T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 216)

clip_image002

 

Chữ nghĩa làng văn

Nhiều nhà văn miền Nam cho là truyện ngắn có trước truyện dài.

Dương Nghiễm Mậu: “Phải trải qua truyện ngắn trước truyện dài”.

Nguyễn Thụy Long: “Truyện ngắn là bước khởi đầu của nhà văn”.

Mai Thảo: “Truyện ngắn là những bước chân đi vào văn chương”.

(Văn Khảo – Trần Bích San)

 

Độ rượu alcohol

Vodka hay rượu đế : từ 45 đến 50 độ.

Gin: từ 34 đến 47 độ.

Cognac hay Brandy: 40 độ.

Tedquila: 40 độ.

Nguồn: Mường Giang)

 

Chữ nghĩa làng văn

(…trích lục lại)

Nền tảng của văn phong là nếu có lời văn hoa mỹ, chải chuốt là điều hay. Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là rõ ràng và dễ hiểu.

Triết gia Aristotle của Hy Lạp từ thế kỷ thứ tư trước Tây lịch đã nói: “Viết giỏi là có tư tưởng như người thông thái, nhưng phát biểu như người thường”.

Mark Twain cho rằng chữ ngắn, câu ngắn, đó cách viết hay nhất. Ông bảo: “Văn của tôi là nước lã. Văn của các đại văn hào là rượu nho. Mọi người đều uống…nước lã”.

(Vũ Thụy Hoàng – Múa bút)

 

Tai vách mạch dừng

 Mạch dừng: mạch là kẽ hở – Dừng: tấm vách.

Trong kinh thi có câu :Nhĩ thuộc vu viên” có nghĩa là tai nghe qua

bức vách. Vách tuy không có tai, nhưng lại có người rình nghe.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

 

Thần Kim Quy

Trong Lĩnh Nam Chích Quái với truyện “Thần Kim Quy”:

“…Vua An Dương Vương nước Âu Lạc là người Ba Thục, họ Thục tên Phán. Nhân vì tổ phụ khi trước (?) cầu hôn lấy Mỵ Nương  là con gái Hùng Vương không được nên mang oán. Phán muốn hoàn thành chí trước, cử binh đánh Hùng Vương diệt nước Văn Lang, cải hiệu là Âu Lạc, Rổi lên làm vua, xây thành ở đất Việt Thường…”.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép lại gần giống y hệt như Lĩnh Nam Chích Quái, chỉ nói khác rằng vua đóng đô và xây thành Cổ Loa tại Chu Diên. Thế nhưng Việt Thường và Chu Diên là tên các huyện mà Trung Quốc gọi…sau này. Việt Thường nằm ở Châu Hoan (Nghệ An) và Chu Dương thuộc vùng Hải Dương, Thái Bình. Cả hai chỗ không trùng với địa điểm Cổ Loa hiện nay. Vì vậy có nhiều sử gia và biên khảo cho là thành của An Dương Vương là thành (1) của Mã Viện xây cất lên để chống Hai Bà Trưng.

(1) Hai Bà Trưng nổi lên đánh phá quân Hán chiếm được 60 thành. Con số 60 thành đây nên hiểu không phải là thành quách to lớn hoặc thành trì kiên cố mà chỉ là thành nhỏ quân Hán dựng lên bằng tre hay đất tạm thời để phòng ngự. Và người Hán gọi 60 căn cứ ấy là…“thành”. (Nguồn: Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng – Thuyền ai đợi bến Văn Lâu)

– Đến thế kỷ 19, một số sử thần nhà Nguyễn tỏ ý hoài nghi An Dương Vương ở đất Ba Thục (2). Vì vậy Nguyễn Văn Siêu nghi ngờ sự có mặt của thành vua Thục (Cổ Loa) trên đất Giao Chỉ là của ai đó. Vì đất Ba Thục thời xưa ở Tứ Xuyên cách Giao Chỉ rất xa, phải đi qua nhiều vương quốc khác. Lại nữa nhằm vào niên đại của An Dương Vương trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì đất Ba Thục không còn nữa từ hơn một thế kỷ trước. Trước khi An Dương Vương xuất hiện vì đã bị nước Tần tiêu diệt vào năm 315 trước Công Nguyên.

(2) Sử ký của Tư Mã Thiên, chương Nam Việt Úy Đà (Triệu Đà) liệt truyện viết nước Thục của An Dương Vương ở Quảng Tây. Rồi thành lập nước Tây Âu Lạc với thành Cổ Loa “9” vòng ở đồng bằng Tây Giang. Tư Mã Thiên khẳng định nhiều lần: Nước Tây Âu Lạc của người Âu Lạc.

(Sử gia Lê Mạnh Hùng – Nhìn lại sử Việt)

 

Cơm – Phở (3)

 Chồng em không thích ăn quà

Đi đâu cũng thích về nhà ăn cơm

Con bò trọn kiếp nhai rơm

Chồng em trọn kiếp…“nhai” cơm ở nhà

 

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

 Tại sao 2

Những câu hỏi kỳ trước cùng có chung một câu trả lời: Đó là kinh nghiệm dân gian, dùng phép thuật điều hoà khí âm dương, thu hút tà khí để phòng chống hơi lạnh và phòng xa hiện tượng “Quỷ nhập tràng”. Xuất phát từ kinh nghiệm, dần dần bắt trước nhau trở thành phong tục.

Dùng khói lửa, ánh sáng mặt trời (đốt hương, nến, đèn, đuốc, than, trấu, dỡ mái nhà, mở rộng cửa, đào lỗ hung, đốt pháo…) để triệt tiêu hơi lạnh. Dùng bát cơm, quả trứng, cây chuối… để thu hút hơi lạnh (nếu bổ đôi quả trứng, có nhiều lòng đỏ đã trở nên xanh thẫm giống như những quả trứng dùng để đánh gió.). Nhốt mèo để đề phòng mèo nhảy qua xác chết, kiêng khóc nhỏ nước mắt vào thi hài hoặc cắm cọc kim loại dưới giường người chết, dỡ mái nhà… là những thuật triệt tiêu luồng điện âm dương hút nhau.

Ngoài ra, những người đến dự lễ tang, nhất dự khâm liệm còn có những thuật khác để phòng chống hơi lạnh như ngậm gừng sống, uống nước lá nhót, ăn trầu và xông khói vỏ bưởi, bồ kết trước và sau khi đến lễ tang.

 

Mứa

Mứa: còn dư, còn lại

(bỏ mứa, thừa mứa)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Phở (3)

Người ta cho rằng phở có nguồn gốc từ món Ngưu nhục phấn của Trung Quốc, một món làm từ bún và thịt bò (ngưu牛: bò; nhục 肉: thịt và phấn 粉: bún, bột gạo dạng sợi).

Món này đọc theo tiếng Quảng Đông là Ngầu yụk -phẳn. Vào đầu thế kỷ 20, nhiều người Trung Quốc đã bán món Ngưu nhục phấn tại Hà Nội. Ban đêm họ đi rao hàng “ngầu.. yụk..phẳn ..a” rồi dần dần hô tắt còn “yụk …phẳn…a” rồi “phẳn…a” và cuối cùng hô trại thành “phở”. Quan điểm này giống như ghi nhận trong quyển Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (đã nêu trên): phở “do chữ phấn mà ra”.)

Thêm định nghĩa về phở trong quyển Dictionnaire Annamite-Chinois-Français (Từ điển An Nam-Trung Hoa –Pháp) của Gustave Hue (1937), trong đó có đoạn: “Abréviation de “lục phở: phở xào: beignet farci et sauté” nghĩa là “viết tắt của từ “lục phở”: phở xào: thứ bánh có nhân và được chiên”. Nhiều người thắc mắc, không biết “lục phở” là cái gì. Tương truyền rằng ngày xưa, các cụ đồ làng Mịn (xã Văn môn, Yên phong, Bắc Ninh) có sáng tác một bài thơ nói về chợ Đồng Xuân, để các cô đi chợ ngâm nga, trong đó có câu liên quan tới “lục phở”, xin trích đoạn sau:

(—-)

Cổng chợ có chị bán hoa

Có chú đổi bạc đi ra đi vào

Có hàng lục phở bán rao

Kẹo cao, kẹo đoạn, miến sào, bún bung

Lại thêm bánh rán, kẹo vừng

Trước mặt hàng trả, sau lưng hàng giò

……

Trong quyển Dictionnaire Vietnamien Chinois Francais của Eugèn Gouin (Saigon, 1957) có một đoạn viết về từ “lục phở”: “abréviation de “lục phở”: bouilli – cháo – pot au feu”…, “Lục phở: prononciation cantonaise des caractères chinois: (ngưu) nhục phấn” bouilli de boeuf. Vậy, “phở” là từ rút ngắn của ” lục phở”, còn “lục phở” là từ phát âm của “(ngưu) nhục phấn” trong tiếng Trung Hoa.

Đến năm 1970, Nhà sách Khai Trí xuất bản quyển Việt Nam Tự-điển, do Lê Ngọc Trụ hiệu đính thì quan điểm này càng thêm phần vững chắc hơn, trong đó định nghĩa “phở” như sau: “Món ăn bằng bột gạo tráng mỏng hấp chín xắt thành sợi nấu với thịt bò (do tiếng Tàu “Ngầu-dục-phảnh” tức “Ngưu-nhục-phấn” mà ra: Ăn phở, bán phở”, trang 1169, tập 2).

(Vương Trung Hiếu – Nguồn gốc phở)

 

Chữ nghĩa làng văn

Tuy nhiên cái tinh thần coi trọng truyện dài từ thế kỷ 18 của Tây phương khi truyện ngắn chưa định hình được lập đi lập lại bởi chính những nười cầm bút:

“Nhà văn chưa phải là nhà văn nếu chưa viết được truyện dài”.

Đã đến lúc phải xét lại với quan niệm sai lầm và lỗi thời.

(Văn Khảo – Trần Bích San)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

Tam đại con gà

 Truyện dân gian có nhiều, lâu nay bị thất lạc. Muốn cho đầy đủ thì quả là khó khăn, và cũng chưa biết đến bao giờ mới đạt được. Nên phải góp nhặt từng phần từng mảng, nhưng chúng tôi vẫn bằng lòng hàng chục năm nay với sự thu góp ấy.

Xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ “, đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt. Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy trẻ. Một hôm, dạy sách Tam Thiên Tự, sau chữ ” tước” là chim sẻ, đến chữ “kê” là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: Dủ dỉ là con dù dì.

Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khe khẽ, tuy vậy trong lòng thầy vẫn thấp thỏm. Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới đến khấn thầm xin ba đài âm dương (1) để xem chữ ấy có phải thật là “dù dì” không. Thổ công cho ba đài được cả ba. Thấy vậy thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào:
-Dủ dỉ là con dù dì…. Dủ dỉ là con dù dì….

Bố chúng đang cuốc đất ngoài vườn nghe tiếng học, ngạc nhiên bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem, hỏi thầy:
-Chết chửa ! “kê” là gà, sao thầy lại dạy ra “dủ dỉ” là con “dù dì”?

Bấy giờ thầy mới nghĩ thầm: “Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa, nhưng nhanh trí thầy vội nói gỡ:
-Tôi vẫn biết, chữ ấy là chữ kê mà kê nghĩa là gà, nhưng tôi dạy cháu thế là dạy cho nó biết tận tam đại con gà kia.
Nhà chủ càng không hiểu hỏi:
-Tam đại con gà nghĩa là làm sao?

-Thế này nhé ! Dủ dỉ là “chị con công”, con công là ông con gà.

 (Vũ Ngọc Khánh – Kho tàng truyện dân gian)

 

Tình cà (5)

Em thù anh đi lên đèo Cà Ná

Anh buồn tình xuống tận xứ Cà Mau

Cà nhỏng hoài chưa tìm được tình sau

Thân cà tong cà teo sầu… cà chớn

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

Đại điểm quần thần

 Nguyễn văn Tâm được người Pháp cất nhắc làm quan lớn. Tâm lấy làm tự đắc lắm. Phú quí sinh lễ nghĩa, quan lớn nhà ta cũng muốn có bức hoành, trướng để trang trí. Có người dâng lên quan bốn chữ đại tự Đại Điểm Quần Thần, viết chân phương, rất đẹp và giải thích Quần thần là người bề tôi, Đại điểm là điểm lớn, ý nói quan lớn là người bề tôi có vị trí to lớn, quan trọng.

Quan thích thú treo bức liễn trong phòng khách; ai đến thăm quan cũng đem khoe và giải thích như trên. Ít lâu sau có người đến ngắm bức liễn, rồi xin quan lớn dẹp đi. Quan ngạc nhiên hỏi, người ấy giải thích: người viết liễn đã cố ý bỡn quan lớn, mà quan không biết. Bốn chữ trên dịch từng chữ: Đại điểm là chấm toQuần thần là bề tôi, nói theo kiểu nói lái là bầy tôiĐại Điểm Quần Thần là Chấm To Bầy Tôi nói lái lại là Chó Tâm Bồi Tây.

 (Hòa Đa – Nói lái)

Sáng rửa cưa, trưa mài đục, tối rủ nhau về

 Thợ làm việc ăn công ngày, mà “Sáng rửa cưa, trưa mài đục,

tối rủ nhau về” như vậy thì còn thì đâu làm việc.

Câu tục ngữ trên ám chỉ người làm công chỉ rề rà công việc.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

 

Chữ Nho

 Chiết tự chữ Nho

Người dạy chữ Nho gọi là “cụ đồ Nho”, sách viết theo chữ Nho gọi là “sách Nho”. Thực ra, chữ Nho chính là chữ Hán của Trung Hoa. Thế thì tại sao người Việt lại gọi chữ Hán là chữ Nho? “Nho” ở đây chính là “Nho” trong “Nho giáo”, “Nho học”, “Nho sinh”, “Nho gia” của tiếng Hán. Cái nghĩa gốc xa xưa chữ “nho” trong tiếng Hán vốn chỉ những người học hành, những người có học thức.

Sách “Pháp ngôn” có câu: “Thông thiên địa nhân viết nho” (người thông tỏ mọi lẽ của trời, đất, người gọi là nho). Về sau, “nho” thường được dùng để chỉ các Nho gia. Từ thời Bắc thuộc ngàn năm, Nho giáo đã được truyền bá vào nước ta và dần dần trở thành quốc giáo. Lẽ dĩ nhiên, Nho giáo muốn truyền vào được phải kèm theo các sách thánh hiền. Nhưng người Việt không gọi các chữ trong đó là chữ Hán như tên vốn có của nó mà lại gọi là chữ Nho, có lẽ hàm ý là chữ Nho học.

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Khoái ăn sang nên … sáng ăn khoai.

Hồn Bướm Mơ Tiên

Hồn bướm mơ tiên trích từ hai câu thơ cổ trong Bích Câu Kỳ Ngộ:

Gió thông đưa kệ tan niềm tục

Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời

Tương truyền là của vua Lê Thánh Tông làm để xướng họa với một nàng tiên ni cô ở chùa Ngọc Hồ. Sự lựa chọn của Khái Hưng hàm ý thần tiên, thơ mộng, nảy ra từ một kỳ tích Việt. Âm vang hồn bướm mơ tiên gợi không khí Tú Uyên, nhắc đến phường Bích Câu, đến kỳ ngộ trong lịch sử và văn hóa Việt.

Cách mở màn trực tiếp và bát ngát của Hồn Bướm Mơ Tiên dẫn thẳng vào không gian Bắc Ninh, vào chùa Long Giáng, vào ca dao, vào đời sống dân quê miền Bắc; mà sau này lối khai khúc ấy xuất hiện trong trường ca Con Đường Cái Quan. Phạm Duy chịu ảnh hưởng Khái Hưng chăng? Chưa chắc. Có thể chỉ là ngẫu nhiên bởi những nghệ sĩ đắm mình trong linh hồn dân tộc thường gặp nhau trong ca dao, huyền sử:

Hỡi anh đi đường cái quan

Dừng chân đứng lại em than đôi lời

(Khái Hưng 1896/1947 – Thụy Khuê)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search