T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 55)

clip_image001

Vương Thúy Kiều

Bấy lâu nay ai cũng nằm lòng Đoạn Trường Tân Thanh, sáng tạo dựa vào tác phẩm cổ của đời Minh có tên là Kim Vân Kiều, truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, cuốn truyện nầy bằng sao chép tay hiện còn lưu giữ tại Thư Viện trường Viễn Đông Bác Cổ, Pháp. Câu chuyện về sau có nhiều tác giả viết lại thêm nhiều tình tiết hơn, chẳng hạn như Lý Thúy Kiều Truyện của Đại Sĩ Lâm, Vương Thúy Kiều Truyện của Dư Hoài…

Tuy nhiên, Vương Thúy Kiều Truyện của Dư Hoài còn tựa đề nữa là “Phong tình cổ lục” có nhiều điểm giống Truyện Kiều của Nguyễn Du.

– Ngay trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết:

Cảo thơm lần giở trước đèn

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh

– Truyện gồm 20 chương, mỗi chương đều có lời bình của Kim Thánh Thán.

– Chương 20, đoạn Kim Trọng đến sông Tiền Đường lập đàn giải oan cho Thúy Kiều rồi đọc bài văn tế của Tống Ngọc – Có thể từ bài văn tế này, Nguyễn Du đã sáng tác ra bài “Văn tế thập loại chúng sinh” bằng thể song thất lục bát dài cả mấy trăm câu.

– Cũng chương 20, Vương Thúy Kiều Truyện thì Kim Trọng làm quan đến chức Ngự sử, Vương Quan thăng phó sứ Hồ Quảng. Vương Quan, Thúy Vân đều có một con trai

– Lời bình của Kim Thánh Thán chương 20:

Rút cục Vương Thúy Kiều chết mà hóa sống, trời cũng chìu lòng người, nghĩ mà sướng thay.

Khúc tái hợp kia chẳng qua là câu chuyện bịa đặt của Dư Hoài. Sự hoang đường ấy có phần hơn Trang Tử. Ta thì ta cho là cái công của tác giả bày ra khúc tái hợp cũng chẳng kém chi bà Nữ Oa vậy.

(Mộng Bình Sơn – Tình sử Vương Thúy Kiều)

Chữ với nghĩa

Tiếng Việt có nhiều chữ với nghĩa trái ngược hẳn nhau. Nhưng nói hay viết thành câu thì lại đồng nghĩa như:

“Quân ta đánh thắng quân Tầu” – “Quân ta đánh bại quân Tầu”.

Hay: “Máy bay ném bom trúng nhà dân” – “Máy bay ném bom lầm nhà dân”.

Hoặc giả như: “Mùa đông phải mặc áo ấm” – “Mùa đông phải mặc áo lạnh

(Trà Lũ – báo Thời Báo)

Ca dao và lịch sử

Nguyễn Hoàng được chúa Trịnh Kiểm ở Đàng Ngoài cho vào trấn thủ Thuận Hóa, đến lúc vững mạnh cũng xưng chúa ở Đàng Trong. Rồi đôi bên gây nên cuộc Nam Bắc phân tranh, kéo dài đến non nửa thế kỷ. Họ đánh nhau liên miên, xây thành đắp lũy kiên cố, hiểm trở để phòng chống nhau, thế nên có câu tục ngữ về địa danh thời bấy giờ:

Hiểm nhất lũy Thầy
Thứ nhì đồng lầy Võ Xá

(Phương Nghi – Tạp chí Tài hoa trẻ)

Giai thoại về một cái tên

Năm 1953, trận Thanh Hương là đề tài một bài bút ký chiến tranh của Bernard Falls với nhan đề là Con Đường Buồn Thiu (The Street Without Joys). Đó là tựa đề một cuốn sách nổi tiếng của tác giả viết về chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-54).

Cũng ở Con Đường Buồn Thiu năm 72, chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, với hai phóng viên chiến trường có mặt ở đây. Quãng đường mươi cây số ngang Hải Lăng bị các chốt pháo từ trên núi cách một vài cây số liên tục nã vào để chặn đường rút lui. Đoàn người di chuyển trên Quốc lộ 1 gồm quân nhân miền Nam đã thất lạc đơn vị, mất chỉ huy và không còn đội hình, có khi mang theo cả gia quyến, lẫn vào với dân cư Đông Hà, Quảng Trị. Đoàn người hỗn loạn, lớp lính, lớp dân, lớp dân trộn vào với lính, bằng đủ loại phương tiện, từ chạy bộ quang gánh đến quân xa, xe đò, xe lam, xe máy. Bỏ qua con số chính xác thì trong đó đã có hàng ngàn người bỏ xác trên đường. Phóng viên Dương Phục hỏi Lê Thiệp đại khái như chữ nghĩa nào để tả cảnh tang thương ngẫu lục này, không nghĩ ngợi Lê Thiệp buột miêng: Đại lộ kinh hoàng.

Và cái tên Đại lộ kinh hoàng đã đi vào chiến sử như Mùa hè đỏ lửa của Phan Nhật Nam.

(Phụ đính: Với Đại lộ kinh hoàng có thêm nguồn cho là do phóng viên chiến trường Ngy Thanh hiện đang ở Houston đặt tên)

 

Văn hóa cà phê

Trời mưa. Tôi cúi đầu rảo bước. Đẩy cửa kính tôi bước vào Barnes & Noble. Vào tiệm tôi rẽ tay phải tiến đến quầy Starsbuck gọi ly cà phê Americano. Rồi tôi chọn một cái bàn gần chỗ vách tường có lỗ cắm điện, mở cặp lấy chiếc laptop cúi xuống gắn giây điện. Từ ngày về hưu tôi có thói quen buổi sáng sau khi đi bộ xong thì mang laptop vào quán Starsbuck để viết. Tôi viết gì đây? Nhìn màn ảnh trống hổng tôi suy nghĩ.

Nhưng khi những dòng chữ được tôi trải ra trên màn máy vi tính chưa được một trang tôi đã phải vội vàng xóa đi ngay vì đọc lại tôi thấy chúng quá nhạt nhẽo. Những dòng chữ hiện lên vô hồn và trần trụi như xương của những chiếc lá chết. Chúng không phản ánh hình ảnh lẫn cảm xúc trong tôi. Tôi đổi sang một truyện khác nhưng rồi lại xóa bỏ. Cứ như thế dăm ba lần. Sau hai tiếng đồng hồ miệt mài đánh vật với con chữ rồi lại xóa đi tôi mệt nhọc bỏ cuộc. Màn ảnh chiếc laptop lại hiện lên nguyên hình như lúc tôi chưa bắt đầu. Trống trơn.

Bên ngoài mưa tạnh, nắng lên, trời sáng hẳn ra. Thế là đã vừa chẵn một năm tròn. Kể từ đêm giao thừa năm ngoái với Thế Uyên, người em họ hơn tôi năm tuổi. Tôi nhìn toàn thể khung cảnh trong Barnes & Noble và nhớ ra rằng tôi đến tiệm sách này cũng là do Thế Uyên nói:

–Ông nên đến đó xem thử. Thoải mái lắm. Hơn cả thư viện. Trong đó có Starsbuck. Uống cốc cà phê tha hồ mà đọc sách chùa…
Tôi đáp:
–Starsbuck? Thế thì tôi phải đến, mang theo laptop để viết. Không phải tôi ghiền cà phê Starsbuck mà ghiền cái không khí của quán cà phê này. Thiếu cái không khí đó tôi viết văn không ra, ông ạ!
–Thôi chết… Ông bị “điều kiện hóa” rồi! Cũng như bao năm tôi cứ đinh ninh không có điếu thuốc lá thì văn tịt ngòi. Bây giờ mới biết mình nhầm. Bác sĩ bắt mình bỏ thuốc, vẫn viết được như thường.

(Nguyễn Tường Thiết – Một buổi sáng của một ngày hưu)

Họ Hồng Bàng

Chữ “hồng” ghép bởi hai chữ “giang” là “sông nước” và “điểu” là chim. “Bàng” là “lớn”.

Hồng bàng là loại chim nước lớn.

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Tam tự kinh

Tam tự kinh là quyển sách do Vương Ứng Lâm đời nhà Tống viết để dậy trẻ con học vỡ lòng chữ Hán. Mỗi câu có ba chữ.

Giai thoại làng văn

Tôi không biết Nam Cao bắt đầu viết từ lúc nào, nhưng cái bút hiệu “Nam Cao” nổi bật lên cho đến bây giờ cũng là do một tình cờ. Ngọc Giao đi Sài Gòn, tôi là thư ký tòa soạn cho “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” bị tràn ngập bài vở, nên không đọc xuể.

Một buổi chiều không có bạn bè đến chơi, tôi không biết làm gì trong khi ngồi chờ cơm, rút một tập ở trong những chồng bài cũ ra để đọc. May mắn làm sao tôi lại được đọc một truyện của Nam Cao, và ngay mấy câu đầu tôi đã thích thú vì lối hành văn với những câu kệch cỡm, nghịch ngợm, có khi dớ dẩn nhưng đậm đà có duyên. Truyện ấy đăng lên “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” được độc giả để ý liền. Tôi lại lục tập bài cũ tìm nữa, thấy hai truyện khác, đăng luôn và nhắn Nam Cao trong mục thư tín viết tiếp gửi về. Đến truyện thứ năm, thứ sáu thì các anh em văn nghệ bàn tán rất nhiều và bắt đầu hỏi Nam Cao là bút hiệu của anh nào vậy.

Đến cuối tháng ấy, Nam Cao lù lù tìm đến nhà tôi. Anh đến nhà báo, Trần Kim Dần chỉ sang nhà tôi ở cách báo quán độ mươi bước đường. Lần thứ nhất, gặp Nam Cao, tôi có cảm tưởng anh là một người hiền lành, tử tế. Tôi có cảm tình liền, đi ăn nhà hàng, lại có thể có một thanh niên chừng hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi không biết món vây là cái gì, và hỏi cơm chiên đã có lạp xưởng và trứng rồi hà cớ gì lại phải ăn vây, và “thịt bò Tây hồ” cho tốn tiền? Về sau này, tôi giữ nguyên cảm tình của tôi đối với Nam Cao Trần Văn Trí, một nhà văn dí dỏm, chua chát lại sâu xa, nhưng chân thật và hồn nhiiên, không nhà văn nào so sánh được.

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Mây tản, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt tận

Câu trên thỉnh thoảng vẫn bắt gặp trong những bài viết, nguồn từ câu thơ của Mạc Đĩnh Chi khóc công chúa Tầu: “Y (ôi)! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết”.

Hội nhà văn II

Trong nhiệm kỳ thứ nhất, từ năm 1957 đến năm 1958, đứng đầu Ban chấp hành là Nguyễn Công Hoan (chủ tịch), Tú Mỡ (phó chủ tịch), Tô Hoài (tổng thư ký) và ba ủy viên thường vụ: Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Đoàn Giỏi.

Trong cuộc đấu tranh chống lại nhóm Nhân văn – Giai phẩm, tinh thần của Nguyễn Công Hoan cũng như một số ủy viên trong Ban chấp hành Hội Nhà văn bị giao động mạnh khiến giới lãnh đạo miền Bắc nổi giận ra lệnh triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn vào ngày 2-7-1958 để cách chức Tô Hoài, đưa Nguyễn Đình Thi lên nắm chức tổng thư ký và trên thực tế, hoàn toàn vô hiệu hoá chức chủ tịch và phó chủ tịch của Nguyễn Công Hoan và của Tú Mỡ.

Đến Đại hội Hội Nhà văn lần thứ hai, được tổ chức tại Hà Nội 1963, chức danh chủ tịch và phó chủ tịch dành cho người đứng đầu Hội Nhà văn bị bỏ hẳn. Thế vào đó là danh hiệu tổng thư ký. Chức tổng thư ký lọt vào tay Nguyễn Đình Thi.

(Nguyễn Hưng Quốc – Hội nhà văn Việt Nam)

Tiếng Việt dễ mà lại khó

Có 1 cô gái nói với Hải khi Hải về VN:
– Bác biết không? Quê em ở “Quảng Linh” lên em ” lấu lướng” ngon cực kì.
Hông biết có phải tiếng Việt không nữa?

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Chữ nghĩa làng văn

Miền Nam cũng là xứ nông nghiệp, nhưng cách làm ruộng cũng khác miền Bắc nhiều lắm. Chữ nghĩa cũng vì thế cũng đổi theo. Rất nhiều chữ, từ miền Bắc vào Nam không ai dùng nữa, vì xã hội đã thay đổi, như:

Nghề hàng xáo, ruộng chân nhất đẳng, nhị đẳng, ruộng mật điền, rau muống lợn, đi đong gạo, dậm lại mái nhà, ngày con nước, đi lưới, cái niêu, nồi đất, chỉnh dầu, rổ rá, dao quay, dao nhựa, một bồ, vuông thóc, giây lạt, dùi đục, cái cũi, đóng cũi, cái cưa xẻ, cái gáo, cái chum, cái lọ độc bình, cái phên nứa, bát chiết yêu, tậu 3 mẫu ruộng, vác thúng, cái lồng ấp.

Chữ sau đây cũng xưa lắm rồi, nhưng đến là hay: nhà xí. Trong Nam gọi là nhà cầu, siêu đun nước, cái áo quan, cái nhị tẩu, khay đèn, quạt lông, đèn ló, cái sập, cái phản, quần nái (quần dệt bằng một thứ hàng tơ tầm sợi thô, nhuộm đen), cái bình phong, con thò lò, đỉa phải vôi, giọng kẻ bể, cái trõng che, cót lúa, một bồ, vuông thóc, gạch bát tràng, gạch lát bổ cau (lát xiên và dựng nghiêng viên gạch) gạch vồ, cái mả , rồi có cải mả, đề lao, cái lọ. Tỉ dụ : xách hai cái lọ đi kín nước. Chữ kín nước nghe thật hay, nhưng cũng ít được ai dùng tới nữa. Cái màn (mùng). Rồi từ đó thay vì nói đi ngủ, người ta còn nói vào màn.

Ngộ Không

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search