T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Thằng em cán gáo

“ . . . Hình như cuộc sống đến một lúc nào đó phải chấp nhận những gì…”không bình thường” và cứ xem nó như…bình thường. Chấp nhận những gì mà mình đã có. Đang có được hay sẽ có. Hoặc không. Để chịu đựng qua cơn bão, để làm sao biết tìm nơi trứ ẩn dưới cơn mưa . . . “

“. . . Ấy là gã đang khoan cái lỗ để nhìn xuyên qua quá khứ… Từ một nơi chốn đi về, quá khứ của gã đang ẩn hiện, xa vắng vời vợi. Cuối cùng gã nheo mắt, săm soi đút…cái que xuyên qua…hai cái lỗ trái dừa để làm…cái gáo.

Và gã bâng khuâng…

Trong vườn nhà gã hình như thiếu vắng cái chum thì phải? . . . “

Mỗi lần đọc Ngộ Không Phí Ngọc Hùng, là tôi lại tìm về được cái làng quê miền Bắc xa xôi, cái làng quê tôi chưa bao giờ được nhìn thấy, sờ thấy, cảm thấy nhưng nó cứ mơ mơ hồ hồ đâu đó trong tiềm thức. Vốn liếng ca dao tục ngữ miền Bắc trong ông thật là phong phú. Viết như nói. Nói như viết. Những câu ca dao xuất hiện đúng chỗ, đúng nơi. Đặc biệt là ở câu chuyện “ thằng em cán gáo “. Một câu chuyện quen thuộc với rất nhiều người Việt Nam đã từng sống qua một nửa thế kỷ nhiễu nhương của đất nước. Chẳng có gì mới trong câu chuyện, nhưng bàng bạc trong cái giọng văn nửa khinh bạc, nửa văn vẻ, nửa cay đắng, nửa trìu mến , tôi càng thấy đậm nét tấn bi kịch mà dân tộc đã và đang trải qua.

Những câu chuyện của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng – theo lời ông – đều là những chuyện thật. Điều này thì tôi tin.

Ngộ Không viết như là “đang khoan cái lỗ để nhìn xuyên qua quá khứ…”

T.Vấn

11 tháng 7 nằm 2011

 

Thằng em cán gáo

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Cũng trên dưới mươi năm, tôi được xem chương trình Những tình khúc bất tử của người trong nước. Máy quay phim ngừng lại ở một khoảng tường loang lỗ bên đường có cái bàn húi tóc lạc lõng, chiếc ghế đẩu chỏng chơ, khung gương cũ kỹ. Những hình ảnh ấy đã đẩy đưa tôi về một Hà Nội năm 54…Vì nếu ống kính nhích thêm vài bước nữa, nếu có cái cổng gỗ hai cánh nặng nề thì đúng là căn nhà của ông cụ bà cụ tôi.

Ít lâu sau về thăm căn nhà cũ số 32 phố Chợ Đuổi, mái ngói đỏ ngày nào đã ngả mầu xanh nâu, rêu phong đọng nước, ngai ngái mùi ẩm mốc. Tôi đã chẳng thầm tránh khỏi những giao động cùng những năm tháng của cái tuổi mới lớn, tại mảng tường này, tôi có thằng em họ chơi đùa nghịch ngợm. Từ ngoài đường nhìn vào qua khe cổng, ở cái sân gạch tầu trong kia, tôi thoáng bắt gặp những chiếc lá bàng ửng vàng nâu đỏ chơ vơ bên bể nước.. Để rồi bồi hồi cùng cảnh vật qua người muôn năm cũ còm cõi qua một kiếp phù sinh, tôi bâng khuâng về thằng em không biết bây giờ lưu lạc ở phương nao.

***

Ngược về năm 54 với cái thằng tôi được gọi là…“nó”.

Và chuyện một nhớ hai quên như thế này đây:

Một ngày, nó thấy ông cụ nó tiếp khách ở nhà trên, đang râm ran to nhỏ chuyện thời cuộc. Hỏi bà cụ, nó được biết đó là ông chú, chồng bà cô em ông cụ nó ở Thái Bình lên chơi. Hôm sau, chú nó về lại tỉnh Thái, và nó thóang nghe được bà cụ…xiết pháo xiết ông cụ: “ôi dào, lại mang vạ cái lão cám hấp, đồ phải gió phải giây…”. Ngay tuần tới thì nhà có chuyện. Chuyện là nó đang đứng dưới gốc cây bàng lui cui chơi bên cạnh cái bể nước, nghe tiếng giật chuông kêu kính coong, nó ra mở cổng và nổ con đom đóm mắt nhìn ông chú nó, tay cái thùng gỗ, bên cạnh là thằng oắt tì, vai khóac cái tay nải, cứ như chạy lọan hay tản cư không bằng.

Ông chú chỉ thằng oắt con, bắt khoanh tay cúi đầu chào nó bằng…anh. Vừa lúc ông cụ bà cụ bước ra, rồi…bác bác, em em loạn cào cào châu chấu. Cả ba lên nhà trên, để lại ngòai sân hai thằng nhóc, bấy giờ nó như Cao bồi Hà Nội “kên sì-po” thằng em họ từ chân lên đầu. Lúc đó nó mới khám phá ra: Giời ạ, thằng này đi…chân đất. Còn cái đầu. Cái thằng gì mà đầu to chành giành, tóc húi cua trọc lóc như…cái đầu gáo.

Từ đấy thằng em có tên là: Thằng đầu gáo.

Thế là nó có bạn mới, có điều thằng thằng đầu gáo vừa lắp, vừa ngọng, nói năng cứ như đá ngược lên tận mái ngói, đến quặn cả mồm miệng. Lại nữa, lúc nào thằng đầu gáo cũng “đằng ấy” với “tớ” ngọt sớt, thọat tiên nghe chòm chõm, riết rồi nó cũng “tớ” với “đằng ấy” ngon ơ. Thế nhưng thằng em hình như khắc khẩu với bà cụ nó, nên lâu lâu bà cụ vẫn bêu riếu “thằng nhà quê sáng tay họ, điếc tai cầy”. Mỗi lần như vậy nó lại mắt hấp ha hấp háy, vén cặp môi đỉa trâu, nhăn nhăn nhở nhở cười như trêu ngươi, bà cụ nó lại được thể điên tiết: “mới nứt mắt ra đã cốc láo”.

Thằng đầu gáo gọi bố là bằng thầy, sáng sáng thầy nó mang đồ nghề ra cái tường bên hông nhà, treo cái gương, cái thùng gỗ đồ nghề “tông-đơ”, dao cạo, kéo, lược, nó mới biết ông chú nó là phó cạo, có tiếng ở phố Lê Lợi tỉnh Thái Bình. Thằng đầu gáo quanh quẩn bên thầy nó chỗ cắt tóc, lúc bưng chậu nước cạo râu, khi vò khăn lau mặt, sau đó tất bật quét dọn. Vắng khách, nó rủ thằng em chơi đáo tường, ăn thua bằng nắp chai bia, hay chai “limonade” đập cho tòe ra gọi là “đồng xèng”. Và nó lên mặt dân Hà Nội, chỉ cho thằng nhà quê chơi đáo tường, không phải cứ táng binh vào tường là nó bật ra, mà vừa lia, vừa dựt ngược lại, vòng lên như cầu vồng “đồng cái” mới đi xa. Mỗi lần nghe giảng thằng thằng đầu gáo mặt cứ nghệt ra “Thế cơ…” hoặc “Ừ nhẩy…” .

Đất có thổ công, sông có hà bá, sang đến đánh khăng nó nhường cho dân đồng chua nước mặn. Trò chơi gì mà hì hục đào cái lỗ, “khẩy” con khăng đi, đứa nào chụp được, “quăng” lại rồi “quất” cái vù. Xong, chồm hổm dùng cái khăng cái, lom khom đo như…cua bò, nên nó ì ra. Thằng đầu gáo chỉ cho nó đặt cái khăng con nằm dọc theo cái lỗ, nhích đi nhích lại, miệng dặn dò: ”Đằng ấy gõ vào đầu này nhá, đợi cái khăng con bung lên khỏi mặt đất, thì..”. Nó ra hiệu chỉ vào ngang đầu gối, nhổ nước bọt đáng bẹt vào bàn tay, xoa xoa, tiếp: “Rồi đằng ấy cứ nhắm tịt mắt, quất cái vù”. Nó thấy ngon như óc chó…”a-lê-hấp”…vẹo người, nhắm mắt nhắm mũi phang bừa…Lại…hụt nữa.

Thằng đầu gáo cáu, chửi đổng: “Mẹ, ngu như lợn”.

Nó ngán ngẩm cái trò đánh khăng như chó già gậm xương, như chuyện “ông giẳng ông giăng, ông giằng búi tóc, ông khóc ông cười, mười ông một cỗ, đánh nhau vỡ đầu”. Mà…vỡ đầu thật, một bữa cái khăng con nhè trán nó táng một cái bốp, u một cục bằng…hột đậu phụng rang. Nó gào tóang lên, chú nó cuống cuồng lấy muối đắp lên, lấy đũa cả hơ lửa di di, nóng quá, nó được thể gào tợn. Ông chú nó dỗ dành, kể chuyện nhà quê nhà mùa, chuyện con gà mái bị đạp mái, chạy te te kêu: “Rát rát”, con gà trống gân cổ kêu: “Khổ khổ”, đàn gà con kêu… Sau này lớn lên, nó nghiệm một điều là chú nó và thằng em đều có khiếu kể chuyện kiến trong lỗ cũng phải bò ra, và nó nghĩ dại:

Thế nào sau này thằng đầu gáo cũng là…”phó cúi”. Cho mãi tận đến ngày ri cư, nó mới khám phá ra một điều là: Thằng đầu gáo chưa một ngày…đi học.

***

Gia đình nó vào Nam trước hiệp định đình chiến. Đến gần cuối năm, họ hàng nó mới lục đục vào bằng máy bay, bằng tầu há mồm. Ngày nào nó cũng ra cửa nhà ngóng thằng em họ, nhưng chẳng thấy tăm hơi gì sất. Cứ dăm ba bữa nghe nhắn tin, bà cụ và nó lại hớt hải leo lên chiếc taxi con cóc, chạy đôn chạy đáo hết khu Phú Thọ Lều đến Khu Dân Sinh, rồi từ Nhà Hát Tây đảo về trại Học Sinh Di Cư Phú Thọ. Chiều về nghe ông cụ nó nhiếc bà cụ: “ Rõ ngớ ngẩn, chú cháu nó bao giờ…đi học đâu”.

Đi học thì mãi đến tận cuối năm 54, thầy giáo là người Nam, trò nghe như vịt nghe sấm đại loại như Bắc gọi “cái cù dìa”, Nam kêu là “cái muỗng”. Bắc nói “gầy”, Nam nói “ốm”, Bắc nói “ốm”, Nam kêu “bịnh”. Mà bịnh ”thiệt” vì nó quên béng thằng em họ hồi nào “hổng” hay, chỉ những lúc nào đánh đáo, chơi bi mới chịu nhớ…”chút xíu” thôi. Một lần, nó ngớ ra khi nghe hai đứa học trò trong Nam nhại nhau: “bắt con cá gô, bỏ trong cái gồ, nó kêu gột gột”. Sau đó hiểu ra, nó ngơ ngẩn đến thằng “con tâu tắng nằm bờ te tụi”, và ngẩn ngơ đến cả nửa buổi. Vả lại nó cũng đã nhớn rồi, mười lăm, mười sáu tuổi chứ ít ỏi gì. Vì nó đã tập tành làm người nhớn là ngồi ở cái quán cóc gần nhà, húp đĩa cà phê “bí tất”, buồn buồn móc túi: Một đồng ba điếu Ruby.

***

“Yêu em đốt cháy cuộc đời – Vàng tay khói thuốc vẫn còn yêu em” , nó trở thành “gã” lúc nào cũng chẳng biết nữa…Yêu rồi lấy, nhưng số gã ruồi, vợ gã được Chúa gọi về nước Chúa, thế mới…bịnh. Những ngày cuối tuần, đóng tuồng người di tản buồn, gã rị mọ mấy băng nhạc tiền chiến cũ xưa, những tình khúc bất tử và gậm nhấm nỗi buồn như trấu cắn ấy, gã nghe mãi không chán. Chợt màn ảnh hiện lên dẫy tường loang lổ bên góc phố có treo cái gương thợ cạo. Trong gã dấy lên một chuỗi hình ảnh ở cái tuổi ấu thời với cái cổng gỗ hai cánh nặng nề, cái khóa to bản đã hoen rỉ, then gài là cái đòn gánh. Mỗi lần đẩy cánh cổng, âm thanh rít lên kít kít như…võng đưa kẽo kẹt bê hè.

Thời gian bay như….quạ bay. Năm mươi năm chẳng là bao, nhưng nửa thế kỷ có dài thật qua khuôn mặt, dáng dấp của thằng em họ ngày nào như mới đâu đây, thóang ẩn thóang hiện. Nghe bát nháo nó cũng mới vào Sài Gòn, gã so đo chắc phải về thăm nhà một chuyến. Một công đôi chuyện, chuyện của gã cũng dễ hiểu thôi, nghe tin nồi chõ vợ gã mất, bà chị cùng cha khác mẹ gã đã săm soi chấm được chỗ ấm lòng cho cậu em yên bề gia thất, sau đó, cứ mè nheo gã mãi. Hay là cứ chiều bà chị một lần cho biết chuyện về Việt Nam, sau một tháng tìm hiểu dấm dớ bờ bụi là…có vợ ngay.

***

Đùng một cái, vào một ngày không nắng cũng chẳng mưa, gã có mặt ở Sài Gòn, chẳng ai biết chẳng ai hay. Ngay đến ông chú gã cũng ngẩn người ra khi nhìn thấy gã bước vào cửa. Gã tự giới thiệu, bắt tay, đến mấy giây sau, với khuôn mặt lờ đờ, bất động, ông chú mới gục gặc cái đầu, buông thõng một câu hờ hững: “À, cháu mới về…”. Rồi thôi. Đến cái bắt tay như không cảm súc, lạnh lùng xa lạ làm gã hụt hẫng.

Sau đấy, ông chú chậm rãi hỏi thăm về ông cụ bà cụ gã, giọng đều đều như muốn giữ một khỏang cách nào đó, tất cả như rơi vào quên lãng, không vồn vã mà cũng chẳng gần gũi, ngay như cả với thằng Ngụy là thằng cháu của ông đây. Ông chỉ cành đào Trung Quốc ở bàn thờ và chép miệng là cũng khẩm tiền. Gã ngao ngán ậm ừ và lơ đãng nhìn theo, trên tường, không thấy nhang khói, ngòai bức hình lộng kính ông Hồ, áo đại cán, mắt sâu hoắm, chòm râu ngô lơ thơ. Gã chỉ muốn “liệng cống” ngay cho rồi.

Hóa ra cành đào chỉ là cái cớ, khuôn mặt ông chú dịu lại, ông chỉ cái huy chương “Sao vàng” treo gần đấy. Giọng ông khi cao khi thấp về chiến dịch “Trường Sơn anh hùng”, thành quả của ông là dựng được cái cầu cho xe Molotova chạy…qua cầu. Gã lâu lâu đẩy đưa một, hai câu hỏi địa danh để thăm dò, từ đó mới biết, ông chú thượng tá công binh, chỉ mới hẻo lánh tới…chân núi, chưa mò đến đỉnh Trường Sơn. Chuyện nhạt như nước ốc tiếp tục, giọng ông trầm hẳn xuống, như tiếc nuối cờ đến tay chưa kịp phất vừa mới qua, rằng chan tương đổ mẻ, ông hụt mất cái ghế thứ trưởng thơm như múi mít. Đến đây đầu gã như say sóng, nhấp nhô đến cái thùng đồ nghề dao, kéo cũ xưa, đang bập bềnh cùng con nước thủy triều…cuốn xa và mất hút.

 

Nói cho lắm tắm cởi truồng, nào có hay ho gì chuyện bá vơ trên. Vì qua ông cụ gã kể, gã biết tỏng ông…theo cách mạng cuối mùa thu chết, chẳng qua cũng là chuyện gió đánh đò đưa. Số là ông hành nghề húi tóc ở Thái Bình, say sỉn tới bến hồi nào chẳng biết nữa…Với con dao cạo, ông hoa tay nhè cái tai khách sớt một miếng ngon lành, khách là ông quan một Bảo Chính Đoàn nổi hung rút súng ra bắn chỉ thiên “pằng, pằng”. Thế là ông bỏ của chạy lấy người, ông lên Hà Nội…tị nạn. Đến lúc ông cụ bà cụ gã đeo máy bay vào Nam, tiếc của ông về quê bán ruộng nên…chạy không kịp, nên đành ở lại theo bác. Rõ ra chuyện ông…phấn đấu bản thân để rồi cốc mò cò xơi, mất bu nó mất cái chân thứ trưởng và ông đau hơn hoạn là thế!.

Vẫn chưa xong cái nợ đời, ông còn khoe mẽ thằng con ông là phó biên tập tờ Nhân Dân. Gã nghe thấy cũng hay hay, vì nghĩ lại từ cái thưở mặc quần thủng đít, rõ ra thằng em họ này chưa một ngày…đi học cơ mà. Gã ngúc ngắc đầu và nhủ thầm thằng con ông đổ đốn nay là…nhà văn. Giời ạ, chuyện gánh bùn sang ao là vậy đấy, thiên hạ cứ tự nhận bá vơ mình là nhà thơ, nhà văn, chẳng ai nhận mình là…nhà cầu, nhà quàn gì sất cả. Gã lầu bầu trong cổ họng rằng chạy trời không khỏi nắng, thôi thì con giống cha nhà có phúc, bố là …cán búa, con là…là…cán gáo là đúng quá cha rồi còn gì nữa.

Chưa hết, trong gã vừa bực mình, vừa lấn cấn với khuôn mặt nhăn quéo, thô gầy của ông chú với giọng nói khô rong róc…Nói cho ngay, bấy lâu nay gã vẫn ấm ức ông là chuyện này, cũng qua ông cụ gã: số là thằng em ruột gã…được đi học tập cải tạo. Ông cụ gã gửi tiền về nhờ vả ông em rể đi thăm nuôi thằng cháu. Nghe thằng em kể lại ông chú có tới…thăm thật, nhưng chỉ tới nhà thằng nón cối nào đó cách trại cả năm, ba cây số để “tham quan” và nhờ tên này mang vào trại cải tạo gói quà vắng gió đìu hiu là gói sôi nếp và dăm phong kẹo lạc cho thằng cháu…cưỡi ngựa xem hoa.

Vì ông chú mà gã mất vui, hình ảnh thằng em của cái tuổi thiếu thời trong gã cứ thế lặng lẽ nhạt dần theo sương khói. Bây giờ thay vào là thằng cán gáo, thằng em xã hội chủ nghĩa, gã mất đi cái hào khí của dòng nhạc: “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng, Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam, tôi đi chung cuộc mừng…”. Và gã chẳng mùng gì mấy, rời nhà ông chú đến thăm thằng em. Trên đường đi, gã lầu nhầu…truyền thống dân tộc tân tiến của người trong nước lúc này quái thật, ngày tư ngày Tết vác xác tới giờ ăn trưa chả có mốc khô gì để hốc, nên bụng dạ gã đói meo.

Nhưng cũng chẳng lạ gì vì gặp họ hàng hang hốc gần xa, những người kẹt lại sau 54. Nói chung chẳng phải vơ đũa cả nắm, với cảm quan phiến diện của gã dường như họ, tất cả đều có một mẫu số chung là: Trong khi nói chuyện, thoạt kỳ thủy họ e dè giữ một khoảng cách đến nhạt nhẽo, nhất là đụng chạm đến chuyện thời thế, thời này thế đấy thời trước thế đó. Hoặc giả như cọ xát đến những nhân vật thời sự “có vấn đề” đang nổi cộm trong nước, họ tìm cách tránh né vì “nhậy cảm và tế nhị”. Hỏi tới nữa, họ sẽ có những bài bản gần giống nhau là họ…rất ít thật và rất nhiều giả.

Như ông chú gã đây hay thằng em lát nữa sẽ gặp chẳng hạn.

Cái kim để trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, khi không, gã nhớ lại câu nói xưa kia của bà cụ về ông chú “ôi dào, lại mang vạ cái lão cám hấp, đồ phải gió phải giây…”. Mặc dù ngày ấy, gã chả hiểu “cám hấp”…liên hệ với “đồ phải gió…” là khỉ gió gì. Ngồi trong xe, gã bỗng chán chường, và ngại ngùng không lẽ giỏ nhà ai quai nhà ấy, vì cũng qua bà cụ, đến thằng em họ gã là “thằng nhà quê sáng tay họ, điếc tai cầy” từ bé đã “mới nứt mắt ra đã cốc láo”. Bỗng dưng gã thở ra một tiếng…thở dài.

Rời nhà ông chú gã cảm thấy lêu bêu như Từ Thức về trần với những đổi thay. Tuy nhiên, gã không quên dặn dò ông đừng cho thằng em biết vì gã muốn dành…một bất ngờ. Bụng dạ đang đói meo, gã bèn “lên kế hoạch” là sẽ chiêu đãi người anh em xã hội chủ nghĩa ở một tiệm ăn thương hiệu với những món ăn đặc sản như…mối chúa chẳng hạn. Sau đó có đấm mõm nó thêm tí ti hủ hóa ”trăm năm bia đá cũng mòn, bia chai cũng vỡ chỉ còn…bia ôm” cũng chẳng chết thằng răng đen mã tấu nào. Sau đấy dậu đổ bìm leo, được nghe nó nói chuyện…văn học thì vui biết mấy. Nhưng vội lắc đầu sua đuổi ý tưởng chữ nghĩa eo sèo hay lạc quan tếu ấy đi, để tiêu pha thì giờ đường xa vò võ, gã nhìn ra ngòai ngắm cảnh phố xá. Đột nhiên trái nắng trở trời, gã chúm môi huýt sáo “Từ quê nghèo lên phố lớn, bàn tay ta nắm – Biển xanh sông gấm, nối liền một vòng tủ sinh…” và ngáo ra tự hỏi quái lạ! Vào cái thời buổi nhất phe nhì cánh với “nhà ở phố, bố làm lớn” mà nhà thằng em nhè hóc bò tó tận Hóc Môn, Bà Điểm xa tít mù khơi.

***

Quẹo trái, quẹo phải mấy cái hương lộ, trời cao, nắng nỏ, thấp thóang đằng sau căn nhà, bụi cây, lúa vàng như duối chín, vàng ưng ửng trong một ngày nhạt nắng.

Và bây giờ gã sắp gặp lại người muôn năm cũ…

Thằng em đi ra, che mắt vì tia nắng có vệt lọt qua khe cửa, mặt mày ngơ ngác vì chẳng biết ông khách lạ nào đây. Gã đã định bụng sẵn với…một bất ngờ. Chuyện là gã biết tẩy mấy anh cán bộ…lao động văn hóa cật lực này, thường hay sợ hoảng sợ tiều sau thời kỳ…hậu cởi trói văn nghệ. Và họ sợ nhất bị bạn văn, bạn thơ chụp…cái nón cối thì vỡ mặt. Thế nên gã hú họa nó:

– Tôi là cán bộ bảo vệ văn hóa của Hội nhà văn…

Gã làm mặt nghiêm và buồn:

– Ông là Đạm?

Mặt thằng em xanh như đít nhái, nó lắp bắp:

– T…ôi…tô…i…

Thấy khuôn mặt thằng em mà tội nghiệp nên gã thôi:

– Đạm phải không?

Khuôn mặt thằng em ẩn hiện sau bàn tay che nắng, mắt hấp háy…Gã mỉm cười:

– Anh Hùng con bác Tư đây.

Ba giây. Gã nhớ rõ đúng ba giây…

Như chòang tỉnh giấc kê vàng, thằng em chồm tới ôm chầm lấy gã:

– Anh Hùng…

Và ghì chặt lấy gã không muốn buông rơi, như muốn níu kéo…Lắng đọng thật lâu, thật dài, dài cả năm mươi năm, cả nửa thế kỷ. Thằng em nghẹn ngào:

 

– Anh Hùng…

 

Gã nhẹ nhàng gỡ tay thằng em ra, thóang lặng nhìn từ trên xuống dưới, khóe mắt nó hình như ươn ướt…Nhìn xuống một chút nữa, như ngày xưa cũ kỹ, không đổi thay: Giờ ạ! Nó vẫn đi…chân đất. Hai anh em ôm chòang lấy nhau một lần nữa. Giọng thằng em thì thào qua tai gã, như tỉnh giấc mê trần:

– Em biết thế nào anh cũng về…

Mắt gã cũng đọng nước thì phải. Gã đánh trống lảng hỏi nó khỏe không? Nó ghì mạnh gã rồi chợt buông ra, quay lưng đi vào trong nhà và quệt mắt. Nó nói vọng lại:

– Em vào thay quần áo. Bình thường thôi anh.

Nhìn thằng em từ sau lưng qua bờ vai đầy an phận. Gã lan man thời buổi này được bình thường như nó thì gã chẳng mong đợi gì hơn, không bình thường mới có chuyện. Lần đầu tiên vê thăm quê nhà, gã thấy đầu óc dịu nhẹ với bề ngoài thằng em có những nét bình dị. Gã lơ đãng đảo mắt nhìn vào phía trong, đúng là nhà trống ba gian, không vách ngăn, không cửa nẻo, thông thốc tới tận cái bếp, cái sân sau. Gã bắt gặp thằng em vuốt tóc, chải đầu…bằng tay. Gã bần thần nhìn mớ đồ đạc đơn sơ quanh nhà, gã cảm thấy thoáng đãng và gần gũi với thằng em hơn. Vì nhìn quanh quất trên tường, gã không thấy hình ảnh…cha già dân tộc và mấy cái bằng tưởng lục ruồi bu.

Chợt nó nói vọng ra:

– Bác đợi em hâm tí nước nhá.

Giọng nói có một chút nào…hâm hâm, mà cũng quái lạ, nó lại đổi tông qua “bác, bác, em, em”, đúng điệu cán gáo hay Bắc kỳ hương lý, nhà quê nhà mùa. Thằng cán gáo đi ra tay bưng khay nước, tay cài…cúc quần. Gã nghĩ quẩn là cái thằng của nợ này cũng nho phong sĩ khí chán, vẫn còn giữ được văn minh, văn vật Hà thành nghìn năm mây bay là phải đóng bộ cho tươm tất để tiếp khách. Nhưng lấn cấn trong đầu gã thằng cán gáo mặc cái quần tây nhàu nát, không mang thắt lưng, chả hiểu nó quên hay chẳng có mà đeo. Rồi hai anh em râm ran, chuyện xưa chuyện nay, chuyện này chuyện kia, nó hỏi gã dồn dập, gã như ngộp thở chóng mặt. Gã kể cho nó nghe vừa ghé thăm “thầy” nó, với chuyện huy chương “Sao vàng”, với “Trường Sơn anh hùng”. Nó nhấm nhẳng:

– Tưởng chuyện gì. Chuyện đó bình thường thôi.

Rồi thằng em làu nhàu:

– Tốn cả trăm đô để có cái của nợ ấy, bác ạ. Tiền chứ có phải vỏ hến đâu, vả lại thầy em chỉ được cái nước hão, đã có dạo đói vàng mắt ra đấy. Bình thường mà.

Xong nó tặc lưỡi:

– Thầy em, chỉ được cái theo voi ăn bã mía, đi sau đổ vỏ cho thằng ăn ốc.

Có hầu chuyện với ông chú, gã mới u ơ nó là phó biên tập một tờ báo nhớn. Dòm kỹ thì bề ngoài chẳng…văn vẻ gì cho mấy, gã vén môi hỏi bỡn nó:

– Chú làm gì mà…cây đa cây đề quá thể vậy?

Thằng cán gáo bát nháo rằng:

– Báu gì thưa bác, phó…nào có khác gì như tủ lạnh chạy đầy đường. Em học khoa văn, nhẩy sang khâu…kinh tế. Họ không có chó thì bắt mèo ăn cứt vậy thôi, thưa bác.

Cũng qua ông chú, đột biến thằng em đốc chứng hưu non, ngày ngày đọc sách thánh hiền, dường như đang ôm giấc mộng lớn, mộng con với tề gia trị quốc bình thiên hạ thì phải. Gã gặng hỏi cớ sự gì lạ quá thể, thằng em xao xác:

– Bình thường thôi bác, để lát nữa em sẽ…kinh qua nhiều hơn.

Thấy bếp vắng người, gã vừa định hỏi chuyện vợ con nó cho phải phép, cũng vừa lúc gã đảo mắt xuống cái chum cuối sân. Sợi giây treo quần áo oằn xuống vì sáu, bẩy cái “sì-líp” đàn bà to đùng như cái nồi ba mươi, dềnh dàng thồn thộn làm gã hãi quá sức. Gã nhẩm chừng, chắc vợ nó cũng tốt tướng phì nhiêu lắm đây. Nó thì người ngợm như que tăm, kiểu đuôi chuột ngó ngoáy lọ mỡ lớ quớ sặc gạch có ngày. Tiếp, gã buồn miệng hỏi thăm…hiền thê, nội tướng nó đâu. Nó lấp lửng:

– Nhà em đi “Mút cu” sắm ít đồ, mua đầu chợ bán cuối sông ấy mà.

Gã súyt nhẩy dựng vì…mút cu. Vì chẳng là mới đây gã ghé Vũng Tầu…tham quan. Ngay bãi trước, sát bên hông chợ, đập chát vào mắt gã có con đường mang cái tên quái quỷ là…“Bú cu”. Gã đực mặt ra như ngỗng ỉa, bèn há họng hỏi thằng bạn thổ công đất biển cớ sự gì hay vậy nhẩy. Bạn gã thuyết mình ấy là tên của một ông phi hành gia….người Nga. Gã lại ngáo ra nữa. Quái! Mắc mớ gì mang tên ông phi hành gia có cái tên…thiếu cơ sở văn hóa đến như vậy để đặt tên đường. Gã chả hiểu mồ cha không khóc lại đi khóc cái tổ mối, khi không rước người Nga này về làm gì chẳng biết nữa. Đang phất phơ đến đây, như có thần giao cách cảm, nó quại một câu trơ khấc:

– Nhà em…người Nga.

Gã chớ phở ra và há họng:

– Chú nói gì! Người Nga?

Nó cười tóet, nụ cười thật hiền hậu, rổn rảng kể lể:

– Chẳng phải tay vừa đâu bác, nhà em dậy Ngôn ngữ học đấy

Gã đớ người ra như cán cuốc, bổ một câu thật ngớ ngẩn:

– Ngôn ngữ học?

Gã chưa kịp hòan hồn, nó đã láu táu:

– Để em sắp bữa cơm quấy quá mời bác sơi.

Nó vào nhà trong, gã nhìn theo, mắt lại va vào…mấy cái “si-líp”. Và rủa thầm cái thằng quái! Vợ đi vắng mang mấy cái của nợ treo làm khỉ gì chẳng biết nữa? Đang lẩn thẩn vậy thì…thì…bất chợt gã bắt gặp nó rất…vô tư: gã thấy nó vén quần…tồ tồ ngay cái chum. Gã lại mầy mò sao thằng em nhè cái chum mà tung tóe. Tiếp đến, lấy cái gáo dừa múc nước rửa tay, tiện tay nó lại xoa mặt, vuốt tóc. Cái này thì giời ạ, gã thấy thằng cán gáo…không bình thường chút nào.

Vừa mang bát đũa, ly tách ra, nó vừa nói: “Vợ chồng em như con cua, cái ốc nơi xó đồng, cả đời duyên nợ với chữ nghĩa, nay nhà em xoay ra sọan tự điển Nga-Việt”. Như bực bội, nó lấy ra quyển tự điển của người Hòang Phê nào đó trong ngăn kéo, mở ra phân bua: ”Bác xem, họ làm ăn chẳng ra ngô ra khoai gì cả, “cái ly” trong Nam mà ngoài Bắc mình gọi là “cái cốc” để uống rượu” ấy mà, thì họ cho là phương ngữ.

Nghe “phê” qúa thể, gã bèn hỏi móc lò:

– Chú thấy tiếng Việt trong sáng…

Chưa nghe hết, nó đã gạt ngang:

– Tiếng Việt trong sáng ở cái khổ nào, như “nhắc nhở” đẻ ra “nhắc nhớ”. Rồi cứt trâu hóa bùn với “năng nỗ”….

Đột nhiên gã bốc thối:

– Bình thường thôi mà

Nó gân cổ cãi:

– Bình thường sao được! Dân trong này họ nói chệch ra là “năng nổ”…nổ như lựu đạn ấy, mấy ông ngôn ngữ trí tuệ, đành ngồi trơ mắt ếch nhìn nhau.

Gã cũng trơ mắt nhìn nó vì chả hiểu sao thằng em mang chuyện “tự điển” vào đây cho rách chuyện. Cầm…cái đồ để uống trà, gã chịu chết chả hiếu nó là cái cốc hay cái ly?. Bắt qua chuyện…văn vẻ, gã hỏi thằng em dạo này còn viết lách gì nữa chăng?

– Thưa với bác, em tịt bút từ lâu. Ở đây, bác muốn viết gì thì viết, tự do nhân bản mà, nhưng đừng dại viết những gì đang có trong đầu. Nói thực với bác, cứ theo cái nghề thợ cạo xưa kia của thầy em đè đầu đè cổ thiên hạ, thế mà hay…

Gã nhủ thầm đúng là thằng cán gáo cầm cu cho chó đái bây giờ mới chịu vỡ bọng cứt ra. Hai anh em rù rì nói chuyện như vậy cho mãi đến sế chiều, nhìn thông qua sân sau, nắng quái chiếu qua tàn cây, song cửa một mầu đỏ tím rịm…Có một lúc gã mông lung, mãi sau mới nhớ ra, và hỏi thằng em lúc này nó còn “con tâu tắng nằm bờ te tụi” nữa chăng…

***

Làm như không nghe gã hỏi, khi không thằng em đứng dậy mò mẫm cái tủ sách sau lưng. Nó cúi xuống kệ cuối cùng lục lọi mãi mới lôi ra được một quyển sách dường như được giấu kín ở đấy từ lâu và đưa cho gã. Gã liếc thoáng qua: sách bọc giấy dầu đã sờn rách, chắc đã được đọc qua nhiều lần. Nó ngồi xuống, rướn người gần nửa cái bàn về phía gã, mặt mày đăm chiêu, thì thầm về quyển sách mà thằng em thửa được. ấy là quyển Hoa xuyên tuyết của Bùi Tín. Và giọng nó trầm hẳn xuống cho gã biết bạn bè truyền tay nhau xem, mê lắm.

Rồi mặt mày thằng em dáo dác, mắt lấm lét, chẳng ra dáng nhân sĩ Bắc Hà tí ti ông cụ nào. Nó sì sầm thật nhỏ, lúng ta lúng túng như gái ngồi phải cọc. Mãi sau gã mới hiểu có đầu có đũa. Hóa ra nó nhờ gã làm cách nào để có quyển Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên, sách gối đầu giường của bạn bè nó bây giờ. Theo nó thì họ giấu như giấu mả tổ, nó chỉ nghe nói có nhiều chuyện thâm cung bí sử, rung rinh cả triều chính, như chuyện ông Hồ có ba vợ, có con chẳng hạn. Sợ gã không nghe rõ, thằng em dăn dò thêm: “Bác nhớ nhá. Bác làm cách nào gửi cho em nhá”.

Nhá với nhem, gã lẩm bẩm, vậy mà cũng nhỏ to. Mà nó cần quái gì phải đọc, gã nhủ thầm: Cả chặng đường đã qua của thằng em là…đêm giữa ban ngày rồi còn gì nữa! Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng gã biết nói gì với thằng em đây…Hình như cuộc sống đến một lúc nào đó phải chấp nhận những gì…”không bình thường” và cứ xem nó như…bình thường. Chấp nhận những gì mà mình đã có. Đang có được hay sẽ có. Hoặc không. Để chịu đựng qua cơn bão, để làm sao biết tìm nơi trứ ẩn dưới cơn mưa.

Như dựa dẫm vào dăm ba quyển sách chẳng hạn! Như thằng em gã bây giờ.

***

Lặn lội từ Bắc vào Nam gã không thửa được vợ. Nhưng khuân về được hình bóng mội thời, một thưở của thằng em họ. Mấy tháng sau đang ngồi ngoài vườn, bất giác nhìn lên khỏang không, đất trời trùng hẳn xuống, gió thổi mây xoắn tít. Gió như bước chân mùa thu khẽ tới, hoa lá cụm lại thủ thỉ lời chia tay với nỗi nhớ nhung. Gã cứ lất phất với hình ảnh thằng đầu gáo ngày nào chỉ cho gã đánh khăng:

“…Đặt cái khăng con nằm dọc theo cái lỗ, nhích đi nhích lại, miệng dặn dò: ”Đằng ấy gõ vào đầu này nhá, đợi cái khăng con bung lên khỏi mặt đất, thì..”. Thằng em ra hiệu chỉ vào ngang đầu gối, nhổ nước bọt đáng bẹt vào bàn tay, xoa xoa, tiếp: “Rồi đằng ấy cứ nhắm tịt mắt, quất cái vù”. Nó thấy ngon như óc chó…”a-lê-hấp”…vẹo người, nhắm mắt nhắm mũi, phang bừa….Lại…hụt nữa.

Thằng đầu gáo cáu, vỗ đùi cái đét, chửi đổng: “Mẹ, ngu như lợn…”.

Nắng khơi khơi, mây khan khan…Nhìn đất trời mãi cũng ngán ngẩm, không ngoài hòa mình vào những hoài niệm của quá khứ thì cũng vậy…vậy thôi. Bất chợt nhớ tối hôm qua đi ăn ngoài, tiệm có treo trên tường mấy cái hộp kính đựng đàn cò, đàn gáo. Thế là gã tìm về quá vãng bằng cách ngồi tủn mủn cưa, cắt khúc cây cả một lúc lâu mà chẳng ra…cái khăng con, cái khăng cái của cái tuổi thiếu thời. Mà quái lạ, càng đẽo, càng gọt nhẵn thín lại giống…cái que.

 

Và gã bật ra một ý nghĩ…Bỏ cưa với dao đấy, gã vù ra chợ mua về một trái dừa tươi to bằng cái bong bóng lợn, may mà không phải là trái dừa điếc. Gã lây lất đến thằng em những ngày ở quê ra ao soi ếch, ra đồng hun chuột. Gã mường tượng thầy nó là ông phó cạo với những tháng ngày búng ghét đuổi ruồi và kể chuyện gà trống đạp mái, gà con chạy te te kêu khiếp khiếp, con chó thấy vậy kêu đâu đâu.

 

Đâu chẳng thấy, tẩn mẩn lột mớ sơ dừa, gã đong đưa về quê nhà đất Bắc, sơ dừa dùng làm bùi nhùi. Đầu óc gã thêm rối tinh với hình ảnh cô vợ Nga của nó có cái mông chành bành như cái lồng bàn, đang cọ nồi cọ chảo bằng mớ bùi nhùi đầy tình tự dân tộc. Vẫn chưa xong, gã lan man với cùi thân dừa làm “cù dìa”, chữ cù từ cùi, dìa ở dừa mà ra, tiếng Việt khó thế đấy.

Như gã đang cưa, cắt, mài, khoan đây, mờ người ra chứ đâu có dễ.

Ấy là gã đang khoan cái lỗ để nhìn xuyên qua quá khứ… Từ một nơi chốn đi về, quá khứ của gã đang ẩn hiện, xa vắng vời vợi. Cuối cùng gã nheo mắt, săm soi đút…cái que xuyên qua…hai cái lỗ trái dừa để làm…cái gáo.

Và gã bâng khuâng…

Trong vườn nhà gã hình như thiếu vắng cái chum thì phải?

Thạch trúc gia trang

Phí ngọc Hùng

©T.Vấn 2011

 

 

clip_image002

Bài Mới Nhất
Search