T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 111)

 penrefiil

Nguồn gốc tiếng Việt I

Dân tộc ta, với ngàn năm lịch sử, có cùng chung một gốc, cùng chung một tiếng nói. Ngoại trừ một số dân thiểu số còn dùng thổ âm và một số địa phương dùng phương ngữ hay phát âm có đôi chút sai biệt, chúng ta đều nói, nghe và hiểu một thứ tiếng, đó là tiếng Việt. Tiếng Việt có phải tự ngàn xưa đã là một tiếng nói thuần Việt hay là một sự hỗn hợp trại lẫn của nhiều tiếng nói khác nhau? Trước khi tìm về cội nguồn tiếng Việt, ta phải đi ngược dòng thời gian để tìm ra gốc tích của tổ tiên. Qua đó, ta mới có thể truy nguyên được tiếng nói của dân tộc. Vì thời gian lịch sử xa xăm mù mịt, vấn đề truy tầm nguồn gốc tiếng Việt thật khó mà khẳng định một cách chính xác. Kê cứu theo sử ký, truyền thuyết, giả thuyết và nhất là những lập luận của các học giả, sử gia Việt, Pháp, Tàu thì vấn đề này càng rẽ ra trăm mối, bất nhất.
Gốc tích của dân Việt, theo sự ghi chép của ông Trần Trọng Kim, dựa vào lập luận của các nhà nghiên cứu nước Pháp, viết rằng:
“Theo ý kiến của nhà kê cứu của người Pháp Léonard Aurousseau, người Việt Nam, người Thái xuất phát ở miền núi Tây Tạng. Người Việt theo sông Hồng Hà lần xuống đông nam, lập ra nước Việt Nam ta bây giờ. Còn người Thái thì theo sông Mê Kông, lập ra nước Tiêm La (Thái Lan) và các nước Lào.”

Nhưng lập luận này không vững về phương diện ngôn ngữ, Phạm Quỳnh chất vấn trong bài ”Xét về cội rễ tiếng Việt Nam” như sau:
“Bọn dân Việt hồi đó, rợ Bách Việt là thủy tổ cho dân Việt Nam đó, nói tiếng gì? Nếu là tiếng Trung Hoa thì không hiểu làm sao mà biến mất hẳn đi mà xuất hiện ra một thứ tiếng khác hẳn tiếng Trung Hoa. Nếu không phải là tiếng Trung Hoa, thì các rợ Bách Việt ấy tất phải có một hay nhiều thứ tiếng thổ âm riêng. Như vậy thì sao trong suốt các rợ Bách Việt ấy duy có người Việt, tuy sau này còn phụ thuộc Trung Hoa đến ngàn năm nữa mà vẫn giữ được tiếng nguyên âm, còn thời các rợ khác ở phía nam nước Tàu bỏ mất hết đi để nói tiếng Trung Hoa cả? Nếu ta thừa nhận cái thuyết của ông Léonard Aurousseau, thì cái vấn đề tiếng nói tưởng cũng khó giải quyết vậy”.

(Tĩnh Túc – Nguồn gốc tiếng Việt)

Rau tần

 Trong bài Thu của Trần Huyền Trân có câu:

Mưa bay trắng là rau tần

Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa

Ta có rau tần hay không? Ngoài rau tần ô gọi là rau cải cúc.

Rau tần đó có mặt trong bài Giang đầu tản bộ của Nguyễn Du:

Tán phát cuồng ca tứ sở chi

Lục tần phong khởi tịch dương vi

Lục tần đây là cây tần xanh.

Không phải là tần trắng, cũng trong bài Hãn Dương vãn điếu cũng của Nguyễn Du “Tưởng tượng đương niên suy địch dạ – Bạch tần, hồng lục mãn đinh châu”. Hay bạch tần trong Chinh phụ ngâm: Vọng quân hà sở kiến – Giang Châu mãn bạch tần”.

Lục tần, bạch tần là cây có hoa mọc ở bờ sông, không là rau tần.

(Hoàng Hải Thủy – Chín tầng gươm báu trao tay)

Văn học miền Nam (IV)

 Thụy Khuê: Xin anh kể tác giả, tác phẩm nào trong Văn học miền Nam được anh dựa vào để đi tới những điều anh vừa nói.

 Vương Trí Nhàn Tôi nhớ ngay tới Dương Nghiễm Mậu, trong Cũng đành, tác giả nói về vấn đề tồn tại như thế nào, sự lựa chọn đúng hay sai. Tôi có ấn tượng về Dương Nghiễm Mậu qua những bút ký ngắn in trên bán nguyệt san Văn khoảng 1972-74 tả những chuyến đi theo các đơn vị quân đội đến Tây Nguyên, ra Quảng Trị… Cùng với nhân vật, hình như chỉ là tác giả hóa thân để tự bộc lộ — chúng ta chứng kiến đất nước mình tan nát, lớp trẻ bị chết, bị thương, đời sống mất hết sự thiêng liêng con người giãy giụa không tìm thấy lối thoát. Nhiều suy nghĩ có từ thời viết Cũng đành hiện ra với cái vẻ cụ thể của nó.

Thời gian mấy năm 72 -73, một số anh em bọn tôi ở tạp chí Văn nghệ quân đội có lúc xôn xao hẳn lên khi đọc Phan Nhật Nam, không phải cuốn nhiều người hay nói tới là Mùa hè đỏ lửa, diễn tả không khí chiến trường rất ác liệt, mà là cuốn trước đó, cuốn Dấu binh lửa. Theo tôi, Dấu binh lửa gây ấn tượng mạnh, vì nó cho thấy sự tan vỡ đời sống tinh thần của một lớp người thanh niên với chiến tranh. Từ chỗ là một người đầy nhiệt huyết, nhân vật xưng tôi ở đây biến thành người không còn là mình nữa, chai lỳ, bất nhẫn, chỉ muốn đập phá. Tôi nhớ là những nhà văn như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, khi đọc cuốn này đều thấy nể, ngay cách diễn tả, cách viết rất trực tiếp và khả năng sử dụng tiếng Việt trong Dấu binh lửa cũng đáng ghi nhận.

Khoảng 1990 -91 xuất hiện Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, đọc Nỗi buồn chiến tranh tôi lại nhớ đến Dấu binh lửa. Tôi có đưa cho anh xem. Khi trả Bảo Ninh có nói với tôi rằng: “Nếu tôi đọc cuốn này trước thì có lẽ tôi sẽ viết khác đi”. Đây là một trong những cuốn sách viết về chiến tranh mà bọn tôi không thể quên nổi và ở chỗ đó, nó cho thấy sự cần thiết tức cũng là những đóng góp của Văn học miền Nam, với vai trò ghi nhận được trạng thái nhân thế của con người một thời, tất cả những đau đớn, vật vã của con người trong một hoàn cảnh phi nhân văn và chính từ đó chúng ta có thể giải thích tất cả những biến động trong đời sống từ sau 75 đến nay.

(Thụy Khuê: Nói chuyện với nhà phê bình Vương Trí Nhàn)

 Mèo và thỏ

Mão, ta gọi là mèo. Tàu lại gọi là thỏ, là tại sao?”

Theo lịch Tàu, lịch ta ngày xưa công nhận con thỏ là biểu trưng cho năm Mão, nhưng đến một thời kỳ nào đó, có lẽ là từ thời Pháp thuộc, chữ Hán mất dần ảnh hưởng, nhường chỗ cho chữ quốc ngữ. Người dân Việt hiểu biết chữ Hán rất ít, họ bèn Việt hóa chữ Mão thành Mẹo, thành Mèo, do âm hưởng và đinh ninh Mão là Mẹo, là Mèo.

Hơn nữa, họ thấy có con chó biểu trưng cho năm Tuất, tại sao năm Mão lại không có con mèo? Vốn là giống gia súc cần thiết để bắt chuột, nhà nào mà chẳng nuôi chó, mèo, heo, gà?

Còn giống thỏ, người Việt rất ít nuôi, cho nên không cho là thiết yếu, và từ đó, họ đem con mèo vào trong lịch ta, thay cho con thỏ.

Nên thêm rằng trong Hán tự, miêu là mèo, mão không phải là mèo, thố là thỏ.

Sáng tạo

Lần đầu tiên khái niệm “sáng tạo” được các nhà tư tưởng cổ Hy Lạp triết luận trong những bình giảng về viết văn, theo họ viết văn trước hết như là sự bắt chước của những người đi trước, nhưng người sáng tác vẫn có quyền được…sáng tạo. Theo đó nhà văn có thể viết về cái vốn có thực và ngược lại, cũng có thể nói về cái không thể có.

Hay nói khác đi, thực sự không có…”sáng tạo”.

Chữ và nghĩa thổ ngơi (V)

 Ở Việt Nam, có hàng trăm địa danh bị thay đổi hay sai lệch về ngữ âm và chữ viết. Tìm hiểu những nguyên nhân gây ra sự biến đổi này, chúng ta sẽ hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của các địa danh.

Do Việt hóa: Những địa danh Việt cổ hoặc bằng thổ ngữ, để dễ sử dụng, người Việt đã Việt hóa hoàn toàn.

Klu là địa danh cổ cần biến thành dạng hiện đại – Cổ Loa – cho mọi người dùng được.

Blao (Lâm Đồng) là tiếng dân tộc thiểu số phải biến thành Bảo Lộc mới thông dụng.

(Hồ) Lak biến thành Lạc Thiện (Đắc Lắc).

lThác Cam Ly  Đà Lạt. Cam Ly gốc Cơ Ho Kamlê, là tên người.

(Lê Trung Hòa – Những địa danh bị đổi sai lệch)

Chữ nghĩa thập niên 30, 40

Kháp: gán, ghép

Phó: phó lý, người đứng sau lý trưởng. Nhưng phó cối, phó mộc lại là người đứng đầu nghề đóng cối, làm mộc…

Rầy mái: đạp mái.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Tại cơ quan, sếp chỉ đạo nhân viên:

– Từ giờ trở đi, mọi người bỏ ngay cái bệnh “nói chung là tốt”, làm gì cũng phải báo cáo cụ thể. Báo cáo gì phải báo cáo cụ thể. Hỏi gì phải hỏi cụ thể, trình gì cũng phải trìng cụ thể. Thiếu cụ thể là không làm gì được. Ngay như tôi đây, tư duy gì cũng phải nghĩ đến cụ thể.

Nhân viên hãi lắm, lấm lét hỏi nhau:

– Mẹ, cụ Thể làm ở cơ quan nào mà oách quá vậy!

Tiếng Việt trong sáng

Trong tự điển Hán Việt không có nhóm từ “hồ hỡi” mà chỉ có tục ngữ “vui lòng hả dạ”. Vậy mà từ “hồ hỡi” cũng đi theo người tỵ nạn sang tới Hoa Kỳ.

(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)

Cuồng chữ

 Ba tôi mê gà, cả nhà không ai nghĩ rằng lũ gà cũng cần có tên. Ba đặt tên chúng là Bạch Điểm, Huyền Vĩ…đến con gà của tôi thì:

– Mình gọi nó là Lễ Cao, nói lái là Lão Kê. Lão Kê là con gà già.

Vậy là con gà mái lông nâu lùi xùi, dáng vóc quê mùa tất tả, trở thành một lão nương trong làng gà, với cái tên Hán-Việt thanh nhã, Lễ Cao bà bà.

Chữ nghĩa làng văn

Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.

Theo Sử ký, Nguyễn Thị Kim, người ở làng Tỳ Bà, huyện Lương Tài, là cung phi của vua Lê Mẫn Đế. Lúc ấy quân Tây Sơn chiếm cứ thành Thăng Long, vua Lê Chiêu Thống và Hoàng Thái Hậu với cung phi chạy lên Cao Bằng, nếm mọi nỗi đắng cay.

Đến khi vua Chiêu Thống sai người sang cầu cứu với nhà Thanh thì trước hết bí mật khiến người hộ tống Thái Hậu và Nguyên Tử (con trai trưởng của vua) đi sang Tàu. Còn Cung Phi Nguyễn Thị Kim đi theo không kịp, phải buồn hận trở về, âm thầm ẩn tránh trong dân gian lo việc làm ruộng nuôi tằm, dệt vải để sống bằng sức lực của mình. Ngày xưa sống với phấn sáp cung trang, ngày nay nàng trở thành người đàn bà quê với áo vải hoa gai, vua thì chạy đi, nước thì tan mất, nỗi đắng cay không xiết được, cho nên làm thơ phong dao để tự ví mình.

Cải, là thứ rau có vị đắng, ví với Thái Hậu

Rau răm cũng có vị đắng, ví với Cung Phi

Ý nói là Thái Hậu đi xa sang Thiên Triều chưa biết kham khổ ra sao. Một mình Cung Phi ở lại trong đất giặc chiếm đóng phải chịu những nỗi cay đắng ấy. Đấy cũng là lời than thở. Về sau vua Chiêu Thống ở Yên Kinh bị bịnh chết. Sau khi lấy được nước và định quốc đô, triều Nguyễn ta xin nhà Thanh đưa linh cữu vua Lê Chiêu Thống về nước. Cung Phi Nguyễn Thị Kim đến trước linh cữu lạy khóc rồi uống thuốc độc mà chết.

(nguồn Wikipedia)

Chữ nghĩa tình tự gái Nam

 Nói nhỏ nghe

Tui chịu anh rồi

Từ hôm rày

Cực quá đi thôi

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

Bài Mới Nhất
Search