T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Vong gia thất thổ

ham nghi

Vua Hàm Nghi

 

Sau 50 năm trở lại Paris, không biết đi đâu…

Bởi chưng ngụp lặn trong cõi người ta với 50 năm thấy ngắn, nhưng dàng dênh tới nửa thế kỷ lại quá dài. Chẳng nhẽ học thói quân tử hiếu cổ của người Việt lưu vong tại Paris, gần đây họ thường hay tới thăm mộ phần Hàm Nghi ở làng Thonac. Hay họ tìm đến mồ mả Duy Tân ở nghĩa địa Passy trên đồi Trocadero.

Làng Thonac ở đâu? Chắc phải nhờ vả đến một người lưu vong ở Paris…

Căn nhà số 11 của người Nguyễn thị Cỏ May đây rồi, bước vào phòng khách có cái cầu thang xoắn ốc từ thời Louis 13 xoắn vòng vòng muốn chóng mặt. Ngỡ được ngồi phòng khách nói chuyện yên ba giang thượng sử nhân sầu thì chóng mặt thật, vì người dẫn thẳng tuốt ra vườn. Ra vườn, ngồi xuống bàn thì,…Thì đập vào mắt là bản du ký “Đi thăm mộ Nam Phương hoàng hậu” của người. Khi nghe phù lãng nhân tôi muốn tới làng Thonac thăm mộ vua Hàm Nghi. Người nói dón một công đôi việc thăm mộ Nam Phương hoàng hậu luôn. Thế là người ới taxi. In hịt như ở Mỹ, taxi là xe nhà, xe hiệu Citroen 2CV và “lái xe” là…đàn bà. Vì khi gọi taxi qua điện thoại, người cứ “oui” với “non” riết, nên nhà nào đó họ gửi “lái xe” đàn bà chăng?

Ngồi trên xe, tôi buồn môi ngứa miệng với người là chỉ biết Hàm Nghi qua ông Phan Trần Chúc. Đại thể Hàm Nghi lên ngôi khi mới 13 tuổi, trở thành vị vua thứ 8 nhà Nguyễn. Sau vụ thất bại tại kinh thành Huế, Hàm Nghi phát hịch Cần Vương. Phong trào kéo dài được 4 năm, Hàm Nghi bị bắt…Ông Phan Trần Chúc là nhà văn, là người viết tiểu thuyết lịch sử, nên truyện Hàm Nghi và Cần Vương của ông đầy rẫy chuyện rất hấp dẫn, như vùng rừng Quảng Bình, cư dân đồng Nghè, xã Thạch Hoá đào được kho báu Hàm Nghi có tới hơn 2 tấn (!?) tiền cổ. Năm thỉnh mười thoảng họ còn nhòm thấy cụ voi tên Quận Công của Hàm Nghi, da mốc meo, lưng còn đeo cái ngai rách bươm của vua đi lang thang trong rừng nữa mới rõ khỉ.

Nghe đến Hàm Nghi bị bắt…, người Cỏ May được thể mọt sách mọt chữ rằng:

Rằng cứ theo một bài báo cũ trích từ tuần báo Le Monde Illustré (số 1665 ra ngày 23-2-1889 tại Paris) nhan đề “Le Roi d’Annam” trang 118-120 do ký giả Jean Locquart tường thuật về việc người Pháp bắt giữ Hàm Nghi và đưa ông sang an trí ở Alger.

Vua An Nam (Le Roi d’Annam) :

Ông bộ trưởng bộ Hải Quân vừa nhận được tin mới nhất thông báo vua Đồng Khánh nước An Nam đã từ trần ở Huế ngày 27-1-1889 sau cơn bạo bệnh. Vua Đồng Khánh thọ 25 tuổi, lên kế vị em ông là vua Hàm Nghi ngày 19-9-1885, người đã được quan phụ chính Thuyết (Tôn Thất) đưa đi khỏi kinh thành sau vụ tấn kích ở Huế ngày 5 -7-1885. Hàm Nghi sau đó bị truất vị đã phải sống một thời gian khó khăn và không chấp nhận những đề nghị thoả hiệp cho đến khi ông bị biệt đội của đại uý Boulangier bắt được.

clip_image002

Một buổi chiều binh đội của viên đại uý được tin cựu hoàng lẩn trốn cùng với Than-Tat-Thiep (Tôn Thất Thiệp), con trai phụ chính Thuyết tại một làng hẻo lánh trong rừng núi cao nguyên Giai (?). Binh đoàn của Boulangier liền bao vây nơi nhà vua ở và khi cửa chính bị đạp tung ra thì thấy Thiệp đã thức giấc vì tiếng động của vụ tấn công, còn Hàm Nghi đang ngủ say ở bên cạnh. Cả hai người đều để gươm trần ở bên cạnh và trong tay có khí giới nhưng không chống trả được gì. Thấy chủ soái thất thế, và để tránh cảnh tủi nhục khi bị bắt đem đi, Thiệp toan đâm chết ông (Hàm Nghi), nhưng vì quân Pháp dự tính bắt sống nên lập tức nổ súng hạ gục Thiệp. Hàm Nghi phải theo đoàn quân đến một nơi đã định chờ ngày đưa ông đi an trí. Việc này thể theo ý nguyện của Đồng Khánh là cựu hoàng phải ra khỏi nước, và Algérie là quốc gia có khí hậu thích hợp nhất để tiếp nhận kẻ mới bị bắt. Hàm Nghi được đưa lên chiến hạm Biên Hoà, do thuyền trưởng Caillard chỉ huy, rời Hải Phòng ngày 7 tháng 12 vừa qua và vào cảng Alger khoảng 3 giờ chiều ngày chủ nhật 13-1-1889.

Làm như thấy ai trông khoai cũng vác mai đi đào hay sao ấy, thấy củ khoai “Đồng Khánh muốn Hàm Nghi lưu vong”. Thì phù lãng tôi đào sới với người trồng khoai Cỏ May rằng lịch sử là một quả cầu tròn, mỗi người nhìn một phía…Phía bị che lấp là Đồng Khánh đích thân ra Quảng Bình chiêu dụ Hàm Nghi về hàng nhưng không thành công. Vì vậy Đồng Khánh nói với người Pháp đưa Hàm Nghi đi an trí. Lại làm như ăn khoai môn ngứa miệng sao đó, được thể tôi đào sới thêm chuyện “Một nhà mà có ba vua: Vua còn, vua mất, vua kia chạy dài”. Câu ca dao này quá đọa về Thiệu Trị có ba người con làm vua: Kiến Phúc trị vì được 8 tháng thì mất. Hàm Nghi chống Pháp nên bị đi đầy. Đồng Khánh lên ngôi được hơn 3 năm thì bằng hà.

Ngồi trên xe đang hàn huyên chuyện “củ khoai”…loáng một cái đã tới vùng Dordogne. Chiếc xe Citroen 2CV lụm cụm như con cóc cụ lên đồi xuống dốc một hồi cuối cùng cũng tìm ra làng Thonac buồn như trấu cắn. “Lái xe” lái vòng vòng qua làng Sergeac ở bên cạnh tìm chỗ nghỉ qua đêm. Làng nào ở bên Tây cũng có nhà thờ cổ lỗ sĩ với con gà cồ đứng trên tháp chuông, cái cầu đá bắc qua con suối chẳng lớn hơn con rạch là bao. “Lái xe” lái xe tìm được…”quán trọ làng” cũng là quán ăn, ngoài cửa treo bảng gỗ hàng chữ “Auberge Castel Merle” và cái đèn bão đỏ. Trong khi Cỏ May vào gặp chủ quán, phù lãng tôi leo lên gác thăm thú phòng ngủ. Quán trọ có hai phòng ngủ, nực mùi ẩm mốc của gỗ thông, phòng có cái giừờng đồng cao lêu nghêu thuộc dạng Louis 15 hay 16 gì đấy. Cạnh giường có cái ghế thấp tè giống như ghế “con” ngồi nhặt rau muống của các cụ ta. Tôi đoán chừng có nhiều người Việt ta tới đây thăm mộ Hàm Nghi nên cần cái ghế để trèo lên giường cao nghệu. Dòm cái bồn tiểu cũng cao không kém, hàng quán để cái ghế “con” ở đây là đúng quá rồi chứ còn khỉ gì nữa.

Xuống quán ăn đã thấy Cỏ May ngồi ở đấy, bởi chuyến đi này là thăm mộ Hàm Nghi, tôi hành ngôn hành tỏi với Cỏ May rằng không thiếu những vua, quan, sư, hoạn quan, thầy bói, đàn bà con gái bị bắt hoặc đem đi cống và đã từng rơi vào cảnh “nước non ngàn dặm ra đi”. Nhưng ít ra những nhân vật của lịch sử đó cùng lắm chỉ lặn lội sang Tàu là cùng. Chưa có ai bị đưa đi xa tít mù khơi tới bên kia quả địa cầu như các vua nhà Nguyễn. Vì vậy gần đây có một loạt chuyện “Đi tìm dấu tích ba vua lưu đầy” trên mạng lưới với Nguyễn triều vong thổ là thế.

Sau khi cuộc khởi nghĩa chống Pháp thất bại, Duy Tân nhận cầm đầu cuộc khởi loạn nên bị truất phế và đi đày ra đảo Réunion (nằm giữa Ấn Độ Dương) cùng một chuyến tầu với cha là Thành Thái. Ở Réunion, Duy Tân ở một mình trên đảo (Duy Tân đưa theo đệ nhất vương phi Mai Thị Vàng, nhưng được 2 năm, bà đòi về Việt Nam, vì không chịu khí hậu ở đây), ít liên lạc với Thành Thái vì bất đồng quan điểm với cha. Vì Thành Thái nhất quyết cự tuyệt mọi quan hệ với người Pháp nên cũng sống cách biệt với con. Tiếp đến tôi bấm búi với những năm tháng lưu vong của hai cha con và những người đi theo làm gì, ăn uống ngủ nghê ra sao, có…nước mắm và cơm không? Bởi hình dung đến hai cha con Thành Thái, Duy Tân lẩn quẩn bên ven đảo bắt ốc, câu cá, trên là trời, dước là nước thấy quạnh quẽ chi đâu! Thêm một lần, người Cỏ May mọt sách ăn giấy qua cô Amandine Dabat, là con của công chúa Như Lý, cháu ngoại Hàm Nghi. Hiện cô đang làm luận án tiến sĩ về cuộc đời và sự nghiệp của ông ngoại cô tại Sorbonne. Cô cho biết, đi theo ông ngoại cô có một thông ngôn, một người hầu, một đầu bếp.

Và chuyện là:

Là khi tới Alger (Algérie), Hàm Nghi được toàn quyền Tirman của Algérie và đại uý Henri de Vialar tiếp đón. Ngày đầu tiên Tirman đãi tiệc, Vialar được lệnh tìm nhà cho ông. Ngôi nhà có tên là “Biệt thự cây thông” (Villa des Pins), ở El Biar, trên một ngọn đồi cách Alger 5 cây số.

clip_image004

 Villa des Pins

 Những năm đầu tiên, Hàm Nghi sống trong ngôi nhà mà người Pháp thuê cho. Chỉ sau khi kết hôn với một phụ nữ Pháp, họ mới xây một ngôi nhà có tên là Biệt thự Gia Long (do kiến trúc sư Guiauchain thiết kế). Mục đích của chính phủ Pháp khi đưa ông đến Alger, trước hết là Hàm Nghi vẫn là người kế nghiệp và vẫn có thể kế ngôi nếu Đồng Khánh băng hà.

clip_image006

Chân dung Hàm Nghi những năm tháng cuối cuộc đời lưu đày.(Ảnh tư liệu gia đình)

 Tôi đang cách rách với quân vương 17 tuổi được ăn cơm Tây. Chả hiểu quân vương vật vã với ”phóng-xét”, “cùi-rìa” vất vả thế nào. Vừa lúc chủ quán bước ra giới thiệu quán có món “Poulet de Bresse”. Thế là tôi ới cái Coq au vin và chả thế thiếu món foie gras và rượu vang vùng Domme. Còn người Cỏ May làm đĩa sa lát vì…ăn chay. Cơm nước xong, bước lên cái ghế “con” để chẻ rau muống của người Việt ta trèo lên cái giường đồng Louis 15 hay 16 của Tây để ngủ. Tôi trộm nghĩ mình là một trong những người Việt tới làng Thonac thăm mộ vua Hàm Nghi nên thể nào mai này cũng căng óc nặn chữ vặn óc véo câu những gửi gấm gì ấy.

Ấy mà sáng hôm sau, “lái xe” còn ngủ, Cỏ May đã láp ngáp rủ phù lãng nhân tôi qua làng Sergeac. Vừa thả rong nghe chim rừng hót líu lo, ngắm gà đi bộ…đi bộ, Cỏ May vừa cho tôi hay làng Sergeac có Chateau de Losse của hoàng tộc nhà Nguyễn khi xưa.

clip_image008

Chateau de Losse

Vì Thonac là quê vợ nên ông bà đã mua Chateau de Losse lúc sinh thời. Rồi ăn mắm ăn muối gì chả biết nữa, khi không tôi quắn quả tới đám cưới của vương quân Hàm Nghi.

Mặc dù…ăn chay, Cỏ May được thể ăn mòn bát vạt đũa chữ nghĩa thiên hạ thế này đây…

Hàm Nghi đính hôn với Marcelle Laloe, con gái của ông Laloe, Chánh án toà Thượng Phẩm Alger. Buổi sáng hôm ấy, từ Biệt thự Rừng Thông, ông lên xe song mã đi thẳng đến nhà Chánh án Laloe ở trung tâm thủ đô. Ông với áo quần dài và khăn xếp đen bước xuống xe đón Marcelle từ tay thân phụ và rước người yêu lên xe đến nhà thờ làm lễ cưới. Cảnh tượng ông vận áo dài đen, đầu quấn khăn đen, cắp bên mình một cô đầm Pháp mặc áo cưới trắng, trắng muốt ngồi trên xe song mã đã làm xao động phố phường Alger.

Trong suốt 40 năm chung sống (1904-1944), theo lời kể của công chúa Như Lý, hai ông bà rất hạnh phúc.. Mặc dù chả bất thế kỳ nhân nhưng tôi chắc như bắp luộc Như Mây là “Như Mai” vì cô em là…Như Lý. Vì các cụ ta xưa đặt tên cho con với câu “Mai, Mơ, , Mận mặn mà cả cả tư”. Với tư là 4, ông lên ngôi năm 1884, bà cũng sinh năm 1884, Vị quân vương lập gia đình năm 1904, 40 năm sau, Hàm Nghi mất năm 1944. Tôi xoi xói như thầy bói múc cuộc đời ông nổi trôi cùng một dòng sinh mệnh với…số 4 với tứ hành xung, mất cái này, được cái kia

Làng Thonac chỉ có khoảng 500 cư dân, nơi Như Mai đưa hài cốt cha mẹ mình từ Alger (Hàm Nghi qua đời vì bệnh ung thư dạ dày được an táng trước ở vườn biệt thự Gia Long) về quê ngoại chôn cất năm 1965. Tôi vào nghĩa trang, đi tìm những mộ to, cứ nghĩ mộ vua phải lớn. Tìm hơi lâu mãi không thấy nên hơi lo, bỗng Cỏ May từ xa kêu đã tìm được mộ. Bia mộ bị thời gian soi mòn, rêu phong mọc trên lớp đá vân cẩm thạch, nhưng vẫn nhìn ra 4 hàng chữ:

clip_image014

Tên họ Hàm Nghi (và tên thánh)

Quốc vương An Nam

  Sinh tai Huế 1871,

  Mất tại Alger 1844.

Cỏ May nom ròm mộ bia (xem mộ Hàm Nghi mới trang 9) rồi eo óc công chúa Như Lý có chồng là Công tước Labesse sống tại làng Chabrignac gần Limoges. Hai người sống ở lâu đài phía bên kia đường làng Chabrignac, cách nhà bà Nam Phương 500 m mà hai bên không bao giờ gặp nhau. Nhưng ngày bà Nam Phương mất, hôm ấy Như Lý cũng có mặt để tiễn đưa. Khi Như Lý nằm xuống, cả hai nằm chung một nghĩa trang làng. Như Lý nằm ở phía trái từ cổng vào, bà Nam Phương nằm bên mặt. Cách nhau theo chiều ngang chừng 50 m. Cỏ May rù rì không biết giờ đây hai bà đã gặp nhau chưa? Gặp nhau chưa là nói cho có chuyện vậy thôi, bởi Hàm Nghi, Duy Tân, Bảo Đại có gặp nhau trên đất Pháp bao giờ chăng?

Trăm tội chỉ vì mấy cụ vua nhà Nguyễn lấy quá nhiều vợ, sinh con nhiều quá (Minh Mạng 78 con trai, Thiệu Trị 29 con trai). Thêm hai ông vua bất lực (Tự Đức, Khải Định) nhận cháu làm con nuôi nên mới rách chuyện. Chỉ có một cái ghế cũ sì mốc meo mà con nuôi, con đẻ, bác, cháu thay nhau trèo lên trèo xuống đến chóng mặt. Chỉ tội cho người đọc sử thời “Nguyễn Mạt” cứ lộn tùng phèo cả lên. Lạ một nhẽ sử ta có Lê Mạt, Trần Mạt, người đọc sử chả thấy hai chữ…Nguyễn Mạt đâu? Có thể trong Việt Nam sử lược của cụ Sử thần Trần Trọng Kim thời Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, cụ Sử thần quên chăng? Dám lắm ạ!

Trên đường ra cổng nghĩa trang, bị bí rị bởi mộ bia Hàm Nghi không ai ngó ngàng tới. Phù lãng nhân tôi lễnh đễnh với người Cỏ May khi nào về lại Paris sẽ đi thăm mộ phần Bảo Đại được chôn cất tại nghĩa trang Passy thuộc hạt Trocadero Paris 16e, nơi chôn cất nhiều nhân vật thành danh như Tổng thống Alexandria Millerand chẳng hạn. Ông không tiền và cũng không có thế lực để được chôn cất tại đây,…đây là sinh phần của một thương gia giàu có ở Paris, rất kính trọng cựu hoàng, khi nghe ông qua đời đã hiến phần đất này cho ông (xem mộ Bảo Đại mới trang 7). Rôi tôi lụi đụi tới Nguyễn Phước tộc, một thời um thủm với bà đầm Monique Baudot và Bảo Đại, chả hiểu họ có ngó ngàng tới mồ mả Bảo Đại hay Ham Nghi không?

Hay nói khác đi: Hàm Nghi là môt ông vua bị lãng quên bên bờ lịch sử như Thãnh Thái và Duy Tân. Thế nên đã có một nữ tác giả đã lặn lội Đi tìm dấu tích ba vua lưu đày. Vĩ vậy phù lãng nhân tôi mới bòn mót bài phiếm sử Vong gia thấy thổ này đây.

***

Đi tìm dấu tích ba vua lưu đày.

Thành Thái lên ngôi năm 1889, khi mới lên 10. Khác với các vì vua trước, ông học tiếng Pháp bên cạnh Hán văn, cắt tóc ngắn, mặc âu phục và làm quen với vǎn minh phương Tây. Nhưng ông chống Pháp qua những hành động không mấy phục tòng người Pháp, nên không được phía Pháp ưa, vì vậy họ tìm cách triệt hạ. Vào ngày 29-7-1907, vì không chịu phê chuẩn việc bổ nhiệm một số quan lại đã được khâm sứ Lévêque, ông bị Lévêque truất quyền. Ông từ chối thoái vị, theo thỉnh cầu của quan lại triều thần An Nam. Năm 1916, ông cùng với con trai là Duy Tân, bị đầy ra đảo Réunion, một hòn đảo nhỏ nằm trong Ấn Độ Dương thuộc Pháp.

Cựu hoàng Thành Thái sống khá chật vật trên đảo Réunion và sống một căn nhà thuê ở thành phố Saint Denis tại đảo Réunion. Năm 1925, Khải Định biết tình cảnh ông, đã trích ngân sách gửi sang cho ông 1.000 đồng, rồi sau thỉnh thoảng lại cho tiền. Sau khi Khải Định mất, không còn khoản tiền đó nữa. Vào 1945, nhờ sự vận động của con gái và con rể (luật sư Vương Quang Nhường), cựu hoàng Thành Thái mới được cho về Việt Nam. Ông qua đời ngày 24-3-1954, và được chôn cất tại Huế. Khải Định mất, Duy Tân gửi trướng liễn phúng điếu:

Ông vội bỏ đi đâu, bỏ bạc, bỏ tiền, bỏ con, bỏ hát bội, bỏ hết trần duyên trong một lúc

Tôi nay còn lại đó, còn trời, còn đất, còn non, còn anh hùng, còn vận hội giữa năm châu

***

Chuyện sau này tôi mới biết trong 55 năm lưu vong, Hàm Nghi đã trở thành một hoạ sĩ và một nhà điêu khắc. Tác phẩm của ông đã được trưng bày năm 1926 tại Paris. Tất cả bằng vào tờ trinh của viên thông ngôn Trần Bình Thanh gửi cho toàn quyền Pháp Tirman: Ông đại uý de Vialar tới xem và thấy những phác hoạ của Hàm Nghi, tuy không theo trường phái nào của hội hoạ Âu châu, nhưng rất có nét nên de Vialar đưa hoạ sĩ Marius Reynaud tới để dạy hội hoạ cho ông. (hoạ sĩ Reynaud theo trường phái phương Đông, khi ấy đang sống tại Alger)

Thế là ông say mê lao vào hội hoạ. Mỗi tuần, Reynaud (giải nhất Roma) tới dạy hai lần, vào thứ ba và thứ sáu. Mười năm sau, ông sang Paris xem cuộc triển lãm của Eugene Henri Paul Gauguin, tranh của ông chịu ảnh hưởng Gauguin từ đấy. Năm 1904, ông học điêu khắc với Auguste Rodin và điêu khắc gia Aristide Maillot. Nếu như con người thường vắng mặt trong các tác phẩm hội họa của ông vì ông có khuynh hướng vẽ phong cảnh, thì trong điêu khắc, ông tìm cách thể hiện những khuôn mặt phụ nữ Tây phương, qua những bức tượng bán thân. Tuy nhiên nói vãi thì lại nói vơ, tôi vơ bèo vạt tép ngẫu sự nào ông chịu ảnh hưởng Gauguin? Có thể vì cuối đời Gauguin sống Tahiti, khoảng thời gian này, tranh phong cảnh, người và màu sắc của Gauguin rất gần gũi với phương Đông. Lại nữa, có thể ông chịu ảnh hưởng Gauguin qua bức tranh nổi tiếng có cái tên đầy ấn tượng là: “Chúng ta từ đâu đến – Chúng ta là ai – Chúng ta đi về đâu”. Và có thể đó cũng là khắc khoải của ông trong những ngày tháng lưu vong.

Qua văn chương ông có những mối giao tình gần gũi trong giới văn học nghệ thuật Pháp.

Tiểu sử về ông được văn học Pháp ghi chép: Nhà thơ Pierre Louys là người đã giới thiệu ông với nhà văn nữ Judith Gautier, bà là một nhân vật nổi bật trên văn đàn thời ấy. Bà viết tiểu thuyết, làm thơ, dịch thơ Đường và nặn tượng…Điều ít được biết, là khi quen biết ông, bà đã sáng tác một truyện ngắn mà chủ đề là cuộc chiến của Hai Bà Trưng. Truyện ngắn này đã được đăng trên bán nguyệt san “La Revue de Paris” (số đề ngày 15-12-1897). Bà làm nhiều bài thơ về “Ông hoàng An Nam” (Le Roi d’Annam) và bà…”điêu khắc chân dung” ông. Một bài thơ dài, rất dài, nói lên tình cảm và sự trân quý đối với ông qua hai câu tiêu biểu: “Ôi, quân vương niên thiếu lên ngôi – Rồng quằn quại dưới thềm, hấp hối”. (theo nguồn khác Judith Gautier là người tình của Hàm Nghi, số thư hai người trao đổi 93 lá thư giữa năm 1900 và 1916)

Trong cuộc gặp gỡ năm 1902, bà Sepkina-Kupernhic kể lại rằng ông đã thố lộ những điều mà ông đã và sẽ không nói với ai, những điều ông dồn nén trong lòng và chỉ đợi dịp trào ra: “Đó là mục đích cuộc đời của ông…”. Theo sử gia Fourniau: “Không ai biết ông đã ghi chép những gì trong hơn nửa thế kỷ lưu đày, điều đó mãi mãi sẽ là điều bí ẩn”. Tất cả ghi chép bằng chữ Nho và cất trong một cái hòm, một ngày kia cái hòm đã bị cháy. Ông không được may mắn như Duy Tân viết văn, làm thơ đăng trên các báo Pháp như Le Peuple, Le Progrès, và đoạt giải nhất văn chương của Viện Hàn Lâm Khoa học và Văn chương của đảo Réunion năm 1924, với tiểu luận “Variations sur une lyre brisée” (Những biến tấu của một cây đàn lyre đổ vỡ).

clip_image019

Năm 2010, nhà Drouot tổ chức bán đấu giá bức tranh sơn dầu “Sur la route d’El Biar” (Trên đường El Biar), tên khác là “Chiều tà” (Le Déclin du jour) do Hàm Nghi vẽ vào năm 1915.

***

15 năm sau trở lại Paris với cái “I-Pad 7X”…

Đang ngồi ở quán “Café terrace”, bỗng nhà thờ Saint Germain des Prés bên kia đường điểm ba hồi chuông báo tử “boong…boong…”, phù lãng nhân tôi chợt nhớ ra các vi vua lưu vong nhà Nguyễn đã về với tha ma mộ địa tự thưở nào. Cùng một cõi đi vê, người Tây phương hôm nay, có đường hướng mở quán cà phê ở trong…nghĩa địa để đi tìm một cõi nhân sinh. Thế là sau nửa thế kỷ, sau nửa đời người, phù lãng nhân tôi đã hiện hữu, hiện hình tại quán cà phê ở nghĩa địa Passy để tìm mộ vua cuối cùng của nhà Nguyễn.

Móc trong túi xách cái “I-Pad 7X” rà rà một hồi lòi tói ra bài viết của ai đó:

(…) Tạt vào phòng quản lý nghĩa trang, tôi xin một bản đồ, theo hướng dẫn bản đồ tôi sẽ tìm thấy mộ của Bảo Đại một cách dễ dàng. Nhưng đảo mấy vòng không nhìn thấy mộ của vị cựu hoàng nước Nam. Thật lạ lùng! Tôi trở lại phòng quản lý. Vừa nghe tôi hỏi, người quản lý nghĩa trang đã vui vẻ dẫn đường. Đến khu vực lúc nãy mà tôi tìm không ra, ông đưa tay chỉ vào một ngôi mộ nằm thấp tè sát mặt đất. Thật không thể tin nổi vào mắt mình!

Phần đất khiêm tốn, phủ bên trên bởi hai miếng bêtông như hai tấm dale. Không một tấm bia, không một dòng chữ đề lại. Ngoài chậu cây xơ xác…Tôi hỏi sao ngôi mộ lại quá đỗi hoang lạnh. Ông quản lý kể rằng sự ngạc nhiên mà tôi gặp khi nhìn thấy mộ Bảo Đại là chuyện bình thường. Đã rất nhiều người Việt đến đây thăm mộ. Lần nào ông cũng phải dẫn họ đi tìm. Và lần nào ông cũng chứng kiến họ ra về, thái độ rất thất vọng. Tuy nhiên cũng nhờ qua họ, ông mới biết Mộ Bảo Đại khởi đầu do bà Monique Baudot dựng lên, vì thiếu tiền nên không có bia. (…)

Phù lãng nhân tôi ngẫm nguội việc xây mộ cho cựu hoàng Bảo Ðại, khi ông từ trần ở Paris, chỉ có người vợ cuối cùng của ông là bà Monique Baudot ở bên cạnh, trên pháp lý, chỉ có bà Monique có hôn thú còn sống mới có quyền xây mộ cho ông. Theo người con trai út của ông là hoàng tử Bảo Ân, bà thứ phi Mộng Ðiệp có tiền nhưng lại không muốn giao cho bà Monique xây mộ. Các hoàng tử, công chúa không làm được vì không có sự đồng ý của bà Monique, còn phía Nguyễn Phước Tộc nhiều người lắm của lại đứng ngoài

Cựu hoàng Bảo Ðại là người may mắn, trước khi mất được một thương gia giàu có ở Paris mến mộ nên nhường sinh phần của mình cho Bảo Đại. Mười hai năm sau, một chủ công ty mộ bia ở Paris là ông Cridel thấy hoàn cảnh của cựu hoàng Bảo Ðại đáng thương nên đã thực hiện bản vẽ và ông sẽ giúp phí tổn xây cất. Được bà Monique đồng ý, ông Bảo Ân từ Mỹ qua Pháp, đến gặp ông Cridel để xem bản vẽ và đưa ra tên tuổi của cựu hoàng để ghi khắc trên bia.

Vào nghĩa trang Passy, phù lãng nhân tôi đang ngửa mặt lên trời nhìn mây bay gío thổi, xa xa là Tour Eiffell cao nghệu, đang lang lang thang như thành hoàng làng khó giữa đám mộ bia cũ sì, đập chát vào mặt tôi là mộ bia Bảo Đại…

clip_image021clip_image023

Hoàng đế Việt Nam

  Húy

  Vĩnh Thụy

  1903 – 1997 Mộ cũ

  Sa Majesté Bảo Ðại

  Empereur du Viet Nam

***

Đi tìm mộ Duy Tân…

Chợt nhớ ra ai đấy tha ma mộ địa mộ phần Bảo Đại và Duy Tân đều nằm ỏ nghĩa trang Passy này đây. Nhưng tôi sắm nắm có gì đó không xong nèn trở lại cà phê nghĩa trang hỏi nguời “garcon”. Người khẽ khàng ở nơi này chỉ có “hoàng đế Bảo Đại” thôi. Thế là cái đầu đất tôi mượn cớ đầo xới bài viết “Công chúa Suzy Vĩnh San” có đoạn: “Vì không hiểu cách đặt tên của nhà Nguyễn nên trong sổ hộ tịch Pháp chỉ ghi hoàng tử Vinh San, là hoàng tử An Nam “.

Bèn rà rà cái “I-Pad 7X” tìm tác giả Bảo Tâm nói chuyện với bà Suzy Vĩnh San.

(…) Cách đây đúng 100 năm, ngày 3-11-1916, chiếc tàu Pháp mang tên “Guadiana” đem hai vua Thành Thái và Duy Tân cùng với người thân đến đảo la Réunion đi đày.. Hiện nay trên đảo này có chiếc cầu lớn và một con đường ở thành phố St Denis mang tên Vĩnh San. Năm 1945, sau cuộc gặp gỡ với tướng De Gaulle, trên đường từ Paris trở về đảo Réunion để thăm gia đình vào dịp Giáng Sinh, máy bay rớt xuống làng Bossako, thuộc vùng M’Baiki, trên lãnh thổ Oubangui-Chari ở Trung Phi, vào ngày 26-12-1945. Chiếc máy bay Lockheed Lodestar C-60 cất cánh từ Paris bay về Bangui. Phi hành đoàn gồm 9 người không ai sống sót.

Sau khi xảy ra tai nạn, di hài vua Duy Tân được chôn cất ngày 26-12-1945 tại nghĩa trang công giáo M’Banki. Ngày 28-3-1987, con trai lớn của vua Duy Tân là hoàng tử Guy Georges Vĩnh San với sự trợ giúp của thủ tướng Jacques Chirac đã sang bốc mộ vua đưa về Paris làm lễ truy điệu ở Vincennes. Ngày 6-4-1987, công chúa Suzy Vĩnh San đưa hài cốt cha về Việt Nam và sau đó vua Duy Tân được an nghỉ vĩnh viễn tại An Lăng, nơi có mộ phần của bố là Thành Thái và ông nội là Dục Đức. Từ khi Duy Tân rời Huế (1916) cho đến lúc chỉ còn là nắm xương cốt tro tàn trở lại Huế (1987), đúng 71 năm đã trôi qua. (…)

clip_image025clip_image027 clip_image029

Mộ Duy Tân ở M’Banki Mộ Duy Tân ở An Lăng Mộ Thành Thái ở An Lăng

Phù lãng nhân tôi dựa dẫm theo bài viết “Công chúa Suzy Vĩnh San” của tác giả Bảo Tâm:

(…) Vua Hàm Nghi được người Pháp trọng vọng, tuy cũng bị hạ xuống thành “hoàng tử An Nam”, như Thành Thái, Duy Tân. Vua Hàm Nghi sống trong lâu đài, cưới con gái của ông chánh án Alger là bà Marcelle Laloe làm chánh phi, các con của vua đều mang tước vị hoàng tử, công chúa, cuộc sống sung túc, đầy đủ, đem lại cho vua Hàm Nghi nhiều cảm hứng vẽ tranh, điêu khắc. Mỗi năm vua Hàm Nghi được Pháp cấp dưỡng 80.000 quan, trong khi vua Thành Thái chỉ được 30.000, còn vua Duy Tân nhận được 12.000 quan Pháp.

Để đương đầu với nghịch cảnh, vua Duy Tân trở thành chuyên viên vô tuyến điện, mở một cửa hàng sửa chữa, buôn bán dụng cụ vô tuyến điện, điện thoại, radio… Bà Suzy thở dài: “Lúc cha tôi chết, tôi được 16 tuổi… Giáng sinh năm ấy chờ mãi không thấy cha tôi về, mãi sau mới nhận được tin dữ. Gia đình không còn thu nhập của cha tôi cấp dưỡng. Tôi phải bỏ học ngay, tìm việc làm. Gia đình rất túng quẫn”.(…)

Thế là phù lãng nhân tôi hòm hõm đến trần ai khoai củ từ chuyện Duy Tân là chuyên viên vô tuyến điện đến khi trở thành quân bài của De Gaulle mỗi người viết mỗi khác. Thảng như: “Duy Tân đã ủng hộ De Gaulle bằng cách dùng vô tuyến điện của mình ở đảo Réunion (không được về Paris) để thâu thập tin tức từ bên ngoài rồi chuyển cho lực lượng giải phóng của De Gaulle”. Với tác giả khác: “De Gaulle triệu ông tới Paris thăng cấp vượt bực từ chuẩn úy lên thiếu tá”. Thêm ai đó mọt sách mọt chữ dựa vào hồ sơ lưu trữ ở Aix-en-Provence (Trung tâm lưu trữ Hải Ngoại CAOM) thì: “De Gaulle tiếp Vĩnh San trong vòng nửa tiếng đồng hồ tại trụ sở “Bộ chiến tranh”. Cuộc gặp tay đôi, không có người thứ ba, không có biên bản. Hai người nói với nhau những gì, lập trường của họ có xích lại gần nhau không, không ai biết”.

***

Về lại làng Thonac…

Với Duy Tân bị đày đến đảo Réunion khi mới 17 tuổi, Hàm Nghi cũng bị lưu đày tới Alger 17 tuổi. Tôi lại quay quắt với sử gia Fourniau viết: “Không ai biết Hàm Nghi đã ghi chép những gì trong hơn nửa thế kỷ lưu đày, mãi mãi sẽ là điều bí ẩn”. Theo tôi nhằm vào cái tuổi bất chi lão tương chi sẵn cái mạch quê hương bản quán vạn kiếp tha hương nghìn đời thê thảm ấy, Hàm Nghi viết lại mảnh đời lưu đày của ông. Nào khác gì nay có rất nhiều người viết về ông, nhiều lắm, gần hai chục người, gần như có thể nói ông là vị vua triều Nguyễn được viết nhiều nhất. Ngoài hình ảnh, những dữ kiện về cuộc đời lưu vong của ông, và phần mộ của ông ở làng Thonac. Họ còn tìm ra “Hịch cần vương của Hàm Nghi”, “Cặp kiếm của Hàm Nghi”, v…v…

clip_image031clip_image033

Cặp kiếm và bảo vật của vua Hàm Nghi
được dân làng Phú Gia lưu giữ

Riêng phù lãng nhân tôi với cỏ hoa lạc lối góp nhặt được bài thơ.

Ôi việc trên đời nghĩ cũng hay
Sơn hà xã tắc nắm trong tay
Hai hàng mũ áo mong mong trước
Bốn phía cày bừa nhớ nhớ nay.
(Hàm Nghi 1887-1888)

Trong những người viết về các vị vua nhà Nguyễn lưu vong có Nguyễn thị Cỏ May, một người di tản buồn mượn giấy khô mực nẻ, với những ngày tháng còn lại nơi “đất trích” dàn trải …”hịch cần vương” không biết mệt mỏi và cũng…không biết đi đến đâu!? Cùng nỗi sầu vong gia thất thổ, người Cỏ May gửi gấm vào khoảng không nỗi cô liêu trầm luân trong bể phù sinh của một kẻ lưu vong sống vô gia cư, một ngày nào đó…chết vô địa táng nơi đất người.

Đang phiêu lãng quên mình lãng du đến đây, phù lãng nhân tôi búng tay cái tách gọi người ‘’garcon’’ bắt cho cái taxi đi thăm lại mộ phần Hàm Nghi, để chụp vài tấm ảnh cho vào bài viết Vong gia thất thổ (kỳ trước không có cái “I-Pad 7X”). Người ‘’garcon’’ với taxi. Người cứ “oui” với “non” riết, lát sau “lái xe” tới xì như người muôn năm cũ với xe cóc cụ hiệu Citroen 2CV.

Vừa bước vào nghĩa trang làng Thonac, như 15 năm trước, những ngôi mộ bỏ hoang vẫn còn đấy. Giữa không gian thê lương cố hữu năm xưa ở nơi chôn cất, nỗi buồn không tên bấm búi hồn người thăm mộ lúc nào không hay. Đứng trước nấm mộ của vị vua lạc lõng nơi đất khách quê người, những rêu phong mọc trên lớp đá vân cẩm thạch thành mầu đen che kín không còn nữa. Mà nay được tu sửa lại với màu vàng ảng của nhà Nguyễn về chiều.

clip_image035 clip_image037

Bởi năm 2013, hai người Việt ở Pháp, một người họ Bùi, một người họ Mai, không họ hàng thân thích với họ Nguyễn. Họ đã cùng với người quản lý chỉnh trang nghĩa trang làng Thonac đã tái tạo lại phần mộ của vua Hàm Nghi như mới. Tất cả chỉ vô tình trong một dịp nghỉ hè.

***

Và cũng chỉ vô tình thôi…

Với không có mây sao có mưa, khi không cái đầu tối như đêm, dầy như đất của phù lãng nhân tôi gọ gạy với “lái xe” muốn đi thăm người Cỏ May ở nhà số 11 có cái cầu thang xoắn ốc từ thời Louis 13. Thêm ngẫu nhiên như người garcon, “lái xe” làm như có gì suy nghĩ lung lắm trong giây lát rồi mặt mày nhăn nhúm, miệng tặc lưỡi một tiếng “Oui”…yếu sìu.

“Lái xe”…lái xe tới một nghĩa trang lớn thật lớn. Ngỡ “lái xe” đưa phù lãng nhân tôi vào đây để tìm mộ vị vua lưu vong…Đang định giục giặc hài cốt vị vua lưu vong đã được đưa về an nghỉ tại An Lăng, ở Huế thì…Thì “lái xe” dón chuyện Père Lachaise là nghĩa trang rộng rãi nhất Paris và cũng lớn nhất thế giới…“Lái xe” lái xe qua những khu mộ rộng lớn dưới những hàng cây cổ thụ cao, rậm lá, được chăm sóc kỹ càng. Có những tấm bia của những danh nhân nằm chung với những nấm mồ vô chủ của những kẻ vô danh.

Xe ngừng lại ở một bia mộ vô danh với chỉ một chữ: Nguyễn.

Thạch trúc gia trang

Đông tận, Ất Mùi 2015

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Nguồn: Cao Đắc Vinh, Thái Văn Kiểm, Tiểu Tử, Nguyễn Duy Chính

Ngọc Giao, Lê Văn, Nguyễn Duy Vinh, Trùng Dương, Huy Phương

Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Vy Khanh, Võ Quang Yến

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search