T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 3)

 

Từ điển với tiếng Việt

Từ điển tiếng Việt của Văn Tân, Hà Nội định nghĩa:

Thôi – Từ biểu thị nhấn mạnh sự miễn cưỡng đồ ý hoặc chấp nhận điều được nói đến vì người nói thấy cũng khó có ý kiến gì thêm được nữa. Thí dụ: Cũng tốt thôi.

(Cũng tốt thôi. Những đã “tốt” sao còn “thôi” !?)

 

Hỏi nhẹ, ngã nặng
Phan Văn Hùm nổi tiếng về hoạt động chính trị, nhưng ông cũng là một nhà nghiên cứu nghiêm túc. Không biết ý kiến liên hệ thanh với nghĩa mà Phan Văn Hùm đưa ra dưới đây được phổ biến vào năm nào, trước hay sau bài nghiên cứu về tiếng Việt của Ðoàn Phú Tứ ở đăng báo Thanh Nghị năm 1942. Dù sao, hai ông mỗi người hiểu thanh “hỏi” và thanh “ngã” một cách khác nhau và dùng những ví dụ cũng khác nhau.

Vì giọng hỏi là một giọng gãy, nhưng mà dịu, nên chỉ những tiếng nào nó đã ghi là có nghĩa nhẹ, hoặc ngắn, hoặc nhỏ, hoặc dễ v.v.

Còn giọng ngã, vì gãy mà chìm, nói phải ráng đưa hơi từ trong ngực ra, nên chi những tiếng nào nó đã ghi là có nghĩa nặng, hoặc dài, hoặc lớn, hoặc khó, hoặc bền v.v.
Thí dụ, hai chữ mỏng mảnh không thể có dấu ngã được; còn những chữ nặng trĩu, dài nhẵng, phải đánh dấu ngã.


(Nguyễn Hiến LêKhảo luận về ngữ pháp Việt Nam)

 

Chích

Chích: chân gà hay giò (chân cẳng)

“Chích” còn là tên riêng của một tên ăn trộm thời Xuân Thu. Vì vậy có tên “đạo chích”, chỉ thằng ăn trộm…gà. Thế nên có câu “Chó ngươi đạo Chích sủa vua Nghiêu”.

Tiếng Việt dễ và…dễ thương

Sự khác nhau giữa con lợn và con heo
– Miền Bắc không nuôi…heo nhưng lại thích “nói toạc móng heo”

– Miền Nam không thấy…lợn lại ưa dùng “bánh da lợn”
– Con lợn đóng phim thiếu nhi: “Hiệp sĩ lợn”

– Con heo đóng phim người lớn: “Phim con heo”
– Miền Bắc trách cô kia “béo như lợn”

– Miền Nam quở chị nọ “mập như heo”
– Miền Bắc gọi đàn ông háo sắc là lợn nọc

– Miền Nam kêu đàn bà lang chạ là heo nái

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 

Mẹ tròn con vuông

Tại sao mẹ tròn con vuông?

Ngày xưa người Trung Hoa nghĩ trời thì tròn đất thì vuông. Thế nên những đồng tiền bao giờ cũng tròn, cái lỗ ở giữa bao giờ cũng vuông để tượng trưng cho trời và đất.

Bánh dầy, bánh chưng đời vua Hùng Vương do Tiết Liêu nấu để dâng vua cha cũng tượng trưng cho trời và đất .

 

 

Viễn phố

“Gác mái ngư ông về viễn phố”, câu này của bà Huyện Thanh Quan hẳn ai cũng biết nhưng có nhiều người hiểu lầm “phố” như “phố phường”.

“Phố” đây là “cửa biển”. Chữ Tầu “cửa biển” viết bằng chữ phố với bộ thủy bên trái.

(Duy Lý – báo Tự Do)

 

Chữ Quốc ngữ

Chữ Quốc ngữ được xuất hiện sớm nhất ở trong Nam :

– 1865-1897: Gia Định Báo, tờ công báo chữ Quốc ngữ đầu tiên xuất bản tại Sài Gòn, Trương Vĩnh Ký làm chủ bút từ năm 1869.

– 1866: Trương Vĩnh Ký cho xuất bản Truyện Đời Xưa.

– 1875: Xuất bản Truyện Kiều của Nguyễn Du do Trương Vĩnh Ký phiên âm và chú giải bằng chữ Quốc ngữ lần đầu tiên.

– 1880: Huỳnh Tịnh Của tức Paulus Của với Chuyện Giải Buồn.

– 1895: Huỳnh Tịnh Của xuất bản Đại Nam Quốc Âm Tự Vị. Giải thích bằng chữ Quốc ngữ và có chữ Nôm đi kèm.

– 1900: Báo Nông Cổ Mín Đàm ra mắt tại Sài Gòn.

(Mặc Giao – Văn hóa Việt Nam)

Bài thơ Thu Phong…

Bai thơ Thu Phong của Tản Đà nguyên văn:

Ngọn gió thu phong rụng lá vàng

rơi hàng xóm, lá bay sang

Vàng bay mấy lá năm già nửa

Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng

Ngọn gió thu phong rụng lá hồng

rơi tường bắc, lá sang đông

Hồng bay mấy lá năm hồ hết

Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông

Ấy vậy mà ông chủ bút báo bổ nào đó ở Hà Nội thời đó cắt béng đi còn bốn câu. Chưa kể những chữ “ngọn gió”, “rụng”, “rơi”, bị sửa thành “trận gió”, “rũ”, “bay” như dưới đây:

Trận gió thu phong lá vàng

bay hàng xóm, lá bay sang

Vàng bay mấy lá năm hồ hết

Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng

 

Tiếng Việt toàn thể

Nói toàn thể thì lời tự không cần phải có nghĩa chính xác.
Ví dụ 1: Ta không chia thì nhưng nghĩa của động từ không hề mơ hồ khi dùng trong câu. Nói “Nó đi rồi” là đủ nghĩa, không cần nói “Nó đã đi rồi”, trừ khi muốn nhấn mạnh.

Nói “Chừng này sang năm tôi đã ở Việt Nam” không gây hiểu lầm gì cả, không cần nói “Chừng này sang năm tôi sẽ đã ở Việt Nam”.

Ví dụ 2: Ta nói “Bạn tôi tên Sơn”, không cần nói “Bạn của tôi tên Sơn”, vì dù không có của thì cũng không ai hiểu lầm thành “Bạn tôi tên Sơn” hay “Bạn hoặc tôi tên Sơn”!

(Thu Tứ – Gocnhin.net)

Tầm chương trích cú

Chinh phụ ngâm bản chữ Hán có câu:

Phụ quyết hề! Cự hư

Bão lan hề! Thỏ ti

Hà nhân sinh tương viễn

“Quyết” là con đại thử. “Cự hư” là con hươu cao cổ.

(Hoàng Hải Thủy – Chín tầng gươm báu trao tay)

 

Văn minh

Văn minh là những tiến bộ kỹ thuật của con người. Người ta thường nói văn minh cơ khi, văn minh nông nghiệp để chỉ những tiến bộ về máy móc hay kỹ thuật cầy cấy.

Ta thường nghe nói: “Chúng ta thua Tây phương về văn minh kỹ thuật, nhưng chúng ta hơn họ vì có một nền văn hóa lâu đời”.

Để tránh sự lẫn lộn giữa văn minhvăn hóa, chúng ta có thể tạm định nghĩa như sau: “Văn minh là một phần của văn hóa, đặc biệt là sự tiến bộ của con người trong phạm vi kỹ thuật và những cải tiến vật chất”.

(Mặc Giao – Văn hóa Việt Nam)

 

Giọng ba miền Bắc, Trung, Nam

Giọng ba miền chẳng hẳn là dị biệt, chỉ là những sắc thái uyển chuyến do địa lý phong thủy mỗi miền. Cũng là cái mặn mà, song cái mặn mà của giọng Bắc đầm đậm như nước mắm nhĩ nguyên chất. Giọng Trung đậm đặc như thêm muối, thêm cay. Giọng Nam thì dìu dịu như nước mắm pha loãng đi và có thêm chua ngọt.

Cũng là ngọt ngào, song cái ngọt ngào giọng Bắc như của đường cát ngọt lịm, giọng Trung như mật mía ngọt sắc, giọng Nam như ngọt mát của đường phèn.

(Phụ đính: Ông Võ Phiến cho biết “ Ta có thể chịu hưởng của Tầu về văn hóa, tập tục. Nhưng món ăn thì tuyệt đối không, mỏi mắt tìm không ra một món ăn truyền thống của Ta mà có gốc từ Tầu.

Vì giản dị và dễ hiểu: “ Tầu ăn xì dầu. Ta ăn…nước mắm”).

(Đỗ Quang Vinh – Tiếng Việt tuyệt vời)

 

Mã tà

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là một nhân chứng của thời ky Pháp xâm chiếm Nam Kỳ. Văn thơ của ông ghi lại được nhiều sinh hoạt xã hội đương thời. Chẳng hạn như bài Hịch sĩ phu kêu gọi chống Pháp (vào khoảng năm 1875) có câu :

” …Vài kẻ toan đường mại quốc, xui mã-tà, ma-ní, loạn Trung Hoa nên thả tượng một ngả – Giận những người bày giả danh, dối rằng Nguyễn, rằng Lê, báo thiên hạ nghĩ nên rồng năm vẻ…”.

Từ điển của Huỳnh Tịnh Của chỉ nói đến “ma-tà”, nghĩa là người lính canh tuần, tiếng Mã Lai. Năm 1931, “mã-tà” trở thành người lính cảnh sát ở Nam kỳ, gọi theo tiếng Mã Lai – theo Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức.

(Vậy chứ “mã tà” hay “ma tà” đây!)

(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

 

Truyện cực ngắn: Huyền sử

Ông X.J. Kennedy, trong quyển Literature thường dùng ở năm đầu của văn chương Anh Mỹ nhắc đến một truyện cực ngắn của Thomas Bailey Aldrich chỉ dài độc có ba dòng:

“Một thiếu phụ đang ngồi trong căn nhà cũ kỹ, đóng kín, biết rằng chỉ có mình mình trơ trọi trên thế giới này. Tất cả đều đã bị tiêu hủy. Chuông cửa reo”.

Gần đây nhiều báo điện tử đưa ra thể loại truyện cực ngăn hay truyện chớp, như:

“Sử Việt cận đại: Sau khi 50 người đã lên núi, 50 người xuống biển, 50 người khác từ xứ sở xa xôi đến vùng đồng bằng bỏ hoang và sống mãi ở đó cho đến tận ngày nay”.

(Phụ đính:50 người khác”, ý tác giả là…Tầu)

 

Tiếng Việt dễ và…dễ thương

Hỏi: Em đọc qua một tác giả viết:

“Tôi đã bao năm sống lưu lạc theo bước chân phù lãng nhân. Và, hình như rất vô thường, tôi không biết từ bao giờ và vì sao đã vướng nghiệp dĩ âm nhạc và thi ca. Coi đó như cõi ngu lạc trường của riêng mình….”

Dạ thưa quý thầy và quý vị tiền bối nơi đây…”phù lãng nhân”“ngu lạc trường” nghĩa nó ra làm sao ạ?! Lạc trường thì may ra em còn ráng mà hiểu tí xíu. Đằng này máng thêm chữ “ngu” nữa thì em….ngu thiệt rồi clip_image003

Đáp: Thầy cũng…ngu luôn.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search