T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 235)

Họ nhà tôm cứt lộn lên đầu

Ý là không tôn ty trật tự, không khuôn phép, văn phép.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

1 Đi chợ tính tiền

Một quan tiền tốt mang đi                                                                 
Nàng mua những gì chàng tính chẳng ra.
Thoạt tiên mua ba tiền gà, 
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu.

Trở lại mua sáu đồng cau,

Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng.
                                                      
Có gì mà tính chẳng thông?
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi. 
Ba mươi đồng rượu chàng ơi,                             
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng.  
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn,kẻo chàng hồ nghi.     
Hăm mốt (21) đồng bột nấu chè,                         
Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan.

Đi chợ tính tiền là một bài ca dao lục bát. Bài đã được in làm Bài học thuộc lòng cho học sinh lớp “sơ đẳng” (tức lớp 3) trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư năm 1948.

Ngay câu thơ đầu tiên đã gặp ngay vấn nạn. “Một quan tiền tốt mang đi”. Một quan là bao nhiêu? Quan là đồng tiền cổ, những người muôn năm cũ  giờ không còn, biết hỏi ai đây? Chợt nghe vang vang trong đầu một bài nhạc:

Một quan là sáu trăm đồng.

Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi.

(Nguyễn Bính).

Vận dụng cả 4 phép tính cộng trừ nhân chia,đảo xuôi ngược, lên xuống…mãi vẫn không đủ 600 đồng cho một quan tiền! Lại phải đi tìm  trong lịch sử. Trong một ngàn năm Bắc thuộc, dân Việt không có đồng tiền riêng . Mãi đến sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán , dân Việt vẫn còn dùng đến đồng tiền của phương Bắc. Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân , lên ngôi hoàng đế với đế hiệu Đinh Tiên Hoàng,niên hiệu Thái Bình. Năm 970 nhà vua đã cho đúc những đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo. Đây chính là những đồng tiền đầu tiên của người Việt. Từ đó tiếp đến những triều đại sau đều theo .

Hỏi sư mượn lược

Ám chỉ việc làm không nhìn trước nhìn sau nên chuốc lấy thất bại.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

7 Chữ nghĩa tên cầu

Cũng trên sông Thị Nghè, chúng ta có thể đi qua Cầu Bông sang Gia Định. Hay qua Phú Nhuận với Cầu Kiệu. Hai vùng này trồng rất nhiều bông hoa và hành kiệu.

Còn một cầu nữa tên là Cầu Ông Lãnh, tên gọi một ông lãnh binh thời Tả Quân Lê Văn Duyệt có công dựng cầu này qua sông Bến Nghé.  Tương truyền ông lãnh binh này có 4 vợ, ông cho mỗi người trông coi một chợ riết thành tên các bà.

Đó là: Bà Chiểu, Bà Điểm, Bà Hom Bà Quẹo.

(Thái Văn Kiểm – Ai về Gia Định Đồng Nai thì về)

Thiệu Hưng Tửu

Thiệu Hưng Tửu bắt nguồn từ thời Chiến quốc. Tửu kinh chép:

Khi đến Cối Kê (nay là Thiệu Hưng) Việt Vương đổ rượu xuống sông. Uống dòng nước này. Binh sĩ hưng phấn tinh thần chiến đấu gấp trăm lần.

Lý Bạch nhiều lần đến Thiệu Hưng, vừa thưởng thức cảnh đẹp, vừa uống rượu ngon và chỉ mong say mãi không tỉnh (Đản nguyệt trường, tuý bất nguyên tỉnh)

(Nguồn: Khuyết danh)

2 Đi chợ tính tiền

Đơn vị để tính tiền xưa gồm có: quan, tiền, đồng.

Mỗi quan có giá trị là 10 tiền, mỗi tiền bằng bao nhiêu đồng tùy theo quy định của mỗi thời đại. Theo sử sách giá trị đồng tiền các thời đại như sau:
1/ Năm 1225, Trần Thái Tông định phép dùng tiền.1 quan bằng 10 tiền. 1 tiền bằng 70 đồng.
2/ Năm 1428, Lê Thái Tổ cho đúc tiền Thuận Thiên. 1 quan bằng 10 tiền. 1 tiền bằng 50 đồng.
3/ Năm 1439, Lê Thái Tông quy định 1 quan bằng 10 tiền, 1 tiền bằng 60 đồng. 

Như vậy 1 quan = 10 tiền = 600 đồng.

Từ đó các triều đại về sau, mỗi khi đúc một loại tiền mới đều theo tỷ lệ này, cho đến cuối triều Nguyễn năm 1945. Chỉ có tên đồng tiền là thay đổi theo tên hiệu.

Năm 1905, chính quyền bảo hộ Bắc kỳ  cho phát hành loại tiền đúc bằng hợp kim kẽm. Loại tiền này mặt trước in chữ Pháp, mặt sau ghi chữ Hán, có giá trị tương đương các loại tiền đồng như Gia Long Thông Bảo, Minh Mệnh Thông Bảo, Thiệu Trị Thông Bảo và Tự Đức Thông Bảo. Trong những đời vua sau của nhà Nguyễn còn có thêm hai đồng tiền khác là Khải Định Thông Bảo và Bảo Đại Thông Bảo, hai loại tiền này không đúc như những đồng tiền xưa mà được dập bằng máy dập nhập từ nước Pháp.

Xưa, một quan tiền của ta (600 đồng) được người Pháp trị giá bằng một đồng “franc” của họ.

Vì vậy đồng “phật-lăng” được gọi là…đồng quan.

Chữ nghĩa làng văn

Bức thư của nhà văn Nguyễn Đình Toàn khi còn kẹt lại ở trong nước gửi cho Mai Thảo (khi ấy vẫn còn ở trong nước):

“…Tao đọc mấy bài thơ “quỷ quái” của mày, tất nhiên là gì có đủ mà đọc hết. Vứt mẹ nó hết những cái gọi là ý nghĩa sự đời đi. Cái  đặt được tay vào chỗ không thể đặt là đủ sướng rồi…”.

(Mai Thảo: Tháng giêng tưởng niệm – Nguyễn Mạnh Trinh)

Hạt cát

Bút hiệu Nguyên Sa, ông sử dụng từ hồi ở Pháp và theo lời ông thì bút hiệu đó “không có ý gì sâu sắc cả. Thành thực, lúc nào tôi cũng cho tôi là một số không, tôi không lớn, nên tôi tự cho mình vốn dĩ chỉ là hạt cát”.  

Ngày hôm nay, “hạt cát trở về với cát bụi” tuy nhiên trong hạt cát đó có thể có đủ cả hai vầng nhật nguyệt, cũng như trong: “Cuộc đời dẫu có phù vân” thì “ở trong mây nổi, có phần thiên thu” như lời thi sĩ Nguyên Sa đã diễn tả.

Không hiểu chủ quan tôi có đúng không khi nghĩ rằng tác giả Áo Lụa Hà Ðông còn muốn đối thoại với những cái thiên thu trường cửu “Cuộc đời dẫu có phù vân” thì “ở trong mây nổi, có phần thiên thu”. Ðời sống sẽ ngắn ngủi lắm với lượng thời gian dần hao hụt theo tháng năm nhưng ở cõi bất tử những chữ nghĩa vẫn còn mãi. Tôi đã từng nghe những nghệ sĩ nổi danh chỉ mong ước có một bản nhạc, một bài thơ… của mình còn tồn tại qua sự sàng lọc của lãng quên. 

(Nguyên Sa (1932-1998 – Lưu Trung Khảo)

Chỗ đặt của Mai Thảo

Chỗ đặt

Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào

Chữ nghĩa làng văn

Cái bệnh của những học giả, nói theo Nietzsche, là không viết được gì nếu không dựa trên trích dẫn của người khác. Chứ không sáng tạo gì. Sáng tạo của viết lách là sự nấu nướng những gì có sẵn thành món ăn mới. Còn viết văn? Là bày biện món ăn với nhiều gia vị. Một phong hóa văn chương, dàn dựng nhân sinh vào mâm cỗ ngôn ngữ.

Nghi vấn văn học

Kìa ai chín suối xương không nát; 
Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn. 

Bấy lâu nay, nhiều sách báo ghi rằng đôi câu đối hào sảng mà thâm trầm ấy do Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) phúng điếu Tú Xương / Trần Tế Xương (1870 – 1907).

“Gần đây đã có người cải chính rằng đó là hai câu đối ở hai cột lăng của Đoàn Triển tại làng Hữu Thanh Oai, làng tên Nôm là Tó Hữu, nằm bên bờ phải dòng sông Nhuệ.

Hai cột đá làm trụ cổng được khắc lõm 3 cặp câu đối, gồm 2 cặp Hán và 1 cặp Nôm.

Cặp câu đối chữ Hán thứ nhất:

Vấn tâm tự khả vô nghi trủng, 
Định luận hà tu sĩ cái quan.

Tạm dịch:

Hỏi lòng không thiết vun mồ giả, 
Xét việc khỏi chờ đậy ván thiên.

Cặp câu đối chữ Hán thứ hai:

Sinh tắc đồng thất, tử tắc đồng huyệt, 
Sơn bất tại cao, thuỷ bất tại thâm.

Tạm dịch:

Sống cùng một liếp nhà, chết cùng một huyệt mộ, 
Núi chẳng cốt đỉnh cao, nước chẳng cốt vực sâu.

Cặp câu đối chữ Nôm:

Nào ai chín suối xương không nát, 
Có nhẽ trăm năm miệng hãy còn.

Đoàn Triển (1854-1919) tự Doãn Thành, hiệu Mai Viên, sinh tại làng Hữu Thanh Oai.Năm Ất Hợi 1875, làm ấm sinh tỉnh Hà Đông. Đỗ cử nhân Ân khoa Bính Tuất 1866, niên hiệu Đồng Khánh thứ nhất. Năm Kỷ Sửu 1889, được bổ Viên ngoại Nha Kinh lược Bắc Kỳ. Sau đó, lần lượt đảm các chức Tri phủ Bình Giang, Kinh Môn, Nam Sách, Ninh Giang; Án sát Hà Nội; Tuần phủ Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam; Tuần phủ sung Tuyên phủ sứ Bắc Giang.

(Nào ai chín suối…- Phanxipăng)

Câu đối Tết

Trần Tế Xương

Không dưng xuân đến chi nhà tớ
Có nhẽ trời mà đóng cửa ai

(Trần Tế Xương)

Mánh

Mánh: cách, phương pháp

(mánh lới)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Ty ma phục:

Tang 3 tháng.

Chít để tang can (kỵ) nội (ngũ đại: Hồng tang chít khăn đỏ).

Chắt để tang cụ nhà bác, nhà chú (tằng tổ bá thúc phụ mẫu và tằng tổ cô, tức là anh em ruột với cụ nội).

Cháu để tang bà cô đã lấy chồng (chị em ruột với ông nội).

Cháu để tang cô bá (chị em con chú bác ruột với bố).

Con để tang bố dượng (nếu trước có ở cùng, sau mới về bên nội).

Con để tang nàng hầu của cha.

Con để tang bà vú (cho bú mớm).

Cháu để tang tộc bá thúc phụ mẫu (anh em cháu chú, cháu bác với cha).

Chồng để tang vợ lẽ nàng hầu.

Anh chị em họ nội 5 đời để tang cho nhau.

Bố mẹ vợ để tang con rể.

Ông bà ngoại để tang cháu ngoại và cháu dâu ngoại.

Ông của chồng để tang cháu dâu.

Cụ để tang cho chắt nội.

Cháu để tang vợ cậu, chồng cô, chồng dì có cùng ở một nhà.

Anh chị em con cô ruột và bạn con dì ruột để tang cho nhau.

Cậu ruột để tang vợ của cháu trai

Cháu dâu để tang ông bà ngoại của chồng, cậu ruột, dì ruột chồng

Cháu dâu để tang các ông bà anh chị em ruột với ông nội chồng.

Chắt dâu để tang cụ nội của chồng.

Cụ để tang chắt nội trai gái.

Ông bà để tang các cháu gái của con nhà chú, nhà bác.

Chữ nghĩa làng văn

Theo nhà văn Nguyễn Công Hoan:

“Viết là bịa, nhưng phải dựa trên chuyện có thật, viết thật quá lại không thật. Vì vậy phải bịa. Nhưng phải bịa như thật”.

Chữ nghĩa làng văn

Thực tế là chỉ trong khoảng thời gian từ đầu đến giữa thế kỷ 19, Hawthorne, Poe và Turgenev đã có thể viết nên những truyện ngắn có sức sống đến tận ngày nay. Giữa thế kỷ 19, truyện ngắn đã “đủ lông đủ cánh” và cuối thế kỷ này truyện ngắn phát triển đến đỉnh cao với những sáng tác của Anton Chekhov.

Tại sao Anton Chekhov được tôn là một bậc thày truyện ngắn.

Mọi câu trả lời có thể đều không đầy đủ nhưng ở một khía cạnh nào đó có thể thấy, Chekhov với những kiệt tác ra đời vào những năm 1890 là người đã mang đến cuộc cách mạng trong quá trình phát triển của thể loại truyện ngắn bằng sự thay đổi phong cách trần thuật. Chekhov chính là người kết thúc cho giai đoạn phát triển đầu tiên của truyện ngắn. Từ sau cái chết của ông, truyện ngắn thế kỷ 20 hầu như phát triển dưới cái bóng khổng lồ mà nhà văn để lại. Joyce theo phong cách Chekhov, Katherine Mansfield chịu ảnh hưởng của Chekhov, Raymond Carver thì hầu như sẽ không xuất hiện nếu như trước đó không có tác giả Phòng số 6. Có lẽ, truyện ngắn viết sau Chekhov đều bằng hình thức này hay hình thức khác “mang nợ” những tác phẩm của ông. Khoảng 20 năm cuối thế kỷ 20, các nhà truyện ngắn trên thế giới mới bắt đầu vượt thoát khỏi cái bóng của nhà văn Nga này.

(Lược sử truyện ngắn – William Boyd)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search