T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 47)

 

clip_image001

Thờ cúng ở đình làng

Ðình làng lớn thường có một tòa nhà hình chữ T, phần dọc là đình trong (hậu cung hay nội điện) là chỗ thâm nghiêm để thờ thần, phần ngang là đình ngoài (tiền tế hay đại bái) chia làm ba khoảng, giữa gọi là trung đình là nơi tế tự, hai bên gọi là tả gian và hữu gian, ở trong có bàn thờ Thổ địa, hoặc thờ bộ hạ của thần, hoặc thờ Hậu thần. Vị thần thờ ở đình như thần Tản Viên, thần Phù Ðổng, có khi là nhân thần hay phúc thần, như Lý Ông Trọng, Phạm Ngũ Lão. Những người sáng lập ra làng, hay những ông quan có công với làng, khi chết thường cũng được thờ làm thần, như Nguyễn Công Trứ lập ra các làng ở hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải ở Ninh Bình và Thái Bình.

Lại còn một thứ thần là người thường mà chết bất đắc kỳ tử được giờ thiêng thì cũng được người ta thờ làm thần, vì thế mà có những thần ăn trộm (Lộng Khê, Thái Bình), thần chết nghẹn, thần tà dâm v.v.Sự tích của mỗi vị thần có ghi chép ở trong thần tích, dân làng giữ rất kín ở một nơi với thần sắc của vua ban cho. Thần sắc có ba bực: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Hạ đẳng thần. Trong lễ vào đám của ít nhiều làng, có một nghi tiết gọi là hèm, làng thường bày một trò để nhắc lại sự nghiệp vị thần làng thờ. Ví dụ khi vào đám lễ thần ăn trộm thì ban đêm con trai con gái trong làng đốt đuốc đi xung quanh đình giả tìm kẻ trộm, trong khi ấy người thủ từ lấy tượng thần đưa qua lỗ ngạch, có ông tiên chỉ đứng chực sẵn ở phía ngoài nắm lấy cổ tượng thần đấm ba đấm rồi bỏ lên kiệu rước lại vào đình.

Ở làng thờ thần cụt đầu (làng Khắc Niệm thượng, tỉnh Bắc Ninh) thì đến ngày vào đám, người ta lấy một con lợn sống, một người cầm gươm chém đứt đầu lợn lấy bỏ vào nồi nước mắm đương sôi, rồi đặt lên hương án để cúng.
(Đào Duy AnhViệt Nam văn hóa sử cương)

Truyện ngắn VI

Hành văn tối nghĩa là một trong những bệnh bất trị của người cầm bút bất tài. Người đọc không hiểu nội dung bài viết là lỗi ở tác giả. Không thể nói người đọc không đủ trình độ lãnh hội, mà phải quy trách nhiệm về tác giả không có tài diễn đạt một cách sáng sủa, hoặc thiếu khả năng trình bày một vấn đề cho dễ hiểu.

“Cơn gió nhan nhác thổ ngơi quê nhà muối mặn điều tiết hơi thở ta phả vào ngực em khí hậu lá xanh nõn giây phút sinh thái của đá tảng đầu thai núi non và rừng cây đại thụ vỗ cánh ký ức hung hãn động huyệt mùi mẩn thân xác run cọ rời rợi đường cong mềm mại va chạm phế tích rùng mình ở phía chân trời duỗi rộng tiền kiếp hun hút phận người còn vang vọng mãi tiếng chuông câm.

Trời đất! Cái gì vậy? Thần chú hả? Dạ thưa, không phải. Tôi (Lâm Chương) vừa trích dẫn một đoạn thơ xuôi. Chữ nghĩa thật là kinh khủng. Có ai hiểu ý tác giả muốn nói gì không? Nếu không hiểu, có phải tại người đọc không đủ trình độ lãnh hội, hay tại cách viết tối nghĩa? Riêng tôi, đọc qua một lần không hiểu. Đọc lại vài lần nữa vẫn không hiểu. Vô nghĩa và răc rối khó khăn như một bài thần chú. Tác giả sáng tác đoạn văn trên trong cơn đồng thiếp. Người đọc, nếu không “ngộ”, ắt bị tẩu hoả nhập ma.

(Lâm Chương – Tán gẫu trong quán cà phê)

Bào là…bọt

“Dịch thể ngạnh ngọc bào”: Bào là bọt, tôi lấy làm suy nghĩ về chữ “bào” rất nhiều.
Dẫu sao một hạt bọt trà dính trong câu thơ Tàu lưu lạc từ hơn nghìn năm xưa quả không đủ sức làm dâng lên sự suy tưởng trong một trí óc nặng nề. Sở dĩ tôi đã đâm ra nghĩ ngợi chỉ vì có thể từ “bào bọr” ta có hai chữ “bèo bọt” chăng. Dám lắm ạ!

(Dựa theo Võ Phiến – Bọt trà)

Truyện chớp – Nhà thơ

Hắn là nhà thơ, và cũng giống như nhiều nhà thơ khác chung quanh hắn, hắn luôn luôn trình diễn vẻ cô đơn ở những nơi có đàn đúm văn nghệ. Đêm nào hắn cũng chiêm bao thấy thơ mình được viết trên tường ở các nhà ga, bến xe…

Tháng trước, hắn lạnh cả người khi phát hiện một câu thơ của mình được ai viết lên tường cầu tiêu của một tiệm phở bình dân. Chen vào giữa những dòng chữ rất phổ thông như: “Xa quê hương, nhớ mẹ hiền”, “Hận kẻ bạc tình”, “Đéo mẹ cuộc đời”, “Đụ má thằng nào viết bậy lên tường”, “Vui lòng dội cầu sau khi dùng”, vân vân…

Hắn vội vã chạy về lấy máy chụp ảnh, trở lại tiệm phở, kêu một tô khác, trả tiền, nhưng không ăn phở mà lẻn vào cầu tiêu, chụp câu thơ của mình qua 36 góc độ khác nhau, rồi vội vã chạy đi rửa phim. Sau đó, hắn chọn một bức đắc ý nhất, cho phóng lớn, lộng vào khung kiếng, treo trên tường ngay cạnh bàn viết, rồi ngồi bất động hàng giờ một mình để ngắm. Hắn rất hài lòng, nhưng vẫn thấy dường như câu thơ trong khung ảnh lộng kiếng không bằng câu thơ trên tường cầu tiêu tiệm phở bình dân: “Thơ hay hơn, đẹp hơn, và ngồn ngộn hơi hướm của đời sống”.

Suốt cả tháng qua, giới văn nghệ thấy hắn có vẻ cô đơn hơn. Suốt cả tháng qua, chủ tiệm phở lấy làm lạ vì sáng nào cũng thấy một người đàn ông đến gọi một tô phở, trả tiền, nhưng chẳng ăn mà đi thẳng vào cầu tiêu, ở trong ấy rất lâu, rồi trở ra và rời quán, bỏ lại tô phở nguội.

Anh hùng

Thành ngữ “Người đời muôn sự của chung – Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi” .

Anh: vua loài hoa. Hùng: vua loài thú. Chỉ người hào kiệt xuất chúng. Trong sách Vương Thông có nói: “Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng”, nghĩa là “tự biết mình là “anh”, tự thắng mình là “hùng”.

Tiếng Việt mình… khó quá!?

Tên một số địa phương viết không thống nhất: tỉnh “Đắc Lắc” và “Đắc Nông” như cách viết trước đây nay lại viết thành “Dak Lak” hoặc “Đắk Lắk” và “Dak Nông” hoặc “Đắk Nông”! Ai quy định như vậy? Cho dù người địa phương phát âm như thế nào đi nữa, tiếng Việt mình vẫn có khả năng ghi lại một cách chính xác cơ mà!
Rồi còn tỉnh “Bắc Cạn”, mà nay thì nhiều người lại viết thành “Bắc Kạn”. Cứ cái đà này, rồi có ngày chúng ta sẽ phải viết tên các địa danh khác: Kủ Chi, Kần Thơ, Kao Bằng…?
Những chuyện đọc và viết kể trên – chưa kể được hết – đang diễn ra một cách quá… lộn xộn. Chữ viết và cách phát âm của một dân tộc đâu có thể tùy tiện “mạnh ai nấy viết” được? Bởi ít nhất Ủy ban Giáo dục của Quốc hội phải biết, phải quy định cho cụ thể. Thử nhìn sang các nước mà xem, người ta không tùy tiện như vậy đâu! Ai không tin cứ giở ngay những cuốn từ điển La Rousse của Pháp, từ cuốn xuất bản cách đây vài chục năm đến cuốn mới nhất, người ta vẫn có mục từ alphabet, viết ra sao, chữ hoa ra sao, và theo thứ tự “a, b, c…”.

(Nguyễn Lê Bách – ĐatViet.com)

Tiếng Việt tiếng Pháp

Hiện tại, trong vốn từ của Việt Nam, ngoài là từ gốc Hán còn khoảng 200 từ của gốc Pháp. Các từ này còn đang sử dụng đâu đó, nhiều khi miệng nói, tay viết ra nhưng không biết câu ấy có một từ tiếng Pháp trong đó.

Thí dụ như: Su hào (trái), phay (con dao), bóp (cái ví), soong (nấu bếp), măng cụt (trái cây), lon (chức vụ quân đội), bạt (tấm vải dầy), bi (viên đạn tròn).

(Nguyễn Đức Tuấn – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)

Trái – phải

Người Tầu vì “nam tôn nữ ti”, “dương thiện âm ác” nên bên trái thuộc âm, bên phải dương: Vì vậy con gái đứng bên trái (bao giờ cũng trái, sai), con trai đứng bên phải (khi nào cũng phải, đúng).

Tiếng Việt cổ thì “trái – phải” là “chiêu – đăm” với chiêu là trái (sai), đăm là phải (đúng). Nên mới có thành ngữ “chân đăm đá chân chiêu” (chân nam đá chân siêu).

Hai chữ “chiêu đăm” ít dùng dần vì người Việt thấy thành ngữ trên sai (không đúng). Vì vậy “chiêu đăm” được đọc là…“đăm chiêu”.

(Phụ chú: Chỉ có mới đọc là …đăm chiêu, còn người Tầu gọi là chiêu đăm, nào có khác gì ta…vẩn vơ, còn người Tầu thì…vơ vẩn)

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Giai thoại làng văn 54-75

Mai Thảo gửi tới chúng tôi Đêm Giã Từ Hànội. Tôi nhận được một bao thư dầy cộm, không địa chỉ người gửi, trong đựng xấp bản thảo đánh máy. Bút hiệu Mai Thảo hoàn toàn xa lạ với tôi. Liếc nhìn dòng chữ đầu tiên của bài gửi, tôi giật mình kinh ngạc: “…Phượng nhìn xuống vực thẳm: Hànội ở dưới ấy…”.

Nhớ trong buổi họp kiểm bài vở trước khi chuyển xuống nhà in, tôi đã không thể ngăn nổi mình yêu cầu các anh Hiệp, Tế nghe tôi đọc Đêm Giã Từ Hànội đăng trọn trong một kỳ báo, không cần lời giới thiệu. Và tôi đọc say sưa, hùng hồn liên hồi. Và các anh chịu khó ngồi nghe trên căn gác lửng tối chật của tòa báo. Anh Tế kết thúc buổi họp nói đùa “Anh làm chúng tôi mất cái thú tự mình khám phá”. Đăng bài Anh, tôi viết lời nhắn mời anh đến chơi tòa soạn. Mai Thảo đến.

(Thanh Tâm Tuyền – Trong đất trời nhau….)

Sâm thương

Nói sự cách biệt không gặp nhau như sao sâm (mọc ở phía tây) và sao thương (mọc ở phía đông) không xuất hiện cùng một lúc trên bầu trời.

Ngán cho Kiều khi lỡ bước sâm thương

Cung đàn dây loan còn mắc mãi

(Nguyễn Công Trứ)

(Nguyễn Thạch Giang – Văn học tập giải)

Từ điển với tiếng Việt

Những từ Pháp, Anh trước kia đã được Việt hóa như ô tô, sà bông, xe tăng thì với:

Từ điển tiếng Việt của Văn Tân phiên âm như ga men, lô ga rít, vôn kế, ác mô ni ca…

Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê để nguyên chữ cliker, logarithm, volt…và định nghĩa:

Volt: Đơn vị đo biểu thế, điện thế.

Như vậy thì đâu còn là… Từ điển tiếng Việt nữa?

(Đặng Trần Huân – Chữ nghĩa bề bề)

Chữ nghĩa và tiếng Việt sao rắc rối thế

Tiếng Việt miền Bắc nè:
– Lợn lòi : lợn rừng.
– Lợn sề : lợn đẻ nhiều lần.
– Lợn nái : lợn nuôi để đẻ.
– Lợn sữa : lợn con còn bú sữa mẹ.
– Lợn bột : lợn mới lớn nhưng còn non.
– Lợn tháu : lợn kêu nhiều
– Lợn cấn : lợn đực nuôi làm giống.

– Lợn ỉ : lợn có bụng to chỉ có ở VN (có nơi gọi là lợn mọi hay lợn cỏ) sắp bị tuyệt chủng.
– Lợn Max : Lợn ỉ của tài tử nổi tiếng George Clooney nuôi, lợn Max chết tháng 12-2006.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Ngộ Không

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search