T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Thêm một cuộc khởi hành

● Gởi những người cha có con vừa tốt nghiệp ra trường.

1.

Tháng 6. Mùa hè đã quay trở về. Những cánh cửa trường học tạm khép lại. . . chờ mùa sau. Những lũ trẻ xênh xang quần áo tốt nghiệp, nôn nóng nói lời cám ơn lần cuối cùng với cha, với mẹ, với chị, với anh để rồi háo hức bước chân vào thế giới đầy mộng tưởng trước mặt.

Ôi những năm tháng tuyệt vời nhất của một đời người ấy dễ làm cho người ta say túy lúy. Thứ cơn say kéo dài cho đến khi va chạm phải thực tế trần trụi đầy góc cạnh, đôi khi làm sướt da chảy máu, đôi khi để lại dấu ấn khó phai nhòa cho suốt cả quãng đời còn lại. Đó là khi những con chim mới ra ràng tỉnh cơn say, cố điều chỉnh cho hai chân chạm vào mặt đất, và lần đầu tiên trong đời, chúng không còn nhìn thấy màu hồng của cuộc đời trước mặt.

Là một người cha, nhưng những đứa con của tôi chưa đủ lớn để cho tôi cái cảm giác ngậm ngùi tiễn con lên đường đi học xa, cảm giác hân hoan khi nhìn con rạng rỡ bước lên lễ đài nhận mảnh bằng tốt nghiệp từ tay vị thầy khả kính, và tâm trạng lo lắng ưu tư khi nắm tay con đưa ra phía đầu đường, nơi con sẽ xốc lại hành trang vào đời, quay nhìn cha mẹ một lần nữa trước khi hăm hở đi về phía chân trời đang mở rộng trước mặt.

Dầu vậy, nhìn chung quanh, những bạn bè người quen kẻ biết, tôi vẫn có thể chia sẻ được những cảm giác ấy. Và nôn nóng chờ đợi tới phiên mình. Nôn nóng hơn cả những ngày trai trẻ muốn đuợc một lần bước chân ra khỏi nhà để làm cánh chim tự do, muốn bay lúc nào thì bay, muốn ngủ lúc nào thì ngủ, mặc cho cha ủ rũ, mẹ héo sầu vì sự bồng bột ngây thơ của mình.

Ai mà không có một thời trai trẻ với những ý tưởng ngông cuồng nhất mà con người có thể ý niệm được. Nhất là thế hệ chúng tôi, thế hệ sinh ra, trưởng thành giữa một đất nước đã nhiều năm đảo điên quay cuồng giữa bom đạn của chiến tranh. Một thế hệ những chàng trai trẻ muốn trở thành người hùng, đánh Đông dẹp Bắc, đi đến đâu giặc tan tới đó, làng xóm thanh bình tới đó. Ngày ấy, không ai trong chúng tôi không thuộc nằm lòng những câu thơ hào sảng, chí khí ngất trời (1):

. . . . . . . .

Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí lớn không về, bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

(Tống Biệt Hành- Thâm Tâm)

Ngày ấy, đất nước binh đao, những cuộc lên đường mà hành trang trên vai chỉ vỏn vẹn một tấm lòng vì dân, vì nước, thì có xá gì những bịn rịn thường tình:

Một giã gia đình, một dửng dưng

. . . . . . .
Mẹ! thà coi như chiếc lá bay
Chị! thà coi như là hạt bụi
Em! thà coi như hơi rượu cay
(Tống Biệt Hành- Thâm Tâm)

Thế đấy! cả một thế hệ chúng tôi say lòng vì cái hào khí rạng rỡ làm người thanh niên thời lọan, bất kể con đường trước mặt đầy hầm hố mìn chông, đầy gian nan hiểm trở.

Vậy ngậm ngùi làm gì cho những người trẻ hôm nay, khi cái cạm bẫy đời dù có gian ác cách mấy cũng chỉ đủ sức làm chậm lại bước chân của họ, chỉ đủ sức làm cho họ nhụt chí, chứ chưa chắc gì đã hạ gục được những ước mơ bay bổng của những phượng hòang con móng vuốt sắc như dao, cứng như thép.

2.

Tháng 6. Tôi nhìn tương lai của một lớp trẻ vừa lên đường. Vừa thán phục, vừa ganh tỵ. Họ may mắn hơn chúng tôi nhiều quá. Và họ cũng đã tự khẳng định mình một cách hết sức thuyết phục, có nghĩa là họ đã không bỏ lỡ những cơ hội mà chính sự thất bại của thế hệ chúng tôi đã mang đến cho họ. Tôi đã nhiều lần chứng kiến, viết về, những người cha ôm chặt đứa con của mình vào lòng mà nước mắt rưng rưng. Ông khóc vui mừng vì sự thành đạt của con mình, vì những ước mơ thời trai trẻ của mình nay đã hình thành, ít nhất, một phần trong bước đi đầu đời của con. Ông cũng khóc ngậm ngùi cho cuộc đời của chính mình. Bao ước mơ không bao giờ trở thành sự thật, những ước mơ cháy bỏng ngày ông quyết chí dứt áo ra đi với tâm trạng một giã gia đình, một dửng dưng, người mẹ già tội nghiệp kia thì như chiếc lá bay, người chị tảo tần kia cũng chỉ là hạt bụi, và đứa em thơ bé bỏng cũng chỉ là hơi rượu cay.

Tháng 6, nhìn cuộc lên đường của thế hệ trẻ, tôi cũng chạnh lòng nhớ đến cái ngày tháng 6 năm xưa (2) khi thế hệ chúng tôi nhận lãnh trọng trách bảo quốc an dân mà đất nước đã giao phó giữa bao xáo trộn bất ổn mà một nền cộng hòa non trẻ phải đương đầu. Cái ngày mà những người trí thức mặc quân phục đã long trọng tuyên hứa tự do hay là chết, quyết không để đất nước lọt vào tay những kẻ mang chủ nghĩa ngọai lai về áp bức đồng bào.

Trách nhiệm ấy đã không tròn. Những ước mơ lụi tàn dần trong những nhà tù lớn nhỏ mọc lên khắp miền đất nước, trong những mảnh đời buồn bã ngày cất bước ra đi tìm đường sống cho thế hệ tương lai. Thế hệ chúng tôi lại có dịp giở bài thơ đầy hào khí ngày nào, không phải để tự đánh lừa mình với những ảo tưởng tội nghiệp, mà là để can đảm nhìn lại lòng mình:

Mây thu đầu núi, gío lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động tiếng hồn câm

(Tống Biệt Hành – Thâm Tâm)

3.

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thẫm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

(Tống Biệt Hành – Thâm Tâm)

Nhiều năm sau, đọc lại bài thơ cũ, nhớ đến cuộc lên đường (đi vào nơi gió cát) của thế hệ mình ngày nào, nghĩ đến cuộc lên đường của thế hệ trẻ hôm nay, tôi có cảm tưởng chúng tôi quá lãng mạn nên đã gặp nhiều thất bại trên đường đời. Đã đành, cuộc chiến tranh khốc liệt bao trùm lên tất cả đã an bài một định mệnh không thể tránh khỏi cho đất nước, nhưng một phần cũng vì những “tiếng sóng ở trong lòng”, những “hòang hôn trong mắt trong” đã phải bó tay trước cái sắt máu lạnh lùng của người Cộng sản.

Những cuộc lên đường của thế hệ hôm nay không ồn ào, không lãng mạn, không có “tiếng sóng ở trong lòng”, không cả những “hòang hôn trong mắt trong”. Chỉ có bước chân vững chãi, tự tin, càng không mang nặng quá khứ, hành trang không nặng nề, vướng víu, khiến con đường trước mặt như ngắn lại, như mở rộng ra.

Tôi chỉ băn khoăn một điều. Ở đích đến cuối cùng mà thế hệ trẻ hôm nay đang hăm hở bước tới ấy, có được bao nhiêu phần của những ước vọng hôm nay hướng về mảnh đất quê nhà, nơi vẫn còn bao nhiều người thiếu ăn, bao nhiêu kẻ bệnh tật không được chữa chạy, bao nhiêu em thơ không được cắp sách đến trường và cả 75 triệu người chưa một lần được hít thở không khí tự do?

T.Vấn

(Mùa Tốt Nghiệp 2010)

_________________________________________-

Chú thích:

(1)

Tống Biệt Hành là bài thơ nổi tiếng nhất của nhà thơ Thâm Tâm (1917-1950). Ông làm thơ không nhiều. Chỉ trên dưới 20 bài. Ông tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, sinh ngày 12 tháng 5 năm 1917 tại Hải Dương, qua đời ngày 18 tháng 8 năm 1950 vì bệnh tim trên đường ra chiến khu Việt Bắc. Ông vẽ tranh, viết văn, làm báo, làm thơ đăng tải trên Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm và Truyền bá quốc ngữ…

Thuở sinh thời, Thâm Tâm chưa có cơ hội in tập thơ của riêng mình. Mãi đến năm 1988, một sưu tập thơ – Thơ Thâm Tâm -mới được ra đời. Ngòai Tống Biệt Hành, là bài hành nổi tiếng nhất, ông còn những bài hành khác như Can Trường Hành, Vọng Nhân Hành, Tráng Ca cũng với một giọng bi hùng, khắc khỏai, ngang tàng, kiêu bạc. Ở một nghĩa nào đó, những tính cách ấy biểu trưng cho cái lãng mạn mà hào hùng của tuổi trẻ. Vì thế, thơ Thâm Tâm có một sức hút mãnh liệt với tuổi trẻ chúng tôi những ngày ấy. Chẳng hạn như : Phiếm du mấy chốc đời như mộng /Ném chén cười cho đã mắt ta /Thà với mãng phu ngoài bến nước /Uống dăm chén rượu quen tay thước /Cái sống ngang tàng quen bốc men ( Can Trường Hành ) hoặc: Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch/ Ta ghét hoài câu nhất khứ hề/ Ngoài phố mưa bay xuân bốc rượu/ Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê ( Vọng Nhân Hành ) v.v..

Ngoài ra, Thâm Tâm còn có có 3 bài thơ : Gửi T.T.Kh, Màu máu Tigôn, Dang dở. Đây là những bài thơ tình hay nhất của Thâm Tâm gởi cho thi sĩ T.T.Kh. Trong các bài thơ, ông tự nhận là người tình cũ của T.T.Kh. Một số người còn cho rằng chính ông là T.T.Kh. Tuy nhiên, vẫn không ai biết chính xác là như thế nào. ( T.Vấn tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau ).

(2) Ngày 19 tháng 6 năm 1965 là ngày quân lực Việt Nam Cộng Hòa đứng ra nhận trọng trách điều hành đất nước sau một lọat những bất ổn chính trị khiến miền Nam có nguy cơ nhanh chóng lọt vào tay Cộng sản.

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search