T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tháng 6 Năm 2008

Ngày 26 tháng 6 năm 2008

Viên đạn lịch sử
Trà Đoá

Mấy hôm trước, báo đưa tin một người đàn ông đã được giải phẩu để lấy ra viên đạn trong tim — nó đã nằm ở đó trong hơn 30 năm.

Nó đã gỉ sét, nó gây đau đớn, gây khó thở…
Người đàn ông đã cám ơn Trời Phật giúp ông sống được với nó hơn 30 năm, và sau giải phẩu, ông cảm thấy khoẻ hẳn lên và sẽ sống tiếp nữa.
Ông nói đó là phép màu…

Viên đạn lịch sử 
Lý Đợi

Mấy hôm trước, báo đưa tin, hiện có một vài học sinh phổ thông [khoảng 24 triệu đứa], nói tiếng Việt, được chẩn đoán là bị đạn bắn vào mép tim, dọc sọ và giữa háng. Những viên đạn đã gỉ sét, gây đau đớn, khiến khó thở…; và đặc biệt, đạn đã bay một cách chậm rãi, lạnh lùng từ hơn 30 năm [mà không: hơn 60 năm] trước — và tất nhiên, đã được thông báo, định hướng cẩn thận.
Tất cả lũ trẻ nghe tin tuyên truyền là sẽ được giải phẫu để lấy đạn ra — điều đó giống như một phép màu. Lũ trẻ sẽ có dịp cảm ơn “thiền tài” của Trời Phật đã giúp chúng được sống tiếp quãng đời còn lại. Và đương nhiên rồi, điều đó chỉ có thể diễn ra [và thành hiện thực xã hội…] khi thực sự có những phép màu…
mà những phép màu ấy phải thoát ra được cảnh tù đày của chính mình.

Viên đạn lịch sử

T.Vấn

Mấy hôm trước, báo đưa tin, có một ông già được đưa vào nhà thương cấp cứu. Ông té xỉu trong lúc ngồi đọc báo (tiếng Việt) ở một tiệm cà phê tọa lạc ngay trung tâm thành phố Little Sàigòn. Tại nhà thương, người ta khám phá ra có một viên đạn nằm trong trái tim của ông có lẽ đã từ lâu lắm, vì qua máy chụp digital với độ rõ cao nhất, mắt thường cũng nhìn thấy nó bị gỉ sét. Chắc ông già phải bị đau đớn lắm. Cuối cùng, chính viên đạn ấy đã làm ông già ngất xỉu (vì thở không được). Các bác sĩ chẩn bệnh vô cùng ngạc nhiên vì tại sao mãi đến hôm nay, ông già mới được đưa vào nhà thương để chữa chạy. Dĩ nhiên, họ quyết định giải phẫu để lấy viên đạn ra. Đối với y khoa tân tiến của nước Mỹ, công việc giải phẫu ấy dễ dàng như lấy đồ trong túi. Nhưng theo thủ tục, vẫn phải có sự ưng thuận của gia đình ông già, và nhất là chính ông ta. Khi được nghe nói về chuyện giải phẫu, ông đã giẫy nẩy lên, mồ hôi toát ra khắp người, nét mặt hoảng hốt như người sắp phải đương đầu với một tình huống nghiêm trọng, nguy hiểm. Câu trả lời của ông là KHÔNG. Hãy cứ để yên viên đạn gỉ sét ấy trong người ông. Ông đã sống với nó 30 năm rồi, thỉnh thoảng ông có đau đớn, nghẹt thở, nhưng ông vẫn sống. Nếu chết, ông đã chết từ lâu rồi chứ đâu phải đợi đến hôm nay để mà giải phẫu.

Không một ai, kể cả người thân yêu nhất của ông già, nhận thức được rằng chính viên đạn gỉ sét, chứng tích của cuộc chiến tranh tàn khốc mà ông đã từng kinh qua, chính là lý do để ông tồn tại. Không có nó cùng với những cơn đau nhức triền miên, những nửa đêm về sáng hổn hển những hơi thở đứt đoạn, thì ông còn có gì khác để bám vào, để khỏi bị chết đuối giữa những lớp sóng hung ác của quá khứ !

Vì thế, ông cám ơn trời phật đã giúp ông sống được với nó 30 năm nay, và sẽ còn sống được với nó thêm nhiều năm nữa.

Ông già cũng nói đó có lẽ là phép màu

Ngày 10 tháng 6 năm 2008

Một nhà văn nổi tiếng trước biến cố 1975, và cũng là một sĩ quan trong quân đội miền Nam, mới đây đã viết một bài “khó hiểu“ đăng tải trên một trang điện tử khá uy tín với cả người đọc ở trong nước lẫn ngoài nước. Ông mượn cớ đọc tập hồi ký của một vị cựu tướng của quân đội VNCH, để hầu như có những nhận xét rất không “công bằng“ và đầy “cảm tính“ về những người lính VNCH hiện sinh sống ở hải ngoại, những người còn muốn được nhớ lại mình đã một thời mặc chung một mầu áo. Qua đoạn văn sau đây, tôi nghĩ có lẽ ông không hài lòng với một số nhỏ những vị cựu chỉ huy đã không chứng tỏ mình là một cấp chỉ huy vào những giây phút dầu sôi lửa bỏng nhất:

“Tôi, người viết bài văn này, một sĩ quan bộ binh quèn, quí trọng những giọt nước mắt của tướng Kỳ, trân trọng sự tủi hổ của tướng Tiên, sự tủi nhục của Phó đô đốc Thoại, sự im lặng đau đớn của tướng Trưởng, bởi vi tôi đã gặp không ít cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hoà đến bây giờ vẫn tự đắc tự hào là mình đã khôn ngoan khi đã nhanh tay (tháo bỏ lon) và nhanh chân (bỏ quân bỏ lính) tháo chạy ra hạm đội Mỹ ngoài khơi, vào một ngày nào đó của ba mươi hai năm trước. Thời gian như thế kể cũng khá lâu rồi và mọi sự cũng nhạt nhòa, nếu hàng năm không làm lễ lớn nhỏ kỷ niệm nhắc nhở mọi người. Nhắc nhở gì? Một đại tá Phi Luật Tân đã hỏi người viết bài ở Bataan: “Tại sao các anh lại cứ thích kỷ niệm ngày quân đội các anh tan rã?” ( Thế Uyên – Đọc “Can trường trong chiến bại” của Hồ Văn Kỳ Thoại – Diễn đàn Talawas 29-05-2008 ).

Ông còn có những nhận xét khá “châm biếm“, khi nói về những người lính VNCH thỉnh thoảng xuất hiện ở những buổi lễ lậy với nguyên bộ quân phục như ngày xưa:

“Không phải chỉ có Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại mới quá lưu luyến quân lực, có không ít người từng là quân nhân Việt Nam Cộng hoà không chịu giải ngũ dù quân lực mình tan hàng từ hơn ba mươi năm trước. Ai không tin thì cứ cầm một tờ báo chợ lên đọc, sẽ thấy quân ta luôn luôn có đủ mặt, từ rằn ri với mũ đỏ xanh lá cây nâu xanh trắng – tôi không thấy ai đội mũ của bộ binh màu cứt ngựa với phù hiệu vàng lóng lánh, chắc tại không oai phong bằng mũ màu của dân rằn ri rồi, vậy đội làm gì (ngay người viết cũng chỉ đội một lần hôm ra trường rồi từ đó cứ mũ lưỡi trai vải bạc phếch lang thang các đơn vị ba vùng chiến thuật, trừ vùng bốn vì ghét sình lầy và cũng như nhà văn mũ nâu Lâm Chương, tôi cũng sợ đỉa dù loại đen hay to bự sọc vàng đầy ấn tượng…).
Ít có nước nào cho phép quân nhân đã giải ngũ, hay tự ý tan hàng, kể cả nước Mỹ, mặc lại quân phục cũ, đeo đủ lon lá như thế, lại rước quân kỳ (của một quân lực đã tan hàng) quốc kỳ (một nước đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới) đi ra đi vô… hoài hoài như thế. Nước chủ nhà rộng lượng bỏ qua vì thương đồng minh cũ chạy qua tị nạn, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên tỏ ra biết điều. Chiến cuộc Việt Nam đã tàn hơn ba mươi năm… và chúng ta là kẻ thua. Còn muốn, thích vinh danh quân nhân, thì con em chúng ta, thế hệ một rưỡi, thế hệ hai, đã gia nhập quân đội nơi định cư khá nhiều, sĩ quan cấp tá không thiếu. Hãy nhường chỗ trên bục cho các em đó. Tre già rồi, để măng thay thế… ( Thế Uyên – bđd) “.

Tôi vốn sống ở tỉnh lẻ, người Việt sinh sống không nhiều, nên không thấy được những điều như ông nhà văn đã thấy. Bản thân tôi, từ ngày định cư tại Mỹ, chưa bao giờ có dịp sở hữu hay mặc vào người bộ quân phục cũ. Từ nhiều năm nay, trong nhiều bài viết về những người lính cũ của tôi, cũng chưa bao giờ tôi viết những điều gọi là “vinh danh“ người lính (dù xét cho cùng, tuy thua trận, nhưng xương máu của họ đã đổ ra vì lý tưởng tự do xứng đáng để được vinh danh). Tôi chỉ nhắc đến cái sứ mạng mà thế hệ chúng tôi đã chưa chu toàn với đất nước, với các thế hệ mai sau, vì hiện nay, trên quê hương chúng ta, những lý tưởng ấy vẫn chưa thành hiện thực:

“Người lính già mặc lại bộ quân phục cũ của mình mỗi khi có dịp tụ họp gặp lại anh em bạn bè chiến đấu ngày xưa, như để nhắc nhau đã có một thời vó câu yên ngựa bụi khói sa trường, như để nhắc nhau ngày hôm nay bôn ba nơi xứ người là vì những sứ mạng chưa được chu toàn. Trong ý nghĩa đó, ngoài sự hiện diện của quá khứ, còn có bao băn khoăn cho ngày mai. Và tất nhiên, những ước mơ muốn truyền đạt đến thế hệ mai sau. Cùng lúc, ông vẫn không thể gạt qua một bên cái cảm thức hình như mình đang tìm cách níu kéo quá khứ, không để cho nó đi như lẽ ra nó phải biến mất từ lâu. 30 năm sau một cuộc chiến chinh. Những nấm mồ đã không còn nhận ra được nữa, những góa phụ tử sĩ đã có thể không nhớ mình đã một thời là góa phụ, là tử sĩ. Người lính già đã có lúc nghĩ rằng sự sống sót của mình là một nỗi bất hạnh.Ông đã trải qua nhiều năm tháng tù ngục. Và nhất là sự nhục nhã của một hàng binh. Nhưng tất cả những điều đó không có nghĩa là ông không nên mặc lại bộ quân phục cũ của mình. Dẫu sao, cả cuộc đời tuổi trẻ của ông là bộ quân phục ấy. Cũng như cả một thế hệ tuổi trẻ cùng thời với ông. Và tất nhiên, họ cũng như ông, canh cánh bên lòng về những sứ mạng – có thật hay tưởng tượng – chưa được chu toàn, hay đúng hơn, không bao giờ được chu toàn, ít nhất là ở thế hệ của ông. (T.Vấn – Quá khứ một thế hệ – Diễn đàn Talawas 22-11-2004)

Do đó, đọc những điều ông nhà văn đàn anh xa lắc của tôi “cay đắng“ với hình ảnh quân đội cũ được “trưng bày“ ở hải ngoại, tôi cảm thấy trong lòng mình nặng trĩu một nỗi buồn. Khi người ta đã có một thành kiến nào đó, thì thật khó mà giữ được cái tâm và cái trí “open” để có thể cảm thông được cùng với người khác, ít nhất, là ở sự công bằng trong nhận xét.

Bài Mới Nhất
Search