T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 227)

Một trong triệu chứng nhận ra mình đã…”già”

Ðến nhà bạn chơi, ngủ gật.

Chữ nghĩa làng văn

Vậy truyện ngắn là cái gì? Câu trả lời để đáp câu hỏi này, tưởng phải nằm ở nơi khác, chớ không phải ở đây. Người viết những dòng này, chỉ trình ra vài nhận xét về truyện ngắn, chớ không dám có tham vọng dạy ai viết văn cả, nên không định nghĩa gì hết.

Người Anh, người Mỹ gọi loại văn đó là Short Story, thì cũng chẳng hơn gì Việt Nam chút xíu nào cả. Đâu cần có story nào trong đó. Có cũng không sao, và thường không cần. Xưa ta gọi văn thể ấy là “Đoản-thiên-tiểu-thuyết”, là bắt chước theo sai lầm của Tàu. Tự lực văn đoàn xuất hiện, thì gọi nó là Truyện ngắn.

 (Vài ý nghĩ về truyện ngắn – Bình Nguyên Lộc)

Một gáo hai chĩnh

Chĩnh: Cái hũ đựng nước hay rượu.

Câu thành ngữ này chỉ đàn ông hai, ba vợ.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Chữ nghĩa làng văn

Vài năm trước biến cố 1945, ở Sài Gòn có một nhóm người viết lách, cầm đầu là Nguyễn Đình Thản, và gồm có Nguyễn Đình Thản, Huy Cận, Xuân Diệu, Nghiêm Xuân Việt, Nguyễn Hoàng Tư và Bình Nguyên Lộc, đưa ra danh từ tân truyện, dùng được mấy năm trong làng báo Sàigòn rồi thì danh từ ấy cũng chết. Tại sao nó chết? Vì tân truyện cũng chẳng ổn gì hơn truyện ngắn, mà cũng lại là bắt chước ngoại quốc, chớ không phải là tìm được một danh từ nào mới lạ hơn, Tân truyện là dịch thẳng ở danh từ Pháp ra, danh từ Nouvelle.

Khi Tân truyện chầu Diêm chúa rồi thì nhà viết lách Đông Hồ, cũng cứ ở Sài Gòn là đất ba hoa, lộn xộôn, bèn ra báo. Đó là báo Sống. Và tiên sinh cổ vũ cho một cái tên khác nữa là Truyện vừa. Kẻ viết bài này, mặc dầu là hậu sinh, vẫn dám bật cười trước mặt nhà thơ danh tiếng đó: “Ông nội ơi, ông nội cũng chỉ bắt chước Tàu, bằng cách dịch danh từ trung thiên tiểu thuyết ra đó thôi, chớ ông nội đâu có phát minh cái gì mà cổ võ dữ vậy.”

(Vài ý nghĩ về truyện ngắn – Bình Nguyên Lộc)

Muốc sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy

Sang: sang đây không phải là sang sông mà là sang trọng.

Cầu kiều: cầu nổi bắc qua sông.

Cầu nổi bắc qua sông vừa sang vừa tốn kém, không dễ

thực hiện. Con học giỏi là nhờ thầy, vì “không thầy đố

mày làm nên”, nên cha mẹ phải biết ơn thầy.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Áo quan

Trong các ngôi mộ cổ khai quật được, ngoài các đồ trang sức của người chết, phía trong áo quan thường có lót lá chuối, giấy bản, chè búp, bỏng nếp hoặc khăn vóc áo nhiễu…

Trong quan, ngoài quách, giữa quan và quách đổ cát vàng. Các thứ đó đều là những chất hút ẩm và ngăn giữ khí hôi hám khỏi bốc ra ngoài, nhất là thời xưa chết xong chưa mấy ai đã chôn ngay, còn phải sắm đủ lễ vật, tế khí, còn phải xa gần phúng viếng linh đình, còn phải chọn ngày, chọn đất mới làm lễ an táng.

Chữ nghĩa làng văn

Người Pháp cũng đã bí lắm, chẳng biết gọi văn thể ấy là gì, mới bày ra danh từ Nouvelle, nó hoàn toan vô nghĩa. Nếu là hình dung từ thì Nouvelle có nghĩa là Mới, còn như là danh từ, thì thật chẳng biết nó là cái gì. Thế nên nhóm nói trên mới phải dùng từ Truyện để ghép vào Tân truyện: truyện mới. Nhưng mới cái quái gì mới được kia chớ.

Vậy là bắt chước Anh, Mỹ, vì hai từ Truyện và Ngắn là dịch thẳng từng chữ, ở danh từ Short Story mà ra.

(Vài ý nghĩ về truyện ngắn – Bình Nguyên Lộc)

Lên núi hái chè

Hôm qua lên núi hái chè,
Gặp thằng phải gió nó đè em ra,
Em lậy nó cũng chẳng tha…
Em càng nhúc nhích nó càng vào sâu,
Váy em nó tốc ngang đầu,
Vú em nó bóp bầu dầu nó chơi…

(Bầu dầu: thời xưa những người đi bán hàng rong

hay đựng dầu trong những cái bao da mềm)

Tín ngưỡng phồn thực (5)

Tục bắt chạch

Tục lệ nầy được tổ chức tại làng Văn Trưng, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Mỗi năm, vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch thì lễ hội được tổ chức, sau khi cúng tế xong. Những người tham dự cuộc bắt chạch là những đôi trai gái thân thiết nhau từ trước, mượn dịp nầy để có thể phô bày những cử chỉ phóng túng đến suồng sả cả hai bên.

Trạch là loại lươn mình trơn láng, thân dài và khó bắt. Đã vậy, miêng chum đựng chạch lại nhỏ, khít cổ tay, nên vận động khó khăn. Cứ mỗi đôi trai gái, một tay thì thay phiên nhau khoảng vào chum; tay kia thì ôm lưng người con trai và ngược lại. Những cậu trai thường nhân dịp nầy thuận tay bóp nhũ hoa những cô gái một cách tự nhiên và không bị kháng cự lại.

Trong khi đó thì dân trong làng, thậm chí cha mẹ họ cũng cổ võ, khuyến khích chuyện tự do luyến ái nầy. Nhìn chung lại, tín ngưỡng phồn thực mang những nét chính yếu như sau: (a) Những đôi trai gái mượn dịp nầy để tình tự, sờ soạng vào nhau mà không bị một lễ nghi nào ràng buộc. (b) Dân chúng thường khoác lên những trò chơi ý nghĩa tín ngưỡng. Theo họ, nếu bãi bỏ những trò nầy, dân làng sẽ mang họa trong năm tới. (c) Bất chấp những chỉ trích, chê bai, dân trong làng vẫn xem đó là những yếu tố tinh thần và tín ngưỡng bắt buộc.

Đây là một trong những hình thức chống đối lễ nghi Nho giáo cũ.

(Hội tết làng xưa – Kiêm Thêm)

Một trong triệu chứng nhận ra mình đã…”già”

Ngưng nhổ tóc bạc.

Hennessy

Hãng có nhãn hiệu: “Cánh tay vung búa rìu” (Coast-of-arms: an arm and broadax), Bras Arm (cánh tay bạc) tương đương với VSOP và Bras d’Or (cánh tay vàng) tương đương với VS.

Hennessy ra đời trễ nhất nhưng lại có 4 ruộng nho lớn nhất vùng Cognac.

Hãng do Sir Corkman Richard Hennessy thành lập năm 1865.

(trong hãng Hennessy có 2 hãng hạng trung nhập vào là Moet và Chandon)

Hennssy là chai rượu được Thomas Jefferson khui trong ngày ký Bản tuyên ngôn độc lập.

(Nguồn: Nhật Vy)

Tình dục trong văn chương cổ (1)

Các chuyên gia về văn học cổ đều cho rằng Hoa viên kỳ ngộ là một tiểu thuyết sex táo bạo nhất trong cổ văn Việt Nam. Hiện Hoa viên kỳ ngộ tập chí có một bản chép tay duy nhất tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm 46 tờ (92 trang) khổ 27 x 15 cm. Tập sách được viết với nét bút rất bay bướm, lão luyện.

Cuộc gặp gỡ ở vườn hoa (Hoa viên kỳ ngộ tập) kể về cuộc tình duyên của Triệu Kiệu, con trai thứ hai của quan Tham chính họ Triệu, người đất Nam Xang thời Cảnh Hưng (1740-1786). Chàng thư sinh họ Triệu khôi ngô tuấn tú, học rộng tài cao. Một hôm dạo bước tới vườn hoa bên cầu Bích Câu, tình cờ gặp Lan Nương và Huệ Nương, con quan Ngự sử họ Kiều, đôi bên quen biết, tình tự rồi yêu nhau say đắm.

Triệu công tử được Kiều Công mến tài cho ở trong nhà để tiện thầy tiện bạn đèn sách. Chàng lân la đến khuê phòng của hai nàng, nhờ được Xuân Hoa và Thu Nguyệt là hai thị nữ của Lan Nương và Huệ Nương hết lòng giúp đỡ nên tự do đi lại. Vượt qua lễ giáo, họ đến với nhau, trai tài gái sắc, trao thân gửi phận, thỏa lòng mây mưa. Về sau Triệu Kiệu đi thi, đỗ giải nguyên, được quan ngự sử họ Kiều gả cả hai tiểu thư cho.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là tác phẩm văn học cổ Việt Nam. Căn cứ vào địa danh huyện Nam Xang (tương ứng với Lý Nhân tỉnh Hà Nam ngày nay) và tên trấn Sơn Nam được đặt từ thời Lê, có thể tác phẩm này được viết vào khoảng cuối đời Lê.
(Hoa viên kỳ ngộ – Nguyễn Xuân Diện)

Chữ và nghĩa

Ðèo ở phía bắc thành phố Nha Trang do kỹ sư người Pháp tên Rury điều khiển sửa sang nên Pháp dùng tên người này đặt cho đèo. Người Việt đã gọi là đèo Rù Rì.

(Vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt – Lê Trung Hà)
6 Ngộ chữ với Thiền

Nghệ thuật của mỗi loài*
Vài chiếc lá thu khô rớt xuống ngay cạnh cọng cỏ. Cọng cỏ nhìn ngang, nhìn dọc, trông chiếc lá thật lạ mắt.
– Đẹp thật! – Cọng cỏ hào hứng.
Bỗng, một con giun từ đâu bò lên chiếc lá ngo ngoe hít ngửi, bò qua bò lại.
– Đúng là đồ giun dế! Không biết thưởng thức nghệ thuật! – Cọng cỏ quát lên.

Con giun ngơ ngác nhìn quanh, nhận ra cọng cỏ, con giun cười:
– Mi làm gì mà giận dữ thế?
– Chiếc lá khô đẹp như thế mà mi bò lên, in dấu ngoằn ngoèo, thật là phản nghệ thuật.
– Vậy thế à? Xem ra mi cũng thích thưởng thức nghệ thuật.
– Dĩ nhiên, nghệ thuật là cảnh đẹp xung quanh.
– Nghệ thuật nằm trong vạn vật, có phải không?
– Phải thì sao?
– Như vậy mi cũng là nghệ thuật?
– Tất nhiên.
– Thế tại sao ta thì là phản nghệ thuật?
– Mi là loài giun dế, mi biết gì về nghệ thuật.
– Mi không phải là ta, sao dám khẳng định ta không có nghệ thuật?
– Nghệ thuật của mi là gì?
– Mi nói trước đi, nghệ thuật của cọng cỏ mi là gì?
– Là cảm xúc, rung động trước một vật gì, một cảnh gì. Ta nhìn thấy chiếc lá khô, cảm xúc vì hình hài của chiếc lá, rung động vì màu sắc của chiếc lá, ta cho đó là nghệ thuật.
– Mi có cảm xúc của mi, ta có cách xúc cảm của ta. Ta nằm trên chiếc lá, thưởng thức mùi thơm của lá, cảm nhận được sự mềm mại của lá, và đường gân li ti trên lá kia mới chính là nghệ thuật.
– Mi nằm trên chiếc lá thì còn gì là nghệ thuật của chiếc lá nữa.
– Tại sao?
– Vì mi xấu xí.
Con giun cười lớn:
– Đối với ta, vật nào có thân hình căng tròn như ta, cơ thể uốn éo như ta mới là tuyệt đẹp. Còn mi, mi xanh le xanh lét và gầy nhom thế kia, mới đúng là xấu xí. Hơn nữa ta cho rằng chiếc lá khô có ta nằm ở trên lại càng nghệ thuật hơn.
Cọng cỏ còn giận, nhưng im lặng, nó nhìn con giun tiếp tục ngo ngoe hít ngửi, còn nó thì tiếp tục nhìn ngang, nhìn dọc.
*Bài được ưa thích nhất trong loạt truyện Đạo Sĩ và Cọng Cỏ.

1 – Văn sử với truyền thuyết (2)

An Dương Vương

Thế kỷ XIX, một số sử thần nhà Nguyễn mới tỏ ý hoài nghi những ghi chép về An Dương Vương. Họ cho là Âu Lạc “hoặc giả ở ngoài cõi tây bắc giáp liền với nước Văn Lang” và Thục Vương không phải là người Ba Thục. Tiếp đó Nguyễn Văn Siêu sử gia nhà Nguyễn,  trong một bài thơ chữ Hán đã phủ quyết những điều ghi chép của sử cũ, không công nhận có vua Thục ở đất Giao Chỉ. Dưới thời thuộc Pháp, Ngô Tất Tố cho rằng: “Nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục”. Trần Trọng Kim cũng lặp lại các ý kiến của sử thần nhà Nguyễn. Một số học giả Pháp như H. Maxpêrô, trong bài Vương quốc Văn Lang, cho An Dương Vương chỉ là một “nhà vua thần thoại”, hoặc như A.G. Ôdricua đã kết luận: “Trước nhà Hán thì không có lịch sử An Nam” (1). Một vài học giả khác như G. Duymuchiê và R. Dêpie thì chỉ mô tả sơ sài bề ngoài thành Cổ Loa, mô tả ngày lễ đền Thượng và lịch sử cũ hay văn bia nói về An Dương Vương.

(1) A.G. Ôdricua, “Người An Nam trước triều đại nhà Hán của Trung Hoa”.  Tạp chí Đông Dương, tháng 7-12/1923, tr.229. 

(Trần Quốc Vượng & Đỗ Văn Ninh – An Dương Vương có thật?) 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Chim rừng có cánh, nhiều lông

Chim nhà không cánh nhưng lông vẫn nhiều

2 – Văn sử với truyền thuyết (2)

Một khi truyền thuyết phong phú gắn chặt với từng địa danh, từng di tích lịch sử, từng phong tục tập quán thành thì khó có ai tỏ nổi một nỗi hoài nghi. Đền thờ An Dương Vương, am thờ Mỵ Châu với pho tượng đá cụt đầu cùng giếng Trọng Thủy như chứng minh sự có thật của những nhân vật quen thuộc của thời kỳ lịch sử này với những chi tiết khá lý thú khiến khách tham quan phải tin rằng:

Có một vị vua An Dương Vương, có một người con gái tên Mỵ Châu đã nhẹ dạ lấy nỏ thần của vua cha cho chồng xem. Chồng của Mỵ Châu tên Trọng Thủy đã lấy trộm chiếc lẫy nỏ thần để rồi bi kịch được kết thúc bằng vua Thục thua trận, Mỵ Châu bị cha chém cụt đầu và Trọng Thủy tự tử (2) tại “giếng ngọc” trước cửa đền An Dương Vương.

Miếu thờ thần Rùa trên bờ giếng Rùa mang tên Loa khẩu, hàng loạt gò đống dọc con đường từ làng Tiên Hội tới…thành Cổ Loa là chứng cứ cho truyền thuyết đắp thành.

(2) Sử ký của Tư Mã Thiên cho hay: Triệu Đà truyền ngôi cho cháu nội của Trọng Thủy tên Triệu Hồ tức Triệu Văn Vương. Gần đây những nhà khảo cổ Trung Hoa tìm được mộ của Triệu Văn Vương ở Quảng Châu. Trong mộ có ấn tín, triều phục và đồ gia dụng như bát đĩa, tách chén. Tất cả những di tích này không có dấu tích của nước Nam Việt, ngay cả ấn tín biểu tượng cho vương quyền cũng vậy.

(Trần Quốc Vượng & Đỗ Văn Ninh – An Dương Vương có thật?) 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search