T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 17)

clip_image001

 

Những câu đối hay

Nguyễn Tử Mẫn, thường được gọi là Huyện Hiệp Hoà; sinh năm 1820 và mất năm 1901, có một câu đối:

Sáng sáng ăn sáng rồi, cầm quyển mới, kỳ cui ký cúi viết vài trương, đoạn thu gương mắt, xếp khăn tay, giắt bút vào tam sơn, ngả lưng ngáy khò khò chờ tối xuống.

Ngày ngày ngủ ngày dậy, vớ câu cũ, phếu pháo phều phào mấy khẩu, đứng dậy ngắm chậu hoa, nhìn cây thế, rê chân đi bách bộ, vỗ tay cười khanh khách đón trăng lên.

Trẻ hơn Nguyễn Tử Mẫn 15 tuổi, Nguyễn Khuyến (1835-1909) cũng có phong thái nhàn nhã ấy:

Khi vườn sau khi sân trước khi điếu thuốc khi miếng trầu khi trà chuyên năm ba chén khi Kiều lẩy một đôi câu.

(Nguyễn Hưng Quốc – Tâm sự…phê bình)

Thay đổi ngữ nghĩa

Bác sĩ, nguyên thủy gốc Hán gồm ba nghĩa:

1. Chỉ một chức quan được đặt ra từ đời Tần: ngũ kinh bác sĩ, quốc tử bác sĩ.

2. Chỉ người thành thạo một nghề gì: trà bác sĩ tức người chuyên bán trà.

3. Chỉ học vị: pháp học bác sĩ hoặc giả như y học bác sĩ.

Thế nhưng, Việt Nam dùng từ bác sĩ với một nghĩa rất hẹp, chỉ người tốt nghiệp đại học y khoa tức “y học bác sĩ”.

Trong khi đó, tiếng Hán hiện đại lại có từ “y sinh” để chỉ thầy thuốc (bác sĩ).

(Võ Ngân Vương – Tạp chí Tài hoa trẻ)

 

Địa danh Sài Gòn

Gồm hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn nhập một từ năm 1956; đông giáp sông Bến Nghé, tây giáp rạch Lò Gốm, nam giáp kinh Bến Nghé và kinh Tàu Hủ, bắc giáp rạch Thị Nghè. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc địa danh này:

Trước tiên, có tên là Sài Côn, tiếng phiên âm của tiếng Prei-kor (rừng cây bông gòn) hoặc của tiếng Prei-Nokor , nguyên là tư dinh của Phó vương Cao Mên, thuộc vùng Chợ Lớn, lối chùa Cây Mai. Nơi đây, năm 1778, người Minh Hương từ Cù lao Phố (Biên Hòa) rút về, xây bờ gạch cao dọc theo kinh Tàu Hủ để ngăn nước, nên được người Tàu gọi là Thày Ngòn (tức Ðê Ngạn); do tiếng Thày Ngòn nầy, người Pháp phiên âm ra Saigon, lại gọi cách sát nhập cả phía Gia Ðịnh thành; còn chỗ có tên Sài Côn hay Thày Ngòn (Ðê Ngạn) lại gọi là Chợ Lớn.

Thuyết này cho Sài Côn hay Sài Gòn là tiếng phiên âm của chữ Tây Cung là vòng thành của Phó vương Cao Mên, đối chiếu với Ðông Phố là tư dinh của quan kinh lược Việt Nam. Sài Côn hay Sài Gòn cũng đều là tiếng phiên âm của hai chữ Tây Cống, có nghĩa là nơi nhận cống lễ của các đời vua Cao Mên dâng cho vua Việt Nam. Như vậy, dầu do tiếng nào phiên âm ra, Sài Gòn khi xưa là Chợ Lớn ngày nay.

Tên cũ từ năm 1789 tới 1861 là Gia Ðịnh thành. Tên Sài Gòn có từ năm 1861 là năm Pháp đặt nền hành chánh tại đó để khống chế cả miền Nam. Ðến năm 1931, Pháp mới nhập thành phố Chợ Lớn về Sài Gòn và gọi chung là Ðịa phương Sài Gòn – Chợ Lớn; năm 1954, do dụ Bảo Ðại ngày 30 tháng 5, Ðịa phương Sài Gòn – Chợ Lớn đổi ra Ðô thành Sài Gòn – Chợ Lớn; từ năm 1956, do sắc lịnh ngày 22 tháng 10 của Tổng thống Ngô Ðình Diệm, Ðô thành Sài Gòn – Chợ Lớn được đổi lại là Thủ đô Sài Gòn.


(Lê Văn ÐứcViệt Nam tự điển)

Báo Văn

Đảng cho ra tuần báo Văn thay thế với Nguyên Công Hoan, Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng. Chẳng bao lâu, báo Văn cũng lại đổi thái độ, bỏ bớt những bài ca tụng, thêm dần những bài chỉ trích. Những cây bút cũ cuả Nhân Văn giai phẩm lại thấy xuất hiện trên báo Văn. Sau khi báo Văn số 36 ra ngày 10-1-58 đăng bài Ông Năm Chuột cuả Phan Khôi thì Văn bị đình bản hẳn, chấm dứt phong trào Nhân văn giai phẩm.
Về hoạt động cuả phong trào, theo lời buộc tội cuả Tố Hữu, sự phân phối công tác được chia ra như sau:

Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm hoạt động hội Nhà văn; Trần Duy, Sĩ Ngọc, Nguyễn Sáng ở hội Mỹ thuật; Chu Ngọc, Hoàng Tích Linh ở hội Nghệ sĩ Sân khấu; Tử Phác, Văn Cao, Nguyễn văn Tý, Đặng Đình Hưng ở hội Âm nhạc; Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo là những nhà tư tưởng cuả phong trào; Thụy An, Nguyễn Hữu Đang liên lạc, huy động và khuyến khích anh em; Trần Thiếu Bảo, chủ nhà in Minh Đức, in các giai phẩm, giúp đỡ tiền bạc và phương tiện để phát hành báo Nhân Văn. Nhà in Minh Đức còn là trụ sở cuả các cuộc họp báo Nhân Văn và Đất Mới.

 

Chữ nghĩa và tiếng Việt sao rắc rối thế

 

Hỏi : Ông chủ tịch ủy ban nhân dân xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long nói:
Quản lý chặt tiền cứu trợ. Vậy chứ chặt là gì vậy …
Đáp : Chủ tịt nói gì thế?….

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Tiếng Việt, dễ mà khó

Biện pháp biến âm đã dẫn đến một hiện tượng khá thú vị trong tiếng Việt:

Hiện tượng từ tương tự, tức những từ hao hao gần nhau về cả ngữ âm lẫn ngữ nghĩa.

Chẳng hạn các chữ bớt và ngớt; đớp, tợp, hớp và đợp.

Bẹp, xẹp, lép, khép, nép và nẹp

Khan, khàn và khản.

Xẻ, chẻ, bẻ và xé.

Xoăn, xoắn, quăn và quắn

Tụt, rụt và thụt.

Véo, nhéo, và béo…v.v…

(Nguyễn Hưng Quốc – e-cadao.com)

Hát nói

 

Hát nói như một thể thơ là thành quả đáng ca ngợi của các nhà nho Việt Nam. Nó rất đặc sắc, mà lại có gốc gần thuần Việt. Sở dĩ “gần” là do hai câu đầu của khổ nhì là hai câu song thất nhịp Tàu. Làm thơ ta theo nhịp Tàu thì ta vẫn đã làm, như Hồ Xuân Hương, như Bà Huyện Thanh Quan v.v. Làm thơ Ðường luật mà hay như hai bà (và vô số ông) thì tức là làm giàu cho khả năng diễn tả của thi ca Việt chứ không sao cả.
Nhưng trong bài hát nói, hai câu thơ nhịp Tàu gây rắc rối. Vì chúng rất thường là hai câu tiếng Tàu, rất Tàu! Hai câu tiếng Tàu trong bài thơ tiếng Việt, khác nào chiếc đuôi sam lủng lẳng sau lưng một người Việt Nam mặc áo dài đội khăn đóng!
Nhà nho Việt Nam đọc thơ Tàu, thực ra là học thơ Tàu, ngày đêm, thế mà các cụ vẫn phát minh ra được thơ hát nói. Có điều, cái diễn tiến trí thức ta tự Tầu hóa về tư tưởng kéo dài qua nhiều thế hệ rốt cục đã để lại một cái “vết” trong đa số bài hát nói.


(Thu Tứ – Gocgio.net)

Mùi và vị

Giáo sư quá cố Nguyễn Đình Hòa, tác giả nhiều công trình về tiếng Việt rất công phu. Trong cuốn Tiếng Việt Chữ Việt của Nguyễn Phước Đáng, ông Đáng có kể chuyện ông
có thỉnh ý giáo sư Nguyễn Đình Hòa về hai từ “Mùi” và “Vị“.

Giáo sư Hòa đã trả lời đại ý là trong tiếng Việt hai tiếng “Mùi” và “Vị” là một, là đồng nghĩa. Cố nhiên Nguyễn Phước Đáng không chịu. Giáo sư Hòa bèn dẫn chứng:

– “Vị” là mượn từ tiếng Hán và “i” cũng là mượn từ tiếng Hán đó nhưng ở vào một thời đại cổ hơn nữa nên hai từ “Mùi” và “Vị” là một.

(Đặng Trần Huân – Chữ nghĩa bề bề)

Những người viết miền Nam

Không rõ vì thiếu tài liệu hay vì một lý do nào khác, Tập 4 của bộ sách Văn Học Việt Nam Nơi Miền Đất Mới của Nguyễn Q. Thắng chỉ đề cập tới, một cách hời hợt và nông cạn, 53 “văn gia” của Việt Nam Cộng Hoà, với mỗi người được tác giả gắn cho một nhãn hiệu. Chẳng hạn Nguyễn Văn Trung có nhãn “nhà văn nhập cuộc”, Cao Xuân Hạo “nhà lập thuyết ngữ học”, Nguyễn Ngọc Lan “nhà văn Công giáo, nhà báo dấn thân”, Thanh Việt Thanh (?) “nhà văn cần cù”, Thế Uyên “nhà văn nhập cuộc”, Viên Linh “’hoàng đế’, ‘nhà độc tài’ văn học” (!?), Hồ Trường An “dược sĩ (?), nhà văn”, vv.

Lại thấy cả thi sĩ Phùng Quán của thời Nhân Văn Giai Phẩm trong đám này nữa, với nhãn “nhà văn, thi sĩ hiện thực”.

(Nguyễn Công Khanh – Lịch sử báo chí Sài Gòn)

Tiếng Việt dễ và…dễ thương

Hỏi : Ai biết tại sao người Việt gọi những người thân phía ba/cha là họ nội, còn những người thân bên má/mẹ là họ ngoại?

Đáp : Thử hỏi bộ nội vụ và ngoại giao coi.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Giai thoại làng văn

Nhưng không hiểu duyên nợ gì cứ buộc tôi phải chọc Ngô Tất Tố. Điển hình là vụ Ngô Tất Tố dạy tôi học chữ nho, và tôi dạy lại Ngô Tất Tố học chữ Tây. Sau một mật ước với anh em, tôi làm ra bộ rất đứng đắn, một hôm, trịnh trọng bảo Ngô Tất Tố:
– “Bác Tố ạ, chúng ta làm báo đã lâu, nhưng thực ra chưa làm báo”. Tố hỏi lại tôi:
– Bác nói gì? Tại sao ta lại chưa làm báo?
– Là ý tôi muốn nói thế này, bác ạ. Bác viết báo vào hạng cừ, anh em đều nhận thế; nhưng dù sao bác cũng phải nhận rằng bác còn thiếu chữ Tây, mà tôi vào cái hạng đàn em, nhưng viết cũng gọi là khơ khớ, tôi lại thiếu hẳn cái chữ Nho.
Ngay hôm sau, tôi bắt đầu chương trình dạy tiếng Pháp và được bác Tố chăm chú học hỏi một cách thành kính. Tôi bắt đầu bằng một tràng lý luận:
– Tôi không hiểu chữ nho ra sao chứ cách cấu tạo chữ Pháp của họ tinh vi và thiết thực hết sức. Đại khái cây mía. Nó nói gì?
Thoạt đầu, nó giống cây tre, cây tre tiếng Pháp là [bambou]. Hít cây mía, có nước. Nước là “eau”. Vì thế cây mía tiếng Tây gọi là bambou hít ra lô.
Bác Tố lẩm nhẩm đọc “bambou hít ra lô” là cây mía, cây mía là “bambou hít ra lô”… Mặt tôi vẫn nghiêm. Vẫn lý luận như trên, tôi dạy thêm: Lanh nhanh là cái tàu điện, đanh đông là cái đỉnh đồng, lơ sơ vơ là anh sợ vợ, laboratoire là Lã Bố ra tòa.

Đến hai danh từ sau cùng, anh em và chính tôi thấy mặt bác Tố bơ vơ, không thể nín cười được nữa, bật ra một tràng cười rung động cả sàn gác. Tố biết mình bị lỡm, cầm cái gối ném vào mặt tôi và ngay lúc đó đứng dậy mặc cái áo the, chụp cái khăn vào đầu, lê đôi giầy Gia Định một cách thiểu não đến nhà Mai Lĩnh nằm nhai khối hận.

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Truyện chớp – Cải táng

 

Trước khi qua đời chiều nào ông nội tôi cũng uống rượu. Ông mặc bộ đồ trắng sạch sẽ, đi thong thả đến tiệm tạp hóa gần sân vận động xã, làm vài ly đế. Khi về, ông đi loạng choạng, chân nọ xọ chân kia, nhưng không bao giờ ngã té.

Những chuyến đi diễn ra đều đặn mỗi ngày trong nỗi buồn vô hạn vì cái chết đột ngột của cha tôi, vì thời thế đổi thay, vì gia đình chúng tôi phải từ thành phố về sống ở thôn quê trước con mắt dò xét của lũ người thô lỗ và xu thời. Chẳng bao lâu ông tôi chết vì rượu, khi tôi ở xa.

Vài năm sau tôi về cải táng mộ. Khi đào lên, người ta dùng rượu rửa sọ ông, rửa rất lâu cho đến khi linh hồn ông say khướt. Trên cánh đồng cát không người, tôi thấy ông nội đi loạng choạng về phía chân trời.

Ngộ Không

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search