T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 217)

clip_image002

Chữ nghĩa làng văn

Với khái niệm căn bản của thể truyện, như chữ “truyện”, chẳng hạn. Chính chữ “truyện” ấy là điều rất đáng nói. Trong tiếng Anh cũng có chữ truyện tương tự: story. Tuy nhiên, trong tiếng Anh, như là một thuật ngữ văn học, chữ story rất ít được dùng, phần lớn chỉ xuất hiện trong khái niệm truyện ngắn: short story.

Còn với tiểu thuyết thì đã có chữ fiction hoặc chữ novel. Nên lưu ý là cả hai từ đều có nghĩa định tính và định giá hơn là chỉ thuần mô tả. Novel, ngoài nghĩa là tiểu thuyết, còn có nghĩa là mới: viết tiểu thuyết là viết một cái gì mới mẻ, chưa ai kể bao giờ. Chữ fiction cũng vậy, vừa có nghĩa là tiểu thuyết vừa có nghĩa là hư cấu và văn học tưởng tượng nói chung: Viết là đi vào một thế giới tưởng tượng. Trong tiếng Việt, ngược lại. Viết tiểu thuyết là viết truyện.

viết truyện là kể một câu chuyện.

(Một số vấn đề mỹ học – Nguyễn Hưng Quốc)

Tinh cây đa, ma cây gạo

Cây đa, cây gạo cả trăn năm, có tinh hay ma, mặc dù chẳng ai

nhìn thấy. Tức chuyện viển vông, tin không được.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Trai thương vợ nắng quái chiều hôm

Nắng quái chiều hôm: Nắng cuối ngày, ám chỉ tuổi già, tuổi xế chiều của đời người.

Đàn ông xưa lo việc nông tang nên không có thì giờ săn sóc vợ.

Chỉ khi lúc về già, sức tàn lực kiệt các ông mới được nghỉ ngơi, mới gần gũi chăm lo cho nhau.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Kho tên Cầu Vực

clip_image004

Năm 1959. các nhà khảo cổ miền Bắc ngẫu nhiên tìm được ở vùng đất Cầu Vực bên trong khu vực thành Cổ Loa một kho tên đồng chứa đến hàng ngàn mũi tên đủ lọai. Kho tên này được đặt tên là “Kho tên Cầu Vực” như bằng cớ không thể chối cãi về thuyết nỏ thần với móng rồng của thần Kim Quy trong Lĩnh Nam Chích Quái.

Thế nhưng về phương pháp cổ học, không ai ngạc nhiên là tự hỏi tại sao kho tên còn nguyên vẹn. Và không một ai cất công thử tìm hiểu (1) thêm là các mũi tên Cầu Vực sao lại có dáng của những mũi tên tìm thấy ở đảo Trường Sa (2).

(1) Trong lần phát biểu tại Đại học Paris năm 1988, chính Văn Tạo, Viện trưởng Viện Sử học đã tuyên bố: “Chúng tôi không viết sử để làm công trình sử học mà là để góp phần xây dựng chế độ mới”. (Dẫn từ Hugues Tertrais – “Historical Research in VN”)

(2) Những tên đồng ngòai đảo Hoàng Sa giống y hệt như kho tên Cầu Vực trên đất liền do nhà khảo cổ Trung Quốc tìm thấy.

(Sử gia Tạ Chí Đại Trường – Những bài văn sử)

Chữ nghĩa làng văn

viết truyện là kể một câu chuyện.

Xem chuyện là yếu tính của truyện, ám ảnh lớn nhất thường là câu chuyện. Người ta ngỡ như có được một câu chuyện hay thì sẽ có ngay được một truyện dài hay truyện ngắn hay.

Nhưng khi câu chuyện nổi lên thì của phong cách, của cách kể câu chuyện ấy tự nhiên rớt xuống hàng thứ yếu. Không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam, yếu tố gọi là vốn sống hay sự từng trải bao giờ cũng được đề cao hơn là học thức và kỹ thuật. Thậm chí, ở không ít người, học thức và kỹ thuật còn gây nên dị ứng.

(Một số vấn đề mỹ học – Nguyễn Hưng Quốc)

Tuổi già cám cảnh (1)

Chúng ta rồi cũng sẽ già
Sẽ lên nóc tủ ngắm gà sexy
Vậy nên sống thật chút đi
Đừng nên giả dối ăn gà mất ngon.

Tên và tuổi (2)

Tuỳ theo hàng giữa VSOP và XO có một loại rượu đặc biệt với tuổi rượu năm giữa tức từ 10 đến 20 năm, như:

Martel: Cordon Bleu

Rémy Martin: 1738 Accord Royal

(Vì năm 1738 được vua Louis XV chọn là rượu tuyệt hảo)

Courvoisier: Le Cognac de Napoléon

Hennessy: Bras d’Or (Cánh tay vàng)

(Chai này năm 1817, vua George IV chọn là rượu tuyệt hảo)

Phở (5)

Theo chúng tôi, ngưu nhục phấnphở là hai món ăn khác nhau. Từ điển bách khoa Baike của Trung Quốc cho biết, tùy theo địa phương, nguyên liệu và cách chế biến ngưu nhục phấn có thay đổi đôi chút, song nhìn chung, nguyên liệu gồm có: thịt bò, nước súp, bánh bột sợi, củ cải chua, dưa cải bắp, bơ, hành, tiêu, hồi, dâu tây, rau thì là, quế, muối, gừng, hạt tiêu đỏ sấy khô, rau mùi tây, ớt khô, bột ngọt, tinh dầu hạt cải…

Trong khi đó, thành phần chính của phở gồm có sợi phở, nước dùng (ninh từ xương ống lợn/bò và một số gia vị khác), thịt bò bắp (để làm thịt chín), thịt thăn mềm (để làm thịt tái), con sá sùng, tôm nõn, hành khô, gừng, dứa, hạt nêm, thảo quả nướng, hành tây, hành hoa, húng bạc hà, chanh, ớt, rau thơm…

Xét về nguyên liệu, ngưu nhục phấn sử dụng củ cải chua, dưa cải bắp, bơ, tinh dầu hạt cải…những thứ không dùng để chế biến phở; ngược lại phở sử dụng con sá sùng, chanh, ớt, rau thơm…những thứ không thấy khi làm món ngưu nhục phấn.

(Vương Trung Hiếu – Nguồn gốc phở)

Tiếng lóng hiện thực

Ăn chơi sợ gì mưa rơi

Giai thoại làng văn xóm chữ

Ngửi văn

Truyện dân gian có nhiều, lâu nay bị thất lạc. Muốn cho đầy đủ thì quả là khó khăn, và cũng chưa biết đến bao giờ mới đạt được. Nên phải góp nhặt từng phần từng mảng, nhưng chúng tôi vẫn bằng lòng hàng chục năm nay với sự thu góp ấy.

Một người mù chỉ ngửi văn mà biết được văn hay hay dở. Có ông tú đưa bộ Tây sương ký ra hỏi. Người mù ngửi rồi bảo:
– Tây sương ký đây mà !
Ông tú hỏi:
– Sao biết?
– Ngửi có mùi phấn sáp.
Ông tú lại đưa pho Tam quốc chí ra hỏi. Người mù ngửi rồi bảo:
– Tam quốc chí đây mà!
Ông tú hỏi:
– Sao biết?
Người mù nói:
– Ngửi có mùi binh đao.
Ông tú mới đem chính tập văn của mình ra hỏi. Người mù ngửi rồi bảo:
– Văn này của ông chứ gì?
Ông tú hỏi:
– Sao biết?
Ông mù nói:
– Ngửi có mùi thum thủm.

(Vũ Ngọc Khánh – Kho tàng truyện dân gian)

Địch – Ta (2)

Khi đi du lịch
Ta đi với…”ta”
Có chuyện xẩy ra
Ta về với địch

Chân nam đá chân xiêu

Nhờ vào từ “đá” đứng giữa hai vế mà người ta hiểu nghĩa đen của thành ngữ này là “chân nọ đá vào chân kia”, và do từ “chân xiêu” một cách đơn thuần là “xiêu xẹo” nên người ta hiểu nghĩa bóng của thành ngữ là “đi đứng không vững vàng”. Nhưng tại sao “chân nam” lại là chân này và “chân xiêu” lại là chân kia ?

Thực ra, “nam” là do “đăm”, còn “xiêu” là do “chiêu” đọc chệch mà thành. “Đăm” và “chiêu” là hai từ cổ thuần Việt có nghĩa “bên phải” và “bên trái”. Từ điển “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) còn ghi : “đăm” là “tay mặt, tay hữu”; “chiêu” là “tay trái, tay tả”. “Đăm” và “chiêu” còn thấy ở nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ như :

“Tay chiêu đập niêu không vỡ” hoặc “Gà kia mày gáy chiêu đăm – Để chúa tao nằm, tao nghỉ chút nao”.

“Đăm”, “chiêu” trong “gà gáy chiêu đăm” hoặc suy nghĩ “đăm chiêu” với nghĩa đen là “phải trái” để mang nghĩa bóng là “lo nghĩ vất vả, lo nghĩ trước sau”. (Từ điển của hội Khai Trí Tiến Đức 1932). Như vậy thành ngữ “chân nam đá chân xiêu” đúng phải là “chân đăm đá chân chiêu” tức chân phải đá chân trái để chỉ “trạng thái đi đứng không vững vàng”.

“Ông cụ Bèo đi bán củi ở chợ Nghệ về, làm mấy chén rượu, chân đăm đá chân chiêu về đến nhà”. (Quang Dũng – “Nhà đồi”).

Sau nữa, nếu say sưa cũng “chân nam đá chân xiêu” thì đây là nghĩa thứ hai của thành ngữ:

“Nhà Chỉn cũng nghèo thay! Nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân nam đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc”. (Nguyễn Khuyến).

Tiếng lóng hiện thực

Đen như con mèo hen

Giai thoại làng văn xóm chữ

Đại hạ

clip_image006

Một ông phú hộ làm ngôi nhà mới, mở tiệc ăn mừng.

Cụ Yên Đổ cho hai chữ : Đại hạ.
Đại hạ là nhà to. Nhưng thay vì viết “hạ là nhà”, cụ lại viết chữ “hạ là mùa hè”.

Mùa hè to là nghĩa gì? Sau cụ mới giải thích cho người thân cận:
Đại hạ là hè to, hè to lái lại là tò he: tò he tí te là tiếng kèn đám mạ
Hỏi ra thì ông phú hộ này xưa kia quả có làm qua nghề thợ kèn …

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Lễ tế ngu

Tục này có nơi tính ba ngày sau khi mất, có nơi tính ba ngày sau khi chôn. Xét trong điển lễ thì không có “lễ ba ngày” mà chỉ có “lễ tế ngu” gồm có “sơ ngu”, “tái ngu”, “tam ngu”. “ngu” nghĩa là “yên”, tức là ba lần tế lễ cho yên hồn phách, theo “Thọ mai gia lễ” thì khi chôn xong, rước linh vị về đến nhà tế sơ ngu. Làm sơ ngu xong gặp ngày nhu, (tức là ất, kỷ, tân, quí) làm lế tái ngu, gặp ngày cương (tức là ngày giáp, bính, mậu, canh, nhâm) làm lễ tam ngu. Phan Kế Bính cũng dẫn giải như trên.

Dần dần về sau người ta giảm lược, kiêm cả ba lễ luôn, chỉ làm lễ tam ngu, vì thế nên gọi là lễ ba ngày. Vậy là tính ba ngày từ sau khi chôn, theo tục gọi là lễ mở cửa mả. Ngày đó con cháu ra sửa lại mồ mả, đắp cỏ, khơi rãnh thoát nước… Ngu là tế ngu, tế chỉ tế người chết, tế thần. Theo phong tục cũ thì ít khi chết xong chôn ngay, thường còn để năm bảy ngày trong nhà. Khi chưa chôn làm lễ triêu tịch điện, tức cúng cơm hàng ngày vẫn theo lễ thờ người sống. Vậy tế ngu phải tính từ sau khi chôn.

Lập luận khác: Có ba điều không yên khiến phải làm lễ tế ngu:

– Đang sống hoạt động nay mọi hoạt động bỗng nhiên đình chỉ.

– Đang nhìn thấy bóng dáng, khi đã nhập quan không nhìn thấy bóng dáng nữa.

– Đang ở trên dương thế, nay xác về cõi âm, hồn vất vưởng lìa khỏi xác. Âm dương hoàn toàn cách biệt từ sau lễ thành phần. Sơ ngu, tái ngu, tam ngu là tế để làm cho yên hồn phách, vậy phải tế sau khi mất, sau khi lễ nhập quan và sau khi lễ thành phần xong.

Nạ

Nạ: đàn bà đến tuổi làm mẹ

(nạ dòng vớ được trai tơ,

Gái tơ mấy chốc xảy ra nạ dòng)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nam mần sơ sơ, Bắc nàm nấy nệ

Bắc mắt lệ trào, Nam chảy nước mắt

Bắc nói úi chà, Nam kêu ui da

Bắc bước vào kia, Nam đi vô trỏng

Thành viên Tự Lực văn đoàn (1)

Tờ Phong Hóa do Phạm Hữu Ninh, Nguyễn Xuân Mai chủ trương đến số 14 thì đình bản. Nhất Linh điều đình và tục bản ngày 22.9.1932, Tự Lực văn đoàn hiện hữu ngay từ lúc đó đúng 7 năm cho đến tháng 9.1939.

Nếu căn cứ danh sách thành viên ngoài bìa sách Tự Lực văn đoàn gồm có: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ và Tú Mỡ (6 người).

Bà Nguyễn Thị Thế, em ruột Nhất Linh, trong Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường có thêm Nguyễn Gia Trí (thất hiền, tức 7 người).

Theo quyển Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học của Vũ Gia thì có mặt Xuân Diệu (thành bát tú, 8 người).

Nguyệt san Làng Văn thêm vào Đỗ Đức Thu, Nguyễn Thị Vinh, Duy Lam, Tường Hùng (11 người).

Giáo sư Lưu Trung Khảo trong Trên sông Hồng cuồn cuộn của Nguyễn Tường Bách đà tăng nhân sự (12 người).

Nhà sử học Vũ Ngự Chiêu trong Việt Nam niên biểu III phần Nhân vật chí ghi Lý Đông A (đảng trưởng Duy Dân) cũng là thành viên của Tự Lực văn đoàn.

Nhà văn Đặng Trần Huân trong Huyền thoại Tự Lực văn đoàn xuông bút: “Chúng ta nên chấp nhận 5 vị nguyên thủy đà sáng lập nên Tự Lực văn đoàn mà chẳng nên tự ý cương ra những điều mập mờ chưa rõ làm rối trí người đi sau”.

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Tiếng lóng hiện thực

Đơn giản như đan rổ

Giai thoại làng văn xóm chữ

Nhà thơ rất nổi tiếng là Xuân Diệu bình bài thơ Đề miếu Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương, đến câu “Ghé mắt trông lên thấy bảng treo” thì cứ khăng khăng phải là “Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo” thì mới đúng, mới thể hiện được khí phách… mà quên mất rằng chữ “lên” đã rành rành trong bản thơ Nôm lưu trữ.

(Nguyễn Cẩm Xuyên – Lá trúc che ngang mặt chữ điền)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search