T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Từ những cuộc chia tay

clip_image001

Xin nói lời từ biệt (Saying Good-bye)

– Tranh: Meredith M. French.

● Gởi những người cha sắp tiễn con lên đường đi học xa

1.

Như bao đứa con khác của những người cha, người mẹ, mọi người con phải lên đường để bắt đầu cuộc hành trình làm người. Cuộc sống của con đang mở ra trước mặt. Sau lưng con chỉ có kỷ niệm, và tuổi trẻ thì chưa biết trân quý kỷ niệm. Thế nên, con chỉ có một hướng nhìn phía trước.

Như bao người cha của quá khứ, của hiện tại và của tương lai, mỗi người cha phải tiễn con lên đường và chúc phúc cho nó. Tập cho nó nỗ lực hòan tất những ước vọng đời mình. Tập cho nó biết chấp nhận đau khổ, thất bại. Tập cho nó biết cứng lòng với những cuộc chia tay. Cuộc chia tay hôm nay chỉ là một bài tập vỡ lòng chuẩn bị cho những cuộc chia tay trong tương lai. Những cuộc chia tay không một ai tránh khỏi. Những cuộc chia tay đứt ruột xé lòng

Từ những cuộc chia tay, người ta thấy được những gì? Chắc không chỉ là giọt nước mắt lau vội, vòng tay ôm vội vã hay ánh mắt dõi theo cho đến khi người thân yêu đã khuất bóng.

2.

Một lần đưa người bạn ra phi trường cho chuyến về thăm quê hương, tôi đã chứng kiến một cảnh hai cha con trong những giây phút cuối cùng bên nhau. Trên lối vào khu kiểm tra dành riêng cho hành khách sắp lên máy bay, giữa tiếng loa phóng thanh dồn dập báo giờ của chuyến bay kế tiếp, một ông gìa tóc bạc và một cô gái trẻ ôm lấy nhau quấn quýt. Đã đến lúc phải chia tay. Tôi nhìn họ, nói thầm trong bụng. Không thấy người mẹ của cô gái đâu, chỉ có hai cha con. Trước đó, quan sát cô gái với mớ hành lý ký gởi khá lỉnh kỉnh, tôi đóan cô đang làm một chuyến đi xa. Và lâu. Người bạn của tôi đã khuất sau lối đi vào bên trong phi trường, nên tôi rảnh rỗi để tiếp tục cái méo mó nghề nghiệp của mình. Cuối cùng, cô gái cũng đã buông lỏng vòng tay trên vai ông già và nói. I love you, Daddy! All I need is your love. Tôi nhìn thấy miệng ông già lẩm bẩm điều gì không rõ. Có lẽ cũng đại khái những lời dặn dò con lần cuối cùng, cố gắng giữ gìn sức khỏe, gọi điện thọai cho bố khi nào rảnh để bố an tâm v..v.. Cô gái quày quả bước đi. Cô chỉ ngóai lại nhìn cha một lần, đưa tay lên vẫy vẫy, rồi biến mất trong đám đông hành khách phía bên trong. Ông gìa chậm chạp bước ra khỏi phi trường. Tôi thóang thấy đôi mắt ông đỏ hoe. Có lẽ ông khóc. Tôi cảm thấy thật xúc động. Một người cha, một người đàn ông, gìa nua tóc bạc, khóc khi nói lời tạm biệt với con gái của mình. Biết đâu, đây là lần cuối cùng họ nói chia tay với nhau. Chiếc máy bay đã đem con ông đi một phương trời nào đó, thật xa với tổ ấm mà cô đã sinh sống bao năm với cha, với mẹ. Bây giờ, ông già đang lê từng bước mệt nhọc để về lại tổ ấm ấy, nay hẳn là quạnh quẽ, vì thiếu vắng một thành viên đã từng được sinh ra, trưởng thành từ đó. Biết đâu, lần tới con gái ông về, cũng chỉ kịp đưa tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Và căn nhà cũ kỹ, cái tổ ấm của họ, hẳn cũng sẽ được dựng bảng For sale, cùng với biết bao kỷ niệm.

Nhìn ông già lụ khụ, tôi hiểu hơn lúc nào hết ý nghĩa của câu tuổi gìa nước mắt như sương. Nó mong manh như những ngày tháng cuối cùng của một đời người. Và thứ nước mắt mong manh ấy, chỉ có thể là giọt nước mắt tiễn con lên đường của người cha, giọt nước mắt níu kéo chân con để chúng, dù bao mải mê với cuộc sống mới mẻ trước mặt, cũng đừng quên rằng, nơi căn nhà kỷ niệm xưa, vẫn còn những người thân yêu nhất đời, đang dõi theo mỗi bước chân con với biết bao nhiêu thương yêu, lo lắng.

Trong đời sống, có nhiều lắm những cuộc chia tay. Và tất nhiên, không có cuộc chia tay nào là không mang đến những nỗi buồn. Dù là cuộc chia tay ngắn ngày vì một công việc nào đó, hay cuộc chia tay dài ngày cho những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời.

Và, bất cứ cuộc chia tay nào cũng có thể là cuộc chia tay cuối cùng. Ai biết trước được những bất trắc của đời sống.

3.

Tôi đã có dịp ngồi chuyện trò tâm tình với một cô gái, con người bạn học cùng trường hồi trẻ. Cô vừa tốt nghiệp xong 4 năm đại học, ngành Sinh học. Bước kế tiếp, cô không có lựa chọn nào khác ngòai việc phải đi học xa nhà. Vì nơi thành phố gia đình cô sinh sống, không có trường cho ngành học cô theo đuổi. Để hòan thành chương trình huấn luyện của một bác sĩ y khoa, cô gái sẽ phải học tiếp từ 3 đến 4 năm nữa, sau đó, cô phải đi thực tập ở một nơi nhà trường sẽ chỉ định. Và sau khi hòan tất xong việc học, có lẽ cô sẽ phải chọn nhiệm sở ở một nơi không gần nhà. Nói cách khác, sau mùa hè này, cô gái sẽ bước ra khỏi nhà cho cuộc hành trình mới mẻ. Và hầu như, cô không có dịp quay trở lại nhà để sinh sống như hơn 20 năm nay cô đã sinh sống dưới sự đùm bọc của cha mẹ. Nếu có trở về chăng, cũng chỉ như một người tạm trú, dẫu cho căn phòng quen thuộc vẫn còn để đó dành riêng cho cô gái. Hơn ai hết, cô gái nhỏ hiểu điều đó. Dẫu cho bao háo hức của một con chim sắp được sổ lồng, sắp được nhìn thấy những vùng trời bao la mới lạ, cũng vẫn không làm cô gái nguôi được nỗi buồn của cuộc chia tay sẽ xẩy ra.

Với người cha (và người mẹ), hẳn nỗi buồn còn lớn hơn thế. Họ nhìn thấy những bất trắc mà con chim bé nhỏ chưa bao giờ hình dung ra được. Vì thế, ngòai nỗi buồn, còn là sự lo lắng.

Không có cuộc chia tay nào là dễ dàng cả. Có lẽ, cách duy nhất để xoa dịu nỗi buồn chia tay là tạo ra những kỷ niệm ngọt ngào khi còn có cơ hội gần gủi bên nhau. Những chuyến nghỉ hè vui vẻ của gia đình. Những buổi xum họp đầm ấm bên bữa cơm hiếm hoi của một ngày bận rộn. Những buổi sáng chủ nhật  cả nhà mặc những bộ quần áo đẹp nhất đi dự lễ hàng tuần ở nhà thờ hay đi vãn chùa, thắp nén nhang cầu cho người thân khuất mặt.

4.

Trong tác phẩm “Câu chuyện dòng sông“*, ở đọan cuối, khi nhân vật chính là Tất Đạt đã nếm trải đủ mọi vui sướng, khổ ải, đau đớn của cuộc đời, ông về lại dòng sông mà khi xưa, lúc còn trẻ, ông đã một lần được người chèo đò đưa qua sông. Mấy chục năm sau, vẫn người chèo đò ấy. Vẫn dòng sông êm đềm, vị tha, biết lắng nghe nỗi đau khổ của con người. Tất Đạt quyết định xin cùng người chèo đò được ở lại, cùng ngày ngày đưa khách qua sông và lắng nghe dòng sông thì thầm tiếng cuộc đời, tiếng của thực tại, tiếng của sinh thành vĩnh viễn. Một hôm, có người đàn bà quý phái, tuy ăn mặc đơn sơ nhưng vẫn không giấu được vẻ kiều diễm một thời, đã ghé bến đò cùng với đứa con trai của mình. Bà cùng với con đang trên đường đi thăm Đức Phật vì nghe tin ngài sắp viên tịch. Đến bến đò, đứa con trai, vì quá mệt mỏi, nài van mẹ xin được nghỉ lại. Trong lúc ngồi nghỉ, chẳng may bà mẹ bị rắn cắn, không cứu chữa được. Đứa con la lên xin mọi người cầu cứu. Ông lái đò chạy lại ẵm người đàn bà về thuyền. Lúc ấy, Tất Đạt đang nhóm lửa nấu bếp, nhìn lên, ông nhận ra ngay ngừơi đàn bà ấy trước đây là người tình của mình và đứa con trai đang hốt hỏang ấy, chính là con mình. Bà mẹ qua đời, đứa con phải ở lại với người đàn ông mà mẹ nó, trước khi chết, đã cho biết ông chính là cha nó. Nhưng đứa bé, vốn quen với nhung lụa thành phố, nên không thể chịu đựng được sự kham khổ, thiếu thốn nơi bến đò. Nó đã tìm cách bỏ đi, dù biết rằng người đàn ông, là cha nó, đã hết sức yêu thương, chiều chuộng. Dĩ nhiên, Tất Đạt đau khổ, lang thang khắp nẻo để tìm con. Và khi đã tuyệt vọng, ông về lại dòng sông, soi bóng dáng gầy gò thất thểu của mình, và lắng nghe tiếng rì rào quen thuộc của dòng sông. Bỗng nhiên, Tất Đạt nghĩ về người cha của mình, mà từ ngày bỏ đi đã mấy chục năm trời, ông chưa một lần về lại để thăm viếng. Dạo ấy, ông cũng đã khiến cha của mình phải chịu đựng một nỗi đau đớn giống hệt như nỗi đau ông đang phải chịu đựng như bây giờ. Có thể, giờ này cha của ông không còn sống ở trên cõi đời này nữa, đã lặng lẽ ra đi trong cô quạnh và không được nhìn thấy mặt đứa con trai rất mực yêu thương một lần cuối. Tất Đạt nhìn xuống dòng sông, và bừng tỉnh ngộ. Vòng định mệnh của con người phải được khép kín. Và đứa con trai yêu quý đã bỏ ông mà đi, chỉ làm công việc hòan tất cái vòng định mệnh ấy.

Câu chuyện truyền đạt quan niệm đời là bể khổ của Phật giáo, nhưng qua hình ảnh nhân vật chính Tất Đạt và cuộc đời của ông, tác giả cũng cho thấy, để tạo ra được những chân trời mới của cuộc đời mỗi con người, người ta phải chấp nhận những cuộc lên đường, nghĩa là những cuộc chia tay với những gì quen thuộc nhất, thân thương nhất. Mỗi người, sẽ phải có một ngày tạo dựng riêng cho mình một mái nhà, tách biệt hẳn với mái nhà cha mẹ.

Gần 40 năm trước, là một thanh niên vừa lớn, tôi đọc Câu chuyện dòng sông với niềm khao khát được sớm lên đường, lìa bỏ mái nhà cha mẹ, đi tìm những chân trời mới cho cuộc đời mình. Tôi chưa kịp lên đường, nói lời chia tay với gia đình, thì bố tôi đã nằm xuống sau một cơn bạo bệnh. Thế là lời chia tay cuối cùng đã được thốt lên. Và cái háo hức trong tôi cũng tan biến như bong bóng xà phòng. 40 năm sau đọc lại Câu chuyện dòng sông, với bao băn khoăn, e ngại về những bất trắc đầy đe dọa ở cuối chân trời đang chờ đợi những người trẻ tuổi đang háo hức lên đường (như khi xưa tôi háo hức), trong đó có các con cháu của tôi.

Tôi đã nhìn thấy những gì tôi không nhìn thấy 40 năm trước, và những người trẻ bây giờ thì chưa nhìn thấy.

Nhưng, như trong Câu chuyện Dòng Sông, đứa trẻ phải lên đường, làm cuộc chia tay với cha của nó, để hòan tất định mệnh làm người.

Chúng ta, những người làm cha mẹ, không có lựa chọn nào khác, ngoài chúc phúc cho những cuộc chia tay. Và xin cố đừng làm rơi những giọt nước mắt. Nhất là giọt nước mắt của người cha, vốn hiếm hoi và mong manh như sương khói.■

*Câu chuyện dòng sông, nguyên tác: Siddhartha của Herman Hesse, bản dịch tiếng Việt: Phùng Khánh, Phùng Thăng.

________________________________________

© T.Vấn 2008

Bài Mới Nhất
Search