T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 206)

clip_image002

 

 

Chữ là nghĩa

 Tiếng Việt lý thú

Nếu chúng ta chịu khó quan sát, tìm hiểu, chúng ta sẽ phát hiện những chữ tuy rất quen thuộc chúng ta sử dụng hàng ngày lại ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng nhưng không kém phần thú vị.
4) Các từ kết thúc bằng âm EN thường chỉ “các động tác đi qua một chỗ hẹp, một cách khó khăn”. Thí dụ: Chen, Chẹn, Chèn, Len, Men, Nghẽn, Nghẹn, Nén, v,v…

(Tiếng Việt dễ mà khó – Nguyễn Hưng Quốc)

Thơ thiền

 Trần Nhân Tông (1279-1284) là tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Ngoài thắng quân Nguyên, ngài thắng cả tự chính mình qua bài Cư trần lạc đạo dưới đây

Bụt ở trong nhà, chẳng cần tìm xa

Vì quên mất gốc, nên ta tìm Bụt

Nay mới hay: Bụt chính là ta

 

Thành Tây

Dân đất Bắc,
Đắp thành Tây.
Đông thật là đông,
Sầu Nam vời vợi.

Câu này gồm đủ đông, tây, nam, bắc! Dân đất Bắc phải chăng những người dân miền Bắc bị đưa vào Nam làm dân phu, đắp thành cho người Tây? Số dân phu ắt nhiều lắm, Đông thật là đông. Sự đông đúc này quả là một mối sầu vời vợi cho nước Nam, cho dân Nam! Nước mất nhà tan, thân làm nô lệ, phải đi đắp thành cực khổ cho Tây để chúng dựa vào thành trì đô hộ đồng bào mình. Người miền Bắc bị đi dân phu hằng than thở:
Nhà tan nước mất ai ơi,
Cái thân nô lệ sống đời cu ly!

(Sơ lược nguồn gốc một số địa danh miền Nam – Hồ Đình Vũ)

Chữ là nghĩa

Một triết lý của Phật giáo Thiền tông: Khi chưa học Thiền ta nhìn núi là núi, ta nhìn sông là sông. Khi đang học Thiền ta thấy núi không còn là núi, sông không là sông. Nhưng sau khi đã chứng ngộ Thiền, ta lại nhìn ra giản dị: Núi là Núi, Sông là Sông.

 

Chữ là nghĩa

Từ  triết lý của Phật giáo Thiền tông: Khi chưa học Thiền ta nhìn núi là núi, ta nhìn sông là sông. Khi đang học Thiền ta thấy núi không còn là núi, sông không là sông. Nhưng sau khi đã chứng ngộ Thiền, ta lại nhìn ra giản dị: Núi là Núi, Sông là Sông.

Thiên hạ sự có câu:

“Coi zdậy, mà hổng phải zdậy, mà đúng là zdậy…”.

 

Trướng liễn

Khi Khải Định băng hà (1925), có trướng liễn phúng điếu của Duy Tân (lúc đó đang bị đi đày ở đảo Réunion):

Ông vội bỏ đi đâu, bỏ bạc, bỏ tiền, bỏ con, bỏ hát bội, bỏ hết trần duyên trong một lúc

Tôi nay còn lại đó, còn trời, còn đất, còn non, còn anh hùng, còn nhiều vận hội giữa năm châu.

 

Chữ và nghĩa

Hồ Biểu Chánh (1885-1958) đã khởi đầu sự nghiêp văn chương bằng tập thơ U Tình Lục. Trong câu thơ:

“Vội vàng đội níp đề huề thẳng xông”Níp hay niếp là cái rương nhỏ dùng để đựng sách vở và quần áo của người học trò xưa. Người ta có thể đội trên đầu hay quảy trên vai mà đi đường xa. Ông Hồ Biểu Chánh nói đội níp, nhiều tác phẩm Nôm thế kỷ 19 về trước nói quảy níp cũng đều là cách di chuyển của học trò nghèo. Thơ xưa có câu: Chí thà níp đội bầu mang.

(U tình lục – Hồ Biểu Chánh)

 

Nhận xét tản mạn về Tchekov

Nghệ thuật viết, nói cho đúng ra, không phải ở chỗ viết như thế nào, mà là nghệ thuật vứt bớt đi những gì dở, kém như thế nào. Theo tôi (Tchekov), viết truyện ngắn, cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và kết luận. Với cách viết văn xuôi chúng ta, lôi thôi nhất là vấn đề thời gian.

(Sổ tay truyện ngắn – Vương Trí Nhàn)

Mè: vừng

(mặt rỗ hoa mẹ kẹo mè)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Nhận xét tản mạn về Tchekov

Truyện của anh quá nhiều chi tiết, tới mức cái nọ chồng chất lên cái kia. Truyện ngắn của anh hay, chỉ hiềm nó dài quá, trong đó có quá nhiều chi tiết vô bổ. Truyện bị phá vỡ bởi đoạn nhân vật chính cãi nhau với vợ, một cuộc cãi nhau không cần thiết. Tôi (Tchekov) hình dung giống như bức tranh vẽ cảnh biển cả êm đềm bỗng có ngọn sóng  quá cao, nó làm cho kích thước bị xô đẩy, ấn tượng bị vụn ra, mất đi sự nhất quán đáng lẽ phải có.

(Sổ tay truyện ngắn – Vương Trí Nhàn)

Chữ nghĩa làng văn

 Trừ Bùi Giáng, khi nói về Tuệ Sỹ thì có lẽ không ai đủ tư cách bằng Phạm Công Thiện: “Có sống bên cạnh Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát từ ngày này qua ngày khác, trong những hoàn cảnh khác nhau thì mới may ra cảm nhận đôi chút tác phong thiền sư kín đáo toát ra một cách tự nhiên, một cách vô công dụng hạnh từ đời sống thường nhật và tinh thần diệu nhập của hai vị. Tôi xin gọi hai vị này là thiền sư với tất cả đắn đo thận trọng, với tất cả ý nghĩa cao đẹp và như thực của một danh xưng xung thiên chí.”

 (Tuệ sĩ trên ngõ về im lặng – Tâm Nhiên)

Chữ nghĩa làng văn

Thế nào là nhà văn?

Nhà văn là là người cho nhân vật của mình sống là sống ở chương đầu, và chết ở chương cuối

Nhận xét tản mạn về Tchekov

Anh có biết không, muốn đánh giá một nhà văn mới vào nghề, hãy xem ngôn ngữ của anh ta. Nếu văn anh ta không có cái giọng riêng, anh ta khó lòng có thể trở thành một nhà văn thực thụ. Còn khi đã có giọng riêng, có tiếng nói của mình, với tư cách một nhà văn, anh ta đáng để ta hy vọng.

Khi ấy ta có thể xem xét mặt khác những gì anh ta viết.

(Sổ tay truyện ngắn – Vương Trí Nhàn)

 Chữ là nghĩa

 Hồ Biểu Chánh (1885-1958) đã khởi đầu sự nghiêp văn chương bằng tập thơ U Tình Lục. Trong đó có chú thích khác rất thú vị về tên của Sài Gòn xưa:

“Buồm cao lèo thẳng nhắm miền Ngưu Giang”.

Nhắm miền Ngưu Giang: Trực chỉ lên Sài Gòn. Ngưu Giang hay Ngưu Chữ, Ngưu Tân, tức Bến Nghé, tức Sài Gòn.

(U tình lục – Hồ Biểu Chánh)

 Nhận xét tản mạn về Tchekov

Không việc gì phải lo tìm bằng được những cốt truyện cho thật lắt léo. Những truyện ngắn mà anh gửi cho tôi toát ra một vé giả dối ghê gớm.  Cốt truyện không thể có được.

Đừng cố viết khi óc lười nghĩ. Hãy chỉ viết không quá hai truyện ngắn trong một tuần rồi tìm cách thu bớt nó lại. Đừng viết về những đau khổ mà anh chưa từng trải qua, đừng vẽ nên những khung cảnh mà anh chưa nhìn thấy, vì trong truyện sự giả dối hiện ra còn tẻ nhạt hơn nhiều, so với khi trò chuyện.

(Sổ tay truyện ngắn – Vương Trí Nhàn)

 Chữ và nghĩa

Ở miền Bắc có một loài cá giống và to bằng cá chép, nhưng có đặc điểm là tươi rất lâu tên là cá rói. Dù bị bắt ra khỏi nước từ sáng đến trưa cá vẫn còn tươi nên có thành ngữ tươi như cá rói, về sau tỉnh lược thành tươi rói.

(Vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt – Lê Trung Hà)

Chữ là nghĩa

Chúng ta chỉ có thể giải đáp câu trên dựa vào cuốn Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản cách đây trên 110 năm. Trong sách này, tác giả ghi bánh vú bò và giải thích vì bánh đổ vào chén, trông giống như cái vú con bò. Về sau rút gọn thành bánh bò. Ðây là hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ.

(Vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt – Lê Trung Hà)
Mén

Mén: vật mới sinh

(dế mén, nhái mén)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 Chữ nghĩa làng văn

 Điều đáng sợ nhất của văn chương ta là căn bệnh nhạt. Đó là căn bệnh trầm kha, nguy hiểm vì rất khó chữa. Nó không phải là cái xấu để người ta có thể dễ nhận biết và loại bỏ. Nó chỉ nhạt nhèo, không có sắc thái và cá tính. Nó yếu đuối, không có sinh khí, nhưng lại có sức mạnh trong việc làm băng hoại mọi sự sáng tạo.

Thêm nữa, bấy lâu nay, không ít người cứ dị ứng với loại truyện người tốt việc tốt. Thậm chí có người còn cực đoan cho đó không phải là văn chương thứ thiệt.

(Nguyên Ngọc – Trần Đăng Khoa)

Về Tchekov

 Tchekov nổi tiếng về truyện ngắn hóm hỉnh viết rất ngắn. Nhưng nói chung so với truyện ngắn thì Tchekov vẫn cứ là người còn dài dòng về truyện ngắn. Truyện ngắn cô đọng nhưng vẫn đủ chỗ để đi vào tâm lý, vào cái cõi của nhân vật.

Như trong truyện số 60 đó chẳng hạn chỉ vẻn vẹn có 18 dòng mà phần lớn lại là đối thoại. Khuôn khổ truyện ngắn số 60 ấy (tức là truyện một cái giắm, đầu tiên không thối, rồi cuối cùng mới thật là thối hoắc) đã chật hẹp như vậy, mà vẫn chứa nổi ba nhân vật, mỗi nhân vật đều có tâm lý, có chuyển cảnh….

Bàn về truyện ngắn thì thành công về kỹ thuật, về nghệ thuật dựng truyện ngắn, rất kiệm lời và ý ở ngoài lời thì rất nhiều.

(Nguồn: Nguyễn Tuân)

 Chữ Việt cổ

 dối em: ru em

 (Phạm Xuân Độ)

Khóc chồng (*)

Thiếp từ thuở lá thắm xe duyên, khi vận tía lúc cơm đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ;

Chàng ở dưới suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh (1)

(*) Tương truyền cụ Nguyễn Khuyến làm hộ cho vợ một người thợ nhuộm khóc chồng

(1) trong hai vế đối này, nhà thơ đã dùng những tiếng: “ thắm, tía, đen, điều, đỏ, vàng, hồng, trắng, tím, xanh …” hầu hết màu sắc để tả nghề thợ nhuộm .

Meo

Meo: xanh xám, bụng rỗng

(mốc meo, meo cau: phấn xanh nổi ở thân cây cau

đói meo, đứng lên ngồi xuống lại nằm meo)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Lạy anh em đi lấy chồng

Hỡi anh, chồng cũ tôi ơi anh có khôn thiêng thì xin anh trở dậy mà ăn xôi nghe kèn !!!

Giầu thì thịt cá cơm canh khó thì cơm rau đĩa muối lạy anh em đi lấy chồng

Hỡi anh chồng cũ tôi ơi ! anh có khôn thiêng thì xin anh trở dậy mà ăn xôi nghe kèn

Miệng em khấn chứ tay em bái, đầu em cúi cái môi em nói trước cái khung hình anh

Thịt xôi chuối chứ nhang hương khói rồi đàn đê phách cái chân khua rối khiến trái tim em bồi hồi. Ngoài mồ cỏ đã lên xanh đã tròn 3 năm tang chế lạy anh em đi lấy chồng.

Hỡi anh, chồng cũ tôi ơi! anh có khôn thiêng thì xin anh đừng giận để em đi lấy chồng

Chữ là nghĩa

Tại sao có từ bồ bịch, nghĩa là nhân tình? Nguyên trước đây có một từ ghép bồ bịch, chỉ hai nông cụ. Bồ là dụng cụ đựng lúa, có đáy; còn bịch cũng là nông cụ đựng lúa nhưng là tấm ví khoanh tròn, không đáy vì lấy nền nhà làm đáy. Do đó, ca dao VN có câu:
Bởi anh chăm việc canh nông
Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài.

Chúng tôi gọi đây là hiện tượng mượn âm.

(Vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt – Lê Trung Hà)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search