T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 238)

Kiến văn tiểu lục (3)

Cách đây 300 năm, cụ Tam nguyên Duyên Hà Lê Quý Đôn viết sách Kiến văn tiểu lục (Chép vặt những điều thấy nghe) ghi chép lại trong sách những chuyện hay, nhỏ, vui, lạ và khoảng 100 câu người xưa để lại từ đời Trần đến đời Lê những lời khuyên cho người đời như:

“Vô đạo nhân chi đoản, vô thuyết kỷ chi trường. Thi nhân thận vật niệm, thụ thi thận vật vong.”

(Không nên nói cái kém của người, không nên khoe cái hay của mình. Làm ơn cho ai đừng nhớ, chịu ơn ai đừng quên.)

(Nguồn: Hoàng Hải Thủy – Báo Sài Gòn Nhỏ)

Triết lý củ khoai


Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một dạo
Nào ngờ lo.. chạy gạo đến hôm nay!
(Thích Tánh Tuệ)

Nghiêng lụy (3)

Em ngự trị một góc lớn của Thơ. Em thường ở trong đời. Thỉnh thoảng có Em ra ở ngoài đời, như Em Kiều trong Đoạn trường tân thanh,  Em Sư trong…Nghiêng lụy.

Đời không phải cứ bước ra khỏi là quên được đâu. Mà không phải đã cố ý tránh là sẽ không gặp lại. Cho nên một chiều, dưới mái tam quan, tiếng chim rơi thánh thót, giọt trăng lã chã. Ới Bụt ơi!
(…)
Xuống tóc. Theo em khép cửa đời
Vào thiền để chỉ thấy viền môi
Yêu nhau ai bảo tâm không trụ?
quên hết. Nhìn nhau. Nhất quán rồi.
(…)
Vì em tôi đã làm Sa Di
Không đi nên ý vẫn quay về
Bế quan toạ thị. Tôi và vách
Em tụng kinh gì? Cho nghe đi

(Vì em tôi đã làm sa di – Du Tử Lê)

Góp nhặt sỏi đá!

Hỏi: Tui mù tiếng Việt, ngó mấy câu ca dao này tui mù chớt luôn!

Nhờ ông thày bày dùm, tui cám ơn thiệt tình.

– Bới bèo ra bọt (*)

– Cóc đòi đi guốc

– Đũa bếp khuấy nồi bung

– Gánh bàn đọc mướn

Đáp: Để tui… “Hết xôi rồi việc” à nha.

(Phụ chú: (*) Bới bèo ra bọ?)

(ĐatViet.com – Trau giồi tiếng Việt) 

Đãi cứt sáo lấy hạt đa, đãi cứt gà lấy tấm

Ngụ ý nói đến hạng người keo kiệt, lỡ mất miếng ăn tiếc hùi hụi.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN) 

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Thọ mai gia lễ

“Thọ mai gia lễ” là gia lễ nước ta, có dựa theo Chu Công gia lễ tức gia lễ thời xưa của Trung Hoa nhưng không rập khuôn theo Tầu. Mặc dầu gia lễ từ triều Lê đến nay có nhiều chỗ đã lỗi thời nhưng khi đã trở thành luật tục, ăn sâu, bén rễ trong nhân dân, nên đến nay trong Nam ngoài Bắc vẫn còn phổ biến áp dụng, nhất là tang lễ.

Tác giả của “Thọ mai gia lễ” là Hồ Sỹ Tân (1690-1760) hiệu Thọ Mai người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, đậu Tiến sĩ năm 1721 (năm thứ 2 triều Bảo Thái), quan Hàn lâm Thị chế.

Trong “Thọ mai gia lễ” có trích dẫn một phần của Hồ Thượng thư gia lễ. Hồ Thượng thư tức Hồ Sỹ Dương (1621-1681) cũng người làng Hoàn Hậu, đậu tiến sĩ năm 1652 tức năm thứ 4 triều Khánh Đức, Thượng thư bộ Hình, tước Duệ Quận công. 

Chữ nghĩa làng văn

Trong Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh (1640-1715) in ra lần đầu năm 1776, có hai bài thơ “Đề từ” của Vương Sĩ Trinh và “Thứ vận” của Bồ Tùng Linh. Bài thơ này được Tản Đà dịch:

Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi
Chuyện đời chán hẳn, không thèm nhắc
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời

Những bài thơ trên dịch giả kế tiếp là: Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Sỹ Tế, Nghiêm Đàm, Nguyễn Đức Hiển, Nguyễn Huệ Chi, v…v…

Rượu ta…ngoại truyện (4)

Rượu đế – A

Rượu trắng, rượu nếp than còn có những tên gọi khác: rượu đế, nước mắt quê hương!

Tên gọi rượu đế được nhiều bậc lão nông tri điền miệt này giải thích rằng: Đầu thập niên 1860, Pháp đến xâm chiếm vùng Sài Gòn – Gia Định, sau đó lấn dần toàn cõi Nam kỳ lục tỉnh. Chúng ngang nhiên “cấm người bản xứ nấu rượu” nhưng lại buộc dân ta uống “rượu Tây!”. Bà con ta tất nhiên là không chịu để bọn thực dân đô hộ lộng quyền nên quyết định … nấu rượu lậu. Rượu lậu vừa rẻ lại vừa ngon hơn rượu của Nhà nước thực dân, cơm rượu được cho vào các hủ sành rồi đem giấu trong những lùm tranh, lùm đế ở xa nhà, hoặc khi thấy Tây đoan đến bắt, nghe động thì bê tất cả nồi rượu, bình rượu chạy vội dấu dưới đồng cỏ hoang dại mọc toàn cây đế, một loài cây giống cỏ năn, cỏ lác, cỏ tranh, hay lau sậy mọc cao vút đầu. Từ đó, dân gian gọi rượu này là rượu đế!

Nhưng xem ra không mấy bợm nhậu hiểu tường tận nguyên lai của hai tiếng rượu đế này. Họ chỉ gọi rượu đế là rượu vua. Dân nhậu tự xưng là con Ngọc Hoàng, mà con Ngọc Hoàng thì không phải sợ ai cả!

Hiu hiu gió thổi đầu non

Mấy thằng cha uống rượu là con Ngọc Hoàng

(Nguồn: Bùi Túy Phượng) 

Chữ nghĩa làng văn

Nghĩa của hai chữ “vợ chồng”:

– “Chồng” là chồng lên nhau, nằm lên nhau (trích Ngôn ngữ và thân xác của GS. Nguyễn Văn Trung).

– “Vợ” nguyên gốc là chữ “bợ”: từ dưới nâng lên, (“Chồng”: từ trên úp xuống).

Danh từ “bợ chồng” diễn tả tư thế thân mật giữa hai người nam nữ khi ăn ở với nhau.

***

Hiện tượng biến âm: phụ âm B biến thành V như Bợ –> Vợ rất phổ biến trong tiếng Việt như: 

Bái –> Vái, Bản –> Vốn, Bích –> Vách, Biên –> Viền, Bố –> Vải, Bút –> Viết, Băm –> Vằm, Be –> Ve, Béo –> Véo, Bíu –> Víu v.v.

(Nguyễn Hưng Quốc – Tiếng Việt dễ mà khó)

Chữ nghĩa với ca dao dân gian

“ Bướm đồng, động đến thì bay

Bướm nhà động đến lăn ngay ra giường”.

Giai thoại làng văn

Tôi dừng lại ở góc đường Gia Long và đường Nguyễn Trung Trực. Tại nơi này nhìn qua Thư viện Quốc gia, Đại học Văn khoa hồi xưa, có kiosque bán cà phê, nhìn sang bên kia là tòa báo Ðại Dân Tộc, phía góc đường Thủ Khoa Huân, Gia Long là báo Sống. Nói tóm lại có rất nhiều tòa báo trên quãng đường ấy. Ký giả, phóng viên, nhà văn sáng sáng ngồi đầy các quán cà phê lề đường, tất cả đều quen nhau, nên tình nghĩa bạn bè cũng rộn rã.

Hình ảnh nhà văn Lê Xuyên, anh em quen đùa gọi là chú Tư Cầu, tên tác phẩm nổi tiếng của anh viết về đồng quê Nam Bộ, dĩ nhiên là có những mối tình quê mùa mà tiêu biểu là nhân vật chú Tư Cầu. Trước ngày miền Nam bại trận, Lê Xuyên là tổng thư ký báo Sài Gòn Mai rồi Ðại Dân Tộc, anh có cái nhạy cảm của người làm báo, của người viết văn. Nhà văn Lê Xuyên hay nhà báo Lê Xuyên cũng được. Nhưng anh em gọi anh là chú Tư Cầu cho thêm phần thân mật.

Nhưng hình ảnh của nhà văn Lê Xuyên gây ấn tượng nhất cho tôi là sau ngày chế độ Sài Gòn bại trận, tôi vẫn còn thấy anh ngồi ở quán cà phê đó vào những buổi sáng kế tiếp. Mắt nhìn lên tòa soạn xưa buồn rười rượi, y nguyên như ngồi uống cà phê chờ anh chef typo xuống báo cáo đã đủ khuôn, xin lệnh chạy máy, hay cần lấp một lỗ hổng. Bây giờ không còn gì nữa, không vắng lặng mà có cái xôn xao ở góc đường, góc công viên.

Ðã lâu rồi tôi không có ghé qua anh. Ðường về Chợ Lớn đối với tôi bây giờ xa vời vợi, nhưng phải đi chứ. Thăm một người bạn sau nhiều năm giam mình ở ấp Ðông Ba cũng là một điều hay.

Kia kìa, chú Tư Cầu còn đó, sau cái quầy bán thuốc lá cũ rích, con người anh cũng cũ rích, gầy guộc và đầy chất Nam bộ chân chất. Cái mũ bánh tiêu rúm ró chụp trên đầu, cái sơ mi mỏng lét, mòn cả vai, cái quần tây màu nâu ống cao ống thấp, đôi dép không rõ bằng vật liệu gì nữa. Mặt anh gầy rộc, xanh mét.

Tôi gọi anh:

“Chú Tư Cầu!”

Anh nhìn tôi một giây xong mới nói thong thả:

“Chú Tư Cầu…chết rồi!”

(Nguyễn Thụy Long – “Chú Tư Cầu” Lê Xuyên)

Đại mộc lưu giang, bất đắc hồi cố

Khúc gỗ to trôi trên dòng sông, cứ xuôi theo con nước, không

thể quay lại được. Câu thành ngữ Hán Việt này chỉ mọi sự việc

diễn tiến nhanh, không lật ngược được tình thế.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Lon xon 

Lon xon: hớt hải

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

“Khóc Thị Bằng” không phải của Tự Đức (I)

Bài thơ đây không phải là thơ Tự Đức mà là thơ Nguyễn Gia Thiều. Ngô Tất Tố đã chứng minh điều này từ năm 1918 trên báo Nam Phong trong mục Nam âm thi thoại, trong cuốn Thi văn bình chú, Lê Mạc Tây Sơn (Sài Gòn, 1957, trang 91). Ngoài ra, Trần Danh Án (1754-1794) có dịch bài thơ nôm của Nguyễn Gia Thiều khóc người ái thiếp tên Bằng Cơ ra chữ Hán với hai câu:
Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh
Tùng phong khâm thử hộ dư hương

Sở dĩ có sự gán ghép là vì Tự Đức thường ưa sửa thơ thiên hạ, khi nhuận sắc có sửa hai chữ mảnh gương thành cổ kính và manh áo thành tàn y, rồi xếp vào hồ sơ của mình, nên Dương Quảng Hàm mới nhầm ra thơ Tự Đức, rồi người sau cứ truyền tụng như thế. Ngoài Ngô Tất Tố, các chuyên gia thơ cung đình triều Nguyễn, như Phan Văn Dật, Bửu Cầm, đều nói không phải của vua, vì trong thư khố, không tìm thấy vết tích gì bài thơ này, và tên họ một bà phi nào tương tợ ngoài một bà Hoàng quý phi, hai bà phi, và 103 cung tần nhưng chẳng có ai tên Thị Bằng.

Sinh thời, học giả Hoàng Xuân Hãn cũng nói vậy.

(Ban Mai – Thi Vũ – Hai vần thơ đẹp)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài những lúc tóc tôi hôi.
Bảo rằng tóc em nhờn những mỡ,
Anh sợ đầu em sẽ hói thôi…

(thơ…TTKH)

Chữ nghĩa làng…nhậu

Rượu chè, cờ bạc lu bù,

Hết tiền đã có mẹ thằng cu bán hàng

Ai là ai?

Ai ơi! Còn nhớ ai không? 
Trời mưa, một mảnh áo bông che đầu. 
Vì ai, ai có biết đâu! 
Áo bông ai ướt? Khăn đầu ai khô? 
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ, 
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình. 
Non non nước nước tình tình, 
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ

Ai đây là một tiểu thư đất Nam Định, tục danh Cõn, con gái út của tiến sĩ Vũ Công Độ (1). Nhóm thực hiện sách Tú Xương – tác phẩm, giai thoại bao gồm Nguyễn Văn Huyền (chủ biên), Đỗ Huy Vinh, Mai Anh Tuấn căn cứ vào lời thuật của một số bô lão ở Vị Xuyên mà ghi chép: “Khi còn trẻ, hai người đã yêu thương nhau, nhưng gia đình ông Nghè không thuận. Cô Cõn phải lấy chồng ở xã Mai Xá (nay thuộc ngoại thành Nam Định), tên là Hai Đích. Năm 23 tuổi, chồng chết, cô trở về Nam Định, ở vậy, nuôi con.

Ông Tú cũng đã lấy vợ, trái tim vẫn lưu luyến mối tình xưa, nhưng không vượt quá khuôn khổ. Bài thơ này làm nhằm một đêm nhà thơ si tình, lượn qua nhà người tình cũ, gặp mưa, phải lấy vạt áo bông che đầu, càng thổn thức khôn nguôi”.

Xin nêu thêm một số chi tiết thú vị. Mặc dù goá bụa lúc còn quá trẻ, lại xinh xắn khéo giỏi, nàng Cõn được nhiều người ve vãn, song quả phụ cương quyết giữ lòng trung trinh thờ chồng và nuôi con, bởi thế khi nàng 50 tuổi đã được vua Khải Định ban tặng 4 chữ Tiết hạnh khả phong. Quả phụ Hai Đích, tức nàng Cõn, chỉ có một mụn con gái mang họ tên Hoàng Thị Sính. Sính lớn lên, kết hôn với quan huyện Vũ Thiện Thuật, sinh hạ nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1916 – 1976).

(1) Vũ Công Độ (1805 – ?): Người làng Vị Hoàng, tổng Đông Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định; nay là phường Vị Hoàng, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định. Vốn là giám sinh trường Quốc Tử Giám. 28 tuổi, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Minh Mạng XIII, tức năm 1832. Bia đá còn lưu danh tại di tích Văn Thánh / Văn Miếu ở Huế. Làm quan đến chức Thái bộc tự khanh quyền Bố chánh Thái Nguyên.

(Phanxipăng – Giải ảo tình khúc áo bông)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search