T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Cao Xuân Huy và bằng hữu (Văn) (Nhân ngày giỗ)

Mục Lục

Vài dòng tiểu sử

Một Cao Xuân Huy khác – Ngô Thế Vinh

Nhớ Cao Xuân Huy, ông em rể “hụt” – Nam Dao

Tình gác chân mây – Phí Ngọc Hùng

Cao Xuân Huy mùa thu gãy cánh – Thụy Khuê

Ông Gẫy súng đã “lên tầu” – T. Vấn

Nhìn lại chân dung Cao Xuân Huy – Nguyễn Mạnh Trinh

Cao Xuân Huy, một ngọn gió đã bay xa – Bùi Vĩnh Phúc

Cao Xuân Huy từ chuyện tháng Ba gẫy súng – Nguyễn Mạnh Trinh

Cao Xuân Huy, nhà văn nhân chứng tự trọng…- Du Tử Lê

Huy – Trương Vũ

Hương trầm vẫn còn đây, Cao Xuân Huy – Trầm Hương

Cao Xuân Huy, người ở lại Thuận An – Đỗ Xuân Tê

Nghe Huy kể chuyện – Đặng Phú Phong

Từ Boston nhớ “tháng ba gãy súng” cùng “vài mẩu chuyện” – Lương Thư Trung

Người vừa nằm xuống – Ban Mai

Nợ – Hoàng Nga

Vĩnh biệt Cao Xuân Huy – Chúc Anh lên đường thênh thang

Chia sẻ – Phạm Quốc Bảo

Giờ Ông đi – Cao Phú Vang

Tạp bút tro tàn – Ban Mai

Two Years – Bea Nguyễn ( con gái của Cao Xuân Huy )


Vài dòng tiểu sử:

 

Cao Xuân Huy sinh ngày 14/7/1947 tại Bắc Ninh, mất ngày 12/11/2010 tại Lake Forest, Nam Cali, Hoa Kỳ. Vợ: Đỗ Thị Minh. Con: Cao Nguyên Chúc Dung, Cao Nguyên Xuân Dung. Nhập ngũ tháng 2/1968. Thuỷ quân lục chiến. Cấp bậc trung úy. Tháng ba 1975 bị bắt. Đi học tập cải tạo đến tháng 9/1979 được thả. 12/1982 vượt biển. 10/1983 tới Hoa Kỳ.

Tháng 6/1985, in Tháng ba gẫy súng.

11/1989 – 6/1992, Tổng thư ký tạp chí Văn Học.

4/1993 – 10/1994, Tổng thư ký tạp chí Văn Học.

9/2004 – 2/2008, Chủ biên tạp chí Văn Học.

Tháng 7/2010, in Vài mẩu chuyện.

[1] Nhờ bài Đi tìm dấu tích tờ báo Sáng Tạo (Hà Nội, 1956) của Lại Nguyên Ân (công bố trên Talawas ngày 3/2/2010) mà hoạt động của Sáng Tạo được sáng tỏ. Sáng Tạo ra được hai số: Số 1 (5/11/1956) và số 2 (20/11/1956) thì bị đình bản. Hiện nay chưa tìm lại được vết tích 2 số báo này.

[2] Trần Đức Hinh, “Tẩy sạch nọc độc của chủ nghĩa xét lại trong việc giới thiệu, phê bình phim ảnh”, Điện Ảnh số 14, ngày 1/5/58 (tài liệu Lại Nguyên Ân).

[3] Cao Nhị, “Tôi đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng trong việc giới thiệu phê bình phim ảnh” Điện Ảnh số 15 ra ngày 15/5/1958, (tài liệu Lại Nguyên Ân).

[4] Cao Nhị, “Nửa tháng liên hoan phim Liên Xô: Mấy bộ phim dở” Nhân Văn số 5, ra ngày 20/11/1956, tài liệu Talawas.)

[5] Cao Xuân Huy nói chuyện với Trần Văn Thủy, Nếu đi hết biển, Thời Văn 2004, trang 62.

[6] Viết năm 1984, in dần trên báo. 1985, xuất bản lần đầu. Tái bản nhiều lần. Bản điện tử lưu trữ trên tủ sách Talawas.

[7] Tạp chí Văn học, Cali, 2010

[8] Hồ trường, thơ Nguyễn Bá Trác. Hành phương nam, thơ Nguyễn Bính.

Một Cao Xuân Huy khác

Ngô Thế Vinh

Trong tình bằng hữu nhiều năm với Huy, được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai cháu Chúc Dung & Xuân Dung, bài viết thiên về khía cạnh y khoa này, nói về một Cao Xuân Huy khác, người bệnh Cao Xuân Huy chênh vênh trên con dốc của tử sinh, đã can trường chống chỏi với bệnh tật cho tới những ngày và giờ phút cuối cùng và đã ra đi với tất cả “phẩm giá”.

Melanoma là loại ung thư phát triển từ những tế bào sản xuất sắc tố melanin / melanocytes, yếu tố định hình màu da của mỗi chủng tộc. Thông thường melanoma là loại ung thư da / melanoma skin cancer, nhưng mắt cũng có thể là nơi phát triển loại ung thư này, tuy khá hiếm. Ung thư sắc tố melanoma trong mắt thì không dễ phát hiện như ở ngoài da. Khi phát hiện thường là đã trễ.

Đó là trường hợp Cao Xuân Huy, rất tình cờ, khi Huy nheo một bên mắt thì mắt kia không thấy gì . Huy báo tin cho tôi biết.

Khi đột ngột mất thị giác một mắt, phải nghĩ tới những nguyên nhân khẩn cấp khác [ như bong võng mạc / retinal detachment, tai biến mạch máu não / stroke, thiên đầu thống / migraine, cao áp nhãn / glaucoma…] thay vì nghĩ ngay tới ung thư mắt. Một bác sĩ nhãn khoa Việt Nam đã khám ngay cho Huy, chẩn đoán lâm sàng đầu tiên cho đây có thể là do một loại nấm khá hiếm mọc trên võng mô / retina. Nhưng cũng rất sớm, những ngày sau đó, UCLA đã có một chẩn đoán chính xác cho Huy: ung thư sắc tố mắt / ocular melanoma. Trong suốt bài này chỉ đơn giản gọi là “melanoma-mắt.”

Không rõ nguyên nhân, nhưng số người mắc bệnh melanoma-mắt thì cao hơn ở nhóm người da trắng, mắt xanh [ không phải Huy], hoặc cũng có thể vì “hiệu ứng gây ung thư / oncogenic effects” do phơi ngoài nắng lâu dài; riêng đặc tính này thì Huy được xem như “overqualified”, do những năm dài lính tráng hành quân khắp bốn vùng chiến thuật và sau đó là thêm những năm lao động khổ sai tù đầy ở một xứ sở nhiệt đới như Việt Nam. Nói thêm, theo thuật ngữ y khoa, thì đây có thể là do “sai lầm của gene biến thể / mutated gene” đã ra lệnh hoảng cho các tế bào sản xuất melanin tiếp tục phát triển thay vì bình thường theo chu kỳ lão hóa và rồi chết đi. Y khoa bước đầu cũng đã tìm ra những “dấu ấn phân tử / molecular markers” trong nhiễm sắc thể / chromosome để phát hiện rất sớm các di căn.

Melanoma-mắt là loại ung thư hiếm, rất thầm lặng và khi phát hiện thường là trễ với hơn 50% đã có di căn, nên tuổi thọ / life expextancy của những bệnh nhân này rất là ngắn, còn khoảng từ 2 tới 7 tháng; chỉ có khoảng 15% bệnh nhân là sống lâu hơn 12 tháng. Lý do chính là melanoma mắt với di căn tới gan, hầu như kháng lại mọi điều trị. Melanoma-mắt có thể hoàn toàn không có triệu chứng gì ban đầu, khi có triệu chứng cũng không đặc thù như lóa mắt / flashing lights, mờ mắt / blurred vision hay với triệu chứng nhức mắt do tăng nhãn áp / glaucoma hoặc mất thị giác / vision loss [ trường hợp của Huy ], và diễn tiến lâm sàng thì rất bất định về thời gian trước khi có di căn tới các bộ phận khác ngoài xa mắt như gan, phổi, não và xương. Các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán bao gồm: thử máu chức năng gan, siêu âm mắt để phát hiện bướu trong mắt, chụp mạch máu mắt với chất cản quang, và có thể cần tới sinh thiết / biopsy vùng bướu trong mắt để xác định loại ung thư. Tiếp theo là theo dõi định kỳ, cũng với xét nghiệm máu, hình phổi, CT scan thay MRI để phát hiện sớm vùng bị di căn. UCLA đã cung ứng cho Cao Xuân Huy gần như đầy đủ những “tiêu chuẩn” như vậy.

Nhưng yếu tố thời gian vẫn là tiên quyết. Thử chức năng gan đôi khi vẫn bình thường nhưng có thể ung thư đã lan tới gan, với những di căn rất nhỏ / micrometastases.

Melanoma-da và melanoma-mắt, tuy cùng tên gọi nhưng lại là hai loài “dã thú” khác nhau. “Hóa trị / chemotherapy” có thể hiệu quả với melanoma-da nhưng lại gần như “bất trị” đối với trường hợp thứ hai. Kinh nghiệm điều trị di căn / metastases gan từ melanoma-mắt không nhiều. Hiệu quả điều trị được định nghĩa như bướu di căn thu nhỏ lại 50% hay hơn. Nếu đáp ứng chỉ được 15% không khác với hiệu ứng placebo/ giả dược thì việc tiếp tục điều trị thêm nữa chỉ làm thống khổ thêm người bệnh trong những tháng ngày ngắn ngủi còn lại.

Cao Xuân Huy không là con bệnh của phẫu thuật / surgical candidate. Khởi đầu, Huy được xạ trị / radiation therapy trên vùng mắt bệnh hay từ chuyên môn còn gọi là brachytherapy, như một loại kim phóng xạ / radioactive seeds.

Sau bước điều trị ấy, Huy vẫn được UCLA thường xuyên theo dõi. Do chỉ còn nhìn được với một mắt nên tầm thị giác của Huy bị giảm đáng kể, mất khả năng lượng giá chiều sâu / depth perception, nhưng Huy thì vẫn thản nhiên sinh hoạt bình thường, hàng ngày lái xe khá xa từ nhà ở Lake Forest đi làm ở Little Saigon, khi lái xe về nhà ban đêm Huy đã thấy khó khăn hơn.

Hóa trị liệu được dùng trong điều trị melanoma da và mắt. Thuốc cho qua đường tĩnh mạch, theo đường dẫn của máu tới vùng ung thư nhằm nhanh chóng giết chết các “tế bào ác”. Cũng không tránh được thuốc ấy giết hại cả những tế bào lành. Và dĩ nhiên có vô số những biến chứng phụ / side effects do thuốc, khiến không ít số bệnh nhận phải bỏ cuộc, bao gồm: trầm cảm, mỏi mệt, nôn mửa xuống cân, thiếu máu, giảm bạch cầu nghiêm trọng / neutropenia làm mất khả năng đề kháng dễ bị nhiễm trùng nặng gây tử vong…Tiến bộ của y khoa đã có những thuốc mới làm giảm thiểu các phản ứng phụ này. Chỉ khoảng 20% bệnh nhân malanoma-da có đáp ứng điều trị. Chưa có hóa trị liệu nào chứng tỏ có hiệu quả đối với di căn melanoma-mắt xuống gan, như trường hợp Cao Xuân Huy.

Bướu di căn của loại melanoma này không phải chỉ có một, do có nhiều bướu nhỏ trong gan, nên phẫu thuật cắt bỏ / resection không có chỉ định trong trường hợp này.

Nói chung, một số loại ung thư có thể chữa lành, nhưng melanoma-mắt với di căn gan thì không có hay đúng hơn là chưa có trong danh sách ấy, nó thuộc loại rất “ác tính” vẫn còn là một thách đố với tiến bộ của y khoa trong thế kỷ 21.

Cũng như khi cầm bút, Huy viết về cái xấu cái tốt của mình một cách thản nhiên, thì nay nói về bệnh ung thư mắt của mình cũng với một sự thản nhiên như vậy, trong khi người nghe thì không tránh được nỗi xúc động hay cả hốt hoảng. Một người bạn thân sau khi gặp Huy đã phát biểu: “Huy bệnh ngặt nghèo như vậy mà chính mình lại như được nó an ủi.” Theo dõi Huy, mới thấy Huy là người bệnh khá mẫu mực, dứt bỏ rượu dễ dàng, rất kỷ luật trong từng giai đoạn điều trị, Huy cũng đã nhận được những chăm sóc y khoa tiên tiến nhất mà anh rất xứng đáng được hưởng. Đổi lại, Huy đã cống hiến cho y khoa một “case study” tốt nhất trong cuộc chiến đấu khuất phục loại ung thư mắt dữ dằn này. Huy đã can đảm chịu đựng, vượt lên trên những thống khổ do hậu quả của các bước điều trị mà ngay từ bước đầu đã không có một hứa hẹn thắng lợi nào. Anh cũng được báo trước rằng khi chấp nhận điều trị, phẩm chất những tháng ngày còn lại của anh có thể sẽ bị ảnh hưởng không những thế quỹ thời gian của Huy còn có thể bị rút ngắn hơn. Huy đã can đảm chấp nhận tất cả.

Huy và tôi, qua cell vẫn liên lạc với nhau hàng tuần, thường là ngày thứ Năm sau ngày tái khám ở UCLA về. Thường là tôi phone cho Huy, nhưng lần này Huy gọi tôi báo tin cho biết CT scan mới phát hiện có bướu nhỏ trong gan. Nhiều phần có thể là do di căn từ ung thư mắt nhưng cũng có thể là một bướu gan tiên khởi / primary tumor không có liên hệ gì tới melanoma-mắt, khi mà tỉ lệ ung thư gan do viêm gan siêu vi B của người Việt Nam hay các sắc dân Á châu nói chung khá cao. Dù trường hợp nào thì điều trị cũng là rất khó khăn.

Tuần lễ sau đó, con gái Huy đưa bố vào UCLA làm biopsy / sinh thiết gan, và chưa bao giờ nghe Huy mở miệng than đau. Kết quả sinh thiết gan xác định bướu gan là do di căn từ ung thư mắt. Không thể giải quyết bằng phẫu thuật, mà xạ trị / radiation therapy hay hóa trị / chemotherapy đều không có hiệu quả với loại di căn này. Cuộc chiến đấu sắp tới của Huy có phần gay go hơn. Huy rất biết có một dự hậu / prognosis không sáng sủa như vậy nhưng vẫn chấp nhận “một vòng / cycle hoá trị liệu” đầu tiên, mỗi tuần vào ngày thứ Tư trong 6 tuần lễ. Huy vượt qua vòng đầu một cách dễ dàng dĩ nhiên cũng phải trải qua tất cả những biến chứng phụ do thuốc. Thời gian này, Huy vẫn tự lái xe đi làm và cả cuối tuần thì gặp gỡ các bằng hữu. Tái lượng giá sau vòng 1 hoá trị, vùng di căn ổn định, không lớn ra hay phát tán thêm. Như một chút ánh sáng cuối đường hầm, nhưng không thể nói điều trị đã có hiệu quả. Trong cuộc chiến rất không cân xứng ấy, thắng lợi đầu tiên không phải là diệt mà là “cầm chân địch”.

Và Huy chấp nhận thêm một “vòng hóa trị thứ hai”, cũng mỗi tuần trong 6 tuần lễ nữa.

Không biết bên địch tổn thất bao nhiêu, nhưng rõ ràng Huy bắt đầu phải trả giá. Tuần lễ đầu tiên, sau lần hóa trị của vòng 2, Huy cho biết, ngoài các phản ứng phụ đã trải qua như ở vòng đầu, thì lần này khắp mình mẩy thêm cái “đau như xé thịt” _ chữ của Cao Xuân Huy. Huy chưa bao giờ biết than đau, có nghĩa là ngưỡng chịu đau / pain threshold của Huy rất cao, cái đau 10/10 vẫn không khiến Huy có ý định bỏ cuộc. Tuần lễ thứ hai, với sự dè dặt của toán điều trị, nhưng Huy vẫn yêu cầu tiếp tục bước thứ hai. Vẫn cái “đau xé thịt” ấy nhưng cường độ thì lớn hơn và kéo dài hơn mấy ngày sau khiến Huy phải cần thuốc giảm đau. Đây là một khúc rẽ quan trọng, do sức người có hạn, Huy không thể đi những bước tiếp theo, theo lượng định của toán điều trị chứ không phải do Huy. Sự can trường với sức mạnh tinh thần vốn có của Huy đã không tỉ lệ với thể trạng của Huy bây giờ.

Huy cần một “thời gian dưỡng thương” trước khi có thể hoạch định một bước điều trị khác.

Rồi bước tái lượng giá tiếp theo, Huy được báo cho biết bướu di căn cũ thì đã lớn hơn và có thêm nhưng di căn mới trong gan. Riêng Huy cũng cảm thấy vùng gan bây giờ không chỉ cứng hơn mà còn lớn hơn và ăn uống thì khó khăn. Từ đây Huy xuống sắc, xuống cân và yếu đi rất nhanh, duy tinh thần thì vẫn vững vàng. Như từ bao giờ, Huy vẫn với thái độ rất thản nhiên, và như không có gì để hối tiếc.

Có lần gặp Huy đã quá yếu, không còn đứng vững trên hai chân, sắp ngã quỵ mà Huy vẫn không muốn vịn trên cánh tay người bạn đứng bên mình.

Như vậy UCLA cũng đã bó tay, và gửi trả Huy về với bác sĩ gia đình. Thay vì đưa vào hospice / nơi chăm sóc người cận tử, thì Huy vẫn sống với sự chăm sóc đầy ắp thương yêu của gia đình với vợ và hai con.

clip_image006

Chủ Nhật 07/11/2010, lễ hứa hôn con gái thứ hai của Huy [ cháu Xuân Dung ] được tổ chức sớm hơn trong gia đình cho Huy vui và Huy đã thực sự vui với ngày vui ấy của con gái. Sau này tôi khám phá ra một điều, một Cao Xuân Huy tuy cứng cỏi nhưng cũng biết sợ, rất sợ đứa con gái thứ hai.

Huy có thể không nghe đôi lời khuyên của tôi, nhưng những gì nhắn qua qua Xuân Dung, như mệnh lệnh của trái tim, tôi biết chắc Huy sẽ làm.

Những ngày sau đó, các cơn đau khiến người Huy co lại nhưng Huy vẫn không muốn dùng nhiều thuốc giảm đau. Cuối cùng thì phải cần tới morphine với liều lượng càng ngày càng tăng mỗi hai tiếng và cũng chỉ phần nào giảm các cơn đau đổ ập tới. Huy thì vẫn khắc kỷ chịu đựng, không rên siết hay một lời than đau và vẫn không thiếu nụ cười hiền với người thân và các bằng hữu rất quý Huy tới thăm.

Năm ngày sau, 4 giờ 53 chiều thứ Sáu 12 tháng 11, Huy đã yên tĩnh và mãn nguyện ra đi vẫn bên sự chăm sóc thương yêu của vợ con và có thêm hai người bạn vô cùng thân thiết: một từ thuở thơ ấu, Bs Nguyễn Đức mới tới từ Florida, một từ thời quân ngũ TQLC, anh Trần Như Hùng đã đến kịp từ Úc Châu.

Bước trên con dốc chênh vênh của tử sinh, trong cuộc chiến không cân sức ấy, Cao Xuân Huy như một người bệnh mẫu mực, đã can trường hoàn tất cuộc chiến đấu cuối cùng của đời mình, với tất cả sức mạnh tinh thần và đã ra đi với nguyên vẹn phẩm giá / with dignity.

 

Nhớ Cao Xuân Huy, ông em rể “hụt”

Nam Dao

Gọi phone, tôi biết thứ năm, ngày mai, là ngày hỏa táng Huy. Huy cũng gọi tôi là anh, xưng em, cũng họ Hồng Bàng như với Hoàng Khởi Phong. Và tôi như Phong, chẳng hề cảm thấy mình xứng đáng làm anh. Làm anh thế nào được với một người trung thực, thẳng thắn như Huy nhỉ? Khó lắm.

Với Huy, tôi là ông anh rể: “hụt”. Kỳ qua Cali tháng 2 năm này 2010, lần đầu tôi hỏi “tại sao” cái chuyện “hụt”. Đó là thời Huy mới vào lính. Huy kể: em về, thấy là xông tới liền, nhưng “nó” đẩy em ra, bảo em hôi mùi rượu, và nếu yêu rượu hơn thì…cứ đi ngay. Thế là em đi! Nói xong, Huy cười, nhưng không cười cái cười dửng dưng. Em tôi, MC, có chồng hụt là Huy, cũng đã ra đi tháng 8 năm nay. Thôi, gặp nhau ở nơi nào đó thì…cứ kể lể và hôn, có muốn hôi mùi rượu cũng khó, rượu tiên mà, có phải rượu người đâu mà hôi.

Huy ơi, cái thách đố của Huy năm nào là hôn chị TMT, tôi chưa làm được, đừng…cười Huy nhé, không phải là tôi không muốn mà là vì tôi nhát lắm, chỉ mạnh miệng dọa. Tôi tin Huy thì không, Thủy Quân Lục Chiến chứ chơi à, nhất lại là ở nơi không phải địa ngục trần gian này. Trên thiên đường, muốn làm gì thì tự do xông lên nhé, Huy nhé. Ông anh rể “hụt” vỗ tay, và đẩy Huy tới, như khi Huy đẩy tôi về phía chị T (quên không nói, chị ấy tha cả 2 đứa mình cái tội “nhả” đó rồi).

Chúng tôi chẳng bao giờ nói chuyện văn, trừ 2 lần, khi Huy nhận tiếp tục làm báo Văn Học, và khi tôi buột miệng, “Tháng Ba gãy súng” là một tác phẩm sáng nhất ở hải ngoại. Huy cười, hồn nhiên, bảo “giỡn anh! em đâu có là nhà văn!” Đó là lần đầu chúng tôi bất đồng ý kiến. Thôi, Huy là gì cũng thế, còn tôi, tôi có cái hạnh phúc làm một ông anh rể, dẫu “hụt”, của Huy, Huy ạ.

Chúc ông em rể “hụt” một chuyến thong dong, và hẹn gặp lại, nhưng thư thư một chút nhé.

Nam Dao 15-11-2010

Tình gác chân mây

Phí Ngọc Hùng

Sau bao nhiêu năm không hẹn mà gặp, thằng bạn cà phê lạc bước đến Trúc gia trang trong một ngày vắng gió đìu hiu. Hai thằng ngồi ngoài sân, nhìn những chiếc lá vàng khô rải rác trên đám cỏ úa, cùng u hoài những ngày tháng qua mau. Chẳng biết làm gì hơn là khui chai rượu tao ngộ, chén tạc chén thù. Trời chiều ngả bóng. Bất chợt, thằng bạn nhìn vườn nhà hoang sơ, hoang vắng. Ngắm hồ cá như ao thu lạnh lẽo nước trong veo, cá đâu đớp động dưới chân bèo. Nó bèn hoài đồng vọng về sóng nước, và kể chuyện lấy vợ trên đảo trên đường vượt biển. Vì đảo tị nạn thiếu chiều dài, thế nên chuyện tình của nó cũng có hơi ngắn…Qua khói thuốc, men rượu, tàn một điếu thuốc là…hết, là xong. Dễ hiểu và ngắn gọn vậy thôi.

Dễ hiểu hơn nữa là từ ngày quen biết cũng trên dưới mười năm. Cứ theo tôi biết nó chẳng có mối tình nào ra hồn để vắt vai. Nhìn mái tóc muối tiêu, muối có nhiều hơn tiêu của bạn, chợt cảm hoài tuổi trẻ bao năm mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương. Để có một ý nghĩ thoáng nhanh: Hay là hãy hư cấu và hoang tưởng qua vài ba trang giấy về một cuộc tình có giông bão, lạc vào đảo hoang này kia, kia nọ. Nhưng sau đó vài ngày, tôi đành buông bút thở ra vì thiếu cảm hứng, vì mình đã…vượt biên, vượt biển hồi nào đâu.

Hay là ngúc ngắc với…chuyện tình của mình?. Tôi cho rằng chẳng lạc đề, lạc lõng gì cho lắm, cũng là chuyện kể. Ừ thì kể. Nhưng tôi phải cõng nó theo. Vì đến khúc nào, đoạn nào có quán nhậu, có hơi thuốc lá. Tôi sẽ bỏ nó xuống, bế nó lên ghế để hai thằng gật gù đối ẩm. Ra cái điều tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu ấy thôi….

***

Và dưới đây là chuyện tình của người viết:

Từ ngày nhà tôi nằm xuống, cơm hàng cháo chợ đã quen thói, thường là quán nhậu và uống nhiều hơn ăn. Nhà tôi mất được hơn hai năm, nỗi sầu vạn cổ cũng nguôi ngoai để lúc này, tôi đang đèo bòng một, hai cuộc tình thuộc diện ngọn cỏ gió lùa cho qua ngày đoạn tháng.

Từ chuyện ngồi độc ẩm, hút thuốc lá vặt…Tôi lại nhớ đến nó:

Chuyện là như ráo đầu ở trên…Một ngày đi làm về nghe bà chị họ báo tin nó mới qua đây được hai, ba tháng và hiện đang có mặt ở thành phố tôi đang lưu vong. Thế là tôi xách xe đến nó ngay. Vì biết nó thích thuốc lá Lucky Strike bao đỏ. Ghé vào chợ tính bắt một cây cho thơm râu. Nhưng khổ nỗi thời buổi ấy ít ai hút thuốc lá không đầu lọc, nặng như búa tạ. Cật lực đi hai ba nơi mới thu vén được bẩy, tám bao lẻ. Tới nơi thấy nó ngồi bảnh chọe trên giường kiểu thiền định, thiền quán. Trước mặt là cái gạt tàn thuốc và đang thổi khói. Nó, mắt ve ve ra cái điều: “Thằng này được”. Ngu lâu đần dai cách mấy “được” đây hiểu theo nghĩa là “Tao đến đây. Mày phải tới tao. Chứ mắc mớ gì tao phải tới mày”. Vẫn cái mửng khinh đời, khinh bạc, có một chút nào Lương sơn bạc. Ừ thì nó lẵng nhẵng như vậy đấy.

Thế là tôi khuân nó về nhà phùng trường tác hí. Tối đến, hai thằng gác đùi lên nhau nói chuyện nổ như gạo rang, chuyện dai như rẻ rách, chuyện đổ bốn chân giường, chuyện long ba bức vách. Rồi chuyện xưa chuyện nay được mang ra vật vã. Trong đó có chuyện ăn thịt chó ở gần Viện Hóa Đạo. Nhưng ấy là chuyện sau…

***

Vợ mất, ngồi đồng trong quán bên này tường, đang loay hoay với trâu đi tìm cọc hay cọc đi tìm trâu đây…Bất giác nhìn qua bên kia tường thấy một mợ mặt mũi quen quen. Quen lắm. Như gặp ở đâu đó rồi thì phải. Bèn nhẩy bổ qua làm…quen. Rồi cũng đến lúc phải vác về nhà là có chuyện và cũng chỉ là chuyện đời thường của đàn ông, đàn bà giải tỏa những ứ đọng, ẩn ức lâu ngày. Tiếp đến, cả hai tỉ tê chuyện đen như hủ nút là đám cưới với giấy giá thú. Nhưng khổ một nỗi, tuổi của “hai trẻ” cộng lại cũng ngấp nghé…trăm năm đầu bạc. Thấy không xong. Nhưng vẫn chưa xong vì hốt nhiên tôi hốt hoảng bật ngay dậy và…chớ phở ra rằng “khuôn mặt quen quen ấy. Quen lắm. Như gặp ở đâu đó…”. Hóa ra ấy là khuôn mặt của mấy bà, mấy cô với mắt, mũi, miệng từ cùng một “lò đúc” thẩm mỹ viện dưới phố…đúc ra. À ra thế đấy.

***

Lại mò ra quán uống suông, chờ thời…Vẩn vơ, vơ vẩn thế nào để cái đầu đẩy đưa, đưa đẩy về mươi năm về trước: tôi đưa vợ con qua miền đất ấm tình nồng và ghé nhà nó ăn vạ. Nó ới dăm đệ tử tới. Mỗi tên xách một va ly bia. Tôi bỗng lạnh cẳng, giời ạ, tính đổ đồng mỗi thằng làm gần một va ly bia như thế kia thì từ chết đến bị thương. Thấy tôi xanh mặt như đít nhái, vợ nó kể lể: nó ực tàn canh chi đao. Bị cớm nhúm một lần, về chưa yên chỗ lại nốc tiếp. Một tối, lái xe về chịu hết nổi, táp vào lề đường đánh một giấc qua đêm. Tỉnh giấc, thấy nhà minh mờ mờ sương khói ngay trước mặt. Chỉ cách mấy chục thước phù vân, phù du.

An vị chủ khách xong, cả bầy ngồi dưới sàn nhà hồ trường. Nó ngửa cổ dốc tuốt vào cổ họng nguyên một loong bia và ư hử…Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự, giày cỏ, gươm cùn Ta đi đây. Hỏi đi đâu mà khó vậy. Nó cho hay cuối tuần này vượt đèo lội suối qua tiểu bang khác mần trò “ra mắt sách”. Làm mấy cữ, tôi kềnh ra lúc nào cũng chẳng hay. Sáng hôm sau tỉnh dậy thấy cái kính cận gẫy làm hai. Nó, mắt ve ve, miệng cười cười ra cái điều là hôm qua nó ngỡ cái kính của tôi là…cái ghế. Rồi biến mất…

Lát sau, nó khuân về mấy thùng sách thơm nức mùi giấy, mùi mực. Khui ra mới hay là Tháng Ba Gẫy Súng. Tôi lầm rầm: “Ủa, cái thằng chữ nghĩa đâu ra lắm quá mạng. Chửi thề còn bạo nữa”. Nghĩ lại xưa nay nó có sủa bậy hồi nào đâu. Nhớ những ngày ở quán cà phê Pasteur. Đến không gặp tôi và để lại tờ giấy nhắn tin. Đọc lòi mắt chẳng thấy một mảng văn chương nào. Bèn hỏi chữ nghĩa đào đâu ra nhiều quá thể. Nó, thằng mặt hóm, mắt ve ve, miệng cười cười là sẽ còn viết tiếp khúc sau để làm…phiền bạn bè.

Nó mang trên người khuôn mặt hỗn độn, thêm bộ râu hỗn loạn như gốc rễ tre gộc. Tất cả tạo nên những hỗn mang như quãng đời tang thương ngẫu lục của nó trước 75. Nói cho ngay, nó đúng là cái thằng không có tướng mà lại có tính. Tính nó…say xỉn. Nếu có vén mồm nhăng cuội thêm thì nó vốn dĩ quan hai Thủy Quân Lục Chiến, diện bộ hoa rừng vào trông cũng hung lắm chữ đâu có đùa. Còn tôi, quân nhân biệt phái, trần sư cụ một bông mai vàng. Vuốt mặt nể mũi cũng phải nể mặt nó một chút chứ. Ừ thì nó và tôi lằng nhằng như thế đó.

***

Vẫn cuối tuần ngồi quán, và ực. Từ kinh nghiệm “lò” thẩm mỹ viện, tôi tìm ra triết lý củ khoai “Trong chốn nhân gian này, không có đàn bà xấu mà chỉ không…đẹp thôi”. Từ đấy, tôi ung dụng tự tại đi kiếm dì cho mấy cháu. Trong khi tha nhân dẵm lên con lộ, lối mòn xưa cũ qua cô hàng cà phê, cô hàng nước. Đường đời muôn vạn nẻo, lớ quớ thế nào tôi gánh trọn…cô hàng phở. Mà cô này có hơi mát mát, tốc tốc, thế mới hốc. Đường mưa ướt đất, ghé thăm nhà, nhà trống ba gian chỉ hai đứa mình thôi nhé. Ngồi trong bếp nhìn cô múa may bếp núc và lại với …phở nữa. Khi không chân tay tôi ngứa ngáy khó chịu đến thừa thãi. Cô mặc bộ quần áo ngủ bóng láng và mỏng tang như không có gì mỏng bằng. Cô đi đi lại lại, khiến tôi rối như canh hẹ với chuyện giống đực giống cái. Sau đó nuốt vội cả hành chần lẫn nước béo. Xong bữa, tôi gần như chết nửa đời người khi nghe cô rủ đi…ciné. Tôi thẫn thờ ra xe như thằng chết rồi. Cô quay vào lấy…cái áo gió. Phải gió gì đâu, thằng tôi ngao ngán nhìn đất trời chẳng lạnh lẽo gì cho áo với khăn. Vào trong rạp, trong bóng tối đồng loã, tôi mới thấy cái thằng tôi đã già lão lúc nào chẳng hay. Cơm nhà quà vợ đã lâu nên lúc này tôi ngồi như Từ Hải…chết đứng.

Hồi tưởng lại những ngày còn đi học, bàn tay năm ngón dắt đào nhí vào ciné không ngoài chuyện nắng nhiều hơn mưa, khô nhiều hơn ướt. Và lúc này đây, lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng…để thấy rằng từ ngày gặp cô, mưa nắng thất thường với mưa nhiều hơn nắng. Cũng trong cái vòng luân hồi với ướt nhiều hơn khô. Nói cho cùng, cũng vô tư thôi.

Ngồi quán phở, kêu bia, gọi tô “xí-quách” lai rai. Thấy nó ngồi rách đít nên chẳng nỡ quên nó với…ra mắt sách. Trước 75, sau đám cưới, tôi cũng…ra mắt vợ mới tinh hảo ở tiệm…thịt chó gần Viện Hóa Đạo. Một lũ bạn cũ trường xưa, bạn cà phê cà pháo đủ mặt quần hào. Con đường Trần Quốc Toản là đất của tửu địa, đất vạn đái dung thân của hồ trường. Bằng hữu được thể uống nghiêng đình đổ quán, uống cho lệch đất nghiêng trời. Trong lúc nghiêng ngửa, nó và thằng bạn giáo khoa thư của tôi gà tức nhau tiếng gáy. Thế là rủ nhau ra trước cửa quán quần thảo nhau tí thôi. Nhưng cũng để thành một giai thoại bỏ túi trong đám bạn bè gần xa khi tửu lạc vong bần mỗi khi nhắc đến nó. Cái thằng có tướng lại…không có tính.

Tính gì thì tính, cái số của tôi đúng là số thánh không cho ăn lộc. Rằng người ta tuổi ngọ tuổi mùi, còn tôi lận đận một đời tuổi thân. Nôm na với cô hàng phở, nếu họa may có…đám cưới. Ít nữa chán ăn “phở” thèm “cơm nguội” cũng bá thở. Nên thôi. Thôi thì cũng đành lê la ngồi quán tiếp. Lại vương vương hoài cố nhân đến nó. Đến đám cưới ông anh của bà chị họ. Nhà chật người đông. Tửu khí ngất trời, rượu lai láng ngập đất, khói thuốc lá không có chỗ ẩn thân. Say tít cù lỳ, tôi…dấn thân ngay vào giường cô dâu chú rể làm một giấc qua đêm. Bốn giờ sáng hôm sau tỉnh dậy quê hết biết nên nhờ nó chở về bằng cái xe Honda của tôi. Qua đường Trần Quốc Toản, đất của tửu địa xưa cũ. Nó lạng quạng chúi nhũi vào hàng rào dây thép gai bên lề đường. Để chẳng thể không đưa cái xe Honda vào truyện nếu sau này có dịp...

***

Ngồi quán…Buồn tình ngồi nói chuyện đầu gối với nó…Nó là người của trường văn trận bút, tôi nhận bá vơ là khách văn chương, vốn liếng dằn túi nhăm chữ toẻn hoẻn chẳng bõ nhét răng. Thế nên cũng bon chen tí ti chữ nghĩa với nó để “Lãng quên đời” với rượu kia ai chế ra mày, uống xong một cuộc tan ngay nghìn sầu. Vẫn chưa xong, bất chợt lất phất qua thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mưa. Số là tôi đang ngóng đợi…em về trong đáy cốc đâu chưa thấy, thì tôi gặp ngay bà chị họ có mặt ở trên. Tôi khoe mẽ dạo này hay đi xoa mạt chược kiếm chút cháo bào ngư cho bia bọt. Bà chị bồ bã cho hay em gái một thằng bạn cũng là dân mạt chược với tôi trước 75. Cô em gái bạn tên M.C. hiện đang eo óc bên kia khung trời Quebec, và đang đợi những mùa thu qua đi.

Thế là tôi bắc chiếc cầu Ô thước với chim bay, quạ bay. Điện thoại qua, tôi mới biết sau 75, chồng cô là không quân, bay qua đây trước rồi…bay tít mù luôn. Điện thoại lại, tôi biết thêm qua đây cô đi bước nữa. Số ruồi, gặp thằng sáng say chiều xỉn. Hai mẹ con cô nhiều lần phải trốn dưới gầm cầu thang để tránh những cơn say. Thế nên cô cho thằng chết tiệt…đi luôn. Hiểu theo nghĩa là…xéo. Hiện đang vắng gió đìu hiu trong những ngày nhạt nắng.

Bỗng khi không tôi nghĩ thằng “cựu” chồng cô hơi lạc quan tếu với:

Được tiền thì mua rượu
Ruợu say rồi cỡi trâu
Cỡi trâu thế mà vững
Có ngã cũng không đau

(Trần Tế Xương)

Vì thằng sáng say chiều xỉn không chịu hiểu là người đọc thơ đều là kẻ lạc đường. Bởi vì chỉ những con đường lạc mới dẫn đến chỗ hẹn hò với thơ. Có ai đọc thơ để thấy chữ đâu! Để thấy cái không thấy đằng sau chữ nghĩa. Cái không thấy đó, có thể mỗi người bắt gặp, cũng chỉ thấy cái đó là thực, là không mà có, chữ nghĩa là có mà không. Nhưng ấy là chuyện…hậu sự.

Thế nhưng chuyện là chuyện của thằng chết tiệt. Nào phải là của tôi. Chuyện tôi lúc này là người xưa đang trở về. Tuần sau, tôi lạc đường vào tình sử bằng vào chuyến bay gần nhất.

***

Ngồi trên máy bay, tôi cứ lặng lờ với những gì M.C. kể tôi nghe:

Dấu ấn vẫn là lần điện thoại đầu tiên. M.C. nghe giọng tôi là nhận ra ngay người cũ. Vì tôi ngọng nghịu cứ đá ngược lên tận mái ngói với “tr” thành “ch”. Quặn cả mồm miệng với “x” ra “s”. Khi không có người ở mãi tận đẩu đầu đâu nhớ đến cái khiếm khuyết hỡi ơi của mình nên tôi cảm thấy gần gũi ngay. Xa gần hơn nữa là M.C. tỉ tê những ngày tới nhà xoa mạt chược. Mỗi lần M.C. chạm mặt tôi đều không cưỡng lại được với những xao xuyến, nao lòng không đâu dù rằng tôi đã có vợ. Mặc dù giấu kín những tràn ngập giông bão ấy. Nhưng mỗi bữa cơm, thức ăn trong bát tôi cứ đầy hơn. Đầy đặn hơn nữa là mới đây, M.C. đi sờ mu rùa, thầy dậy mây vãn bay đi, ngày vẫn trôi qua, thế nào cũng gặp lại người cũ…một ngày gần đây.

Thời gian càng đến gần, gần tới Quebec. Máy bay chao qua một bên và nghiêng cánh, tôi càng chao đảo tợn. Như Từ Thức về trần với những đổi thay của năm tháng, mặc cảm tuổi tác với…gần…ngũ tuần tri thiên mệnh. Nhân dáng bên ngoài cùng những cảm xúc bên trong, đang lẫn lộn giằng co, níu kéo. Đi trong hành lang phi trường, tôi đếm những bước chân thật chậm, như muốn kéo dài thời gian của những giây phút tình cũ không hẹn mà đến. Nửa muốn trốn tránh hiện thực. Nửa muốn hội nhập. Cuối cùng thực tại là bắt gặp một M.C….như không có thật từ đằng xa. Qúa xa nhưng cũng thật gần. Hai đứa nháo nhào vào nhau qua nụ hôn dài của mong chờ, chờ mong. Loáng thoáng tôi bắt được hai chữ ngớ ngẩn, thân yêu và rời rạc…”em”…rồi…”anh”. Tôi như vượt thoát được chặng đường chuyển tiếp, ngại ngùng nhất của ngôn ngữ tự bao năm. Rồi thì nụ hôn cuối mùa cũng đến lúc phải ngừng lấy hơi, để thở. Để dắt díu nhau đi vào thành phố…đi lên đi xuống may còn có em.

Về đến nhà, trời đã nhá nhem, M.C. sửa soạn cơm chiều. Vừa đứng ở cái bồn chén vừa nói bâng quơ. Từ đằng sau, tôi ôm ngang hông và hôn nhẹ vai trần, bờ gáy, vành tai. M.C. run rẩy “Coi chừng con nó về, đợi tối đi anh…”. Và rồi…nao lòng. Rồi không…cưỡng lại được của những ngày tháng cũ. M.C. quay lại ghì siết tôi qua nụ hôn tràn ngập giông bão…

Đến giờ cơm. Chiếc bàn vuông phủ khăn trắng. Hai ngọn nến khi mờ khi ảo. Hai nụ hoa mãn khai vừa chớm nở muộn. Cùng khoảng không gian nhỏ bé đầm ấm của tình tự mà đã tự lâu lắm rồi tôi không tìm thấy. M.C. chúm chím cười, giọng nói rất Bắc kỳ đặc, khóe mắt long lanh. Tôi như hóa thân vào vũng lầy nhạt nhòa của Nguyễn Tất Nhiên, cô Bắc kỳ nho nhỏ…trong đám đông…giữa đám đông…Giữa có hai ngọn nến,…lung linh,…lung linh…

M.C. vào phòng tắm…Tôi nằm trên giường hút thuốc nhìn trần nhà. Trong bóng tối mờ nhân ảnh của chiếc đèn ngủ, lắng nghe tình ca Ngô Thụy Miên qua tiếng rào rạt của nước chẩy trong phòng tắm. Tiếng tích tắc đều đều…đợi chờ, chờ đợi của chiếc đồng hồ qủa lắc,…lắc qua,…lắc lại…Không gian lắng đọng. Thời gian ngừng nghỉ. Thấm mệt vì đường dài, tôi thiếp đi. Tôi thiếp đi trong mộng mị nhưng vẫn nghe loáng thoáng đâu đây có tiếng khép cửa. Tiếng sột soạt của vải vóc. Và rồi M.C. nhào lên giường và bao chùm lên tôi như cơn bão lốc. Run rẩy, xiết chặt. Háo hức, đam mê. Những chứa chan của bao ngày tháng, vỡ tung, bù đắp.

Trong dồn dập, giọng M.C. đứt quãng trong khát khao: “Em muốn có con với anh…”.

***

Loắt ngoắt về đến nhà đã lâu, lêu bêu ngoài quán chợ cũng nhiều. Một ngày chạm mặt với bà chị họ, sợi dây liên lạc giữa nó và tôi bấy lâu nay. Bà cho biết nó vừa ghé đây để tụ họp với anh em Thủy Quân Lục Chiến. Ngay cả với đồng môn Nguyễn Trãi sau này. Nhưng cớ sự gì nó không tới gặp tôi. Tôi vặn óc nghĩ không ra…Hay là nó quên. Mà quên thế quái nào được vì nó biết tỏng tôi là thổ công ở thành phố này. Quán nào tôi chẳng biết, tiệm nào tôi chẳng hay. Ấy là tôi còn nguyên một tủ rượu đang đợi nó như đã hứa hẹn nhiều lần. Hay nó muốn giở cái tuồng tam cố thảo lư cũ rích. Dám lắm ạ. Nhưng sau đó tôi cũng quên tuốt cho nhẹ mình nhẹ mẩy. Vì thỉnh thoảng qua điện thoại, lần nào cũng vậy. Và tôi hình dung nó đầu dây bên kia… Nó, thằng mặt hóm, mắt ve ve, miệng cười cười vẫn thường ới tôi như gọi sang sông: “Sang đây nhậu. Tao cho mày say xỉn luôn”. Ừ thì…cho đến chót đời, nó vẫn lẵng nhẵng như thế đấy.

Chẳng hiểu sao dạo này tôi ít lai vãng đến hàng quán. Có thể vì cuối tuần dành cho điện thoại đường dài, thường thì ba, bốn tiếng một lần. Một lần tôi ngỏ ý với M.C. rằng…Rằng nói mẽ thì tôi chưa già nhưng có hơi lớn tuổi nên không muốn đèo bòng con cái nữa với lão bạng sanh châu. Tuần sau. Điện thoại bình thường với giờ giấc định sẵn nhưng không ai có nhà. Đến tối khuya, khuya lắm, M.C. gọi lại cho biết mới ở bệnh viện về. Hốt hoảng hỏi chuyện gì vậy. Trả lời…cắt rồi. Khi không tôi thấy mình bâng khuâng, bâng quơ vô cớ…Bỗng dưng thấy thương…thấy buồn. Buồn, thương lẫn lộn vào lúc nửa đêm về sáng.

***

Và vẫn đi đi về về bằng vào những chuyến bay như kẻ lạc đường, bởi vì chỉ những con đường lạc mới dẫn đến chỗ hẹn hò. Đụng đến chữ “hẹn hò”, lại vịn cớ “liên hệ” đến cái xe Honda đảo qua ở trên: Chuyện là tôi đang ngồi ở cà phê Pasteur. Vừa về phép đến kiếm tôi, nó bắt tôi đi ngay với nó. Tôi đèo nó đi và hỏi chuyện lỉnh kỉnh gì vậy. Nó vặc tôi đến hẵng hay. Tôi nhủ thầm: Cái thằng khỉ! Gì mà khó vậy! Đến gần trường Nguyễn Bá Tòng, vào quán nước nó mới rề rà. Quán này là nơi chốn hẹn hò đợi “em”, em tan trường về đường mưa nho nhỏ…

Nó nghiêm và buồn rằng: Mới vào lính, lần đầu về phép. Nó mượn cái xe gắn máy của thằng bạn cùng xóm đến đây chờ em. Ghếch cái xe ngay trước cửa quán. Nó cũng ngồi ngay cửa ra vào cách cái xe sáu, bẩy thước. Mắt mũi nó chằm bằm chiếu tướng vào cái xe vị sợ chôm chỉa. Được đâu nửa tiếng, nó như nhập đồng thiếp. Nghe tiếng xe nổ máy, và có một ông tướng nào đấy nhẩy lên xe vọt đi. Mươi giây sau nó mới bừng tỉnh giấc mơ hoa là mất bố nó cái xế. Chỉ cái xe Honda của tôi với ý đồ là nó đang rình thằng…quái xế.

Nghe thủng chuyện xong…Tôi vừa ngó chiếc xe của mình, vừa nhìn xa xa là trường Nguyễn Bá Tòng. Và xa gần rằng với nó. Cái thằng chẳng có mối tình nào ra hồn để vắt vai, chòm chèm toàn những chuyện tình dấm dớ với nửa hồn thương đau, hay nguyên một mùa thu chết. Thế nên tôi chẳng rỗi hơi hỏi han đến tên “em” của nó cho mệt xác. Nói cho ngay, hết trung học ngồi ở quán cà phê dài người. Chán rồi đi lính. Ừ thì hãy thử nghĩ mỗi năm được về phép bảy ngày thấy một cô gái chưa kịp làm quen đã hết phép. Thì còn chỗ trống nào, nhồi nhét hai chữ yêu đương. Hai chữ này với nó dường như…sinh lầm thế kỷ.

Trở lại với M.C., gần gũi nhau đâu đó cũng gần ba năm. Hai lần đem con về ở với tôi để tụi nhỏ làm quen với nhau. Cũng để tránh cái mục con em, con anh đánh con chúng ta. Nói cho vui ấy mà vì M.C. còn đẻ đái gì nữa. Cùng lúc, đồ đạc trong nhà đã mua sắm đâu vào đấy. Thiệp cưới đang sửa soạn in. Danh sách thân bằng quyến thuộc, bằng hữu đã ghi vào sổ nợ đời. Nhân dịp này nhờ anh bạn tử vi lấy cho mỗi người một lá số. Nhớ mài mại anh giải rằng tôi tuổi thân, mạng mộc, thân có thiên di. Còn cô tuổi sửu, mạng thủy. Thân hay mạng cũng chả nhớ nữa: có thiên việt, thiên khôi với thư, kinh, đường, phú. Nhưng cả hai đều có chung hồng loan, đào hoa chiếu mệnh. Riêng cô thì đào, hồng, hỷ, hội ở cung phu, bị mấy sao quái quỷ gì ấy như thiên riêu, thiên hình hay tam thai, tam hợp thế nên mệnh khắc số…Anh bạn bàn thêm, cô tuổi trâu, mạng thủy, thế nên đôi chân in dấu số phận. Dấu vết số phận lấm tấm như lệ ứa, đôi chân biết khóc, luôn dầm trong nước, “ướt” nửa đời người…

Rồi anh lắc đầu nếu ngày mai có làm đám cưới cũng không thành.

***

Chuyện này qua chuyện kia, tôi lại lạng quạng lạc đường về bài thơ Ngẫu Hứng mới nghe qua thấy lờ quờ với “Cỡi trâu thế mà vững, có ngã cũng không đau”. Để thấy cái không thấy đằng sau chữ nghĩa. Cái không thấy đó, có thể mỗi người bắt gặp một cách khác nhau. Và tất cả như vận vào người tôi. Như định mệnh đã an bài . Cùng những ân hận, dầy vò nhớ đời. Hay nói khác đi, cái không thấy đó, tôi sẽ bắt gặp với ngã mà đau. Trong những ngày sắp tới…

Đó là ngày lễ Tạ Ơn, tôi bay lên đấy trưa thứ tư và chiều là tới. M.C. bận cửa hàng ở dưới phố, thằng em út M.C đón tôi về. Sau vãng lai mấy lần, thằng em tự tiện xem tôi như “anh rể” kiêm bạn vong niên. Hảo bằng hữu phải thết bằng hảo tửu, thằng em “vợ” khuân về một bình rượu to tổ chảng ngâm mấy con của nợ gì đó của người da đỏ. Đại thể lăng ba vi bộ với Kim Dung qua Ngủ bảo tửu ngâm rít, nhện, bọ cạp, v..v.. mà Lệnh Hồ Xung uống tràn cung mây. Tôi cũng…xung lên và hồ hỡi, hồ trường mềm môi. Cho đến lúc tôi chẳng còn là tôi nữa. Khi thằng em bàn giao về cho bà chị, tôi vừa khật khưỡng xiêu vẹo túy ông chi y bất tại tửu, vừa ứ hự em ơi, lửa tắt bình khô rượu, đời vắng em rồi say với ai…. Và bật ngửa người ra nằm ụ một đống cả đêm lẫn ngày. Nửa tỉnh nửa mê có ai đó đang lau mặt cho tôi, Loáng thoáng đâu đây có tiếng thở ra như một tiếng dài thật nhẹ…ngai ngái mùi ngô non. Rồi dựng tôi dậy thay áo, áo quần mùi tanh tưởi của rượu thừa thịt dư. Thêm một tiếng thở dài và…dài hơn.

Như vận vào người với đời vắng em rồi say với ai…Tôi bật văng ra ngòai một chuyện tình ít gió nhiều mây. Tôi vội vã đi tít mít, đi văng ra khỏi cửa…Thôi cũng đành. Đấy cũng là lần cuối cùng. Tôi chẳng bao trở lại thành phố đi lên đi xuống may mà có em nữa…Mặc dù chỉ một lần với tình gác chân mây.

***

Tôi chẳng bao trở lại thành phố ấy nữa. Bẵng đi trên dưới hai mươi năm có lẻ. Cứ ngỡ đã đi vào quên lãng với thế sự du du hề, một cuộc bể dâu. Thời gian cứ qua mau. Một ngày bóng ma của quá khứ trở về trong một ngày nhạt nắng với nhân kiếp phù sinh hề, một thoáng bạch câu…Qua một bài viết…

Một ngày mò mẫm máy vi tính. Tôi bắt gặp một bài viết ngắn trên mạng lưới đã có gần một năm. Nhưng tôi mới chỉ đọc cách đây hơn một tuần. Và người viết là ông anh cả của M.C. Người đã chăm lo, đỡ đần M.C. trong những ngày chân ướt chân ráo tới Quebec.

Nhớ Cao Xuân Huy, ông em rể “hụt”.

Gọi phone, tôi biết thứ năm, ngày mai, là ngày hỏa táng Huy. Huy cũng gọi tôi là anh, xưng em, cũng họ Hồng Bàng như với Hoàng Khởi Phong. Và tôi như Phong, chẳng hề cảm thấy mình xứng đáng làm anh. Làm anh thế nào được với một người trung thực, thẳng thắn như Huy nhỉ? Khó lắm.

Với Huy, tôi là ông anh rể: “hụt”. Kỳ qua Cali tháng 2 năm này 2010, lần đầu tôi hỏi “tại sao” cái chuyện “hụt”. Đó là thời Huy mới vào lính. Huy kể: em về, thấy là xông tới liền, nhưng “nó” đẩy em ra, bảo em hôi mùi rượu, và nếu yêu rượu hơn thì…cứ đi ngay. Thế là em đi! Nói xong, Huy cười, nhưng không cười cái cười dửng dưng. Em tôi, MC, có chồng hụt là Huy, cũng đã ra đi tháng 8 năm nay. Thôi, gặp nhau ở nơi nào đó thì…cứ kể lể và hôn, có muốn hôi mùi rượu cũng khó, rượu tiên mà, có phải rượu người đâu mà hôi.

Huy ơi, cái thách đố của Huy năm nào là hôn chị TMT, tôi chưa làm được, đừng…cười Huy nhé, không phải là tôi không muốn mà là vì tôi nhát lắm, chỉ mạnh miệng dọa. Tôi tin Huy thì không, Thủy Quân Lục Chiến chứ chơi à, nhất lại là ở nơi không phải địa ngục trần gian này. Trên thiên đường, muốn làm gì thì tự do xông lên nhé, Huy nhé. Ông anh rể “hụt” vỗ tay, và đẩy Huy tới, như khi Huy đẩy tôi về phía chị T (quên không nói, chị ấy tha cả 2 đứa mình cái tội “nhả” đó rồi).

Chúng tôi chẳng bao giờ nói chuyện văn, trừ 2 lần, khi Huy nhận tiếp tục làm báo Văn Học, và khi tôi buột miệng, “Tháng Ba gãy súng” là một tác phẩm sáng nhất ở hải ngoại. Huy cười, hồn nhiên, bảo “giỡn anh! em đâu có là nhà văn!” Đó là lần đầu chúng tôi bất đồng ý kiến. Thôi, Huy là gì cũng thế, còn tôi, tôi có cái hạnh phúc làm một ông anh rể, dẫu “hụt”, của Huy, Huy ạ.

Chúc ông em rể “hụt” một chuyến thong dong, và hẹn gặp lại, nhưng thư thư một chút nhé.

Nam Dao 15-11-2010

***

Tôi cảm thấy hụt hẫng…chơi vơi…

Và không biết làm gì hơn là ra bàn thờ, thắp nén hương lòng cho một người nằm xuống.

Em đi bỏ lại con đường

Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em

(Bùi Giáng)

Tôi lặng lờ ra vườn ngồi, đất trời mang mang, u ẩn trong một cõi đi về. Hương khói còn đấy, đốt lò hương cũ cho những ngày tháng qua mau thì chẳng quên nó. Những ngày cuối đời cùng những năm tháng còn lại, tôi vẫn thường hay điện thoại thăm hỏi. Để chẳng bao giờ quên, như một dấu ấn. Một trong những lần cuối cùng hỏi về bệnh tình của nó. Nó bật ra hai chữ hỡi ơi…: “Thảm thiết”. Rồi râm ran: “Tao biết tin vợ mày mất. Nhưng tao không điện thoại”.

Ngập ngừng và rì rầm: “Tao còn biết…một chuyện của mày nữa. Nhưng tao không nói”.

Ừ thì biết nói gì đây, có nói cũng khôn cùng.

Houston 18-10-2011

clip_image010

Ngộ Không PNH

***

 

Cao Xuân Huy mùa thu gẫy cánh

Thụy Khuê

Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể “can thiệp” cho người mẹ khỏi diện “tự lực cánh sinh” (như đi “kinh tế mới”). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.

Ở Bắc: Người cha làm báo Sáng Tạo

Người cha ở Bắc tham gia Nhân văn Giai phẩm. Thực ra, ông không ở trong Nhân Văn Giai Phẩm, mà ở nhóm Điện ảnh kịch trường, hồi ấy có hai nhóm: Thụy An-Phan Tại và Trần Thịnh-Trần Công.

Cao Nhị, cha Huy, trong nhóm thứ nhì.

Họ chủ trương thành lập một hội điện ảnh độc lập. Đả phá phim tuyên truyền của Liên Xô. Đổi mới kịch nghệ và điện ảnh theo đường lối Tân hiện thực Ý, Nhật và đề cao phim Anh, Mỹ. Thụy An, Trần Công, Cao Nhị, Nắng Mai Hồng, Vũ Phạm Từ, Kỳ Nam… viết những bài giới thiệu, phê bình điện ảnh, hoặc tổ chức chiếu lại những phim hay, những kiệt tác tân hiện thực như Miếng cơm cay đắng (Riz amer), Chiếc xe đạp (La bicyclette) của Ý, Rashomon, Những đứa trẻ Hiroshima, Anh gắng nuôi con của Nhật, Hamlet của Anh, v.v…

Người ta thường nhắc đến Nhân VănGiai Phẩm, nhưng không mấy ai biết đến Sáng Tạo[1]. Sáng Tạo do Trần Thịnh chủ nhiệm, Cao Nhị thư ký toà soạn. 5/11/1956, Sáng Tạo ra đời, hai hôm trước ngày khai mạc Liên hoan phim Liên Xô.

“Tội trạng” của Sáng Tạo được nêu rõ như sau:

“Nửa tháng “Liên hoan phim Liên Xô” khai mạc vào ngày 7-11-56, thì đúng ngày 5-11-56, Giai phẩm mùa thu tập III xuất bản, trong đó có đăng bài “Chúng ta gắng nuôi con”, hoạt cảnh của Chu Ngọc, đả kích không tiếc lời vào phim Liên Xô. Cùng ngày 5-11-56, báo Sáng Tạo ra số đầu, đã lộ ngay ý định xấu đối với phim Liên Xô.

Ngày 20/11/56, báo Nhân Văn số 5 lại đăng bài “Mấy bộ phim dở” của Cao Nhị. Cùng ngày ấy báo Sáng Tạo ra số 2, càng đả kích sống sượng hơn nữa vào các phim Liên Xô đang chiếu. (…)

Những bài như trên phải được đặt bên cạnh bao nhiêu bài khác của Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, v.v… đang nhan nhản lúc bấy giờ ở các số Nhân văn, Giai phẩm thì mới thấy đầy đủ tính chất nguy hiểm của nó” [2]

Cao Nhị, trong bài tự kiểm thảo, cũng “nhận tội”:

“Tôi nhận làm thư ký toà soạn báo Sáng Tạo, tờ báo chuyên đả kích phim ảnh Liên Xô và đả kích lãnh đạo trên mặt sân khấu và điện ảnh. Sáng Tạo chỉ ra được hai số rồi chết. Thế nhưng hai số đó cũng gây ra một số tác hại đáng kể với những bài của Trần Công, Nắng Mai Hồng, Phan Vũ, Vũ Phạm Từ, Kỳ Nam, v v … “ [3]

Trong bài kiểm thảo này, Cao Nhị xác nhận trách nhiệm lựa chọn bài vở, viết những bài trên Sáng Tạo và trên các báo Cứu Quốc, Hà Nội Hàng Ngày, Độc Lập… phê phán điện ảnh Liên Xô và tổ chức điện ảnh doanh nghiệp của miền Bắc.

Qua bài “Nửa tháng liên hoan phim Liên Xô: Mấy bộ phim dở” của ông đăng trên Nhân Văn số 5, chúng ta có thể thấy cách ông phê bình một số phim Liên Xô, đang chiếu trong Liên hoan như thế nào. Riêng về nội dung phim Ngai vàng sụp đổ, ông viết:

“Anh đi dẹp giặc, chị ở nhà đợi anh, trong cơn binh lửa, chị mắc tai ương; nhưng đến khi giặc tan, anh chị lại gặp nhau, gia đình đoàn tụ, vui vẻ cả. Nhưng ác một điều, câu chuyện tình đó đã lồng vào nhiều câu chuyện khác: âm mưu thắng đế quốc, dũng khí của nhân dân, tài đánh nhau của bộ đội, lại cả bộ mặt nham hiểm gớm ghiếc thằng địa chủ đi ăn cướp ái tình. Người xem rất kêu về cái đoạn kết dựng lên cái ngai vua rồi đạp nó gục xuống, tượng trưng cho ngai vàng sụp đổ. Nhưng tôi không nói tới diễn xuất hay những màn bố trí giả tạo. Điều quan trọng hơn, là công chúng xem phim rất không hài lòng về cái lối xây dựng phim, xây dựng con người rất vá víu, chắp nối ấy, nó không tài nào đi sâu và thể hiện được đúng hình dáng con người thật. Kinh nghiệm trong các tác phẩm văn nghệ Việt Nam mấy năm nay, kịch hay chuyện nói đến một trăm thứ và đều đá thêm một tí tình cho nó có “yêu đương”. Đó là lối xây dựng công thức không thế làm thoả mãn người xem.”

Và đến phim Hai sĩ quan, Cao Nhị cho rằng: “Tịnh không bắt gặp con người thực, một anh đại úy có thực (…) Mặc dầu báo điện ảnh Liên Xô khen: “Hai sĩ quan nói lên một cuộc tình son sắt và dũng cảm…”, tôi chỉ thấy tình yêu đó là giả tạo, vì lẽ giản dị cặp tình nhân đó phải lao vào nhiều tình huống ly kỳ, lằng nhằng, nghĩa là cũng giả tạo nốt. (…)

… mấy bộ phim Liên Xô khác được hoan nghênh trong năm nay như Nữ tài tử dạy hổ hoặc Người yêu phương xa thì thực chất nó như thế nào? Con người trong phim rất nhạt, tình yêu lại càng nhạt hơn. Và cái lối xây dựng chủ đề tình yêu nhẹ nhàng, công thức gán ghép gợi cười cho người xem bằng những trò hiểu lầm nghộ nghĩnh không thể đáp ứng được với những đòi hỏi của người xem có suy nghĩ (…)

Tôi đơn cử ra hai bộ phim Ngai vàng sụp đổ và Hai sĩ quan, không phải để phân tích sâu xa vì nó dở quá, không biểu hiện được gì, ý tôi muốn để chúng ta cùng rút kinh nghiệm trong việc làm kịch bản phim hiện nay”. [4]

Với những dòng “phạm thượng” như thế, người cha, sau Nhân Văn, bị cấm sáng tác, nhưng vẫn làm thơ chui, cho mình. Bà chị là người duy nhất thuộc hết thơ em.

Khi Huy về thăm cha tại Hà Nội, năm 2002, định in một tập thơ cho bố, nhưng bà bác đã mất vài năm trước rồi.

Trong Nam: Người con đi lính và đi tù

Nhắc lại lời người cha phê bình những tác phẩm điện ảnh của Liên Xô năm 1956 ở miền Bắc, để thấy cái gan Cao Nhị trong bối cảnh toàn trị thời ấy và cũng để hiểu cái gan của người con trong một bối cảnh khác, xung vào Thủy quân lục chiến, một binh chủng dữ dội của miền Nam: hai bối cảnh, cùng một dòng máu, cùng một lá gan.

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1978, người cha Sáng tạo-Nhân văn tìm đến thăm con ở trại cải tạo Thanh Hoá, nhưng không được vào, lại lặn lội trở về, cái ba lô thăm nuôi con cũng không nhận được.

Năm 1979, hai cha con gặp nhau lần đầu tại trại Bình Điền, Huế. Bố nói: “Mày ăn thịt gà đi, thịt gà này chú Phùng Quán làm cho mày đấy”. Người con cảm động tưởng mình có họ với chú Phùng Quán, tác giả những câu thơ mà anh đã thuộc lòng từ nhỏ: “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét; Dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu”. Bố hỏi: “Mày ghét Cộng sản lắm hay sao mà đi cái thứ lính ác ôn này?”. Con nói: “Ghét thì con không ghét, có thù oán gì đâu, nhưng gặp đâu thì bắn đó”. “Thế mày bắn cả bố mày à?”… [5]

Đó là câu chuyện giữa hai cha con năm 1979 mà Cao Xuân Huy thuật lại cho Trần Văn Thủy một đêm họp bạn ở Cali. Sau câu hỏi là những chấm chấm. Hình như con không trả lời. Hình như “bố con nói với nhau vài câu chẳng ra làm sao cả”.

Không có trả lời nào cho một câu hỏi như thế. Không có câu hỏi nào, cho một đất nước như thế. Người bố gọi cái thứ lính mà con đi ấy là lính ác ôn. Lính thủy quân lục chiến ngoài Bắc gọi là lính thủy đánh bộ.

Nhưng người cha đã biết gì về thứ lính ác ôn này? Bao nhiêu người ở Bắc đã biết gì về thứ lính thủy đánh bộ này, ngoài hai chữ ác ôn? Bao nhiêu người trong Nam biết gì về thủy quân lục chiến, trừ hình ảnh: dữ dằn, cảm tử.

Xa nước từ 1962, tôi cũng không biết gì về thủy quân lục chiến. Là người chống chiến tranh, tôi nghĩ ai vào thủy quân lục chiến là người thích đánh nhau, hiếu chiến.

Bởi lúc đó chưa có Tháng ba gẫy súng, chưa ai biết Cao Xuân Huy.

Tháng ba gẫy súng

Tháng ba gẫy súng [6] đưa người đọc vào những cạm bẫy không ngờ: Tước đoạt ở họ những thành kiến cố hữu. Làm cho họ mất hẳn “nhân tính”, thứ nhân tính từ chương, viết hoa, đạo đức giả của xót thương vô tận, của niềm nhớ khôn nguôi, của ngụy tạo tình cảm, ngụy tạo ngôn ngữ, ngụy tạo “dân tộc, tổ quốc”.

Tháng ba gẫy súng đặt họ vào môi trường khốc liệt của những con người không có lựa chọn nào ngoài đường chết, của đám tàn quân thua trận, hết đạn, cấp trên phản bội bỏ họ giữa đường, của đám quân dân hỗn loạn, bạn đồng hành đào ngũ, của những kẻ để tìm đường sống phải giết người, phải dẵm đè lên nhau mà chết, ở một cửa bể, một ngày tháng ba 1975.

Tháng ba gẫy súng, với thứ ngôn ngữ trần trụi của người lính “chưa từng viết văn bao giờ”, đã lột trần một thứ nhân tính khác của con người: tham sống, sợ chết, hèn nhát, phản bội, dã man, tàn bạo. Mọi bộ mặt đều bị lột trần trước cửa tử, cái xấu cái tốt không thể giấu được qua lớp son phấn bề ngoài của đạo đức xã hội. Con người lộ hẳn thân thể trần truồng với lục phủ ngũ tạng, như bị giải phẫu bất ngờ, không kịp phòng bị. Ở cái tư thế ấy, ngôn ngữ cũng trần truồng, không che đậy.

Tháng ba gẫy súng là thứ ngôn ngữ tồng ngồng ấy, mà người “có học”, mà cấp thượng lưu trí thức, mà những nhà làm văn chương thường gọi một cách khinh bỉ là “ngôn ngữ lính tráng”. Vì thứ ngôn ngữ ấy mà nhiều người không muốn, không dám hay chỉ miễn cưỡng gọi Huy là nhà văn, không coi Tháng ba gẫy súng tác phẩm văn học, mà chỉ là một cuốn hồi ký chân thật, bởi một tác phẩm văn học thì phải có văn chương, chứ đâu lại câu cú thô tục thế này.

Tháng ba gẫy súng, chửi thề là vai chính. Những câu chủ chốt đều có chửi thề.

Bởi mỗi chửi thề là một thái độ, phản ánh một tình cảm, một nguyện vọng: yêu thương, hắt hủi, oán giận, ăn năn, hối hận, mắng mỏ, sai bảo, dã man, tàn bạo…

“Đụ mẹ, ông về đại đội liền bây giờ!” là mệnh lệnh của ngưòi tiểu đoàn trưởng, mắng mỏ, nhưng khoan hồng, không phạt vì tội ba gai trình diện trễ.

“Đù má, lâu dzậy mảy?”. Là sự chờ đợi và vui mừng phía người chửi. Là sự hoàn hồn phía người nghe, kẻ một mình đang đêm tìm về đơn vị, mò mẫm trong rừng đầy địch và mìn… Tiếng chửi chấm dứt nỗi sợ, triệt tiêu viễn ảnh của cái chết. Tiếng chửi là tiếng sống.

“Đụ mẹ, đi đâu về trễ vậy cha nội” tiếng chửi là tiếng mắng yêu của đồng đội.

“Đụ mẹ, không tin thằng nào hết, giấy tờ giả thiếu chó gì. Ông cho tôi biết nó người Bắc hay người Nam”, tiếng chửi là tiếng nghi ngờ của chỉ huy, là lệnh khám xét kẻ lạ, một mệnh lệnh phân biệt ta địch: tiếng Bắc là địch, tiếng Nam là ta. Một mệnh lệnh lô-gích nhưng éo le: Huy người Bắc 100%, nếu căn cứ vào giọng Bắc-Nam để phân biệt ta-địch, chuyến này chắc chết!

“Đụ mẹ, mình bị bỏ rơi rồi”. Tiếng chửi thề thất vọng gần như vô vọng, tuyệt vọng.

“Đụ mẹ, tao đếm tới ba, không nhẩy xuống biển tao bắn”, tiếng chửi thề dã man phi lý của thần chết: kẻ có súng uy hiếp kẻ không súng, một thuỷ quân lục chiến uy hiếp một bộ binh.

Cao Xuân Huy sử dụng tiếng chửi như một ngôn ngữ, ngôn ngữ của sự thật, ngôn ngữ lính tráng, ngôn ngữ thủy quân lục chiến. Tiếng chửi nhấn lời nói mạnh hơn, làm tình cảm sâu đậm hơn: cho yêu thương thương yêu hơn, cho bạo tàn tàn bạo hơn. Tiếng chửi tiềm ẩn nỗi khốc liệt trong tâm cảm nhà văn. Tiếng chửi là tính thủy quân lục chiến trong con người. Tiếng chửi giấu nỗi hoang mang, che sự sợ hãi, ẩn nỗi kinh hoàng của những người phải thường trực xung phong đối đầu với cái chết.

Cao Xuân Huy chỉ dùng tiếng chửi thề, nói tục, cho đồng bạn, đôi khi dùng cả cho người lính địch (trong Vài mẩu chuyện), như để chào đón và trân trọng kẻ cùng thuyền. Không thấy Huy đặt vào miệng những kẻ chỉ huy phản bội một tiếng chửi thề nào.

Tiếng chửi trong Tháng ba gẫy súng là tiếng thoát ra từ con tim, là tiếng cao quý của tình bạn, tình đồng đội, tình người mà những kẻ hèn nhát không được quyền sử dụng. Huy không cho phép họ dùng thứ tiếng cao quý ấy.

Việc chuyển hoá những âm thanh thô tục thành cao quý, không phải ai cũng làm được. Huy làm được bởi anh không nhận mình là nhà văn nên không bị cái bổn phận làm văn chương của bọn nhà văn chi phối. Nhưng việc nói tục không dễ, làm sư hổ mang như Lục Tổ lại càng khó hơn, bởi ăn tục nói tục là con dao hai lưỡi, nếu nội lực không thâm hậu, tất cả sẽ chỉ trần trụi là sự tục tĩu.

Ngôn ngữ trong Tháng ba gẫy súng là ngôn ngữ ngắn, gọn của những người luôn luôn đối diện với cái chết. Sống và biết mình có thể chết bất cứ lúc nào. Thời giờ của họ bị giới hạn. Đích của họ là sống đến ngày mai, sống từ sáng đến tối, từ trưa đến tối, từ giờ này đến giờ khác, từ phút này đến phút khác. Vì vậy họ không thể “mất thì giờ” cho việc nói. Họ phải kiệm lời. Không dài dòng văn tự. Họ là những người lính thủy quân lục chiến, họ là những người luôn luôn sẵng sàng bước vào cửa tử, đùa giỡn với cái chết:

“Em đào sẵn cái hố cho hai thầy trò mình nằm thoải mái. Nếu lỡ có chết chỉ việc lấp cát là êm – Đụ mẹ, trù ẻo mày”

Mắng yêu cái chết: “Đụ má, chết sớm dzậy mày?”

Rủ nhau chết:

“Hồi nãy tụi nó tự tử nhiều quá, hay là mình tự tử luôn đi ông thầy”

Những câu chuyện tiếu lâm như thế trải dài trên con đường triệt thoái về chỗ chết của họ. Tính chất khôi hài trong tác phẩm như những giọt rượu mạnh, rót vào cổ họng người lính xung phong, cho họ quên sợ, cho máu họ chai đi, họ được bọc thép trước cái chết. Tinh thần thủy quân lục chiến là tinh thần kỷ luật tuyệt đối, phải đạt mục tiêu cuối cùng bất kể giá nào, dù phải nhận những mệnh lệnh ngu xuẩn nhất, dù cấp trên đã hèn nhát bỏ đi, dù súng đạn đã hết, dù bạn bè đã chết, dù cái chết đang chờ trước mặt.

Họ là người lính của nước cờ đầu và của nước cờ cuối, họ phải đổ bộ ở những nơi nguy hiểm nhất. Họ được giao cho những trách nhiệm chết người: phải mở đường máu. Phải đi đoạn hậu. Phải giữ trật tự khi lính làm loạn…Nhưng cũng những người lính đó, khi đã mất chỉ huy, họ có thể phạm những tội dã man nhất, tàn bạo nhất.

Cửa biển Thuận An, sáng 26/3/1975:

“Chiếc tàu bắt đầu kéo bửng, những người bám vào bửng tàu được nâng lên cao khỏi mặt nước, một số người may mắn rơi ngay vào trong lòng tàu, số còn lại lần lượt rơi xuống biển

Bửng tàu đã được kéo lên hoàn toàn nhưng không khép kín nổi vì giữa bửng và thành tàu đã kẹp cứng một thân người. Người bị kẹp nửa thân trên nằm trong lòng tàu, nửa thân dưới thò ra ngoài, hai chân giãy giụa, đạp đạp trong không khí được chừng nửa phút rồi ngay đơ. Hai cái chân của người xấu số trở thành có ích cho nhiều người còn ở dưới nước, họ bám vào đó để tiếp tục leo lên tàu. Lúc đầu hai cái chân còn đủ hai ống quần, dần dần chẳng còn gì cả và cuối cùng, cả hai chân đều bị gãy. Nhưng gãy thì gãy, người ta vẫn bám vào đó để leo lên tàu. Ít ra cũng có đến cả chục người leo được lên tàu nhờ cặp chân đó. Và chắc chắn sẽ còn được thêm nhiều người nữa nếu…

Chiếc tàu phụt khói từ từ quay mũi ra biển.

Chân vịt đạp nước đẩy không biết bao nhiêu người ra xa tàu, và không biết là đã chém đứt bao nhiêu người.

Thân tàu quay ngang đập vỡ không biết bao nhiêu đầu người, và không biết đã nhận chìm bao nhiêu người xuống sâu dưới đáy tàu.

Biết bao nhiêu người đã chết vì chiếc tàu quay mũi.

Nhưng…

Chiếc tàu đã không ngừng quay khi cái mũi đã hướng ra biển. Mà, chiếc tàu vẫn tiếp tục quay, mũi tàu lại từ từ hướng vào bờ.

Chân vịt lại chém thêm không biết là bao nhiêu người.

Thân tàu lại đập vỡ thêm không biết là bao nhiêu cái đầu, và lại nhận chìm thêm không biết là bao nhiêu người xuống sâu dưới đáy tàu.

Tại sao chiếc tàu bỗng dưng quay đúng một vòng tròn để làm chết biết bao nhiêu là người như vậy?

Ðã có những xác chết trôi nổi dập dềnh xen lẫn với những xác sống đang cố bơi ra tàu hoặc đang cố giữ cho mình không trở thành xác chết.

Chiếc tàu lại nằm im như đang mời gọi.

Chúng tôi ở cách xa vùng mặt trận có đến nửa cây số, tiếng súng chỉ nghe văng vẳng, nhưng chết chóc lại nhiều hơn có đến cả trăm lần.

Ủa, tại sao lại có người từ trên tàu nhảy xuống biển, không lẽ mắt tôi đã hoa lên vì rượu. Không phải một người, hai người mà là rất nhiều. Rõ ràng là mắt tôi trông thấy người ta leo qua lan can tàu, có người còn ngần ngừ, có người không ngần ngừ nhảy xuống biển. Lại có người lao mình qua lan can tàu để nhảy xuống biển.

Không tin nổi ở mắt mình mặc dầu tôi đã dụi mắt thật nhiều lần. Tôi hỏi Sĩ:

“Mày có thấy người ta nhảy từ trên tàu xuống biển không?”

Sĩ cũng ngạc nhiên không kém tôi.

“Ðụ mẹ, kỳ quá mày!”

Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, nhưng chúng tôi không có thời giờ để ngạc nhiên. Hai chiếc M-113 chở đầy người chạy từ hướng mặt trận đã cán bừa lên những người vừa từ biển lên còn đang nằm vật ra mà thở, và cán luôn cả những người không kịp chạy tránh đường.
Vừa thấy bóng thiếu úy Ngô Du – một trung đội trưởng của đại đội tôi – từ dưới biển trở lên, đang lảo đảo như muốn ngã gần mé nước, tôi và Sĩ chạy vọt tới đỡ và kéo Du chạy thật nhanh vừa kịp chiếc M-113 chạy lướt qua sát người chúng tôi.

Hai chiếc M-113 lội xuống nước để ra chiếc tàu.

Những cái bánh xích đua nhau cán lên đầu của không biết bao nhiêu là người đang nhấp nhô từ bờ ra đến tàu.

Ra đến nơi, chuyển hết người lên tàu xong, hai chiếc xe lội nước quay đầu lội vào bờ. Lại không biết bao nhiêu là đầu người bị nghiền nát bởi những cái bánh xích.
Vào đến bờ, hai chiếc M-113 ngừng lại. Từ vị trí tài xế, một cái đầu thò ra, nhìn quanh rồi la lớn.

“Ai muốn lên tàu thì leo lên tôi chở ra.”

Lúc đầu nhiều người ngần ngại, nghi ngờ, nhưng rồi lác đác cũng có người leo lên. Có đến cả 15 phút mà hai chiếc M-113 vẫn chưa đầy người.

Cái đầu lại thò ra, nhìn quanh rồi la lớn.

“Leo lên gấp đi mấy cha, tôi ra chuyến này không trở vô nữa đâu.”

Lại có thêm vài người leo lên.

Tôi phân vân trong sự chọn lựa. Nên hay không nên leo lên. Tôi hỏi Sĩ:

“Lên không mày?”

Sĩ lắc đầu:

“Tao không muốn chạy thoát bằng cái chết của những người đang lóp ngóp dưới kia.”

Câu nói của Sĩ đã cho tôi một quyết định:

“Mẹ kiếp, có mày có tao hay không có mày không có tao thì những người đang lóp ngóp dưới kia cũng sẽ bị những cái xích sắt này cán. Ðừng có triết lý ba xu thằng con trai.”

Sĩ cười bướng:

“Tao có nói khác gì mày đâu, nhưng tao không.”

“Ðược rồi, phụ tao đưa thằng Du lên.”

Sĩ và tôi đưa thiếu úy Du lên thiết vận xa. Trước khi leo lên, tôi nắm chặt vai Sĩ:
“Hy vọng sẽ gặp mày ở Ðà Nẵng.”

Sĩ nhìn tôi cười:

“Ðụ mẹ, đồ cải lương, cút mẹ mày đi thằng con trai.”

Hai chiếc M-113 lại lội nước ra tàu.

Lần này tôi mục kích tận mắt những cái xích sắt nghiến nát những đầu người. Tiếng máy nổ và tiếng nước vỗ đã át đi những tiếng thét tiếng la và có thể, cả tiếng vỡ của những cái đầu, nhưng không có gì có thể che lấp được những mảnh quần áo và mầu đỏ của máu cuộn theo chiều quay của xích sắt. Màu đỏ của máu và những mảnh vải cuộn theo chúng tôi suốt cả lộ trình khoảng một trăm thước. Màu đỏ của máu và những mảnh quần áo chắc chắn còn dính cả thịt còn trồi lên, trồi lên xen lẫn với bọt nước phía sau chúng tôi. Không hiểu tôi có dã man không, không hiểu tôi có chai đá không, không hiểu tôi đã trở thành súc vật chưa, hay vì tôi đã nhìn thấy quá nhiều cái chết từ sáng đến giờ, hay vì tôi đã yên tâm trên đường ra tàu an toàn mà tôi rất thản nhiên, lòng tôi rất bình thản khi nhìn những cái chết, quá nhiều cái chết ngay dưới chỗ mình ngồi, bị chết bằng ngay cái phương tiện mình đang sử dụng. Tôi nhìn những cái chết như một kẻ bàng quan, vô thưởng vô phạt” (trang 114- 119).

Cảnh này, đã được trực tiếp đưa lên các kênh truyền hình thế giới những ngày cuối tháng ba: Một con tàu đầy người, những thân người cố gắng trèo lên và những thân người rơi xuống biển. Một người viết hồi ký sẽ kể rõ hơn rằng: “Chiếc tàu dành riêng bốc thủy quân lục chiến, bị bộ binh và thường dân chen nhau trèo lên. Lính thuỷ quân lục chiến dùng võ lực bắt họ nhẩy xuống biển”. Lời thuật có tính thông tin, không gây một cảm xúc gì.

Đọc Tháng ba gẫy súng, hiện cảnh bày ra hãi hùng với những chủ thể can phạm:

Trước hết là cái bửng tàu. Cái bửng tàu kẹp cứng một thân người, bản dạo đầu của tội ác. Kế đến hai chân của người bị kẹp, hai chân người chết tức khắc trở thành một vật, khiến cho cả chục người leo được lên tàu nhờ cặp chân đó. Người sống đã mất hết “nhận định”, mất hết “nhân tính”, chỉ còn nghĩ đến “nhân mạng” của mình.

Tiếp đến là cái chân vịt, và cái thân tàu. Rõ ràng là chiếc tàu có nhiệm vụ cứu người, nhưng cái chân vịt của nó đã cắt đứt bao nhiêu thân người và cái thân tàu đã cán bao nhiêu mạng và nhận chìm bao nhiêu mạng nữa xuống biển.

Rồi hai chiếc thiết giáp chở lính thủy quân lục chiến ra tàu, chúng có nhiệm vụ cứu người, nhưng những xích sắt của chúng nghiền nát bao nhiêu đầu người…

Sự kinh hoàng đến từ sự kiện: Những kẻ sát nhân ở đây không phải là người mà là vật: Bửng tàu, chân vịt, thân tàu, xe tăng. Tất cả đều bị đảo lộn. Vật trở thành người. Và người trở thành vật: Tôi nhìn những cái chết như một kẻ bàng quan.

Nhưng vô cảm vẫn chưa phải là tội ác, mới chỉ là bản dạo đầu của tội ác.

Nội dung tội ác đến sau:

“Người trên tàu phần lớn là Thủy Quân Lục Chiến (…)

Chưa kịp tìm chỗ ngồi, tôi nghe một tiếng súng nổ.

Hai người lính Thủy Quân Lục Chiến cúi xuống khiêng xác một người lính Bộ Binh vừa bị bắn chết ném xuống biển. Một người lính Thủy Quân Lục Chiến khác đang gí súng vào đầu một trung úy Bộ Binh ra lệnh:

“Ðụ mẹ, có xuống không?”

“Tôi lạy anh, anh cho tôi đi theo với.”

“Ðụ mẹ, tao đếm tới ba, không nhảy xuống biển tao bắn.”

“Tôi lạy anh mà, tôi đâu có gia đình ở ngoài này.”

“Ðụ mẹ, một.”

“Tôi lạy anh mà, anh đừng bắt tôi ở lại, anh muốn lạy bao nhiêu cái tôi cũng lạy hết.

Tôi lạy anh, tôi lạy anh.”

“Ðụ mẹ, hai.”

“Trời đất, mình đồng đội với nhau mà, anh không thương gì tôi hết. Tôi lạy anh mà.”

“Ðụ mẹ, ba.”

Tiếng ba vừa dứt, tiếng súng nổ.

Người trung úy Bộ Binh ngã bật ngửa ra, mặt còn giữ nguyên nét kinh hoàng. Viên đạn M-16 chui vào từ đỉnh đầu. Xác của anh ta được hai người lính Thủy Quân Lục Chiến khác khiêng ném xuống biển.

Tên lính vừa bắn người thản nhiên tiếp tục chĩa súng vào đầu một thiếu tá Bộ Binh đang sợ hãi nằm mọp người ở cạnh đó, mặt lạnh băng đầy sát khí:

“Ðụ mẹ, tới thằng này, mày có xuống không?”

Ông thiếu tá Bộ Binh này hơi lớn tuổi, mặt cắt không còn hột máu, run lên cầm cập, năn nỉ:

“Anh tha cho em, anh tha cho em.”

“Ðụ mẹ, một.”

“Thôi, thôi, thôi anh để em xuống.”

Lết ra tới lan can tàu, ông ta quay lại năn nỉ lần chót:

“Anh tha cho em, anh thương em với.”

“Ðụ mẹ, hai.”

Biết là không thể năn nỉ, xin xỏ gì được, ông ta vừa khóc vừa nhảy xuống biển. (Trang 120-122).

Chiếc tàu dành riêng đón thủy quân lục chiến, vì vậy lính thủy quân lục chiến dí súng vào đầu lính bộ binh bắt buộc họ phải rời tàu, nhảy xuống biển”. Một người viết hồi ký sẽ ghi như vậy.

Và như vậy là đúng với sự thật, đúng luật, đúng những gì khán giả được xem trực tiếp trên truyền hình rồi, còn nói gì được nữa?

Nhưng với những “đụ mẹ, một; đụ mẹ, hai; đụ mẹ, ba” Cao Xuân Huy đã xoay trở tình thế, đã đổi trắng thành đen, đã đảo luật thành vô luật, đảo luật thành tội ác, bất nhân, đã tạo sự phi lý phi thường.

Mấy ai có khả năng đạt được “công tác” ấy với vài ba dòng chữ?

Cách xoay trở tình thế như thế đã khiến Tháng ba gẫy súng trở thánh tác phẩm chống chiến tranh mãnh liệt nhất mà văn học Việt nam có được trong nửa thể kỷ vừa qua. Chỉ với hoạt cảnh kinh hoàng ở cửa Thuận một sáng tháng ba, Huy đã khắc cái án tử hình lên mặt chiến tranh, trên đầu những người bị nghiền nát vì xích xe tăng, vì cái bửng, vì cái chân vịt của con tàu “cứu người” trên mặt biển.

***

Tại sao một người có nụ cười hiền như Huy, ăn nói nhẹ nhàng như Huy và ẩn trong một thân thể cường tráng, một bộ râu hùm, là cái e thẹn gần như rụt rè của một người con gái, như Huy, lại xung vào Thủy quân lục chiến?

Bởi vì người cha. Huy có dòng máu Nhân Văn trong người. Dòng máu chạy trong tĩnh mạch, có da che đậy, người ngoài không nhìn thấy. Chính cái dòng máu ấy, đã chi phối đời Huy, một đời chống chiến tranh, nhưng không trốn được đi lính. Một đời thanh niên xuống đường, chống chính trị, nhưng phải xông vào cuộc chiến, do bọn người chính trị hai miền gây ra.

Đã phải đi lính, thì chọn ngành nào đích thực là lính. Thế thôi. Chứ có thù hận gì. Chọn Thủy quân lục chiến vì là thứ lính đánh trận tới nơi tới chốn. Vì thế Huy không trả được lời cha: Thế mày bắn cả bố mày à? Mà có thì cũng sẽ là: Bắn chứ, trận địa mù mịt biết ai là ai?

Điều Huy biết chắc: đã đi lính thì phải chiến đấu như một người lính, đến lệnh cuối cùng. Huy không bỏ cuộc. Trận Cửa Việt 1972, đánh đến đúng giờ ngừng bắn, dù đồng đội đã chết gần hết. Mang nạng gỗ về Sài gòn. 1975, đang nghỉ phép, dù người cậu biết rõ tình thế, khuyên cháu nên đào ngũ, ở lại Sàigòn. Huy vẫn ra Quảng Trị. Bởi không thể để “chúng nó” xoay sở một mình. Ăn nói làm sao với “chúng nó” khi gặp lại nhau.

Người ta tin Huy nói thật, vì người ta thấy Huy đã sống như thế nào: Ở hải ngoại, Huy làm báo Văn Học, làm với tinh thần ba gai thủy quân lục chiến. Nguyễn Mộng Giác có lần than phiền: “Cái thằng! Bài nào không ưng là nó bỏ sọt rác!”. Hẳn là bài của những “chức sắc” trong làng văn mà ông chủ bút không thể từ chối.

Huy tổng thư ký bèn quyết định dùm anh Giác. Bởi Huy chẳng sợ ai.

Thủy quân lục chiến với văn học thì có gì chung nhau đâu? Có. Chung nhau một sự dọc ngang nào biết trên đầu có ai, và một sự không bỏ cuộc, dù thế nào đi nữa.

Nhà văn đích thực không sợ ai, càng không sợ sự danh tiếng.

Nhà văn đích thực không bỏ cuộc giữa đường. Người bỏ cuộc là người amateur, người tài tử. Nhà văn đích thực viết tới lúc chết. Huy viết ít, nhưng viết tới lúc chết.

Huy làm tờ Văn Học tới lúc mọi người đã bỏ cuộc, độc giả bỏ báo, vẫn làm. Ung thư mắt, vẫn làm. Chỉ đến khi vừa bệnh, vừa thất nghiệp, Huy mới nghỉ. Nghỉ một năm thì chết: Huy làm báo Văn Học với tinh thần thủy quân lục chiến. Làm tới chết.

Người ta tin Huy nói thật, vì người thấy Huy chết như thế nào: Vẫn nụ cười hiền rất trẻ, không thể gọi Huy là ông, dù Huy đã hơn sáu mươi. Bệnh đã đại thắng, Huy phải lui dần, nhưng vẫn chống cự: Râu hùm chỉ còn lác đác. Vai năm tấc rộng thân mười thước cao đã co lại, nhẹ hẫng. Từ Hải không ngồi dậy được nữa, không ăn được nữa, không uống được nữa, không ngủ được nữa, nhưng đôi mắt vẫn sáng lên khi nghe bạn kể chuyện văn học, vẫn cười khi nghe bạn pha trò. Minh âu yếm hỏi chồng: Anh uống tý sữa nhá. Huy gật. Minh phân bua: có bạn vui mới gật, thường thì chỉ lắc đầu. Nhìn Minh, biết là Huy có phúc.

Huy không ký được nữa, nhưng vẫn dặn vợ tặng bạn cuốn sách cuối cùng, vừa in xong cách đây vài tháng. Với tính khiêm nhượng cố hữu, Huy đặt tên nó là Vài mẩu chuyện. Chuyện chứ không phải truyện. Đến chết vẫn không chịu nhận mình là nhà văn. Huy chết như một người thủy quân lục chiến.

Khiêm nhượng vì Huy gọi Tháng ba gẫy súng là hồi ký, và cứ nhất quyết chỉ là hồi ký.

Ai cũng có thể viết hồi ký. Sang, hèn, có tài, bất tài, đều có thể viết hồi ký. Nhưng không phải ai cũng viết được tiểu thuyết, chỉ nhà văn mới viết được tiểu thuyết. Không phải cuốn hồi ký nào cũng trở thành tiểu thuyết. Một cuốn hồi ký đạt được tầm cỡ nào đó, mới trở thành tiểu thuyết: tức là khi những cá nhân trong tác phẩm đã nhẩy ra khỏi vị trí riêng tư của mình để trở thành nhân vật mà nhiều người có thể nhìn soi mình trong đó. Cái tôi trong hồi ký là cái tôi riêng của một người tên A, sinh năm X, tại tỉnh Y, kể lại chuyện mình và chuyện  người khác trong những quan hệ cá nhân, có tính chất kê khai, tài liệu. Cái tôi trong hồi ký là cái tôi cá nhân, cái tôi xác định.

Cái tôi trong tiểu thuyết là cái tôi bất định của một nhân vật nào đó trong xã hội loài người. Cái tôi trong Tháng ba gẫy súng đã thoát khỏi cá nhân Cao Xuân Huy, trung uý, đại đội phó đại đội 4, tiểu đoàn 4 Kình ngư, thuộc lữ đoàn 1 thủy quân lục chiến, để trở thành một người lính thuỷ quân lục chiến, rồi một người lính, rồi một con người.

Tác phẩm Tháng ba gẫy súng sẽ tồn tại như lịch sử môt người lính bại trận trong những ngày cuối cùng của một trận chiến, không biết ở đâu.

Câu chuyện của cá nhân Cao Xuân Huy trong hồi ký đã trở thành tiểu thuyết vì sự thật và hư cấu trùng hợp đến xương tủy, nó chấm dứt là câu chuyện của một người để trở thành câu chuyện của muôn người, nó trở thành phổ quát

Vài mẩu chuyện

Hai mươi nhăm năm sau Tháng ba gẫy súng, Vài mẩu chuyện [7] ra đời. Tháng ba gẫy súng in chữ to, 177 trang, chữ nhỏ chắc chỉ được độ 120 trang. Vài mẩu chuyện, 80 trang chữ nhỏ. Là bởi Huy lười. Lười nhưng thấu suốt mọi lẽ: viết nhiều mà làm gì! Nhà văn lớn đến thế nào, rồi thì cũng chỉ được ký ức văn học giữ lại một vài cuốn là cùng.

Cao Xuân Huy đã lựa trước những dòng đáng đọc nhất của mình. Và cũng lại vẫn khiêm tốn đặt tên nó là Vài mẩu chuyện, để gián tiếp không nhận mình là nhà văn. Nhà văn viết truyện, còn Huy kể chuyện. Nhưng lần này, chuyện của Huy cũng lại bị trở thành truyện, tức là tác phẩm văn học.

Mười truyện ngắn: Miếng ăn, Người muôn năm cũ, Quyền tối thiểu, Cái lưỡi câu, Ngu như lợn, Vải bao cát, Hành phương nam, Chờ tôi với, Mai thảo, Trả lại tiền.

Vài mẩu chuyện trả Huy lại với đời thường.

Đời cải tạo: miếng ăn, quyền tối thiểu, cái lưỡi câu, ngu như lợn,

Đời nhìn lại chiến tranh: người muôn năm cũ, hành phương nam, chờ tôi với.

Đời làm văn, làm báo: Mai thảo.

Đời sống: trả lại tiền.

Vài mẩu chuyện khép lại quỹ đạo chiến tranh để “nối vòng tay lớn”.

Vài mẩu chuyện đằm hơn Tháng ba gẫy súng, những cơn đau nhẹ hơn nhưng tiến sâu hơn, như giữa hai đợt tấn công, cơ thể ung thư được hưởng vài giờ hưu chiến. Huy đã gặp Thạch Lam trong lối viết nhẹ nhàng mà đứt ruột. Mỗi truyện ngắn như một sợi tóc vướng trong hệ thần kinh của con người đã trải qua kinh nghiệm chiến trường hãi hùng như thế, không thể nào kéo nó ra được. Ở những người lính Mỹ không biết viết văn, đã có hội chứng Việt Nam.

Miếng ăn, quyền tối thiểu, cái lưỡi câu, ngu như lợn, mỗi truyện dàn dựng như một bi kịch mà tính bi đát đi đoạn hậu. Phải đọc đến câu cuối mới thấy kinh hoàng. Huy không dùng bất cứ một hình ảnh ghê rợn nào, đôi khi còn đùa cợt nữa, nhưng cái kinh hoàng khám phá ở đoạn cuối bao giờ cũng là bản chất của con người.

Ở những hồi ký viết về trại cải tạo, cái “ác ôn” thường được chĩa vào “quản giáo”, cái ngu si đần độn thường được chĩa vào “cán ngố”, tạo sự căm thù đôi khi bật ra những nụ cười khả ố.

Ở Cao Xuân Huy, dù “cái đói, cái thèm, đeo đẳng hành hạ con người hết ngày này tháng nọ, năm nào, ngày nào, tháng nào,giờ nào, cái đói cũng bám chặt lấy dạ dày, cái thèm lúc nào cũng bám chặt lấy đầu óc”, thì cái “ác ôn” vẫn không chiếu vào cán bộ, mà chiếu vào “anh em”, vào những kẻ được tiếp tế mừa mứa, ăn thừa đổ đi, trong khi người bạn nằm cạnh đắp chăn chặn đói (Miếng ăn). Nội soi bao giờ cũng nguy hiểm hơn ngoại cảnh. Huy đã chiếu cái “ác ôn” vào bản chất con người, không chiếu vào “địch”. Trong những năm tù, thế nào Huy chẳng gặp quản giáo ác ôn, nhưng Huy khác người vì sự lựa chọn đó.

Vì vậy những mẩu chuyện của anh thoát khỏi vòng hồi ký, thoát khỏi một câu chuyện, đề trở thành truyện ngắn, thành một tác phẩm nhân bản, giải giới cho những thù hận thường tình. Sự lựa chọn của Huy dường như không do một toan tính văn học. Tự bẩm sinh con người Huy như thế.

Vải bao cátquyền tối thiếu là hai trường hợp phi thường của người tù cải tạo thèm sex đến cực độ mà lại từ chối sex. Ở quyền tối thiểu, người tù được hưởng “ân huệ” chăn chiếu với vợ khi người vợ đến thăm nuôi, nhưng Toàn đã từ chối “ân huệ” này: Việc vợ chồng là chuyện tự nhiên, là quyền tối thượng của con người. Khi được ban phát như một ân huệ, nó trở thành không thể chấp nhận được. Thành nhịn. Nhịn để giữ trọn tiết khí. Giữ trọn quyền sống tối thiểu của con người.

vải bao cát, một trường hợp lạ lùng khác: Một ngày trong trại cải tạo, người ta tải vào một thiếu nữ bị trúng mảnh đạn M-79 khi đang cuốc đất. Bao nhiêu dồn nén sinh lý lâu ngày trồi lên xục xạo thân thể người tù trẻ, chưa vợ, Toàn trả cho một bạn tù bữa cơm sáng để mua cái việc được cầm đèn và cởi quần áo cô gái trúng đạn cho bác sĩ giải phẫu.

“Toàn háo hức đắm chìm theo những tưởng tượng…

Bất ngờ, hai mắt đang hau háu chợt dịu lại.

Lúng túng.

Hai tay đang tụt quần cô gái chợt khựng lại.

Ngập ngừng.

“Làm gì mà đứng nghệt ra vậy?”

Toàn như không nghe tiếng bác sĩ Thông, vẫn đứng trơ ra, mắt như dán vào mảnh vải che phần dưới thân thể cô gái.

Đờ đẫn.

Thẫn thờ.

Mắt Toàn như dại đi.

Trong đầu, chập chùng những hình ảnh. Giao thông hào, lô cốt, hầm chữ A, hầm chữ T. Tiếng bom, tiếng mìn, tiếng lựu đạn, không giật, sơn pháo. Những đợt tấn công, phản công. Những xác người, xác ta, xác địch, xác bạn, xác dân. “ (Trang 58-59)

Lỗi tại chiếc quần lót. Chiếc quần lót của người con gái làm bằng vải bao cát. Vải bao cát xuất hiện trên khắp các mặt trận, hồi ấy, nhưng tại sao nó còn sót ở đây, trên thân thể này? Chiến tranh đã chấm dứt rồi mà. Hoà bình đã lập lại rồi mà. Nhưng hoà bình không thể lập lại. Lỡ giết nhau rồi. Lỡ tan xác rồi. Làm sao “lập lại” được?

Toàn lẩm bẩm với người con gái như một ăn năn, như nói với chính mình:

“Chiến tranh đã qua lâu rồi mà, mọi chuyện rồi sẽ phải qua đi… đừng sợ “ (trang 60)

Một “chiều đông”, ba người lính thuỷ quân lục chiến, trên đường hành quân, dừng chân trên phá Tam Giang, bên một “quán nhậu dã chiến” bên đường. Người thứ nhất đọc Hồ trường và thơ Quang Dũng. Người thứ hai nghe. Người thứ ba đọc Hành phương nam[8] tuy hướng của họ là phương bắc, chiếm lại những mảnh đất vừa bị mất. Người thứ nhất cãi: đâu phải thơ Nguyễn Bính. Đang cãi nhau sôi nổi, họ bị gọi lên đường hành quân…

Một chiều xuân, trên nghiã địa Sàigòn, người thứ ba, mang nạng gỗ, một mình ngược hướng xuôi nam, đốt bài Hành phương nam dưới đề rõ tên tác giả Nguyễn Bính trên mộ bạn, như muốn nói nhỏ: của Nguyễn Bính thật, tao đâu có nói dối mày.

Hành phương nam của Nguyễn Bính là bài thơ.

Hành phương nam của Cao Xuân Huy không phải là một bài phê bình, nhưng lại toát ra cái gì sâu sắc, đòi đoạn, không tìm thấy ở những bài phê bình thơ Nguyễn Bính. Dường như (tức là bài Hành phương nam của Huy) hiểu Nguyễn Bính hơn ai hết, từ thơ Nguyễn Bính, đưa người đọc vào không gian những người lính đã thoát khỏi vòng thủy quân lục chiến để trở thành tráng sĩ. tạo ra một trận địa mới, một lối chết mới: chết với thơ, chết trong thơ. vinh thăng một tình bạn không chết theo cái chết.

Mai Thảo như cây cổ thụ giữa đám lau sậy. Như ông vua có quần thần hộ tống. Đàn em, ai chả muốn được làm quen với Mai Thảo. Vậy mà Huy không. Không chào. Nhất định không chào Mai Thảo. Một hôm Mai Thảo ngồi với đám thương nhân giàu có đang rôm rả khoe thành tích. Mai Thảo thần mặt ra. Huy lại gần nói nhỏ vào tai: anh muốn về không em đưa anh về. Mai Thảo ừ ngay lập tức.

Bài mai thảo là một chân dung văn học, chân dung Mai Thảo, nhưng Huy cũng lại biến Mai Thảo thành mai thảo một hình tượng văn chương, và chính Huy trở thành một hình tượng khác của văn chương: một cây xanh bên cây cổ thụ.

Chỉ ở một lời: anh có về không em đưa anh về, đã bao cảm thông, đã bao trìu mến, đã xoá bao cách biệt, đã dẹp bao hào quang, để thấy tình người.

 

Trả lại tiền là một truyện độc đáo: ngắn, gọn, chỉ có ba nhân vật: một gã lính ngụy vừa được thả. Một gã dân phòng và một ả điếm. Đối thoại cộc lốc. Cả câu lẫn chữ đều ngắn đến cực điểm. Mặc cả:

“Nhiêu?

Hai chục

Không có đủ

Dzậy có nhiêu?”

Tác giả gói tròn mối tương quan giữa ba nhân vật, ba cõi đời, trong một thoáng ngôn ngữ, một nhoáng thời gian: Gã dân phòng, đáng lý bắt kẻ phạm pháp, nhưng khi biết là lính ngụy, lại diụ giọng: Phải kiếm chỗ kín kín một chút chớ. Rồi hỏi: “Nó lấy cha nhiêu?”

Ả điếm, lợi dụng kẻ lạ không biết giá, lấy cao kiếm lời.

Gã dân phòng quát chị đàn bà: “Trả tiền lại cho người ta”. Rồi đi.

Gã lính ngụy không nỡ ăn quỵt, trả tiền lại cho chị điếm.

Chị điếm hối hận cũng không lấy tiền “Thôi giữ lấy xài đi”.

Bi kịch xây dựng trên tình người, nhưng với lối viết thật ngắn tác giả đã vót nhọn tình thương khiến nó trở thành dấm dẳn, thô bạo, thoát khỏi vòng nhân ái cổ điển, tạo ra một thứ tình người thô nháp như đá, khó nhận diện được.

***

Với Vài mẩu chuyện, Huy đã tha thứ cho mình, cho người. Huy đã trả lời câu hỏi cha:

Mày bắn cả bố mày à? Không con không bắn. Bởi cuối cùng hai cha con đều chết, như người lính thủy quân lục chiến và người bộ đội (trong Chờ tôi với) cùng quê Hà nội, gặp nhau sáng 28 tháng giêng 1973, trao đổi với nhau vài mẩu chuyện rồi cùng chết vì những tiếng súng cuối cùng của cuộc đình chiến.

Dường như Huy trước khi chết đã tìm ra chân lý: sự đánh nhau trong cuộc chiến không giết nổi con người. Sự hành hạ nhau trong trại tù không giết nổi con người. Chỉ tạo ra những xác người mà phần tinh túy nhất vẫn còn đọng lại ở một nơi nào khác: phần của yêu thương, của tha thứ, của nhìn nhau, của nhận nhau.

Việc đời trùng điệp phơi bày trước mắt. Nhà văn không thể viết hết mà phải lựa chọn sự kiện nào, yếu tố nào nên đưa vào tác phẩm. Giống như công việc của nhà nghiên cứu, tài liệu đầy tay, nhưng phải chọn dữ kiện nào có thể sử dụng. Giống như công việc của một con người, phải lựa chọn một đạo sống nào cho mình. Chính sự lựa chọn ấy làm nên con người, làm nên tác phẩm. Làm nên Cao Xuân Huy. Làm nên Tháng ba gẫy súng. Làm nên Vài mẩu chuyện.

Huy có thể yên tâm ra đi. Huy đã nối vòng tay lớn với cõi sống và cõi chết. Bảo đảm với Minh và các cháu hai tác phẩm của Huy sẽ trụ lại. Rất lâu, không biết đến bao giờ.

Bao giờ hết chiến tranh…

Paris 24/11/2010

Ông Gẫy Súng đã “ lên tàu “

T.Vấn

Tâm tình một nẻo quê chung

Người về cố quận muôn trùng ta đi

( Huy Cận )

Như vậy là ông Gẫy Súng đã lên tàu về quê.

Lần này thì súng của ông bị bẻ gẫy chẳng bởi tại người,hay bởi vận nước, mà bởi cái lẽ sinh lão bịnh tử mà không một ai thóat ra khỏi được vòng cương tỏa của nó.

Trước khi bước chân lên tàu, ông đã chiến đấu rất dũng mãnh và can trường, không kém gì trận chiến năm xưa dù sau đó súng của ông ( và của rất nhiều những chiến hữu của ông ) đã bị bẻ gẫy. Súng gẫy thì vất súng, ông cầm bút. Mấy chục năm nay lưu vong nơi xứ người, với cây bút trên tay ông đã làm được nhiều việc mà không phải ai cũng làm được. Cho đến giây phút ông không còn sức để cầm bút nữa, không một ai có thể bẻ gẫy được ngòi bút của ông. Và ông vẫn là một chiến sĩ cho đến giây phút cuối cùng. Con Kình Ngư không hề biết sợ sóng, sợ gió.

Nay thì con Kình ngư sẽ về nằm yên nghỉ giữa biển cả mênh mông , ngày đêm nghe tiếng sóng vỗ rì rào như lời mẹ ru đón con ra khỏi cuộc đời , thay cho những tiếng thét đau đớn uất hận ngày nào trên bãi biển Thuận An ( Huế).

Những người bạn chiến đấu của ông, những người nằm lại trên bãi biển Thuận An từ dạo tháng Ba năm ấy, hẳn sẽ vui mừng chào đón ông, như chào đón một chiến binh quả cảm đã dũng mãnh tiếp tục cuộc chiến, dù không cân sức, thay cho những đồng đội của mình bị lọai khỏi vòng chiến một cách tức tửi .

Tôi hình dung ra chuyến tàu “ suốt “ vừa ngừng lại đón ông Gẫy Súng, đang từ từ tiến vào trạm cuối cùng. Trên sân ga, lố nhố những bóng người quen thuộc của bãi biển Thuận An năm nào . Người bạn chiến đấu năm xưa đã trở về, thể xác tuy mệt mỏi nhưng thần thái ung dung. Họ lại tiếp tục ngồi bên nhau uống rượu, hút thuốc lá, chửi thề, nhắc lại cho nhau những kẻ còn, người mất ( trong thế giới của những người lính gẫy súng ở giờ thứ hai mươi lăm , kẻ còn tức người đã chết và người mất, tức những kẻ còn nặng nợ trần gian, chưa mãn hạn để có thể thảnh thơi bước lên tàu ). Và chắc chắn, ông Gẫy Súng có rất nhiều điều để nói cùng bạn hữu. Bạn bè ông, ngoài nỗi vui gặp lại bạn cũ, hẳn còn nỗi vui khác lớn hơn .Ít nhất, thằng Tháng Ba Gẫy Súng đã nói lên được cho họ nỗi uất ức đến chết không thể nhắm mắt của một ngày tháng Ba năm 1975.

Chỉ với một tác phẩm, quyển hồi ký “ Tháng Ba gẫy súng “, ông đã làm tròn vai trò một chứng nhân lịch sử, làm tròn sứ mạng thiêng liêng của một người cầm bút. Với người cùng thời, những người đã từng sát cánh với ông ở một bên chiến tuyến, ông là hiện thân của lương tâm , của sự dũng cảm , của những khát vọng được sống một cuộc sống bình thường như một con người bình thường. Với những người đã từng một thời cầm súng đứng ở bên chiến tuyến đối nghịch với ông và những bạn bè của ông, ông là ngọn gió thổi tan đi lớp sương mù ngộ nhận, gây ra bởi một guồng máy tuyên truyền vô nhân tính chỉ nhằm gieo cấy lòng thù hận giữa những người cùng một dòng máu đỏ da vàng. Với những thế hệ chưa một ngày sống qua chiến tranh, ông là ngọn đèn soi cho họ thấy sự thảm khốc cùng cực của chiến tranh, sự vô nghĩa của thân phận con người trong lửa đạn, sự độc ác vô luân của những tham vọng áp đặt chủ thuyết này , ý thức hệ nọ lên quốc gia dân tộc.

Tất cả những thành tựu không nhỏ ấy, lại là kết quả từ một tập sách mỏng, của một người vốn trước đó không phải là nhà văn. Theo lời một vị thầy của tôi ( nhà văn Nguyễn Xuân Hòang ), ông không phải là một nhà văn, nhưng đã viết nên “những trang văn xuôi lương thiện và giản dị về con người”.

Tôi nhớ có người nào đó bảo rằng con người ta ai cũng có hai lần chết. Lần chết thứ nhất là khi thân xác được bỏ vào quan tài . Lần chết thứ hai là khi không còn ai nhắc đến tên mình nữa.

Nếu quả đúng như vậy thì ông Gẫy Súng của tôi chỉ chết có một lần.

Bao lâu người ta còn nhắc đến, còn bàn luận về cuộc chiến tranh tương tàn khốc liệt giữa những người Việt ở hai miền Nam Bắc thì ngày ấy người ta còn phải nhắc đến tên ông, nhắc đến những ngày cuối cùng bi thảm của cuộc chiến.

Hơn 25 năm nay, tiếng kêu bi phẫn của ông Gẫy Súng đã được nhiều người lắng nghe. Mỗi người, ở vị trí của mình – trong và sau cuộc chiến – đều mang một tâm trạng khác nhau khi đọc ông . Người ta có thể phản bác ông, nhưng tôi tin rằng , không một ai – dù là người ở bên kia chiến tuyến với ông – có thể nghi ngờ tính nhân bản phủ đầy những trang viết của Tháng ba Gẫy Súng, kể cả những trang mô tả sự tàn nhẫn khốc liệt nhất, kể cả ở những câu đối thọai độc ác nhất , kiểu “ Đụ mẹ, đánh giặc đã quá ông thầy ! “

Khi tôi viết những dòng này, hẳn đôi mắt ông Gãy Súng đã nhắm lại ( tôi tin như vậy, vì ông có quá nhiều lý do để thanh thản ra đi ). Ông có mãn nguyện không ? tôi không thể quả quyết. Nhưng nếu tôi là ông, tôi sẽ mãn nguyện. Những gì cần phải làm cho người chết với tư cách kẻ sống sót, ông đã hòan thành xuất sắc.

Ông ra đi, những vẫn còn lại những trang viết, những “ trang văn xuôi lương thiện và giản dị về con người“. Vì chúng lương thiện và giản dị, nên chắc chắn chúng sẽ bất tử.

Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã từng kêu lên : Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ? Giả như ba trăm năm sau ngày cụ Nguyễn Du lên tàu “ suốt “, vẫn còn có người khóc cụ thì phỏng có ích gì cho cụ không khi thân xác cụ đã chỉ còn là nắm đất vụn. Điều quan trọng là những câu lục bát của cụ vẫn còn được lưu truyền không chỉ ba trăm năm, mà sẽ là ba ngàn năm, ba triệu năm nữa.

Còn ông Gẫy Súng của chúng tôi ? Ông có cần phải thắc mắc rằng ba trăm năm sau liệu có còn ai nhớ đến ông không ? Tôi không tin ông bận tâm về điều đó. Vì những trang viết lương thiện và giản dị của ông, không phải chỉ cho ông, mà còn cho một thế hệ tuổi trẻ ( ở cả hai miền Nam Bắc ) Việt Nam tội nghiệp. Nếu ba trăm năm sau, có kẻ hậu thế nào đó – nhờ đọc được Tháng Ba Gẫy Súng của ông – đã làm hết sức mình để tránh cho lịch sử của ba trăm năm trước lập lại, thế cũng đã quá đủ một đời phong ba rồi, phải không ông ?

Mấy hôm trước, nghe tin ông đang ngấp nghé bên bờ tử sinh, tôi đã nhờ người quen kẻ biết nhắn với ông rằng “Chừng nào tới giờ lên tàu, ông cứ thanh thản lên tàu. Đừng lo cho chúng tôi. Thế nào cũng còn chỗ cho kẻ đến sau, chứ không phải như tháng Ba gẫy súng năm nào mà phải giành nhau đâu, ông Cao Xuân Huy ạ ! “.

Đường đời muôn vạn nẻo, nhưng chỉ có một nẻo đích thực để trở về cố hương. Đó là lối nhỏ đi qua những tấm lòng bằng hữu, với hành trang trên vai là lòng thương yêu của những người thân kẻ thuộc trong gia đình.

Ông Gẫy Súng của tôi ơi ! lối nhỏ bằng hữu đang hân hoan đón chào ông, hành trang thương yêu của gia đình đang sẵn sàng chờ ông ghé vai đỡ lấy.

Chúc người về cố quận thượng lộ bình an !

Thứ Sáu 12 tháng 11 năm 2010

*Ông Cao Xuân Huy thở hơi cuối cùng vào lúc khỏang 4 giờ 53 chiều ( giờ Cali ) ngày thứ Sáu 12 tháng 11 năm 2010.Nhận được tin do một người anh em trong gia đình TQLC của CXH cho hay qua e-mail lúc 8 giờ tối ( giờ Wichita , KS đi trước Cali 2 tiếng ) , tôi bỏ hết mọi công việc hàng ngày, vì không thể làm được gì khác, ngòai việc ngồi vào bàn viết .

 

Nhìn lại chân dung Cao Xuân Huy

Nguyễn Mạnh Trinh

“Hư cấu? Tôi chưa hề là một người viết, tôi chưa hề muốn trở thành một nhà văn, tôi chưa hề nghĩ Tháng Ba Gãy Súng là một tác phẩm văn chương, tôi chỉ muốn kể lại một câu chuyện đã xảy ra, thay vì kể bằng miệng chỉ có một ít người biết, tôi đã kể bằng chữ để cho nhiều người cùng biết. Và tôi chấp nhận tất cả những gì xảy đến cho mình từ những điều tôi viết. Như vậy làm gì có hư cấu trong tiểu thuyết này…”

Cao Xuân Huy trả lời ra sao về văn chương từ Tháng Ba Gãy Súng?

Anh trả lời, rất… Cao Xuân Huy, tự nhiên nhưng có một điều gì hơi mỉa mai, hơi ngang ngang khác người:

“Văn chương? Sau khi viết xong và nhất là sau khi in sách tôi mới quen biết với các nhà văn và tôi cũng mới được (hay bị) gọi là nhà văn. Tôi không hiểu văn chương nằm ở chỗ nào trong quyển hồi ký này. Tôi xin lập lại nguyên văn một câu phê bình của một nhà văn viết rất nhiều về lính là Nguyên Vũ ”Cậu viết có hồn nhưng kỹ thuật còn kém” và tôi đành ”Tôi viết làm chó gì có kỹ thuật mà kém với không kém” Kể lại một câu chuyện thật đã xảy đến cho mình và đồng đội mình, như vậy mà cũng cần có kỹ thuật à? Chẳng hóa ra làm văn chương khó hay dễ như vậy sao? Mà cho tôi xin hỏi thật một câu ”Văn chương là cái mẹ gì vậy?”

Thật là khó mà trả lời cho tác giả Tháng Ba Gãy Súng, có mà không, trong cái không đã sẵn cái có, nhất là ở trong tâm thái của Cao Xuân Huy. Muốn làm văn chương nhưng chưa chắc đã được, nếu không có duyên khởi, nếu không có tâm thành…

Với mình và với người, trước sau, sau trước Cao Xuân Huy vẫn là người trung thực. Như khi nói về mình:

“Tôi nghĩ ra sao về tình yêu, tình dục? Anh hỏi bây giờ hay lúc bàn tay tôi còn mò trong poncho? Tình yêu là cái mẹ gì đối cới một thằng lính tác chiến? Dĩ nhiên là loại trừ những tay đã có người yêu từ trước khi về TQLC. Anh thử nghĩ mỗi năm được về phép bảy ngày thấy một cô gái chưa kịp làm quen đã hết phép thì yêu thế chó nào được và con gái thành phố thời đó hầu như thích cặp kè với lính “thứ dữ” chỉ để đi bát phố rước đèn chứ đâu phải để yêu thương. Có bao nhiêu người con gái đã yêu thứ người cả năm mới gặp một lần rồi sau đó đợi ”ngày mai đi nhận xác chồng” đâu.

Còn tình dục, cũng vậy thôi. Khi về phép thì kiếm chị em ta còn khi hành quân thì… với chị năm…”

Tôi nghe câu trả lới của CXH lại nhớ đến câu thơ Nguyễn Bắc Sơn chợt nảy trong trí óc ”Nếu mai đụng trận may còn sống. Về ghé sông mao phá phách chơi. Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm. Đốt tiền mua vội một đêm vui. ngày vui đời lính vô cùng ngắn…”

Đọc Hemingway, đọc E. M. Remarque, đọc Phan Nhật Nam tôi đã hỏi thì Cao Xuân Huy nhận xét:

“Chiến tranh giống nhau. Sự cực khổ giống nhau. Sự sợ cái chết giống nhau. Thằng lính giống nhau. Nhưng mỗi cuộc chiến mỗi khác. Nhân vật của Hemingway và Remarque có những cấp chỉ huy không giống với cấp chỉ huy mà chúng ta đã có. Còn Phan Nhật Nam ông ta viết từ một cái nhìn ở nơi cao hơn chỗ ông ta viết. Và cao hơn chỗ tôi được biết”.

Có lẽ đó chỉ là nhìn ở một góc cạnh thôi và nếu muốn đầy đủ thì phải “tản mạn“ nhiều hơn.

Riêng tôi, trong ý nghĩ có một chút đối chiếu giữa Tháng Ba Gãy Súng và Nỗi Buồn Chiến Tranh, giữa Cao Xuân Huy và Bảo Ninh…

Cả hai, đã nhìn chiến tranh với đôi mắt quan sát và suy tư khác nhau. Bảo Ninh tham dự cuộc chiến của một người trẻ lớn lên từ chế độ XHCN và tuy có lúc suy tư đi ngoài những quy định bắt buộc. Văn chương ông có lửa, có ghi chép lại sự thực nhưng là sự thực được đãi lọc. Và cái nhìn của Bảo Ninh về người lính VNCH giống y như trong tuyên truyền, nhiều hận thù, nhất là khi viết về những người lính thám báo hoặc kể lại sự chống cự mãnh liệt của người nữ quân nhân VNCH ở Ban Mê Thuột. Còn Cao Xuân Huy, thì nhân bản hơn và trong Tháng Ba Gãy Súng đã phác họa đúng một chân dung người lính chiến đấu VNCH… Sự thực được kể lại thành thực trong hồi ký có lẽ khả tín hơn trong tiểu thuyết với hiện thực và hư cấu tạo thành…

Hơn hai mươi năm trước, Cao Xuân Huy đã nghĩ như thế, sống như thế và viết như thế. Đến sau này, khi viết Vài Mẩu Chuyện, vẫn không đổi. Vẫn là người lính, từ bề ngoài lạnh lùng nhưng bên trong lại ấm áp tình người. Vẫn những nhận xét, những cảm xúc, được diễn tả ngắn, gọn nhưng lại lôi cuốn cảm quan người đọc bằng sự thành thực.

Với Tháng Ba Gãy Súng, chân dung người lính được phác họa trong một hoàn cảnh đặc biệt của thời thế. Còn với, “Vài Mẩu Chuyện”? tôi nhìn thấy chân dung một người lính rõ ràng hơn từ những nét đời thường, gần gũi hơn. Nói là kiếp nhân sinh của một người mặc quân phục như lối nói của Trần Như Hùng cũng là một nhận xét đúng. Chuyện ở tù Công Sản. Một chút. Chuyện được tha trở về. Một chút. Chuyện sang sống lưu lạc xứ người. Một chút. Chuyện chiến đấu thuở xưa. Một chút. Tất cả những một chút ấy trở thành nét phác họa, tưởng là mờ nhạt nhưng lại là những nhát dao giải phẫu đến tận cùng những kiếp nhân sinh, tuy là chuyện riêng của Cao Xuân Huy nhưng cũng có thể chung của nhiều người trong chúng ta. Những chuyện ấy, đã quen thuộc nhưng không thành tầm thường. Bởi vì, phảng phất ở đâu đó, những nỗi niềm mang theo, những chua chát lắng sâu trong ngày tháng của những cuộc đời trôi nổi theo thời thế. Và, sâu hơn nữa, là những thoáng hy vọng về tình người, dù ở trong hoàn cảnh nào cũng thắp sáng được phần nào những biển cả u trệ đen tối…

Cao Xuân Huy viết ngắn lời nhưng dài ý. Những câu đối thoại ngắn cụt lại bất ngờ chuyên chở những liên tưởng lạ. Hãy đọc thử một truyện ngắn chỉ dài chừng hơn hai trang giấy. Truyện ngắn “Trả lại tiền”. Ngôn ngữ quen thuộc của đường phố. Ba nhân vật. Gã. Ả. Và tên dân phòng. Cùng vài khúc đối thoại ngắn. Thế mà, tả được tình đời, nói được tình người. Một cuộc mua dâm nửa chừng. Đáng lẽ, phải là chuyện trụy lạc, chuyện xấu xa xảy ra hàng ngày trên đường phố của một xã hội đang xuống cấp, của những cuộc đời tàn tạ. Gã. Người tù cải tạo được tha trở về thành phố. Ả. Cô gái điếm hạng bét nghèo khổ. Và người dân phòng, người đóng vai thông cảm. Cả ba, trong một vở kịch của đổi đời. Tự nhiên tôi nghĩ đến nhân vật đôi vợ chồng trong một truyện ngắn trong tập “I am đàn bà” của Y Ban, một nhà văn nữ ở trong nước. Cũng làm tình vụng trộm trên đường phố. Nhưng ở Cao Xuân Huy, thấy ngấm hơn và cảm hơn mà lại xúc động mạnh hơn. Theo tôi, đó là một truyện viết của CXH, thực mới dù chỉ là chuyện cũ thường ngày. Viết tự nhiên, không cần kỹ thuật, không cần ẩn dụ. Hữu chiêu hay vô chiêu, có kỹ thuật hay không, tôi dường như không cần chú tâm tới. Chỉ biết, qua hai trang tôi cảm nhận được tình đời và tình người…Gián tiếp nhưng sâu sắc. Không thấy bóng dáng của cầu kỳ hoa mỹ, của làm dáng trí thức. Nói thẳng băng, viết đơn giản, có lẽ đó là một cá tính rất rõ nét của tác giả biểu hiện trong tác phẩm.

CXH viết về trại tù Cộng Sản. Với phong thái khinh bạc, nhưng lại đẫm chất xót xa của những người bị hạ thấp giá trị, mà chế độ cai tù đã dùng những đặc quyền đặc lợi xét ra tầm thường ở ngoài đời nhưng lại vô giá trong hoàn cảnh tù ngục. Những nhân vật như Toàn trong “Quyền tối thiểu”, trong “Vải bao cát”, trong ”Cái lưỡi câu”, hay Mạnh trong “Ngu như lợn”, hay nhân vật xưng tôi trong “Miếng ăn”, có thể là CXH nhưng cũng có thể là một trong những hàng trăm ngàn người tù nhân của Cộng sản. Chuyện tù ngục mang danh cải tạo thì nhiều lắm, kể hoài không hết mà cũng không đủ. Mỗi người một cảnh không ai giống ai, nhưng đều có một chút biểu tượng chung của một thời thế chung.

Miếng ăn là miếng tồi tàn, nhưng ở trong tù lại là những điều vĩ đại. Cũng như chuyện ăn ngủ của vợ chồng cũng bị đem hạ giá thành một đặc ân để khống chế những người tù. Và, những người trong âm thầm đã từ khước nó, bởi không thể đặt mình xuống ngang hàng với một sinh vật thèm ăn khát uống ham mê nhục dục được. Chính sách cai tù tàn bạo đã không khuất phục được những người tuy không muốn làm anh hùng nhưng cũng không muốn làm người hèn. Thực tế, ở trong tù để làm một người bình thường nín thở qua sông đã không phải là dễ. Huống chi, phải tự thắng mình để không bị dụ dỗ, không bị chế phục thì khó hơn biết bao nhiêu…

Chiến tranh với Cao Xuân Huy, xảy ra bao nhiêu điều kỳ quặc mà những người lính ở tuyến đầu ở cả hai bên không sao hiểu được. Trong “Chờ tôi với”, ông tả những giờ phút ngưng bắn đầu tiên ở mặt trận khi người lính hai bên thân ái với nhau, chuyện trò với nhau, để rồi sau đó lại nổ súng vào nhau, đâm lưỡi lê vào nhau. Những người lính như con chốt thí đã lao vào cuộc như những cỗ người máy tự động bấm cò, tự động giết nhau không căm hờn vì cùng con người không thù không oán.

Ông yêu đơn vị, với tình đồng đội thiết tha. Có lúc người lính trận ấy dù đang bị thương chống nạng vào nghĩa trang thăm mộ bạn vừa tử trận. Ông viết trong truyện ngắn “Hành phương nam”, một đoạn kết bi thương đầy xúc động :

“Mộ mới đắp, mới tinh như bộ quần áo trận chưa kịp sửa rộng thùng thình Toàn đang mặc : Chí ơi! Tụi nó tan hàng mà mình cũng bị khá nặng, đồ đạc banh hết, nhưng nếu mày chỉ bị thương như tao thì áo mới của mày cũng như của tao, chứ đâu phải cái áo quan chôn dưới huyệt đất này. Thằng Trọng ”nằm“ lại ngoài đó, đang hành quân. Còn tao với mày thì đã “hành phương nam…” về tời Sài Gòn, thảm như vầy, Chí ơi!”

Toàn bật khóc, ngồi xuống cạnh mộ, dựa chiếc nạng vào mộ chí, lọng cọng mở nắp rượu, rưới lên mồ, rồi ngửa cổ tu một hơi. Những dòng nuớc mắt lăn dài trên khuôn mặt râu ria không cắt tỉa. Đốt điếu thuốc cắm vào một chân nhang Toàn móc túi lấy ra tờ giấy xé từ quyển sách:

”Chi, tao mang cho mày bài Hành Phương Nam, có đề tên tác giả là Nguyễn Bính hẳn hoi, như buổi chiều trước hôm hành quân mày thắc mắc tao chưa kịp đọc…”

Toàn nghẹn ngào đọc không hết bài thơ, đứng dậy, tay run run bật kửa nghiêm trang đốt bài thơ rắc lên mộ Chí, như người ta hóa vàng

”Mày”sang bên ấy sao mà lạnh

“Nạng gỗ” tao về lạnh mấy mươi…”

Đọc “Vài mẩu chuyện“, tự nhiên tôi thấy đời sống mình cũng như có điều gì gửi gấm vào trong đó. Kỳ lạ, có phải là tâm cảm chung của những thằng lính không? những mẫu số của một thời thế “chó chết” của những con chốt thí của cuộc cờ tàn chiến tranh. Nội chiến ? chiến tranh ủy nhiệm ? chiến tranh giữ nước bảo vệ tự do? Chiến tranh giải phóng ? Những danh từ “chó chết” của những cai thầu chiến tranh, của chũ nghĩa Mác Lê Nin buôn xác người… Dù không muốn bấm cò súng nhưng vẫn phải bắn, không chọn lựa chiến tranh nhưng vẫn phải lao vào lửa đạn. Tâm sự ấy, chung hay riêng, của những người muôn năm cũ đang lưu lạc trong cuộc thế ngửa nghiêng bây giờ…

Cao Xuân Huy ra đi đã đúng một năm. Thời gian qua nhanh. Rồi, như tất cả đi vào lãng quên. Những người bạn của Huy, giật mình khi biết đã đến giỗ đầu của Huy. Đám tang tưởng như mới hôm nào, gần gũi lắm thế mà đã hết một năm. Viết một vài trang giấy, nhắc lại một chân dung người lính viết văn cũng là một cách phản kháng. Phản kháng với thời gian qua nhanh. Và phản kháng với sự lãng quên. Cố gắng phản kháng nhưng xem ra vô vọng. Vì thời gian vẫn trôi qua, thật mau kiếp sống con người…

Tháng 11 năm 2011

Cao Xuân Huy, một ngọn gió đã bay xa

Bùi Vĩnh Phúc

 

clip_image012

 

Chân dung nhà văn Cao Xuân Huy

(nguồn: Ái Tử Bình Điền)

Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương.

Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.

Đối với trường hợp của Cao Xuân Huy, điều này hơi khó thực hiện. Thứ nhất, anh là một người bạn của tôi. Và cũng là bạn của nhiều người bạn khác của tôi nữa. Chúng tôi đã quá thân với nhau để có thể làm một sự tách bạch rạch ròi giữa con người và tác phẩm như thế. Thứ hai, cái câu “Văn là người” rất thích hợp trong trường hợp của Cao Xuân Huy. Văn cách và nhân cách của anh trộn lẫn vào nhau, nếu không muốn nói chúng là một. Ta không thể tách rời chúng ra khỏi nhau được.

Vậy, hãy để tôi nói, trước hết, về con người nhà văn của Cao Xuân Huy. Giữa những người bạn thân với nhau, anh Nguyễn Mộng Giác có những lúc nói đùa, “Cao Xuân Huy đúng là “nhảy dù” vào văn chương!” Câu nói đó, dù sao, cũng có cái lý của nó. Tôi nhớ, một buổi sáng vào năm 1985, cách đây đúng 25 năm trước, chúng tôi, trong đó có các anh Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Bá Trạc, Hoàng Khởi Phong, Phạm Quốc Bảo, tôi, và một vài người bạn khác nữa, họp nhau ở nhà Cao Xuân Huy (lúc đó anh Nguyễn Mộng Giác và anh Hoàng Khởi Phong cũng cùng ở chung nhà với Cao Xuân Huy). Chúng tôi họp nhau ở đó và cùng quyết định sẽ ra một tờ báo mà sau này trở thành tờ Văn Học. Tất cả chúng tôi đều rất hăng hái trong dự án này. Nhà văn Cao Xuân Huy của chúng ta thì có thể nói là chỉ đứng ở ngoài. Lúc đó, hình như anh chưa có ý nghĩ gì về chuyện viết văn cả. Chưa nói đến chuyện sẽ trở thành một nhà văn. Dù sao, chỉ một thời gian ngắn sau, với sự thúc đẩy của một số bằng hữu—trong đó đặc biệt phải nói đến các anh Hoàng Khởi Phong và Nguyễn Mộng Giác, những người thấy được cái chất văn trong con người Cao Xuân Huy—, anh đã in quyển “Tháng Ba Gãy Súng”, kể về những ngày cuối của cuộc chiến, với tư cách là một chứng nhân trong cuộc. Một chứng nhân khoác trên mình bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến của Việt Nam Cộng Hoà. Cuốn sách ấy, từ đó trở đi, trở nên làm một với con người anh, vì nó phản ánh rất rõ thái độ thẳng thắn, trung thực, không huênh hoang tự mãn nhưng cũng không đớn hèn khiếp nhược, của một người lính, của những người lính, cho dù nằm ở phía thất trận, vẫn không đánh mất đi bản chất cao đẹp và sự bất khuất của mình. Và Cao Xuân Huy, từ đó, trở thành Cao-Xuân-Huy-Tháng-Ba-Gãy-Súng.

Cuốn sách, cho dù có thành công ở một mức độ nào đó, dù sao, không thật là có tính cách văn chương. Bởi vì, trước hết Cao Xuân Huy không phải là người làm văn chương. Anh viết như sống. Viết để tiếp tục sống như một con người. Trong văn của Cao Xuân Huy, ngoài những mô tả rất sinh động về cuộc chiến, người đọc còn nghe được những mẩu đối thoại như được lẩy ra từ cuộc sống, từ cuộc chạm-mặt-tử-sinh mỗi ngày của những người lính tác chiến, hoặc những câu viết có xương có thịt, có mùi bom đạn, mùi của cuộc đời trần trụi không màu mè son phấn, những câu viết như lời kể của một con người đã cùng đồng đội mình xông pha trận mạc hằng ngày. Chẳng hạn như đoạn tả cảnh hai người bạn, trong chiến trận loạn lạc, bất ngờ gặp nhau:

” (…) Minh nói với tôi:
– Đụ mẹ, mày làm cái con cặc gì mà tới đây giờ này, vô đây phê pháo cái đã, mọi chuyện tính sau.

Tôi theo Minh vào lều nhưng sốt ruột, lại hỏi:
– Tao gặp đại đội trưởng mày đã, phê pháo mẹ gì.
– Phê pháo đã mà, ổng đang bận.
– Ủa, bộ mọi chuyện đại đội trưởng mày làm hết hả?
– Đâu có, đại đội phó làm chứ.
– Vậy ổng bận cái gì?
– Bận tiếp khách.
– Mẹ kiếp, té ra mày là đại đội trưởng à?
– Chứ còn thằng con cặc nào vô đây! ”

hoặc như những câu nói, câu kể trong một hồi ký khác về toàn bộ trận đánh Cửa Việt mà tác giả còn đang trong tiến trình hoàn thành:

“May mà mặt trời ló ra trễ, chứ ló sớm là tụi tôi đi… ỉa.”,

hoặc

“Bộ đội đông hơn tụi tôi cả chục lần. Giờ này mà họ giở quẻ thì thật là tụi tôi đi… đái.”

Nhưng, nói về cái ngôn ngữ sinh động của đối thoại lính tráng như vậy cũng đã đủ, bây giờ ta hãy đọc một đoạn khác trong Tháng Ba Gãy Súng. Tác giả tả cảnh quân đội Việt Nam Cộng Hòa trên đường rút quân từ miền Trung về phía Sài gòn, trong những ngày cuối của cuộc chiến:

” (…) Lại có rất nhiều người tự tử. Bây giờ họ không tự tử từng người, từng cá nhân mà họ tự tử tập thể. Không rủ, không hẹn và hầu như họ đều không quen biết nhau trước hoặc có quen biết đi nữa, bạn bè đi nữa họ cũng không thể nhận ra nhau trước khi cùng chết với nhau một lúc. Dòng người chúng tôi đang chạy, một người tách ra ngồi lại trên cát, một người khác cũng tách dòng người ra ngồi chung, người thứ ba, người thứ tư, người thứ năm nhập bọn, họ ngồi tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ, một quả lựu đạn nổ bung ở giữa.

Dòng người chúng tôi tiếp tục chạy, lại một người tách ra ngồi trên cát, lại người thứ hai, người thứ ba, người thứ tư… nhập bọn, lại tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ, lại một quả lựu đạn nổ bung ở giữa. (…)

Tôi không thể nhớ để mà đếm nổi là đã có bao nhiêu quả lựu đạn đã nổ ở giữa những vòng tròn người như vậy. Nhiều, thật nhiều quả lựu đạn đã nổ.

Chúng tôi vẫn cứ chạy, những người tự tử tập thể vẫn cứ tụm thành những vòng tròn, quân đội Nhật năm 45 khi đầu hàng cũng không thể nào hào hùng hơn thế này được. Lịch sử Việt Nam chưa thấy viết một dòng nào về những cái chết hiên ngang của những thằng tốt đen như vậy, nhưng họ có đó, vẫn oai hùng khí phách chấp nhận những cái chết vô danh như vậy.

Chúng tôi vẫn cứ chạy, khi ngang qua những cái chốt của Việt Cộng, những người bị bắn trúng vẫn cứ ngã, những người tự tử vẫn cứ nổ lựu đạn. Ngoài biển vẫn có ánh đèn của những chiếc tàu qua lại. (…) ”

Những câu kể ấy rất sinh động và thật. Nó làm tôi nghĩ đến Henri Charrière, cha đẻ của cuốn “Papillon—Bướm Vượt Ngục”. Nó là cái ngôn ngữ sống. Dùng để kể lại một cuộc đời, một kinh nghiệm sinh tử. Nó thu hút người đọc chính ở nơi cái ma lực thu hút của sự kể lại ấy. Không hoa hoè, không son phấn. Nó chính là cuộc sống được tái hiện lại trong tác phẩm.

Dù sao, trong văn Cao Xuân Huy cũng có những đoạn đẹp và thơ. Và nó đẹp và thơ ngay ở chính cái hình ảnh, cái không khí buồn thảm và bi thương của cuộc chiến:

“Nửa đêm, trời lúc mưa, lúc tạnh, những làn hơi nước bốc lên mù mù. Trời với đất làm như cũng đồng cảm với người. Mặt trăng hạ tuần khi tỏ, khi mờ làm như lây với cái “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi / Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi / Chinh phu tử sĩ mấy người / Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn. (…)”. (trích Hồi ký đang viết về trận Cửa Việt).

Hay:

“Trong đêm ngưng bắn đầu tiên đó, gió rít lên. Làm như là gió không muốn ngưng chiến. Gió ở đâu mà nhiều đến thế. Hệt như những oan hồn uổng tử do bom đạn của cả hai bên, ở dưới âm ty hiện về than khóc cho hoà bình đến quá chậm. Gió luồn qua những triền núi từ phía Tây, len lỏi giữa những thung lũng, quất lên những ngọn đồi khiến cát bay mù mịt. (…)”. (trích như trên).

*

Trong cuốn sách mới in, “Vài Mẩu Chuyện”, gồm một số truyện pha với ký được hư cấu hoá, Cao Xuân Huy lại cho người đọc thấy được rõ thêm cái phong cách của anh. Thẳng. Thật. Và đầy tình người.

Tất cả những câu chuyện đều ngắn. Đúng hơn, những câu chuyện ấy là ký. Một thứ ký được “hư cấu hóa”. Đọc kỹ, người ta có thể nhìn thấy có những nhân vật trong truyện là những hóa thân của anh. Những hóa thân tội nghiệp. Tầm thường và khốn khổ hơn cả một con người tầm thường nhất. Những nhân vật khác là bạn bè, hoặc là những người lính, người dân bình thường. Họ cũng là những con người cùng khổ. Những con người, nam và nữ. Những ham muốn nhỏ bé. Những mảnh đời rách nát, chảy máu, khổ đau. Và qua những nhân vật ấy, những nhân vật trần trụi trong đời thường với một quả tim chân thật và ấm nóng tình người, tình đồng loại, ta thấy được bóng dáng thiết tha của con người.

Những câu truyện như những lát cắt từ đời sống. Những mảnh sống còn tươi roi rói, những đường gân sớ thịt của chúng vẫn còn máy đập. Chúng phản ánh những xót xa, đau đớn của cuộc đời, nhưng chúng cũng cho ta thấy sự tha thiết thương yêu con người của nhà văn. Đó là lòng nhân ái của ngòi bút. Ánh sáng trong truyện của Cao Xuân Huy tỏa ra từ chính những dòng chữ thiết tha và chân thật đó.

Trong truyện của Nhật Tiến, ta thấy nổi rõ lên điều này: sự nhân ái. Trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, ta cảm thấy những nét nhân bản lại có vẻ trỗi vượt hơn. Cho dù là nhiều chuyện của ông dùng ẩn dụ, ông vẫn chỉ thẳng được vào cái bản chất yếu đuối và đáng thương của con người, qua những hình ảnh, những câu truyện tưởng như là độc ác. Thật sự, đó cũng vẫn là một nét của lòng nhân ái. Nhân ái, ở đây, được hiểu theo ngữ nguyên, theo nghĩa gốc của từ. Nó chỉ có nghĩa giản dị là “lòng yêu thương con người”.

Một nhà văn thật sự là một người gắn bó với cuộc sống, với con người. Trái tim của ông ta nghe được và đập cùng một nhịp đập với trái tim của nhân loại, của cuộc đời. Chữ viết của ông ta là những dấu chỉ của nhịp đập đó. Trong nghĩa này, Cao Xuân Huy chính là một nhà văn đích thực. Trong cuộc chiến, anh yêu thương bạn bè, đồng đội, và anh có thể xả thân vì bạn bè và những người lính của mình. Nhưng đối với người lính cầm súng ở chiến tuyến bên kia, anh cũng có một tình yêu thương, một mối đồng cảm đầy tình người như thế. Trong truyện “Chờ Tôi Với…” (trích trong tập sách mới in của Cao Xuân Huy mang tên Vài Mẩu Chuyện, California: Văn Học, 2010), anh tả khung cảnh mặt trận Bắc-Nam lúc ngưng chiến vào tháng Giêng 1973:

” (…) Tựa lưng vào thành giao thông hào, Toàn hồi hộp đợi lệnh tấn công lần chót trước giờ ngưng bắn. Đã quá bốn giờ sáng, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là đến giờ. Một cuộc ngưng bắn toàn diện, chính thức được hai bên thỏa thuận và quốc tế công nhận bằng hiệp định Paris, và đã được thông báo, phổ biến trong toàn quân. Tám giờ sáng, đúng tám giờ sáng ngày 28 tháng Giêng năm 1973, cuộc chiến kéo dài gần hai chục năm chấm dứt. Vĩnh viễn. (…)

Toàn đẩy đẩy cái mũ sắt của mình lên cao khỏi mô cát. Không có gì.

Toàn ghếch đầu nhìn lên phía trước. Dãy đồi cát hình cánh cung trước mặt Toàn đầy người. Tất cả đều đứng dưới giao thông hào, chỉ lộ từ ngực trở lên.

Toàn đứng hẳn dậy. Lính tráng chỉ đợi có thế, cũng đứng hẳn lên. Tháo dây đạn, bỏ súng, bỏ mũ sắt xuống.

Binh nhất Phước đen, một tên cao bồi khác của Toàn, vụt băng mình lao về phía trước. Toàn hốt hoảng ra lệnh cho lính ứng chiến ngay lập tức, sợ có gì nguy hiểm cho Phước đen. Nhưng không, những người bộ đội phía bên kia nhào lên khỏi giao thông hào, ôm chầm lấy Phước đen. Phước đen móc trong túi ra gói thuốc mời, mời, mời hết người này đến người khác.

Lính hai bên ùa lên phía trước, ôm nhau hò hét:

“Hết đánh nhau rồi! Hết chiến tranh rồi!”

Những bộ quân phục rằn ri miền Nam trộn lẫn những bộ quân phục cứt ngựa miền Bắc. Cố không khóc, nhưng nước mắt Toàn cứ ứa ra, không kềm được. Nhưng việc gì phải kềm chứ! Toàn mặc cho nước mắt trào ra.

Có tiếng nghẹn ngào bên cạnh:

“Anh khóc đấy à?”

Toàn quay qua, một người bộ đội nước mắt cũng đang nhòe nhoẹt. Chẳng nói chẳng rằng, cả hai ôm chầm lấy nhau…

Toàn bảo lính buộc cờ vào những lùm dương thấp lè tè rải rác quanh chỗ vừa chiếm được. Bắc quân ở tại chỗ nên có sẵn cây, sẵn cột để cắm cờ.

Có lá cờ buộc không kỹ rơi xuống cát, người bộ đội vỗ vỗ Toàn, chỉ:

“Anh ơi, cờ của anh rơi kìa!” (…)

Đây là một câu truyện thật đẹp được Cao Xuân Huy, người thật sự có mặt tại chỗ—nếu ta không muốn nói rằng anh chính là nhân vật Toàn hóa thân vào truyện—kể lại. Sau đó, Toàn và anh bộ đội, như hai người bạn trẻ mới quen nhau, mới nhận ra nhau vì cùng có một quê hương, đã thi nhau nói, tha thiết kể cho nhau nghe về những tình cảm quê hương chân thật của mình. Họ kể về những kỷ niệm lúc bé và khi lớn lên, những thú vui thời thơ ấu… Rồi Toàn nhận thấy bên hông mũ cối của người bộ đội có “gắn tấm ảnh bẩn, vàng ố vì thời gian, chụp bán thân một người đàn bà luống tuổi vấn tóc trần.” Đó là tấm-ảnh-mẹ của người lính bên kia.

Nhưng sáng hôm sau, “cảnh mũ sắt, mũ cối quấn quít nhau chỉ còn là giấc mơ cũ.” Cuộc chiến lại trở lại căng thẳng sau một ngày ngơi nghỉ. Và sau đây là những hình ảnh cuối của câu truyện:

“Khi địch tràn ngập, lưỡi lê và lựu đạn thay cho súng.

Sau một lúc quần thảo bằng lưỡi lê, Toàn gập người, ngã chúi xuống phía trước, mắt hoa đi, mũ sắt văng ra. Mất mũ là mất mạng. Phản xạ tự nhiên của bản năng sinh tồn bật dậy, Toàn nhoài người, vói tay về phía cái mũ. (…)

Mắt Toàn dại đi, cái mũ trong tay không phải là mũ sắt, mà là mũ cối. Trên cái mũ cối mà Toàn đã một lần nhìn thấy, những hàng chữ viết tên các địa danh và ảnh người đàn bà vấn tóc trần Hà Nội rõ lên rồi nhòa dần, nhòa dần. Tiếng gào thét giết chóc vẫn vẳng vào tai cùng lúc loáng thoáng hình ảnh Toàn sánh vai người bộ đội đồng hương lang thang bên hồ Hoàn Kiếm… Đột nhiên, một tiếng gọi bật ra trong đầu Toàn “Anh bộ đội ơi, chờ tôi với…” ”

Câu truyện có bi có hùng và tràn đầy cảm xúc. Đây không phải là một thứ cảm xúc sử thi thời Homère Hy Lạp cổ đại hay thời “La Chanson de Roland” đầu thế kỷ thứ XII của nước Pháp. Cũng không phải là một thứ cảm xúc tỉnh táo, một thứ “cảm xúc phẳng” thời hậu hiện đại mà người trong cuộc-cảm-xúc biết rằng mình đang xúc cảm. Đây là những cảm xúc thuần túy rất con người, ở mọi thời và mọi nơi, không mang nhãn hiệu và không chia biên giới. Nó không cường điệu, không nống lên, nhưng nó chính là một thứ tình cảm làm trái tim ta như muốn vỡ ra vừa vì đau buồn vừa vì hạnh phúc. Nó là một thứ cảm xúc thuần túy nhân loại, thuần túy con người. Và, ở đây, đó là con người Việt Nam.

*

Cao Xuân Huy, qua những dòng chữ của mình, đã giúp chúng ta nhìn rõ hơn khuôn mặt của cuộc sống. Và giúp ta nghe rõ hơn những hơi thở và nhịp tim đập của nó. Đọc những người như thế, chúng ta hiểu cuộc sống và yêu thương nó thêm. Cho dù họ có làm cho chúng ta nhận diện rõ hơn những nỗi buồn đau, xót xa của chính mình, phản chiếu qua những trang văn của họ.

Những trang văn, dựng lên, như một chiếc nạng, giúp con người bước qua những vết thương của cuộc chiến. Và, cũng từ những trang văn đó, tôi như ngửi được mùi thơm của một ngọn gió lành, làm se lại một vết thương đau đớn cũ.

Xin cám ơn nhà văn Cao Xuân Huy và những trang viết rất chân thật và đầy tình người của anh.

Xin vĩnh biệt bạn.

 

California, tháng XI, 2010

Cao Xuân Huy từ chuyện tháng Ba gẫy súng

Tưởng Năng Tiến

Tháng 3 năm 1975, lúc đang còn ở lứa tuổi đôi mươi, khi khổng khi không, ông Cao Xuân Huy – một cựu sĩ quan của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, thuộc Quân Ðội Việt Nam Cộng Hoà – giã từ vũ khí. Bỏ súng đạn, dù ở vị thế của một kẻ chiến bại, để chấm dứt một cuộc chiến tranh đã triền miên tàn phá quê hương đất nước, không chừng,  cũng là kỳ vọng hay ước mơ tiềm ẩn của trung úy Cao Xuân Huy (nói riêng) và của cả nước (nói chung).

Sau đó (theo như lệnh của những nguời thuộc phe thắng trận) ông Cao xuân Huy cầm cuốc, cuốc tới tấp, cuốc túi bụi, cuốc không ngừng, cuốc tưng bừng, và cuốc liên tục (rất nhiều năm) trên những thửa đất … vô phương canh tác – ở nhiều trại cải tạo khác nhau. Ðiều này, dường như, không nằm trong ‘’ dự kiến ‘’ của cả nước (nói chung) và ‘’học viên’’ Cao Xuân Huy (nói riêng).

Cây cuốc, một nông cụ rất hữu ích và phổ biến kể từ khi loài người bắt đầu đời sống định canh cho đến hết Thời Trung Cổ, nếu đuợc tận dụng và thiện dụng, trong điều kiện đất đai và thời tiết lý tưởng (may ra) mới có thể mang lại vừa đủ cơm áo cho chính bản thân người sử dụng. Còn dùng thứ cuốc do tập thể làm chủ, bằng hình thức lao động cưỡng bách, trong điều kiện làm việc khắc nghiệt, trên những nông truờng quốc doanh, theo những kế hoạch kinh tế cứng rắn và hoang tưởng, vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ hai mươi… thì chỉ là một sự phí phạm nhân lực vô cùng tai hại và đáng tiếc – nếu nói một cách bao dung. Nói cách khác, chính xác hơn, đây là một phương cách trả thù hèn hạ đê tiện của những kẻ tiểu tâm.

clip_image014

Nhà văn Cao Xuân Huy (áo xanh).

Bởi vậy, sau khi rời trại cải tạo, ông Cao Xuân Huy không đến những vùng kinh tế mới để tiếp tục cuốc cầy – theo ý muốn của những người thuộc phe thắng trận. Ông đã bỏ nuớc mà đi.

Tháng 3 năm 1975, không phải chỉ có một mình trung úy Cao Xuân Huy bỏ súng. Sau đó, ông ta cũng không phải là kẻ duy nhất vượt biên. Ông chỉ là một trong hàng triệu triệu dân Việt – trong cơn quốc biến – hốt hoảng, ù té, bỏ chạy, hay đâm xầm ra biển, tứ tán, lênh đênh, phiêu bạt khắp bốn phương trời.

Giữa ông Cao Xuân Huy và phần lớn những người Việt tị nạn cộng sản khác chỉ có một chút dị biệt nho nhỏ. Sau khi bỏ súng, bỏ cuốc – thay vì cầm kìm, cầm búa hay một dụng cụ nhẹ nhàng nhưng thiết thực nào khác để kiếm sống nơi quê nguời đất khách – ông Cao Xuân Huy (chả may) lại vớ ngay cây bút, một vật dụng mà hiệu quả trong việc mưu sinh vô cùng giới hạn  và vẫn thuờng gây vô số chuyện phiền lòng (cũng như tai nạn) cho khổ chủ!

Dù vậy ông Cao Xuân Huy vẫn viết hết lòng, và trở thành một nhà văn Việt Nam lưu vong nổi tiếng (được nhiều người yêu qúi) trong suốt hai thập niên qua – dù ông viết không nhiều. Là một độc giả của ông nên khi có dịp gặp gỡ, tôi đã lên tiếng phàn nàn:

– Cha nội này làm biếng chết mẹ, uống thì nhiều mà viết chẳng bao nhiêu.

– Thì mày cũng vậy!

Chúng tôi cùng cười ha hả, và cùng “tự hứa” sẽ bỏ rượu (trong tương lai gần) để cầm bút một cách đàng hoàng, nghiêm chỉnh và chăm chỉ hơn. Cái “tương lai gần” này, tiếc thay, vẫn cứ hơi xa quá đối với tình trạng sức khoẻ mong manh của Cao Xuân Huy trong thời gian qua.

Sáng nay, tôi cầm tờ Người Việt mà bỗng thấy run tay:

“Ông Cao Xuân Huy, tác giả cuốn hồi ký ‘Tháng Ba Gãy Súng,’ qua đời chiều Thứ Sáu 12 tháng 11, 2010, sau một thời gian bạo bệnh, tại tư gia ở Lake Forest, California.”

“Tại hải ngoại, ông Cao Xuân Huy từng cộng tác với báo Người Việt trong nhiều năm, cũng như với tuần báo Việt Tide. Ông nhiều lần làm tổng thư ký tạp chí Văn Học và chủ biên tạp chí này.”

“Tuy hoạt động rất nhiều với văn chương, ông ít khi tự nhận mình là nhà văn. Trong bài tựa cuốn hồi ký ‘Tháng Ba Gãy Súng,’ ông viết, ‘Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ.”

“Nhà thơ Du Tử Lê cũng viết rằng ông Cao Xuân Huy ‘là người luôn từ chối hai chữ ‘nhà văn’ một cách thẳng thắn, với đôi chút khinh bạc của một Thủy Quân Lục Chiến, binh chủng ông từng vào sinh, ra tử, suốt tuổi thanh xuân, cộng thêm 5 năm tù ‘cải tạo!’”

“Ông Cao Xuân Huy sinh năm 1947 tại Bắc Ninh, Việt Nam. Ông đi lính năm 1968, là cựu Trung Úy Ðại Ðội Phó ÐÐ 4 thuộc Tiểu Ðoàn 4 Thủy quân lục chiến. Tại mặt trận Quảng Trị vào tháng 3, 1975, ông bị bắt làm tù binh và bị cầm tù 5 năm.” “Năm 1982 ông vượt biên và đến Mỹ năm sau đó. Năm 1985, ông in cuốn hồi ký ‘Tháng Ba Gãy Súng.’ Bốn tháng trước khi qua đời, ông Cao Xuân Huy ra mắt cuốn ‘Vài mẩu chuyện,” do tạp chí Văn Học xuất bản.

“Trong cáo phó, gia đình ông Cao Xuân Huy viết, ‘Mọi phúng điếu, nếu có, sẽ dành trọn để yểm trợ: Quỹ Thương binh Thủy Quân Lục Chiến VNCH, và Trại Trẻ em Cô nhi, Khiếm Thị Long Thành, Việt Nam.”

“Chương trình tang lễ ông Cao Xuân Huy được cho biết như sau:

– Nghi lễ nhập quan và phát tang: 12 giờ trưa Thứ Ba 16 tháng 11.

– Nghi lễ phủ kỳ: Từ 18 giờ đến 20 giờ Thứ Ba 16 tháng 11.

– Thăm viếng: Từ 12 giờ đến 20 giờ Thứ Tư 17 tháng 11.

– Nghi lễ hỏa táng: Từ 9 giờ đến 11 giờ Thứ Năm 18 tháng 11.

Ðịa điểm: Peek Family Funeral Home, 7801 Bolsa Ave., Westminster, CA 92683, điện thoại (714) 893-3525.”

Tôi vốn ham chơi, hay đàn đúm, tụm năm tụm ba mới cảm thấy vui. Đ… mẹ, bạn bè đang vui – khi khổng khi không – nó bỏ đi (ngang hông) như vậy thì tôi còn biết uống với ai, và viết cho ai đọc nữa?

11/2010

© Đàn Chim Việt

 

 

Cao Xuân Huy, nhà văn nhân chứng

tự trọng trong chiến tranh miền Nam

Du Tử Lê

 

Tác giả “Tháng Ba Gẫy Súng” để cho những người đọc ông phải chờ đợi mỏi mòn 1/4 thế kỷ rồi mới gửi tới họ tập truyện “Vài Mẩu Chuyện.” (1)

Nếu có những người dành cả một đời để viết văn, xuất bản hàng chục tác phẩm chỉ với mục đích mong muốn được đời nhìn nhận là nhà văn mà, thực chất không đạt được thì, Cao Xuân Huy, ngược lại. Ông được văn giới nhìn như một nhà văn đúng nghĩa với tác phẩm “Tháng Ba Gẫy Súng,” ấn hành lần thứ nhất năm 1985.

Ông cũng là người luôn từ chối hai chữ “nhà văn” một cách thẳng thắn, với đôi chút khinh bạc của một Thủy Quân Lục Chiến, binh chủng ông từng vào sinh, ra tử, suốt tuổi thanh xuân, cộng thêm 4 năm tù “cải tạo!”

Tôi không biết có phải ngay từ bước chân đầu tiên, rời khỏi trường lớp, bước vào dòng đời, chọn cho mình chiếc nón Mũ Xanh, tình yêu đồng đội đã là niềm hãnh diện thứ nhất và, cũng là tình yêu sau cùng của ông hay không?

Tôi cảm tưởng, với Cao Xuân Huy, tất cả những vòng nguyệt quế sau này, dành cho ông (dù không quá muộn màng), cũng chỉ như những bèo bọt, hư huyễn “tào lao” trước máu xương, đầy ải mà, ông cùng đồng đội đã từng đổ xuống, kinh qua?

Tôi cũng không biết có phải định mệnh đã chọn Cao Xuân Huy làm một (trong vài) nhân chứng chiến tranh ở phía khác của chiến tranh? Phía của những sự thật trần truồng và, những vinh quang tự thân không cần thêm son phấn?

Tôi muốn nói, trong ghi nhận của tôi, Cao Xuân Huy không lên gân. Không cường điệu bằng cách cho nhân vật của mình (là Cao Xuân Huy và, những phân thân của Huy, với nhiều tên gọi khác), xuất hiện trong những trang viết của ông, như những “Rambo” mình đồng da thép! Những người hùng không tình cảm. Không đói. Không khát. Không bản năng “tham sinh, úy tử!”

Cao Xuân Huy cũng không mượn những nhân vật (sau khi an toàn ở xứ tự do), để phát biểu linh tinh, chỉ vẽ, phán đoán như… “thần” về chiến thuật chiến lược!

Cao Xuân Huy cũng không cho các nhân vật của mình đóng vai “thiên lý nhĩ, thiên lý nhãn” – Hiểu theo nghĩa cái gì cũng nghe, biết một cách tường tận! Cứ như thể họ chính là người đi những quân cờ mang tính định đoạt số phận nhân loại trên bàn cờ Tự Do-Cộng Sản. Khiêm tốn hơn một chút thì, cũng sẽ ở ngang mức độ: Nếu đất nước may mắn, biết dùng họ, nghe lời họ thì tổ quốc chúng ta hôm nay đã không như thế này!

Từ “Tháng Ba Gẫy Súng,” tới “Vài Mẩu Chuyện,” (khoảng cách thời gian 25 năm), trước sau tôi vẫn thấy Cao Xuân Huy là một người lính viết lại một phần đời mình. Phần thời gian tác giả tham dự trong cuộc chiến tự vệ, chống lại chủ trương thôn tính miền nam của đảng CS miền Bắc.

Trước nhất, chúng ta đừng quên “mẩu” là danh từ xác định một vật, một sự việc nhỏ, bé, ngắn, cụt… Hoặc một thứ đầu thừa, đuôi thẹo không đáng kể. Không giá trị. Nhưng khi Cao Xuân Huy dùng chữ “mẩu” trong tác phẩm “Vài Mẩu Chuyện” của mình, với tôi, ở đôi ba truyện, nó lại tựa những con ốc nhỏ khiến ta liên tưởng tới đại đương; một vài chiếc lá có khả năng giúp ta liên tưởng tới những mùa gió, bão…

Trong lãnh vực học thuật, việc nhốt biển cả trong một giọt nước hay, gom cả vũ trụ vào trong một hạt bụi, với thi ca, đã là một khó khăn! Huống chi với văn xuôi!

Nhưng Cao Xuân Huy đã (chủ tâm hay vô tình) cho thấy, ông làm được.

Tôi không nghĩ Cao Xuân Huy có mối bận tâm lao lung nào về nỗ lực vận hành chữ, nghĩa như vừa kể.

Tôi nghĩ, điều quan thiết duy nhất của ông chỉ là sự viết ra, với tất cả tự hào, ngay thẳng của một con người. Một con người sớm nhận biết mình là Con Người và muốn, mãi mãi được là Con Người.

Do đó, viết với Cao Xuân Huy, cũng giống như bổn phận trả lại cho cuộc đời, những sự thật (dù ngậm ngùi, nhơ nhuốc) của một thân phận trong chiến tranh. Nhất là khi thân phận đó lại bị định mệnh xếp vào thành phần… bại trận!

Nhưng không vì thế mà Cao Xuân Huy viết như một trả thù… nguội.

Ông cũng không viết như một ảo thuật gia chuyển hóa từ mặc cảm hèn yếu trong quá khứ, trở thành hùm, beo gầm thét trước… hư không!

Tôi nghĩ, Cao Xuân Huy đã viết với tất cả liêm sỉ có được của một sĩ quan trẻ trong QL/VNCH cũ.

Cao Xuân Huy không viết để “vinh danh,” “đánh bóng” hoặc, góp thêm một vài cánh hoa ngợi ca cho mầu cờ sắc áo của binh chủng TQLC của mình.

Phải chăng, ông thấy không cần thiết? Hoàn toàn không cần đến những chữ, nghĩa rổn rảng, nổ đì đùng như pháo cối!

Tôi trộm nghĩ, có thể ông không thấy phải mắm, muối thêm thắt gì, khi tự thân những gục, ngã giữa chiến trường của bằng hữu, đồng đội ông, đã là những hy sinh lồng lộng ý nghĩa giữa tổ quốc.

Tôi trộm nghĩ, có thể ông cho rằng, sự vẽ râu, bôi phấn cho những hy sinh cực kỳ trong sáng của đồng đội ông, có khi lại là một xúc phạm lớn tới chính những hy sinh thiêng liêng đó?

Tôi muốn chỉ danh những hy sinh đó, là những hy sinh trong sáng, hồn nhiên bởi tự tấm bé, trước khi những thanh niên sinh trong thời loạn kia lên đường nhập ngũ, họ đã không hề bị học đường giáo dục, trang bị cho họ bất cứ một quan điểm, lập trường căm thù nào.

Chưa kể, có những thanh niên tự nguyện đi vào chiến tranh, với tất cả lãng mạn, hào khí phương cương của tuổi trẻ, như một thứ Kinh Kha khinh bạc bước qua dòng Dịch Thủy:

Một buổi chiều xuân.

Nắng quái hắt dài bóng những ngôi mộ trên mặt đất.

Toàn tác chiến tay cầm chai rượu, tay chống nặng khập khễnh đi sâu vào nghĩa trang, vừa lần mò tìm ngôi mộ vừa lẩm nhẩm đọc thầm:

Lòng đắng xá gì muôn hớp rượu

Mà không uống cạn mà không say

…..

Quê nhà xa lắc xa lơ đó

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay

…..

Ngươi ơi! hề ngươi ơi!

Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh

Ngõ trúc ta về lạnh mấy mươi!

Mộ mới đắp, mới tinh như bộ quần áo trận chưa kịp sửa, rộng thùng thình Toàn đang mặc…

(Cao Xuân Huy, “Vài Mẩu Chuyện: Hành Phương Nam,” trang 68, 69)

Cũng thế, thuật lại phản ứng, cảm nhận của mình và đồng đội trong trận đánh cuối cùng, trước 8 giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973 (giờ ngưng bắn theo hiệp định Paris), Cao Xuân Huy cũng để sự thật cất lên tiếng nói của nó. Tiếng nói của bản năng. Tiếng nói yêu đuối của bất cứ sinh vật nào có cùng một mẫu số “tham sống sợ chết!” Tôi nghĩ, phải có những giây phút “hồi dương” như vậy, họ mới là người. Nếu không, họ sẽ là những hình nộm. Những người máy trong tay của một số… “nhà văn!” Và, ta sẽ chẳng thấy một khác biệt nào trong lãnh vực văn-xuôi-chiến-tranh giữa hai miền Nam, Bắc!

Với trích đoạn sau đây, từ “Vài Mẩu Chuyện,” của Cao Xuân Huy, có thể khiến một số người kết án tác giả là “phỉ báng quân lực VNCH!!!” Hoặc “khí thế” hơn nữa thì sẽ là một cái mũ… “cộng sản” cho ông:

Toàn gọi máy qua cánh quân bên phải:

-05-520.

-520-05.

-Phía ông ngưng chưa?

-Chưa.

Ông “thọc” mạnh lên lên. Sườn tôi hở, lạnh thấy mẹ.

Tiếng súng rộ lên phía bên phải. Toàn và Kháng nhào lên chốt địch phía trước. Tâm, tên cao bồi của Toàn, chồm người tung quả lựu đạn. Lựu đạn vừa rời khỏi tay Tâm, Toàn nghe tiếng thét:

-Chết tui.

Toàn quay lại nhìn. Tâm nằm ngửa bất động trên cát, máu trong bụng nhỉ ra.

Cùng lúc, Toàn và Kháng tung lựu đạn vào trong hầm rồi vọt vào theo, làm chủ cái chốt. Toàn nhào ngược về đằng sau, nắm chân Tâm kéo thụt xuống sau mô cát.

Tâm nhìn Toàn:

-Ðù má ông thầy. Ngưng bắn rồi mà sao tui chết hả ông thầy? Ông rán sống nghe ông thầy!

Nói dứt câu, người Tâm giựt mạnh rồi mềm xuống.

Toàn vuốt mắt Tâm rồi nhào lên với Kháng:

-La lên nữa đi!

Kháng:

-Ðù má, tới giờ ngưng bắn rồi nghe.

Tám giờ mười lăm, tiếng súng thưa dần.

Tiếng súng thưa dần rồi im hẳn. Toàn nhìn đồng hồ, tám giờ hai mươi lăm.

…..

Toàn ghếch đầu nhìn về phía trước. Dãy đồi cát hình cánh cung trước mặt Toàn đầy người. Tất cả đều đứng dưới giao thông hào, chỉ lộ từ ngực trở lên.

Toàn đứng hẳn dậy. Lính tráng chỉ chờ có thế, cũng đứng hẳn lên. Tháo dây đạn, bỏ súng, bỏ mũ sắt xuống.

Binh nhất Phước đen, một tên cao bồi khác của Toàn vụt băng mình lao về phía trước. Toàn hốt hoảng ra lệnh cho lính ứng chiến ngay lập tức, sợ có gì nguy hiểm cho Phước đen. Nhưng không, những người bộ đội phía bên kia nhào lên khỏi giao thông hào, ôm chầm lấy Phước đen. Phước đen móc trong túi ra gói thuốc mời, mời, mời hết người này đến người khác.

Lính hai bên ùa lên phía trước hò hét:

-Hết đánh nhau rồi! Hết chiến tranh rồi!

Những bộ quân phục rằn ri miền Nam trộn lẫn những bộ quân phục cứt ngựa miền Bắc. Cố không khóc nhưng nước mắt Toàn cứ ứa ra, không kềm chế được. Nhưng việc gì phải kềm chứ! Toàn mặc cho nước mắt trào ra.

(Cao Xuân Huy, “Vài Mẩu Chuyện: Chờ tôi với…” từ trang 73 tới trang 75)

Trên đây chỉ là một trong nhiều đoản văn mang tính tự sự kể về những trận đánh Cao Xuân Huy tham dự. Và, những cái chết của của đồng đội diễn ra ngay trước mắt tác giả.

Những ghi lại không phấn son. Không lươn lẹo. Không đồng cốt. Nhưng cũng vì thế, Cao Xuân Huy đã cho thấy ông đích thực là nhà văn dù, ông từ chối.

Tuy nhiên, Cao Xuân Huy có thực sự khinh bạc? Cao Xuân Huy có thực sự là một nhà văn “bất cận nhân tình?”

Cảm nghĩ của tôi: “Nhiều phần không!”

Du Tử Lê

(Thứ Năm ngày 7 tháng 10, 2010: “Ði về phía yếu đuối của con người Cao Xuân Huy!”)

Chú thích:

(1): “Vài Mẩu Chuyện,” tạp chí Văn Học California, xuất bản, 2010.

Huy

Trương Vũ

Tôi gặp Cao Xuân Huy lần đầu tiên cách đây khoảng 40 năm khi Huy phục vụ tại một căn cứ huấn luyện quân nhân gốc Thượng ở Pleiku. Tôi còn nhớ vóc dáng và nét mặt Huy lúc đó. Cao, gầy, phảng phất chút thư sinh, chút buồn, và ít nói.

Hơn 15 năm sau, gặp lại ở hải ngoại, Huy vẫn ít nói nhưng bề ngoài thay đổi nhiều. Phong sương, dày dạn, ngang tàng. Tác phẩm Tháng Ba Gẫy Súng (TBGS) đến với tôi như một bất ngờ thú vị. Cho tới lúc đó tôi vẫn chỉ nghĩ đến Huy như một người lính thứ thiệt, hơn là một nhà văn. Huy viết ít, TBGS không nhiều chữ nhưng đủ để tạo cho nó một chỗ đứng riêng biệt và quan trọng trong văn học Việt Nam. Huy yêu quân đội, yêu binh chủng, yêu đồng đội vô cùng. Gần gũi Huy, ai cũng thấy rõ. Đọc TBGS, càng thấy rõ. Thế nhưng, cũng trong TBGS, chúng ta thấy Huy yêu sự thật và trân trọng với ngòi bút đến như thế nào.

Đối với rất nhiều người lớn lên trong chiến tranh, suốt hơn 35 năm qua, âm vang từ cuộc chiến chưa bao giờ dứt. Trong từng gặp gỡ, từng câu chuyện, từng tranh cãi gần như bất tận, những kinh nghiệm cá nhân khởi đi từ cuộc chiến, những hào hùng, những cuồng nộ, những bi phẫn, những thắt gan thắt ruột, được tuôn trào ra, luôn sôi nổi. Nhưng khi phải viết, thường chúng ta dừng tay lại. Hay, nếu không dừng lại, thường cũng chỉ viết… giống như ai ai. Trong TBGS, điều cần viết, có thắt ruột thắt gan đến như thế nào, Huy cũng viết. Thản nhiên, sống động, và văn chương. Không cường điệu. Không kịch tính. Không sử thi. Viết như thế đâu có dễ! Từ ngày tàn cuộc chiến đến nay, có bao nhiêu tác phẩm đạt được những giá trị này trong kho sách văn chương Việt Nam viết về chiến tranh? Dù rằng, những thảm kịch do cuộc chiến tranh này gây ra đến nay vẫn còn lãng đãng trong từng gia đình, len lỏi trong da thịt máu mủ từng con người.

Cao Xuân Huy mang trong thân phận mình hầu hết những thảm kịch của cuộc chiến cùng với tính phức tạp của nó. Gia đình chia cắt. Cha Bắc, mẹ Nam. Không sống với cả cha lẫn mẹ. Tuổi thơ cơ cực. Học xong trung học thì đi lính, và chọn một binh chủng dễ đưa mình vào cái chết. Rồi tù tội. Rồi vượt biển. Rồi sống lưu vong. Rồi, gần như làm bất cứ thứ nghề nào có thể làm được để sinh nhai, để giứp đỡ vợ con. Rồi… vẫn với tâm tư một người lính luôn tự hào với binh chủng, luôn xem đồng đội như gia đình, Huy trở thành một nhà văn, và sau đó, điều hành tờ Văn Học, một tạp chí văn học nổi tiếng ở hải ngoại. Huy điều hành tạp chí này một cách khá đặc biệt, có vẻ như lẫn lộn chuyện nhà binh với chuyện chữ nghĩa. Nhiều người không hài lòng nhưng ai cũng biết không ai khác có thể làm hơn được trong hoàn cảnh chợ chiều của văn chương trên giấy. Khi Huy kiệt sức, tạp chí chết. Dù sự nghiệp văn chương của Huy có thể không lớn nhưng rất nhiều nhà văn dù lớn hay bé, đặc biệt những nhà văn có liên hệ bài vở với tờ Văn Học, phải nợ nần Huy. Nợ nần chồng chất trong suốt thời gian khá dài Huy làm Tổng thư ký, rồi Tổng thư ký, rồi Tổng thư ký… rồi sau cùng, Chủ biên tờ tạp chí này.

Cùng lúc, cuộc đời Huy luôn chứa đựng nhiều mãnh khác nhau. Có những mãnh rõ ràng không ăn khớp. Thế nhưng, trong từng mãnh, Huy sống thật lòng, chơn chất, đôi lúc lặng lẽ nhưng luôn trắng đen rõ rệt. Cái trắng đen rõ rệt đó thường gây tranh cãi, bực dọc với cả những người thân, rất thân. Nhưng, khó ai ghét Huy được. Những ai gần gũi Huy đều biết Huy không hề hưởng ân sủng của may mắn nhưng lại được tình thân đặc biệt của nhiều người. Gia đình, bè bạn, đồng đội cũ. Rất nhiều trong số này khác tánh Huy, hay ít ra cũng từng “gây gỗ” với Huy. Cái tình thân đặc biệt đó có được do chính con người Huy. Lầm lì. Thỉnh thoảng chửi thề. Thỉnh thoảng nở một nụ cười châm biếm. Thỉnh thoảng nói một câu rất ngắn nhưng đủ để “chọc tiết” người nghe. Tuy nhiên, người gần gũi Huy dù có thể buồn lòng đôi chút vẫn cảm thấy thoải mái, cảm thấy tin cậy. Bạn bè ở xa về chơi, khó có ai không muốn không gặp Huy. Dù ít ai nghe Huy nói về vợ con nhưng những bạn bè rất thân đều biết Huy thương yêu vợ con vô cùng. Dù Huy không sống với cha mẹ từ bé nhưng Huy yêu cha mẹ cũng vô cùng. Đặc biệt là với cha. Tình cảm đó sâu đậm, mãnh liệt. Thế nhưng, những vết hằn của thân phận vẫn rõ nét trong tâm tư, khiến nhữn biểu lộ tình cãm thường lững lờ. Với bạn bè cũng thế, với người thương yêu cũng thế. Có thể có người cho là hời hợt. Thật ra, không phải. Tôi muốn ghi lại đây chút tâm tình của Huy, trích từ tác phẩm Cây Tùng Trước Bão của Hoàng Khởi Phong. Chỉ một chút nói về cha, nhưng qua đó, ta có thể hiểu con người toàn diện của Huy như thế nào.

“… Ngày xa đất Bắc tôi mới có sáu bẩy tuổi gì đó, chưa gặp mặt cha. Cha con xa nhau gần ba mươi năm mới gặp lại lần đầu. Tôi từ nhà giam ở Bình Điền mò ra, năm năm trong câm nín, năm năm trong u hoài. Gần ba mươi năm… cha và con, cha và con. Tôi gặp lại bố tôi ở Huế, hai cha con đi ăn chè tại một quán chè bên bờ sông Hương. Con sông này mấy năm nay hình như con nước trôi cũng… chậm chạp, lững lờ hơn trước.

Hai bố con đang ăn. Ông cụ buông thìa nhìn tôi hỏi:

“Chắc là mày ghét Việt Cộng lắm hay sao mà đi cái thứ lính ác ôn thế này?”

Tôi trả lời ngay lập tức:

“Ghét thì không ghét gì, nhưng mà bắn được thằng nào đỡ thằng ấy”.

Ông bố tôi trầm ngâm một chút rồi hỏi:

“Như vậy là mày bắn cả bố mày à”?

Tôi cũng trả lời ngay lập tức:

“Bắn chứ, ở ngoài mặt trận thì phải bắn để mà sống chứ, với lại có biết ai là bố đâu”?

Đó là lần duy nhất hai bố con gặp gỡ nói chuyện. Tính ra từ năm 54, tôi theo mẹ vào Nam cho tới khi xuống ghe vượt biên hai bố con nói được có vài câu lại chẳng ra làm sao cả… Tôi không phải không muốn dịu dàng với người đã sinh ra tôi. Bố tôi thì như bác đã biết, đã tham gia Nhân Văn Giai Phẩm thì chắc cũng chẳng ưa gì Cộng Sản. Nhưng cái hoàn cảnh gặp nhau nó kỳ cục quá. Chính tôi đã không được sửa soạn tâm lý, lại cộng với những năm tháng trong tù bề gì cũng đã ảnh hưởng tới phản ứng sốc nổi của tôi…”

Từ ngày bước vào cõi nhân sinh, trải qua bao thăng trầm, Huy luôn tỉnh bơ với cuộc đời. Vẫn tỉnh bơ khi biết một con bệnh quái ác đang chụp đến. Cách đây một năm, khi tôi về chơi Quận Cam mấy hôm, hầu như ngày nào tôi cũng đi ăn hay trò chuyện với Huy cùng với vài bạn thân khác. Huy vẫn tỉnh bơ về chuyện bệnh hoạn của mình. Tôi cứ ngỡ tình trạng chưa đến nổi nào. Cách đây vài tuần, sau một chuyến đi xa về, tôi được tin Huy bệnh nặng, nặng lắm, y học bó tay rồi. Tôi liền gọi điện thoại cho Huy, chỉ nghe giọng thều thào. Tôi lặng người. Có bao giờ trong đời tôi nghe Huy thều thào. Tôi tìm cách thu xếp nhanh những việc riêng cần thiết để bay về Quận Cam. Hai ngày trước khi tôi lên đường, nhận được điện thoại của Trịnh Y Thư cho biết đúng 4 giờ 53 phút chiều Thứ Sáu 12 tháng 11, 2010, Cao Xuân Huy đã từ biệt vợ con và vài bạn bè thân nhất đang ở bên cạnh, bình thản đi vào nơi vô tận. Trịnh Y Thư nói Thư biết là Huy đau lắm, con bệnh quái ác đó hoành hành Huy dữ lắm, nhưng Huy vẫn dằn cơn đau để khỏi buồn vợ con, để như không có sao cả, để bình thản ra đi.

Khi đến Quận Cam, tôi chỉ được nhìn thấy thân xác Huy trong quan tài, trong quân phục Thủy Quân Lục Chiến. Huy ốm và già đi nhiều, nhưng vẫn giữ nét bình thản. Hai hôm sau, Huy được đưa vào lò thiêu. Khoảng sau 11 giờ trưa hôm đó, tức Thứ Năm 18 tháng 12, 2010, khói lò thiêu bốc lên. Bây giờ, Huy hoàn toàn trở về với tro bụi. Bây giờ, Huy có thể thảnh thơi trở lại các chiến trường xưa, thăm bạn bè cũ. Huy có thể vui đùa với họ thâu đêm suốt sáng. Chẳng cần phải ngâm câu Chinh Phụ… nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn..., vì Huy đã ở nơi đó với họ rồi. Chẳng cần phải bắn ai, phải giết ai. Cũng chẳng phải lo nhìn thấy đứa bạn thân nào bất thần gục ngã máu trào lên bát cơm. Và, chẳng phải hận thù đứa nào.

Huy, hãy vui với ngàn thu đi! Hãy giúp mang bình an đến những người thân yêu còn lại. “Chị Hai” và các cháu Chúc Dung, Xuân Dung.

California, 23 tháng 11 năm 2010

Hương trầm vẫn còn đây, Cao Xuân Huy

Trầm Hương

clip_image015

Anh Cao Xuân Huy và chị Đỗ Thị Minh,

lần thăm cuối cùng ngày 31 tháng 10-2010

***

Buổi gặp gỡ đầu, anh Huy đã hỏi tôi:

– Khi viết Miền Đất Trầm Hương[1], em có nhớ lại những cảm giác ngày xưa.

Tôi đã trả lời trong xúc động:

– Có anh. Em viết đến đâu thì cảm giác cũ trở về đến đó.

Và nếu anh hỏi tôi:

– Còn hôm nay khi viết về anh?

Tôi sẽ trả lời:

– Hôm nay cũng vậy.

clip_image016Hôm nay, tôi trở về tháng 9 năm 2009, ngày nhà thơ Đặng Hiền đãi khách tại tư gia, để tìm lại hình bóng đầu tiên của anh. Chuyện xảy ra như chỉ vừa hôm qua, trong khu vườn rộng ngập nắng mà không khí vẫn dịu mát. Tôi còn nghe được âm vang những bước chân nhộn nhịp ra vào nhà bếp, mùi bún bò Huế cay cay thơm nồng, những tiếng chào hỏi chúc tụng hân hoan, những chiếc ly cụng nhau kêu lách cách. Như chỉ vừa hôm qua, anh đứng dậy từ chiếc bàn tiệc lớn giữa sân đi về phía chiếc bàn tròn nhỏ của chúng tôi trong góc sân. Người đàn ông với gương mặt hiền lành, bộ râu “nghệ sĩ” treo ở cằm, một tay cắp chai rượu một tay cầm ly, đến bàn chúng tôi và kéo ghế chen vào ngồi cạnh chị Minh. Một người lính thực sự đương nhiên thà ngồi tán dóc với các cô, ý nghĩ buồn cười này đã đến sau đó trong lúc tôi đọc Tháng Ba Gãy Súng. Như chỉ vừa hôm qua, tôi còn nhìn anh xa lạ. Rồi anh đã nhanh chóng thu hút tôi vào những mẩu chuyện mà tôi không còn nhớ là gì; nhưng qua đó, tôi nhận ra anh từng là một sĩ quan có tính cách anh hùng, có yêu thương đồng đội, có ngang tàng của một người chỉ tin vào lẽ phải. Thỉnh thoảng chúng tôi cụng ly, nhấp chút rượu để không khí thêm phần hăng say. Chị Minh nghe chuyện một cách chăm chú, dù theo tôi đoán chị đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần, và lâu lâu gật gù mỉm cười khích lệ anh. Rượu vơi dần trong chai và ánh nắng vơi dần trên sân, trong lúc sự cảm mến của tôi đối với anh Huy và chị Minh tăng dần.

Một tuần lễ sau đó, tôi hân hạnh được anh Huy và chị Minh mời đến dự buổi tiệc văn hữu tổ chức tại tư gia của chị Vũ Thùy Hạnh. Căn nhà của chị Hạnh giống nằm giữa một cảnh thiên nhiên đẹp, do cách chị thiết kế khu vườn. Mọi người ngồi chung quanh chiếc lò nướng vừa hít hà mùi khói thơm vừa nhấm rượu trong khi chờ đợi thịt chín. Tôi khám phá chị Minh có tài nấu nướng. Món cánh gà chị làm ngon tuyệt, tôi không biết đã tiêu thụ hết bao nhiêu cái và còn xin công thức để tập làm. Tôi đã thấy gần gũi với chị, có lẽ vì nét hiền hòa và độ lượng của chị. Tôi đã thích ngắm chị ngồi trầm lặng như ngắm một bức tranh tĩnh và thanh nhã. Chiều hôm ấy, không khí thân mật và vui nhộn. Anh Huy tặng tôi bản cuối cùng của Tháng Ba Gãy Súng. Anh nói mong tôi không ngại vì bìa bị hư một chút. Đương nhiên tôi không ngại; may mà còn được bản cuối cùng. Anh hỏi tôi muốn anh ký thế nào. Tôi trả lời Anh ký sao cũng được. Vậy là anh viết: Bản tặng Hương Trầm vẫn còn đây. Và ký tên: Cao Xuân Huy. Nét chữ của anh Huy bay bổng trên mặt giấy cũng như trong lòng tôi. Tôi vui vì lời tặng ngộ nghĩnh trích ra từ một bản nhạc mà tôi yêu thích. Tôi cảm động vì sự chu đáo của anh. Nhưng lúc cầm quyển sách trong tay, tôi còn chưa biết giá trị thật sự của nó.

Một giá trị thật sự của Tháng Ba Gãy Súng đối với riêng tôi nằm ở chỗ “thật”. Bao nhiêu năm nay tôi vẫn muốn nghe kể về kinh nghiệm của một người lính trong những ngày dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam. Chuyện tôi mong được nghe không phải là tin tức hoặc ghi chép lịch sử hoặc phân tích mà là trải nghiệm của một người trong cuộc. Tháng Ba Gãy Súng đã cho tôi hơn tôi mong muốn, vì là trải nghiệm của một người bạn mà tôi tôn trọng. Câu chuyện thành một sự thật cho chính tôi vì tôi đã theo từng bước chân anh suốt quãng đường rút lui, đã lo lắng cho tất cả và mong họ thoát hiểm. Câu chuyện vẫn đeo đuổi sau khi tôi đọc xong. Chiến tranh Việt Nam rất tàn nhẫn đối với đa số những người cầm súng; hoặc giết họ, hoặc hủy hoại cuộc đời còn lại nếu họ sống sót. Họ dành tuổi xuân cho miền Nam, sau chiến tranh thì bị bỏ rơi. Tôi đã có dịp nghe một sĩ quan người Mỹ kể chuyện. Mạng sống của những người lính Mỹ được bảo vệ tối đa và sau khi về hưu họ được rất nhiều ân huệ giúp cuộc sống còn lại được dễ dàng. Anh Huy là một điển hình của sự bị bỏ rơi hoàn toàn. Anh ra khỏi tù thì tự tìm đường vượt biên. Sang đến Mỹ thì tự mò mẫm tìm sống. Anh và không ít những đồng đội của anh. Tôi đã không quên hỏi anh trong một lần gặp mặt sau đó: Anh Bưởi ra sao, anh? Một giá trị khác của Tháng Ba Gãy Súng là bản chất anh hùng hiện hữu trong anh Huy, cho tôi một cái nhìn đẹp về sự thảm bại của tháng Ba.

Năm 2010, một ngày sau Tết, khí trời còn lạnh. Anh Nam Dao từ Canada sang chơi và chúng tôi lại có dịp gặp nhau. Nghe anh Đặng Hiền nói anh Huy dạo này không khỏe, tôi hỏi thăm: Anh bị gì vậy anh? Anh Huy trả lời: anh bị ung thư mắt, đã lành được mấy năm mới bắt đầu trở lại. Giọng nói của anh thản nhiên như khi được hỏi trưa nay mình đã ăn gì, chỉ là một bữa ăn, không gì trầm kha. Và tôi đã tin rằng anh sẽ không sao, vài lần chemo, có đau đớn gì anh chưa trải qua. Khi ra về, anh dặn: anh chị sẽ tổ chức một buổi gặp mặt, chi tiết sẽ thông báo sau, Trầm Hương nhớ đến. Và anh dặn thêm: Trầm Hương nhớ phải đến. Nhưng tôi đã không đến được. Con người là vậy, mỗi ngày thức dậy lập tức đâm sầm vào đời sống và bỏ sót nhiều việc.

Tháng 10, ngày 29. Tin bệnh anh Huy trở nặng được loan ra. Tôi lục điện thoại tìm số của anh, số điện thoại được dùng một lần duy nhất. Tôi hỏi Anh có nói chuyện được không? Anh trả lời Anh rất mệt, chỉ có thể nói chút ít.

Tháng 10, ngày 31. Tôi đến thăm anh cùng vợ chồng chị Thụy Khuê và vợ chồng anh Đặng Hiền. Ánh mắt chị Minh đầy lo âu nhưng miệng vẫn tươi cười tiếp khách. Chị đưa chúng tôi vào một căn phòng nơi anh Huy đang nghỉ và giải thích: anh Huy thích ở phòng này để gần máy computer. Anh Huy ngồi dậy khi chúng tôi bước vào, vẫn nụ cười tươi như những lần gặp trước nhưng trông anh xanh xao lắm. Tôi thấy chị Thụy Khuê rất xót xa. Không hiểu tại sao lúc ấy tôi vẫn tin anh sẽ không sao. Người anh hùng của Tháng Ba Gãy Súngngang tàng, can đảm, nhiều nghị lực sẽ không sao. Anh đã không chết trong trận chiến, sống sót thoát khỏi tù đày, vượt qua biển khơi, qua bao trắc trở của đời sống, qua nhiều lần trị liệu. Anh còn trẻ, còn yêu đời, còn mối tình muôn thuở với chị Minh, còn gia đình hạnh phúc, còn quá nhiều để bỏ rơi. Chị Minh đãi chúng tôi uống một loại trà hoa thơm đặc biệt do chị trồng lấy. Rồi chị quay sang âu yếm hỏi anh Huy: Baby có uống sữa thì em đi lấy. Mỗi ngày chỉ được một ly sữa và không gì khác. Chị Minh than: Vậy mà anh Huy cũng không chịu uống, hôm nay vui lắm mới uống. Nói chuyện một lúc, anh Huy mệt thấy rõ, chị Minh đưa chúng tôi ra vườn xem những cây chính tay chị trồng trọt. Khu vườn nhỏ thơ mộng tao nhã; từng đọt trà hoa, quả khế con, bụi lá gai… trông tươi tắn như rất hài lòng với sự chăm sóc của cô chủ. Đôi bàn tay chị Minh kỳ diệu, chăm sóc tỉ mỉ gia đình của mình, từ con người cho đến cây cỏ. Anh Huy nghỉ một lúc thì lại khỏe ra. Tôi thâu một ít video làm kỷ niệm, rồi hỏi: Hình như anh vừa ra sách mới, anh có để dành cho em không? Tôi chưa bao giờ hỏi xin sách, các anh chị có lòng tốt cho thì nhận, nhưng với anh Huy tôi lại rất tự nhiên. Có chứ, anh Huy trả lời. Anh tặng chúng tôi mỗi người một quyển, nhưng anh không đủ sức ký. Tôi cầm quyển sách trong tay, trong lòng có chút bất an. Anh không đủ sức ký tên, chắc anh mệt lắm. Nhưng tôi thấy nụ cười anh vẫn tươi, dù xanh xao. Quyển sách lạ lẫm trong tay, như không phải của anh, như không phải tặng tôi. Anh nói không đủ sức ký, nhưng tôi không cam lòng. Quyển sách trong tay cứ xa lạ, như mình đi vào tiệm sách, cầm đại lên một quyển. Cuối cùng, không nhịn được, tôi nói với anh: Anh Huy, không có chữ ký thì không phải là sách tặng. Anh trả lời: Anh thật không ký nổi. Tôi đòi hỏi: Vậy anh cho em dấu tay. Tôi ngồi xuống bên cạnh anh: Ngón tay nào, anh. Tôi rút cây son môi từ trong ví, bôi lên đầu ngón tay anh. Trên trang đầu của Vài Mẩu Chuyện, dưới tên Cao Xuân Huy, anh in tặng tôi một dấu tay màu hồng. Tôi hài lòng lắm, quyển sách lập tức trở thành một kỷ niệm quý giá đối với tôi. Khi ra về, tôi ôm vai chào anh. Bàn tay tôi chạm vào bộ xương, vai anh rất gầy. Nghĩ lại, tôi đã rất lơ là. Tôi đã không nhìn ra anh đang bệnh nặng. Tôi chỉ trông thấy nụ cười tươi mà không nhìn ra cơn đau của anh. Tôi đã tin sẽ còn gặp lại anh, như những lần từ giã trước.

Tháng 11, ngày 12. Nghe tin anh đi, tôi lặng người. Anh bệnh nặng vậy mà tôi nhìn không ra. Đoạn phim còn chiếu rõ, nụ cười của anh tươi chỉ trong một phút là trở nên gắng gượng, rồi anh lại cố giữ cho tươi, rồi gắng gượng, rồi tươi, và cuối cùng, anh không gắng nổi, phải vờ cúi xuống nhấm ly sữa. Vậy mà tôi đã không nhìn ra. Tôi thật giận tính lơ là của mình. Buồn quá đi thôi!

Tháng 11, ngày 15. Tôi tham dự tiễn đưa anh Huy trên Web Da Màu với bài dịch Mang Hắn Trở Về. Tôi ước có thể đem anh trở về. Tại sao Thượng Đế đem đi người tốt khi thế gian rất cần họ? Tôi muốn dịch lại bài Đừng Đi [2] nhưng tôi tin không phải anh muốn đi. Tôi tin anh vẫn còn yêu và luyến đời sống, vì tôi cho rằng anh có quá nhiều để muốn buông tay.

Tháng 11, ngày 17. Tối nay, tôi không ngủ được. Những xúc động đến từ đâu tràn ngập trong lòng. Hình như tôi bắt đầu tin anh đang dần biết mất. Hôm nay là ngày viếng, nhưng tôi không đi được. Tôi vẫn vậy, mỗi ngày thức dậy lập tức đâm sầm vào đời sống và bỏ sót nhiều việc. Tôi chỉ xin nghỉ được một ngày. Ngày mai, tôi sẽ đến tiễn anh Huy lần cuối, đưa anh về lại tro bụi. Lần này, tôi sẽ hiểu không còn giống những lần từ giã trước. Tôi sẽ phải nói Vĩnh biệt anh.

– Còn hôm nay khi viết về anh?

– Anh Huy à, hôm nay cũng vậy.

Hôm nay, em trở về những lần anh em mình gặp nhau, cảm nhận lại sự quý mến đã dành cho anh và trân trọng cảm mến anh đã dành cho em. Có những thứ tình cảm dù nhẹ như khói vẫn cứ vương hoài. Có những gặp gỡ đơn sơ mà mình không bao giờ quên được. Cám ơn anh đã ghé ngang và để lại những kỷ niệm đẹp.

22 tháng 11-2010

 


[1] Miền Đất Trầm Hương

Cao Xuân Huy, người ở lại Thuận An

Đỗ Xuân Tê

clip_image018

Cao xuân Huy đã trở về cát bụi. Thân xác ông đã được hỏa thiêu sau một tang lễ vừa trang nghiêm theo nghi lễ quân cách vừa thân mật đơn giản như một cuộc chia tay trong đó có đông đủ thân nhân, đồng đội, bạn bè, bạn văn, bạn làm báo và độc giả của ông.

Hiếm thấy một người vướng vào nghiệp văn bút, báo bổ tại một vùng đất vốn được đồng hương gọi đùa là ‘gió tanh mưa máu’, nhưng lại được quí mến gần gũi tâm đắc, rồi đến lúc đau yếu nhắm mắt xuôi tay lại được nhiều người nhiều giới chia buồn phúng điếu đưa tiễn bằng lời nói bằng bài viết trên các phương tiện truyền thông hải ngoại tựu chung tỏ lòng thương tiếc sâu sắc một con người mà hồi sinh thời rất can trường trong chiến đấu, nghiêm túc trong công việc nhưng lại ‘hết mình’ trong cuộc chơi với những người vốn biết và giao lưu với ông.

Cuộc đời Cao xuân Huy mà người ta quen gọi là ‘ông Gẫy Súng’ cũng khá lạ kỳ. Nhờ vào lính mà sau này mới trở thành nhà văn, rồi từ tác phẩm đầu tay Tháng Ba Gẫy Súng người ta mới biết ông qua danh xưng ‘nhà văn’ hơn là …‘nhà binh’. Với ai khác được gọi là nhà văn chắc phải hãnh diện về thiên chức của nó, nhưng oái oăm thay ông vẫn không chịu nhận mình là nhà văn và cứ xin coi ông là ‘người lính’, môt người lính quay sang cầm bút sau khi gẫy súng để tường thuật những sự việc do chính ông trải nghiệm, đặc biệt ở thời điểm cuối cùng của cuộc chiến. Bằng ngòi bút ông viết lại một cách trung thực như những gì nó đã xảy ra, không hư cấu không vẽ vời không tô hồng không đánh bóng. Khi một người lính nói sự thật theo bản chất ‘nói thẳng như lính’ thậm chí kèm theo cả ngôn ngữ chửi thề, thì những điều ông kể ra cùng với tài viết văn tiềm ẩn tự phát chẳng ai dạy nhưng trời cho đã được người ta nhanh chóng tin ông và chấp nhận ông để từ đây giới văn bút coi ông là nhà văn, độc giả gọi ông là nhà văn, dù sau này có nghiêng về làm báo và hai mươi lăm năm sau mới ra một đầu sách mới, nhưng chỉ một Tháng Ba Gẫy Súng tên tuổi ông đã thành danh và ‘lừng lững’ đi vào dòng văn học sử hải ngoại như một bạn văn ca ngợi mới đây.

Những gì về sự nghiệp văn bút và chủ biên văn học của Cao xuân Huy đã và sẽ còn được nhiều người viết và nhắc nhớ. Tháng Ba Gẫy Súng sẽ được đánh giá như một tập hồi ký sử thi chứng nhân cho ngày tàn của cuộc chiến, nó sẽ được độc giả trân trọng như Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam và một số bút ký chiến tranh nổi bật của số ít tác giả miền Nam, thậm chí kể cả Nỗi Buồn Chiến tranh của Bảo Ninh nếu không ngại phân biệt về mặt quan điểm.

Ở đây người viết chỉ để ý một khía cạnh là không hiểu vì sao mà Cao xuân Huy cứ trăn trở chuyện xin coi ông là người lính thay vì nhà văn. Tất nhiên có những nguyên ủy của nó, mà dễ hiểu nhất thì vẫn tại vì bản thân ông…là lính! Hãy nghe ông tự sự từ đáy lòng mình về tình yêu của ông với đời quân ngũ,

tôi yêu đơn vị tôi, tôi yêu màu mũ, màu áo tôi, tôi yêu thuộc cấp tôi và tôi kính trọng thượng cấp tôi. Tôi bình thản chấp nhận mọi thói hư tật xấu của thượng cấp và thuộc cấp, và chính tôi cũng có quá nhiều thói hư tật xấu.”

Đơn vị ông là Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến, màu mũ là màu xanh của binh chủng, màu áo là màu rằn ri tựa như dấu in cọp biển, thuộc cấp là lính thuộc đại đội ông khoảng trên dưới một trăm, thượng cấp thì quá nhiều vì cấp bậc của ông chỉ là trung úy đại đội phó. Dù thượng cấp hay thuộc cấp ông vẫn yêu họ như chính mình, dù ai xấu ai tốt thì ông cũng chẳng hơn ai và chẳng dám đoán xét ai. Vào lính ở tuổi hai mươi trong một đợt tuyển quân cao điểm hồi Mậu Thân 68, trải qua các chiến trường từ Cà mâu đến miền giới tuyến, cuối cùng trụ lại làm anh lính gác giặc theo tuyến phòng thủ bảo vệ cố đô sau Hiệp định Paris trải dài từ sông Thạch Hãn qua Phá Tam giang xuống tận Thuận an và gẫy súng tại đây sau một cuộc rút quân hỗn lọan.

Trở lại chuyện của ông quả ít ai có tâm hồn luôn thiết tha với màu cờ sắc áo, sau khi gẫy súng bị bắt làm tù binh ông vẫn mặc đồ trận, người ta cũng chẳng cấp bộ đồ tù chỉ yêu cầu cởi bỏ lon lá, sau này ra hải ngoại có dịp ông vẫn mặc quân phục, vẫn đeo huy hiệu của binh chủng mình, nhưng chỉ mang bảng tên trên ngực ghi Huy 4, có nghĩa là tên & đơn vị của ông, đến khi vào quan tài thì cũng được liệm nguyên bộ đồ này. Con số 4 luôn theo chân ông, ông sống chết với nó suốt bảy năm quân ngũ, một đơn vị tác chiến cấp tiểu đoàn nhưng đã lừng danh bốn vùng chiến thuật, chính đơn vị này là đơn vị đầu tiên đã chạm trán quân chính qui Bắc Việt tại chiến trường Bình Giả miền Đông năm 1964, mở đầu cho cuộc thư hùng của những trận đánh lớn sau này. Cũng đơn vị ông trở thành mũi nhọn trong trận tái chiếm Cổ thành mùa hè 72 khiến đội quân đối nghịch khi rút về bên kia sông Thạch Hãn lúc đi đủ chục lúc về còn ba. Nói vậy chứ tổn thất trả giá cho những lần quyết tử cũng là những con số chóng mặt, chính tôi đã mục kích khăn sô trắng đầu các cô nhi quả phụ trong trại gia binh cạnh hậu cứ tiểu đoàn của ông tại Vũng Tàu để thấy cái khắc nghiệt của chiến tranh và sự hy sinh cao độ của các đồng đội của ông suốt chiều dài cuộc chiến. Tôi thiết nghĩ chính vì cứ trăn trở bởi những hình ảnh này mà Trung úy Huy người may mắn sống sót sau những trận để đời đã không ngoảnh mặt quên đi quá trình chiến đấu để nhận những phong vị khác xem ra cao trọng hơn cho tên tuổi của mình.

Dù gẫy súng ông vẫn chết với tư cách một người lính, xứng đáng được đồng đội phủ cờ hôm tang lễ vừa qua vì thực chất ông không thuộc diện đầu hàng buông súng. Ông bị gẫy súng trong tư thế đang chiến đấu và chịu làm tù binh khi các cấp chỉ huy của ông không thể xoay chuyển được chiến trường. Ông trở thành một trong những ‘người ở lại Thuận An’ và trở thành chứng nhân cho bi kịch thời đại của một cuộc rút quân Waterloo thu nhỏ tại cửa biển oan nghiệt này vào một ngày tháng ba, ‘tháng ba gẫy súng’, dự báo cho một ‘tháng tư tan hàng’, xóa sổ tức tưởi một đạo quân được coi là chiến đấu rất can trường trong quân sử Việt.

Cửa biển Thuận an, một địa danh không xa lạ gì với người dân xứ Huế, và anh em chúng tôi khi được lệnh tăng phái từ Phủ đầu Rồng để bảo vệ cố đô, nhưng không ngờ vào thời điểm sắp tàn cuộc chiến thì Thuận an trở thành chứng tích của những cái chết vô nghĩa trong thảm cảnh gẫy súng nửa đường. Biển Thuận an trăng sáng thuở nào vẫn mang vị mặn nhưng không phải của muối, biển mặn vì máu. Máu của những người lính trẻ đã chết oan vì các tư lệnh của họ đã bỏ cuộc, đã bỏ chạy trước khiến họ phải chân đất chạy ra cửa Thuận an, con đường độc đạo ra biển để chờ tàu xuôi Nam, trốn chạy những người anh em cùng màu da nhưng khác máu từ phương Bắc đang rượt đuổi theo họ. Nhiều kiểu chết nhiều cách chết, vừa tự xử bằng lưỡi lê, lựu đạn, vừa trúng thương bằng tăng bằng súng của đối phương, vừa bỏ thây vì sóng cao biển rộng nhưng phải đọc tác phẩm của Cao xuân Huy mới cảm nhận sâu sắc tấn bi kịch ‘mang con bỏ chợ’ của những lãnh đạo miền Nam và nét hào hùng của những người lính quyết tử theo màu cờ sắc áo.

Khốn khổ thay cho những người lính về từ địa ngục sau khi kẹt lại Thuận an lại bị dồn vào các trại tù cải tạo chờ đợi biến cố họ không mong vào cuối tháng tư rồi sống tiếp trong cảnh ‘đáy địa ngục’ sau 75, trong đó có người lính Cao xuân Huy.

Cao xuân Huy, người ở lại Thuận an. Nhờ ‘Ông Gẫy Súng’ mà người ta mới thấy hết nét bi thương của những ngày tháng Ba, nhờ ông mà những đồng đội nằm lại vĩnh viễn trên cửa Thuận an mới có cơ hội ‘lên tiếng’. Chúng tôi trân trọng ông về điều này và xin vinh danh ông với tư cách nhà văn song hành với danh xưng người lính. Xin ông cứ nhận ông là nhà văn vì chính ông là một nhà văn đích thực, một nhân chứng chỉ biết nói sự thật, và sự thật thì sống mãi ngàn thu.

Nghe Huy kể chuyện

Đặng Phú Phong

clip_image019

 

 

 

 

 

 

Cao Xuân Huy lúc trẻ

Có lần, trong một bữa nhậu, Cao Xuân Huy kể tôi nghe: Khi ở tù ngoài bắc, một hôm,  cán bộ vác súng dẫn Huy cùng bốn, năm bạn tù  đi xuống dân làm công tác. Trước khi đi, cán bộ dặn, dân chúng rất thù ghét các anh, cẩn thận, đừng đến gần họ , không khéo phải đòn thù đấy. Khi đi ngang qua một chợ xổm, cả bọn cắm cúi đi nhanh nhưng cũng cố hết sức tránh va chạm với mọi người. Qua gần hết chợ, Huy mới len lén liếc nhìn chung quanh. Mắt Huy bắt gặp một  cái mẹt đựng vỏn vẹn một miếng thịt heo luộc, để trên miếng lá chuối, ngồi đàng sau là một người đàn bà trạc 60. Thấy miếng thịt là Huy chảy nước bọt ngay.

“ Chao ơi, chưa bao giờ tôi thấy nó ngon đến thế , ông ạ!” Chàng xuýt xoa.

Huy bước đi không đành. Mắt cứ dán vào miếng thịt. Bà bán thịt bỗng vụt hỏi, khiến chàng ta giật cả mình. “ Lính Ngụy hả?”. Sợ bị đánh, Huy ngần ngừ, nhưng cũng phải trả lời. “Dạ vâng”. Bà bán thịt bốc miếng thịt, đứng dậy, vừa nhét vào tay Huy vừa  nói: “ Này, ăn đi con, ăn đi”. Cầm miếng thịt trong tay, Huy cứ run lên. Xúc động đến cùng cực. Nước mắt chảy dài trên má. Huy, hai tay để miếng  thịt lại trong mẹt, nghẹn ngào cảm ơn. Rồi đi thẳng.

Huy kể chuyện, giọng đều đều, môi hơi nhếch lên, cười cười.Tôi xúc động một hồi lâu, rồi hỏi có viết ra không. Huy bảo “Có chứ”.

Hôm đọc xong Vài Mẩu Chuyện không thấy  có chuyện này, định hỏi, nhưng rồi quên vì có nhiều chuyện nói hơn, nhất là trong thời kỳ này, anh đang làm chemotherapy.

Cao Xuân Huy không nói với mọi người mình là nhà văn. Và, những người viết về anh, goi anh bằng cách của họ. Nhưng dù cách gọi thế nào thì họ cũng nói về một Cao-Xuân-Huy-Viết-Văn.

Riêng tôi thì Cao Xuân Huy là một Nhà Văn. Thứ thiệt. Không cần kèm theo bất kỳ bổ từ rắc rối nào cả.

Bây giờ Cao Xuân Huy ra đi, và, Nhà Văn Cao Xuân Huy vẫn còn ở lại với chúng ta.

 

Từ Boston nhớ “tháng ba gãy súng” cùng

“vài mẩu chuyện” của nhà văn Cao Xuân Huy

Lương Thư Trung

Cách nay tròn sáu năm, vào tháng 8 năm 2004, dưới bút hiệu Minh Nguyện, tôi có viết lá thơ (*) gởi nhà văn Cao Xuân Huy, tác giả Tháng Ba Gãy Súng, và tháng 8 năm 2010, nhân dịp anh Bùi Huy lên Boston có ghé lại thăm tôi và mang theo hai cuốn Vài Mẩu Chuyện của Cao Xuân Huy vừa mới in năm 2010 với chữ ký cùng lời đề tặng của chính tác giả, một dành cho anh Bùi Công Nguyên và một cho tôi. Dịp này, tôi và anh Bùi Huy có hẹn gặp thăm  Bùi Công Nguyên, một người bạn cùng màu áo trận, cùng đơn vị và rất thân với tác giả Tháng Ba Gãy Súng mà tôi có nhắc đến trong lá thơ gởi hồi năm 2004, để trao món quà tinh thần của Cao Xuân Huy.

Sở dĩ có sách tặng như vậy vì theo lời anh Bùi Huy kể lại là anh có nói chuyện qua điện thoại với Cao Xuân Huy là anh sẽ đi Boston vào đầu tháng 8 năm 2010, dịp này anh dự tính sẽ gặp tôi và Bùi Công Nguyên, nên anh Cao Xuân Huy có nhã ý gởi sách nhờ anh Bùi Huy tặng Bùi Công Nguyên và tôi, nhờ vậy mà cả ba chúng tôi, anh Bùi Huy, Bùi Công Nguyên và tôi có một đêm ngồi ngoài hàng hiên với màu trăng mờ mờ đầu tháng Tám cùng với gió biển Boston nhè nhẹ tạt qua những nhánh phong bên vách nhà và nhắc nhiều về Cao Xuân Huy, về Tháng Ba Gãy Súng.

Với Tháng Ba Gãy Súng, sau sáu năm gởi lá thơ đến tay Cao Xuân Huy, nay đọc lại, cảm xúc của tôi vẫn nguyên vẹn như cũ, thấy không cần thêm bớt gì, nên xin bắt đầu với Vài Mẩu Chuyện.

Về Vài Mẩu Chuyện, tác phẩm mới của Cao Xuân Huy, tôi đọc ngay vào sáng sớm hôm sau, ngay sau ngày anh Bùi Huy trao.  Sách rất mỏng, chỉ 125 trang; nếu không kể phần lời tựa của Trần Như Hùng, phần “Đọc Cao Xuân Huy” của Lưu Na và phần phụ lục “Trước Giờ Ngưng Bắn” của Hoàng Khởi Phong, thì Vài Mẩu Chuyện của Cao Xuân Huy chỉ còn vỏn vẹn 88 trang sách.  Có thể nói đây là một trong những cuốn sách mỏng nhứt mà tôi được đọc.  Cuốn Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê là một cuốn sách mỏng, nhưng cũng còn dày hơn Vài Mẩu Chuyện của Cao Xuân Huy.  Nhưng với mười mẩu chuyện mà tác giả ghi lại, dường như mẩu chuyện nào cũng làm cho tôi thấy nao nao trong lòng.

Từ “Miếng Ăn” là một nỗi nhục nhằn của những hạng người lúc nào cũng lấy miếng ăn làm trọng.  Và ở đó tác giả đã vẽ lại bức tranh tù với nhiều uẩn khúc do chính những bạn tù vô tâm nằm kề cận bên mình mang lại cho tác giả nỗi uất nộ tột cùng …. Tôi cũng có hoàn cảnh trong các trại cải tạo như anh nhưng tôi chưa lần nào chứng kiến cảnh “miếng ăn” như anh kể.  Quả trong đời sống, mỗi người có mỗi hoàn cảnh riêng nên có những điều nếu Cao Xuân Huy không kể lại mình vẫn thấy chưa học được những bài học về sự vô tâm của những con người không còn căn gốc con người.

clip_image021

Vườn hoa trước nhà Cao Xuân Huy (Hình:Bùi Huy)

Kế tiếp, trong tập truyện mỏng này còn có các chuyện Người Muôn Năm Cũ, Quyền Tối Thiểu, Cái Lưỡi Câu, Ngu Như Lợn, Vải Bao Cát, Hành Phương Nam, Chờ Tôi Với, Mai Thảo, Trả Lại Tiền. Chín “mẩu chuyện” còn lại này chuyện nào cũng ngắn, có chuyện như Trả Lại Tiền chưa đầy ba trang giấy, nhưng hết thảy nó mang lại cho người đọc có cảm tưởng như mình đang thấy rõ bức tranh xã hội mà mình đã sống một thời.

Cao Xuân Huy quá tiết kiệm chữ nghĩa, nên đọc văn anh tôi có cảm tưởng như mình cũng hổng dám đọc mau vì đọc mau quá những trang sách sẽ mau hết; ngay như bây giờ mỗi lần đọc lại Tháng Ba Gãy Súng hoặc Vài Mẩu Chuyện tôi vẫn đọc thật chậm, nhất là đọc chậm để thấy mình có thể học hỏi thêm qua những điều anh đã ghi lại trên các trang sách của anh.

Nhớ lại buổi các anh Bùi Huy, Ngu Yên, Phan Xuân Sinh dự định tổ chức một buổi giới thiệu tập truyện Vài Mẩu Chuyện của Cao Xuân Huy vào ngày 14-11-2010 tại Houston, tôi rất háo hức vì dịp này tôi sẽ được gặp tác giả Tháng Ba Gãy Súng.  Từ trước tới nay, tôi chỉ nghe tên anh qua Bùi Công Nguyên, tôi chưa biết anh trước và cũng chưa gặp anh lần nào.  Tôi cũng định rủ Bùi Công Nguyên xuống Houston gặp Cao Xuân Huy luôn thể.  Chương trình mà các anh Ngu Yên, Bùi Huy, Phan Xuân Sinh bàn soạn là một chương trình khá đặc biệt với nhạc chủ đề dựa trên các mẩu chuyện mà Cao Xuân Huy ghi lại trên Tháng Ba Gãy SúngVài Mẩu Chuyện.  Nhưng rồi khoảng cuối tháng 10-2010, vì sức khoẻ của Cao Xuân Huy quá yếu nên mọi dự tính của các anh ở Houston tạm gác lại…

Hôm nay thì nhà văn Cao Xuân Huy đã đi rồi!  Lá thư trước viết gởi anh, anh đã đọc, và nay thì những dòng chữ này anh không cần đến nó nữa! Nhưng may thay, trước ngày Cao Xuân Huy mất, anh Bùi Huy có qua thăm và ở chơi với anh ba bốn ngày, nhờ vậy mới có vài tấm hình chụp hôm chúa nhật (07-11-2010).  Dù rất mệt và biết mình không còn ở lại thế gian này mấy ngày nữa nhưng anh vẫn nở được nụ cười với anh Bùi Huy về một tình bạn giữa hai anh.  Thật quý hóa thay!

Thưa anh Cao Xuân Huy,
Các anh Bùi Công Nguyên, Ngu Yên, Bùi Huy, Phan Xuân Sinh, và tôi xin cầu chúc hương linh anh sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc!  Chúng tôi xin thành kính chia buồn cùng chị Cao Xuân Huy và các cháu.
Boston, tháng 8 năm 2010- Houston, ngày 16 tháng 11-2010

Phụ chú:

(*) Lá thư đã đăng trên Talawas (Diễn đàn 2001-2008)

Người vừa nằm xuống

Ban Mai

Tôi “gặp” Cao Xuân Huy lần đầu tiên khi đọc bộ tiểu thuyết “Mùa biển động” của Nguyễn Mộng Giác. Mở đầu tập 5 “Tha hương” kể về cuộc triệt thoái cao nguyên trên Liên tỉnh lộ 7 và cuộc rút quân khỏi tỉnh Thừa Thiên Huế, vào những ngày tàn cuộc chiến. Tôi lạnh mình khi đọc chúng. Tôi thấy máu và máu chảy dài trên từng con chữ. Tôi thấy thịt xương của những chàng trai trẻ nước Việt bị băm nát, bầy nhầy dưới xích xe tăng. Sự thật trần trụi của chiến tranh gây cho tôi một xúc động mạnh. Tôi bật khóc nức nở khi những xác người nát tan trên biển, đầu người trôi nhấp nhô, cô gái lõa lồ điên loạn trên boong tàu. Sóng biển đỏ ngầu máu.

Sau khi đọc xong “Mùa biển động”, tò mò tôi tìm đến nguyên tác hồi ký “Ngày N+...” của Hoàng Khởi Phong và “Tháng ba gãy súng” của Cao Xuân Huy, hai hồi ký xuất sắc mà nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã dựa sát vào đó để ghi lại trung thực lịch sử cuộc chiến trong bộ trường thiên tiểu thuyết của mình.

Kể từ đó tôi biết Cao Xuân Huy và thực sự quen anh khi gửi bài đăng trên tạp chí “Văn học” – tờ báo đầu tiên ở hải ngoại tôi gửi bài viết. Anh nhiệt tình và thân thiện. Lâu lâu anh lại email có bài không gửi cho anh với. Mấy năm sau này tạp chí chậm trễ, rồi sau đình bản, anh than sức khỏe giảm sút, anh đang thất nghiệp. Tôi hiểu nỗi khổ của người làm báo “không công” ở hải ngoại nhiêu khê trăm bề.

Hơn hai tuần trước nghe tin anh đau nặng, người ta nói có lẽ không qua khỏi, được tính bằng ngày.

Tôi muốn làm một điều gì đó cho anh vui, nên đề nghị với chủ biên website Văn Chương Việt làm một chuyên đề về Cao Xuân Huy, chủ biên đồng ý. Tôi đã lựa chọn bài “Nhận định về tác giả tác phẩm” của Nguyễn Mạnh Trinh, phỏng vấn Cao Xuân Huy của Lê Quỳnh Mai, điểm truyện “Trả lại tiền” của Trịnh Y Thư và giới thiệu toàn bộ hồi ký “Tháng ba gãy súng” của anh, mọi việc đã chuẩn bị. Tôi mong muốn giới thiệu một cách trân trọng về tác giả và tác phẩm này cho bạn đọc trong nước biết.

Thế nhưng, dự định của tôi không thành khi BBT đọc xong hồi ký tôi gửi, cho biết ở trong nước đang có đợt truy quét mà hồi ký “Tháng ba gãy súng” quá nặng đô e trở ngại.

Tôi cảm thấy hụt hẫng vì chủ biên đã hứa trước OK, và tôi cũng đã điện thoại anh Cao Xuân Huy xin phép. Tuần sau sẽ làm chuyên đề về anh và chúc anh mau lành bệnh.

Giờ đây, anh đã mệnh chung, tôi biết cách nào để nói lời xin lỗi.

Thì thôi, anh nhé. Một cuộc đời đầy bão giông, cay đắng.

Đã hết rồi:

Những sớm mai lửa đạn
Những máu xương chập chùng
Xin cho một người vừa nằm xuống
Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang

Thấy bóng thiên đường thôi, vì trên đất nước Việt tôi vẫn còn truy quét chữ viết của những người lính bại trận.


17/11/2010

Nợ

Hoàng Nga

Tôi ở Đức, viết thư qua cho anh Cao Xuân Huy, đùa, “anh Triều Hoa Đại rủ em và Lê Minh Hà sang Florida mà bảo chỉ bao ăn phở, không bao nước uống, nên kỳ này em đi Bolsa”. Đương kim chủ bút Văn Học lúc ấy trả lời “Ừ, thì sang đây. Thủy Quân Lục Chiến ngon hơn Bộ Binh. Tụi em sang đây, anh dẫn đi ăn phở, tô xe lửa. Và cho uống cả cà phê nữa”.

Lê Minh Hà không xin được visa, tôi đi một mình. Mấy anh em gặp nhau ngoài ngưỡng cửa quán cà phê Factory. Anh Huy nhìn tôi gật gù “trông cũng được đấy chứ”. Tôi la làng với anh, “em đẹp thế này mà anh chỉ bảo là cũng được”. Anh Huy hết gật, mà lắc. “văn thì hiền mà người thì xem chừng láu cá”.

Gì chứ bị chê láu cá tôi đâu có ngán. Ai gặp tôi mà không nói như vậy. Nên tôi cười. “Vì vậy anh phải nhớ lời hứa đấy nhé, nhớ cả phở lẫn cà phê đấy nhé”.

Hôm ấy tôi được chừng hơn nửa tiểu đội văn nghệ sĩ Bolsa dẫn đi ăn phở, uống cà phê. Ngồi nghe anh Hồ Thành Đức và anh Huy kể chuyện tiếu lâm cười muốn chảy nước mắt. Được một lát, anh Huy quay sang Nguyễn Nam An, bảo “con bé này hay đi nhà thờ, bắt nghe in ít như thế chắc đủ rồi”.

Nắng lên cao. Chưa kịp tan hàng, vợ chồng anh chị Nguyễn Mộng Giác và chủ bút Hợp Lưu nghe tôi tới, chạy ra. Và sau đó lại lục tục kéo nhau ăn đi trưa. Anh Huy hỏi quán nào, tôi bảo nếu như chưa lên ngôi thì đi Nguyễn Huệ, đã đăng quang thì qua Quang Trung. Tôi tiếp, quán nào cũng được, hôm nay em uống rượu với anh. Anh Huy cười, lắc đầu, anh bịnh quá, hết uống nổi rồi.Tôi láu cá, đã nghe có người kể anh bịnh, nên xạo xự trêu anh. Rượu ngon không có bạn hiền. Một hồi bị trêu quá, anh bèn nói lần sau em sang, anh hết bịnh thì uống không xỉn không làm người.

Tôi cười. Nghĩ bụng, cỡ tôi, đẩy chừng hai cái nắp đã xỉn. Lần sau anh hết bịnh chắc tôi phải đào hầm mà trốn anh.

Tôi nghĩ không ra anh bịnh. Càng không thể nghĩ anh bịnh nặng đến vậy. Tháng chín năm ngoái, anh réo tôi khi anh xuống miền nam bán cầu, “em đang ở đâu trên cái đất Sydney này vậy, ra mà dẫn anh đi ăn phở đi chứ”. Thật là trớ trêu. Tôi gào lên với anh, “em đang ở Mỹ”. Anh kêu, “ê, ê, chơi gì kỳ vậy. Anh sang đây còn em thì sang bên kia”. Tôi cãi, anh đi không chọn ngày em biết làm sao. Và tôi tiếp thôi cho tôi khất nợ anh một kỳ. Anh độ lượng ừ. Sau đó tôi hẹn tháng mười một khi về lại LA, tôi sẽ đến thăm anh. Anh lại ừ.

Anh đi, chẳng chọn ngày chọn tháng gì cả. Cũng không thèm thông báo cho tôi biết anh sang. Nên anh làm tôi mắc nợ. Thêm cái hẹn, tháng mười một năm ngoái xuống tới LA, chộn rộn rồi cũng không đi thăm anh.

Không thăm viếng. Không trả nợ trả nần. Tôi lại càng không tin nổi mình sẽ chẳng bao giờ còn có thể đưa anh đi ăn bát phở ở Sydney. Cũng không thể nào ghé lại Bolsa trêu anh, rủ anh uống rượu.

Tháng mười một năm ngoái. Tháng mười một năm này. Nhanh và ngắn như bàn tay mở ra đóng lại. Nhanh như anh lại lần nữa, lên đường không biết chọn ngày chọn tháng. Không kịp cả nghe tôi nói, em sắp ghé lại rồi…

 

Vĩnh biệt Cao Xuân Huy

Chúc Anh lên đường thênh thang

Trùng Dương

Nghe tin Huy đã ra đi sau vừa đúng một ngày một số thân hữu và tôi ghé thăm. Tôi không thấy buồn, chỉ nghĩ Huy cuối cùng đã thoát – thoát khỏi những cơn đau phải cần tới moọc-phin để tấn át chúng, song trên tất cả là thoát khỏi một cuộc sống nhiều truân chuyên của một thân phận Việt Nam, không chỉ cho những người đã thoát ra hải ngoại song còn nặng ưu tư về quê hương, mà còn cho cả người ở trong nước mặc dù đã 35 năm sau chiến tranh.

Tự dưng tôi nghĩ tới mấy câu trong bài hát của Ngân Khánh, “Một Mai Giã Từ Vũ Khí”:

Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn
Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi
Ngoài con tim héo em ơi!
Xin trả lại đây, bỏ lại đây
Thép gai giăng với lũy hào sâu
Lỗ châu mai với những địa lôi
Đã bao phen máu anh tuôn, cho còn lại đến mãi bây giờ

Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi
Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao …

Tháng Ba năm nào gẫy súng, tù đầy, nhưng không khuất tất. Trong những bài viết, đặc biệt qua vài mẩu chuyện vừa xuất bản, của anh không có hận thù, chỉ có tình thương và lòng nhân bản không biên giới, phe phái, là những điều sẽ tồn tại mãi với thời gian. Giờ đây Huy mới thực sự trở về quêcho một bắt đầu lại, một lên đường mới, tôi thích nghĩ như vậy, có lẽ một phần cũng vì hình ảnh nụ cười trong sáng của Huy dành cho các bạn vượt nạn kẹt xe của Nam Cali đến thăm Huy vào một buổi chiều.

Chẳng dè đó là lần chót.

Vậy chúc Huy lên đường thênh thang và sớm tìm được niềm an bình vĩnh cửu. Riêng với chị Minh và các cháu, tôi chỉ có một lời chia sẻ, đó là từ nay chị và các cháu sẽ không còn sợ mất chồng và cha nữa, vì từ nay linh hồn anh sẽ luôn ở bên vợ con.

(TD, 11/2010)

Chia sẻ

Phạm Quốc Bảo

Tối thứ năm, mùng 5. 11. 2010, tôi đến hội trường của cơ sở truyền hình SBTN & SET để họp mặt cùng với anh em bằng hữu và cựu đồng ngũ, hầu góp được phần nào sức lực cho nhà văn Cao Xuân Huy đang chống lại sự tàn phá của tật bệnh.

Liên tưởng về trước Bẩy Lăm, tôi còn nhớ đến Y Uyên (Ngựa Tía), Nguyên Vũ (Vòng Tay Lửa, Giặc Cờ Đỏ), và Phan Nhật Nam (Mùa Hè Đỏ Lửa, Tù Binh và Hoà Bình), mấy nhà văn viết về người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, họ cùng thời với tôi.

Trên hai mươi năm được sống ở ngoài này, tôi thấy trong số những nhà văn quân đội của QLVNCH cũ vẫn tiếp tục xuất bản được khá nhiều tác phẩm, có Cao Xuân Huy. Ông viết ít nhưng hầu hết truyện ông viết đều sắc nét và tràn đầy hơi thở lúc nào cũng nóng hổi của người lính đang chiến đấu tự vệ cho chính bản thân mình, cho gia đình mình và cho xã hội miền Nam, xa hơn nữa là để bảo vệ sức sống còn vươn lên được của cả một dân tộc, giữa thời đại đủ mọi thứ nhiễu nhương.

Với tôi, ngay lúc này, Cao Xuân Huy là một người lính viết văn xúc động nhất.

Cao Xuân Huy mất vào chiều ngày thứ sáu, 12 tháng 11. 2010, sau khi người ta vừa làm lễ Veterans’ Day.

Giờ Ông đi

Cao Phú Vang

Không có anh Huy” râu” nơi bàn cà phê sát mé hiên ngoài. Bàn đó, nơi ngồi quen thuộc của dân nhà binh tôi vẫn thường thấy mỗi cuối tuần khi đến đây. Bước qua, đưa bản nhắn tin in được từ internet không đúng người sợ kẹt. Mấy ổng bên TQLC tưởng tôi xạo, vẽ chuyện làm tiền thì hết chỗ ngồi yên ở quán này săn tin, nghe chuyện văn nghệ, văn gừng, và “văng” đủ thứ. Tôi đang ở cà phê Factory, nơi đi vào quán trai gái đều run chân vì đám ngồi uống hiên ngoài “địa” quá, ồn ào quá, hút thuốc nhiều quá! Hai trang giấy in từ internet tôi giữ cả mấy tháng. Một anh thương phế binh dân tiểu đoàn 5 TQLC, cụt hai chân, còn ở bên nhà tìm chiến hữu. Anh ta bằng tuổi tôi. Những đứa có số quân bắt đầu bằng 75/ rồi thêm sáu con số XXX – YYY khác của lính “…đây cửa Việt khắc sâu tên người anh Thủy Quân Lục Chiến…” và dân ở đơn vị khác.

Nhiều lần đi uống cà phê tôi định mang theo, chuyển cho các anh bên kia. Bộ tư lệnh nhẹ tiền phương của TQLC với những ông cựu tiểu đoàn trưởng, pháo đội trưởng như bạn tôi nói đùa. Thằng Tâm, trung đội trưởng Cọp Biển cũng hay ngồi chung với họ. Thằng bạn ở lớp Vật Lý những ngày trở lại trường bên này. Thời gian sau không thấy bóng dáng nó. Hỏi anh Huy “râu” rồi hỏi thêm anh Phan Hồng Diệm bên đại đội Viễn Thám TQLC về nó mà tìm không ra. Tâm cao ngồng ơi! Mày đang lưu lạc về đâu nơi đất Mỹ mênh mông này!
Sáng nay tôi cũng liếc qua bàn riêng của các anh TQLC để tìm anh Huy “râu”. Không thấy Cao Xuân Huy dầu đã gọi báo trước qua điện thoại:
“Gặp ở Factory. Em giao cái này cho anh. Anh ở tiểu đoàn 5 TQLC?”
“Không phải.Tao, tiểu đoàn 4!”
“Vậy cũng phải đưa anh xem.”
“TQLC hả. Mày mang ra đó đi.”
Giọng anh náo nức. Tôi hiểu mà. Nghe tin đơn vị cũ ai không bồi hồi. Như tôi mỗi khi nhớ tới những Trung Hậu, Nguyễn Minh Chính, Bạch Lan Thanh, Phú, Đạt, Nguyễn Hữu Minh, Lâm Minh… Chờ một lúc rồi anh Huy cũng tới. Đưa bản in với lời nhắn cho anh rồi tôi chỉ qua bàn bên. Xúi ổng qua đó xin! Ổng gốc TQLC, mang tin này qua cầu cứu danh chính ngôn thuận hơn. Huy “râu”:
“Mày chờ tao. Tao qua bển.”
Tôi ngồi lại với anh Hồ Thành Đức, nghe ông anh kể chuyện tiếu lâm bằng giọng Quảng. Còn ai mà hơn được anh họa sĩ này những cuối tuần ở chỗ uống cà phê. Bàn nào có Hồ Thành Đức là có tiếng cười. Mười phút sau Huy “râu” trở lại.
“Được hai trăm đô rồi đó mày.”
“Đã thiệt!”
Với Huy “râu” thì “đã điếu” như ảnh thường nói.
“Bữa nào hội gởi về…”
Tôi cũng “đã điếu” thiệt:
“Cuối năm rồi cho anh kia bên nhà nghinh xuân. Cọp biển nhanh thật!”
Tôi định hỏi thêm là bút ký “Những Ngày Cuối cùng Ở Cửa Việt” tới đâu rồi mà sợ ổng nghinh. Đọc xong “Tháng Ba Gãy Súng” từ dạo nào, chưa đã nên muốn đọc thêm những ngày sống và viết của ổng. Hôm qua đọc được bài viết về ổng trong Sổ Tay Thường Dân, nhớ mình có viết được gì từ mấy năm trước. Thức dậy chừng sau nửa đêm, tìm ra được một đoạn gọi là truyện. Đọc lại, biết chữ nghĩa chưa tới nhưng thấy được vài nét thấp thoáng Cao Xuân Huy trong đó. Nên giờ này, 4:26 sáng, còn thức sửa, để giữ lại trong tôi. Đi bình yên anh Huy “râu”.
Mồng Một Tết Bính Tuất

Tạp bút của tro tàn

Ban Mai

Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gần đây bỗng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố. Thỉnh thoảng chúng lại ruổi theo sóng nước cợt nhả với con người.

Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ.

Dạo này tụi sinh viên ớn lạnh không dám xuống biển, chỉ ra hóng gió, tập thể dục. Tuần trước trong trường đã có người bị ngoạm cánh tay, cũng may cá mập chỉ nhá chơi rồi nhả ra nên vẫn còn nguyên vẹn, chỉ bị đứt gân nằm nhà thương một tháng. Sinh viên là lũ chực chờ có việc thì cười cợt, thi nhau chế diễu: mấy cô sinh viên mơn mởn bơi lội tung tăng cá mập không thèm đụng đến, lại nhè ông giáo dạy môn Chủ nghĩa Cộng sản Khoa học ngoạm một phát mất hồn, hẳn nhiên nó cũng biết lựa người ghê…

Loài cá còn như vậy, những âm hồn còn ghê hơn. Nghe đâu, mấy năm trước nhà trường đào móng xây cao ốc, người lãnh đạo cũ muốn xây tòa nhà cao nhất thành phố để khuếch trương “danh tiếng”. Thứ nhất dinh cơ, thứ nhì âm phần như người ta truyền dạy… nhưng đào mãi mà không đặt móng được, chủ thầu lo lắng mời các nhà ngoại cảm từ Hà Nội vào xem đất, nghe nói trúng Long Mạch và ngôi mã Hời. Cán bộ trong trường bàn nên tìm địa thế khác để xây vì trường còn nhiều đất, nhưng lãnh đạo cũ nhất quyết xây lên. Tinh thần hãnh tiến, hám danh phấn đấu chỉ một ngày… “rũ bùn đứng dậy sáng lòa!”.(1) Kết quả, cao ốc chưa xây xong ban giám hiệu đã sụp ngay tức khắc. Ụp như trứng tươi rơi vỡ trên sân trường. Vậy mới nói dân Tây Sơn hào kiệt, đất linh kiệt của áo vải cờ đào, người Tây Sơn bốn lần vào Gia Định, ba lần ra Bắc Hà, lần nào cũng kinh thiêng động địa, Nam-Bắc nể vì…. Trường nổi tiếng cả nước, báo chí liên tục đưa tin cán bộ trong trường đấu tranh chống tham nhũng và những gì xấu nhất, cần che đậy của một guồng máy bỗng phơi bày cho thiên hạ ngắm. Ngày ấy, Trường như một chảo lửa, mấy ông ở Bộ Giáo dục vào giải quyết ngày trước ngày sau phóng về ngay. Thầy cô trong trường thì kháo nhau “Ma Hời ám”. Các trang web thì khỏi nói, tới tấp những thông tin nóng hổi từng ngày.

Thông tin nóng hổi từng ngày, như ngày xưa những giấc chiều chị em tôi trông ngóng từng chuyến xe thư đem báo và truyện từ Sài Gòn về nhà sách chú Thiện. Lũ trẻ chúng tôi thích qua phụ giúp chú xếp báo và đọc “ké” tiểu thuyết. Tôi thích mùi thơm mực in và giấy mới.

Sau năm 1975 — ngôi nhà bỏ hoang, những giá sách trống trơn, tôi thường ghé nhìn qua khe cửa gỗ tiếc nuối nhà sách hoang phế. Sách là phẩm vật của trời trao tặng con người, giúp con người lưu trữ ký ức và suy nghĩ mà ảnh chụp không giữ được. Sách biến mất là phần hồn của con người biến mất. Chính vì hiểu nên người ta đốt đi không luyến tiếc, vì phần hồn cũ không thể cải tạo chỉ có thể xóa. Tôi đứng nhìn qua khe cửa tuổi thơ từng ham mê sách truyện Sài Gòn của mình cũng hoang phế như nền gạch bông phẳng lặng. Sự trống vắng loang rộng ra mãi như mất mát một điều gì đó mà mình không bao giờ có nữa. Văn học miền Nam có biến mất thật không?

Một lần tôi bắt gặp chú mèo hoang nằm trên chiếc ghế gãy. Chú mèo mướp giương mắt nhìn tôi khi nghe tiếng động. Ánh mắt của loài linh miêu thường long lanh trong bóng tối. Ánh mắt sáng, không âm thanh, quan sát tôi đang nhìn qua khe cửa. Chúng tôi im lặng nhìn nhau hồi lâu, cho đến khi đôi mắt dịu lại, lim dim tư lự, rồi vụt thảng thốt phóng đi khi nghe tiếng nói của vài bóng người đi qua. Có lẽ cũng như tôi, con mèo mướp đang nhớ người chủ cũ của ngôi nhà. Đã chứng kiến con người đối đãi với nhau, nên con vật đâm hoảng sợ những bước chân nện thình thịch ít an lành.

Không hiểu vì sao nhiều năm sau khi nhớ đến nhà sách chú Thiện bỏ hoang, tôi lại nhớ đôi mắt con mèo ngày ấy. Cùng một dáng vẻ của ánh mắt u uất như người lính Cộng hòa ngồi ở vỉa hè nhà tôi đầu những năm 80. Ánh mắt đăm chiêu tư lự, nửa lạc lõng, nửa sợ sệt, đầy cô đơn chỉ dám ánh lên một chút tinh anh trong bóng tối khi không ai nhìn. Nhiều đêm đi học về, tôi thường thấy một người đàn ông ngồi dựa tường bên góc tối trước hiên nhà, cây nạng gỗ kề bên. Trời về đêm thật lạnh. Gió biển thổi hơi mưa còn chưa tan quất lên lề đường hãy còn những vũng nước đen. Tôi đưa ông trái bắp luộc mẹ để phần rồi ngồi xuống cạnh ông, chú ăn đi, nhà con không còn cơm. Ông lắc đầu cảm ơn, ông nói ông không còn răng! Hôm sau, ba đi rừng về, tôi kể chuyện, con thấy ông ấy mặc đồ rằn ri Thủy Quân Lục Chiến. Ba nói chắc lính đi cải tạo mới về. Mẹ nghĩ có thể là thương phế binh… Ba buồn rầu, cũng một kiếp người như nhau.

Tôi có một người thầy từ năm lớp 9, thời gian đã lâu, nhưng đến bây giờ tôi vẫn thường xuyên đến thăm. Có chuyện gì tôi cũng đến tâm sự và nghe những lời khuyên. Mới đây, thầy gọi, em rảnh đến nhà thầy, thầy có vài bạn già muốn gặp. Ngạc nhiên, tôi đến. Thầy giới thiệu, đây là những thầy giáo ngày xưa trước 75, có người là thầy của thầy nữa, lâu ngày họ về miền Trung thăm. Tôi là học trò của thầy, mà họ lại là thầy của thầy mình, vậy họ là bậc kính nhi viễn chi của tôi. Những giọng cười hào sảng lâu rồi tôi mới nghe, trong tiếng cười làm như còn vang vọng âm hao của một thời kỳ đã mất.

Người muốn gặp tôi là ông già này, tôi kinh ngạc – ba của Thảo – cô bạn học cùng lớp cấp hai. Ba của Thảo gầy như bộ xương khô, gương mặt ngang dọc những nếp nhăn cực khổ. Ông cười không còn răng, tôi nghe nói ông bị đánh trong nhà lao rụng hết. Tôi nhớ một mùa hè cả phố xôn xao khi hay tin ông đi cải tạo về không biết làm gì nên đạp xích lô. Ba của Thảo là sĩ quan biệt phái dạy học ở trường Cường Để. Tôi nhớ một hôm trời bão, ông đạp xích lô chờ trước cổng trường. Tôi được “hưởng lây phúc xích lô” ngồi chung với Thảo vì ở gần nhà. Trường tôi học phải đi qua eo biển hồi ấy gọi là “eo nín thở”. Eo biển lúc nào cũng lồng lộng gió phần phật, gió đến trĩu cả tàu dừa. Sợ con bay xuống biển, ông đạp xích lô đi đón. Đạp ngang eo biển, mưa xối xả, sóng lớn lớp lớp dập vào thành đá tràn lên đường, chiếc xe chổng càng, hai đứa tôi run cầm cập ngồi trong xe bịt kín, chỉ có ba của Thảo còm cõi đứng trước càng xe hứng sóng và ráng kéo chiếc xích lô qua đoạn đường dốc đó. Tôi nhớ mãi tiếng sóng động và tiếng gió gào thét của đại dương, cả tiếng Thảo khấn vái cho ba đừng bị cuốn trôi và tiếng kin kít của bánh xe ba Thảo cố trụ mỗi khi sóng đánh tung lên bờ. Tôi nhớ mãi ngày Thảo khóc sưng mắt vì cha đạp xích lô ế khách, ngồi buồn ông làm thơ, bị cho là “phản động” cấu kết tuyên truyền cùng với nhóm bạn đạp xích lô như ông. Năm đó, cả thành phố rúng động vì khung án cao nhất dành cho người bị ghép tội là án chung thân. Chung thân ở vào lứa tuổi của họ là án chết, án tử đại hình vì còn gì nữa ngoài xà lim tăm tối, đã hết ánh mặt trời của cuộc đời.

Những phu xích lô giỏi Pháp văn, Anh văn, Quốc văn, Toán, Vật lý, Triết Tây đi cải tạo về thích làm thơ nên người dân thành phố lúc đó gọi vui là nhóm “Nhân văn giai phẩm Bình Định”. Một trong những bài “Phú xích lô” khiến ba của Thảo bị đi tù là như vầy:

Góc chợ đầu đường – Bến xe hè phố
Chẳng qua là gạo là tiền – Nào bởi tại căn tại số

……………….…..

Xem ngài:
Con người thanh lịch hào hoa – Tư chất thông minh tài bộ
Đã nhiều năm quan cách xênh xang – Cũng lắm lúc tù đày khốn khổ
Nghiệp xích lô dù rõ nét cu li – Cốt tiên tử vẫn còn nguyên phong độ.
Cà phê thuốc lá mỗi ngày hai cử giao duyên – Bằng hữu thi ca đôi tháng một lần hội ngộ.
Sớm nghêu ngao thấm giọng nhân tình – Khuya tỉnh tọa nhắp mùi thế cố.
Bốn giờ sáng ì è ì ạch kiếm mối mở hàng – Năm giờ chiều dạo quẩn dạo quanh đưa người lở bộ.
Cuốc xe đêm trúng mánh vẫn xuề xòa – Con khách kẹo trật trìa không phẫn nộ.
Định mức hai mươi đủ dù cho mõi gối chồn chân – Niên canh bốn mươi ngoài mặc kệ trầy khu rách khố.
Bánh xe lăn rổn rẻn xu hào – Cơn gió ngược lắc lư mông cổ.

………………… (…)….

Sá gì bọn đưa hơi đón gió một giọng hồ đồ – Bận chi thằng theo đóm ăn tàn mười phần béo bổ.
Bến khu hai khu một ấy mới cơ duyên – Trời tháng chín tháng mười thường hay bão tố.
Chị rỗi chợ xa khó tính, thích đạp nhanh hơn lá phủ cánh gà – Con buôn xe tải ngon xơi, ưa đậy kín lẫn đường quanh ngõ trổ.
Bực mình chú “bao căn” sinh sự bòn mót từng hào – Khốn kiếp tên điểm chỉ tham lam rình ôm nguyên vố.
Đồng tiền ướt đẵm giọt mồ hôi – Hạt gạo khô cằn hòn tủy đỏ.
Chân đạp đều lúc nhặt lúc khoan – Mắt quần đảo nơi này nơi nọ.
Cùng bạn cũ thường tựa lưng hè phố, luận việc đời câu “Tiết trực tâm hư” – Với đàn em hay gác cẳng thùng xe, bày lẽ sống chuyện “Tri tân ôn cố”.
Chợ Hoài âm Hàn Tín luồn trôn – Bờ Vị Thủy Tử Nha xách giỏ.
Ấn công hầu đâu chỉ để riêng ai – Cung vận mệnh vẫn còn chưa giũ sổ.
Cho hay: Bước đường cùng cũng có lúc nên danh –
Đừng thấy: đạp xích lô mà tưởng đồ bỏ xó.(2)

Ngày xưa Nguyễn Công Trứ cũng từng thao thức chí làm trai của người thất thế:

Ðã chắc rằng ai nhục, ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.(3)

Còn kẻ sĩ ngày nay?

Tôi không biết kẻ sĩ ngày nay nghĩ gì nhưng tôi thương những kẻ sĩ miền Nam thất thế, sau thời hậu chiến phải chịu bao điều cay đắng. Có những người tài giỏi nhưng không được lưu dụng, thất nghiệp họ ra đường bán sách cũ, đi xe thồ, đạp xích lô, bán bong bóng, về quê cày ruộng. Những người trí thức càng hiền lành thì càng thảm thương. Tôi yêu những người lính dầm sương dãi nắng giữ an ninh làng mạc, giữ cuộc sống an bình cho chúng tôi đi học, cho cha mẹ tôi đi làm nuôi gia đình. Họ trả giá thay cho những người bây giờ sung sướng. Thời thế thay đổi, họ lây lất sống mà không ai đoái hoài rồi họ chết đi không một nghĩa trang liệt sĩ, không bia tưởng niệm. May mắn sang được Hoa Kỳ thì họ cũng cực nhọc trăm bề vì tuổi trẻ họ đã cống hiến hết cho miền Nam. Ngày xưa, khi còn trẻ chắc họ không nghĩ gì xa vời mà giản dị khi dân lành nguy biến thì họ phải bảo vệ, phải lấy sức mình ra che chắn như ba của Thảo đã lấy tấm thân còm cõi của ông che chắn phong ba bão táp trên đoạn đường eo nhô ra biển để con gái đừng ướt mưa gió, đừng bị sóng cuốn xuống biển sâu, để Thảo và tôi có thể lớn lên tìm hạnh phúc của mình. Họ đâu ngờ mình chỉ là con tốt trên bàn cờ chiến tranh của các nước lớn.

Ba Thảo không chết, ông mang bộ xương còm trở về gặp tôi để trông thấy chút hình ảnh của con gái, nhưng nhiều người đã ở lại trong xà lim vĩnh viễn hay ở lại trong những bãi chôn sau trại cải tạo vĩnh viễn. Còn được phóng thích thì họ còn gì ngoài thân phận xích lô. Thân phận của những người lính bại trận là thứ thân phận còn sức, còn đạp, còn thồ. Đến khi hết sức là hết đạp, hết thồ và đành biến mất như xích lô đang dần biến mất trên đất nước tôi.

Cảm thông những người lính là điều tôi muốn viết, ngày tiễn Cao Xuân Huy về với tro tàn. Người lính bên này hay người lính bên kia, với tôi họ là người Việt Nam.

20/11/2010

———-

(1) “Đất nước” Nguyễn Đình Thi.

(2) “Phú xích lô” của T.T.G.

Những đoạn để trống…….…..(…) …người viết không còn nhớ.

(3) “Chí làm trai” của Nguyễn Công Trứ

 

 

Two years

Bea Nguyễn

California, Saturday, November 3, 2012

Dear Daddy,

It’s November again and, just like last year, I am reminded of you a bit more (which seems impossible as I think about you everyday). I guess it’s just that November makes everything sadder and the weather turning ever so slightly cooler makes the longing for your presence more noticeable for some bizarre reason. The day you died was warm-ish, the days of your funeral were colder. You have been gone for two years now but it feels like just yesterday that we were driving up to UCLA for your appointments.

Over the past two years, all I can do is remember the last few months of your life, I guess losing you is still pretty fresh as I can’t seem to conjure up many memories of you before you had gotten very ill. I hate that. I’m hoping this will change in time. For now, all I can do is remember life as it was between February through November of 2010. It is painful and it makes me more sad than I have ever felt about anything in my life but I cherish that time that I had with you and I am grateful to have been there with you through it all. All I have now are my memories of those last months and even though it is almost unbearable to think of sometimes, I hope I don’t forget any of it because I learned so much just from watching you go through that hell and coming out of it with so much dignity.

Here is what I remember:

Getting up at 4am many mornings to pick you up to go to UCLA

That one morning it was raining outside– you were already so frail at that point– and you waiting for me in the rain, you could hardly walk but you hurried as much as you could to get into the car (you didn’t give me time to come out and help you)

Setting 15 minutes timers on my phone to remind you to drink that chalky stuff for CT Scans… all those CT scans.

Going to Manhattan Beach to that one god awful center for multiple MRIs. The male nurse/technician guy who was a total jerk who had called me into the room to talk to you about possible shrapnel in your body that might affect the MRI. I just remember him being kind of hostile and you sitting there quietly in your hospital gown. I remember explaining everything to him, how you had plenty of MRIs prior to this one and that it would be fine, leaving you there with him and then walking outside to hide behind the building to cry… I couldn’t stop crying.

Driving home from treatment that one day we were both so hungry that we ate all of the sour candies I had in my car, even though you hate anything sour. This was when you still wanted to eat, but then, of course, you ate almost nothing when we met mom for lunch.

Having lunch with you at the restaurant after treatment where the pretty owner recognized you by your voice. (my dad used to contribute to radio programs) I could tell you were very pleased with that– nothing like a pretty lady making you feel like a celebrity. 🙂

Overhearing Dr. Chmielowski speaking to a resident doctor about how your chemo (with an experimental drug we had signed up for) was no longer working and that he would try one last thing for you (Taxol)

Bloody noses, I still keep a tissue that you left in my car after getting a bloody nose. I know it’s creepy but I can’t throw it away.

Nausea

Ginger Tea

You sitting by yourself in your office area, watching TV while mom was at work.

Mom said when you had gotten too sick to work, you would drive around the neighborhood just to get out of the house.

The last morning we went in for chemo and your  bloodwork came back abnormal… something about bilirubin….

Having to drive from Westwood hospital to Santa Monica for emergency CT scan to verify that the cancer had basically just exploded in your liver and that it was over

The homeless man that they brought in while we were waiting, how he smelled of urine, and discussing how it was so sad that he had ended up like that

You closing your eyes, in the hospital bed, maybe pretending to sleep? But I could sense that you were worried or thinking about the fact that it was basically over

The look on Dr. Chmielowski’s nurse when we told her that we didn’t have to schedule anymore chemo appointments

Talking to you on the way home that day about treatment ending and preparing for the inevitable, you said you were ready to die when you fought in the war and that all these years since then have been “a bonus”

Trying not to cry, having nothing left to say on that drive home and holding your hand…. I think about that car ride all the time.

The day you died, I think you were long gone hours before. That morning, you had moved from your hospice bed onto your own bed, where mommy was sleeping. You probably knew. That was a horrible day. I can’t stop thinking about it. It was horrifying and sad. I try not to think about it but the most random things remind me of it at some point everyday. You were so strong, daddy. I can’t imagine the pain you endured over the last few weeks of your life but you never complained, you just got through it… quietly…. that was hard, too, how you spoke less and less…. but you always smiled if we would say anything to you. You were stronger than I think I could ever be. Such a badass; I guess that is what I will take away from these memories that keep cycling in my mind until I can start remembering you as the man you were before the cancer.

I feel you everywhere even though I don’t really believe in ghosts or an afterlife, really.

I miss you, you are always with me.

i love you,

be

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search