T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 240)

Chinh Phụ Ngâm với Hoàng Xuân Hãn (I)

Bác Hoàng Xuân Hãn viết: “Từ năm 1926 ông Phan Huy Chiêm đã gửi thư cho báo “Nam Phong”, nói rằng bản Chinh Phụ Ngâm là “cụ Phan Huy Ích dịch ra văn nôm, hiện nhà họ Phan còn giữ được bản chính, vừa chữ vừa nôm”. Nhưng từ đó, mặc dầu những nhà khảo cứu yêu cầu, ông Phan Huy Chiêm chưa từng xuất bản bài diễn ấy. Ầy là vì lẽ ông Phan Huy Chiêm nghĩ rằng bản diễn ca của cụ tổ mình chính là bản đã in khắp nơi, mà có lẽ có câu không hay bằng nữa. Mùa hè năm nay tôi đã được ông Huy Chiêm nhờ người họ gửi cho một bản nhưng chỉ là một bản đã phiên âm ra chữ la-tinh. Hình như bản chữ nho và chữ nôm nay chưa tìm lại được.

Tôi thắc mắc là cho đến khi bác Hoàng Xuân Hãn viết xong bài “Tựa” nhà họ Phan vẫn chưa đưa ra được bản chính chữ nôm của Phan Huy Ích, chẳng hóa ra bác đã khởi sự viết Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo chứng minh rằng bản dịch hay nhất xưa nay người đời gán ghép cho bà Đoàn Thị Điểm chính là của Phan Huy Ích ngay từ khi trong tay chưa có bản chữ nôm của nhà họ Phan làm bằng chứng?

Cho đến nay vẫn chưa ai được thấy nó. Sau này (1970) ông Nguyễn văn Xuân tìm ra một bản ở Huế tên là Chinh Phụ Ngâm Diễn Ấm Tân Khúc mà ông và Hoàng Xuân Hãn đoán là bản của Phan Huy Ích dịch. Tôi dùng chữ “đoán” vì trang cuối “Tựa” chỗ đề tên tác giả (hay dịch giả) lại bị mất nên bằng chứng này cũng chưa thể kể là “bằng chứng” đích xác, mà chỉ là phỏng đoán.

(Nguồn Nguyễn Thị Chân Quỳnh)

Căng như mặt trống

Chỉ tình trạng căng thẳng giữa hai người.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Chữ nghĩa làng văn

Căn cứ vào lời Tựa của Tốn Phong trong tập Lưu Hương Ký: 

“Khi hỏi đến tên họ, mới biết Hồ Xuân Hương là em gái ông lớn họ Hồ, đậu Hoàng Giáp, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu”, từ đó, các nhà nghiên cứu mới bạch hóa được tiểu sử của Hồ Xuân Hương. Làng Hoàn Hậu nay là làng Quỳnh Đôi.

Bà là con Hồ Sĩ Danh, chứ không phải con Hồ Phi Diễn, như các sách giáo khoa đã ghi từ mấy chục năm nay, vì Hồ Phi Diễn không có con đỗ Hoàng Giáp và làm ông lớn. Hồ Phi Diễn và Hồ Sĩ Danh là anh em con chú con bác, lại rất xa nhau, kể ngược lên đến đời thứ 10 mới cùng một ông tổ. Bà là em ruột Hồ Sĩ Đống (1738 – 1785), đậu Đình nguyên, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, (tức Hoàng Giáp), làm quan đến Hành tham tụng, (quyền Tể tướng) tước Quận công, đứng đầu triều chính thời Trịnh Sâm và Trịnh Khải. Hồ Sĩ Danh (1706 – 1783), chỉ đậu Hương cống (tức Cử nhân), không ra làm quan, nhưng có con làm tể tướng, được phong tặng chức Hàn lâm thừa chỉ, hàm Thái Bảo. một trong 3 tước cao nhất của triều đình.

(Nguồn: Trần Nhuận Minh – Vấn đề Hồ Xuân Hương, đã rõ)

Chữ nghĩa làng…nhậu

Rượu ngon bởi vì men nồng 
Người khôn bởi vị giống dòng mới khôn

Chữ và nghĩa

Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?

Cách ly – “cách ly” và “cô lập” đều được dùng ở cả hai miền ngôn ngữ. Việt Pháp Từ điển Ðào Ðăng Vỹ: “cách ly, cách biệt” 

 “Cách ly” và “cô lập” không đồng nghĩa hoàn toàn với nhau/

Thí dụ trong câu sau, còn nghịch nhau là đàng khác:

“Cần cách ly bệnh nhân này, nhưng đừng cô lập họ.

(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Cha ông xưa đúc kết được kinh nghiệm sống và truyền khẩu cho đời con cháu mai sau qua ca dao và thành ngữ…Nay con cháu mai sau đời sau chế tác “lung tung, trống kèn” những thành ngữ, danh ngôn cho riêng họ :

• Ai bảo chăn trâu là khổ, tôi chăn nàng còn khổ hơn trâu.

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Bàn thờ vọng 2

Chưa phải là phong tục cổ truyền, chưa có nghi lễ nhất định, mà chỉ là kinh nghiệm truyền cho nhau khoảng đầu thế kỷ lại nay tuỳ hoàn cảnh thuận tiện mà vận dụng: Khi bắt đầu lập bàn thờ vọng phải về quê chính báo cáo gia tiên tại bàn thờ chính. Sau đó xin phép chuyển một lư hương phụ hoặc mấy nén hương đang cháy giở mang đến bàn thờ vọng rồi thắp tiếp.

Nếu có nhà riêng, tương đối rộng rãi khang trang, thì bàn thờ đặt hẳn một phòng riêng chuyên để thờ cúng cho tôn nghiêm, hoặc kết hợp đặt ở phòng khách, nhưng cao hơn chỗ tiếp khách. Nếu đặt bàn thờ gia thần riêng, thì phải đặt thấp hơn bàn thờ gia thần một ít. Đặt hướng nào? – Hướng về quê chính, để khi người gia trưởng thắp hương vái lạy thuận hướng vái lạy về quê. Thí dụ người quê miền Trung sống ở Hà Nội thì đặt bàn thờ vọng phía Nam căn phòng hay ngoài sân, ngoài hiên.

Không nên đặt bàn thờ trong buồng ngủ, trừ trường hợp nhà chật hẹp quá thì phải chịu. Không nên đặt cạnh chỗ uế tạp, hoặc cạnh lối đi. Đối với những gia đình ở khu tập thể nhà tầng, nếu câu nệ quá thì không còn chỗ nào đặt được bàn thờ. Những người sống tập thể, chỉ đặt một lọ cắm hương đầu giường nằm của mình cũng đủ, miễn là có lòng thành kính, chẳng cần phải câu nệ hướng nào, cao thấp rộng hẹp ra sao.

Chữ và nghĩa

Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?   

Lý giải “Lý giảivà giải thích cả hai đều được dùng từ lâu ở cả hai miền. Hai chữ có nghĩa khác nhau. Giải thích là cắt nghĩa. Lý giải là giải nghĩa tường tận cho ra lẽ.

(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Giai thoại làng văn

Nguyễn Công Hoan quan niệm chuyện đời, chuyện văn rất đơn giản, cứ như trò đùa vậy thôi: “Năm 1928, 1929, tôi bắt đầu viết truyện ngắn. Hồi ấy ở Lào Cai. Thấy tôi hay đùa, Tương Huyền bảo tôi viết. Tôi từ chối. Hắn nói mày không viết tao đánh. Tôi viết ba truyện đưa Tương Huyền xem. Tương Huyền nói: “Thế này là xã hội tiểu thuyết chứ còn thế đéo nào nữa!”. Hồi ấy viết thế thôi. Không ai nghĩ sau này thành nhà văn.

Ông nói: “Ngày nay toà soạn báo là toà không soạn. Ngày xưa toà soạn là phải soạn, cứ ngồi tán với nhau rồi thấy có gì hay là viết. Thí dụ: Hồi Vũ Trọng Phụng viết Vỡ đê, Ngô Tất Tố nói: “Thằng Phụng viết thế khỉ nào được nông thôn. Để tôi viết cho mà xem. Thế là Tắt đèn ra đời”.

Tôi thích truyện ngắn hơn. Còn Bước đường cùng thì thường thôi. Kháng chiến, mất bản thảo. Trong thành còn giữ được một cuốn. Có thằng nó in ra. Năm 1954, vào thành in lại. Tác phẩm tồn tại đến ngày nay là do thế.

Tôi thành ra nổi tiếng. Lý do rất đơn giản!

“Nhà văn Việt Nam phải học tiếng Việt Nam. Người ta nói “Trăm nghìn người mới có một”. Mình lại nói “trường hợp cá biệt”. Tiếng Việt rất trong sáng, dễ hiểu. Sao cứ bịa ra những tiếng khó hiểu, bây giờ chắc nhiều người không biết nghĩa là gì: tại sao gọi “bến ôtô”, “bến tàu điện”? Tại sao gọi là “bát đàn, bát sứ, bát kiểu”. Tại sao gọi là “bít tất”, “Mọi nhẽ” là gì? Mọi nhẽ nghĩa như vân vân…

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Rượu Làng Vân

Rượu Làng Vân: còn gọi là Vân hương mĩ tửu, trước kia thường dùng sắn tươi, sắn khô, nay chủ yếu dùng gạo, là loại rượu nổi danh miền Bắc. Làng Vân thuộc, xã Vân Hà, tỉnh Bắc Ninh cũ – tức Kinh Bắc, nên người ta quen gọi là rượu Làng Vân – Bắc Ninh, cũng giống như quan họ Bắc Ninh vậy.

Rượu Văn Điển, Hà Nội nay vẫn được Ông Đường lưu truyền. Rượu được làm 100% từ gạo nếp cái hoa vàng.

Lo le

Lo le: đưa ra vật gì đang giấu

(giấu nó đi đừng lo le)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chơi chữ

Đặc biệt câu đối loại chơi chữ rất cầu kỳ, oái oăm do tận dụng những chữ đồng âm khác nghĩa, đảo từ, đảo ngữ, nói lái, … nên càng khó đối hơn. Thí dụ:

– Lối đồng âm khác nghĩa như vế ra của vua Duy Tân dùng vừa nghĩa vừa chữ kèm nhau:

Đi chi đường đạo sợ cụ (chi là đi, đạo là đường, cụ là sợ)

Nguyễn Hữu Bài đã đối rất tài tình:

Không vô trong nội nhớ hoài (vô: không, nội: trong, hoài: nhớ)

– Lối đảo từ, đảo ngữ như vế ra trong cuộc thi do báo Trung Bắc (hai nhà nho ưa chơi chữ là Nguyễn Đỗ Mục và Dương Bá Trạc chủ trương bộ biên tập) khởi xướng:

Vợ cả vợ hai, hai vợ cùng là vợ cả.

Vế đối sau đây gọi là trúng cách:

Con nuôi con đẻ, đẻ con há cậy con nuôi.

(chữ nuôi sau cùng được hai nghĩa trạng từ và động từ như vế ra).

– Lối nói lái như vế ra và vế đối sau:

Mài kéo cắt đuôi mèo cái.

Lòn cưa cứa cổ lừa con.

(T. V. Phê – Câu đối)

Chăn tằm hái dâu cũng quần nâu áo vá

Đứng đường đứng sá cũng áo vá quần nâu

Ám chỉ mỗi người mỗi số mệnh riêng, không ai giống ai.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Câu đố

Xét trong quan hệ với vật đố, tức cách biểu thị vật đố ra sao, hình ảnh ở lời đố thường được sử dụng theo lối lạ hoá (gọi là tính lạ hoá của hình ảnh). Ở mức độ chung, trên tổng thể văn bản lời đố, tính lạ hoá được thể hiện theo hai hướng: miêu tả một vật đố bằng nhiều dạng vẻ không giống nhau; và sự miêu tả khác thường một vật đố, tạo nên một thứ kì dị. Như:

Đánh thắng ông vua,
Đánh thua thầy chùa?”

(Con chấy)

(Đầu vua có tóc như người bình thường, nên chấy bám được; đầu thầy chùa nhẵn bóng, chấy phải “thua”);

(Triều Nguyễn – Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố)

Triết lý củ khoai
Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một đoạn
Nào ngờ đi.. loạng quạng đến hôm nay!
(Thích Tánh Tuệ)

Chữ nghĩa làng văn
Mút mùa Lệ Thủy:
Mút mùa có nghiã là hết mùa, xong xuôi gặt hái. Mút là cái đuôi, phần cuối, phần chót, như ta thường nói: mút đũa (l’extrémité d’une baguette). Mút mùa (en fin de saison), như ta nghe thấy trong ca dao Bình Trị Thiên:
Mút mùa rạ ngã rơm khô
Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm!

Đây là lời than thở của cô gái nhà quê đã gặp chàng trong mùa gặt hái và đã có lời hẹn ước sang năm sẽ gặp lại, nhưng đối với cặp nhân tình đã thề non hẹn biển thì thời gian tâm lý (temps psychologique) quá dài như thuyền trôi qua mười hai bến nước!

Cũng có nơi hát như sau, nhất là trong Nam:
Rồi mùa rạ ngã rơm khô
Bậu về quê bậu, biết nơi đâu mà tìm!

Trong câu này có chữ rồi thay chữ mút, có chữ bậu thay chữ bạn, có chữ đâu thay chữ mô. Và ta nên chú ý vần âu (bậu, đâu) thay vần ô (khô; mô) mà vẫn giữ âm hưởng trùng vận, và đây là “nội vận” (rime intérieure, bậu và đâu).

Ngoài ra ta cũng nên lưu ý nơi chữ bậu. Trong Nam có câu ca dao dí dỏm, mặc dầu nghe rất dữ tợn như “xin tí huyết”:
Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra cho khỏi tay ta
Cái xương bậu nát, cái da bậu mòn!

Hai câu trước là đưa ra sự kiện có thể xảy ra, còn hai câu nối tiếp là “dằn mặt, đe dọa, hăm he xé xác, nghe mà rởn gáy, rùng mình”. Nhưng mà không can chi, người mình ưa “giơ cao đánh khẽ”, chỉ khoa trương bằng lời nói, mà rốt cuộc cũng nương tay.
Cái điều chúng ta thắc mắc là chữ bậu. Theo tôi do sự rút ngắn (contraction) của hai chữ “phàng dậu” là cách đọc theo giọng Quảng Đông của hai chữ bằng hữu. Còn hai chữ mạo dậu mà ta thường nghe phía Hải Phòng, Chợ Lớn, là do hai chữ ma hữu, có nghiã là “không có” chi cả!

Riêng hai chữ Lệ Thủy là tên huyện “Lệ Thủy”, Nam Quảng Bình.

Lệ là đẹp, thủy là nước. Lệ Thủy là nước đẹp, có gaọ trắng nước trong, trai thanh gái lịch. Xưa kia là Phong Phú cộng với Phong Lộc (Quảng Ninh) là hai huyện trong thành ngữ “Nhứt Đồng Nai, nhì Hai Huyện”, sản xuất lúa gạo nhiều nhất miền Trung.

(Thái Văn Kiểm – Kho tàng tiếng Việt)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Làm trai cho đáng nên trai.
Đi đâu cũng lận cái chai trong người.

Chữ và nghĩa

Tiếp đất: Từ trong nước, được một số “bộ phận” dân chúng dùng. Từ này, được dùng thay thế hoặc dùng thay đổi qua lại với từ “hạ cánh” (máy bay) thường được dùng trước đây, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. “Cất cánh” (“take off”) được dùng đối với “hạ cánh” là đẹp. Nhưng từ “tiếp đất” này, dịch rất sát từ “landing” trong tiếng Anh, cũng là một từ hay. Nó đi vào sự cụ thể, không trừu tượng (vớ vẩn) hay dùng hình ảnh, chữ nghĩa thơ mộng nữa. Nó chỉ rõ: bánh xe của máy bay tiếp xúc với mặt đất, chạm đất.

(Bùi Vĩnh Phúc – Trên đường bay của chữ)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search