T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tháng 7 Năm 2008

18 tháng 7 năm 2007

Trích bài viết của nhà văn Nguyễn Viện , một trong vài bài viết hiếm hoi về những cuộc biểu tình của đồng bào khiếu kiện ở Sài Gòn, từ trong nước gởi cho Diễn đàn Talawas ngày 18-07-2007:

Kính thưa các bác biểu tình,

Tôi cảm thấy xấu hổ… vì không giúp gì được cho các bác, như tiếp tế nước uống và đồ ăn để các bác đủ sức khỏe đi tìm “pháp lý” thêm 10 năm nữa (nếu vẫn còn khỏe thì cứ tìm tiếp). Bởi vì tôi biết rằng nếu tôi làm thế, tôi sẽ bị vồ ngay tức khắc. Tôi cũng không thể đứng lại bên cạnh các bác để chia sẻ vài lời cảm thông, vì tôi biết chắc nếu hành động như thế, tôi sẽ bị (nhẹ nhất là) đuổi đi. Tôi cũng không thể đưa máy ảnh chụp vài tấm hình làm kỷ niệm với các bác vì chắc chắn tôi sẽ mất toi cái máy ảnh phản động.

Ðến gần các bác, thế nào tôi cũng bị rắc rối và đón nhận nhiều nguy cơ hơn các bác như bị đuổi việc, bị điều tra, thậm chí có thể bị bỏ tù để làm rõ “động cơ”.

Phần tôi hèn đã đành. Các mẹ, các chị “Bàn Cờ” năm xưa, các anh “tranh đấu” thuở nọ dường như chết cả. Các bác cũng đừng trách các nhà báo thiếu lương tâm nghề nghiệp, vì có đưa tin cũng chẳng sếp nào dám cho đăng.

Tôi chỉ có mấy lời đơn giản kính thưa cùng các bác:

Thứ nhất, tôi cũng không biết “pháp lý” ở đâu để chỉ cho các bác.

Thứ hai, tôi không tin có “pháp lý”, vì có “pháp lý” thì các bác đâu phải biểu tình.

Thứ ba, giả dụ có “pháp lý” thì “pháp lý” ấy không dành cho các bác. Bằng chứng là các bác vẫn kêu oan.

Thứ tư, theo lời khuyên của nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn, các nhà văn Việt Nam nên tạo cho mình một thế giới tưởng tượng, đừng quan tâm tới thực tại vụn vặt (như của các bác) làm gì, nên tôi cần phải nói ngay với các bác: “Biết chết liền”. Ai cũng hiểu cho được việc. Rồi biến.

Thứ năm, tôi muốn xin bản quyền những câu trên biểu ngữ của các bác để “sắp đặt” thành một tác phẩm nghệ thuật (vì tôi vốn viết cũng không có nhuận bút), tôi tin rằng đó sẽ là một tuyệt tác.

Thứ sáu, khi nào vở kịch Ðất thánh của tôi (đã đăng trên damau.org và trong spectrum talawas chủ nhật) có cơ hội công diễn, mong các bác cộng tác lên sân khấu diễn đúng vai của mình, cát-sê bảo đảm sòng phẳng, và theo đúng tinh thần vở kịch, các bác sẽ được diễn tới muôn đời sau.

Thứ bảy, giả định rằng các bác trở thành diễn viên, tôi nghĩ một thế giới thực sẽ phong phú và khả năng gợi mở của nó đối với tư duy của con người (trong các vấn đề liên quan và thậm chí chẳng ăn nhập gì) sẽ không ít hơn một thế giới tưởng tượng.

Thứ tám, qua kinh nghiệm của các bác, tôi thấy rằng những tiếng nói thẳng và thật còn chẳng đi đến đâu, huống gì ẩn mật với ví von.

Thứ chín, việc làm của các bác đặt cho tôi một câu hỏi: đứng trước sự đau khổ của con người, nhà văn có thể làm gì?

Cuối cùng, tôi xin có lời kính chúc các bác khỏe mạnh để sống tới ngày nhìn thấy “pháp lý”.

( Nguyễn Viện – kính gởi các bác biểu tình . Talawas 18-07-2007 )

Ngày 4 tháng 7 năm 2007

30  năm chiến tranh, rồi lại 30 năm sau chiến tranh. Khoảng thời gian 6o năm đủ dài để đưa một dân tộc từ chỗ nghèo đói lạc hậu đến văn minh và giàu mạnh. Lịch sử thế giới cho thấy thực ra người ta cũng không cần tới 6o năm để làm công việc đó. Vậy mà thực tế Việt Nam đã chứng minh ngược lại. Trách nhiệm này thuộc về những người Việt ở cả hai bên một bờ ranh giới, cả ranh giới trong và ngoài nước lẫn ranh giới phân chia bởi cuộc chiến Quốc Cộng 30 năm qua. Những người ra đi với  lý do họ không được quyền nặng lòng với quê hương  ngay trên đất nước của mình. Những người ở lại tin rằng họ đã bị kềm kẹp quá lâu để dễ dàng bằng lòng với chút tự do nhỏ giọt và một bữa cơm tuy đạm bạc nhưng tạm no lòng. Và quan trọng hơn hết, không ai đủ can đảm để nói lên cái cố chấp của mình khi nhìn lại ngày hôm qua. Hệ quả là một cụm từ rất đẹp như cụm từ  HÒA GIẢI DÂN TỘC đã bị những ý đồ thiếu thành thật từ trong nước và những quan niệm cứng nhắc từ ngoài nước tước đoạt mất cái ý nghĩa rất trong sáng và cao cả của nó. Mặt khác, thái độ bảo thủ của giới cầm quyền trong nước, cố tình đồng hóa thể chế phi dân chủ của họ với khái niệm quốc gia dân tộc đã góp phần làm cho tình hình càng trở nên bế tắc hơn. Đó là một sự nhập nhằng thiếu lương thiện về mặt trí thức, vô luân về mặt chính trị. Đất nước, Dân tộc là những khái niệm trường cửu, tồn tại từ nhiều ngàn năm nay bất kể mọi biến thiên của lịch sử. Một thể chế, một chế độ cầm quyền là sản phẩm nhất thời của một giai đoạn lịch sử,  nó sẽ bị thay thế một khi vai trò của nó đã hoàn thành. Do đó, hòa giải dân tộc, là sự hòa giải thực sự giữa những người cùng một tổ tiên, cùng một dòng máu, mang trong lòng cùng một khát vọng muốn xây dựng lại căn nhà tổ tiên làm chỗ nương thân tươm tất cho các thế hệ con cháu mai sau – mà, chẳng may – trước đây vì những tình cờ của số mệnh (cá nhân cũng như dân tộc) đã phải đứng ở hai bên của một cuộc đối đầu. Nay, trước sự thúc bách của hiện trạng đất nước, muốn gạt bỏ hết những oan  nghiệt lưu cửu của hôm qua để cùng nhau đưa đất nước vào một vận hội mới. Rất đơn giản, đó là ý nghĩa và là mục đích của sự hòa giải. Tuyệt đối, không phải là sự hòa giải giữa những người sống lưu vong với nhân dân và đất nước của họ. Đó là một cách đặt vấn đề vừa thiếu công bằng, vừa thiếu lương thiện. Bởi vì, trong suốt 30 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, vì nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho có gần 3 triệu người bỏ nước ra đi, nhưng chưa bao giờ, những người lưu vong có sự xung khắc với đất  nước mình, với nhân dân mình để ngày nay nói đến chuyện hòa giải.

(Tháng 4 ngỏanh lại 30 năm – T.Vấn)

Bài Mới Nhất
Search