T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Chuyện kể về nhà tù sau ngày chiến tranh chấm dứt

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác gỉa “Chuyện kể năm 2000″, một người tù “cam chịu lịch sử”, trong bản tham luận viết cho dự án “Tái xây dựng diện mạo và vị trí của cộng đồng người Việt” ((Re) Constructing Identity and Place in Vietnamese Diaspora) của William Joiner Center: “Với kinh nghiệm sống trong một đất nước liên tiếp có những cuộc chiến tranh, tôi hiểu chiến tranh không chỉ đến một mình. Bao giờ nó cũng có một người bạn đồng hành: Nhà tù. Đó là người anh em sinh đôi của chiến tranh . . .

Cái nhà tù mà nhà văn Bùi Ngọc Tấn nói đến trong tác phẩm gây xôn xao dư luận một thời, chính là nhà tù đã giam giữ “Những người đã từng cộng tác với Pháp, với Mỹ, những người có biểu hiện thiếu lòng tin vào sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, những phần tử đáng ngờ, những kẻ trộm cắp, du thủ du thực,… tóm lại tất cả những gì là vẩn đục so với yêu cầu trong như pha lê của một xã hội cần pha lê hoá, đều bị tập trung cải tạo và đó được coi là một biện pháp không thể thiếu...”

Và theo ông: “Tổng kết về một cuộc chiến tranh không được quên những người đó. Họ đã góp phần vào chiến thắng, bằng cuộc đời mình, bằng sự đóng góp phần cao quý nhất của mình: Tự Do!
Họ có quyền được chia sẻ niềm tự hào, dù là sự tự hào nhục nhã.
Dù họ chỉ là những người cam chịu lịch sử.
Lịch sử phải viết về họ.
Văn học phải viết về họ.

Với tác phẩm “Chuyện kể năm 2000″, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã thực hiện nhiệm vụ của mình, bằng tư cách một người làm văn học – hơn nữa, nạn nhân của chính nhà tù ấy, của sự “cam chịu lịch sử”. Một nhiệm vụ được hòan thành xuất sắc. Không có sự ra đời của “Chuyện kể năm 2000″, hầu như ta có thể nói không có nhà văn Bùi Ngọc Tấn hiện hữu trong nền văn học đầy những biến động của Việt Nam cận đại, bất kể văn nghiệp của ông đã khởi đầu từ rất lâu, từ trước khi bước chân vào nhà tù, và sau “Chuyện kể năm 2000″ ông đã cho ra đời thêm nhiều tác phẩm khác.

Ít nhất, đó là cái nhìn từ bên ngòai đất nước, của những người đã từng có thời ở chung một nhà tù với ông, nhưng không phải với tư cách “cam chịu lịch sử” theo lối nói của ông nhằm chỉ những người “đã góp phần vào chiến thắng (của cuộc chiến tranh ), bằng cuộc đời mình, bằng sự đóng góp phần cao quý nhất của mình: Tự Do!”.

Những kẻ “cam chịu lịch sử” bước chân vào nhà tù (Cộng sản) với tâm trạng của người bị bắt oan, của người vẫn tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự tốt đẹp của nhà nước Cộng sản, nhưng vì những nguyên nhân mà họ không biết được, họ đã bị nghi ngờ là chống phá nhà nước, không chịu đi theo Đảng. Kể cả khi được thả ra ngòai xã hội, họ vẫn còn mang tâm trạng ấy, và, tuy có vùng vẫy, cũng là sự vùng vẫy nhằm kêu gào cho sự oan ức của mình.

Cũng nhà tù ấy, cũng người anh em sinh đôi của chiến tranh ấy, sau khi chiến tranh chấm dứt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã đón nhận hàng trăm ngàn người tù mới, những người thuộc về phe bại trận, những người không thuộc thành phần “cam chịu lịch sử”, tức những người không góp phần vào chiến thằng bằng sự tự do mà bằng vào chính khả năng sử dụng sự tự do ấy để ngăn cản không cho sự chiến thắng (của người Cộng sản) xẩy ra. Chẳng may, họ đã thất bại. Và vì là kẻ bại trận, họ chấp nhận thân phận tù đày. Chẳng có gì oan ức cho những người tù sau cuộc chiến tranh ý thức hệ cả. Và sự vùng vẫy của họ, nếu có, là sự vùng vẫy nhằm chống lại sự tòan trị của chế độ, nhằm lật đổ chế độ, hay nhẹ hơn là tìm cách thoát ra khỏi đất nước bị kềm kẹp bởi chế độ đó.

Nhưng, đối với những tên cai tù trong nhà tù nhỏ là những trại cải tạo mọc lên như nấm trên khắp miền đất nước sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 hay những tên cai tù hiện thân là những viên chức chính quyền trong nhà tù lớn là cả đất nước Việt Nam những ngày khó quên ấy, thì tù là tù, bất kể anh “cam chịu lịch sử”, oan ức hay đích thị là “bọn phản động chống phá cách mạng”.

Vì tù nào cũng là tù, nên sự đối xử chỉ là một.

Như nhà phê bình Thụy Khê đã nhận xét: “Từ trước đến nay, độc giả -nhất là độc giả ngoài nước- đã được đọc nhiều hồi ký cải tạo của những người cầm bút ở hai miền Nam Bắc. Mỗi hồi ký đều nói lên những khía cạnh khác nhau của đời tù cải tạo. Qua những tác phẩm đó, người đọc biết được đại cương đời sống trong tù. Nhưng thể hồi ký, luôn luôn gò bó người viết trong tư thế nhất định của cái tôi chủ quan nên khó có thể bước vào thế giới mộng tưởng nghệ thuật. Ở hồi ký, người viết cũng lại gần như bắt buộc phải đưa ra những việc thực, người thực nghèo nàn, giết chết khả năng sáng tạo.

     Sự lựa chọn thể tiểu thuyết, nơi Bùi Ngọc Tấn, là một sự lựa chọn độc sáng. Với tiểu thuyết, nhà văn có thể tung hoành, sống nhiều cái tôi, đứng trên muôn vàn khía cạnh để rọi những lăng kính khác vào cuộc đời Goulag . . .”

Quả đúng là sự lựa chọn hình thức tiểu thuyết để kể lại cuộc đời tù tội (trong nhà tù Cộng sản) và kể cả khi đã được “nhà nước ưu ái, khoan hồng” cho phép bước từ nhà tù nhỏ (trại cải tạo) ra nhà tù lớn (xã hội công an trị) là một sự lựa chọn độc sáng của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, và phải kể cả đến văn tài nẩy nở từ những khổ đau ông phải chịu. Không có những đau khổ, tủi nhục ông phải trải qua, chưa chắc văn tài của ông có dịp trau dũa để chín mùi như khi ông viết “Chuyện kể năm 2000″ trong âm thầm, không biết rồi đây những trăn trở buốt lòng ấy có dịp đến với người đọc khắp nơi, ở bên này và bên kia bờ Thái Bình Dương, để chỉ thỏa mãn khát vọng chia sẻ, đánh động lương tâm con người chứ không phải sự nổi tiếng.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã được cả hai thứ . Ông xứng đáng nhận phần thưởng ấy cho những nỗ lực đầy đau đớn của mình.

Lịch sử bao giờ cũng có những sự ngạc nhiên dành cho chúng ta. Cái cách cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975 là một sự ngạc nhiên chết người. Bức tường Bá Linh bị kéo đổ năm 1989 và tiếp theo đó sự tan rã hàng lọat của hệ thống nhà nước Cộng sản thế giới lại là một sự ngạc nhiên khác lớn không kém. Rồi những người tù năm xưa từ hệ thống nhà tù độc ác nhất thế giới của chính quyền Cộng sản Việt Nam bỗng một sớm một chiều từ địa vị công dân hạng nhì, chỉ được tạm trú trong chính căn nhà mình sinh ra, trên đất nước mà cha mẹ tổ tiên bao đời gìn giữ, những con người “cặn bã” ấy đã được trọng vọng nhờ vào những năm “cải tạo” ở những trại tù. Càng nhiều năm cải tạo, càng có giá, càng nắm chắc được chiếc vé máy bay bay vào “thiên đường”.

Nhiều năm sau, từ những vùng đất tự do ngòai đất nước, nhiều câu chuyện về “nhà tù” được kể lại, được lan truyền, bằng nhiều hình thức khác nhau. Đó là một mảng văn học rất đặc thù nẩy sinh từ một hòan cảnh lịch sử cũng đặc thù không kém. Tác phẩm “Chuyện kể năm 2000″ của nhà văn Bùi Ngọc Tấn chiếm một vị trí đáng chú ý nhất trong mảng văn học này, vì nó đã phản ánh một cách trung thực nhất, bi tráng nhất, thuyết phục nhất những hình ảnh khó quên về cái gọi là “Trại Cải Tạo” trong tâm tưởng hàng chục triệu những nạn nhân của nó.

Trang T.Vấn & Bạn Hữu, nhân giới thiệu công trình góp nhặt cát đá của anh Ngộ Không Phí Ngọc Hùng qua chuyên đề Tác Giả Tác Phẩm – Bùi Ngọc Tấn, cũng nhân cơ hội nhìn lại một đọan đời không bao giờ quên của những bằng hữu thường xuyên góp mặt trên trang viết này. Vì những dấu ấn từ đọan đời tù đày ấy lúc nào cũng lảng vảng – một cách ý thức hay không ý thức – trên những sáng tác thơ, văn, nhạc mà các bạn hữu chúng tôi gởi đến đóng góp.

Qua “Những hình bóng cũ” của Trần Lê Việt, chúng ta hiểu được tâm tư, hòan cảnh những bài nhạc của anh ra đời và cũng gián tiếp được gợi nhắc lại những bài tù khúc từng được thuộc nằm lòng bởi hàng chục ngàn tù nhân cải tạo và làm rơi nước mắt hàng triệu những thân nhân chúng ta năm nào. Hoặc với “Một cỗ xe trâu” hay “Vùng đất chim độc thọai” của Đỗ Xuân Tê, gợi nhớ đến những năm tháng vô vọng, những cái chết “lãng nhách” rình rập người tù không án nơi miền thượng du rừng thiêng nước độc. Hoặc “Đốm lửa trong đêm tù” của Như Hoa Lê Quang Sinh làm nhớ đến những anh em “đồng tù” một thuở chia nhau từ thỏi đường viên kẹo cho đến viên thuốc hiếm hoi nhận được từ gia đình. Hoặc những bài thơ viết từ năm tháng khốn khó nơi trại tù của Ngọc Phi, cho người vợ trẻ phải thay chồng bươn chải miếng cơm manh áo nuôi con, nuôi mẹ cùng với nỗi cô đơn cùng cực của một người đàn bà trẻ chờ đợi vô vọng sự trở về của người xưa.

Những bạn hữu nói trên của chúng tôi đã sống những điều mình viết, đã rất nhiều năm chôn vùi tuổi trẻ trong sự khốn khổ nhưng không tuyệt vọng, chịu đựng nhưng không đầu hàng, để cuối cùng điều quan trọng nhất đã đạt được: sống sót trở về.

Để ngày hôm nay, chúng tôi có cơ hội góp phần viết một trang sử cần được viết bởi nhiều người cho các thế hệ mai sau.

T.Vấn

3 tháng 11 năm 2011

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search