T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Người thứ tư…

clip_image002

Tranh: Trần Thanh Châu

Chỗ tôi làm việc, có một khoảng trống mà tôi ít xài tới, vì hãng xưởng bây giờ ít trữ hàng nguyên liệu để khỏi kẹt vốn. Khoảng trống càng thấy trống hơn vì tôi không thích bừa bộn, mọi thứ phải ngăn nắp, sạch sẽ cho mát mắt. Nên từ sáng sớm, ông sếp của line bên cạnh đã sang hỏi mượn tôi khoảng trống đó cho lính của ông khui thùng hàng loạt hàng chưa đi đã phải mở ra theo yêu cầu của QC muốn kiểm tra lại trước khi xuất xưởng.

Tôi biết đó là lịch sự của người Mỹ, bởi thay vì ông là sếp thì đi gặp sếp của tôi. Hai sếp đồng ý với nhau thì lính-tôi làm được gì họ. Nhưng ông đã lịch sự thì tôi cũng lịch sự. Tôi nói ông đi nói với sếp tôi một tiếng, vì chỗ tôi làm việc là chỗ mà sếp tôi thường đưa khách viếng thăm nhà máy đến để khoe mọi thứ đều ngăn nắp, sạch sẽ.

Ông đi gặp sếp tôi, còn tôi thì suy nghĩ tới một người bạn làm chung là người Mỹ đen, anh ta từng nói với tôi dạo anh ta được điều tới làm việc với tôi, “Mày đừng có mất thời giờ dọn dẹp, lau nhà chỗ này làm gì cho mệt. Vì tao làm ở hãng này đã hai chục năm rồi. Tao biết chắc là mình làm bao nhiêu cũng chẳng được gì! Nên giờ nghỉ là tao nghỉ; máy đứng là tao nghỉ, bắt tao clean-up thì tao… trốn. Bởi ngày xưa, tụi tao làm thì ít mà lương 18 đồng/ giờ; có người đi dọn dẹp, lau nhà cho tụi tao. Nhưng từ hồi Mễ tràn vô hãng này với mức lương 10 đồng/ giờ; đám lau nhà, dọn dẹp bị đuổi hết vì Mễ ăn cắp job không công. Nên từ đó mới có chuyện thợ phải tự dọn dẹp, lau nhà chỗ mình làm. Bao nhiêu người Mỹ gốc châu Phi bị mất việc vì đám Mễ ngu. Những người còn lại như tao thì đừng nói tới chuyện lên lương, chỉ mong đừng bị kêu lên văn phòng khi hãng xuống là đề nghị về hưu non, không chịu thì xuống lương tụi tao. Lúc nào tụi tao cũng bị canh me để đuổi việc. Tụi Mễ hại tụi tao tới bao nhiêu người mất việc trong tay tụi nó rồi, mày biết không? Tao ghét tụi ăn đậu đã ngu còn ưa bè phái, nịnh bợ… Với mày, tao không có ý nói gì hết. Tao chỉ thấy mày có khả năng hơn công việc ở đây! Sao mày không thử đi xin việc ở chỗ khác cho phù hợp với khả năng của mày. Đồng thời cũng có thu nhập cao hơn. Tao thích mày nên nói cho mày biết là đừng bao giờ tin tưởng hay hy vọng gì ở cái hãng này…”

Tôi chỉ trả lời, “tao quen ngăn nắp, sạch sẽ. Nhiều khi tao nghĩ thời gian tao ở trong hãng còn nhiều hơn thời gian tao ở nhà. Tao làm cho nơi đây trở nên ngăn nắp, sạch sẽ, là làm cho tao vì tánh tao như vậy!”

Nói vậy thôi chứ trong lòng tôi dư biết, Mỹ đen ghét Mễ vì Mễ cũng chẳng siêng năng, giỏi giang hơn Mỹ đen bao nhiêu. Nhưng phe cánh của họ trở nên đông hơn Mỹ đen vì lương họ thấp hơn. Và điều bất lợi cho cánh đen là tiếng nói của Mễ được cấp trên lắng nghe hơn; Đồng thời Mễ ghét Việt nam dù Việt nam trong hãng chỉ loe hoe vài mống, nhưng Việt nam có những ưu điểm mà họ không có, như siêng năng, cần mẫn, chịu khó và thông minh. Hầu như người Việt chỉ bỏ việc khi có việc làm khác lương cao hơn, chứ không ai bị đuổi như Mỹ đen và Mễ vì nhiều sai phạm từ nội quy tới chuyên môn, tinh thần trách nhiệm…

Thôi thì khỏi nghĩ ngợi được gì nữa khi đoàn quân Hợp chủng quốc của line bên cạnh đã ồ ạt kéo tới khoảng trống của tôi hàng mấy chục kiện hàng đã đóng sẵn để xuất xưởng, nhưng bây giờ phải khui ra hết theo yêu cầu của QC thì QC mới dán giấy thông qua (pass) để cho đi.

Cứ mỗi tổ ba người làm việc với nhau thì cái tổ gần tôi nhất như cái tổ ong. Họ gồm một người Mỹ đen, một Mễ, và một Việt nam. Sau khi nghe người QC hướng dẫn cách kiểm tra lại sản phẩm là anh Mỹ đen chộp lấy cái đèn pin ngay. Từ đó anh ta giữ cái đèn pin như vật gia bảo. Phải công nhận là Mỹ đen làm biếng có kinh nghiệm hơn Mễ với Việt nam. Anh chàng Mỹ đen nghe qua hướng dẫn đã biết lựa việc nhàn nhất cho mình.

Họ bắt tay vào việc theo lệnh. Người Mễ khui thùng, mỗi pallet tới một trăm thùng hàng. Anh Mễ khui thùng xong thì anh Mỹ đen cũng chẳng chịu bưng thùng lên cái bàn dã chiến để rọi đèn pin xem có vấn đề gì theo yêu cầu cần coi lại của QC hay không. Anh Mỹ đen bắt anh Mễ phải bưng lên bàn cho anh ta; anh ta chỉ rọi đèn pin loáng qua một cái cho có lệ; rồi ra lệnh cho người Việt nam dán băng keo lại, bưng xuống khỏi bàn và chất lên pallet mới.

Anh Mễ cãi anh Đen là mày kiểm ẩu quá, đưa đèn pin cho tao. Anh Đen đương nhiên không chịu. Anh Mễ hù anh Đen một câu khờ như… Mễ, “hàng bị trả về là mày chịu trách nhiệm!” Câu hù dọa quá con nít vì Mỹ đen có ý thức trách nhiệm bao giờ đâu mà họ biết sợ. Anh ta vẫn tử thủ cái đèn pin vì là công việc nhàn nhã nhất. Anh ta đối phó với anh Mễ bằng hết sở trường của Mỹ đen là nói nhiều để che đậy sự làm biếng và ngu ngốc của anh…

Còn người Việt nam cứ lặng lẽ dán thùng lại và chất xuống pallet, anh ta tỏ thái độ không quan tâm, không nghe gì hết từ hai người làm chung!

Họ làm xong được pallet đầu tiên là một trăm thùng, mỗi thùng nặng hai mươi pound chứ đâu có nhẹ. Anh Mễ đòi đổi việc với anh Đen, “đến mày phải khui thùng cho tao rọi đèn pin.” Anh Đen đương nhiên là không chịu. Họ chửi nhau om xòm. Lôi đời tư do những lúc cùng trốn việc bằng nhau và cùng nhiều chuyện như nhau nên lỡ kể cho nhau nghe thì bây giờ lôi ra chửi.

Người Việt đứng lặng thinh vì hai người kia không làm việc thì anh ta có việc đâu mà làm. Sự im lặng là vàng của người Việt nam là anh ta cũng không phải làm, nhưng hai thằng kia bị sếp tới chửi cho một trận là chậm chạp; còn anh ta vô can, nên nở nụ cười truyền thống của anh ta!

Họ bắt đầu làm tới pallet thứ hai, Anh Mễ đòi đổi việc với anh Đen không được thì đòi đổi việc với anh Việt, vì anh ta phải bưng lên, chắc chắn là nặng nhọc hơn anh Việt bưng xuống. Anh Việt từ chối nhẹ mà nặng để dằn mặt anh Mễ, “mày chất ẩu lắm. QC bắt chất lại cho ngay ngắn, càng mất công.” Anh Mễ chửi anh Việt, “bộ mày giỏi lắm sao?” Anh Việt vẫn từ tốn, “sếp nói tao làm gì thì tao làm nấy. Ông ấy biết mọi người mà…”

Anh Đen lên tiếng bênh vực anh Việt nam, “nó khéo tay, cẩn thận, nên sếp mới nói nó dán thùng, chất hàng xuống pallet cho đúng quy cách…”

Thế là anh Mễ im miệng.

Cuộc cờ ba người đã lộ ra hai phe mà anh Mễ trở nên cô độc.

Họ im lặng làm việc trong không khí sắp diễn ra bão tố. Họ làm được tới nửa pallet thứ hai thì anh Đen ngáp vắn, ngáp dài… nhờ đồng minh Việt nam rọi đèp coi dùm tao trước khi mày dán lại thùng và chất xuống pallet… tao cần đi restroom.

Tôi biết chắc là nửa tiếng để nhắm mắt dưỡng thần. Mỹ đen không sợ mùi hương không mấy thơm tho trong restroom. Và cái mánh của Mỹ đen thì ai chả biết.

Còn lại hai người, anh Mễ chửi anh Việt là đồ ngu, mày sợ Mỹ đen hả? Anh Việt chỉ nhắc lại là mày bưng lên bàn cho tao, nhanh lên. Chúng ta đã bị chậm vì nhóm nào cũng đã làm tới pallet thứ ba. Chúng ta mới làm được một pallet rưỡi…

Anh Mễ nói, “mày muốn nhanh để lấy điểm thì mày làm một mình đi. Tao cũng đi restroom.”

Anh Mễ rất đặc trưng là không sợ Mỹ đen như người Mỹ trắng (sợ cái mũ kỳ thị chụp lên đầu họ bất cứ lúc nào); Mễ cũng không coi Việt nam ra gì Việt nam quá thiểu số nơi đây. Nhưng điều đáng biết thì anh ta lại không biết là anh ta không có mồm mép lẽo lự như Mỹ đen, và không có đầu óc tính toán thâm trầm như người Việt.

Vở kịch bắt đầu hấp dẫn khi anh Việt chẳng trả lời anh Mễ, chỉ âm thầm làm việc một mình.

Khán giả tôi khỏi đoán già đoán non vì kịch tính của vở kịch khi đã đẩy lên tới đỉnh thì ắt là ông sếp của họ sẽ tới hỏi hai thằng kia đâu? Anh Việt nam sẽ trả lời theo ý anh muốn mà không gặp sự chống đối từ hai người vắng mặt. Ông sếp nghe xong sẽ nổi giận. Chờ cho được hai tay lười nhất, lười nhì đi ngủ trong restroom về. Làm cho cả hai một trận tới những nhóm khác phải nhìn ngó vì ồn ào.

Tôi đoán trúng phóc kịch bản nên càng để mắt tới vở kịch ba màu da trong hãng Mỹ.

Ông sếp còn phải đi coi công việc ở những nhóm khác; thì ở đây, anh Đen lại trao đèn pin nhờ anh Việt coi dùm tao vì tao có điện thoại… anh ta lạng đi cà khịa với mấy em đen mới vô làm.

Sân khấu hai người thì anh Mễ lại chửi anh Việt ngu, sợ Mỹ đen…

Người Việt vẫn lặng thinh làm việc.

Nhưng khi ông QC đi ngang, anh Việt gọi ông lại, nói: “Trong cái pallet đầu tiên, chúng tôi làm đã xong. Nhưng tôi thấy có hai thùng không đạt tiêu chuẩn nên tôi không dán băng keo lại để nhờ ông xem lại cho chắc.”

Ông QC đánh giá cao anh Việt nam! Chính ông ấy gọi ông sếp của họ đến. Đồng thời anh Đen dõi mắt từ xa, vì anh ấy đang đi tán gái chứ có điện thoại gì đâu. Anh ta thấy cái nhóm của mình có vấn đề rồi nên quay lại ngay chứ không dám trốn việc nữa, không muốn bị đuổi việc.

Bây giờ thì đã có lệnh cụ thể từ ông sếp, (do ông QC đề nghị). Anh Mễ khui thùng, bốc hàng lên bàn. Anh Việt làm QC – tức rọi đèn pin kiểm tra. Anh Đen phải dán thùng, chất xuống pallet mới.

Hai ông quan vừa rời gót là lập tức anh Đen ngả cánh sang anh Mễ để tạo thành đồng minh tấn công anh Việt. Chửi thề tèm lem tiếng Mỹ, tiếng Mễ. Hai tay đồng minh mới chửi anh Việt nam láu cá, thấy sơ sót sao không nói với anh em mà để dành nói riêng với sếp…?”

Họ chửi quá! Từ chửi một anh Việt nam không nói mà vẫn giành được công việc nhẹ nhất cho mình trong nhóm ba người. Họ chửi tới hết người Việt trong hãng cũng chưa hết từ bậy bạ của Mỹ đen và Mễ; nên họ chửi tới cả dân tộc Việt nam sang Mỹ làm phiền người bản xứ và người thổ dân trên mảnh đất này…

Anh Việt nam bây giờ mới lên tiếng, “Nếu nước Việt nam có đường biên giới chung với Hoa kỳ thì ngày nay không biết có bao nhiêu người Hoa Kỳ đã vượt biên sang Việt nam để mang tiếng là Mỹ lậu. Nếu Tổng thống Abraham Lincoln ngày xưa đừng quá nhân đạo thì nước Mỹ bây giờ không đến nỗi phải mang gánh nặng muôn đời. Tụi bay chửi tao đến đây làm phiền. Nhưng cả ba thằng mình cùng không phải là người Mỹ. Trong đó, lý do đến đây của tao hoàn toàn khác hai thằng bay.”

Tôi nghĩ họ sẽ đánh nhau vì chửi nhau đã tới hết lời. Nhưng kịch bản may mắn cho người Việt nam là ông sếp của họ và ông QC trở lại với một người Mỹ trắng khác. Anh Trắng béo phì từ khi còn quá trẻ nên tôi hơi nghi ngại. Và chẳng còn gì để nghi ngờ khi anh ta có sẵn cái đèn pin trên tay để thay thế anh Việt nam làm QC cho cái nhóm làm thì chậm nhất so với các nhóm nhưng sanh nạnh cứ om xòm lên.

Anh Việt nam trở thành phụ tá QC với cái đèn pin có sẵn trong tay; anh vẫn là người làm việc theo lệnh cấp trên tuyệt đối. Anh đi kiểm tra hết các nhóm đang làm việc; hễ nhóm nào cần QC tới dám định lại thì anh ta có mặt ngay, và mau chóng ra quyết định đóng thùng cho đi, hay loại thẳng tay vì không đủ tiêu chuẩn.

Trước mắt tôi bây giờ chỉ còn lại một anh Mễ, một anh Đen, cúi mặt làm việc tới đổ mồ hôi hột dưới sự chỉ huy và kiểm soát của một người da trắng… cũng không thông minh mấy! Anh ta thường lưỡng lự hơn là quyết đoán nhanh như anh Việt nam cầm đèn QC.

Buông mắt ra xa một chút cho đỡ mỏi, anh Việt nam vẫn năng nổ với công việc, khiêm nhường giả dối với cái đèn pin trong tay một cách rất hách ngầm. Và vì không phải làm cực ở một chỗ nữa nên anh ta phát bệnh Adam là léng phéng tới chỗ mấy em đẹp đẹp nhiều hơn tới nơi mấy mẹ mìn.

Nghĩ lại cái nhóm của họ từ sáng sớm, nếu tam nhơn đồng hành nhất nhơn vi sư thì hai tay Đen với Mễ đâu quá cực như bây giờ với anh Trắng trịch thượng còn hơn sếp. Làm thì không biết gì hết, hễ thùng nào có vấn đề thì anh ta không gọi ông QC người Mỹ trắng đến dám định lại. Vì ông ấy quá bận, và gọi hoài thì khác nào tự anh ta nói mình không có khả năng. Nên anh ta chỉ gọi tay Việt nam lại để quyết định cho đi hay loại. Anh Việt nam dư biết thằng trắng óc lợn, thích chỉ tay năm ngón này bán cái phần trách nhiệm cho mình…

Tôi thì chờ chiêu đối phó của tay Việt nam để sáng mắt về trí tuệ dân mình. Nhưng chỉ thấy anh ta chịu thua sớm cho cao cờ với người Mỹ trắng; rồi buông thả bản thân vào cảnh nhàn cư vi bất thiện là đi làm người hùng đứng thế chỗ cho em này, em khác đi nói điện thoại chuyện riêng cho đã đời. Nhưng khi trở lại chỗ làm thì còn độc hơn Mễ với Mỹ đen chỉ chửi nhau với Việt nam. Mấy em thơm phức mà trong bụng toàn kẽm gai đó là chúa phân bua với sếp sao anh Việt nam sướng quá vậy? Tà tà đi chơi không hà! Cho em làm phụ tá QC được không?

Bởi thế chưa chiều anh Việt đã mất job phụ tá QC trong tay một con Ấn độ chân dài; anh lặng lẽ đi làm theo lệnh tuyệt đối là dán thùng, chất pallet cho nhóm khác… cái đèn pin nhàn hạ của anh đã bị sang tay cho một người đẹp. Đúng là thời đại trí tuệ đã hết tinh khiết…

Nhìn lại mình với công việc chán ngắt. Chẳng ai giành chạy máy cũ ngoài những người đời đã xanh rêu, thường chạy máy cũ để làm bạn tán dóc với thợ máy tới sửa mỗi ngày hai, ba lần. Không bị sếp hối vì hối máy già là nó nghỉ chạy luôn nguyên ngày! Trong khi những người giành chạy máy mới để lấy tiếng là người chạy ra nhiều sản phẩm nhất trong nhà máy thì cứ phải đối phó với sếp về sản lượng. Chạy phờ râu cái máy mới cũng không chịu hỏng hóc dùm một chút để thợ được nghỉ ngơi, chờ thợ máy sửa chữa…

Chỉ có điều xem xong vở kịch ba màu da trong hãng Mỹ thì người thứ tư phải viết lên tường để nhập tâm rằng nơi đây, muốn gì được nấy không khó, giữ mình mới khó với vó chân dài, vì những cú đá hậu của giống cái bất lương hơn cả chửi thẳng vào mặt nhau như giống đực.

Phan

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search