T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 53)

clip_image001

Văn bản Nôm xưa nhất

Từ năm 1975 đến năm 2009, có phát giác đáng kể nào về tuổi của chữ Nôm chăng?

Năm 1943 Dương Quảng Hàm tìm hiểu chữ Nôm chỉ mới biết đến bia Hộ Thành Sơn (1343). Năm 1975 Ðào Duy Anh cho hay chứng tích chữ Nôm xưa nhất đã tìm được là một tấm bia ở Vĩnh Phú, khắc năm 1210.

Trước kia hễ nói đến chứng tích xưa nhất của chữ Nôm, người ta đều chỉ nói đến tấm bia Hộ Thành Sơn (tức núi Dục Thúy) ở Ninh Bình, mà học giả người Pháp H. Maspéro đã nhắc đến trong một chú thích của bài: “Nghiên cứu ngữ âm học lịch sử về tiếng Việt Nam” và nói rằng trên tấm bia ấy ông thấy có khoảng hai chục chữ Nôm ghi tên các làng xóm. Ông không cho biết những chữ Nôm ấy là những chữ gì, mà chính cái bia ấy cũng chưa ai được thấy nó. Có người đến núi Dục Thúy để tìm thì cũng chẳng thấy tấm bia ấy ở đâu. Song tấm bia ấy dù có còn hay không thì điều ấy cũng không quan trọng gì, vì đó không phải là chứng tích xưa nhất của chữ Nôm. Chúng ta sẽ thấy có chứng tích của chữ Nôm xưa hơn, thuộc về thời nhà Lý.
Năm 1963, ông Trần Huy Bá có đề cập một cái chuông đồng của chùa Vân Bản ở Ðồ Sơn mà năm 1958 ngư dân vớt được ở đáy biển lên. Ông thấy trong những hàng chữ Hán khắc ở thành chuông có lẫn ba chữ Nôm là “xứ Ông Hà”.

Theo những hàng chữ ấy thì biết rằng những người xây dựng bốn cái tháp có tiếng ở thời Lý là tháp Báo Thiên (1057), tháp Ðồ Sơn (1058), tháp Cổ Châu (chùa Ðậu), tháp Xá Lỵ (chùa Khương Tự). Ông Trần Huy Bá bằng cứ vào chữ Bính Thìn mà đoán rằng chuông được đúc vào năm Bính Thìn 1076 đời Lý Nhân Tôn.
Sau chuông đồng Vân Bản thì đến tấm bia chùa Tháp Miếu huyện Yên Lãng tỉnh Vĩnh Phú đề đầu năm 1210 đời Lý Cao Tôn là chứng tích xưa có nhiều chữ Nôm hơn nữa với hai chục chữ Nôm khác nhau. Vậy thì bài văn bia thời Lý này là chứng tích chữ Nôm đầy đủ xưa nhất mà chúng ta còn giữ được.
(Thu Tứ – Chữ nôm – nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến)

Đánh cờ

Có người nghi ngờ bài Đánh cờ không chắc có phải là của bà Hồ Xuân Hương. Vì bài thơ “vay mượn” ý từ bài dân ca vùng Tô Châu bên Tầu. Phùng Mộng Long cuối thời Minh chép lại bài dân ca trai gái đánh cờ tướng có những câu như sau:

“Thạch pháo đương đầu tu phòng lưỡng hiệp xa”

(thấy pháo đầu phải đề phòng xe thọc hai bên)

Hay:

“Dạng đạo nhĩ nhất tốt chiếm tâm giáo ngã nan động di

(ngờ đâu một con tốt của anh vào cung khiến em không động đậy gì được).

(Tạ Quang Khôi – tạp chí Tân Văn)

Giá sách cũ làng văn 54-75

Năm 1956, người khai sinh và điều khiển chương trình Tao đàn là thi sĩ Đinh Hùng gồm Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư (Trấn Thủ Lưu Đồn), Huy Quang Vũ Đức Vinh, Tô Kiều Ngân, Hoàng Thư, Thanh Hùng, Hồ Điệp, Giáng Hương, Hòang Oanh.

(Phan Lạc Phúc – Kỷ niệm Tao Đàn)

Việt Tấn Xã

Cuộc họp mặt đầu tiên của các phóng viên, nhân viên của Việt Tấn Xã (VTX) sau ngày mất miền Nam Việt Nam hồi tháng Tư 1975, đã diễn ra tại San Jose, California.

Tính ra cũng đã có đến gần 20 người có mặt, hầu hết đều đã ngoài tuổi 60 hay hơn nữa, và tóc đều đã bạc trắng, trong khi có nhiều người còn ở trong nước, đã gọi điện thoại sang “góp tiếng- chung vui” trong cuộc họp mặt, trong đó có các cựu phóng viên Trần Trọng Thức, Trần Thị Duyên, Trương Lộc…

Mặc dù có nhiều thành viên Việt Tấn Xã đến từ các tiểu bang khác nhau của Hoa Kỳ, hay cả từ ngoại quốc (cựu phóng viên Nguyễn Ninh Quang Anh Tử đến từ London, Anh Quốc hay cựu phóng viên Trần Công Sung đến từ Paris, Pháp…) đã có mặt sau mấy chục năm xa cách, với sự chung vui của đông đảo các cựu sinh viên báo chí của Giáo sư Nguyễn Viết Khánh, Khổng Trọng Hinh, Nguyễn Hồng Ðức và các cựu thành viên VTX có mặt, có các cựu phóng viên như Nguyễn Quang Dũng, Huỳnh Văn Hiếu, Phạm Hoàng Thúc, Phan Thanh Tâm, Nguyễn Trần Anh, Song Thi, Tăng Hoàng Vy, Lê Phú Nhuận… hay các cựu phiên dịch viên, như Lê Gia Thụy, Vũ Giáng Tuyết, Trần Nhạc Sư… nhân viên thuộc phòng đánh máy như Phạm Thị Mận, Minh Phú… cùng một số thân hữu xa gần khác.

Nhiều cựu nhân viên Việt Tấn Xã ở xa không đến tham dự được cuộc họp mặt, cũng đã gọi điện thoại đến chúc mừng gồm các ông Nguyễn Ngọc Bích, Trần Văn Ngô, Lê Thiệp, Lê Hùng, Trần Thị Bạch Liên…

(Lê Thụy – Cuộc họp mặt của Việt Tấn Xã)

Thất xuất

Luật Hồng Đức đời Lê bảo vệ phụ nữ với con gái được hưởng thừa kế tài sản như con trai hoặc được quyền từ hôn nếu chồng có ác tật, hay phạm tội. Cho phép vợ có quyền bỏ chồng nếu 5 tháng chồng không…”đi lại” với vợ.

Trong khi “thất xuất” là luật Gia Long phỏng theo Tầu với chồng có 7 cớ để bỏ vợ:

1 – Không có con. 2 – Dâm dật. 3 – Không thờ cha mẹ chồng. 4 – Trộm cắp. 5 – Lắm điều. 6 – Ghen tương. 7 – Có ác tật.

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Tiếng Việt dễ và…dễ thương

Các câu ví von miền Bắc :

– Lợn đầu cau cuối.
– Lợn đói cả năm không bằng tằm đói một bữa.
– Lợn giò bò bắp.
– Mổ lợn đòi bèo, mổ mèo đòi mỡ.
– Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng.
– Lợn ăn xong lợn nằm lợn béo, lợn ăn xong lợn réo lợn gầy.
– Lợn chê chó có bọ.
– Lợn chuồng chái, gái cửa buồng.
– Lợn đói một bữa bằng người đói nửa năm.
– Lợn không cào chó nào sủa.
– Lợn nước mạ, cá nước rươi.
– Lợn rọ chó thui.
– Lợn thả gà nhốt.
– Trơ trơ như thủ lợn nhìn thầy.
– Giàu nuôi lợn đực, khổ cực nuôi lợn cái.
– Giàu nuôi lợn nái, nghèo nuôi chó cái, gà con.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Tục ngữ Ta và Tầu

Qua sông đấm bòi vào sóng

Niệm hoàn liễu kinh, đả hòa thượng

(Kinh kệ xong xuôi, đả ngay hòa thượng)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Thành hoàng hay thần hoàng

Thành hoàng xuất phát từ chữ Hán: Thành là cái thành, hoàng là cái hào bao quanh cái thành; là một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành. Nhà văn Sơn Nam cho biết thêm: Ông thần ở đình làng gọi là Thần thành hoàng, cai quản khu vực trong khung thành. Thoạt tiên là thần ngự trị nơi thị tứ, sau áp dụng nơi thôn xóm, có điếm canh bố trí bao quanh… theo thông lệ, thờ thần đàn ông, vì khí dương đem sức mạnh cho muôn loài. Và gọi Thần hoàng là sai nghĩa, vì cái tên này chỉ là thứ nghi lễ đốt tờ giấy vàng, tức bản sao sắc phong do nhà vua tặng cho cha mẹ, ông bà đã qua đời của quan chức; và tục này ở trong Nam không có.

Bởi vậy, khi trích lại đoạn viết về tục “thờ thần” ở trong sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính, nhà văn Sơn Nam trong sách “Thuần phong mỹ tục Việt Nam” đã sửa từ “Thần hoàng” ra “Thành hoàng” cốt để người đọc không còn lầm lẫn giữa hai thứ.

Điểm đáng chú ý khác nữa, vì là vùng đất mới, nên ở trong Nam nhiều đình làng, thần chỉ có tên là Thành hoàng Bổn cảnh. Theo sách “Minh Mạng chính yếu”, quyển thứ 12, năm Minh Mạng thứ 20 (1839), thì nhà vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Lễ xin hạ lệnh cho các địa phương lập thêm thần vị Bổn cảnh. Đây là chức vụ mới, lúc trước không phổ biến. Lê Phục Thiện, người dịch sách trên chú giải: Thành hoàng là vị thần coi một khu vực nào. Bổn cảnh là cõi đất nơi mình được thờ. Nhà văn Sơn Nam cho biết bởi đây là dạng viên chức được vua ủy quyền, trong rất nhiều trường hợp, không phải là con người lịch sử bằng xương bằng thịt. Do vậy, đa phần không có tượng mà chỉ thờ một chữ “thần”.

(Bùi Thụy Đào Nguyên – Thần Thành hoàng)

Tiếng Việt dễ mà lại khó

Tui thích tập tành trồng trọt.
Cái gì tui cũng trồng (ngoại trừ “răng”)

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ai khuyên ta đúng khi ta sai là thầy ta.

Ai la lối ta sai khi ta đúng. Đúng là…vợ ta!

Thuốc lào

Sách Xích kinh chép : Nuốt thuốc hít khói có thể làm cho người ta say. Nước Nam ta lúc đầu không có cây thuốc lá ấy. Từ năm Canh-tý tức niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) đời vua Lê Thần Tông nhằm niên-hiệu Thuận Trị thứ 16, người Ai-lao mới đem đến, dân nước ta bắt đầu trồng cây thuốc lá. Do đó mới gọi là thuốc lào.

Như vậy, nếu Lê Quý Đôn nói đúng, dân Đàng Ngoài chỉ được biết thuốc này ít ra là 40 năm sau dân Đàng Trong.

Ba ngày có thể không ăn,

Hút thì không thể cấm ngăn một giờ.

Năm Ất-tỵ niên-hiệu Cảnh-trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông, triều-đình đã hai lần xuống lịnh chỉ nghiêm cấm, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc và lén hút thuốc, nhưng rốt cuộc không dứt tuyệt được. Người ta phần nhiều khoét cột tre làm ống điếu cầy và chôn điếu sành xuống đất. Lâu dần lịnh cấm bãi bỏ. Nay thì việc hút thuốc lá đã thành thói thông thường.

Trong Từ điển Việt – Bồ – La có ghi thuốc là : tabaco. Ăn thuốc: tomar tabaco. Từ điển Việt – Bồ – La, ghi chú thêm reino dos laos ; laorum regnum royaume des Lao, vương quốc của người Lào. Như vậy thuốc lào là thuốc ngoại được nhập khẩu qua đường Lào.

Lê Khả Kế – Nguyễn Lân dịch thuốc lào là “tabac pour pipe à eau” là thuốc để hút với điếu nước: “tabac rustique” thuốc lá theo lối nông thôn, quê kệch.

(Đông Phong Nguyễn Tấn Hưng – Thuốc lá, thuốc lào)

Tiếng Việt không đơn giản

Hi bạn, tôi mới nhận email 1 người bạn và tôi được giải thích như sau :

Trong cổ thi có câu “quan quả cô đơn ” là quan phu và quả phụ đơn lẻ chiếc bóng.
Phu là người chồng (thí dụ: chinh phu là người chồng đánh trận ngoài biên ải).

Vậy vợ chêt người ta gọi chồng là quan phu, chồng chết người ta gọi vợ là quả phụ…

Chắc mình đọc âm là góa phụ, chắc dzậy !!!!

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Ngộ Không

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search