T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 24)

 

Chữ nghĩa thập niên 20

Lá hồng – Hầu Kế Đồ khi đứng trên lầu chùa Đại từ, thấy một lá ngô đồng rơi trước mặt, trên có một bài thơ. Sáu năm sau Kế Đồ lấy Nhâm thị . Một hôm ông ngẫu hứng ngâm bài thơ kia, Nhâm thị nghe thấy lấy làm lạ và bảo rằng: thơ ấy chính nàng đã làm ra.

Vì vậy lá hồng hay hồng diệp là lá đưa duyên thành đôi lứa.

(Phan Mạnh Danh – Vần Lục Ngữ)

Ca dao hình như…không đúng lắm!
Trong chuyến về quê thăm họ hàng tôi được nghe ông chú và mấy người hàng xóm nói chuyện mùa màng năm nay được mùa, chuyện nổ như bắp rang. Nào là…
“Tháng chạp là tháng giồng khoai,
Tháng giêng giồng đậu, tháng hai giồng cà.
Tháng ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng.
Ai ai cùng vợ cùng chồng,
Chồng cày, vợ cấy trong lòng vui thay!
Tháng năm gặt hái đã xong,
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy…”
Bất ngờ, một bác chép miệng: “Nghe kể chuyện nhà quê… tức bỏ mẹ! Để tôi mách ông Thần Nông xem ông ấy phân xử ra sao! Tháng tư các bố mới làm mạ, thế mà tháng năm đã gặt hái xong rồi. Lúa nào mà lớn nhanh như… thánh Gióng vậy?”.
Tôi chột dạ. Tôi bối rối nhưng lại nghe một bài khác:
“Tháng giêng chân bước đi cày
Tháng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng.
Thuận mùa lúa tốt đằng đằng,
Tháng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà.”
Bác lúc nãy lại cười hô hố: “Mấy ông làm ruộng như thế thì đổ thóc giống ra mà ăn. Tháng hai vãi lúa mà mãi đến tháng mười mới được gặt. Trồng lúa kiểu này thì có nước bị gậy, đi ăn mày. Không biết… tiên sư các ông… cũng phải suy nghĩ một tí chứ…
Tôi sốt ruột về để lật đống sách ra dò lại những điều đã học được. Ừ nhỉ… Rõ ràng…Ngày xưa, “Ruộng chia làm hai vụ: cầy cấy từ tháng năm, tháng sáu, đến tháng tám, tháng chín được gặt gọi là vụ mùa, cầy cấy từ tháng một, tháng chạp đến tháng tư, tháng năm năm sau được gặt gọi là vụ chiêm. Cũng có nhiều ruộng làm được cả hai vụ, có ruộng chỉ cấy một vụ, còn một vụ thì trồng màu” (Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục).
Ngày nay, “Vụ mùa gieo trồng vào mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu) và thu hoạch vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một). Vụ chiêm gieo trồng vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng (tháng năm, tháng sáu)” (Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt).
Thế mà, Tục ngữ, phong dao của Nguyễn Văn Ngọc, Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm, Phong tục Việt Nam của Toan Ánh, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan đều chép “tháng tư làm mạ tháng năm gặt hái đã…xong..
(Nguyễn DưChimviet.free.fr)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Không phải người đàn bà nào cũng đẹp, và không phải người đẹp nào cũng là đàn bà.

Nàng Tô Thị

Nàng Tô Thị ở núi Vọng Phu tại Lạng Sơn theo truyền tích:

Tô Thị người làng Tô Thị, xinh đẹp và đoan trang. Gần đấy có người học trò nghèo tên Đậu Kim Liên, học giỏi, hàng ngày đi học qua đem lòng yêu dấu và nhờ người hỏi làm vợ. Đồng thời cũng có đình trưởng Kỳ Lừa hỏi làm vợ lẽ. Nhưng Tô Thị lấy Đậu Kim Liên và mở cửa hàng xén ngay phố Kỳ Lừa để nuôi chồng ăn học. Đình trưởng đem lòng thù hận tìm cách bắt Kim Liên đi lính. Tô Thị lên núi hướng về phía Bắc ngóng chồng rồi hóa thành đá.

(Thiện Căn – báo Khởi Hành)

Cảm xúc trong thơ

Một hiện tượng rất phổ biến trong thơ:

Hoa giả có hằng hà những bài thơ cứ ngồn ngộn chữ, cứ lấp lánh mầu sắc và trầm trầm bổng bổng hơi nhạc nhưng lại rỗng tuyếch, không nói lên được điều gì cả. Nó ném xuống ao ào ạt lá vàng nhưng không làm cho người ta thấy được mùa thu. Nó khua động ầm ĩ nhưng không làm thành âm vang của tiếng hát. Nó dựng lên ùn ùn những khói nhưng không tượng hình nổi một làn mây. Nó có dáng dấp của hoa nhưng lại thiếu hẳn một làn hương.

Nó có tất cả, chỉ trừ một điều: Cảm xúc.

(Nguyễn Hưng Quốc – Tìm hiểu nghệ thuật thơ)

Truyện chớp – Chiến tranh

Thường, sau khi chết, linh hồn người ta còn lại nhưng thân xác thì mục rữa. Riêng hắn, sau khi tử trận vào tháng 4 năm 75, linh hồn đã tan mất nhưng thân xác thì vẫn còn.

Hiện hắn đang ở Mỹ, trông rất hồng hào.

Mỗi lần hắn đi khám bệnh, các bác sĩ đều bảo: “OK”.

Viết và nói tiếng Việt

Cuối năm 1979, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt. Bộ Giáo dục cũng thông qua một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục. Ngày 01/7/1983, Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ đã được ban hành và áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục. Khi tiếng Việt được thống nhất và chuẩn hoá, toàn quốc sử dụng chung một thứ ngôn ngữ theo một tiêu chuẩn, mẫu mực nhất định.

Hãy thử “rà xoát” một số từ dưới đây xem sao:

Tham quan: Đi thăm thì nói là đi thăm cho rồi, tại sao phải dùng chữ của người Tầu?! Sao không nói là “Tôi đi Nha Trang chơi”, mà phải nói là “Tôi đi tham quan Nha Trang”.

Tháng một; tháng mười hai: Hiện nay ở Việt Nam trong trường học họ không dạy học sinh “tháng giêng” và “tháng chạp” nữa. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn gọi tháng đầu năm âm lịch là “tháng giêng”, và tháng cuối năm là “tháng chạp”. Gọi là tháng chạp là do tháng cuối năm âm lịch có nhiều lễ, trong đó có lễ chạp. Ca dao đã có câu: “Tháng chạp là tiết trồng khoai Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà”

Giai thoại làng văn

Tự Ðức là ông vua có tinh thần bảo thủ, từ khước đề nghị canh tân của các sĩ phu, nhất là Nguyễn Trường Tộ, nên vận nước có chiều suy vong. Vua Tự Ðức chỉ là một nho sĩ thuần túy, có tiếng hay chữ nhất triều Nguyễn, ưa thích thi văn, ngâm vịnh.

Dưới triều vua, có ông Lê Ngô Cát là một danh sĩ, đã soạn một bộ sử bằng văn vần là “Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca”. Ông dâng lên vua Tự Ðức ngự lãm. Vua xem rồi ban thưởng cho ông Cát:

Vua khen thằng Cát nó tài
Ban một cái khố với hai đồng tiền

Việc ban thưởng này, có lẽ do chuyện bàn tán giữa các đồng liêu với ông Cát ở triều đình, nhưng lại lọt ra ngoài, nên dân gian đã có lời phẩm bình mỉa mai trên, cho rằng vua Tự Ðức không quí trọng văn tài của người khác.

(Phương Nghi – Tạp chí Tài hoa trẻ)

Trích…“Tập làm văn”

Đề: Tả đường đến trường.

Con đường từ nhà đến trường em dài 2 mét. Ra khỏi ngõ, em rẽ phải đi qua quán bà Xuân, rồi rẽ trái đến quán ông Vịnh là rẽ trái tiếp, đi thẳng là tới.

Văn học miền Nam từ 1954 đến 1975

Sau 1954, ở miền Nam có thể phân biệt hai lớp văn nghệ sĩ. Thế hệ đầu, gồm những người đã từng hoạt động và nổi danh từ tiền chiến hoặc trước như:

Hồ Biểu Chánh, Nhất Linh, Lê Văn Trương, Tam Lang, Nguyễn Vỹ, Đỗ Đức Thu, Vi Huyền Đắc, Phùng Tất Đắc, Vũ Bằng, Tchya Đái Đức Tuấn, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Đức Quỳnh, Đào Đăng Vỹ, Đỗ Thúc Vịnh, Tạ Tỵ, Lý Văn Sâm, Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc, Lê Văn Siêu, Thẩm Thệ Hà, Phi Vân, Phú Đức…

Các nhà thơ như Tương Phố, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bàng Bá Lân, Quách Tấn…Các nhà văn, nhà thơ trong thế hệ này không còn sức thu hút như trước mặc dù họ vẫn có mặt trên văn đàn; Nhất Linh với tờ Văn hoá ngày nay và hai tác phẩm giá trị Xóm Cầu Mới Dòng sông Thanh Thuỷ, Vũ Hoàng Chương vẫn làm thơ, vẫn được mọi người xưng tụng, nhưng dường như các ông đã bị thời đại và lớp trẻ đẩy lùi vào quá khứ. Đinh Hùng là trường hợp đặc biệt sự nghiệp thi ca bắc cầu giữa thời tiền chiến và chia đôi Nam Bắc, nhưng thơ ông mang dấu vết của thời lãng mạn, trở thành một giá trị “cổ điển”.

Sự hình thành nền văn học miền Nam nằm trong tay thế hệ thứ nhì, là những người bắt đầu vào nghiệp giảng dậy, viết biên khảo, sáng tác, ít lâu trước và phần lớn sau 1954. Chính họ là những người đã góp phần xây dựng một nền văn học, khác hẳn tiền chiến, họ đã phổ biến tư tưởng hiện đại của thế giới bên ngoài vào miền Nam.

Phía nhà giáo, triết Tây, như Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung, Phạm Công Thiện, Trần Bích Lan, v.v…Triết Đông như Nguyễn Đăng Thục, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Khắc Kham, Nghiêm Toản, Kim Định.v.v.

Phần biên khảo với: Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Đức, Lê Văn Lý, Trương Văn Chình, Đào Văn Tập, Phạm Thế Ngũ, Vương Hồng Sển, Thanh Lãng, Nguyễn Ngu Í, Lê Tuyên, Đoàn Thêm, Hoàng Văn Chí, Nguyễn Bạt Tụy, Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Văn Sâm…

Về thơ với Nguyên Sa, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Viên Linh, Hoàng Trúc Ly, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư, Vũ Hữu Định, Nguyễn Đức Sơn, Du Tử Lê, v.v….

Về văn, như Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Duy Thanh, Mặc Thu, Mặc Đỗ, Thanh Nam, Nhật Tiến, Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Đỗ Tấn, Nguyễn Mạnh Côn, Sơn Nam, Võ Hồng, Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Minh Đức Hoài Trinh, Nguyễn Đình Toàn, Chu Tử, Viên Linh, Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Vũ Hạnh, Y Uyên, Cung Tích Biền, Duy Lam, Thế Uyên, Lê Tất Điều, Nguyễn Thụy Long, Phan Lạc Tiếp, Thế Nguyên, Thế Phong, Diễm Châu, Thảo Trường, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Ngô Thế Vinh, Trùng Dương, Trần Thị Ngh, v.v…

Về phê bình văn học như Tam Ích, Cao Huy Khanh, Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, Lê Huy Oanh, Đỗ Long Vân, Đặng Tiến, Uyên Thao, Huỳnh Phan Anh, v.v.

(Thụy Khuê – Văn học miền Nam)

Ca dao và lịch sử

Hoạt cảnh quốc phá gia vong với triều đại nhà Nguyễn suy tàn:

Một nhà sinh đặng ba vua
Vua còn (Ðồng Khánh) vua mất (Kiến Phúc) vua thua chạy dài (Hàm Nghi)

(Phương Nghi – Tạp chí Tài hoa trẻ)

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search