T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Vấn Lệ: VIẾT NHỮNG DÒNG NÀY (Tập Thơ)

XIN BẤM VÀO ĐÂY

VIẾT NHỮNG DÒNG NÀY

VƯỜN THƠ, VIẾT NHỮNG DÒNG NÀY

Tôi vẫn ở lại đây, Vườn Thơ Trần Vấn Lệ, sáng sáng, chiều chiều… trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 ập đến Sài Gòn như một cơn bão nghiệt ngã.

      Những ngày này, Vườn Thơ của Anh lặng lẽ hơn. Đứng trên thềm ga cũ, chỉ còn nghe vọng về từ trong tiềm thức tiếng còi tàu rời sân ga, cho lữ khách ngoái nhìn những đóa Cẩm Tú Cầu tim tím mà hồn bâng khuâng.

      Không gian trầm buồn, cái buồn bàng bạc giăng mắc khắp trời quê hương bởi đại dịch. Tiếng Thơ Anh rơi đều, thật khẽ và đủ chạm đến trái tim những người yêu thơ.

      Cũng như rất nhiều bài thơ khác trong những tập đã xuất bản trước đây, thơ của thi sĩ Trần Vấn Lệ thời gian này vẫn giữ nguyên nét tự nhiên, nhẹ nhàng như hơi thở. Cứ thế, hàng ngày, hàng giờ, Anh để ngôn từ nhàn nhã rong chơi mà nên thơ hóa nhạc; tổng hòa, đan xen tình yêu đối với Quê Hương, với gia đình, bạn bè bằng những lời thủ thỉ thật êm dịu và chân thành.

      Có khi còn là những Tùy Bút viết theo thể ngũ ngôn, lục bát, thất ngôn, … mang phong cách nghệ thuật hết sức tự do, phóng khoáng và giàu chất trữ tình.

      Những Tùy Bút này vừa mang đậm chất thơ và cũng khá đậm chất “báo”.

      Chất thơ thể hiện ở những cảm xúc và suy tư của tác giả đôi khi lãng mạn, bay bổng, có lúc lại rất sâu sắc và đa chiều. Ngôn ngữ sử dụng vẫn bình dị, dễ thương nhưng truyền tải được đầy đủ ý nghĩa sâu xa.

      Ra đời giữa những ngày đại dịch nên chất “báo” trong Tùy Bút của tác giả thể hiện rất chân thực và rõ nét. Anh cập nhật rất nhanh mọi việc thực diễn ra trong đời sống hàng ngày với cách viết vốn mềm mại, không hề khiên cưỡng. Đó chính là tài nghệ của ngòi bút tinh tế Trần Vấn Lệ.

      Đọc và bâng khuâng. Có lẽ khi Thi sĩ Trần Vấn Lệ viết những dòng này, những giọt nước mắt Anh đã lăn dài theo mỗi bước chạy của đồng bào đang cư ngụ tại hàng chục ngàn khu nhà trọ ở Sài Gòn để kiếm bát cơm manh áo mưu sinh, bắt đầu ùn ùn tìm đường về quê. Thơ Anh như chựng lại, tiếng Thơ như nghẹn ngào:

      “Nắng quá mưa không kịp/ năm sáu tháng nay rồi/ dịch bệnh từ khắp nơi/ về tuôn ra quốc lộ…

Có người thì đi bộ/ tay xách với nách mang/ Có người thì vội vàng/ cỡi xe máy xe gió…

      Buồn lắm chớ câu hỏi/ tràng giang trôi lê thê/ người bỏ phố đi về/ về lại quê…thất thểu!

                                                                              (Bỏ Phố Về Quê)

      Đó là những cuộc “di cư” thấm đẫm nỗi buồn. Đêm ngày, mưa nắng, đèo dốc, buồn tủi, đói khát… để đi ngược lại hướng thiên di ngày nào. Không ở trong tâm dịch, ai đọc báo, nghe tin đã thấy rưng rưng và quá đau lòng.

Tôi nghe tiếng sột soạt của ngòi bút chạy trên giấy, từng giọt mực hay giọt nước mắt rơi run run …

      “Biển sông run bần bật… Trường Sơn cũng oằn mình! Tháng Tám thật vô tình… cả nước mình phong tỏa!

(Tháng 8 Việt Nam Hai Ngàn Hai Mốt)

      Tựa vào câu ca dao xưa, câu kết của bài thơ Ngó Nắng Cho Qua Ngày vương nỗi đắng cay và xót xa:

      “Chúng ta có qua cầu, thương nhau xin đổi áo… đem đi mà đổi gạo sống những ngày… giới nghiêm!       “

      Rồi một ngày như mọi ngày, Anh lặng lẽ nhớ về Quê Hương, nhớ về gia đình, bạn bè, …Nỗi Nhớ như luôn được viết hoa, bỗng chốc hóa mây trời, theo gió vượt trùng khơi thành những giọt mưa – giọt lệ nhòa cay mắt nhớ …

      “Tôi nhớ… chuyện gì tôi cũng nhớ

      bỗng dưng nỗi nhớ lại lem, nhòa

      Sáng nay tôi trải lòng nao nức

      sao ngõ vàng hoa chưa thấy hoa?”

(Sáng Bửng Trời Êm Mát Dịu Dàng)

      *

      Cách đây 5 năm, Anh về thăm và buồn khi thấy Đà Lạt không còn như xưa. Đứng ở gần cuối dốc Duy Tân cũ, nhìn qua đường Hoàng Diệu, chỉ cách một con suối nhỏ mà Anh không thể bước qua để thăm lại chốn cũ dấu xưa đầy kỷ niệm. Ngỡ ngàng vì có quá nhiều đổi thay, thoáng chốc Anh trở nên ngại ngần ngay trên Quê Hương mình.

      Bây giờ, theo dõi tin tức hàng ngày, biết chút rừng đang sót lại trong phố sẽ không còn, chắc Anh càng buồn hơn.

      Ai đã đọc tập thơ “Ăn Của Rừng Rưng Rưng Nước Nước Mắt” của thi sĩ Trần Vấn Lệ xuất bản vào tháng 7/2021 cũng đã cùng thấm nỗi đau mất rừng. Nỗi đau đó không dừng lại, nó cứ được nhắc lại, lúc tách bạch, lúc hòa xen vào những cung bậc, hình thái cảm xúc khác trong tập thơ mới này.

      Với tôi, Anh không đơn giản là làm thơ. Anh đã thốt lên tiếng lòng mình bằng một giai điệu riêng thật đẹp… Ngôn từ giản dị mà không hề dễ dãi, lắng đọng cảm xúc nhưng lại dạt dào, oà vỡ trong không gian yêu thương với những lời nồng nàn…

      “Cũng mong Trời làm thơ, chớ làm mưa thì khó! Giọt mưa thành giọt nhớ ở Cali lâu rồi…

      Em trông giống như người đứng trong tranh cổ tích! Hôm nay em không nghịch nhưng chắc lòng em vui?

      Tà áo dài em phơi cùng màn sương rất nhẹ. Anh hôn em chút nhé cái miệng em thơm sương…”

(Hôm Nay Có Điềm Lành)

      Trong thơ Anh có thấp thoáng chút tình riêng thơ mộng nào đó thì cuối cùng vẫn có tiếng thở dài nhè nhẹ, hiển hiện nỗi nhớ tận cùng về Quê Hương giữa niềm cô đơn, u uẩn.

      “Viết trong nỗi cô đơn đến tận cùng:

      Xưa Thâm Tâm buồn, nay ta buồn

      Trăng mờ cố quận tại mù sương?

      Ai tri âm nhỉ? Ai tri kỷ?

      Ai giải giùm ta chữ Đoạn Trường?”

(Trăng Mờ Cố Quận)

      Tôi không phải là nhà thơ, không biết dùng nhiều mỹ từ để ca tụng, nhưng thật sự từng câu từng từ trong tất cả những bài thơ của Thi sĩ Trần Vấn Lệ dù viết trong tâm trạng nào cũng luôn mang lại cho tôi quá nhiều cảm xúc. Cảm xúc vô cùng gần gụi, bởi nó được tạo nên thật tự nhiên như hơi thở. Hơi thở cuộc sống, triết lý nhân sinh được Anh bày tỏ thật sâu xa và quá “điêu luyện”. Tôi có cảm giác chỉ cần xòe bàn tay ra, năm đầu ngón đụng ngay cái lạnh giá của mùa đông dai dẳng, của lòng người buốt giá. Nắm tay lại, hơi ấm lại tỏa lan bởi chút chia sẻ của ngọn lửa trái tim, tình yêu thương và lòng nhân ái.

      Tôi mong Anh sẽ thấy ấm áp, bớt cô độc vì đâu đó giữa dòng đời xuôi ngược, Anh vẫn có những tri âm, có những đồng vọng.

*

      Tôi tạm ngưng bài viết này bằng một bài thơ rất hay – sự trải lòng của Thi sĩ Trần Vấn Lệ

      “Tôi xem chữ nghĩa như con cái: có đứa buồn hiu có đứa vui, quanh quẩn bên tôi chiều với sớm, líu lo như thể lũ chân trời

      Tôi xem chữ nghĩa như cơm cháo, khi đói thì ăn no để dành, dư ném cho chim nhìn chúng hót thấy đời hẹp bớt chút mông mênh 
      Tôi xem chữ nghĩa như bè bạn, kết thả trôi sông chở cả trời nếu có lúc bơi giòng nước ngược, buồn buồn nhớ lại lúc miền xuôi 
      Tôi xem chữ nghĩa như chăn gối, khi lạnh thì ôm, nóng bỏ ra, nhưng chẳng lúc nào không ở cạnh, trăm năm thương mãi chữ Chan Hòa! 
      Chữ nghĩa và tôi nặng cái tình, như là khi thấy lệ long lanh giọt sương trên lá khi chiều xuống, nhớ quá Quê Hương khóc đoạn đành 
      Chữ nghĩa theo tôi thời ấu thơ, chữ a, chữ ă, chữ o, ô… Chữ nào cũng ngộ như ông Phật đưa một bàn tay chỉ học trò.
      Chữ nghĩa và tôi đến xứ người, ngậm ngùi tan nát giống như tôi… sót vài ba chữ ngồi hiên quán gặp bạn nâng ly một tiếng cười 
      Chữ nghĩa và Tôi sẽ xuống mồ mai này cỏ mọc sắc xanh lơ ai đi ngang để cành hoa xuống là cũng cho đời một chút thơ .” 

      Đó chính là Trần Vấn Lệ, chỉ đơn giản là Anh thôi, đơn giản như những nét bút tài hoa Anh để lại cuối tập thơ này.

      Tất cả những dòng Anh viết về Quê Hương, về hoa lá cỏ cây đất trời Đà Lạt hay cả thân phận con người trong mùa dịch bệnh đều thấm đẫm tính nhân văn, một chút triết lý, một chút ngang tàng- khí phách.

      Vâng, khí phách của một người từng là lính…

      Chất lính trong Anh cũng thật đáng yêu. Rất cứng cỏi và cũng lãng mạn đến vô cùng. Rất lạnh lùng và cũng thật nồng nàn quyến rũ…

                                                                                         Dalat, 12/ 2021

                                                                                    Nguyễn Thiên Nga

Bài Mới Nhất
Search