T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Trồng cây trên đá

clip_image002

Tôi chẳng mảy may nhớ gần gũi với cây cỏ cỏ tự khi nào. Tự lâu lắm rồi thì phải, một ngày ngừng chân cạnh bãi biển, lặng ngắm một nhánh cây lạc lõng trong hốc đá, nghiêng ngả chênh vênh bên ghềnh núi dưới nắng quái chiều hôm.

Hình ảnh ấy đầy ắp trong tôi từ ngày đó, để rồi tôi làm quen với bonsai như duyên với ngộ. Sau này rơi vào cái tuổi vào thu, ngày trời tháng Bụt nấp cửa thiền môn, góp nhặt sỏi đá qua chữ nghĩa cùng với dăm ba chậu cây cảnh, rồi quơ cào với phá chấp và buông xả này kia, kia nọ. Một ngày, tôi tẩn mẩn trồng cây trên đá…Không phải một mà là…hai.

       Vừa mầy mò, vừa có những cảm nghĩ vụn vặt về những cây Nhật lùn. Nếu có thể được, hãy xem như như một người tình câm với cỏ xót xa đưa cỏ xót xa người. Thủ thỉ tâm tình những khi buồn vui có nhau, vui với cái vui của người tình cũ, trong những ngày lập xuân đầy nắng ấm. Và cũng buồn với cái buồn khi những lúc trái nắng trở trời, gió đông hiu hắt. Gần nửa buổi, cây cảnh cũng được uốn éo cắt tỉa, o bế chắt chiu cho rễ bám chặt vào hòn đá. Trong một sát na, tôi bắt gặp chốn hỗn mang của vô thức, vang vọng âm hưởng của một dòng nhạc ai hỏi tôi đá biết thở dài xa xôi, ai hỏi tôi đá có ngậm ngùi chia phôi.

       “Người xưa…” như đang len lén trở về…

       Hãy tạm gác đường xưa lối cũ với con đường tình ta đi, vì chuyện đâu còn có đó. Tôi nâng niu đặt cả khối đá và cây vào trong cái chậu gốm nâu. Trải đều thêm ít sỏi trên mặt đất, như thêm chút phấn hương, làm đẹp cho đời, làm đẹp cho người. Miệng nhẩm đẩy đưa theo dòng nhạc quen thuộc, như tự nhủ thầm với chính mình ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau….

 

 

clip_image004

Trồng cây trên đá – Vườn nhà

Hòan thành xong một tác phẩm, thì cứ tạm cho là sáng tạo trong những giây phút yên sĩ phi lý thuần đi, nếu cần khóac cho cái áo nghệ thuật vị…nhân sinh cũng có sao đâu. Xong, bẩn thần ngắm và tự nhủ thầm “nhân sinh” là ai đây cái đã? Và thấy vẫn không quên được chuyện cũ, tình đầu như lảng vảng đâu đây: Chẳng phải hờ hững đâu xa, ngay trước mặt là hai nhánh cây mà gốc rễ, tàn cây hình tượng qua một bức họa trên giá vẽ vẫn chưa hòan tất. Hòn đá là một tác phẩm điêu khắc vẫn còn dở dang, dang dở, Từ Thức còn đang lên non tìm động hoa vàng. Tú Uyên vẫn còn mải mê tìm người đẹp trong tranh. Tòan bộ tác phẩm cây và đá, mai này sẽ còn đổi thay theo thời gian và ngoại cảnh, nào có khác gì một cuộc tình không trọn vẹn. Rồi thì buồn vui với cỏ cây, đành cúi đầu với số mạng có dưỡng có triệt, hữu hình hữu họai. Ít mùa sau, với phong ba bão táp dập vùi, nếu “lá có tiễn người đi” thì cũng như cơn gió thỏang, cát bụi chân ai cùng một cõi tử sinh nay áo đã cuốn về thiên cổ, lá vàng bay lạnh nỗi niềm không. Thêm một chút nhạt nhòa qua chân không, nhuốm chút Thiền quán với Phật pháp nhược thử sinh tắc bỉ sinh, nhược thử diệt tắc bỉ diệt, nhược thử vô tắc bỉ vô.

       “Nhược tử hữu, tắc bỉ hữu…” hiểu theo nghĩa…có tôi là có hòn đá. Hay nói khác đi: Tôi chính là hòn đá…vô ưu, như vừa được vẽ vời và đục đẽo ở trên.

       Cây trồng trên đá, cứ hoang tưởng cây là rừng, đá là núi, núi rừng thu gọn vào mảnh đất con con như để…tận thu tứ hải sơn hà. Hà là sông, hãy thêm một giòng sông lặng lờ, một cái cầu chênh vênh, vẩn vơ thả hồn với trời đất bao la xanh um cổ thụ tròn xoe tán, trắng xóa trường giang phẳng lặng lờ. Lại nữa, vốn dĩ đã tự cho mình là hòn đá…vô thức. Thì hãy cứ một lần nhập thế, phá chấp như một kiếm sĩ Phạm Thái ngoài vòng cương tỏa, đêm đêm bên bờ suối, mài gươm dưới trăng:

Ta mượn nâu sòng che kiếm bạc

Mười năm gió núi lộng thư phòng

Rượu cạn bình khô chiều nắng tắt

Nhớ người tê buốt ngọn thu phong

       Mới là kiếm sĩ, thêm một lần hóa thân, buông xả là một sư ông Phạm Thiên Thư, trút bỏ bộ áo nâu sòng, xa rời tục lụy, với sắc sắc không không. Nay tuổi đời còm cõi, tóc bạc da mồi, ôm một hai cây si, cắt tiả những sợi tóc mây, nụ non lá vàng, thả hồn về một cõi hư không:

Ai khóac áo nâu sòng

Ai chân trời biền biệt

Tên ai còn tha thiết

Trong tiếng chuông chiều đưa

(Phạm Thái)

– Nói gì? Có gì để nói? Biết nói gì giữa hòn đá và áo nâu sòng. Bình thường như xuân hạ thu đông có bốn mùa.

Ngay tình mà nói, tôi cũng có một đôi chút ngại ngùng khi mang thơ và nhạc vào đây làm cảnh, cùng chút bồng bềnh với vài ba cụm mây lặng lờ qua mái chùa, hay giăng giăng vắt ngang đầu núi. Thật tình mà giải bày, mẩu chuyện “Người xưa…” của tôi không đẹp như một bài thơ, không lãng đãng như một dòng nhạc. Mà êm ắng qua tiếng mõ, tĩnh lặng với tiếng chuông chiều cô liêu. Đơn  thuần chỉ là một khúc, một đoạn nối tiếp của nhân với quả. Tiếp nối là “Người đi qua đời tôi” với tình chị duyên em. Thế nhưng chẳng hẳn là vậy, con chị nó đi con dì nó lớn chỉ là những ràng buộc ở một khoảng thời gian nào đó. Duyên em chơ vơ đầu sông bến bãi, thoắt một cái đã gần nửa thế kỷ. Thoáng như vẫn còn đang lềnh bềnh nổi trôi đâu đây.

Vướng mắc thêm chút nữa, tôi có một người bạn chăm lo đi chùa để thiền định, thiền quán. Bạn kể tôi nghe cây Nhật lùn của ông sư trụ trì: Ấy chỉ là một khúc cây khô, vừa thô vừa mốc meo, trơ trụi loe ngoe có một hai nhánh, lơ thơ đơn độc vài ba chiếc lá. Ban đêm thầy mang ra ngoài hứng sương, ban sáng thầy bê vào đặt bên cửa sổ, hong hóng một chút nắng ngày. Nghe vậy, tôi hình dung trong u mặc của bóng chùa về khuya, một hình ảnh thanh tịnh của bờ vai gầy, cô quả ôm khúc cây lẻ loi, như hình với bóng của những năm tháng, đơn côi và thầm lặng. Anh bạn tôi tò mò hỏi sao thầy không tìm một cây khác, đẹp và tươi mát hơn.

Qua những giây phút lắng đọng mênh mang của đời thường lẫn tục lụy. Thầy từ tốn trả lời như gửi gấm mảnh áo nâu sòng vào chân không:

Gió thông đưa kệ tan niềm tục

Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời

(Trần Nhân Tông và ni cô)

– Chuyện gì xẩy ra tất phải xẩy ra, ông sư hay ai cũng vậy thôi. Nói gì, có gì để nói. Chỉ là xuân hạ thu đông, có con bướm trắng lặng lờ qua mái chùa.

Nghe xong, trong tôi có một chút vấn vương của chuyện người chuyện ta, chuyện có liên quan đến bức tượng tôi đang có ở nhà. Cách đây mấy năm, một lần đi săn đồ cổ, trời đổ mưa, đường mưa ướt đất và cuối ngày tôi lũi cũi vác về được một ông thiền sư.

Ông thiền sư Nhật về nhà tôi trong một ngày mưa gió bão bùng, tha hương ngộ cố tri, sau này ông là một người bạn đồng hành với tôi trong những ngày tháng trống vắng. Tượng có nét khắc phóng khoáng thanh thóat ít thấy: Thiền sư ngồi bó gối ôm đầu trong thế sám hối hay tĩnh tâm. Tuyệt tác ở chỗ, người thưởng ngoạn không nhìn thấy mặt, nhưng vẫn nhìn thấy những khổ đau qua vừng trán khắc khổ mông lung. Bức tượng gỗ ấy được thể hiện với đường nét, vết khắc hằn rõ mồn một hằn trên lưng thiền sư mà nghệ nhân đã gói ghém, và ẩn hiện cùng ẩn nấp qua một khuôn mặt nhẹ nhàng, thanh tú, đè nặng trên vai thiền sư là:

       Khuôn mặt của…một người tình cũ.

clip_image006

Tượng thiền sư Nhật ở trong nhà

Vô hình chung, ông thiền sư người Nhật là hình ảnh của tôi, cả hai đều mang chung một dấu ấn. Đều đi chung trên chiếc thuyền cỏ lau của Bồ Đề Đạt Ma mà Tây Trúc thì xa vời vợi. Lên non tìm động hoa vàng lối mòn mất dấu và ông lạc nẻo đường trần, nên ngồi một chỗ, ôm đầu bó gối, ôm mối sầu vạn cổ chẳng một ngày nguôi ngoai. Còn lại mình tôi dặm trường mê mải bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về…Và rồi cũng đành ngồi đây với nghìn trùng xa cách. Đang ở phiên chợ chiều heo hắt, một ngày tóc trắng như vôi lúc nào không hay, tháng này qua năm khác, làm bạn với cỏ cây để ngẩn ngơ, ngơ ngẩn…Từ những vết hằn của người tình cũ trên lưng bức tượng thiền sư. Trên lưng tôi cũng mang dáng dấp một hình bóng vạt áo nâu sòng trong cái tuổi tà tà bóng ngả về tây. Tây đây ắt hẳn là Tây trúc, để quên đi bản ngã vô thường, vô minh. Cũng chẳng thể thóat tục để rồi ôm đồm: Tình cũ trong nhau có niết bàn, người xưa như thóang bóng từ bi.

       Và lại lẩn thẩn, rị mọ đến hai cây si trồng trên hòn đá năm nào, cũng trên hai chục năm rồi chứ đâu có ít ỏi gì. Như một dấu tích, một thời để yêu, một thời để nhớ. Không biết gió đổi mùa hay sao ấy, để thấy một cây đã “lá úa tiễn người đi”. Đành nhủ thầm rằng đời người vốn dĩ ngắn ngủi như hoa phù dung sáng nở tối tàn. Mà cỏ cây cũng lạ như tre, trúc, cây này phải chết đi để dành đất cho cây khác sống. Trở về với cây trồng trên đá. Cây còn lại gần như trơ trụi, sau một mùa đông trong sầu miên. Sang xuân, vừa nâng niu cắt với tỉa, vừa thì thầm với người xưa: Xuống tóc vì ai  khép cửa đời, vào thiền chỉ thấy nhớ và thương. Sau đấy moi đất, rễ vẫn còn bám cứng vào hòn đá. Hòn đá nay đã rêu xanh ẩm mốc, và bồi hồi, thầm thì với người đi qua đời tôi: Biết cùng ai nói câu tâm sự, đá ngủ bên thềm gọi chẳng thưa.

       – Ai mà biết chuyện gì giữa ông thiền sư và người tình cũ. Nói gì, có gì để mà nói. Bình thường chỉ là xuân hạ thu đông bốn mùa trôi qua.

Và “Người xưa…” như đang có mặt, âm ỉ vọng về qua dòng thơ của một Vũ Hoàng Chương trong Tâm hương đốt nén kinh cầu:

Lang thang từ độ luân hồi

Vô minh nẻo trước xa xôi vọng về

Trông ra bến nước, bờ mê

Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương

Ta vun cát bụi bên đường

Lúc này tôi đang có tuổi, chẳng còn nằm ở cái tuổi lãng đãng với thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mưa nhưng tôi cũng lui cui vun cát bụi bên đường trong một ngày ít nắng nhiều mây….

***

Ngược về Hà Nội trước năm 54, ông cụ bà cụ tôi ở chung với một, hai gia đình trong một căn biệt thự gần như hoang phế ở phố Chợ Đuổi. Trong đó có một gia đình  với hai cô con gái trạc tuổi tôi. Hai chị em thường mặc quần áo giống nhau, mùa đông áo len "cổ lọ" mầu tím than, mùa hè với chiếc "jupe" ngắn cũn cỡn "ca rô" xanh đỏ. Chiều chiều, cô em, cô chị nhẩy lò cò, nhẩy dây trên cái sân gạch gần bể nước mưa, dước gốc cây bàng. Lâu lâu tôi cũng có mặt với hai chị em cô ấy, ngòai nhẩy dây, nhẩy lò cò hay chơi ô quan mà còn lỉnh kỉnh thêm bát điã, nồi niêu soong chảo nấu nướng. Kế tiếp là qua trò chơi mày làm…vợ, tao làm… chồng, và tôi là kẻ thua thiệt, vì sính lễ, hồi môn là mấy hòn bi, mấy cái nút chai cứ không cánh rủ nhau mà đi…

       Ở cái tuổi ấy, trí nhớ tôi chỉ có bấy nhiêu, có những chuyện đi vào ký ức chẳng bao giờ quên, cũng có những chuyện đáng nhớ lại sương khói mờ nhân ảo…như cái tên của hai chị em cô bé này chẳng hạn. Mãi đến khi vào trong Nam, hai gia đình qua lại, bà cụ tôi gọi bà bạn là “mẹ cái Hạnh”, từ đó tôi mới biết  tên cô em, còn cô chị hơn tôi hai tuổi tên Hường. Có một lúc tôi tẩn mả tần mần, với người Bắc, tên Hồng mới đúng. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng đấy không phải là chuyện của tôi. Vì lúc này thằng tôi còn đang bù đầu tóc rối với chiếc đầu húi cua, súng cao su dấu trong túi quần, lòng vòng chung quanh mấy cây soài,  cây phượng. Cuối tuần, miệt mài o bế chiếc xe đạp mà ông cụ, bà cụ mua cho vì vừa mới thửa được cái bằng tiểu học.

         Bán họ hàng xa, mua láng giềng gần, hai gia đình càng ngày càng khắng khít qua lại trong những dịp tết nhất. Và không thể thiếu mục biếu sén, cùng một thóang hương xưa với bánh trôi, bánh chay quán Bà Ba Bủng, bánh chưng, giò chả tiệm Quốc Hương. Cả một bầu trời Hà Nội cùng quê nhà đất Bắc thu hẹp rỉ rả trong ba ngày Tết, giọng cười rôm rả trước cửa nhà: "Dạ, quý hoá qúa, tết với nhất, bác lại bầy vẽ…". Ngay sau đó sì sầm to nhỏ sợ ai nghe thấy "Ấy, chứ người Bắc mình. Ai lại thế…". Trong khi ba đứa tôi đứng một góc nhà, nháy nhó ra dấu cho nhau đợi tiền mừng tuổi, lâu lâu hai chị em khụm miệng cười rúc rích như chuột rúc trong cót thóc. Bà mẹ nhìn tôi,  nhìn Hạnh: "Thằng Hùng, con Hạnh lớn như phổng, mới ngày nào…". Tôi loáng thoáng ngộ được một điều, mấy cụ đã móc ngoéo thông gia, thông điếu mai này hai đứa… đâu đó từ căn nhà phố Chợ Đuổi năm xửa năm xưa.

       Không hiểu tại sao, đứng ở đấy, tôi cứ nhìn trộm Hường, cổ đeo kiềng vàng, tóc kết bím, chiếc áo dài hụt hẫng ngang đầu gối. Và tần ngần….

       It lâu sau này, tôi bỗng vụt lớn tồng ngồng lên thật, nhổ giò nhổ cẳng trông thấy, các cụ gọi là cái tuổi lông ben, khổ nỗi tôi lại "dậy thì" hơi sớm. Thế nên bề ngoài cũng đổi thay, tóc sấy cho có nề có nếp. Nhóc tì ấy vậy mà áo cài khuy “măng-sét”, quần “dra-gông”, giầy bôi si “ki-uy” bóng nhẫy. Trong khi đám bạn đang đội trời đạp đất, hùng hục dành nhau quả bóng to bằng đầu ông địa ở sân đá banh, hoặc bì bõm với sông rạch…thì tôi nhàn tản, một mình nổi trôi trên biển nhớ và thương, với trời đất bao la cùng gió và mây. 

      Sau đấy, tôi mòn mỏi đếm từng tuần từng tháng, Tết năm sau cũng từng ấy tập tục. Các cụ chỉ đợi dịp này để mang ba chuyện vặt vãnh hoài cố quận: "Chỉ thiếu chút mưa phùn gió bấc. Ngòai Bắc mình, mùa này…", và râm ran, láo nháo qua mấy câu đầu môi chót lưỡi, rất Bắc Kỳ đặc như: “Ừ nhẩy…” với” “Vậy ư…”. Mấy năm rày tôi đã là người "nhớn", nên được ngồi hóng chuyện các cụ, còn Hường đi lên đi xuống với khay nước, bình trà. Hình như cũng có một chút nào khác lạ, mảnh dẻ, tha thướt qua chiếc áo dài mầu xanh dương, nửa thơ ngây, nửa thiếu nữ đang xuân. Có một lúc tôi bắt gặp thoáng liếc tôi cười mỉm chi, tôi bỗng dưng có những cảm xúc dạt dào, những cảm giác lâng lâng, nhè nhẹ. Bâng khuâng với bâng quơ…

***

Một ngày đạp xe vừa tới đầu ngõ trời lấm tấm mưa, Hường mở cửa, nhíu mày lắc đầu, nửa như trách móc, nửa thương…yêu. Sau đó lấy khăn, lược cho tôi, hai bàn tay vô tình chạm nhau, Hường rụt về như điện giật. Trong tôi có một cái gì khó tả, cùng những xốn xang êm ả. Mưa bắt đầu nặng hột, bà mẹ giữ tôi ở lại ăn cơm. Thỉnh thỏang đợi bà lơ đãng hỏi gì chồng, là lúc Hường nhìn tôi, liếc vào đĩa thức ăn, như ngầm ra dấu "Ăn đi…". Cái tình mới lớn nó là như vậy, như gió thoảng mây bay. Tôi cảm nhận được một điều, với tôi hình như Hường giữ một khoảng cách khi có mặt bà mẹ. Nhưng cũng không qua được bà, bà có tật con yêu con ghét và hai chị em cũng có nhiều khác biệt. Hường nhỏ nhắn, thùy mị. Hạnh ong óng giống mẹ, mái tóc "búp bê" Nhật, má lúm đồng tiền, mỗi lần gặp tôi sắng sẻ như hai anh em.

      Trở lại chuyện bà mẹ, nào có khác chuyện Tấm Cám, bà muốn Hạnh gắn bó với tôi cùng những tính toán riêng tư của bà. Hồi tưởng lại mấy ngày trước khi tôi ra nước ngòai du học. Bà và Hạnh mang quà lên nhà tôi, nói hàm ý khoe ngầm, nào là em Hạnh chọn cho anh Hùng cái này, lựa cho anh ấy cái kia. Họ hàng xì xào bàn tán. Vì lúc ấy tôi đang có người yêu, sau này là người bạn đường của tôi. Chưa hết, ngay tuần đầu tiên tôi vừa rời khỏi nước, Hạnh lên nhà tôi làm như ăn vạ. Tôi nghĩ là đằng sau có bàn tay của bà mẹ, làm như có chuyện…“sự đã rồi”. Ai hỏi cũng chỉ sụt sùi, ấm ức không nói. Cả nhà chưng hửng, bà cụ tôi phải giữ Hạnh lại cả tuần để vỗ về, an ủi, để cố tìm ra…đứa cháu nội của bà. Ít lâu, Hạnh lên nhà tôi một, hai lần nữa, không ngoài ỉ ôi với bà cụ tôi ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông…

       Qua những giây phút giao động, bình tâm lại tôi nhớ mang máng ngày đó Hạnh có nốt ruồi son gần đuôi mắt. Cho đến lúc tôi làm quen với bói toán thì biết rằng nốt ruồi ấy như vận vào người để có những khoảng thời gian dài trôi sông lạc chợ, như một cái nghiệp của thương phu trích lệ với hồng nhan đa truân. Sau đó, nghe đâu lận đận đường chồng con. Có một dạo, sau khi nhà tôi mất, tôi cũng có ý đi tìm Hạnh nối lại mối tơ vương tình chị duyên em. Những ngày ra phố chợ, tôi dáo dác mong tình cờ gặp lại người cũ một thời, một thưở…Mặc dù Hạnh, người chỉ đôi ba lần đi qua đời tôi. Như một cái bóng. Cái bóng ngả bên này, dúi bên kia, như một nỗi ám ảnh khôn nguôi trong những ngày cô quạnh tối lửa tắt đèn. Nói cho ngay, ai chẳng có những tiếc nuối qua một thoáng mây bay trong những ngày lặng gió.

       Giữa tôi và Hường, nếu có thể được cứ vay mượn chữ nghiã, tạm gọi là tình đầu. Cứ vậy, cứ mơ hồ, cứ giăng giăng như đám mây trôi, ngu ngơ theo năm tháng qua ánh mắt, nụ cười thầm gửi. Thời gian lấp lửng ấy, đến với tôi qua những chuỗi ngày như giấc mơ hoang. Một lần tôi “dúi” vào ta Hường món quà nhỏ mà tôi vụng về gói ghém cả buổi. Hường ngập ngừng nhận, mắt chớp chớp, niềm vui thoáng qua ánh mắt. Tuần lễ kế tiếp, tới nhà khi về, Hường tần ngần đưa tôi cái phong bì và nói thật nhanh: "Mang về đi…" vì sợ mẹ bắt gặp. Tôi ngỡ thư xanh mực tím, về đến nhà vội vàng mở ra thì hoá ra là một cái khăn tay, góc có thêu hai chữ "H" quấn quýt vào nhau không rời. Để rồi tôi lại có những tối thao thức, chập chờn với mộng và mơ đêm nghe gió tự tình, đêm nghe đất chuyển mình…Và tôi cũng đang…trở mình, lăn qua lăn lại, để biết rằng mình đang thấp thỏm yêu thầm nhớ trộm. Nói theo các cụ là: Tôi đang…say gái.

         Khoảng thời gian này, hai mẹ con Hạnh cuối tuần ít khi có nhà, Hạnh bắt đầu đi hát ở đài phát thanh vì ông cụ làm quản đốc ở đài, nên tôi tới với Hường nhiều hơn. Cái khỏang thời gian chập chọang ấy, tôi và Hường có nhiều thì giờ nên ngồi ở cái bàn bên cạnh cửa sổ, chuyện trò vẩn vơ, vơ vẩn. Một ngày, bất chợt Hường nói: "Hùng gầy đấy, ăn nhiều  đi…". Âm hưởng thật nhẹ và cũng thật ấm của hai chữ "đấy" và "đi", vừa trìu mến và thiết tha khiến tôi đờ đẫn cả buổi, rơi vào khoảng trống, chẳng biết nói gì, chen vào giữa bằng vào những trống vắng, tư lự. Ngay lúc này, tôi bắt gặp Hường đang bâng khuâng nhìn cái tổ chim lưng chừng ở trên tàn cây. Tôi chẳng thấy gì, ngoài cặp vợ chồng chim bay đi tha về cộng cỏ, cộng rác.

Cả một lúc lâu, hai đứa cứ ngây người nhìn cái tổ chim làm dở dang. Riêng Hường, có thể đang mường tượng đến những cánh vạc bay hay những bước chân chim mong có một chút đổi thay. Như cơn gió đổi mùa trong những ngày cuối đông, và tôi không hình dung được Hường miên man thả hồn về đâu, ở một góc trời nào đó. Đó là suy diễn của tôi sau này, cùng những năm tháng tóc đã ngả mầu: Nói cho ngay, Hường hơn tôi hai tuổi, con gái bao giờ cũng nhậy cảm, thâm trầm hơn con trai. Và cũng nói cho cùng, ngày ấy, bằng ngần ấy tuổi đầu, tôi chưa đủ trí khôn cũng như chưa đủ ngôn từ, để nói về một tổ ấm ở trên cao và ngoài khung cửa…

Tôi ra về, chẳng có gì khác lạ ngoài những vấn vương, vương vấn nhè nhẹ.

***

Bẵng đi một thời gian. Cuối tuần, tôi vừa mới tới đầu ngõ, cũng vừa lúc bà mẹ bương bả đi ra, tay xách nách mang với hương đèn, hoa qủa. Chưa kịp chào, thấy tôi bà vội vàng nói ngay:

       – Bác lên chùa…

Rồi bà ngập ngừng:

– Hôm nay em Hường xuống tóc đi tu.

Tôi lặng người đi cả một lúc lâu. Vừa lúc bà quay quả định gọi xe, phản ứng bất chợt ngay lúc ấy là miệng tôi ấp úng, lập bập đòi đi theo. Bà nhíu mày suy nghĩ lung lắm, thoái thác tuần sau, vì nói phải hỏi Hường trước đã.

Cả một tuần dài lê thê, ngóng từng ngày, đợi từng đêm với những xáo động, dầy  đặc trong đầu. Trong tôi hình dung đến ngày lên chùa tuần tới. Tôi mường tượng Hạnh ngồi ở chính điện, áo nâu sòng, tay lần tràng hạt. Và ngước mắt nhìn lên. Và tôi nhìn xuống…

Ngày ấy cũng đã đến, gặp tôi bà cụ nói…câu nói đeo đuổi tôi tự dạo ấy…:

– Em Hường nhắn: Anh Hùng quên em nó đi và về tìm đọc…

Rồi bà ngần ngừ tiếp…

Qua bao nhiêu năm tháng, câu nói ngần ngừ tiếp của bà. Hay nói đúng ra là của Hường. Chỉ bốn chữ gửi gấm không thôi đã đeo đuổi tôi không rời vào những lúc nửa đêm về sáng.

Ngay cả hôm nay. Tôi cúi xuống…viết những chữ nhắn nhủ của Hường, của ngày xưa…

       – Hồn Bướm Mơ Tiên.

***

– Nói gì? Có gì để nói? Biết nói gì giữa hòn đá và áo nâu sòng. Bình thường như xuân hạ thu đông có bốn mùa.

Lớn lên, truyện Hồn Bướm Mơ Tiên tôi cũng đã đọc, tôi chỉ lãng đãng với chùa Long Giáng khuất nẻo cuối đường. Bóng ngả đường chiều, lận đận với tuổi tác, tôi vẫn thường u hoài, bám víu vào quá vãng. Vì rằng càng có tuổi, càng tìm cách quay về một nơi chốn, chìm đắm trong khoảng không gian nào đó với người xưa. Như đi tìm lá diêu bông. Như ai đấy với niềm sâu kín, cất kỹ dưới đáy rương, mòn mỏi gậm nhấm. Riêng với tôi đơn thuần chỉ là như con dơi đeo cứng vào tảng đá trong đêm tối, để còn có một cái gì đó, còn đang hiện hữu trong bóng đêm.

Chẳng phải đợi đến cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc, chẳng có gì huyễn hoặc về uẩn khúc của người xưa xuống tóc, mặc áo nâu sòng. Sau đấy ít lâu biết rằng Hường xuống tóc vì bà mẹ ép lấy một anh giáo trong xóm. Ngày là gió tháng là mây, tôi không nhớ Hường tu ở chùa nào. Còn pháp danh bắt đầu bằng vào mẫu tự “H”, có thể là tên cô em, mà cũng có thể là tên tôi. Thực tình tôi không rõ. Tất cả chỉ bàng bạc với xa vắng, cùng ngậm ngùi trong hương khói với thương hoài ngìn năm…

***

Trở về Hà Nội mươi năm về trước, từ bên ngoài cổng gỗ hai cánh nửa đóng nửa mở của căn nhà cũ phố Chợ Đuổi. Tôi đứng thẫn thờ một lúc khá lâu. Nhìn vào bên trong, qua khoảng trống, gần bức tường vôi vàng loang lổ là bể nước mưa, là mảnh sân gạch vuông. Như đoạn phim câm quay chậm, cả một chuỗi ký ức không lớp lang thoáng hiện về. Trong một khoảnh khắc thương hoài nghìn năm, tôi thấp thoáng bắt gặp hình bóng hai chị em Hường và Hạnh ngày nào, đang bán hàng, đang nấu nướng và cũng đang chơi trò chơi vợ chồng, nhập nhòa rồi tan biến trong phôi pha. Cánh cửa gỗ còn lại vẫn im lìm như một tĩnh vật.

Tôi lặng lờ đốt điếu thuốc như người mộng du, như đốt lò hương cũ cho người xưa với đuôi tóc thắt bím tóc mai sợi ngắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm. Hay nói khác đi tôi cũng chỉ là người trần tục, bọt trong bể khổ, bèo là bến mê. Nên sau này, có những lúc nửa đêm chập chờn lại ngập chìm trong tục lụy: đêm đêm tôi nhớ khuôn mặt cũ, và thấy trong kinh đủ bóng hình (thơ Du Tử Lê). Và cũng không quên hoài cố nhân đến cô em.

Người đi qua đời tôi với những ngày tháng ngắn ngủi, cùng một vài ký ức lấp lửng, đã từ lâu nằm ngủ quên trong tâm khảm. Bây giờ không biết cô em lưu lạc ở phương nao.

       Trong một cơn gió thỏang, người đi qua đời tôi hiện về.

Gần hết điếu thuốc, nhìn lần cuối cùng qua cánh cổng gỗ bỏ ngỏ…Tôi bắt gặp cây bàng bên bể nước mưa chĩu cành, vắt ngang qua mái âm dương, lá to gần bằng chiếc quạt nan đầy gợi nhớ trước kia. Những năm tháng của lá giao mùa, từ mầu xanh cuối hạ chuyển qua mầu vàng rơm, có khi qua mầu đất đỏ nâu sậm để lià cành theo gió bay xa…lá rơi tường bắc lá sang đông, hồng bay mấy lá năm hồ hết, thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông. Bất chợt cùng những cảm hoài mang mang, tôi gửi gió cho mây ngàn bay với khúc thơ Không đề của Quang Dũng:

Ơi, con đường xưa

Những mùa trút lá

Cành bàng mồ côi

Cổng cũ rêu phong

Ý đợi người…

       Qua mái âm dương rêu phong với thời gian, tôi chẳng đợi được lâu, đã đến lúc trở lại thành phố đang trú ngụ. “Ý đợi người…” phải đợi đến một ngày không nắng cũng chẳng mưa qua bác Chí, anh trai của bà mẹ, mới qua Mỹ và từ tiểu bang miền đông qua thăm ông cụ tôi. Nói cho rõ hơn, bác cũng là người chủ hôn hay điều hành chương trình đám cưới của tôi trước 75. Tay bắt mặt mừng, chưa hết tuần trà, bác cáo lỗi ông cụ tôi và kéo tôi ra ngoài vườn sau.

Bác thân mật khoác vai tôi, nói nho nhỏ vừa đủ một mình tôi nghe: "Bác biết cháu”. Rồi như ngại ngùng: “Bác hiểu cháu..". Trong cảm xúc đứt quãng, giọng nhỏ hơn thì thầm: "Bác muốn báo cho cháu một tin buồn, vì bão tố, chú ấy mất ngoài biển trên đường vượt biên. Ngay sau đấy vì quẩn trí, cả hai mẹ con…con Hạnh đều tự tử…chết hết cả rồi……".

       Tôi bàng hoàng nhìn ra vườn, đất trời mang mang, hàng cây nghiêng ngả, u ẩn chiều tiễn biệt trong một cõi đi về người đi qua đời tôi, trong những chiều đông sầu, mưa mù lên mấy vai, gió mù lên mấy trời. Người đi qua đời tôi, hồn lưng miền rét mướt, vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên, đường xưa đầy lá úa….

Và ai qua đời tôi

Chiều âm vang ngàn sóng

Hồn lưng miền rét mướt

Trên lối về nghĩa trang

(Thanh Tâm Tuyền?)

***

“…Truyện được tiếp nối viết về những ai đó trước khi có hiện tại đều có quá khứ, quá khứ nhiều lúc muốn cởi bỏ nó không phải là dễ. Như chuyện con ốc nhỏ sống cô quạnh trong một vũng đầm lầy với chuỗi tháng ngày, cứ day dứt nó mãi. Cứ mỗi một ngày, trả một ngày cho quá khứ, quá khứ vì thế chồng chất nặng nề trên lưng con ốc. Một hôm nó nhất định mang quá khứ đi chôn, nó nghĩ chỉ có thế mới có được những nhẹ nhàng thanh thản. Khi con ốc chở quá khứ đến mé đường, bên kia là nghĩa địa, nó thấy băng qua bên kia không phải là dễ. Dòng xe như mắc cửi trong buổi tan tầm, không chừa một khỏang trống chậm như nó có thể vượt qua. Cuối cùng con ốc tự thấy rằng, nó sẽ bị những bánh xe vô tình nghiền nát trước khi đào được cái lỗ. Vì thế nó đành cõng quá khứ trở về nơi đầm lầy nước đọng xưa kia, nó cũng thầm nhủ là suốt quãng đời còn lại, đành lẩn quẩn ôm những quá khứ của riêng mình và chờ…chết”.

Để rồi truyện viết được nối tiếp với con ốc qua một ông già chập choạng ở cái tuổi thất thập cổ lai hi…Sáng trưa chiều tối cùng ngày trời tháng Bụt, khi trưa phơi sách khi chiều tưới cây, ông già còm cõi đi ra đi vào đã đi đã đến cuối trời, đã về như vẫn muôn đời đã đi (thơ Bùi Giáng) và ông thì thầm to nhỏ với cái cây chơ vơ còn lại với hòn đá.

Ông như lặng lẽ thầm thì với chính mình trong một ngày nhạt nắng vắng gió đìu hiu:

Nhìn đá, ta định chừng đá ngủ

Phải chăng đá giú mộng trong lòng

Tại đây, đá sống lâu đời nhất

Đá rõ điều ta muốn rõ không

(thơ Tô Thùy Yên)

       – Sỏi đá cũng biết, nói gì thi nói, chỉ là xuân hạ thu đông….

 

Trúc gia trang

Thu điếu, nguyệt tận, Kỷ Sửu niên

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

 

Phụ chú:

Bài Trồng Cây Trên Đá cảm hoài qua phim “Spring, Summer,

Fall, Winter…and Spring…” của Đại Hàn . Và xin bạn đọc xem

tiếp truyện ngắn “Xuân, Hạ, Thu, Đông” để rồi một ngày

người viết tìm về chùa để gặp lại…người xưa.

clip_image008

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search