T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 138)

clip_image002_thumb.jpg

Tiếng Tàu tiếng Việt

Thủy ngưu đâu phải là trâu nước mà là con trâu cày của ta.

Vì theo người Tàu ngưu là con bò, ngưu nãi là sữa bò chứ nào phải sữa trâu? Vì bên Tàu không có trâu.

Con cúi

Đàn bà con gái xắn quần lên
Cái gì trăng trắng như con cúi
(Chỗ lội làng Ngang – Nguyễn Khuyến)

“Cúi” hay “con cúi” là một khối lượng bông (bông để dệt vải)hình trụ, nhỏ bằng ngón tay, dài cỡ gang tay, sẵn sàng đem kéo thành sợi. Bông từ trái (quả)chín nở ra múi, hái về phơi khô, đến khi kéo thành sợi phải qua việc “cán” (tách bông khỏi hột), “cung” (làm tơi bông cho các sợi bông li ti không bết vào nhau thành nùi mà rời xa đều nhau), rồi cuộn/cuốn thành “con cúi”, trước khi được kéo thành sợi. Bông thì bao giờ cũng trắng ngồn ngộn như tuyết.

(Nguồn: Kim Bồng)

 

Câu đố (1)

 Canh một thì trải chiếu ra
Canh hai bóp vú, canh ba sờ l..
Canh tư thì lắc xom xom
Canh năm cuộn chiếu ẵm con mà về

Trả Lời: Câu đố tả…người kéo vó ban đêm

 Chuyện Ta chuyện Tàu (1)

 Sự thực thì khởi đầu dòng Hán tộc dân không có đông lắm, họ lấy Thiểm Tây, Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Đông làm địa bàn, lấy lưu vực sông Hoàng Hà làm căn bản. Nhưng họ lấy văn hóa để đồng hóa các nước mà họ coi là man di mọi rợ: Đông Di, Tây Nhung, Bắc Địch, Nam Man.

Như trên lá cờ Cộng sản Tàu, ta thấy có 5 ngôi sao, một ngôi sao lớn là tộc Hán, còn 4 sao nhỏ là 4 tộc người Mông (Cổ), Mãn (Thanh), Tạng (Tây Tạng), Hồi.

Chỉ còn Việt Nam (Nam Man) chưa lên lá cờ máu đó.

 (Chuyện Ta chuyện Tàu – Trần Khánh)

 La De

Hãng BGI lúc ấy chỉ có nấu hai loại La De :

1 – La De thường, vào chai lớn (dung tích 66) thường gọi La De Con Cọp vì chai có cái đầu con cọp màu vàng và để nhãn hiệu Bière Larue,

2 – La De 33, nấu thơm hơn, độ rượu nhiều hơn, vị uống đậm đà hơn, vô chai nhỏ (dung tích 33, tên thường gọi là bia Băm Ba, nhãn hiệu là Bière 33 Export.

(Phan Văn Song)

Tên Nôm tên Tự (2)

 Sự hình thành tên “Chùa Bà Đanh”

Chùa Bà Đanh nhắc trong văn bản này tại xã Ngọc Sơn, Huyện Kim Bảng, tình Hà Nam. Chùa do dân làng Đanh dựng nên, cách làng chừng nửa cây số, ba mặt giáp sông Đáy, qua sông là Núi Ngọc. Chùa có tên chữ là Bảo Sơn Tự và tên nôm là Chùa Bà Đanh.

Lời kể trong Ký sự Sông Hồng của ông Lê Văn Trịnh xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam:

 “Làng đây là làng Nghênh Xá. Do đó ở đây người ta lập chùa và thờ phụng Ngài. Đầu tiên người ta gọi là “Chùa bà làng Đanh”. Đây là cái tên của địa phương, chứ không phải bà là bà “Đanh”. Sau đây người ta gọi tắt là “chùa Bà Đanh”. Chùa ở đây tên chính là chùa Bảo Sơn Tự, chùa Bảo Sơn. Thế thì sao gọi là bà? Là vì ở đây thờ theo hệ tứ pháp:  Đức vua bà nên gọi là “Chùa Bà” Thế còn duệ hiệu của ngài là “Pháp Phong” tức là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, Pháp Phong.”

“Bảo Sơn Tự” là tên chữ, được viết bằng Hán tự trên hoành phi của chùa. Tên chữ do người có vốn Hán văn, Nho học đặt ra. Tên chữ của chùa bằng chữ viết (trên hoành phi, câu đối, bi ký)

Tuy vậy trước hoặc sau khi có tên tự, vẫn sử dụng tên nôm – Chùa Bà Đanh. Tên nôm có thể không được chép lại ở các văn bia, không được được vẽ vào tường, lên cổng, nhưng được nhắc tới, trong đời sống hàng ngày. “Vắng như chùa Bà Đanh” không mấy ai là không biết.

Chùa do dân làng dựng nên, vậy chùa lấy tên của làng. Ta có “Chùa làng Đanh”. Ba chữ này đều là ba chữ thuần Việt (không có nguồn gốc Hán văn) nên rất dễ nhớ, hơn nữa gắn ngay với địa danh của làng. Chùa thờ tứ pháp, mây mưa sấm chớp được hình tượng hóa vào các nữ thần. Vì vậy tên của chùa có một sự hình thành khác chính là các Bà nữ thần. Xét thấy tên nôm “Chùa Bà làng Đanh” đã được hình thành và hoàn toàn xa rời với tên chữ “Bảo Sơn Tự”, tiết lộ một vài điều: tên nôm có thể ra đời sớm hơn tên chữ, được gọi rộng rãi, tồn tại từ lâu.

 (David Phùng – Tên gọi Nôm một số kiến trúc tôn giáo)

 Pha

Pha : xuyên qua

(xông pha – pha phôi khóm lác chùm lan)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 Giai thoại làng văn xóm chữ

Vũ qua biển Bắc

 Năm ấy, được tin sứ nhà Thanh sắp sang nước ta, vua Lê, chúa Trịnh giao cho trạng giữ việc tiếp sứ. Trạng Quỳnh cho dựng một ngôi quán nhỏ bên bờ sông Cái, bà Điểm ngồi bán hàng. Còn Quỳnh giả làm lái đò, chở sứ bộ qua sông. Mấy tên trong sứ bộ Tàu qua ngôi quán bà Điểm, nhác trông cô hàng nước xinh tươi óng ả, liền thả lời bỡn cợt. Một tên líu lớ đọc bâng quơ:

– Nam bang nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh.

(Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày. Ý nói mỉa đàn bà nước này lẳng lơ).

Bà Điểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi nước cốt xuống đất, nói trống không:

– Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất.

(Nghĩa là: Bọn quan to, ông lớn ở nước phương Bắc đều từ chỗ ấy mà chui ra cả).

Câu đối lọt vào tai bọn sứ bộ, chúng giật mình, câm họng. Đến lúc xuống đò… Đò ra giữa dòng sông, một tên trong đoàn sứ bộ hổng ruột, xổ ra một tiếng “bủm”. Hắn đọc một câu chữa thẹn:

– Lôi động Nam bang.

 (Sấm động nước Nam).

Trạng Quỳnh đang chèo, liền đứng thẳng, vạch quần đái vổng cần câu xuống nước mà nói:

– Vũ qua Bắc hải

 (Mưa qua bể Bắc)

Cả đoàn sứ bộ không thốt được một lời, trong bụng vừa tức, vừa sợ, cứ ngậm miệng cho đến lúc tới nơi.
(trích Giai thoại về Trạng Quỳnh)

 Chùa Một Cột

Năm Kỷ Sửu 1049, chùa Một Cột được xây trên trụ đá và trụ đá này được cắm sâu xuống lòng đất. Mãi đến năm 1105, tức 56 năm sau, khi trùng tu chùa Một Cột lần thứ nhất, người ta mới đào hồ ở chung quanh và trồng sen.

Vì vậy với chuyện Lý Thái Tông nằm mơ thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen dưa tay dắt vua lên tòa, tỉnh dậy vua cho xây chùa giữa hồ sen. Tấc cả chỉ là truyền thuyết sau này.

(Tiến trình văn hóa VN – Nguyễn Khắc Thuần)

Báo chí

Chưa bao giờ báo chí Việt Nam bút chiến với nhau dữ dội như ta thấy, các cuộc bút chiến này, trọng tâm có lẽ là sự cạnh tranh nghề nghiệp, tranh dành độc giả, nhưng cũng gián tiếp đặt ra được nhiều vấn đề, làm sáng tỏ nhiều lập trường văn nghệ, sửa chữa được nhiều lộn xộn trong nghề viết văn. Các báo chia thành hẳn bốn khối: khối A của các nhà mệnh danh là Cựu học với các tờ báo ra đời từ 1932 hay trước năm 1932 mà còn hoạt động cho tới năm 1934 ; khối B của nhóm Tự Lực Văn Đoàn với Phong Hoá và Ngày Nay ; khối C của các báo ra đời từ 1934 trở đi, đối lập, phản kháng lại Tự Lực Văn Đoàn ; khối D của nhóm mác-xít với các ông Hải Triều, Hồ Xanh, Bùi Công Trừng…

(Phê bình văn học thế hệ 1932 – Thanh Lãng)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Bực mình chẳng muốn nói ra

Muốn đi ăn cỗ chẳng ma nào mời

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

 Vật phẩm tế thông gia

Trong văn hóa của người Việt, cúng tế người quá cố rất được xem trọng, bởi lẽ trong tâm thức Việt “nghĩa tử là nghĩa tận”. Chính vì vậy, khi nghe báo tử, dù bận việc gì thì những người thân của người chết cũng xếp công gác việc để đến dự lễ tang. Hàng xóm láng giềng cũng bỏ việc nhà để tiếp đám theo đúng nghĩa “xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau”. Cùng với những nghĩa cử cao đẹp đó là các vật phẩm để cúng tế, thông thường là bánh trái, bông hoa, nhang, tiền để vừa cùng với tang gia lo đám vừa bày tỏ thành ý với người đã khuất.

Trong những người đến tế còn có thông gia của người chết.

Vật phẩm tế thông gia tại Kiên Giang có: bốn hộp bánh tây, bốn bánh in hình tròn, bốn hộp trà, hộp đựng hai cây đèn cầy lớn, hộp đựng ba cây nhang lớn, hộp đựng hai chai rượu trắng, một tấm bàn đưa (tấm điếu), một phong bao tiền cúng. Tất cả các vật phẩm kể trên được để trên mâm, đặt trước linh tọa với tất cả sự cung kính dành cho người đã khuất.

(Tế thông gia – Đỗ Kim Trường)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Cau phơi tái, gái đoạn tang, chim ra ràng, gà mái ghẹ

(những thứ hấp dẫn)

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

Ông Táo (1)

 Từ một truyền thuyết dân gian…

Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia, chồng là Trọng Cao và vợ là Thị Nhi, nghèo khó, nhưng họ sống với nhau rất hoà thuận, hạnh phúc. Hiềm một nỗi lấy nhau đã lâu vẫn không có con, nên cả hai đều lấy làm buồn phiền và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những chuyện lục đục! Một lần, trong khi lời qua tiếng lại vì một chuyện không đâu, Trọng Cao có trót lỡ tay đánh vợ một cái! Giận chồng, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, và trong khi lưu lạc nơi đất khách quê người, Thị Nhi đã gặp Phạm Lang. Thông cảm hoàn cảnh của nhau, hai người yêu thương nhau rồi thành vợ thành chồng.

… Sau khi Thị Nhi bỏ đi, Trọng Cao rất hối hận. Bán hết gia tư, điền sản lấy tiền làm lộ phí, Trọng Cao đã đi đến rất nhiều nơi, tìm hỏi rất nhiều người, cho đến khi tiền lưng đã cạn, phải lần hồi bằng nghề hành khất mà vẫn không thấy tăm hơi Thị Nhi đâu cả!

Cho đến một lần, Trọng Cao vào một nhà nọ xin ăn, không ngờ người mang cơm ra cho lại là Thị Nhi! Hai vợ chồng nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi, nhưng cũng thật trớ trêu, bởi danh chính ngôn thuận lúc này Thị Nhi đã là vợ của Phạm Lang!

Trong khi còn chưa biết khu xử làm sao cho vẹn cả đôi bề, lại sợ Phạm Lang về bắt gặp thì biết ăn nói làm sao, Thị Nhi liền bảo Trọng Cao tạm ẩn vào trong thùng rạ. Đi đường mệt mỏi, lại được bữa cơm no, rượu say, nên vừa đặt lưng xuống, Trọng Cao đã ngủ say như chết, chẳng còn biết trời đất gì nữa! Không may đêm đó có gió to, than lửa ở bếp bén vào thùng rạ thiêu trụi cả Trọng Cao và cái bếp! Khi nghe mọi người xung quanh hô hoán, Thị Nhi và Phạm Lang giật mình chạy ra thì chỉ còn biết đứng… nhìn!

Nghĩ vì mình mà chồng cũ phải chết, trong cơn đau đớn, Thị Nhi bèn nhảy vào đống lửa chết theo! Thấy thế, Phạm Lang cũng nhảy vào để được cùng chết theo vợ..

(Từ truyền thuyết…ngày Tết ông Táo – Phùng Thành Chủng)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Theo các nhà ngữ học thì tiếng Việt là thứ tiếng đứng thứ 12 trên thế giới về số đông người nói là 83 triệu. Tiếng Việt vay mượn rất nhiều từ ngữ 58 thứ tiếng lớn nhỏ ở  nam Á châu, từ tiếng Thái Lào, Khmer, Miến, Malay, Indonesia cho đến những tiếng nói thiểu số với vài ba trăm ngàn người, tiếng Muờng, tiếng Nùng, tiếng Hmong, tiếng Chàm. Như:

– ta nói rộn rịp mà không hiểu “rịp” là gì,  

“rịp” là bận việc, gốc tiếng Lào Thái.

(Nguyễn Hy Vọng – sưu tầm & tản mạn)

Thành hoàng (1)

Thành hoàng xuất phát từ chữ Hán: Thành là cái thành, hoàng là cái hào bao quanh cái thành; và khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành.

Vị thần này dù có hay không có họ tên & lai lịch, dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là chủ tể trên cõi thiêng của làng & đều mang tính chất chung là hộ quốc tỳ dân (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó.

(Thần Thành hoàng – Bùi Thụy Đào Nguyên)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search