T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Loạn trung bút với…Trường viết văn Nguyễn Du

Về Hà Nội chuyến này, sau mấy chục năm là người di tản buồn tôi gặp lại thằng em họ.

Lại chuyện cũ sì cũ mốc không ngoài với họ hàng hanh hốc, làm thế nào được qua 20 năm kẻ Bắc người Nam, chúng tôi chẳng có gì để mà chọn lựa, không đứng bên này cũng bên kia. Tàn cuộc binh đao, nhẩm tính sổ nợ đời rơi rớt lại thằng con bà cô vẫn còn sống nhăn răng cạp đất, chả lẽ mượn chén rượu tao ngộ nói chuyện súng nổ đì đùng cũng mất vui. Số là tôi muốn nhờ vả nó dẫn đi thăm mồ mả gia tiên đang hương tàn khói lạnh ở ven ruộng nào đó.

Ăn cơm mới nói chuyện cũ, quấy quả về lại năm 54, trong khi ông via bà via tôi đang chộn rộn chàng ràng chuyện “ri cư”, bà cô đưa nó từ quê lên gửi gấm ở nhà tôi, sau mấy tháng đánh khăng, đánh đáo cũng thân nhau ra trò. Rồi tôi láo ngáo đeo tầu há mồm vào Nam, nó lớ ngớ ở lại theo…kháng chiến cuối mùa. Sau 75, với cố hương nan khứ hậu nan quy, thế nên chuyến về thăm thổ ngơi bản quán này, tôi tạt qua người anh em xã hội chủ nghĩa, ý đồ là dòm chừng xem với chân cứng đá mềm, con đường cách mạng nó đi về đâu.

Bước qua cửa, mắt tôi đảo tít như rang lạc quanh nhà, bất chợt đập chát vào mặt ngay trên tường là cái hộp kính to đùng giống người ta vẫn thường trưng đàn bầu, đàn gáo. Quái một nỗi trong cái hộp “nổi cộm” tối tăm ấy, thay vì đàn địch lại chình ình…một đôi dép râu.

Lõ mắt nom ròm kỹ hơn cái của nợ này, tôi bụng bảo dạ thể nào cũng nhiễu chuyện đây.

***

Nghe tôi quay quắt muốn về làng viếng…các cụ, thằng em bèn thuê bao một chiếc “xe con”. Ngồi trên xe, để chứng tỏ mình là người chẳng hẳn là…mồ côi văn hóa cho lắm, tôi lẩm nhẩm ôn một mớ tiếng Việt trong sáng qua báo bổ. Tôi “năng nổ” là nhờ nó…“lên khung” nên tôi được “tham gia lưu thông”, hết “kinh qua” đến “ùn tắc”, “quá tải” thế này thì có ngày “tai tệ nạn”, “đốt ngắn công đọan” về thăm ông bà ông vải sớm chứ chẳng chơi. Vậy mà nó cứ ngậm miệng như cóc ngậm thuốc lào. Cái thằng rõ hay! Ắt hẳn phải có…vấn đề tế nhị chi đây…Tôi nghĩ vậy.

Qua một ngày “liên hệ”, tôi thấy cái thằng em cũng không đến nỗi nào, lằng nhằng vậy thôi. Nhưng tôi hơi bị “bức xúc” cái thằng nhà quê sáng tai họ điếc tai cầy thỉnh thoảng lòi tói ra giọng nói nặng chình chịch như chầy giã cối. Ấy là chưa kể là dân đồng chua nước mặn nên nó lạng quạng “L” với “N”, nhưng sau đấy biết mình nói ngọng nó…kịp thời “sửa sai” lại ngay. Được cái “giao lưu văn hóa” với thằng em, tôi mới hay nó là phó biên tập một tờ báo nhớn, thuộc “diện”… phê bình văn học. Thế mới chua! Nhưng tôi cứ tức anh ách vì người ngợm như nó thì bắt cóc bỏ đĩa ai đây hở giời. Vì số là thằng này ở nhà quê chuyên trị cưỡi trâu thổi sáo, chưa một ngày…cắp sách đi học. Lại cũng chưa một lần có cái may mắn trúng tuyển nghĩa vụ quân sự để được đi B, vậy mà nhè trưng đôi dép râu làm cảnh. Tôi vặn óc nghĩ không ra…

Thăm họ hàng làng nước, cúng bái tổ tiên đầy đủ lễ bộ xong, chiều về trở lại nhà nó, hương đèn còn đấy, khói nhang còn mờ mịt gió mây. Với chức phó biên tập bự sự như cái mả liệt sĩ to vật, trộm nghĩ một người làm quan cả họ thơm lây. Thêm nữa, chó dại từng mùa người dại quanh năm, thế nên tôi dại dột hỏi “lập trường chính quy” của nó: Chú làm gì mà…cây đa cây đề quá thế vậy?. Ấy vậy mà thằng em êm ả hoa rơi cửa Phật rằng: Báu gì, phó thì nào có khác gì phó rèn, phó cối. Em học Trường viết văn Nguyễn Du, sau được trên bố trí sang khâu…phê bình văn học, không có chó bắt mèo ăn cứt vậy thôi. Nghe lạ, tôi gặng hỏi cớ sự gì mà tha ma một địa thế! Thế là thằng em đốt nén hương lòng: Chuyện cứt trâu hóa bùn ấy mà, bình thường thôi.

Tôi lẩn mẩn rị mọ: Thời buổi này được bình thường thì chẳng mong đợi gì hơn, không bình thường mới có chuyện. Tôi quên tuốt nó là…thằng dép râu, chỉ thấy đầu óc khuây khỏa qua cuộc sống thằng em bình dị. Chợt nó đon đả ron rỏn: Bác đợi em đun tí nước nhá. Giọng nó reo như ấm nước sôi, mà cũng hay, nó lại đổi tông qua “bác, bác, em, em” đúng điệu Bắc kỳ hương lý.

Trở lại chuyệncây đa cây đề, nói cho ngay, trước khi hồi cố quận, tôi đã…bổ xung văn hóa đầy ấn tượng, nên tôi múa như công múa đĩnh đạc trước cửa nhà về Phạm Thị Hoài, về Nguyễn Huy Thiệp. Chợt nhớ Hữu Thỉnh, Dương Thu Hương cùng tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du, thêm Vũ Ngọc Tiến, Bảo Ninh là đồng môn với nó…Ngứa răng buồn miệng, tôi rọ cái mồm vào hỏi cho ra nhẽ về cơ sở văn hóa “cực kỳ xung kích này”.

Bỗng nó nhăn mặt, khó khăn:

– Bác hỏi đếch gì khó thế!.

Rồi nó vén môi tồ tồ:

– Cũng bình thường thôi. Tốn bao nhiêu tiền nuôi đám báo cô ấy. Tiền chứ có phải vỏ hến đâu, họ chỉ được cái nước hão, trong khi cả nước đói như ngan ấp, đói vàng mắt ra! Đấy.

Xong, nó tươi tớp:

– Chả là trường được mô phỏng “khung chương trình giảng dạy” Học viện văn học Macxim Gorky của Cộng hòa liên bang Nga. May mà họ không gọi là viện văn học…mà đặt tên là Trường viết văn để đào tạo ra những người làm nghề viết vănMà nói dại chứ, cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Công Trứ có học viết văn hồi nào đâu, thưa bác.

Nhắm chừng thằng em thuộc tạng sáng nắng chiều mưa, năm ngày bảy tật nên chẳng biết đâu mà lần…Nên ngu phu chi tử tôi cũng thăm chừng:

– Chú “tiếp thu” được nhiều không?.

Nó búng lưỡi đến tách một cái:

– Bác xá cho, ai chả biết khâu viết văn là…nặn chữ véo câu. Chung quy là gia công những câu văn, họ đánh giá từng câu một: Câu này tốt, câu này hay, câu này kém, câu này bẹt, câu này trẹo logic, câu này viết lười biếng. Cứ léo xéo vậy thôi, chán như canh bí chiều đông ấy.

Rầy rà thật, chợt nhớ tới Dương Thu Hương là học trò của nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh và Hoàng Ngọc Hiến ở trường…văn học này. Ba thầy trò sau đều phản tỉnh, phản kháng nên “có vấn đề nhậy cảm và tế nhị” mới đây. Tôi bèn…tế nhị hỏi nó:

– Vậy chứ ai là…quản giáo của chú.

Nó khủng khẳng hành ngôn hành tỏi:

– Bác làm gì mà hoắng lên thế, đông như nhặng bắng nhắng vào cầu tiêu ấy mà, nếp tẻ đủ cả. Họ đến để…đăng đàn qua quýt, như Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu. Giáo trình thì cứ nhè Lỗ Tấn, Mạc Ngôn, hay với Tsekhov, D. Granin. Nói chung là tốt, với những lời dậy và giảng ấy cứ lợn cợn và bốc mùi thoang thoảng của những thứ kiến thức chưa tiêu hoặc cũ mèm.

Tôi đang ỳ cán cuốc, chưa kịp hiểu mốc khô gì, nó tung tóe:

– Giản đơn họ đến Trường viết văn Nguyễn Du như tới Trại dậy văn Tam Đảo. Chủ yếu là bồi dưỡng văn hóa, là xắng xịt rít thuốc lào, nhai kẹo lạc. Chuyện này cũng bình thường thôi!

Nó nhai văn nhá chữ tiếp:

– Trở lại những trại bồi dưỡng viết văn, ở đâu cũng vậy. Có điều không bình thường là chẳng thấy ai rỗi hơi cho văn học thực sự. Tất cả những người hành nghề văn học đều muốn dĩ hòa vi quý, đều muốn có những cuộc chơi đèm đẹp, chơi có thưởng. Trong chuyến về nước năm ngoái, một nhà văn nữ lưu vong nhận xét: “Ở trong nước, những người viết văn hiện nay sống sướng quá, nhà nước yêu chiều, cưng chiều họ quá”.

Và nó càm ràm:

– Ông Tô Hoài (1) làm như nhiều chữ lắm, ông thủ khư khư Sổ tay viết văn, ông rao giảng: Một số anh em khác có thực tế, nhưng công phu sáng tạo còn yếu, chưa làm bật lên được một vấn đề tư tưởng nào sâu sắc, nên cũng chưa gọi là có những truyện ngắn hay được. Nên đọc lại truyện ngắn của ta trước cách mạng với Nguyễn Công Hoan, Nam Cao. Hay đọc các nhà văn nước ngoài Maurice Druon, Alberto Moravia, Anton Pavlovitsh Tsekhov…

Tôi căng tai ra nghe, nó cười cái bép:

– Riêng ông Nguyễn Công Hoan đứng trên bục giảng mà cứ như đùa : Truyện ngắn của các anh sau cách mạng tháng 8 càng ngày càng hay. Hay hơn thời trước rất nhiều. Một học viên hỏi: Xin bác nêu một tác giả tiêu biểu. Ông tỉnh như ruồi: Tôi có đọc truyện nào đâu mà nêu, nghe sách báo nói thế, tôi cũng…nói thế.

Rập ràng xong, nó cười sần sật. Cái thằng cười đến hay, như chó khạc xương ấy: ‘’Em kể cho bác nghe chuyện Xuân Diệu nhá’’. Nhá với nhem, nghe sốt cả ruột và chẳng đợi tôi trả lời, nó chẻ hoe trắng phớ:

– Còn Xuân Diệu xúng xính đăng đàn ngâm thơ ông, kể chuyện kháng chiến nghe điếc cả lỗ đít, ăn uống thì thủng nồi trôi rế, ai hỏi thì ông cười tít: Thì đã bảo bồi dưỡng văn hóc mà

Khi không, nó nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống sàn nhà: ‘’Bác không biết đấy chứ, mỗi lần đi trại viết, ông ấy lãnh vài trăm ngàn, cơm nuôi, với ông là dịp may, một cơ may cải thiện’’. Rồi nó buồn nhiều hơn vui: ‘’Nói chung là tốt, tụi em ngồi đồng ở dưới, mặt thuỗn ra như rặn ỉa và buồn đến sưng cả đít. Nghe chán ngăn ngắt…’’

 

***

Nghe chán thật, tôi nghĩ quẩn: Nói cho cùng cả một nền văn học miền Bắc từ 54 đến 75, họ dựa hơi vào những nhà văn tiền chiến vang bóng một thời như Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyễn Tuân. Thế nên đọc họ chẳng động não động tình cho mấy, nhạt nhạt làm sao ấy. Trong đầu tôi lại loáy toáy với nền văn học Nga cũng ảnh hưởng ít nhiều gì đây. Tôi uốn lưỡi và sặc gạch ra mới lôm côm được cái tên Anton Pavlovitsh Tsekhov dài ngoằng.

Nó xổ toẹt:

– Đấy! Chả dấu gì bác những năm 60, 70, Hà Nội thời Nga hóa sính ngoại ngữ, nhiều mỹ từ học mới đem từ Cộng hòa liên bang Nga về trường. Họ hay thêm chữ “j”, “x” vào như jụng cụ, li jượu, capốtx, garajờx. Tụi em tứ làng quê lên đã phát âm tiếng Việt không chuẩn, lại bị hóc những từ bắt đầu bằng các phụ âm “r”, “d”, “gi” như: rờ, dờ, giờ…đều được đọc giống nhau với chữ…“jờ” của Nga như “rút ra” được viết là “jút ja”, “dọc” trở thành “jọc”. Ngay cả đầu sách “Sờ xoạc” của Trần Dần, cũng biến cải thành” Jờ Joạcx” kia mà, em nào có ngoa ngữ, thưa bác.

Tôi há họng nói kháy nó:

– Cũng tốt thôi?

Nó nhướng mắt lên :

– Bác nói gì nhẩy?

Rồi nó phẩy tay:

– Cái chuyện này cũng lôi thôi lắm! Đấy. Bây giờ em mới vỡ bọng cứt ra trường dậy chữ chính là một công nghệ lao động đào tạo nhà văn, rồi đẻ ra Hội nhà văn (2) ở 65 Nguyễn Du. Ăn xó mó niêu thì nhà nước ta bỏ ra cả mấy trăm tỷ đồng nuôi hơn 400 đám thợ viết “lao động văn hóa”. Vốn liếng của họ, cái phần gọi là văn hóa cơ bản, nhất là lịch sử và nền tảng triết học quá thấp. Thiếu ngoại ngữ, họ chỉ có hai cửa sổ ngó qua Trung Quốc và Nga Sô. Họ chịu ảnh hưởng của Trung Quốc là lẽ đương nhiên rồi, xưa nay vẫn thế. Họ quên là ‘’Đừng vác trên vai mình con khỉ của người khác’’, nên suốt thời cầm bút họ chỉ ì à ì ạch. Bình thường mà, thưa bác.

Tôi thấy chẳng bình thường chút nào…Ấy là giọng điệu của nó nghe quen quen, dường như của ai đó tôi đã đọc qua. Tôi lại nghĩ đến Trường viết văn Nguyễn Du, tới Hội nhà văn cũng ở đường Nguyễn Du, cụ Nguyễn Du bị “tra tấn” hơi nhiều thì phải.

Đang nghĩ vậy, nó đã càm ràm:

– Chả bịa tạc tí nào, nhìn chung về nghề văn, họ viết như đang lè nhè giữa một đám chén chú chén anh. Họ nhai chữ những miếng to tướng, vừa ăn vừa nhằn ra nham nhở, chẳng hề nghệ thuật vị nhân sinh tí ti nào. Cứt láng giềng thì thối, cứt đầu gối mình thì thơm, thế là họ vãi cứt vào mặt nhau. Họ đội khăn đóng áo dài vái nhau như tế sống, bốc thối nhau…Họ viết theo cái lối vót nhọn con người như vậy khó mà hay được. Họ đổ vấy cho thời thế, thời trước thế đấy, thời này thế đó. Cái chính là bản thân của các nhà văn, có ai ép họ đâu, họ có thể làm việc khác, viết để đó, sau này thời thế sang trang, họ vẫn có thể “mở bát ra” mà. Theo em, họ cứ viết cho thật hay coi, dầu sống ra sao, người đọc cũng đón nhận hết, bác thấy sao thưa bác.

Thực tình tôi đang nghĩ cách vun chuyện cho…có chuyện thì nó bã bời:

– Thì đấy, Nguyễn Huy Thiệp gọi họ là bọn vô học. “Cụ tiên chỉ” Nguyễn Tuân được thể nước ao mà vỗ lên bờ, cụ viết truyện tiếu lâm đăng trên báo Người Hà Nội: “Có một ông nhà văn nọ dựng chuyện khơi khơi các nhà văn nước ta “50% là vô học. Bị phản bác, ông nhà văn xin lỗi ngay vì sai thì phải sửa và mau mắn sửa sai là 50%…có học”.

Tôi cười không nổi, người cứ thủng ra vì những chuyện không đâu. Nó lại táo tác:

– Tốt nghiệp từ trường Nguyễn Du ra, cùng một khuôn mẫu, họ tư duy lãng mạn với ‘’mặt bằng văn nghệ chính quy’’ toàn những truyện tình từ nhà quê lên thành phố…

Cốt truyện chỉ quanh quẩn trong không gian…tĩnh lặng qua hai…nguyên mẫu: anh…‘’10 tuổi’’, em…‘’5 tuổi’’. Lớn lên, anh lên Hà Nội với hoa sữa mùi hăng hắc cao…‘’20m’’. Tiếp, xuyên suốt thao tác kỹ thuật chữ nghĩa con số ít cảm xúc với anh ‘’thủ trưởng cơ quan’’ thật khá trai…’’27 tuổi’’, cao…‘’1,78m’’ nhiều cơ bắp, nặng…‘’80 kílô’’, ở căn hộ…’’số 15’’, phòng…‘’4m’’ vuông. Rất hiện thực, hiểu theo nghĩa là chẳng phải ảo, anh gặp chị thế hệ @ với 8x hay 9x trên blog, đẹp như người mẫu cao…‘’1,72m’’, váy ngắn trên đầu gối…‘’15cm’’.

 

***

Sau khi cho tôi mục sở thị với văn chương con số xong, nó xum xoe: Bác đợi em pha tí trà nhá”. Tôi săm soi ngó chừng quanh quất: Nhà không vách ngăn, thông thống ra phía sau là cái bếp cạnh cái sân trống hoác. Nhìn lên trời mây xốp và xám bạc như sương khói, tôi cảm thấy thóang đãng ở cái khỏang không gian trống trải này. Nom ròm kỹ hơn một chút nữa, rõ như đêm giữa ban ngày…Tôi …tôi…thấy ở ngay cái sân trống cạnh cái bể nước gần bếp, nó đang vạch cu làm một bãi xèo xèo như…tiếng thở dài. Chuyện này với người Hà Nội cũng bình thường đây. Và nó bình thản quay lại, vừa quơ tách trà trên giá bếp vừa…cài cúc quần.

Đến lượt tôi thở ra…nỗi buồn không tên, dường như nó chưa buồn rửa tay thì phải.

Vừa ngồi xuống nó đã tiêu dao chữ nghĩa rất bài bản:

– Huếch gì cái ngữ ấy, sau đó vì cái sĩ bọ họ chạy chọt, nhờ vả hai hội viên chính thức giới thiệu vào Hội nhà văn mà tiền nộp hội phí với giá mềm để được ngồi chiếu trên chiếu dưới. Lạt mềm buộc chặt, vào hội gặp nhau chỉ kháo ai chạy giải thưởng này, ai thuổng giải thưởng kia. Chót chét họ chỉ là nhà văn có cái thẻ hội viên dằn túi, thỉnh thoảng đến hội điểm danh, về già có tiền hưu bổng, viết hồi ký, đợi khi chết được đọc điếu văn kính, thưa kính gửi…

Tôi ngẫn ngẫn ra chưa nắm bắt được. Nó đã xằng xịt:

– Đấy! Để em kể chuyện nhà văn Nguyễn Quang Lập viết rành rành trên báo Thủ đô ấy nha: Mình viết đến tám giờ sáng thì vào buồng ngủ lại, chợt có tiếng điện thoại của anh Trọng Hiếu báo anh Nguyễn Khải mất rồi. Mình gọi lung tung báo cho mọi người. Đến một giờ trưa anh Hiếu lại gọi điện nói ‘’Anh Khải chưa chết’’. Mình hỏi sao, anh nói nhà tang lễ đòi cái thẻ Hội nhà văn mới đủ thủ tục, nhưng anh Khải để đâu chẳng biết nữa, tìm không ra !

***

Những chuyện cóc cáy này, tôi áng chừng thằng em vay mượn chữ nghĩa người khác để lất phất chuyện nhà văn, nhà báo chỉ là mõ làng của chế độ. Ngoài ra, tôi còn nghe nói sau Trường Viết văn Nguyễn Du, tùy theo khả năng, họ được bồi dưỡng sáng tác ở Trại sáng tác văn học Đồ Sơn, Trại viết Đà Lạt, Trại bồi dưỡng sáng tác Vũng Tầu. Tùy theo lập trường, Trại sáng tác Quảng Bá cho những nhà văn cần phải học tập như Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân..v..v.. Đến người miền Nam, phân chia thành phần có “Trại sáng tác B dài” cho những nhà văn tập kết sửa soạn đi Nam, trong đó có Trần Vàng Sao, Anh Đức..v..v.. “Trại sáng tác B ngắn”, cho những nhà văn tập kết ở lại công tác ngay tại Hà Nội, có Ngọc Trai, Doãn Triều..v..v.. Rồi hết Trại sáng tác văn học Đồ Sơn đến Trại viết Đồ Sơn của “Văn nghệ quân đội”, trại gì như trại gà công nghiệp, nhiều quá mạng nên tôi hỏi xem nó hươu vượn ra sao?:

– Thật tình ở Hà Nội đã lâu, em chẳng hay trại B dài nằm ở đâu, riêng ban Văn nghệ miền Nam trụ ở 51 Trần Hưng Đạo chỉ viết báo tường thôi. Họ cách ly Nam, Bắc thế đấy, trừ những nhà văn chi đạo biết ngọn ngành như Nguyễn Tuân, Tô Hoài. Một lần Anh Đức tường thuật trận mưa bom B52 trong Nam. Nguyễn Tuân lên đài Đài Giải phóng ở 58 Quán Sứ động viên Anh Đức. Trên đường về ghé tiệm thịt chó, Nguyễn Tuân cười cười với Tô Hoài: Thằng này học trường dậy văn còn lắm lỗ hổng, nói trên đài hụt hơi ngắn lưỡi, tiếp xúc tay bo thì rất khá. Nhưng viết ra thì không ra sao cả. Nó thích được bốc, tôi bốc nó như bia hơi vậy, cho nó chết…

Nghe nó nhắc đến…bia hơi tôi lại để cái đầu bia bọt đến chả cá Lã Vọng và hội Văn nghệ quân đội vừa mới đảo qua ở trên. Vì Hội nhà văn và Trường viết văn Nguyễn Du từ quán chả cá và hội Văn nghệ quân đội (3) này mà ra. Chuyện là năm 1957, ngoài tờ Nhân Dân, chưa có nhà xuất bản hay Tạp chí Văn nghệ quân đội mà chỉ có “phòng” Văn nghệ quân đội. Thời Vũ Tú Nam, phòng tổ chức Đại hội văn nghệ ở Nhà Hát Lớn, có cả ông Hồ đến dự, chủ trì là Hoàng Ngọc Phách, mục đích là đả kích Ngô Đình Diệm về chuyện bầu cử thống nhất hai miền. Sau đó cả đám kéo nhau ăn khao ở quán chả cá, trong đó có Thái Thị Liên, Thúy Ngần, Nguyễn Văn Tý, Đỗ Nhuận, Hồ Dzếnh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Tuân, Kim Lân…

Cứ nghe Kim Lân kể lại thì Nguyễn Tuân vừa quạt chả vừa khoe: Tôi đã viết xong một cái về phở. Tôi sẽ viết một cái nữa về chả cá. Trong khi chính bài viết về phở đã mang đến cho Nguyễn Tuân một tai họa. Bà chả cá bảo Nguyễn Tuân: “Cứ im im mà ăn nhá. Thiên hạ người ta ăn chán ra, ăn bao nhiêu cũng chẳng sao. Ông ăn được mấy tí mà đã bị mắng. Rõ khổ!”

Từ bà chả cá, từ Nguyễn Tuân “bị mắng” mới đẻ ra “Hội liên hiệp” (3). Ông từ giữ đền Vũ Tú Nam là người cai quản đầu tiên của Hội liên hiệp này, là tiền thân của Hội nhà văn. Mãi sau thời Nguyễn Khoa Điềm thì phải, tôi không nắm bắt rõ, mới có Trường viết văn Nguyễn Du.

Đang phân vân định hỏi nó, nó đã… ‘’năng nổ’’:

– Cứ theo như nhà phê bình văn học bạn em là Vương Trí Nhàn thì nền văn học miền Bắc, tạm gọi là văn học của chiến công, nền văn học lôi cuốn người ta đi vào cuộc chiến tranh. Nếu mấy trăm năm trước trong truyền thống, chúng ta có mảng văn học chức năng, động viên thôi thúc con người hành động, ví dụ như Bình Ngô Đại Cáo hay thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, nay văn học miền Bắc nối tiếp truyền thống ‘’động viên’’ đó rất rõ.

Nó cáo lỗi ra cái bể nước cạnh bếp có cái sân trống, tần ngần nhìn lên trời xanh, mây trắng, nắng vàng như có gì suy nghĩ lung lắm. Vừa vũ qua Bắc hải, nó vừa nói vọng về phía tôi:

– Trước kia năm 56, ngự sử văn đàn Phan Khôi đã viết rồi:…Đành rằng văn hóa phục vụ chính trị, cho nên chính trị lãnh đạo văn hóa. Nhưng phải hỏi: Nếu chính trị muốn đạt đến mục đích của nó, thì cứ dùng khẩu hiệu, biểu ngữ, thông tri, chỉ thị không được hay sao, mà phải cần dùng đến văn hóa? Trả lời cho thành thật, e chính trị vỗ vai văn hóa mà nói rằng: Sở dĩ tao tha thiết đến mày là vì tao muốn lợi dụng cái văn hóa của mày.

***

Qua chuyện văn hóa phục vụ trên, tôi không nghĩ xa hơn là cái thận thằng em có…sự cố. Trở lại chỗ ngồi, tay chùi chùi vào quần, miệng nó chuyển “khâu” qua đề mục khác, tôi cứ rửa tai nghe nó dệt chuyện, nói cho lắm tắm ở truồng là thế:

– Thưa với bác, nhờ lên Hà Nội em gặp lại một số người Hà Nội thuộc thế hệ cũ, vẫn bắt gặp cái dáng vẻ thanh lịch truyền thống. Ngôn ngữ họ thanh lịch. Tác phong họ thanh lịch. Cách hành xử của họ cũng thanh lịch. Nét thanh lịch ấy không còn thấy ở thế hệ chúng em! Đấy.

Khi không tôi quớ lên và mừng húm vì hai chữ…“thanh lịch” nhẩy bổ ra ngọ nguậy làm quen, tôi lại có cớ bắt quàng với cụ Nguyễn Du qua một nhà phê bình văn học thông kim bác cổ ba đời uống nước “phông tên” Hà Nội.

Ông làm văn học luận giải rặt ròi như thế này đây:

“…Văn học Thăng Long-Hà Nội trong nhiều thời kỳ lịch sử đã có khả năng thu hút các thành tố mới mẻ từ mọi miền đất nước dồn về từ “văn học Kinh Bắc”, “văn học Thanh-Nghệ- Tĩnh”, v..v.. sau mấy nghìn năm tụ hội. Văn hóa Tràng An buổi sơ khai đã xuất hiện nhiều kỳ sĩ trong đó có Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Họ không sinh trưởng ở Thăng Long nhưng chính môi trường văn hóa Thăng Long đã nuôi dưỡng và phát triển tài năng họ.

Chúng ta cũng thường nhắc đến bước đột khởi của văn xuôi Việt Nam trong sáng, nhiều gợi cảm qua Tự lực văn đoàn. Chúng ta thường hay nhắc đến Lê Đạt, Trần Dần lúc nào cũng mê mẩn cách tân, làm “phu chữ”. Những tinh kết từ mọi con người đã tìm về đây phải được Hà Nội công nhận, bằng không sẽ bị đào thải. Bây giờ cũng vậy, thời nào cũng thế, Hà Nộị bao giờ cũng là các nơi hội tụ về và thanh lọc đi, cuối cùng những gì tinh hoa nhất lắng đọng lại chính là văn hóa Hà Nội ngàn năm văn vật.

Nhưng trong giai đoạn xáo động gần đây làm vợi bớt đi những kết tinh từ lâu đời. Những xáo động ấy làm Hà Nội bây giờ mất thanh lịch quá nhiều, làm văn hóa truyền thống của Hà Nội phai nhạt đi. Để trở lại thanh lịch như mong muốn thì phải chờ thời gian xác lập lại trật tự hợp với quy luật. Ngày xưa tôi thấy bố tôi nói, người ta đi ngoài đường không nói những lời sỗ sàng, bây giờ thì chuyện ấy có nhiều, nhất là với những nhà văn, nhà thơ, ăn mặc lịch sự thế mà lại hay chửi thề, hoặc đang đi bỗng quay ngang đái toẹt một bãi, rồi bình thản đi thẳng…”.

Quay sang nó, tôi thấy thằng dép râu này nào có khác gì…cụ Nguyễn Du, cũng từng giã biệt đồng bái quê mùa, mò lên phố thị với văn minh bột giặt, bia bọt, điện thoại tay cầm. Ngặt một nồi giọng nói nó có hơi hám với cua ốc mùi bùn…Trong khi tôi hoài đồng vọng…sông kia rày đã lên đồng. Nó lụi đụi đốt lò hương cũ giống hệt tôi lúc nào chẳng hay:

– Hội nhà văn có một dạo nằm mé khu phố cổ gần chợ Đồng Xuân là một tập thể lãnh đạo. Không chừng hội là âm bản của Tự lực văn đoàn. Ấy là là tổ chức văn học đầu tiên mang đầy đủ tính chất của một hội đoàn sáng tác, thể hiện cung cách một trường phái văn học hoàn chỉnh, khu biệt với kiểu cách tổ chức Hội nhà văn bây giờ, thưa bác.

Khác với tổng thư ký Hội nhà văn, Nhất Linh biết khơi gợi đúng thiên hướng từng người để mỗi tác giả trong văn đoàn trở thành một cây bút cho mỗi thể loại. Như Thế Lữ, dưới mắt Nhất Linh phải là người mở đầu cho thơ mới mà Xuân Diệu chỉ là người kế thừa. Tự lực văn đoàn cũng là nơi phát hiện những tài năng như Nguyên Hồng, Bùi Hiển, Thanh Tịnh, Trần Tiêu cho Hội nhà văn sau này. Ngay cách họ tổ chức giải thưởng văn học cũng khác, hội đồng giám khảo không bao giờ đồng thời lại là ứng viên dự giải. Chẳng như với Hữu Thỉnh vừa là tổng thư ký Hội nhà văn, vừa ghi tên dự giải và vuốt mặt ẵm luôn tiền giải thưởng của hội…..

***

Nghe thủng chuyện, thấy có…liên hệ đến Xuân Diệu. Chuyện là làm thế nào được sau bao nhiêu năm kẻ Bắc người Nam, tôi chẳng có gì để mà chọn lựa nên đành nói chuyện…súng đạn cho bõ ghét. Tôi chĩa vào thơ…ông Hồ. Nó rúc ráy như chuột cống ngay:

– Bác hỏi dấm dớ bỏ mẹ, em hỏi lại bác nhá: Bác có thấy bài nào của ông ta hay không? Đừng nói đến cả bài, đến một, hai câu cũng không nốt! Ấy vậy mà kỳ rồi, họ chọn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20, trong đó có một bài của ông Hồ. Lại là duy nhất một bài thơ…chữ Hán. Đấy!

Dậu đổ bìm leo, làm như hoa cỏ dại khờ tôi hỏi đến cu ty tỉ muội:

– Vậy chứ những nhà thơ có nhiều như…tủ lạnh chạy đầy đường không chú?

Nó cười cái hậc, miệng tòng tọc:

– Bác nói hay nhể! Bác biết tỏng ra đấy còn hỏi, thì như Nguyễn Huy Thiệp đã tung hê:

Trên thực tế cái danh nhà thơ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó, nhà thơ…lên đồng. Làm thơ phải có trình độ chứ không thể tuỳ hứng. Phê bình cũng vậy, không phải cứ mũ cao áo dài, kiểu chiếu hoa một cõi mãi được….

Túm được phê bình là nghề của…”chàng”, tôi bèn gãi ngứa:

– Phê bình văn học miền Bắc, anh thấy cũng bình thường thôi?

Như bị chạm nọc, nó gân cổ cãi inh lên:

– Bác dở hơi vừa chứ…chứ bình thường thế chó được! Các nhà phê bình thâm tâm đều muốn mỗi nhà văn là một mặt bằng, là một con vật không cựa quậy để họ dễ thọc dao. Nhưng bất cứ ai đều có thể viết bài ca tụng Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm hoặc một cuốn tiểu thuyết được giải của…Hội nhà văn với “hội chứng chửi có thưởng”. Chả nói ra thì ai cũng biết, phê bình như vậy cũng có vài trăm ngàn…tiền nhuận bút. Hậu quả khâu phê bình là trung thành và tận tụy đối với chế độ. Những nhà phê bình hầu như luôn luôn đứng ở hàng đầu trong mọi danh sách được sắc phong. Đấy! Thưa bác.

Thì cũng thỏa mái thôi. Vì biết đến phê bình trong nước chỉ rặt dọa nạt, mắng mỏ, đe nẹt nhau từ miếng ăn, manh áo, từ thìa đường, quả trứng. Tôi…thọc dao vào mặt…bằng nó:

– Chú đã “chửi” ai chưa?

Nó cười khùng khục:

– Úi giào, bác cứ nói thế, bác chỉ hỏi nhăng lấy được…em chỉ phát biểu quan điểm trên cơ sở cảm nhận. Cho ăn gan giời trứng trâu em cũng chả dám bắc kiềng lên lưng ai mà đun, vì trong giới phê bình họ hay dùng từ “đánh”. Gần đây Trần Mạnh Hảo…đánh Nguyễn Huy Thiệp: Các anh các chị có biết thằng Thiệp là thằng phản động không? Nó đã phát biểu bêu riếu cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc ta.

Phê bình thế này nhảm thật chứ chẳng chơi. Cái đầu đất của tôi lấn về với mảng văn học ngoài nước, tôi thăm dò nó đã “đánh” nhà văn miền Nam nào chưa? Bố khỉ, nó lại…lạc đề nữa:

– Trong cuộc tán gẫu quanh bàn nhậu ở Hà Nội, vào dịp một nhà phê bình văn học miền Nam về thăm nhà. Nhà phê bình văn học miền Bắc hỏi: “Nghe nói hình như anh có phê bình một cuốn sách của Võ Phiến?”. Nhà phê bình miền Nam gật đầu xác nhận. Nhà phê bình miền Bắc tiếp: “Tôi không hiểu tại sao anh lại mất thì giờ như vậy. Tôi thấy Võ Phiến viết xoàng lắm”, nhà phê bình miền Nam hỏi lại: “Anh có đọc Võ Phiến nhiều không?”, và được trả lời: “Tôi chỉ đọc vài bài viết của ông ta trên báo thôi.”. Nhà phê bình miền Nam nói: “Mới đây Võ Phiến cho in bộ sách văn học miền Nam…”. Chưa nói xong thì bị chặn lại và nhà phê bình miền Bắc lên giọng, gay gắt: “Tôi thấy Võ Phiến chỉ viết linh tinh”. Nhà phê bình miền Nam ngạc nhiên: “Ủa, anh đọc rồi hả?”, nhà phê bình miền Bắc đáp đầy tự tin: “Chưa. Tôi không có bộ sách đó’’.

Chuyện này tôi cũng nghe qua và cũng…hết ý và cũng muốn…hết chuyện cho rồi. Trộm nghĩ rằng những người Hà Nội “thanh lịch” hôm nay xuất thân từ trường viết văn Nguyễn Du, qua sách báo, tôi đoán chừng họ thường gặp nhau trong quán nhậu, quán ba ba, thịt rắn, thịt rừng. Kém kém một chút thì bia hơi vỉa hè. Bí beng chút nữa, vài chén rượu đế hột mít có cặn trước mâm thịt cầy. Họ hết đứng rồi ngồi, hết đ. cha thì đ. mẹ, hết cười rang rức đến suy tư…Khi say, họ thực sự dấn thân, họ vẫn đang sống giữa phố phường viết văn và…làm thơ.

Bỗng dưng cái lưỡi đá cái miệng, tôi hỏi nó dạo này còn…liên hệ đến Hội nhà văn nữa chăng? Ý đồ tôi là muốn khép cánh cửa văn học lại, đẩy văng những nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình vào bóng tối cho tôi nhờ. Khốn khổ, nó thông minh nhưng chậm hiểu, lại hiểu lộn tèng beng téc béc câu hỏi của tôi, cứ như đồng thiếp, nó róc đời:

– Dào, nhếch nhác lắm bác ơi, cần phải đổi mới. Không thể viết như cũ được nữa. Tất cả đã cũ mèm, Dương Tường khá hơn cả, song cũng tắc rồi. Trần Đăng Khoa làm thơ bằng cách vất thơ vào rổ rá, cối xay… là vớ vẩn lắm! Nguyễn Huy Thiệp cũng bí ngô bí khoai, một hồi họ đề cao hơi quá. Phạm Thị Hoài có khá hơn. Em không thích thơ của Nguyễn Đình Thi, chả có gì hay. Bác cứ phản biện đi, hay ở chỗ nào? Bác sắp ngoác mồm ra: “Thơ hay không phân tích, không giảng được!”. Nhưng không phải thế. Nếu hay là phân tích được tất.

Hớp tách trà cái ực như voi uống thuốc gió, nó rỉ rả:

– Về văn thì Nguyễn Khải có văn. Nhiều người có ý mà không tải được ra văn, cứ tải ra chữ lại hỏng, không ra sao cả. Phải có mắt xanh, cụ Nguyễn Tuân gọi là đầu mày cuối mắt, Tô Hoài thông minh, nhưng thẩm định xoàng. Ngay cả cụ Nguyễn Tuân. Rồi bác hóng mắt ra mà xem, mươi năm nữa người ta không đọc cụ Nguyễn Tuân nữa đâu, cũ sì rồi! Đấy.

Bỗng dưng thằng dép râu phọt ra chữ nghĩa đầy cảm xúc vặc tôi:

– Mà bác hỏi ngu như lợn ấy! Lăn tăn làm gì cho mệt, em có nói sai bác cứ vả vào mặt em. Mấy năm gần đây em trả lại thẻ hội viên, cắt đứt những giao du với nhà văn, nhà thơ, ngữ ấy em chừa ra. Nhỡ chẳng may Nguyễn Huy Thiệp lại xếp em vào trong đa số các nhà văn Việt Nam đá cá lăn dưa thì bỏ bố!. Xin lỗi bác, em có ngu thì cũng ngu một vừa hai phải thôi còn để cho người khác ngu với chứ. Nói dối phải tội, cái hoạt cảnh chợ chữ buổi này chẳng mấy vui.

Tôi cũng chẳng mấy vui cho lắm vì chẳng hiểu con lợn nó…ngu ở cái khổ nào? Thằng em dép râu đã hâm hấp chập cheng:

– Đấy! Đa số quần chúng lúc này thỏa mãn văn chương qua âm nhạc, phim ảnh, xòang xòang rau cải chợ, mớ xà lách hay mì ăn liền. Họ được ru ngủ bằng vào mở cửa cho miếng ăn, họ ngoảnh mặt với chuyện văn học và xa lạ với chữ nghĩa. Dường như chính sách nhà nước ta cũng muốn đề ra vậy, nên trong lĩnh vực văn học có không khí suy đồi, có những nhỏ to nhẽ ra phải phát huy đào tạo những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình mới. Thì vài năm trở lại đây, nghe đâu lại có ý kiến hơi bất thường là bỏ đi…trường viết văn Nguyễn Du (4 & 5).

Xin thưa với bác: Rõ ra cái bất thường không ở trên giời rơi xuống. Cái bất thường sinh ra từ những cái bình thường. Cái bất thường rồi sẽ trở nên bình thường. Ở đây đang cần nhiều cái bình thường, thưa bác.

***

Nghe như đấm vào tai, mà nào phải là chuyện của tôi, cha chung không khóc lại đi cái khóc tổ mối, tôi định nói leo theo nó: “Cũng bình thường thôi”. Nhưng bình thường sao được vì tòan gặp những nhiễu chuyện gì đâu! Vì vừa lúc ngửa cổ hớp ngụm trà, mặt tôi nặng như đeo đá với mắc chứng gì nó mang đôi dép râu nhét vào cái hộp kính, rồi đóng đinh treo lên tường…?

Nhưng ít nhất thì nó cũng đã sơn cái hộp…mầu đen! Đấy.

Thạch trúc gia trang

Hạ chí, Tân Mão 2011

Phí Ngọc Hùng

Nguồn: Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huy Thiệp, Vương Trí Nhàn, Thanh Nam,

Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Huệ Chi, Cung Tích Biền, Lý Đợi, Phạm

Thị Hoài, Vương Văn Quang, Viên Linh, Nguyễn Tự Lập, Nhật Tuấn…

 

 

©T.Vấn 2014

 

 

 

Phụ đính:

1- Nhà văn Tô Hòai dạy chúng tôi “Học viết văn cũng như thằng tập bơi ấy. Muốn biết bơi thì trước hết đừng sợ nước. Cứ nhảy đại xuống nước, đâp chân đập tay, uống vài ngụm nước, dăm bảy lần thế nào cũng nổi lên được. Nổi lên được thì sẽ bơi được. Nhưng từ chuyện bơi được, biết bơi đến chuyện trở thành một nhà bơi lội lại là chuyện hoàn toàn khác!”.

Nhà văn Nguyễn Tuân: “Người nông dân đi cày thì phải có cái cày, có con trâu. Nhà văn thì phải có chữ. Thế chữ của các anh đâu? Cả tập bản thảo dày đặc như ruồi bu thế này mà tôi chẳng nhìn thấy một chữ nào cả”.

Nhà văn Kim Lân: ” Văn có thể ngửi được đấy, các ông ạ. Trong văn chương thì truyện ngắn có mùi đặc biệt nhất. Hệt như mắm tôm ấy. Không ai làm giả được mắm tôm, cũng không ai làm giả được truyện ngắn”, v…v…

(Trích Nguyễn Quang Thụy)

2 – Hội Nhà văn Việt Nam chính thức được thành lập tại Hà Nội vào tháng 4 năm 1957, thoạt đầu có 60 hội viên, đến năm 1989, tăng lên 477 hội viên. Trong danh sách hội viên ấy có hai người trước đây vốn cầm bút và nổi tiếng tại Sài Gòn, nhờ những hoạt động nằm vùng cho cộng sản, được kết nạp rất sớm sau năm 1975: Vũ Hạnh và Sơn Nam.

Từ năm 1957 đến năm 1958, đứng đầu Ban chấp hành là Nguyễn Công Hoan (chủ tịch), Tú Mỡ (phó chủ tịch), Tô Hoài (tổng thư ký) và ba ủy viên thường vụ: Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Đoàn Giỏi. Trong cuộc đấu tranh chống lại nhóm Nhân văn-Giai phẩm, tinh thần của Nguyễn Công Hoan cũng như một số ủy viên trong Ban chấp hành Hội Nhà văn bị giao động mạnh khiến giới lãnh đạo miền Bắc nổi giận ra lệnh triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn vào ngày 2-7-1958 để cách chức Tô Hoài, đưa Nguyễn Đình Thi lên nắm chức tổng thư ký và trên thực tế, hoàn toàn vô hiệu hoá chức chủ tịch và phó chủ tịch của Nguyễn Công Hoan và Tú Mỡ.

Đến Đại hội Hội Nhà văn lần thứ hai, được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 10.1 đến ngày 12.1.1963, chức danh chủ tịch và phó chủ tịch dành cho người đứng đầu Hội Nhà văn bị bỏ hẳn. Thế vào đó là danh hiệu tổng thư ký. Chức tổng thư ký lọt vào tay Nguyễn Đình Thi.

(Trích Nguyễn Hưng Quốc)

3 – Năm 1978 đang ở thị xã Lào Cai, tôi không nhớ do Hội Liên hiệp (3) hay Hội Nhà văn giới thiệu, tôi được triệu tập đi học lớp viết mới mở Khóa I.

Giờ nghĩ lại, chẳng hiểu sao mình từ Lạng Sơn lại tìm được đường tới trường ở đê La Thành tại Hà Nội. Khóa trình 3 năm, lớp có hơn 40 “sinh viên” hầu hết ở độ tuổi trung niên gồm khối quân đội “du thủ du thực”. Nghênh ngang nhất là Hữu Thỉnh, sĩ quan tăng thiết giáp. Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng lớp viết văn hệ chuyên tu, cũng là khoa viết văn khóa I mà hình như các anh cán bộ khoa đang rục rịch đề nghị nâng cấp thành Trường viết văn Nguyễn Du.

Lớp có Vương Anh, Mường Thanh Hóa đã nổi tiếng, Ma Trường Nguyên, Tày Thái Nguyên, và tôi, dân mọi từ núi cao Hoàng Liên chân ướt chân ráo tới đô thành nên chúng tôi thường chơi với nhau. Hà Nội bắt đầu trở thu cùng với dòng sinh viên gập ghềnh từ các nơi đổ về. Năm ấy phố cổ vẫn còn nhiều rêu phong, bến xe điện Ngã Tư Sở vẫn còn nguyên tuyến đường ray, sông Tô Lịch còn nhiều thuyền thúng của người thu hoạch rau muống. Ngôi trường năm xưa vẫn nằm đấy, vẫn mái ngói đỏ tươi với dáng dấp một ngôi đền…

(Trích Mã A Lềnh)

4 – Có thể nói ngay rằng, nếu không học trường Viết văn Nguyễn Du thì bây giờ tôi đang làm một cán bộ đại đội hay tiểu đoàn ở một đơn vị sẵn sàng chiến đấu nào đó.

Sở dĩ tôi khẳng định như thế vì tôi sinh ra ở nông thôn, học trường làng, học hết phổ thông mà số lượng đầu sách đã đọc chỉ đếm được mấy đầu ngón tay thi mơ tưởng chi đến sáng tác văn chương. Nếu tôi không nhầm thì các anh Hữu Thỉnh, Chu Lai, Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, và cả Trần Đăng Khoa… nữa đều là cựu sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du. Các anh là một thế hệ mới hơn đang là lực lượng nòng cốt của Văn nghệ quân đội đã có bốn năm tu nghiệp tại Trường này. Thượng tá nhà văn Sương Nguyệt Minh nhường hẳn cho một phòng ba mươi mét vuông ở Nhà số 4 để ở, có hai bảo vệ canh gác hai đầu.

Ngày chúng tôi học Trường Viết văn Nguyễn Du không hề có… thầy. Không hiệu trưởng, không trưởng khoa… Không có thầy nhưng bộ phận hành chính thì có đầy đủ. Từ văn thư, tài chính thủ qũy, lái xe, bảo vệ đều có cả. Một ngôi trường không có lấy một người thầy thì cũng đúng là điều lạ.. Trước đó thì có thầy đấy, từ thầy Hoàng Ngọc Hiến đến Tạ Duy Anh…Nhưng sau một thời gian tan tác, Trường Đại học văn hóa điều một người nghe đâu học ở Khoa quản lý văn hóa xuống quản lý chúng tôi, mà chỉ quản lý về quân số thôi. Lay lắt như thế được hai năm thì trường bị giải thể chuyển thành Khoa Sáng tác và lý luận – phê bình văn học thuộc Đại học văn hóa Hà Nội. Thêm hai năm nữa rồi chúng tôi cũng tốt nghiệp ra trường, tỏa ra các hướng kiếm sống, người thì viết văn, người làm thơ, viết báo, cũng không ít chị theo chồng bỏ cuộc chơi.

(Trích Nguyễn Thế Hùng)

5 – Thành lập tháng 10 năm 1979, đến năm 2004, Trường viết văn Nguyễn Du chuyển thành Khoa sáng tác và lý luận- phê bình Văn học thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Trường Viết văn Nguyễn Du nay là khoa Sáng tác và Lý luận-Phê bình Văn học (ST & LL- PBVH) thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội đã đào tạo 11 khóa chính quy, ra trường với con số tốt nghiệp là 256 người, trong đó 52 người trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Trong tổng thể chiến lược của Đại học Văn hóa từ 5 đến 10 năm nữa sẽ đổi tên trường thành Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quốc gia. Lúc đó, khoa ST & LL-PBVH sẽ trở về tên cũ: Trường viết văn Nguyễn Du và theo mô hình “trường trong trường” như đã có từ năm 1996 – 2004.

Bài Mới Nhất
Search