chơi thêm được nửa ngày. Nghĩ tới qua Mỹ mấy chục năm chưa từng được nghỉ ngơi; trong khi ở Việt nam hồi còn trẻ thì lại nghỉ ngơi nhiều hơn đi làm. Đi làm hay nghỉ khoẻ trong cuộc đời như chuyện con chồn với vườn nho trong cổ tích ngụ ngôn mà thôi! Con chồn loanh quanh mãi bên vườn nho được rào chặn quá kỹ, nhưng cũng có một lỗ nhỏ có thể vô được. Nó quyết tâm nhịn đói ba ngày để lọt vô được cái lỗ nhỏ đó! Nhưng sau khi ăn nho phủ phê, con chồn lại phải nhịn đói ba ngày để có thể thoát ra qua cái lỗ đó vì nó đã quá mập. Người ta tham lam, tham làm thì cũng giã từ cuộc đời này với hai bàn tay trắng như lúc đến. Nhưng con người đến và đi khác với muôn loài chỉ ở điểm lưu lại ân tình. Hay chỉ là may mắn được sống ở đất nước mà người này tự cảm thấy có bổn phận giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Có lẽ điều đó làm cho nước Mỹ khác hẳn quê hương mà tôi đã rời bỏ ra đi là người ta luôn chờ đợi sự khó khăn đến với người khác để trục lợi về cho mình. Thật nhớ những ông (bà) Trưởng phòng nhân sự ở hãng xưởng bên Việt nam, họ giàu nhanh hơn nước nổi vì ban phát một việc làm cho ai thì quà cáp, hối lộ phải tới tay họ trước khi họ nhận lời. Những bà Sue, bà Macy… ở Mỹ chẳng cúng chùa, hay bố thí cho ai mà họ vẫn an tâm sống đời bình thường với gia đình, xã hội của họ. Còn những người cùng chức vụ như họ trong nước tôi thì ngày đêm bất an, ngày đi cúng dường cấp trên của họ để giữ được việc làm có chấm mút, đêm về hối lộ thần linh để bớt nhức nhối về đạo đức của mình…

Con chồn và vườn nho, một truyện cổ tích ngụ ngôn luôn nhắc nhở về cái giá của lòng tham và toan tính bất thiện. Nhưng sống lương thiện lại phải có môi trường. Đó là sự khác biệt, một trong nhiều lý do có thể giải thích được vì sao người ta bỏ nước ra đi…

Phan

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search